Trong vườn hoa thơ Bài 26-Hoa thơ xứ Anh Đào


HOA THƠ XỨ ANH ĐÀO

Đối với Việt Nam cũng như Trung Quốc, Nhật Bản là nước đồng văn.
Cho nên Thơ Nhật Bản bằng chữ Hán không khác thơ Trung Quốc và thơ Việt Nam nhiều như thơ Pháp thơ Ấn Độ. Bài “Cửu Châu đệ nhất mai” trích dẫn trong mục “Dưới Mai bàn Thơ” trước đây, là một bằng chứng.
Nhưng thơ Haikai khác hẳn thơ Việt thơ Hoa, khác cả tinh thần lẫn hình thức.
Lão không biết tiếng Nhật. Song nhờ PHẠM CÔNG THIỆN tặng cho quyển LA POESIE JAPONAISE của Karl Petit mà lão nhận thức, qua Pháp văn, được ít nhiều cái hay cái đẹp trong thơ Haikai, và thưởng thức được một giấc mộng kỳ thú.
Để gởi niềm tương thân tương ái, lão chép lại giấc mộng và thêm vào những vần anh đào hái được, làm món quà xuân tặng ông bạn vong niên.
Có nhiều bạn thân mến ngỏ ý muốn thưởng thức thơ Haikai. Lão xin đem giấc mộng đã chép ra Vườn Hoa Thơ cống hiến quí bạn. Theo mộng, quí bạn có thể tìm thấy được nhiều ít hương sắc của hoa thơ xứ anh đào trong khi tự mình chưa đến được quê hương của Thái Dương Thần Nữ.
Và trước khi bước vào mộng, xin mời quí bạn thưởng thức bài Haikai của thi sĩ SAIGYO:

VÉRITÉ INADMISSIBLE
Que vraie ! La réalité
Ne le soit aucunement,
J’ en suis persuasé
Mais que les rêves soient ce qu’ils sont
Comment donc l’admettre?

THỰC TẾ KHÓ CHẤP NHẬN
Đúng làm sao!
Không thể nào
Mà thực tế quả như thế
Lòng tôi quyết chẳng nghi ngờ.
Nhưng những giấc mơ
Như thế nào là thế ấy.
Biết làm sao tin được vậy?

o0o

MỘNG GIAO THỪA

Thân tặng Phạm Công Thiện.

Chỉ còn nửa đêm nửa là sang năm mới. Thế mà bốn bề vẫn vắng thiu thiu. Vì theo lệnh bề trên, pháo xuân đợi đến Giao Thừa mới được đốt.
Ngồi một chắc trong phòng thơ, LÝ SINH lấy giấy bút ra tìm vần khiển muộn. Tờ băng cơ trải ngay ngắn trên mặt bàn, chàng ngồi trầm ngâm cấu tứ. Ngót giờ lâu, không nghĩ ra được một gì mới lạ, chàng quăng bút, mở cữa bước ra sân. Mùi hoa mận bay phảng phất trong ngọn gió biển ngọt ngào làm chàng trở nên khoan khoái. Thấy ngõ còn bỏ trống, chàng lững thững bước ra đường, rồi theo bóng đèn điện mà đi. Chàng không định đi đâu, thấy lòng thích đi thì cứ đi, đi mãi, không cần nghĩ đến mục đích. Chàng đi lang thang hết nẻo nầy sang nẻo nọ. Chợt đi ngang qua một kỹ viện; tiếng trống chiến, tiếng kèn vang vọng như thúc giục như khuyên mời. Trước cửa viện treo một tấm quảng cáo to tướng:
- Bạn Bình Định đêm nay diễn tuồng Trầm Hương các.
