Đôi nét cương yếu về thi học [9]




9.

Vừa vào khỏi ngõ Đạo Thành đã la lớn:
-  Lão Vườn không “tận kỷ”. Tại sao hôm trước chỉ dùng thơ Ngũ Ngôn để chỉ bệnh chớ không dùng thơ Thất Ngôn?
Biết ông bạn mắng khéo là “bất trung” vì không hết lòng làm cho người thông đạt cũng như mình, lão bèn mượn chữ “thứ” mà trả đũa:
-  “ Kỷ sở bất dục” mà lại đem “thi ư nhân”, Hành vi ấy có hợp với “Đức Khổng Tử nói rằng” chăng vậy? (1)
-  Tôi vu oan cho Lão Vườn sao?
-  Chính thế. Vì Thẩm Ước đã rút tám bệnh kia ở trong thơ Ngũ Ngôn ra, mà buộc lão dùng thơ Thất Ngôn để chứng minh thì xin ông bạn xét lại xem có “thượng tôn luật pháp” chăng?
-  Chẳng lẽ thời Trầm Ước không có thơ Thất Ngôn ư?
Nhận thấy Đạo Thành cũng như một số thân hữu đến thăm Vườn, ít đọc văn học sử Trung Hoa, nên không biết đến lịch trình tiến triển của thơ Trung Quốc, lão phải lặp lại những nét đại cương mà trước đây lão đã trình bày: (2)
-  Từ đời Hán trở về trước thơ Tứ Ngôn thạnh. Đời Nguỵ và đời Lục Triều thơ Ngũ Ngôn thạnh, Thất Ngôn chỉ dùng làm những bài Nhạc Phủ. Qua đời Đường, thi nhân mới dựa theo luật Tứ Thanh Bát Bệnh của Trầm Ước điển chế ra luật thi. Từ đời Đường trở về sau, thơ Thất Ngôn thịnh hàng hơn thơ Ngũ Ngôn.
-  Như vậy Bát Bệnh có áp dụng cho thơ Thất Ngôn chăng?
-  Có nhưng vị trí và bệnh lý phần nhiều bị thay đổi. Bệnh BÌNH ĐẦU và THƯỢNG VỸ trong thất ngôn không còn là bệnh của từng cặp sanh ra, như trong thơ Ngũ Ngôn.
BÌNH ĐẦU trong Thất Ngôn sanh ra do 2 chữ khởi đầu của Khai Thừa, hoặc của Thừa Chuyển, hoặc của Chuyển Hiệp, đồng một loại từ với nhau. (3)
Ví dụ bài ĐI THI TỰ VỊNH của Nguyễn Công Trứ:
Đi không chẳng lẽ lại về không
Gánh nợ cầm thư phải trả xong
Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Trong lúc trần ai ai dễ biết
Rồi ra mới rõ mặt anh hùng.

Bốn câu giữa bị bệnh Bình Đầu, vì những chữ Rắp Mượn, Trót Đem, Đã Mang, Phải Có, đều là những chữ đồng một loại với nhau, hoặc ở 4 câu đầu, hoặc ở 4 câu giữa, hoặc ở 4 câu chót. Ví dụ bài TÌNH BIỂN ÉN của Định Phong:
Mối tình biển én dệt văn chương (4)
Nở nụ cười xuân giấc hải đường
Điềm ứng thăng bình non vẳng phụng
Tranh vờn yên cảnh bút sanh hương
Mơ duyên Đằng các buồm theo mộng (5)
Dồi gót Lăng ba ráng điểm hường (6)
Ngày mới dám quên năm tháng cũ
Ô y đầu ngõ bóng tà dương. (7)

Những chữ non vẳng phụng, bút sanh hương, buồm theo mộng, ráng điểm hường, làm cho khúc đuôi của hai liên đọc lên nghe bằng phẳng, như em bé vừa ngủ gật vừa học bài.
Bệnh Thượng Vỹ, căn nguyên nằm tại chữ thứ 5. nếu chữ thứ 5 khác loại thì dù chữ thứ 6 thứ 7 có đồng loại cũng coi là hợp thức, như 4 câu giữa bài Thăng Long Thánh Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thào
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ứng chứng của bệnh Bình Đầu và Thượng Vỹ là thế. Song chớ thấy hai hay ba chữ đầu, một hai ba chữ cuối của 4 câu liên tiếp cùng 1 từ loại, đã vội cho là một bài thơ bị bệnh. Bỡi nhiều khi tài hoà hài của tác giả làm tiêu hẳn bệnh căn. Lão xin dẫn một bài thơ nổi danh của Thi hào THÁI THUẬN đời Lê:
CHIÊU QUÂN XUẤT TÁI
Nam lai trình tận bắc lai trình
Nam bắc na kham trướng biệt tình
Vạn lý Hán thiên ba hữu lệ
Bách niên Hồ địa mã vô thanh
Nhất đoàn la ỷ thương xuân lão
Kỷ khúc tỳ bà tố nguyệt minh
Phân phú quân vương an chẩm thưởng
Sầu thành nhất phiến thị trường thành.
Tạm dịch:
Bắc trình dõi bước dứt Nam trình
Nam Bắc đường chia mối thảm đoanh
Trời Hán muôn dòng hoa xót ngọc
Đất Hồ không tiếng ngựa reo binh
Ao cài xuân muộn bơ phờ dáng
Đàn gảy trăng khuya não nuột tình
Nhắn nhủ cung Rồng yên giấc ngự
Sầu thành một bức vững trường thành.

