Trong vườn hoa thơ Bài 24-Hoa Thành Phú Xuân


HOA THÀNH PHÚ XUÂN

Ở Nha Trang, gần đây có sản xuất một bài Thất Ngôn luật thi làm xôn xao dư luận làng phong nhã cổ điển.
Đó là bài:
PHÚ XUÂN THÀNH CẢM TÁC
Nhìn cảnh Hương Giang cảnh Ngự Bình
Nước mây chờn chợ nét điêu linh
Đàn Giao cỏ lấp khôn xây mộng
Bến Ngự trăng lên luống chạnh tình
Cung điện chưa nguôi sầu khói lửa
Phố  phường đã ngút bụi công danh
Nghìn sau đời dẫu còn đâu bể
Vẫn nhớ rằng đây cựu Đế thành.
Tác giả là ai thật chưa ai được rõ. Cứ người nầy nghe thấy thích thì truyền cho người khác, người khác nghe thấy thích lại truyền cho người khác nữa..
Người thích thì truyền
Người không thích thì chê.
Người xưa có câu:
Văn chương tự cổ vô bằng cứ
Đản nguyện Châu y ám điểm đầu (1)
Vì văn chương vô bằng cứ cho nên người đời thường dạn miệng chê khen. Người thức giả có độ lượng nghĩ rằng:
Ngâm thành ngũ cá tự
Dụng tận bán sinh tâm (2)
Nên thường tìm những cái hay trong thơ người mà phát huy hoặc thưởng thức. Còn những kẻ “tự kỷ văn chương, tha nhân thê thiếp”, thì lời chê bai mạc sát luôn luôn nằm sẵn trên đầu môi (3)
Bài Phú Xuân Thành Cảm Tác không tránh khỏi lệ chung. Có lắm người chưa nghe trọn bài đã trề môi bĩu miệng. Hỏi dở ở chỗ nào thì đáp:
- Trong một câu 7 chữ mà có đến 2 chữ CẢNH!
- Nói về Huế thì nội Hương Giang là đủ, còn thêm Ngự Bình vào làm chi?
- Cùng trong một giải mà đến hai chữ Ngự! Ngự Bình, Bến Ngự.
- Huế thiếu gì cảnh đẹp dấu xưa, sao chỉ nói đến đàn Nam Giao, sông Bến Ngự?
Vân vân...
Rõ là xuy mao cầu tỳ. Không phải thái độ của hàng thức giả. Có người đến Vườn Hoa Thơ hỏi lão. Lão thành thật phát biểu ý kiến:
Phàm xem thơ, kẻ thức giả trước hết xem coi bài thơ có nhập cách chăng, tác giả lập ngôn như thế nào, có ngụ ý gì chăng, rồi mới xem văn có tao, điệu có hoà, vần có linh, tự có ổn…, hay chăng. Nếu bài thơ có giá trị cao thì xem thêm coi thi pháp của tác giả nương theo Lý Đỗ Huỳnh Tô... hay độc sáng cơ trử. Khi nắm vững các yếu tố đó rồi thì tha hồ mà nọc mà khuyên. Nhận thấy hay thì khen, nhận thấy dở thì chê. Chưa chắc lời khen chê của mình đã đúng, vì biết lấy chi làm thước ngọc khuôn vàng. Nhưng dù khen dù chê, người đã tự coi mình là khách làng thơ, đã từng chuốt lời đúc chữ, thì luôn luôn phải giữ thái độ ôn hoà tao nhã. Những lời “thị trung chi chữ” không nên đem vào nơi “hàn mặc chi hương” (4)
Bài Phú Xuân Thành Cảm Tác thượng dẫn, tuy không phải là một kỳ công kiệt tác, không phải là khúc Bạch Tuyết Dương Xuân, nhưng không đến nỗi là tất điệu Cùng thinh, không đến nỗi thuộc hàng ba Nhân Hạ Lý. Chúng ta thử đem ra phân tách đại lược: (5)
Trong đề bài “Phú Xuân Thành Cảm Tác” chủ ý của tác giả nằm ở hai chữ “Cảm Tác”. Nghĩa là động tác của bài thơ là “Cảm” còn “Phú Xuân Thành” là môi trường hoạt động. Bởi vậy tác giả mới lấy sông Hương núi Ngự mà phá đề để cho mối cảm của mình có chỗ đứng, và đặt ngay chân đứng của mối cảm ở môi trường  bằng chữ “Nhìn”. Câu thừa tựa vào chân đứng ở câu khởi để giới thiệu rõ rằng mối cảm kia do cảnh điêu linh của đất nước mà có, rồi đưa mối cảm xuống trạng, xuống luận, để xả tình qua câu kết đến chỗ bất tận của không gian và thời gian.