Đã lâu lắm Lý Sinh không xem hát bội, vì các ca đông theo thị hiếu của thời nhân, đã phải hạ nghệ thuật xuống đến bậc quá thấp làm cho chàng ngứa mắt ngứa tai. Nhưng đêm nay, chàng thấy cao hứng, bèn vào để mua vé xem. Nhưng vừa bước lên thềm thì người gác cửa vội đến mời vào trong rạp. Chàng bước vào cửa: Trên sân khấu bài trí cảnh hoàng cung trướng thêu màn gấm, rực rỡ trang nghiêm. Chàng đi thẳng đến hàng ghế đầu, vừa ngồi xuống, thì một anh kép đóng vai Trụ Vương, áo long cổn, mão thiên miện, đai ngọc dày thêu trịnh trọng bước ra biểu diễn.
Anh kép trạc đã ngoài năm mươi, nhưng hơi hám còn tốt lắm. Giọng cao và trong, hơi dài và ấm. Điệu bộ lại thật mềm mại dịu dàng. Tinh thần của câu tuồng thật lột được trọn vẹn. Lý Sinh ngồi thưởng thức, lòng vô cùng thích thú. Chàng mừng thầm rằng nghệ thuật cổ điển chưa đến nỗi điêu tàn đến tận gốc, cái cốt cách của đời thịnh - đời Tự Đức, Đào Tấn vẫn còn có người giữ được y nguyên. Nhưng không một tiếng trống thưởng! Và khán giả không được mấy lăm người! Nơi đây năm ba người đàn ông ngồi im lìm như thiền định, sáu bảy bà lão ngồi vừa ăn trầu vừa kể sự tích trong tuồng cho nhau nghe. Nơi kia vài cậu thanh niên áo cao bồi ngồi gác chân lên lưng ghế trước mặt, ngó lên trần nhún vai trề môi. Gần đó mấy cô thiếu nữ  ăn mặc đúng thời trang luôn luôn phàn nàn “sao không ca vọng cổ nghe cho sướng”. Anh kép dường say sưa cùng nghệ thuật, không để ý đến cảnh bên ngoài, nên thái độ của khán giả không làm cho anh thối chí. Anh múa hát một cách tự nhiên. Anh hát đến câu:
Gió hương thổi lọt hoàng bào
Kiều mai tuyết điểm, động đào mây giăng.
Nghe giọng hát, nhìn điệu bộ, LÝ SINH cảm thấy mùi hương bay phảng phất, khí tuyết xông lạnh lạnh, và trước mắt bóng mây bay chập chờn.. Chàng lim dim đôi mắt để tận hưởng cái tuyệt mỹ của nghệ thuật và văn chương. Bỗng chàng vẳng nghe có tiếng:
-     Hay! Hay lắm! Hãy đánh trống thưởng đi .
Liền đó, một người đàn ông ăn mặc lịch sự bước lên cầm chầu. Tiếng trống vang dội... Anh kép cao hứng thêm, phất tay áo rộng, vuốt chòm râu dài, cất tiếng hát tiếp:
-     Khương cù ngợi hát….
Mở miệng hát mới đến đó thì một tiếng trống “đánh lọt vào cuống họng” làm anh ta cụt hứng. LÝ SINH bực mình xô ghế, đứng dậy bỏ ra về…
Nhưng vừa ra đến cửa rạp thì cảnh trời cao gió rộng làm dịu ngay lòng chàng. Chàng vừa đi vừa nghĩ đến sự tích trong vở tuồng Trầm Hương Các. Cảnh đền thờ bà Nữ  Oa và pho tượng Nữ Thần bằng trầm hương hiện ra trước mắt. Thật quả là “Đầy áo rơi muôn hộc thiên hương, Đôi mắt vẽ một người quốc sách”. Rồi những cảnh “Tô Hộ đem Đắc Kỷ ra kinh kỳ dâng cho vua Trụ”, những cảnh “Đắc Kỷ bị Hồ Ky tinh hớp hồn…”, những cảnh "Vua Trụ cùng Hồ Ly tinh đội lốp Đắc Kỷ đi dạo vườn hoa”, những cảnh lộng lẫy trong hòang cung, những nét nũng nịu yêu kiều của mỹ nữ... lần lượt xuất hiện trong trí chàng như một cuốn phim màu trên màn bạc.
