HOA TRÁI NON HƯƠNG
Anh Hương Sơn,
người sông Côn núi Hương, băng ngàn vào thăm vườn hoa thơ, và tặng lão một tập
thơ chưa xuất bản: Hoa Trái Non Hương.
Anh Hương Sơn là
người thuộc phái cựu học. Thơ của anh toàn làm theo thể Đường luật.
Thể Đường luật đã
trở thành một vật cũ kỹ. Luật thi dù hay đến đâu cũng ít được chú ý. Cho nên
những con cháu Hàn Thuyên không chịu thoát xác. Có người hỏi tại sao. Anh cười
hả hả đáp:
-
Trót ghiền nặng rồi, không thể cai được.
Vì không thể cai
được nên anh đành ngồi nơi ba ngọn tháp Dương Long (1) chạm gió trổ mây để mua
vui cùng ngày tháng. Nhân thấy Vườn Hoa Thơ đón tiếp tất cả các khách yêu thơ,
không phân biệt mới cũ, anh mới không ngại đường xa.
Tiếp bạn đón thơ,
lão cao hứng ngâm:
Mặt lão vườn sắc thu dù nhạt
Có hoa vàng còn ngát mùi hương. (2)
Rồi cùng bạn chọn
một ít nhánh chưng ra vườn hoa thơ:
KHÓC MẸ
Thềm huyên thấp thoáng bóng mây qua
Đối cảnh lòng thêm nhớ mẹ gì
Chín chữ cao dày cân nặng chín
Ba đường sau trước giữ tròn ba
Những ngờ tuổi thọ dài trăm chục
Mong trả ơn sâu được một và
Mở sách người xưa ghi chữ hiếu
Nghĩ câu phong thọ lệ dầm sa
Đọc bài nầy lão
nhớ lại một câu chuyện rất cảm đông lão được chứng kiến mùa xuân năm Ất Dậu (1945):
Lúc ấy anh Hương
Sơn cùng lão và một số thân hào nhân sỹ Bình Khê xuống An Nhơn thăm cụ Biểu
Xuyên Đào Phan Duân. Cụ Biểu Xuyên đậu phó bảng, làm quan đến chức tuần vũ, nổi
tiếng thanh liêm và chánh trực. Phái cựu học tỉnh Bình Định suy tôn là Thái Sơn
Bắc Đẩu. Hỏi thăm gia cảnh của mọi người, biết được anh Hương Sơn còn mẹ già
gần tám chục, cụ mừng rỡ như mình còn mẹ già:
-
Đại phước, đại
phước!
Đến khi khách xin bái biệt, cụ trao cho anh Hương Sơn
một gói nhỏ:
-
Tuổi già cần dùng
quế cho thường. Tôi có miếng quế Thanh, xin gởi về kính biếu cụ bà với lời chúc
thọ.
Lòng Cụ Biểu Xuyên cao đẹp quá!
Cụ Phan Sào Nam có câu:
Thảm vì cái kiếp con không mẹ
Hổ cũng như ai sãi có chùa
Lòng cụ Biểu Xuyên, lời cụ Sào Nam là tấc lòng là lời
nói chí thành của những bậc đại hiếu.
Bài thơ KHÓC MẸ của anh Hương Sơn xúc động lòng lão
chẳng những do chỗ chí thành trong thơ mà còn do những ký ức bị lời thơ làm
sống dậy.
Thơ cảnh của anh Hương Sơn cũng có nhiều giai cú:
-
Luỹ cổ gió đưa mùi chính khí
Sông dài sóng
giợn thức văn chương.
(Trường Mai Xuân Thưởng) (3)
-
Luỹ xưa một dãy bền son sắt
Tháp cũ nghìn
thu ngạo nắng sương.
(Cảnh Hương Sơn)
-
Bãi thắm hương rao làn gió nhẹ
Dòng trong
sóng lộng ánh trăng vàng.
(Chơi bến Đá Hàng)
vân.. vân…..
Anh Hương Sơn cùng lão vốn có tình khế nghị, nên lão
không chút dè dặt trong việc chê khen. Lão thành thật cho biết rằng tập HOA
TRÁI NON HƯƠNG, cũng như phần nhiều
những tập thơ Hàn luật lão đã nhận được của các thi hữu gởi tặng, không tránh
khỏi khô khan, và thường vấp phải những cổ sáo.
