Trong vườn hoa thơ Bài 18-Hoa bến sông Tương



HOA BẾN SÔNG TƯƠNG

Nghe tin nữ sỹ kỳ cựu TƯƠNG PHỐ di cư vào Nha Trang, lão muốn tìm thăm, nhưng chưa hỏi ra địa chỉ.
Một hôm, lão đương đứng nơi vườn ngắm hoa mận ánh nắng chiều thì nữ sỹ đến.
Thật là bất ngờ!
Ban đầu lão hơi bỡ ngỡ vì mấy mươi năm trời chỉ biết nhau trên sách báo, mà người trên ảnh là một thiếu phụ mắt đẫm lệ thu, còn người trước mặt là một phu nhân tóc chen ánh tuyết. Nhưng khi đã biết là người mình đương mong gặp, thì mừng quá đỗi mừng!
Nữ sỹ tặng cho Vườn Hoa Thơ hai tập thơ:
-      Giọt lệ thu xuất bản ở Hà Nội năm 1952
-      Mưa Gió Sông Tương xuất bản ở SaiGòn năm 1960.
Tuy ra đời cách nhau đến 8 năm, song không thể định ngôi thứ em chị:
Giọt Lệ Thu là bài thơ trường thiên làm theo lối thi văn liên hành, và soạn năm 1923.
Mưa Gió Sông Tương gồm những giai tác soạn từ 1915 đến 1949.
Như thế là Mưa Gió Sông Tương vừa sanh trước vừa sanh sau Giọt Lệ Thu, và Giọt Lệ Thu vừa là em vừa là chị Mưa Gió Sông Tương. Tuy không giống hẳn trường hợp Cao Bá Đạt, Cao Bá Quát, nhưng cũng có thể mượn lời của Nguyễn Siêu nói về họ Cao mà tặng hai tập thơ của Tương Phố: “Nhất bào song sinh nan vi tỹ nan vi muội”.
Hai thi phẩm nầy là những mảnh lòng tan ra thành lệ và đọng lại thành thơ. Cả hai đều mang chung một tánh chất: Sầu.
Giọt Lệ Thu là tiếng khóc chồng của người thiếu phụ, tiếng khóc âm thầm áo não, sùi sụt liên tiếp như mưa thu, hết cơn này đến cơn khác, từng cơn từng cơn..
Dễ ai có thể cầm lòng, khi đọc những câu, như:
Thu có hạn sầu dài không hạn
Cảm thu sang nhớ bạn lứa đôi
Đoạn trường biết mấy tao nôi
Khóc rồi lại khóc, hờn thôi lại hờn!
Khúc uyên dạo giây đờn ai dứt
Dao sầu kia cắt đứt lòng son
Trăm năm lỡ cuộc vuông tròn
Hờn duyên tủi phận lệ còn chứa chan.
Hoặc như:
Thần hôn đã lỗi đạo thường
Còn côi mẹ goá lại nương cha già!
Muối dưa đắp đổi ngày qua
Phơ phơ đầu bạc cũng pha lệ sầu!
Vân vân..
Còn Mưa Gió Sông Tương là tiếng than não nuột của con người ngót 35 năm trời luôn luôn gặp bước gian truân!
Trong Giọt Lệ Thu có những câu áo não thê lương thì trong Mưa Gió Sông Tương cũng có những câu lâm ly bi thiết. Như:
Vóc mai gầy gõ tuyết sương
Tám thu chiếc bách cách buồm bơ vơ
E dè buổi gió chiều mưa
Con côi mẹ góa dễ nhờ nương đâu
Bước đi âu cũng thương nhau
Dừng chân đứng lại cơ màu dở dang!
Giây loan chắp nối đoạn tràng
Ngâm câu tái tiếu hai hàng lệ sa…
………………
Thân nầy đôi dẫu đủ đôi
Lòng nầy riêng vẫn lẻ loi tấm lòng.
………………
Cữa hầu gởi áng xuân tàn
Chén vinh hoa nhắp muôn vàn đắng cay
Nỗi lòng chua xót ai hay
Tấm thân bồ liễu võ gầy riêng thương
Vì chàng tâm sự dở dang
Vì con thôi mấy đoạn tràng cũng cam…
……………
                                     (Tái Tiếu Sầu Ngâm)
Hoặc như:
Nỗi ly hận mây chiều gió sớm
Tình tương tư khoảng vắng đêm trường
Gió mưa tâm sự thê lương
Chỉ kim ai vá đoạn trường nhau đây!
………………
Kể từ độ phong trần lạc bước
Mười lăm năm mặt nước cách bèo
Gieo lòng theo ngọn thủy triều
Lênh đênh thôi cũng mặc chiều nước sa!
………………
                                                                                         (Khúc Thu Hận)
GIỌT LỆ THU đã buồn thương, MƯA GIÓ SÔNG TƯƠNG lại thêm cay đắng! Và theo thiển kiến thì tập sau văn chương có phần trác luyện hơn tập trước. Những câu, như:

-   Thân này đôi dẫu đủ đôi
Lòng này riêng vẫn lẻ loi tấm lòng.

-   Cửa hầu gởi áng xuân tàn
Chén vinh hoa nhắp muôn vàn đắng cay

-   Gió mưa tâm sự thê lương
Chỉ kim ai vá đoạn trường cho đây.

-   Gieo lòng theo ngọn thuỷ triều
Lênh đênh thôi cũng mặc chiều nước sa!
v.v…
Thì đến Tiên Điền tiền bối cũng phải khen:
-      Tuyệt diệu!
GIỌT LỆ THU và MƯA GIÓ SÔNG TƯƠNG  là hai tác phẩm lớn của Tương Phố. Phu Nhân còn nhiều thi văn đương nằm trong tủ sách chờ thiện duyên để ra đời, như tập TRÚC MAI, một tập sách cho trẻ em.
Phu Nhân có cho lão nghe một số thơ mới làm gần đây. Mỗi bài có một lai lịch liên quan hoặc nhiều hoặc ít đến hai tác phẩm Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương:
Chàng Phan chia rẽ hai ta
Chị vào văn sử em ra cõi ngoài
Bâng khuâng chị nhớ em hoài
Văn chương để mối hận dài bao khuây
Chàng Phan đây là Vũ Ngọc Phan, tác giả Nhà Văn Hiện Đại. Năm 1941 họ Vũ soạn bộ Nhà Văn Hiện Đại, gởi thư xin ảnh Tương Phố. Sẵn có tấm ảnh phu nhân chụp chung cùng người em gái là Song Khuê (1), Phu Nhân gởi ra cho họ Vũ, với dụng ý là khi in ra sách có chị có em cho vui. Chẳng ngờ Vũ Ngọc Phan lại cắt bỏ ảnh Song Khuê, chỉ in ảnh Tương Phố. Khi Nhà Văn Hiện Đại đến tay, thấy chỉ có ảnh mình trong sách, Phu nhân động lòng cảm tác mấy vần trách Vũ Ngọc Phan.
Năm 1951 nhà xuất bản Ngày Mai (tức nhà in Văn Hồng Thịnh Hà Nội) thương lượng cùng Phu nhân để xuất bản tập Giọt Lệ Thu. Sách in 2.000 quyển, tác quyền là 3.000$00, đưa trước 1.000$00, còn 2.000$00 sẽ nạp khi sách ra đời. Giao ước ký kết xong, Phu Nhân giao bản thảo cho nhà xuất bản. Nhưng chờ mãi không thấy sách ra đời, Phu Nhân bèn gởi cho Văn Hồng Thịnh bức thư:
Thu qua, đông đã lạnh trời
Văn Hồng chẳng có nhớ lời Lệ Thu?
Nhà văn túi một xu không dính
Năm cùng rồi toan tính sao đây?
Đợi chờ ngày lại qua ngày
Người quên quên bẵng cả ngày tháng qua!
Ai hào hiệp sao mà lơ đãng?
Ham kinh doanh nỡ nhảng quên đây!
Cánh hồng gởi ngọn gió tây,
Lòng phong nhã với thơ nầy tặng ai