Chàng đương say sưa với mơ thì chợt đến ngõ nhà chàng. Một người đàn bà ở trong ngõ bước ra, nói khẽ:
-     Còn sớm. Đi chơi một chốc nữa cho vui.
Nói đoạn, cắp tay chàng đưa đi. Chàng ngoan ngoãn đi theo… Chàng tưởng chừng mình là Trụ Vương cùng Đắc kỷ đi trong vườn Thượng Uyển… Nhưng đi được một đọan đường, chàng nhìn kỹ giai nhân thì là một người đàn bà Nhật Bản!
Giai nhân tuyệt đẹp: Má không phấn mà hường, môi không son mà thắm. Đôi mắt trong sáng nhưng hiền hậu và đôi chăn mày như đôi lá lan vẽ vừa đen vừa dài. Tấm thân dong dảy, cân đối, ẩn hiện trong bộ áo kimono tha thướt màu hồng.
Tuy thường sống trong cảnh mộng nhiều hơn trong cảnh thực tế của đời, tuy coi đời và mộng như nhau, nhưng trông thấy giai, Sinh không khỏi ngạc nhiên, chàng dừng lại và tự nghĩ:
-     Không lẽ ta đương chiêm bao?
Giai nhân nhìn thấy thái độ của chàng thì mỉm cười:
-  Có lẽ anh ngờ em là Hồ Ly Tinh?
Sinh vụt nghĩ:
-     Ta có xúc phạm chi đến Nữ Oa đâu mà Ngài sai hồ ly tinh đến báo thù? Ủa mà ta có ngôi vàng đâu mà sợ mất chứ?
Ý nghĩ ngộ nghĩnh ấy làm cho chàng bật cười, và tươi cười đáp:
-     Nếu quả là hồ ly hiện hình thì còn chi thú bằng! Chính Bồ Tùng Linh đã nhờ Hồ Ly mà sống.
Giai nhân tỏ ý không bằng lòng, rút tay ra khỏi cánh tay SINH. Biết mình lỡ lời. SINH vội nắm tay nàng lại, xin lỗi và khẽ hỏi:
-     Em là ai?
Giai nhân đổi giận làm lành, âu yếm đáp:
-     Là người anh đã gặp tại gác Trịnh Phong.
Chàng sực nhớ lại: Mùa hoa đào năm ngoái, đến phường TRỊNH PHONG, thăm TƯƠNG GIANG nữ sỹ, chàng thấy trên vách treo một bức tranh mỹ nhân vẽ hình người đàn bà Nhật. Bức vẽ rất thần tình, trông vào như sống! Từ ấy bóng dáng mỹ nhân thường lảng vảng nơi tâm trí chàng. Nhưng mấy lúc sau lại vắng bặt. Nay nghe nhắc đến thì tranh xưa hiện rõ trước mắt chàng. Nhìn lại giai nhân thì giống hệt người trong tranh. Chàng liên tưởng đến chuyện Bích Câu Kỳ ngộ, cầm tay giai nhân, hỏi:
-     Em là Giáng Kiều từ trong tranh xuất hiện. Còn tôi là Tú Uyên tái sinh?
Giai nhân nắm tay chàng dắt đi, vừa đi vừa đáp:
-     Không phải. Anh là LÝ SINH, người của Thơ của Mộng. Còn em là KOMACHI từ trong tiềm thức của anh ra.
Lời nói dịu dàng, giọng nói ấm áp làm cho Sinh khoái trá, không muốn bận tâm nghĩ ngợi gì thêm. Chàng ôm giai nhân sát vào mình và lững thững cùng đi như đôi tình nhân trong màn ảnh. Vừa đi vừa nói chuyện. Giai nhân hỏi:
-     Sao khi nãy anh lại bực mình người đánh chầu?
