Trong vườn hoa thơ Bài 20-Hai nhánh Thiên Thai


HAI NHÁNH THIÊN THAI

Cụ Đào Tấn là một đại gia văn chương tỉnh Bình Định. Tác Phẩm của cụ bị thất lạc quá nửa, vì quí ông con trai mất sớm, cháu chắt không biết quí sự nghiệp tinh thần của tiền nhân.
Cũng may cụ còn hai bà con gái là bà ĐÀO TRÚC TIÊN và bà ĐÀO CHI TIÊN, hai bậc nga my phong nhã, thông Hán tự thạo Quốc âm. Hai bà còn thuộc được một số thơ và một số tuồng hát của cụ cố. Bà Đào Chi Tiên đã ra công ngồi chép lại và đem gởi vào Vườn Hoa Thơ nhờ lão giữ dùm. Lão hết sức cảm động.
Giai phẩm của Đào Tiên công, lão đã trích một ít trình bày lên Vườn Hoa Thơ rồi.
Nay lão xin giới thiệu hai bà Trúc Tiên và Chi Tiên.
Bà Trúc Tiên, ở Bình Định thường gọi là bà Tú Cây Da,vì gia đình bà ở Cây Da (Tuy Phước) và vị phu quân đậu tú tài. Bà nổi tiếng hay chữ, các nho sỹ Tuy Phước, An Nhơn, Bình Khê đều phục tài.
Bà sở trường thơ chữ Hán.
Được nhiều người thuộc là bài:
TRUNG THU CẢM TÁC
Thu nguyệt canh thâm hạo
Mãn đình dạ lan hương
Ly sầu tầm cựu mộng
Hà xứ tả thê lương ? !
Bán chẩm quyên đề lệ
Diêu cầm tấu Tiêu Tương
Cầm thanh hồ minh yết
Hoài nhân bất năng vương
Sầu tư nan thổ tận
Khả uỷ dữ quần phương
Tác giả tự diễn ra Việt Văn:
Canh muộn trăng càng tỏ
Đầy sân lan dạ hương
Sầu xa tìm mộng cũ
Về đâu gởi nỗi buồn !
Gối chích quyên rơi lệ
Đàn rao khúc Tiêu Tương
Tiếng đàn sao ngượng ngập
Nhớ người tơ rối vương
Nỗi sầu khôn tỏ cạn
Cùng hoa khuây nhớ thương.

Thơ quốc âm bà ít hay làm, nhưng một khi đã hạ bút thì văn chương đều thanh lão, như bài thơ dịch trên đây và bài sáng tác sau đây:

XEM HOA ĐÀO NỞ CẢM HOÀI
Bích đào mấy đoá nhuỵ đua tươi
Sau trước nào đâu thấy bóng người!
Biển đổi tang điền thề biển lạnh
Châu lìa Hiệp Phố lệ châu rơi!
Gối xuân lỡ giấc tìm hương cũ
Đoạn thảm cùng ai kể khúc nôi?!
Bông nở làm chi ngơ ngẩn bấy!
Chàng Lưu đã lạc lối Thiên Thai.

Bài Xem Hoa Đào cũng như bài Trung Thu, không phải là những khúc ngâm hoa vịnh nguyệt, mà là tấc lòng gởi gắm vào văn chương.
Cổ nhân có câu: - Ta hồ! Văn chương chi sự, thốn tâm thiên cổ.
Như trường hợp bà Đào Trúc Tiên là một.

Thơ chữ Hán cũng như thơ chữ Việt của bà hầu hết đều theo thể Đường luật. Nhưng thơ lục bát thỉnh thoảng mới làm, lời vẫn không kém thanh tao:

NHỚ CHIỀU
Cố đô còn vương mối tình
Dòng Hương sóng nhẹ non Bình thông reo
Đò ngang xuôi ngược bến chiều
Giọng hò mái đẩy nhịp chèo lửng lơ…
Những tà áo tím phất phơ
Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ ngỡ ngàng.
Cung son điện ngọc huy hoàng
Nền xưa mấy lớp thời gian bụi mờ !
Văn Lâu bến cũ hững hờ
Bức tranh dài các bây giờ là đâu ?
Hè sang ve trổi nhạc sầu,
Tịnh tâm sen nở phơi màu thắm tươi.
Bình Dương u tịch nơi nơi
Chuông ngân chiều lắng một trời mộng thơ.
Bao năm sông núi đợi chờ
Sao dời vật đổi xa mờ nước mây..
Nhớ thương giọt lệ càng đầy
Lời keo sơn hẹn với ngày tha sinh.
Mai viên phong cảnh hữu tình
Lê hoa trăng lộng liễu mành gió đưa.
Cảm hoài bao chuyện ngày xưa
Nhà Hương Thảo thất nắng mưa phũ phàng !
Ngậm ngùi giữa bước tha hương
Tình quê gởi lại nhớ thương đôi lời
Sông Hương núi Ngự muôn đời
Thông reo vi vút sóng trôi lờ đờ..
Dưới đèn mượn bút đề thơ
Hương quan hồn mộng vẩn vơ đêm dài.