Bài Hán Văn, cứ trên giấy trắng mực đen mà xét thì bị bệnh Bình Đầu rất nặng, vì đoạn đầu của Hạm liên và Cảnh liên chẳng những có 2 chữ đồng loại mà có đến 4:
Vạn lý Hán thiên...
Bách niên Hồ địa...
Nhất đoàn la ỷ...
Kỷ khúc tỳ bà...
Nhưng từ 500 năm nay, không thấy ai bắt bẻ.
-  Tại sao vậy?
-  Tại vì trong Hạm liên và Cảnh liên, tự loại tuy trùng, song tiết điệu lại khác. Theo ý thơ mạch văn, câu hạm nghỉ hơi ở chữ thứ 2, câu cảnh nghỉ hơi ở chữ thứ 4:
Vạn lý / hán thiên ba hữu lệ
Bách niên / Hồ địa mã vô thanh
Nhất đoàn la ỷ / thương xuân lão,
Kỷ khúc tỳ bà / tố nguyệt minh.
Cặp nấy có thể ngắt làm 3 đoạn, song không êm bằng ngắt làm hai như thế. Về tiết tấu của thơ, có dịp sẽ nói rõ.
Vì tiết tấu thay đổi nên âm điệu được điều hoà, làm tan biến không khí bằng phẳng của những chữ đồng loại đứng ngay hàng nhau.
Đối với bệnh Thượng Vỹ cũng thế. Âm điệu được hài mỹ thì bệnh tự nhiên bị tiêu trừ. Ví dụ bài GIÓ KHUYA trong Mùa Cổ Điển:
Ngọn gió muôn xa đưa đẩy vào
Nửa phòng mây rộng một trăng cao
Sáo dìu dặt nổi rừng dương liễu
Hương chập chờn bay khóm trúc đào
Vàng ngọc nhảy reo câu khiển hứng
Non sông huyền hoặc sắc chiêm bao
Lòng chan chứa biết bao cay đắng
Tan sạch còn lưu chút ngọt ngào.
Rừng Dương Liễu, Khóm Trúc Đào, Câu Khiển Hứng, Sắc Chiêm Bao rõ ràng là triệu chứng của bệnh. Nhưng nhờ chỗ đậu (césure) của Hạm Liên đã không trùng (Hạm đậu ở chữ 4, Cảnh đậu ở chữ 2) mà sóng nhạc của hai câu lại khác hẳn (nhạc của Hạm Liên thì dồn dập, nhạc của Cảnh Liên uyển chuyển), thành ra “chất độc” của sự trùng tự loại tự nhiên bị  "hoá giải” hoàn toàn.
Cũng xin nói thêm 1 điểm nữa về bệnh Thượng Vỹ:
Bệnh Thượng Vỹ gốc ở chữ thứ 5 như  trước đây đã nói. Chữ thứ 5 của cặp trên không đồng loại cùng chữ thứ 5 ở cặp dưới thì dù chữ thứ 6 thứ 7 có cùng một loại cũng “thông qua”. Nhưng nếu chữ 5 năm của cặp trên cặp dưới mà đồng loại thì dù chữ thứ 6 thứ 7 có khác loại cũng bị coi là bị bệnh, vì đọc nghe vẫn không êm dịu thảnh thót:

VIẾNG LĂNG MAI ANH HÙNG
Lưng ngựa ba đông dặm chiến trường
Hoành Sơn đá chất nghĩa Cần Vương
Mây tuôn Linh Đỗng hồn oanh liệt
Sóng dội Côn Giang chí quật cường
Vòi vọi hiếu trung bia chuốt ngọc
Làu làu thư kiếm sử hồng hương (7)
Trăng lên ba biểu chờ tin hạc
Một nén tinh thành gió bốn phương
Bốn câu đầu khỏi bị bệnh Thượng Vỹ là nhờ điệu câu thứ 2. Bốn câu giữa, dù chữ thứ 6 thứ 7 không đồng loại, song vì chữ thứ 5 đều là danh tự đứng hàng dọc thẳng băng như lính tập hợp nơi vận động trường, lại thêm liên nào cũng nghỉ hơi ở chữ thứ 4, cho nên điệu thơ bằng phẳng (mo-notone) như điệu đàn cò kéo đi kéo lại hoài.
Bài Viếng Lăng Mai Anh Hùng chẳng những bị bệnh Thượng Vỹ mà còn bị bệnh HẠC TẤT.
Bệnh Hạc Tất trong Thất Ngôn nằm ở chữ thứ 4 và thứ 7 trong Ngũ Ngôn nằm ở chữ thứ 2 và thứ 5.
Chữ thứ 4 và thứ 7 Thất Ngôn chữ thứ 2 và thứ 5 của Ngũ Ngôn được cùng một thanh và nhất là chữ Trường Bình. Nhớ câu năm nọ như ngày nọ nghĩ đến bao giờ khóc bấy giờ.
-      Hiên quay vào núi mây giăng gấm
Cữa sát bên đình gió thoảng trầm

-      Rừng um cổ thụ xôn xao quạ
Cỏ ngập hoang thôn đủng đỉnh nai
Bệnh Phong Yêu ở Ngũ Ngôn không có. Ơ Thất Ngôn, bệnh nằm ở chữ thứ 2 và thứ 7,
-      Tiếng quạ bên song nghe đã rộn
Mặt trời gác núi ngắm thêm buồn

-      Lạnh lẽo rêu xanh in dấu cũ.
Bơ vơ én tía liệng hiên không
Phong Yêu cũng như Hạc Tấc bệnh nặng nhất ở những câu hạ vần:
Câu thì thẳng đơ như khúc gỗ. Câu thì dùn như  giây đàn lỏng trục. Nghe không sướng tai.
Nhưng không phải luôn luôn là bệnh mỗi khi chữ thứ 4 điệp thanh cùng chữ thứ 7 (Hạc Tấc):
-      Bụi nhờn mặt trắng da đen sạm
Tuyết nhuộm đầu xanh tóc bạc phơ
                                         Tản Đà
-      Khói lồng sắc đá non phơi gấm
Chùa nức hơi hương biển kéo mây
                                          Bà Bang Nhãn
Những câu này âm điệu hoà hảo. Không bệnh là nhờ biết cách hoà hài.
Câu của Tản Đà vế trên không bệnh. Vế dưới nhờ chữ thứ 3 là tiếng trường bình làm cho chứng bệnh tiêu tan.
Câu của bà Bang Nhãn cả hai vế đều mang trạng thái của bệnh. Song vế trên nhờ nhiều tiếng đoản thượng nâng điệu thơ lên cao khiến bệnh không cần chữa mà tự nhiên khỏi. Ba chữ KHÓI ĐÁ GẤM đứng sừng sững như ngọn núi cao vút trong dãy Thất Sơn mấp mô lên xuống. Chữ Sắc đứng kề chữ Đá lại còn giúp cho “ngọn núi trung ương” thêm nguy nga đồ sộ. Câu thơ cả hình lẫn thanh điệu xông xảo. Nghệ thuật thật là cao! Còn vế dưới nhờ chữ thứ nhất là tiếng Trường Bình vừa giải trừ được bệnh, vừa giữ cho điệu thơ cao bằng điệu vế trước.
Vế trước có thể gọi là độc đáo. Vế sau Bà Bang Nhãn cũng như Tản Đà tiên sinh, đã học phương chữa bệnh của cổ nhân:
Thanh phong giang thượng thu phàm viễn
Bạch Đế thành biên cổ mộc sơ
                                         Cao Thích
Tạm dịch:
Buồm thu nương ngọn thanh phong tếch
Cây cỗi ven thành Bạch Đế sưa.