-     Vì hắn đánh bậy.
-     Hắn đánh bậy vì hắn không biết đánh, chớ nào phải hắn cố ý đánh bậy đâu? Huống nửa ai lại đem nghệ thuật cũ trình bày cho người mới xem, thì bảo người ta thưởng thức thế nào cho đúng mức được.
-     Vậy thì đừng khen đừng chê.
-     Những người hiểu thấu đáo một vấn đề gì thì thường thường hay dè dặt vì thận trọng. Còn những người không hiểu chi cả, hoặc chỉ hiểu đại khái, lại hay khen hay chê, khen chê để khoe khoang sự hiểu biết của mình. Đó là sự đời, hơi đâu mà bận tâm.
Nghỉ một chút, âu yếm nhìn Sinh, rồi tiếp:
-     Có phải chăng anh? Xem văn chương, xem mỹ nghệ phẩm là một nghệ thuật,  mà nghệ thuật ấy phải có nhiều ít thông minh, nhiều ít học vấn mới có thể đạt được.
-     Cũng chưa đủ. Phải có chất Đẹp trong tâm hồn, phải có chất Thơ trong cốt tuỷ. Bằng không thì nhìn vào đâu cũng không thấy được cái Đẹp cái nên Thơ.
Giai nhân cười ngất:
-     Vậy phải cần có tâm hồn đẹp mới thấy một nữ nhân đẹp chăng?
Sinh không cười đáp :
-     Giai nhân là một bài thơ toàn bích, một mỹ nghệ phẩm của Hoá công. Người không có tâm hồn đẹp, không có cốt thơ, thì nhìn vào chỉ thấy cái vẻ đẹp tầm thường, cái vẻ đẹp của xác thịt, cái đẹp chốc lát…, chớ không bao giờ nhận thức được cái đẹp của ĐẸP, cái đẹp của THƠ, tức là cái đẹp SIÊU PHÀM, cái đẹp VĨNH CỬU, cái ĐẸP THẬT. Nhà nghệ sỹ cũng như nhà thơ, ham mê, tìm kiếm, là ham mê tìm kiếm cái ĐẸP THẬT kia vậy.
-     Dường như chàng say mê cái ĐẸP của Trung Hoa?
-     Say mê cái ĐẸP của Á Đông thì đúng hơn.
-     Vậy anh có thích cái ĐẸP của Nhật Bản?
Sinh nhìn giai nhân mỉm cười:
-     Nếu bảo rằng thích thì người ta sẽ cười rằng nịnh. Sự thật thì tôi đương tìm cái Hay cái Đẹp trong thơ Haikai. Nhưng chưa nắm vững, nên những mong được gần gũi người Nhật có học có tâm, và mơ ước được sang Nhật một chuyến, thì mới mong hiểu thấu đáo những cái hay trong thơ Haikai.
-     Vì cảm bụng anh nên em mới tìm đến.
Nói đoạn kéo tay Sinh bảo ngồi xuống bên gốc cây ở vệ đường. Đi lâu thấy đã mỏi, sinh vui sướng ngồi tựa lưng vào thân cây. Giai nhân ngồi tựa mình nơi lòng chàng, đôi mắt nhìn vẩn vơ những ngôi sao vàng trên nền trời cao rộng. Một luồng khoái cảm chạy êm êm dìu dịu khắp châu thân chàng . Chàng tự hỏi khe khẽ:
-     Có phải mộng chăng?
Giai nhân kéo mặt sinh sát mặt nàng và nói:
-     Nếu mộng thì đã sao?
Sinh cười:
-     Thì khi tỉnh ra tiếc chết!
Giai nhân cười ngất:
-     Thì mộng trở lại có khó gì.
-     Nếu muốn mà được thì ai có muốn tỉnh làm chi cho khổ trí khổ tâm.
-     Thôi hãy ngủ đi may ra có nằm mộng.
