Trong vườn hoa thơ Bài 08-Cành hoa đỗ quyên


CÀNH HOA ĐỖ QUYÊN

Khách cùng Lão đương dạo Vườn thì nghe cuốc kêu nơi bờ lách. Khách cao hứng ngâm bài ĐÊM NGHE CUỐC KÊU của Tam Nguyên Yên Đỗ:
Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi
Hay là nhớ nước phải nằm mơ
Thâu đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.
Ngâm rồi hỏi:
-      Lão Vườn có công nhận là một danh hoa chăng?
Vốn theo thuyết “văn hoành công khí”, lão không ngần ngại, đáp:
-      Tam Nguyên Yên Đỗ là 1 tay thi bá. Cụ có nhiều giai tác lưu thế. Song bài này chưa chắc là của cụ và theo ý lão, chưa có thể liệt vào hàng danh ba. Lão chỉ thích có cặp trạng, nhưng không phải cặp trạng ông bạn vừa đọc mà cặp trạng lão được nghe truyền:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
    Muôn dặm hồn tan bóng nguyệt mờ.
Khách trợn mắt:
-      Sách nào cũng chép là “sáu khắc hồn tan” kia mà.
Lão cười:
-      Những sách ấy có phải do Nguyễn Khuyến in ra chăng? và người in những sách ấy có in theo bản thảo do tự tay  tác giả viết ra chăng?
-      Chẳng lẽ tất cả các sách đều sai?
-      Cổ nhân dạy rằng “tận tin thơ bất như vô thơ”,
-      Vậy thì tin vào đâu?
-      Tin vào lẽ phải sau khi đã suy xét kỹ càng. Chúng ta chớ quên rằng ngày xưa các cụ làm thơ Quốc âm chỉ để tiêu khiển, chớ ít người coi là sự nghiệp văn chương, nên làm rồi đọc nghe chơi chớ không mấy khi chép lại. Những bài đặc sắc được truyền từ miệng người nầy sang miệng người nọ, rồi từ đời nầy sang đời nọ, không khác gì những câu ca dao… Cũng có người cẩn thận ghi chép vào giấy. Nhưng ghi đi chép lại nhiều lần thành "tam sao thất bổn”. Đến khi chữ quốc ngữ thịnh hành, những người yêu văn thơ xưa ra công sưu tầm đăng lên sách báo. Song nghe sao chép vậy thấy sao chép vậy chớ không biện biệt thị phi, cho nên có lắm câu sai hẳn nguyên tác, sai có khi đến vô nghĩa. Bởi vậy nếu tin vào sách, nhất là sách do những người in ra chỉ nhằm mục đích tài chánh chớ không phải để bảo tồn di sản tinh thần của ông cha, thì không nên tin như Thuý Kiều đã tin Hồ Tôn Hiến.
Khách tỏ vẻ chưa hoàn toàn đồng ý. Lão tiếp:
-      Chẳng những thơ văn của người xưa mới bị cảnh tam sao thất bổn. Những nhà văn thơ hiện đại cũng thường bị “người ngoài” làm sai văn thơ mình, hoặc vô tình hoặc hữu ý. Lão xin lấy lão làm điển hình, và đơn cử ra 1 trường hợp:
Bài ĐÊM TÌNH trong MÙA CỔ ĐIỂN in năm 1941 cũng như trong bản in lại năm 1960, câu kết là:
Phòng hương thương kẻ ngồi nương triện
Tình gởi mây xa lệ ngập ngừng.
Khách hỏi:
-      Sao lão không cải chính?
-      Sách ra đã ba năm nay, mà anh Trần Thúc Lâm mới cho biết đây, thì cải chính sao kịp nữa. Huống hồ chữ sai ấy không có hại đến ý nghĩa câu thơ bao nhiêu.
Đó là thơ mình in vào sách người, có chỗ sai là việc thường. Đến thơ mình in nơi sách mình mà vẫn có chỗ sai mới là việc “bất thường”. Lão cũng xin lấy lão làm chứng, mặc dù biết rằng “cái ta là cái đáng ghét”:
Trong MÙA CỔ ĐIỂN do Tân Việt xuất bản năm 1960, lão có thêm một số bài làm thời Kháng Chiến chống Pháp (1945-1954). Trong đó có bài BỊ AN TRÍ câu phá vốn là:
quá mà vô cải hoá đường.
Thợ in lại sắp lộn là:
hoá mà vô cải hoá đường.
Khách hỏi:
-      Lão không xem morasse sao?
-      Lão đâu có ở Sài Gòn mà xem. Giao cho nhà xuất bản lo lấy. Đến khi in xong, lão cũng có xem qua, song không thấy. Bởi lắm khi sách để trước mặt mà mắt lại đọc bản thảo ở trong lòng! Vừa rồi ông bạn Phan Ngọc Châu ở Saigon viết thư hỏi lai lịch chữ “Vô hoá" Rằng: “Có phải từ ngữ tôn giáo chăng? Nhưng nhất định là không phải “nan hoá” (phụ nhân nan hoá). Có bạn đã đoán là “vô quá”, với ý nghĩa là không có lỗi lầm mà bị đưa đi cải hoá. Đó là phỏng đoán… chớ biết đâu tác giả dùng chữ: “vô hoá” là có xuất xứ hẳn hoi, để nói mình là hạng người mà không có thế lực nào có thể biến hoá tư tưởng được?”