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc
Hình thế không lưu bách chiến danh
                                          Nguyễn Du
Tạm dịch:
Nước vững nghìn thu đời chửa thấy
Thế đương trăm trận tiếng còn lưu.
Đạo Thành:
-  Như thế bệnh Phong yêu Hạc Tấc đều dễ trị.
-  Biết cách trị thì không khó. Bằng không thì chẳng những không khỏi mà còn bị trúng thuốc. Bệnh nào cũng thế chớ chẳng riêng gì bệnh Phong Yêu.
-  Còn bệnh Bàng Nựu và Chánh Nựu?
-  Hai bệnh nầy trong Thất Ngôn cũng không khác Ngũ Ngôn:
Trưa mai trở lại trường Hưng Đạo
Lấy hết bài hay để học thêm
Đó là Chánh Nựu
Trong hai câu này mỗi câu đến 3 chữ điệp âm: Bệnh khá nặng song chỉ có hai chữ điệp âm ở cách nhau, nhất là ở vào những chữ nhì tứ hay tứ lực, thì bệnh cũng phải cần chữa:
Cảm thương Hoà Thượng chùa Long Khánh
Vừa đến Nha Trang bị trúng phong.
Nghe lắp bắp lặp bặp như tiếng bánh xe gỗ chạy trên đường có nhiều đá trái nằm lăn lóc.
Bệnh Bàng Nựu ở Thất Ngôn ít ai để ý vì chữ điệp âm cách nhau có hơi xa:
Bến xưa người cũ không qua lại
Hoa vút theo xuân nở lạnh lùng.
Khi hai tiếng đồng âm mà vần với nhau thì được khoan thứ, cho là hợp thức:
Trách cái tằm xuân nhả mối tơ
Làm cho bối rối mối tương tư.
                                         Tản Đà
Và không còn là bệnh, khi hai chữ đồng âm vần với nhau mà một thuộc trường thanh, một thuộc đoản thanh:
Đêm suông suông lắm cái suông suồng
Suông bạn suông tình rượu cũng suông.
Bệnh Bàng Nựu Chánh Nựu không nặng bằng Tiểu Vận Đại Vận.
Đại Vận dễ thấy vì nằm vào chỗ yếu điểm của thơ: Vần. Còn Tiểu Vận dễ mắc vì ít ai để ý bởi ảnh hưởng đối với âm không lớn lao bằng Đại Vận.
TIỂU VẬN  trong Ngũ ngôn nằm ở chữ thứ 2 và thứ 4. Trong Thất Ngôn, bệnh nằm ở chữ thứ 2 và thứ 6 hoặc chữ thứ 7.
Nằm trong câu không gieo vần, bệnh không quan ngại lắm:
-      Cảnh cũ nhiều phen thay chủ mới
Đường xa kinh nỗi suốt đêm thâu
                                         Tản Đà
-      Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương.
                                         Thượng Tân Thị
-      Tấm thân vì nước gian nan mược
Gánh nợ làm trai nặng nhọc đành.
                                          Khuyết danh

Nhưng bệnh nằm trong câu gieo vần thì nên “mời bác sĩ”.
-      Khói toả hồn hoa hoa lẩn quẩn
Mây lồng bóng nguyệt nguyệt long lanh (8)
Câu nầy nhờ chữ hoa chữ nguyệt lặp đi lặp lại gây âm hưởng vui tai làm khuất bớt bệnh trạng. Có thể bỏ qua được. Đến như câu sau đây, thì không nên sợ “tốn công tốn của”:
-      Gió lọt song khuya hàng sáp chã
Mưa dầm đêm quạnh ruột tằm khô
Lại càng phải lo chữa khi cả hai vế tiếp nhau đều có bệnh:
-      Mùi hương chợt thoảng trong sương sớm
Nhớ hẹn năm xưa luống thẹn thùng.
Cũng thuộc về bệnh tiểu vận, hai hay nhiều chữ đồng vận nằm gần nhau, mặc dù ở ngoài nơi cấm kỵ:
-      Trời tây ác rũ mây về núi
Nương quạnh hương theo gió lọt rèm.

-      Lòng thơ những lúc mơ người cũ
Mực dẫn tràn hương bút vẫn khô!

-      Tuổi già khó nỗi đền ơn nước
Lệ thảm tuôn khi cảm việc đời

-      Luỹ xưa rậm rạp mây xây núi (9)
Phố cổ đìu hiu lá đổ mưa.