Đó là về thời Tiền Chiến. Thời Hậu Chiến khi quyển Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại của Phạm Thanh ra đời, thấy soạn cẩu thả quá, Phu Nhân bực mình viết:
Cuốn Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại
Của Phạm Thanh tai hại vô cùng!
In sai be bét lung tung
Sách ra đời thế, thẹn thùng biết bao!
Một vết nhọ in vào Văn Sử
Hỏi lỡ rồi, gột rửa sao đây?
Nghìn thu còn vết hận nầy!
Mỗi lần có sách liên quan đến Phu Nhân ra đời là mỗi lần làm cho Phu nhân có chuyện bực mình, không nhiều thời ít. Đến như quyển MƯA GIÓ SÔNG TƯƠNG được Đông Hồ vẽ bìa vẽ nền và coi sóc việc ẩn loát, là một tập thơ đẹp trong những tập thơ đẹp nhất trong khoảng thời gian 1955 - 1960, mà vẫn gây ít nhiều khó chịu cho tác giả.
Nguyên bản thảo giao cho nhà xuất bản Bốn Phương đã hàng năm mà chưa in. Phu nhân rất nóng lòng mong đợi. Khi in xong, nhiều người đã có sách đọc, gởi thư đến ca tụng tác giả, nhưng tác giả trông đứng trông ngồi vẫn chưa thấy mặt đứa con tinh thần ra sao cả! Phu Nhân có mấy vần hờn dỗi:
Mưa Gió Sông Tương xuất bản rồi
Thành Nha tác giả quá xa xôi
Nghe đồn quảng cáo mà chưa đọc
Có sách ra đời biết vậy thôi!
Cái nghèo rắc rối chao ôi!
Muôn vàn thanh lịch biết…, thôi cũng lờ.
Hồn phong nhã gởi trong thơ
Mà lòng phong nhã đã thừa tổn thương!
Phù sinh một cảnh hí trường
Nghèo là người khách qua đường trái duyên.
Muôn vàn nguyện chẳng như nguyền
Rồi lăng nhăng kết những duyên vật vờ!
Sự chậm trễ gởi sách không phải do nhà xuất bản quên tác giả, mà tại Mộng Tuyết muốn “làm tốt” cho quyển thơ dành riêng cho bà chị. Mộng Tuyết đem đi đóng bìa da mạ vàng, đợi sách đóng xong mới gởi ra cùng một số sách không đóng bìa cứng. Đó là nguyên nhân việc gởi trễ. Khi biết được ý mỹ của bạn, Phu Nhân rất cảm động. Nhưng vẫn không dấu diếm lòng hờn dỗi của mình khi chưa nhận được sách.
Đọc MƯA GIÓ SÔNG TƯƠNG, Vũ Hoàng Chương có mấy câu cảm đề:
Đêm qua hoa rụng hẳn nhiều đây?
Lệ cũ tuôn đôi một bến đầy
Ơi hỡi! Sông Tương mưa gió mãi
Còn chăng? Hương muộn giáp hoa bay!
Phu nhân hoạ lại:
Hoa giáp xuân tròn sáu chục đây
Ao thơ đẫm lệ sóng thu đầy!
Còn say khóm cúc vườn hiu quạnh
Sương lạnh hương chiều phảng phất bay.
Tương Phố làm thơ chỉ để nói lên những gì chất chứa trong lòng, cho nên rất chân thật.
Người xưa nói:
-  Thơ khó chân vậy. Có tánh tình rồi sau mới chân được. Bằng không thì chỉ phu diễn thành văn mà thôi (2).
Thơ Tương Phố chân thật là nhờ trong lòng sẵn chứa bao nhiêu mặn ngọt chua cay của đời dồn dập. Lúc còn thanh xuân lời thơ còn sửa soạn chải chuốt nhiều ít. Trong những năm gần đây, thì nghĩ sao viết vậy, và viết xong là xong chớ không hề sửa đi sửa lại. Do đó những tác phẩm sau nầy, văn chương không đẹp bằng văn chương trong hai tập Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương. Nhưng vẫn có biệt thú.
Tương Phố sở trường về Lục bát và Song thất lục bát. Thơ Đường luật của Phu Nhân lời có hơi cứng, vị có hơi khô, chớ không mềm mại đượm đà như Lệ Thu và Mưa Gió.
Năm 1939, Phu Nhân gặp Phan Sào Nam Tiên sinh tại Huế, Tiên sinh tặng Phu Nhân một luật:
Cái nợ cầm thi mới trả xong
Khi vui bút mực cũng mây rồng
Tưởng là rồi kiếp cùng trời đất
Đâu ngỡ còn duyên với núi sông.
Mở cửa gió lùa thông hoạ vận
Cuốn rèm trăng rọi bạn soi lòng.
Đàn Nha nay gặp Chung Kỳ gái
Muôn thuở Hồng Lam với Tản Hồng.
Phu Nhân hoạ vận:
Ngày tối đường dài việc chửa xong
Biển đông rồng đã cuốn vây rồng
Dạ hờn quên nghĩ năm cùng tháng
Máu nóng còn sôi núi với sông
Giọt lệ năm canh ngầm khóc nước
Tấm thân bốn bể nguyện theo lòng (3)
Anh hùng sá kể chi thành bại
Vẫn nhớ ngành Nam tổ Lạc Hồng.
Khi Tương Phố về Bắc, Tiên sinh có 4 câu tặng biệt:
Vừa bắt tay nhau đã rẽ tay
Duyên thơ nợ bút hãy giàu ngày
Ai về nhắn với mây Tam Đảo
Gió Bắc đe Nam thổi nhạn bay
Phu nhân hoạ vận:
Sông Hương ngơ ngẩn buổi chia tay
Lời ước trùng lai khó hẹn ngày
Hoài bão lớn lao mong chúc cụ
Cánh bằng muôn dặm vút cao bay.
Năm 1959, tập Hoa Đăng của Vũ Hoàng Chương ra đời, Phu Nhân có bài:

ĐỌC HOA ĐĂNG CẢM ĐỀ
Hoa Đăng thi phẩm Vũ Hoàng Chương
Một buổi thu về giạt bến Tương
Nhịp trúc mùa thơ ca khẳng khái
Trăng rằm phố cũ bến thê lương
Trả ta vang tiếng gầm sông núi
Cảm chuyện chìm châu hận phố phương
Mây suối về đâu hoài niệm mãi
Tình si mai trắng vẩn canh trường. (4)
Những tác phẩm làm sau Giọt Lệ Thu và Mưa Gió Sông Tương, ngoài một số ít bạn thân ra, Tương Phố phu nhân không hay đưa cho ai xem. Nhận thấy đều là những áng văn chương quí giá, lão xin phép phu nhân trích một ít đem ra chưng bày nơi Vườn Hoa Thơ (1960) để độc giả thân yêu đồng lãm. (5)
_________________________________________________________________________________
(1) Song Khuê là người đã gởi rau sắng chùa Hương tặng Tản Đà Tiên Sinh. Hiện ở Sài Gòn.
(2) Thi nan kỳ chân giã, hữu tánh tình nhi hậu chân, phủ tắc phu diễn thành văn kĩ (Tuỳ Viên).
(3) Trong khi đàm đạo, Sào Nam nói cùng Tương Phố: “Mặc dù một mái tóc sương, tóc dẫu thay màu, lòng không đổi sắc, mai đây nếu được cơ hội tháo cũi sổ lồng, tôi quyết lại xuất dương”.
(4) Phần nhiều chữ dùng trong bài đều mượn ở tập Hoa Đăng, như “Nhịp trúc mùa thơ”, Trăng rằm, Bến Cũ, Trả Ta (Trả ta sông núi), Chìm Châu (Khúc hát chìm châu) Mây suối về đâu, Hoài Niệm, Tình Si, Mai Trăng... Đó là những đề bài trong Hoa Đăng.
(5) Tương Phố mất tại Đăklăk năm 1975. Bài nấy viết 14 năm trước lúc nữ sỹ ở Nha Trang.
Sau khi nữ sỹ qua đời, tôi có viết thêm một bài kỷ niệm trong Bóng Ngày Qua (Trình Thầy Sạn) 1975 và 1 bài trong Hương Phấn nàng Hương (1981).