Lập thế thật vững!

Xem từng câu, thì cặp trạng cảnh nằm trong tình, cặp luận tình nằm trong cảnh. Một bên là cảm hoài, một bên là cảm khái. Một bên ngậm ý điếu cổ, một bên tỏ lòng thương kim. Còn đầu thì lấy cảnh mà mở, cuối thì lấy tình mà đóng. Thủ vỹ tương ứng, như cửa sông sắp ra biển còn ngoái cổ trông lại đầu nguồn, và nguồn vừa mới phát sinh đã thoáng bóng mình nơi cửa biển.
Như thế là tâm cảnh tương giao thủ vỹ tương cố, khai thừa chuyển hiệp phân minh.
Thi pháp quả là già dặn.
Đây là một bài thơ xúc cảnh sanh tình.
Nhưng tình trong thơ không phải ngẫu nhiên phát xuất, mà chính đã hàm dưỡng lâu ngày như nước chứa nơi hang hố trên non nhân gặp mưa mà tràn ra thành suối. Tác giả phải là người sống ở Huế lâu ngày và đã từng cảm xúc trước những cuộc hưng vong, tiêu trưởng.
Những cảnh tác giả lựa đem vào thơ, mỗi cảnh mang một mảnh lòng, mỗi cảnh dấu một dụng ý.
Chọn Đàn Giao chớ không chọn di tích nào khác, chọn Bến Ngự chớ không chọn phong cảnh nào khác, là vì chúng có tình cùng tác giả, chúng hấp dẫn tác giả hơn các nơi khác cảnh khác. Cũng như sắc đẹp của Thúy Vân đâu phải chỉ có màu da nước tóc, sắc đẹp của Thuý Kiều đâu phải chỉ có làn mắt nét mày. Song dưới mắt Thi bá Nguyễn Du, màu da nước tóc, làn mắt nét mày của song Nga nổi bật, làm cho tuyết phải nhường mây phải thua, hoa phải ghen liễu phải hờn. Do đó nói về Vân tác giả Đoạn Trường Tân Thanh chỉ nói đến da tóc, nói về Kiều chỉ nói đến mắt mày. Cũng như nói đến Phú Xuân Thành, tác giả bài Phú Xuân Thành Cảm Tác chỉ lựa Đàn Giao Bến Ngự. Đó là dùng chi tiết đặc sắc để làm đại biểu cho toàn bộ.
Chẳng những thế. Lựa Đàn Giao Bến Ngự, vốn tác giả có dụng ý sâu sắc: mượn cảnh vật bên ngoài để diễn tả niềm uẩn khúc bên trong.
- Đàn Giao là nơi tế Trời, nguồn gốc sinh thành của muôn vật, là điểm tựa tinh thần của Quốc Gia, là nơi tôn nghiêm bất khả xâm phạm.
- Bến Ngự là nơi, trước kia bọn thực dân Pháp an trí nhà ái quốc cách mạng Phan Sào Nam, và hiện nay ngang nhiên thành lăng miếu .
- Đàn Giao thể hiện tinh thần Quốc gia. Nghĩ đến Đàn Giao là nghĩ đến nước Việt Nam mà thiên thư đã định phận.