Các câu bị bệnh tiểu vận đọc lên nghe mường tượng như tiếng nhái của lũ trẻ tinh nghịch. Người đã quen cùng những giọng thanh tao lịch sự không mấy vui tai.
ĐẠI VẬN, bệnh nặng nhất khi nằm ở chữ thứ 4 và chữ thứ 7 câu gieo vần, tức là chữ thứ 4 đồng vận cùng vần câu thơ:
-      Mưa sa nước chảy lên cao ở
Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi
                                         Tú Quì
-      Thôi thôi dại sớm thời khôn sớm
Nhắn kẻ chưa què chớ vội khoe
                                          Định Phong
Chữ thứ hai mà đồng vận cùng vần câu thơ cũng nên tránh vì thanh vận bị giảm:
-      Gầy gọ gió sương tùng thế miếu
Bẽ bàng trăng nước trúc Hương Giang
                                         (Q.T.)
Đó là bệnh tiểu vận không nặng, song Chu Lang không vừa lòng. Nhưng vì ý nên có khi đành phụ lòng tri âm.
Nói tóm lại là tám bệnh của Trầm Ước tìm ra trong thơ Ngũ Ngôn vẫn có trong thơ Thất Ngôn luật thi, mặc dù Luật đã được điển chế. Nhưng sang Thất Ngôn 2 bệnh Bình Đầu và Thượng Vỹ không còn thuộc về Thanh mà trở thành bệnh của Tự loại không khéo dùng ở câu đầu và câu thơ. Thành ra âm, thanh, vận chỉ còn mỗi thứ 2 bệnh.
Đạo Thành:
-  Ngoài 8 bệnh của Trầm Ước, lão vườn có thấy bệnh nào nữa chăng?
-  Những thi nhân học giả sanh sau Trầm Ước và sanh trước kẻ hậu sanh này, còn tìm thấy đến vài chục bệnh nữa. Nhưng đối với tất cả mọi bệnh, hễ nội công ngoại kỷ mà luyện cho cao độ, thì không cần đến lương y. Tuy thế người mới bước vào làng thơ cũng nên biết mấy bệnh thông thường nầy để tránh: Khổ độc, điệp âm…
Bệnh Khổ độc nhiều người thường mắc lắm, vì nằm trong số chữ bất luật của Luật thơ. Ở Ngũ ngôn thì bệnh nằm ở chữ thứ nhất. Ở Thất Ngôn bệnh lại nằm ở chữ thứ 3. Chử thứ nhất của Ngũ ngôn, chữ thứ 3 của Thất Ngôn, tiếng đáng Trắc đổi ra bằng thì được, song tiếng đáng bằng mà đổi ra trắc thì sanh bệnh ngay:

VỊNH HAI BÀ TRƯNG
Một dạ em cùng chị
Hai vai nước với nhà
Nêu cao cờ độc lập
Muôn thuở đức hai bà
                               (Khuyết danh)
Đó là bài Ngũ Ngôn không bệnh. Nếu chúng ta thử đổi bằng ra trắc ở những chữ thứ nhất của các câu thì liền thấy khó đọc:
Một dạ em cùng chị
Nặng vai nước với nhà
Dựng cao cờ độc lập
Vạn thuở tiếng hai bà.
Những người không rành thanh luật, xem qua hai bài cũng nhận được chỗ hơn kém.
Còn Thất Ngôn thì như câu luận trong bài Chê Gái Lấy Chồng Già của cụ Nguyễn Đức Nhuận:
Liên Kiều thước bắt so le nhịp
Sơn dác ngựa đua hụt chạt roi.
On Đình Quân đời Đường có một câu thơ được truyền tụng nhưng vì đọc trại thanh ở chữ thứ 3 của một vế mà thành hư câu thơ:
Dạ văn mãnh vũ phan ba tận
Hàn luyến trọng khâm giác mộng da.
Câu đó phải đọc:
Dạ văn mãnh vũ phan ba tận
Hàn luyến Trùng khâm giác mộng da.
Vì TRỌNG và TRÙNG là một chữ mà đọc thành 2 tiếng, tuỳ trường hợp mà thay đổi bằng trắc. Người không rành âm điệu không biết tuỳ nghi, làm hỏng câu giai tác.