Lão bật cười: “Vì một chữ in sai mà làm phiền người đọc đã dữ!,”
Lão phải đem “kinh nghiệm bản thân” ra để cho quí khách thấy rõ rằng không nên tận tín thơ.
Khách hỏi vặn:
-      Như vậy câu “muôn dặm hồn tan bóng nguyệt mờ” của lão vườn đưa ra có đúng với nguyên tác chăng?
-      Lão đâu dám quả quyết vì lão đầu thai sau cụ Yên Đỗ đến nửa thế kỷ và chưa hề thấy bút tích của cụ. Nhưng nếu đem so sánh câu “muôn dặm..” với câu “sáu khắc..” thì những người có trí phán đoán chắc không ai không công nhận rằng câu “muôn dặm” hơn hẳn câu “sáu khắc”.
Trước hết chúng ta xét về chữ “sáu khắc..”. “Năm canh..” mà đối “sáu khắc” thì quá tầm thường mà cụ Yến Đỗ không phải là tay tầm thường.
Khách phản đối:
-      Năm canh là đêm, sáu khắc là ngày. Đối chỉnh cả chữ lẫn ý. Như thế là tuyệt chớ sao gọi là tầm thường?
Lão cười:
-      Ông bạn chắc nhớ chuyện “bà quán ra đối cho thầy tú”?
-      Không nhớ. Xin cho nghe.
-      Một thầy tú ngủ trọ nơi một quán cơm, không có tiền trả cho bà quán. Bà quán đề nghị: “Tôi ra cho thầy một câu đối, nếu đối được thì xí xoá tiền trọ tiền cơm”. Thầy tú chấp thuận. Bà quán ra đối:
Sớm mai gà gáy ó o
Thầy tú thức dậy mà lo tiền hàng.
Thầy tú nói: “Để bà dễ nhớ, tôi đối từng chữ một, chịu không?” Bà quán chịu.
Thầy tú: “Sớm mai”, tôi đối với “chiều tối”, “gà gáy ó o” , tôi đối với “heo kêu ụt ịt”, được không?
Bà quán: Được.
Thầy tú: “Thầy tú”, tôi đối với “bà quán”, được không?
Bà quán: Hay!
Thầy tú: “Thức dậy”, tôi đối với “nằm xuống”.
Không đợi thầy tú hỏi “được không” bà quán gật đầu tán thưởng. Thầy tú cao hứng tiếp:
-      “Mà lo” đối “Mà lắng”. “Tiền” đối “gạo”, “Hàng”, đối “Lụa”. Chỉnh không?
Bà quán hoan hỷ đáp:
-      Tuyệt.
Thầy tú xách dù đi nhanh. Ngồi một mình bà quán lẩm bẩm đọc lại câu đối và gật gù khen:
-      “Sớm mai gà gáy ó o”  mà đối “ Chiều tối heo kêu ụt ịt” thì giỏi thật. Đáng đậu tú tài. Còn “Thầy tú thức dậy” mà đối “bà quán nằm xuống” thì thật hợp cảnh hợp tình. Ý vị!
Đến đó bà quán trầm ngâm giây lát rồi vụt thét:
-      “Bà nằm xuống” tưởng nằm xuống làm giống gì, chớ nằm xuống mà.. mà… mà “lắng gạo lụa” là cái quái gì? Hỡi thầy tú?
Khách cười nhưng lại mắng:
-      Lão vườn ba hoa quá!
Lão đáp:
-      Gỏi gà phải trộn rau răm, xáo thỏ phải thêm đậu phụng, mới thích khẩu chứ. Huống nữa lão phải dông dài để ông bạn thấy rằng cũng vì cứ lo việc đối chọi mà có lắm người quên nghĩ đến ý nghĩa câu thơ, thường tạo ra những bài thơ không hồn, khiến các nhà Thơ Mới có cớ để mạt sát thơ Đường Luật. Lưu Trọng Lư bảo rằng làng thơ cũ chỉ chú trọng đến việc đối chọi “con chó đi ra, con gà đi lại”.
-      Họ Lưu vơ đũa cả nắm!
-      Cũng bởi mình có đũa, nên họ mới vơ được. Chớ nếu không vết thì tha hồ cho người thổi lông.
Lão nói thêm:
-      Cổ nhân đặt ra phép đối trượng trong luật thơ là cốt để cho câu thơ được thăng bằng, điệu thơ khỏi bị lệch lạc. Cổ nhân nặng phần ý hơn phần chữ. Cho nên khi ý cân xứng mà chữ đối không chỉnh cũng không sao. Ví dụ câu sau đây của Tam Nguyên Yên Đỗ:
Bạn già lớp trước nay còn mấy.