- Bến Ngự  tượng trưng tinh thần cách mạng. Nghĩ đến Bến Ngự là nghĩ đến chí quất cường của dân tộc đã cụ thể hoá nơi Phan Sào Nam mà tục gọi là “ông già Bến Ngự”.
Đàn Giao cỏ lấp khôn xây mộng
Bến Ngự trăng lên luống chạnh tình.
Ý tác giả muốn nói:
- Đứng trước cảnh “Đàn Giao cỏ lấp” tiêu biểu cho cảnh điêu linh do bàn tay phá hoại của bọn tiểu nhân vong bản gây nên, tác giả tự thấy mình bất lực, không hy vọng làm được việc gì có thể cứu vãn tình thế!
- Chợt “Bến Ngự trăng lên” làm bừng sống dậy tinh thần dân tộc trong tâm hồn tác giả. Song tìm đâu thấy những nhà ái quốc, những nhà cách mạng suốt đời hy sinh tận tuỵ như Phan Sào Nam? Nhìn vầng trăng lên, vầng trăng đã tầng chiếu cổ nhân, lòng ai khỏi bồi hồi áo não!
Câu thơ mới nghe qua thì dường như tầm thường. Nhưng nhận kỹ thì thật là thâm viên.
Món ăn có nội vị chi vị. Tiếng đàn có ngoại huyền chi thanh. Thơ có ý tại ngôn ngoại. Có nhận thấy được những cái NGOẠI ấy mới hưởng được hết thú vị.
Và làm được một câu thơ như câu “Đàn Giao… Bến Ngự..” không phải là việc dễ, làm được một bài thơ như bài “Phú Xuân Thành Cảm Tác”, không phải ai ai cũng làm được. Tác giả nhất định đã sống nhiều, đã cảm nhiều va khi cấu tứ hành văn, hẳn đã dùng nhiều công phu nhiều tâm lực. Đọc lại thơ mình, biết đâu tác giả lại không cao ngâm mấy vần của Giả Đảo:
Lưỡng cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất ngộ
Qui ngoạ cố sơn thu
Nghĩa là:
Ba năm lòng gởi đôi câu
Ngâm lên một tiếng lệ châu ướt dầm
Đường đời không gặp tri âm
Non xưa trở lại ôm nằm với thu.
Trong nơi ẩn dật, không biết tác giả “Phú Xuân Thành Cảm Tác” có nhận kẻ nói những lời này là tri âm? Hay lại mắng:
- Khéo đa sự! Ta làm thơ là để ký thác tâm sự  nào phải để mua danh với đời mà lại đem ra bàn tán!
Nhận là tri âm hay mắng là đa sự không phải là điều quan trọng. Vì nói ra những lời trên lão không phải vì tác giả mà chỉ vì văn chương, chỉ vì thấy bài thơ có giá trị mà bị chỉ trích bất công. Nói ra chỉ vì công khí.
Lòng ai ai biết cho lòng
Vì đâu tằm phải chịu vòng tơ vương.
Châu trấp đông tây vãng phục hồi
Hồng kiều hoàng xứ thuỷ môn khai
Vân liên sơn sắc thiên biên khứ
Phong quyện đào thanh hải thượng lai
Vãn thị ỷ la nhân hội hợp
Dạ thuyền ti trúc nguyệt bồi hồi
Ca nhi bất quản Giang Nam oán
Thời hữu hoàng xuy xướng Lạc Mai.
Bài nầy của Lữ Đường THÁI THUẬN, một thi bá đời Lê Thánh Tông (1460-1479).
Thuận Hoá Thành là tên cũ kinh thành Huế.
Kinh thành Huế gọi là Phú Xuân Thành từ khi nhà Nguyễn xây thành tại làng Phú Xuân.