Đạo Thành:
-  Lão Vườn thử dịch câu ấy ra Quốc Âm.
-  Dịch là diệt. Dịch là phản. Dù có gắng đến đâu cũng không lột được cái hay của nguyên tác:
Đêm gieo mưa nắng hoa tàn tạ
Lạnh quyến mền đôi mộng dập dồn
-  Chữ TRÙNG thay chữ TRỌNG làm cho câu thơ trúc trắc trở thành nhịp nhàng. Cổ Nhân thường nói “Một chữ làm cho câu thơ đương chết thành sống, một chữ làm cho câu thơ đương sống thành chết” là vậy đó.
Đạo Thành:
-  Nhưng tại sao chữ thứ 3 cũng là tiếng trắc mà câu nầy của Lão vườn nghe lại êm tai:
Dìu dặt tiếng ve còn vẳng đó
Vội vàng cánh nhạn rủ về đâu?
-  Vế thứ nhất bị bệnh, nhưng thứ nhất nhờ bệnh nằm ở vế không gieo vần, thứ hai nhờ chữ thứ nhất là chữ trường bình làm giảm bớt sức nặng và chát của tiếng trắc ở chữ thứ 3. Do đó âm điệu câu thơ được điều hoà, giọng nghe êm chớ không xẳng như đọc câu: Réo rắt tiếng ve còn vẳng đó
Còn vế dưới không bệnh
Câu của cụ Nguyễn Đức Nhuận, theo luật là phải:
“Trắc trắc Bình bình trắc trắc vần”. Tức là chữ thứ 3 phải bình. Thế mà cụ lại hạ tiếng trắc là chữ NGỰA cho nên mới khó đọc. Còn câu của lão, theo luật đúng như “Bao công xửa án” kia mà.
Đạo Thành:
-  Rõ là “Tự kỷ văn chương”!
-  Không phải vậy đâu. Câu đó theo luật “Bình bình trắc trắc trắc bình vần”. Chữ thứ nhất đáng bình mà lão để trắc, không phạm luật. Còn chữ thứ 3 là chữ trắc của luật định, lão cũng để trắc, thì bắt tội lão nỗi gì?
Dìu dặt tiếng ve còn vẳng đó
Vội vàng cánh nhạn rủ về đâu. (10)
Thật không bệnh. Vế trên có bệnh nhờ tiếng trường bình là chữ DÌU hoá giải. Còn vế dưới tuy không bệnh, nhưng nếu chữ thứ nhất và thứ nhì không phải là trường thanh (vội:trường khứ, Vàng: tr. Bình, mà là đoản thanh, thì âm điệu cũng không được hài mỹ. Ví dụ câu trạng bài Về Thăm Nhà Cảm tác của lão:
Trống trải ba gian nhà nhện choáng
Ngửa nghiêng bốn mặt dậu bìm leo (11)
Luật bằng trắc câu nầy cũng in câu trên, và vế thứ 2 cũng không có bệnh. Song vì 2 chữ Ngửa Nghiêng, một là đoản Thương, một là đoản bình, khiến câu thơ kém nhạc. Nhạc thơ sẽ trở nên êm ái nếu 1 trong 2 chữ đó đổi ra trường thanh.
Đạo Thành:
-  Vậy sao lão vườn không đổi
-  Chưa tìm ra chữ thích đáng.
- Đã gọi là Bất Luận, mà vẫn không được hoàn toàn tự do sắp đặt bằng trắc!
- Việc thơ cũng như việc đời, có nhiều việc hợp pháp mà không hợp lý, cũng có việc hợp lý mà không hợp pháp. Cho nên Tây triết có câu “Không có qui tắc nào là không có ngoại lệ” (Il n’y a pas de règle sans exception confirme la règle), vì nếu không có qui tắc thì làm gì có ngoại lệ. Bởi vậy áp dụng qui tắc không nên áp dụng một cách máy móc.
- Hãy nói về bệnh điệp âm.
- Trong một câu thơ có nhiều chữ cùng một âm, thì đọc lên nghe lắp bắp (cacophonie), nhất là 3 tiếng điệp âm đứng sít nhau hoặc đứng trong một tiết tấu:
- Trót đã trổ trời đi đến chị
Đành cam đục đất cố cầu anh. (12)