Bà Đào Trúc Tiên là người Bình Định, nhưng sanh trưởng tại Huế và bà cụ thân sinh là người Thừa Thiên, có Hương Thảo Thất có Mai Viên ở Cựu Kinh đô, nên tình bà đối với Núi Ngự sông Hương cũng nặng như đối với sông Côn núi Phước.
Và những cảnh bà nhớ là những cảnh Huế ngày xưa, ngày mà các cô nữ sinh trường Đồng Khánh còn mặc toàn áo màu tím, ngày mà những cô thiếu nữ còn ngỡ ngàng trong chiếc nón bài thơ đội nghiêng nghiêng khiến anh học trò Bình Định ra thi trông thấy bỏ đi không đành. Chớ ngày nay sau bao nhiêu cuộc bể nổi dâu chìm, Cựu Thần Kinh còn đâu nữa cảnh “Cung son điện ngọc huy hoàng” thời trước.
Nhưng tuy rằng “Thành quách nhân dân bán dĩ phi” mà “sơn hà phong cảnh nguyên vô dị”. Nên lòng nhớ thương của bà Đào cũng như lòng những người không vong bản, vẫn cùng  non sông sau trước một lòng.
Bà Đào Trúc Tiên là người trong khuê khổn, chỉ dùng văn chương để tả nỗi lòng đối với người thân yêu cảnh thân yêu. Tác phẩm ít khi ra khỏi vòng thân mật trong gia đình, bằng hữu.

Bà em, bà ĐÀO CHI TIÊN, đường giao thiệp rộng hơn. Bà thường xướng hoạ cùng tao nhân mặc khách Trung Nam. Cho nên tác phẩm của bà được nhiều người biết.
Cũng như bà chị, bà CHI TIÊN thường làm thơ chữ Hán hơn thơ Quốc âm. Nhưng thơ quốc âm bà cũng tao nhã lắm.
Một lần đến thăm Vườn Hoa Thơ, bà có đọc cho nghe 10 bài liên hoàn “Mơ về vườn cũ” hoạ vận thơ một nhân sỹ Bắc Việt di cư. Lão nhớ được một thủ:
Thương lúc mưa sa gió dập dồn
Cành xuân lã tã bóng hoàng hôn
Sắc dù úa nhạt nơi u cốc
Hương vẫn nồng nàn đến viễn thôn.
Ngày hạ bao lần  cơn hốc nhiệt
Đêm thi chi xiết nỗi hàn ôn.
Ai về nhắn với hoa vườn cũ
Rằng bướm Trang sinh gởi mộng hồn.

Bà CHI TIÊN lại có thuật giữ gìn hoa rất khéo. Cứ mỗi mùa xuân đến, bà lựa những nhánh hoa thật xứng ý, đem ép thật khô rồi kết thành những bức tranh tuyệt mỹ. Khách thưởng tranh chẳng những được thấy y nguyên màu sắc của hoa, mà còn được đón lấy mùi hương phảng phất. Và trên mỗi bức tranh có một vài câu thơ điểm xuyết do bà làm ra và viết lấy. Lão còn nhớ được một câu đề bức anh đào:
Xuân sắc dũ thâm hồng dũ thiển
Mỹ nhân trang dạng bất tuỳ thân
Nghĩa là “Sắc xuân càng đậm bao nhiêu thì màu hồng của hoa càng lợt bấy nhiêu, bởi người đẹp không bao giờ theo người đời mà trang điểm”.
Thật thanh cao!
Những thơ đề tranh hầu hết đều bằng chữ Hán. Lão nhớ được một bài Quốc âm làm theo điệu ca Nam Bình, đề nơi một bức tranh hoa khô Đào Trúc Cúc Mai chen lá lan cánh bướm:
Cúc mai vàng rực bên cây
Ngắm mà say!
Đượm đà xuân sắc,
Ngào ngạt hiên tây.
Bên trời tròn vạnh trăng đầy
Bóng trăng đầy
Chói trên sân
Lan điệp sum vầy
Hoa đào xinh mướt,
Trúc xanh xanh đôi cành tha thướt…
Hồn mộng mơ màng..
Mộng mơ màng tiếc thương hoa,
Bao nài mấy độ thu già.
Tấm thân vàng ngọc. Ai ơi!
Nào ai biết,
Biết ai nói cười!
Tâm sự này chưa phai
Sương nhuộm màu hoa đượm
Đượm càng tươi
Gặp kỳ xuân lai
Nhuỵ hồng phơi
Yêu hoa mấy người!

Thơ bà Đào Chi Tiên ngấm vị sầu. Thơ bà Đào Trúc Tiên đượm màu tươi. Một bên đài các, một bên phong lưu. Mỗi người một vẻ, nhưng cả hai đều chịu ảnh hưởng của cụ cố Đào Tiên Công.
Hai bà hiện ở SaiGon. Tuổi tuy đã trên tám mươi, nhưng tinh thần còn minh mẫn, ngày ngày vui thú cùng hoa kiểng và văn chương.
Hai bà có mấy tập thơ Hán Văn và Quốc âm chưa xuất bản. Rất tiếc lão chưa được xem, nên chỉ xin đưa lên Vườn Hoa Thơ những vần hương hai bà đã gởi tặng.
Và đọc những vần thơ thượng dẫn, những bạn chưa được biết hai bà, chắc không ngờ rằng tác giả đã lên hàng thượng thọ.
Gương soi đôi mái dù sương tuyết
Bút trỗ nghìn thu vẫn phấn hương.
                                                                                    (1960)