Nói rồi tựa má nàng vào má Sinh mà ngủ. Khí mát của da thịt, mùi thơm ấm của hơi thở... làm cho sinh ngất ngây đê mê... Rồi chàng ngủ thiếp…
Bỗng tiếng cu cu gáy. Vài giọt sương rụng trên má SINH. Sinh giật mình mở mắt: Trước mắt chàng, một cánh đồng cỏ xanh ngát và rộng mênh mông. Xa xa một hòn núi sắc biếc, đỉnh nhọn và đầy tuyết trắng, mà bối cảnh là lưng trời xanh nhuộm ánh hồng buổi rạng đông. Chàng lấy làm lạ lùng, nắm chặt tay giai nhân hỏi:
- Nơi đây là nơi nào?
Giai nhân âu yếm đáp:
- Đây là quê hương em.
-  Nhật Bản?
- Vâng, chính là Nhật Bản. Và núi kia là Phú Sỹ sơn.
Sinh hết sức kinh ngạc:
Sao mới ở Việt Nam, mà  chỉ cách một đêm ngủ đường lại  sang đến Nhật Bản?
Giai nhân ôn tồn đáp:
-     Vì sức mạnh của lòng mơ ước đã đưa thân thể anh vượt qua không gian một cách mau chóng, mau chóng đến nổi anh không cảm thấy được.
-     Chứ không phải mộng?
Giai nhân liễm dung:
-     Mộng là gì, nếu không phải là sự thực không nắm được? Còn sự thực là cái gì, nếu không phải là một giấc mộng mà lòng ngộ nhận rằng thực? Anh thường lấy mộng và thực trộn lẫn nhau, và coi nhau như một, sao lúc nầy cứ lẩn quẩn nghĩ ngợi “thực mộng mộng thực” như thế? Kìa hãy trông kìa..
Lý Sinh trông theo ngón tay trỏ của giai nhân: Mặt trời lần lần lên khỏi đỉnh Phú Sỹ Sơn, huy hoàng, oai vệ. Từng lớp người, y trang đẹp đẽ, kéo nhau đi. Giai nhân nói:
-     Người ta đi xem hoa anh đào nở, vì xuân đã sang. Em xin đưa anh đi xem cho biết
Tay trong tay, hai ngừơi đi về hướng đông. Người đi nượp đường xá. Hầu hết là người Nhật, rồi đến người Âu, Mỹ. Người Tàu và người Việt chỉ lưa thưa. Đi giây lâu thì xa xa thấy cánh rừng anh đào bát ngát.. Giai nhân nói:
-     Trong rừng, người ta có tổ chức nào quán rượu, nào quán trà, nào trò chơi, nào vũ nhạc…. Rộn rịp tưng bừng.. Nhưng chúng ta nên tránh nơi náo nhiệt, để có thể hưởng được nhiều thú vị thiên nhiên.
Nói đoạn đưa Sinh trẽ sang con đường khác vắng bóng người, rồi đến một quảng rừng hoa trỗ đầy nhánh. Cảnh đẹp thần tiên, sinh không biết nói làm sao cho rõ được những gì mình đã nhận thấy cảm thấy! Chàng đứng ngẩn ngơ. Giai nhân cười:
-     Tả làm sao được vẻ thần tiên của anh đào? Các nhà thi sỹ Nhật Bản cũng đành gác bút. Xưa kia mà thi hào TEISHITUS (1610-1673) thú thật rằng không đủ lời để ca tụng, đành phải than lên mặt giấy “Kore Wa! Kore Wa!” Nghĩa là “Ôi đẹp quá! Ôi đẹp quá!” Mà thôi.
-     Vâng nhà thơ dù có tài đến đâu cũng chỉ có thể nói lên được những cái hữu hạn. Còn những cái vô cùng đành phải nhượng cho hoá công.
-     Không nói được những cái vô cùng, nhà thơ lại nói được những cái mà người thường không thấy hoặc thấy mà không nói lên được. Như trong khung cảnh đi xem hoa anh đào, thi sỹ KIKAKU (1661-1707) nhặt được một hình ảnh vừa thương tâm vừa đáng kính mến:
Xem anh đào nở hoa,
Theo sau mẹ
Em bé loà!