- Mưa tan tác liễu trôi ngần mặt
Móc võ vàng ve tạt bức rèm
                               (Cung Oán Thi)
-      Trách cái tằm xuân nhả mối tơ
Làm cho bối rối mối tương tư
                                         (Tản Đà)
-      Đi không cũng khó đành khiên tạm
Khiên tạm khuôn tròn thật khó khiên
Bệnh Điệp Âm tương tợ bệnh Bàng Nựu, cho nên có thể coi như một cho dễ nhớ.
Để hình dung một ý trừu tượng, để minh thị một dáng dấp tự nhiên, để diễn tả một nhịp điệu…, thi nhân thường lối điệp âm; như câu thơ của vua Tự Đức:
Đua chen trước mắt mây mờ mịt, (13)
Đày đoạ sau thân núi nặng nề
“ Mây Mờ Mịt” vừa tả cảnh đen tối vừa gợi ý rối răm. “Núi Nặng Nề” vừa diễn ý đè nén, vừa vẽ cảnh chập chồng.
Tản Đà tiên sinh cố ý dùng ba chữ “bối rối mối” để hình dung vẻ bối rối của lòng tương tư. Song lão nhận thấy không đạt được ý, nên ghi vào sổ “phong thần” của “viện chữa bệnh thơ”.
Cụ Nguyễn Khoa Vy lại chế bệnh điệp âm thành thể thơ Điệp Âm:
Chạy chữa chai chân chẳng chịu chừa
Chín chìu chua chát chán chê chưa
Cha chài chú chớp chơi chung chạ
Chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ.
Bệnh thơ ví cũng như những cái mắt cái u trên khúc gỗ và người làm thơ giỏi ví cũng như anh thợ chạm khéo. Nhiều khi nhân chỗ tỳ vết của gỗ mà nảy ra tứ, biến bệnh thành lợi. Những cái mắt, những cục u kia được chạm trổ thành những đám mây vương nơi cách chim hạc, hoặc một hòn minh châu làm nổi bật vẻ tranh đấu của 2 con rồng.
Nhưng đó là những tiểu xảo. Đôi khi dùng chơi cho vui chớ không nên lạm dụng.
Còn một bệnh nữa, người làm thơ vô ý cũng thường hay mắc phải. Đó là bệnh Điệp Thanh.
Một câu thơ dùng nhiều đoản thanh quá nhất là đoản bình thanh thì câu thơ nghe ngang chạng, tục gọi là “Đục”. Còn nếu dùng nhiều trường thanh quá, nhất là trường bình thanh thì câu thơ nghe chìm lỉm như tiếng nói của người mắc bệnh sốt rét kinh niên. Cũng có thể nói là một bên quá thẳng, một bên quá dùn, nghe không thích thú:
Mở ngắm tranh xưa thôn vẫn đó
Về tìm trường cũ bạn còn đâu
Vế trên chỉ có một tiếng trường thượng (Vẫn)
Vế dưới chỉ có một tiếng đoản bình (Đâu)
Điệu thơ một bên quá cao, một bên quá thấp.
Bến chiều lạnh lẽo thuyền về chậm
Ngõ vắng lao xao sóc nhảy mau.
Vế trên chỉ có một tiếng đoản khứ (Bến)
Vế dưới chỉ có một tiếng trường khứ (Ngõ)
Thành ra điệu thơ cả hai vế đều không điều hoà.
Về Trường Và Đoản, ở các thanh Thượng, Khứ, Nhập, không quan trọng bằng ở thanh Bình, Trường bình thường làm cho câu thơ mềm yếu, như những câu thượng dẫn. Nhưng lại thường cứu được câu thơ khỏi bệnh.
Ví dụ câu “Mở ngắm tranh xưa thôn vẫn đó”, đoản thanh chiếm hết 6 chữ. Nhưng xét cho kỹ, câu thơ bị “đực” là do nhiều đoản bình thanh. Nếu chúng ta đổi một tiếng đoản bình ra trường bình, hay một đoản thanh nào khác ra trường bình, thì điệu thơ được điều hoà ngay:
-  Mở bức đồ xưa thôn vẫn đó,
-  Nhìn bức tranh xưa thôn vẫn đó.
Còn trong những câu nhiều trường thanh quá thì bớt đi một vài tiếng trường bình câu thơ trở nên cân cái:
-  Về nơi trường cũ bạn còn đâu
-  Tìm về chốn cũ bạn còn đâu.
Vì vậy về bệnh Điệp Thanh, khách thơ chú trọng đến Bình Thanh hơn các thanh khác.
Đạo Thành: - Trước kia tôi lầm tưởng Thanh cũng như Âm, Âm cũng như Thanh. Nay mới rõ là có chỗ dị đồng. Và trước khi biết rõ bát bệnh của Trầm Ước, tôi đã từng nghe nói đến bệnh Điệp Chưởng và bệnh Điệp Sàng Dá Oc. Nhân nghe mấy tiếng Điệp Âm và Điệp Thanh, tôi chợt nhớ đến 2 bệnh ấy. Và biết rằng cũng như Thanh và Âm, hai bệnh ấy có chỗ khác biệt nhau chớ không phải hai lời nói một ý nghĩa. Vậy mong Lão Vườn chỉ điểm.
-  Hai bên đều nói về sự trùng ý. Song Điệp Sàng Dá Oc là bệnh trùng ý của toàn chương hay toàn thiên, ý trùng điệp nhau như giường chồng lên nhau, nhà gác lên nhau. Còn Điệp Chưởng là bệnh trùng ý của hai vế trong một liên, hoặc của hai liên kế cận, như hai bàn tay đấu chưởng.
-  Xin cho vài bài làm mẫu.
-  Nhớ sao nổi những thứ thơ dở! Nhưng cũng may lúc nhỏ lão thuộc được bài thơ PHÁO TRE của một vị tiền bối tục gọi cụ Hương Kiểu ở thôn Nhơn Thuận, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Lời văn đẹp, ý thơ cũng dễ ưa, song hạm liên và cảnh liên đều bị bệnh Điệp Chưởng. Tác giả không tự biết mà phần đông độc giả cũng không ai biết. Mãi đến khi học được chút đỉnh Thi Pháp lão mới biết là bài thơ có bệnh. Không ngờ nay có dịp dùng đến, mới biết là “tiền duyên”:
Đông tàn xuân đã tới đây be
Bốn phía rền vang nổ pháo tre
Mắn tiếng giật mình loài quỉ xó
Nghe hơi mất vía lũ ma hè
Trêu người trướng gấm kinh hồn điệp
Ghẹo kẻ màn loan tỉnh giấc hoè
Trừ cựu mượn chàng vang một tiếng
Mừng xuân muôn cửa chán tai nghe.