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như.
Sợ lão dông dài thêm, khách chận lại:
-      Hãy trở lại cùng “năm canh” và “sáu khắc”.
-      Lão nói: “sáu khắc” đối với “năm canh” là tầm thường, vì ai đối chẳng được, hà tất phải cụ Yên Đỗ. Thêm “thời gian” đối với “thời gian” còn lý thú gì nữa? Huống hồ ông bạn nghĩ xem cụ Yêu Đỗ nghe cuốc kêu lúc nào?
-      Nghe lúc ban đêm, vì câu bảy nói “Thâu đêm ròng rã kêu ai đó”.
-      Như vậy sao dùng chữ “sáu khắc” là ban ngày?
-      Có người giải rằng “con cuốc kêu ra máu suốt đêm (năm canh) đến sáng ngày (sáu khắc) máu khô lăn ra chết (hồn tan)”.
-      Đó là cưỡng giải. Đương còn đêm mà sao đã biết đến việc ban ngày chưa tới?
-      Theo tôi thì tác giả nhân cảm xúc vì tiếng cuốc lúc ban đêm mà liên tưởng đến tiếng cuốc lúc ban ngày.
-      Như thế thì mạch thơ bị đứt, trạng luận không chuyển tiếp nhau. Để ông bạn dễ lãnh hội, lão xin hỏi: Ba chữ “Bóng nguyệt mờ”, tác giả có thác ý hay chỉ dùng để tả cảnh mà thôi?
Khách ngẫm nghĩ hồi lâu rồi đáp:
-      Nhất định tác giả có thác ý.
-      Vậy chúng ta xét thử: Tại sao bóng nguyệt mờ? Có phải vì tiếng cuốc kêu chăng?
-      Phải.
-      Trong đêm khuya, vừa nghe tiếng cuốc kêu vừa thấy bóng trăng mờ, mà bảo rằng trăng mờ do cuốc kêu, thì không ai bắt bẻ được. Chớ ban ngày không có tiếng cuốc kêu, bóng trăng cũng vẫn mờ kia mà. Nếu nói "ban ngày tiếng cuốc kêu, hoặc hồn cuốc tan ra làm mờ bóng trăng” thì các em bé nghe cũng phải cười vậy.
Đó là nói lý.
 Còn về ý, theo tôi thì tác giả dùng “bóng nguyệt mờ” để diễn tả ảnh hưởng của tiếng cuốc đối với vũ trụ mà mặt trăng là phần tử nổi bật lúc ban đêm và ở xa chúng ta muôn dặm. Cho nên chữ “muôn dặm” để vào câu thơ thật là đắc địa:
Muôn dặm hồn tan bóng nguyệt mờ”.
Câu “Năm canh máu chảy…” nói về thời gian.
Câu “Muôn dặm hồn tan…” nói về không gian
Chữ “năm canh” ngậm ý liên tục, không ngừng của tiếng cuốc.
Chữ “muôn dặm” ngậm ý thần giao cách cảm của những tâm hồn giống nhau.
Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Muôn dặm hồn tan bóng nguyệt mờ
Lời đã chỉnh ý lại hàm súc:
Cuốc kêu ròng rã suốt năm canh, kêu không ngừng, kêu không mỏi, kêu đến hầu tuôn ra huyết, hồn tan khắp không gian, đến nỗi vầng trăng ở tận muôn dặm xa cũng phải mờ vì cảm động! Thế mà bốn bề quạnh hiu không có một tiếng lòng đáp lại, dường như không ai thấu nỗi đau khổ của người mất nước mà con cuốc là hiện thân, là tượng trưng! Nhưng không lẽ, vì trăng ở tự muôn xa và không liên hệ chi đến sự tồn vong của đất nước này, mà còn thông cảm được nỗi đau thương trong tiếng cuốc, huống hồ những người chung cảnh chung tình. Biết đâu trong cảnh vắng vẻ của đêm hè lại không có nhiều người xót xa cho cảnh nước mất, khi nghe cuốc kêu như mình, nhưng vì biết rằng bất lực như mình, nên đành lặng tiếng im hơi.
Khách nói:
-      Giảng như thế e đi ra ngoài câu thơ quá xa chăng?
Lão đáp:
-      Những thơ hay đều có ý tại ngôn ngoại, cũng như đàn hay có ngoại huyền chi thanh, món ăn ngon có ngoại vị chi vị. Có nhận thức được những ý ở ngoài lời nói, tiếng đàn ở ngoài giây tơ, vị ngon ở ngoài chất vị, thì mới hưởng được chân thú chân vị luôn luôn ẩn tàng.
-      Còn những câu kia?
-      Không xứng với hai câu này. Kể cũng đáng tiếc. Song một bài thơ, thà được một câu tuyệt tác còn hơn câu nào cũng trung bình.
Khách mỉm cười từ giã.
Ngoài bờ lách, tiếng cuốc vẫn đưa sầu lửng lơ.