Chao ôi! Vì ưa thích hoa đến nỗi không thấy gì mà cũng cứ đi xem! Trong lúc nghìn muôn mắt đều để cả vào vẻ đẹp của hoa, ngoài thi nhân ra, có ai để ý đến em bé đáng thương ấy! Thi sỹ SHIKO (1665-1731) lại trông thấy một cảnh tượng khác buồn cười nhưng cũng đáng thương:
Đi xem anh đào nở,
Tiền mất cắp không ngờ:
Chàng nông phu ngu ngơ!
Trong quanh cảnh đẹp đẽ như thế ai ngờ lại có những chuyện đáng buồn đáng thương như kia! Mà phải chi trong cảnh đi xem hoa anh đào! Trong đời, cảnh nào lại không có mâu thuẫn tương trợ, mà hai bài anh đào là tượng trưng.
Sinh nói:
-     Vì không hiểu tính cách tượng trưng của thơ Haikai, nên có nhiều người bảo rằng thơ Nhật chỉ đẹp như những con poupées của trẻ em chơi.
Giai nhân đáp:
-     Người Việt Nam có câu: “Ếch ngồi đáy giếng thấy bao lăm trời”. Người Nhật cũng có câu tương trợ: “Nhái ở giếng làm gì biết được đại dương”. Mình cũng không nên trách họ. Thấy được cái lớn trong cái nhỏ, thấy được vũ trụ trong giọt sương mai, phải là người có con mắt tinh vi, có trí não sáng suốt, có học thức sâu rộng… chớ “loài ếch loài nhái” thì chỉ có “đẻ vãi xuống sông, trứng bám theo rong, nở ra nòng nọc..” vậy thôi.
Sinh cười ngất:
-     Nghe nói người đàn bà Nhật hiền lành lắm mà?
Giai nhân cười, đáp:
-     Bởi vì sanh trưởng nơi Việt Nam nên bị biến chất.
-     Thế thì làm gì hiểu thấu đáo được thơ Nhật?
-     Tuy không thấu đáo nhưng cũng có thể hiểu được sâu vì chưa mất gốc.
-     Vậy xin nói cho nghe qua về thơ Nhật.
-     Em chỉ xin nói đại khái về thơ Haikai, và chỉ nói đại khái về tánh cách:
Thơ Haikai rất thịnh hành ở thế kỷ thứ XVII. Và chỉ gồm có 3 câu. Câu thứ nhất 5 tiếng, câu thứ nhì 7 tiếng và câu thứ  ba 5 tiếng (syllabes: ngũ ngôn, thất ngôn, ngũ ngôn). Ba câu ấy là ba hình ảnh hợp lại để tạo thành một hình ảnh mới lạ đầy mộng đầy thơ. Người thơ không nói hết ý. Họ chỉ nói lên một phần thôi, còn một phần lớn thì để cho trí tưởng tượng của người đọc. Thơ Haikai chỉ gợi chứ không tả, không nói rõ. Nó chứa đựng những cái bí ẩn mà người đọc phải tự tìm lấy. Ý tứ trong thơ rất dồi dào. Chúng ta có thể hiểu nhiều cách, tuỳ khả năng lãnh hội của từng người.
Simh tiếp:
-     Đọc thơ là sáng tác. Lời này áp dụng vào lúc đọc thơ Nhật lại càng đúng.
-     Nhưng thôi. Khi khác sẽ bàn rộng. Hôm nay nên để ý đến hoa.
-     Mùa xuân ở Nhật Bản chỉ có hoa anh đào thôi ư?
-     Hoa anh đào là tượng trưng tâm hồn người Nhật. Ngoài ra còn rất nhiều thứ hoa khác. Như hoa Mai chẳng hạn, âu là chúng ta hãy đi thăm vườn mai của quan thị thần TSURAYUKI.