Đạo Thành: - Những bệnh lão vườn nói trước đây là những bệnh Ngoại Thương. Hai bệnh tôi nêu ra đó là hai bệnh Nội Thương. Nội cũng như Ngoại chắc còn nhiều lắm. Nhưng thôi, tôi không nỡ biến Vườn Hoa Thơ của lão thành lớp giảng “Thực vật học”, hay Vườn thí nghiệm của Sở Canh Nông, và biến Lão Vườn thành ông giảng viên về các bệnh của thảo mộc.
Hầu mong bổ sung cho những lời bàn của chúng ta nãy giờ lão xin thêm: Muốn cho âm điệu được hài mỹ thì Bình Trắc phải hoà hiệp, Trường Đoản phải thoả thiếp, Hướng lượng phải tương xứng, Dương Ức phải tương ứng (14). Cổ nhân dặn: “Âm vận kỵ tán hoãn, kỵ bức xúc" (15), tức cũng như dây đàn không nên dùn cũng không nên thẳng quá.
Nhưng theo kinh nghiệm bản thân của lão thì lo trau dồi âm tiết không  bằng lo nuôi dưỡng tánh tình. Hễ thần khí sung dũ thì bệnh tự tiêu, lời tự ổn, âm điệu tự điều tiết. Cũng như con người sức khoẻ đầy đủ thì tự nhiên “lương y bất đáo gia”.
__________________________________________________________________
(1)    Cổ nhân giải thích nghĩa chữ TRUNG:
-  Tận kỷ vị chi Trung. (hết mình tức là trùng).
-  Trung: Dục lập nhi lập nhân, dục đạt nhi đạt nhân (Mình muốn đứng vững mà làm cho người cũng đứng vững, mình muốn đạt nên làm cho người cũng đạt như mình).
Nghĩa chữ THỨ: Sở kỷ bất dục vật thi ư nhân (Cái gì mình không muốn chớ nên đem làm cho người) cũng như câu: Ne fais pas à autrui ce que tu ne veux pas qu’on te fit.
(2)    Xem những bài trước đây.
(3) Đây chỉ nói về Thanh điệu chớ không nói về ý thú.
(4) Biển En là Nha Trang, vì biển Nha Trang có nhiều hòn lao có yến sào, nên tục gọi là Hải Yến.
(5) Mượn tích Vương Bột dong thuyền đến Đằng Vương Các.
(6) Mượn tích Bí Phi lướt sóng ở Lạc Phố. Bài thơ Tình Biển En trích dẫn chỉ có mục đích trình cho các bạn thấy rõ bệnh Thượng Vỹ.
(7) Mượn ý câu “ Ô Y hạng khẩu tịch dương tà” để hồi cố lên câu khởi cho đúng phép làm thơ và cũng để gởi chút tâm sự.
(7) Bài nầy văn chương có lực, tình cảnh lại chân thiết, riêng tiếc có bệnh. Nếu sửa lại câu cảnh liên được thì quí lắm.
Lăng anh hùng Mai Xuân Thưởng ở trên triền Hoàng Sơn quận Bình Khê. Phía NÂm có Kinh Đỗng là mật khu của nghĩa binh Cần Vương, phía Bắc có sông Côn chảy cạnh làng anh hùng. 
(8) Đây là 1 câu trong tập CUNG OÁN THI chưa rõ tác giả là ai. Có người bảo là của On Như hầu song không dám tin.
(9) Nếu những chỗ bị bệnh mà câu trên câu dưới đều bệnh cân nhau thì hết bệnh, vì là sự cố ý của tác giả: Ví dụ trên “ mây xây núi” mà dưới “ lá rã mưa”.
(10) Câu này còn nhiều điểm dễ thương  về âm điệu, nhưng vì ở  đây chỉ nói về bệnh, nên không dám dài dòng.
(11) Khoảng 1937 - 1938 Tản Đà Tiên Sinh đã bảo tìm chữ sữa lại, song mãi đến nay vẫn chưa tìm ra chữ vừa ý.
(12) (13) Hai câu: “ Trót đã… Đành cam…” để riêng ra thì mới bị đánh, còn để chung lại thì được chấp nhận bỡi vì nhờ bệnh đối với bệnh rất chỉnh. Hai câu của vua Tự Đức cũng thế. Nếu vế trên để là “ mây tan tác” thì vế dưới bị bệnh nặng nề.
Câu “ Trót đã.. Trổ trời” đã bị bệnh điệp âm ở những chữ 1,3,4, lại còn bị bệnh ở những chữ 2, 5, 6. Thế mà nhờ đối khéo nên được hưởng 2 chữ “ bình an”.
Cho nên đối ngẫu cũng là 1 lợi khí trong việc điều khiển âm thanh.
(14) Xem thêm bài số 10 ở sau, điền này có nói lại bốn lần nữa.
(15) Tán hoãn: Rời rạc chậm chạp
Bức xúc: Gấp rút hối hả như bị bức bách.