Trường Xuyên đã dịch bài Thuận Hoá Thành Tức sự ra Quốc âm:
Ghe thuyền qua lại sớm liền trưa
Cầu mống giăng ngang nước khoả bờ
Mây lẫn bóng non trời rộng mở
Gió dồn tiếng sóng biển xa đưa
Chợ chiều tấp nập thân là lụa
Thuyền nguyệt bồi hồi nhịp trúc tơ
Ca nữ quản bao dòng huyết hận
Địch dài thổi khúc Lạc Mai xưa.
Bài thơ của Lữ Đường tuy là một bài tức sự, song vẫn ngụ ý châm biếm.
Và đọc bài Thuận Hoá Thành Tức Sự, chúng ta thấy rằng đất Huế vốn thanh lịch tự  đời Lê, chớ đâu phải đợi đến khi nhà Nguyễn đóng Kinh đô mới trở nên phồn hoa đô hội.
Cũng không có chi là lạ. Tỉnh Thừa Thiên ngày nay là miền châu Ô châu Lý của Chiêm Thành ngày xưa đã cắt đổi cho nhà Trần để lấy Huyền Trân Công Chúa. Thành Phật Thệ của vua Chiêm trước kia đóng tại miền nầy, hiện nay còn di tích tại làng Nguyện Biều cách thành Huế chừng năm cây số. Chốn cũ phiền ba của người Chiêm, khi về cùng người Việt, nếu không tăng phần mỹ lệ thì ít ra cũng giữ được phong quang ngày xưa.
Con sông tấp nập thuyền bè chắc không có con sông nào khác hơn sông Hương, và nơi mà cầu Mống bắc ngang chắc là nơi bắc cầu Trường Tiền hiện tại. Còn Chợ hợp lụa là, nếu không phải Đông Ba thì là Gia Hội, chớ chắc không phải đâu xa.
Và trên con sông Hương, cái thú chơi thuyền ban đêm là cái thú từ nghìn xưa để lại, và từ nghìn xưa cái thói “vong quốc” đã có sẵn trong đám ca nữ của sông Hương!
Ca nhi bất quản Giang Nam oán
Thời hữu hoàng xuy xướng Lạc Mai.
Đem câu nầy so cùng câu:
Cung điện chưa nguôi sầu khói lửa
Phố phường đã ngút bụi công danh
Thì thấy hai câu đều ngậm ý phúng thế. Nhưng một bên đắng mà ngọt, ngọt nên dễ nuốt, song nuốt rồi càng chíp chắp càng đắng thêm, đắng thấu ruột thấu gan! Còn một bên thì đắng một cách gắt gao, đắng như bòn hòn như ký ninh, bỏ vào miệng chưa nhai đã thấy đắng, đắng khó chịu khiến người ngậm phải, lắm khi tức mình phun bừa bãi làm bẩn khách bàng quan. Thế mới biết thơ xưa thâm hơn thơ nay. Nhưng đối với thời đại bị huỳnh kim làm tê liệt vị giác, thì lối thơ đắng vị bồ hòn mới có hiệu quả.
Cho nên bài Phú Xuân Thành Cảm Tác tưởng cũng nên phổ biến sâu rộng vì có lợi không nhiều thì ít cho văn chương và thế đạo nhân tâm.
_____________________________________________________________________
(1) Từ xưa văn chương không lấy gì làm bằng cớ để dựa vào đó mà phân định dở hay, nên cầu được thần áo đỏ ám trợ bằng cách gật đầu.
(2) Ngâm nên 5 chữ, dùng hết tâm lực của nửa đời người.
(3) Lời của Lỗ Tấn, ý nói: Văn thơ của mình thì mình cho là hay là đẹp hơn của thiên hạ, còn vợ người thì lại cho là đẹp là tốt hơn vợ mình. Do đó mới có chuyện khen thơ mình chê thơ người, bỏ vợ mình đi với vợ người.
(4) Ngôn ngữ nơi chợ búa không nên đem vào làng văn chương.
(5) Điệu đã tiếng trăng Ba Nhân Lý Hạ là khúc hát dở.