Giai nhân đưa Sinh đến một khoảng vườn rộng chừng mươi mẫu, hoa bạch mai nở đầy và mùi hương đưa bát ngát. Giữa vườn, một khóm mai cao lớn, thân hình cổ kính, nhánh nhóc hoành tà trông thật đẹp mắt. Giai nhân dắt SINH luồn qua hoa mai, đến bên cạnh khóm lão mai ấy, và nói:
-     Khóm mai này sống đã trên 10 thế kỷ. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ X, trong vườn Ngự có một khóm mai quí bị sùng ăn gốc, héo rồi chết dần. Thiên Hoàng MURAKAMI truyền cho quan giữ vườn tìm cây mai khác thay thế. Nhân thấy nơi  vườn quan thị thần TSURAYUKI có khóm mai mới ra hoa xinh đẹp không kém khóm mai vườn Ngự, viên quan giữ vườn bèn tâu cùng Thiên Hoàng. Thiên Hoàng liền hạ lệnh cho quan thị thần bứng khóm mai kia đưa vào Thượng Uyển. Người con gái của Thị thần thương tiếc khóm mai, làm một bài thơ treo nơi cành. Thơ rằng:
Vì lệnh Mikado
Nên thiếp vui lòng phụng hiến.
Nhưng thiếp biết nói lời gì
Khi chim hoa lau về hỏi chốn ngày xưa!
Thiên hoàng xem thấy, cảm động, liền truyền đem mai trồng lại nơi vườn xưa. Và từ ấy đến nay, chủ vườn đã tàn không biết bao nhiêu lớp, mà khóm mai vẫn tươi thắm cùng tuyết sương.
Sinh vỗ tay khen:
-     Thật nên thơ! Thật đẹp đẽ thay tâm hồn người Nhật!
Giai nhân cười:
-     Thi nhân mà cũng biết nịnh ư?
-     Không. Đó là thật lòng khen ngợi. Những gì dối trá đâu có nên thơ.
Giai nhân sung sướng, dắt Sinh ra khỏi vườn. Hoa mai rơi dính đầy mình hai người, chẳng khác những điểm tuyết  có mùi hương. Sinh thích ý nói:
-     Em là một tiên nữ mình mọc đầy sao!
Giai nhân cười:
- Còn anh là người thơ của Hàn Mặc Tử “đầy mình lốm đốm những hào quang”.
Lý Sinh thích quá ôm giai nhân vào lòng. Giai nhân cười:
-     Người thơ lắm lúc không nên thơ tí nào cả.
Sinh cũng cười:
-     Đó là tại cái chất của thơ chưa tan biến.
Giai nhân cười ngặt nghẽo, rồi nói:
-     Hãy mang chất thơ ấy đi theo tôi đến thăm khóm mai của thi sỹ MICHIZANE (844-903). Đây là một  cây mai biết bay.
-     Cây mai biết bay?
-     Vâng, đã trên nghìn năm nay người Phù Tang vẫn truyền thế. Truyền rằng thi sỹ MICHIZANE đi xa, xuân đến không về thăm nhà được, nhớ khóm mai trong vườn, bèn sáng tác mấy vần thơ “ Nhắn Mai Vườn Tôi” rằng:
Ngọn nồm bay sang
Hương đưa dịu dàng.
Ơi mai vườn cũ
Em dù vắng chủ
Chớ lòng quên xuân.
Khóm mai nơi vườn thông cảm, đương đêm bay đến nơi thi sỹ trú và mọc ngay ở trước sân, hoa nở đầy nhánh. Sáng thức dậy trông thấy cành mai của mình, thi sỹ cảm động quá, ôm mai mà khóc. Cây mai cũng khóc, những giọt lệ hoa nhỏ đầy tóc thi nhân, biến thi nhân thành một khóm mai bằng ngọc, nhưng biết nói…
SINH lấy làm thích thú quá, giục giai nhân đi cho mau. Giai nhân làm bộ giật mình:
    Ủa! Mà quên!
-     Quên cái gì?
-     Quên nói rằng sau đó ít lâu thi sỹ qua đời, cây mai liền bay theo hồn thi sỹ. Nay nơi đó chỉ còn khoảng đất không. Chúng ta có đến cũng vô ích…
Sinh cười lớn:
-     Thế là cụt hứng!
Giai nhân hóm hỉnh đáp:
-     Miễn chất thơ vẫn còn.
Đoạn chỉ ra trước mặt:
Kìa mấy khóm thuỳ dương. Đó cũng là một nguồn thơ xuân của Nhật Bản.
SINH nhìn theo. Nơi khoảng đồng cỏ xanh non điểm hoa nhiều màu, mọc rải rác những khóm  dương lá cành tha thướt. Một ngọn gió đưa, tiếng nghe như sáo thổi, và tơ xanh bay phất phơ… Giai nhân nói:
-     Sau những trận mưa xuân, trông những khóm dương kia mới thật là đẹp. Thi sĩ ISE của thế kỷ thứ X có bài “hạt châu xuân” rất lý thú, rằng:
Trên khóm dương xanh
Đeo nơi cành
Mưa xuân từng giọt..
Sợi tơ mành
Xuyên qua thành chuỗi hạt minh châu.
Giai nhân vừa nói vừa dắt Sinh đến ngồi dưới gốc một khóm dương. Mặt trời đã lên cao, bầu trời quang đãng. Vạn vật tắm ánh xuân vừa lộng lẫy vừa dịu dàng.  Tiếng chim trên cành đua nhau hót véo von.  Giai nhân ngồi sát bên cạnh Sinh, lấy tay Sinh choàng lên  vai mình, và ngả đầu vào vai Sinh, ngồi lim dim đôi mắt:
-     Đến Nhật Bản, ai nấy đều tìm đến Đông Kinh trước. Đông Kinh là nơi giàu sang nhất nước Nhật. Nhưng đến đó sẽ bị cái hào nhoáng của vật chất đánh lạc mất cái thâm thuý của tinh thần. Vì anh muốn tìm hiểu tâm hồn người Nhật qua thơ Haikai, nói cho đúng hơn là tìm chân vị trong thơ Haikai, nên em phải đưa anh đến những nơi thanh vắng của nước Nhật.  Rồi đây tự anh  sẽ đi lần lần vào trong các nơi sâu xa hơn, bí ẩn hơn.
Sinh hơi chột lòng, nắm chặt tay giai nhân hỏi:
-     “Tự anh sẽ đi tìm lấy”? Như vậy em muốn bỏ tôi sao?
-     Bỏ thế nào được. Em đã do lòng mơ ước của anh hoà với Thơ với Mộng mà kết tinh, thì em chỉ xa anh khi nào anh đã chán ghét… Nhưng thôi đi mệt quá. Anh để cho em nghỉ giây lát cho lại hơi.
Nói xong nhắm nghiền đôi mắt. Sinh  cảm thấy một hơi lành lạnh  thấm từ vai chàng thấm dần xuống ngực…, xuống tay chân… Chàng cũng nhắm đôi mắt lại để hưởng cái cảm giác lạ lùng ấy. Chàng cảm thấy say say như ngửi quá nhiều mùi hoa dạ nguyệt hương trong gian phòng kín… Chàng đương bàng hoàng thì một bàn tay đập lên vai chàng... Chàng giật mình mở mắt, thì thấy mình đương úp mặt trên tờ băng cơ, và đứa con gái đứng bên chàng gọi:
-     Ba dậy cúng giao thừa!
Và ngoài trời tiếng pháo bắt đầu nổ… Chàng đứng dậy nhìn lên hương án. Lư trầm bốc khói bay lờ mờ bóng áo long cổn và bóng áo kimono…
                                                                                                              Xuân 1963