Hương Sơn hỏi: - Làm thế nào để tránh những bệnh ấy?
-
Nên đọc nhiều cổ
thi, nên đọc nhiều thi thoại.
-
Đọc nhiều lại
càng bị cổ nhân chi phối chớ làm sao giải thoát được?
-
Nước Việt Nam ta
bị thực dân Pháp đô hộ là vì bế môn toả cảng. Chớ nếu mở lòng đón tất cả những
người Tây Phương đến xin giao hảo, thì đâu đến nỗi bị nô lệ ngoại bang. Thờ
nhiều người làm thầy thì rồi không ai có thể làm thầy mình được cả, hoặc chỉ
còn một ông thấy xứng đáng để mình noi gương.
-
Nên đọc thơ nào
nhiều nhất và nên xem sách nào có ích nhất? Theo kinh nghiệm bản thân của anh.
-
Thơ Đường, thơ
Tống, và Tuỳ Viên Thi Thoại.
Đọc thơ Đường để học lấy cách điệu và hớp lấy không
khí man mác mơ màng cùng hương vị của hoa lan, hoa mai, hoa cúc. Đọc thơ Tống
để thấy rõ cái hay của thơ Đường và vị triết lý, mà thơ Đường có còn ít.
Ở Bình Định xưa nay ít người chuyên tâm nghiên cứu về
thơ. Cho nên sách dạy làm thơ, sách nói chuyện thơ, không nhiều người tích trữ.
Khách yêu thơ muốn mở mang kiến thức, không biết nương tựa vào đâu. Lão nhận
thấy đọc bộ Tuỳ Viên Thi Thoại cho thật kỹ cũng có thể biết đại khái về lịch
trình tiến hoá của thơ Đường luật, về các môn phái trên thi đàn, về bút pháp
của các đại gia văn chương… Tư tưởng của tác giả là Viên Tử Tài có nhiều chỗ
giống các nhà đại thi hào Đức Rainer Maria Rilke.
Anh Hương Sơn than:
-
Tuổi đã lớn rồi.
Sức thu nhận của trí óc đã kém lắm. Cho nên lực bất tùng tâm. Gặp nhau mong cho
nghe đôi điều sở đắc.
-
Trước hết xin nói
về tánh chất:
Làm người chẳng khá chẳng hiện cho rõ như cùng nhược,
can cùng bạn, hậu cùng hôn, minh cùng khắc, tự trọng cùng tự đại, tự khiêm cùng
tự tiện. Vì những cái ấy ngó dường giống nhau mà thật ra thì khác nhau xa. Làm
thơ cũng chẳng khác chẳng biện cho rõ Đạm cùng Khô, tân cùng tiêm, phác cùng
chuyết, kiện cùng thô, hậu trọng cùng nhu trệ, tung hoành cùng tạp loạn. Vì
những cái ấy ngó dường giống nhau mà thật ra thì cũng khác nhau xa. Cổ nhân gọi
là “Tợ thị nhi phi”. Nếu không tinh thì thường bị lầm lẫn.
Khô lầm với đạm, chuyết lầm với phác, là những cái lầm
khách làng thơ thường mắc phải.
Lấy ngay ví dụ trong Hoa Trái Non Hương:
Tấc lòng gởi gắm thơ đôi vận
Câu chuyện khuây khoa bạn mấy người
Đó là khô chớ không phải đạm. Vì chíp chắp xem vẫn
không thấy ý vị. Nếu đem sánh với hoa thì đó là hoa chim chim, hoa chành rành.
Nếu sánh với trái thì đó là trái thị đẹt, trái ổi non. Có thể gọi là đạm, câu:
Hồi hộp chim
kêu hoa trước dậu
Bùi ngùi gió
thổi trúc bên song.
Không có gì giàu không có gì sang, song có vị, vị
thanh thanh dịu dịu. Người đọc có cảm giác đứng bên khóm hoa lài, đứng dưới
giàn hoa lý, hay ăn một miếng dưa gang, ăn một nhúm hạt dẻ.
Đèn khối nhá
nhem sân cỏ gấu
Cơm mì trệu
trẹo mắm cua chua
Đó là phác, tức là thực thà, thực thà chớ không quê
kịch. Đó cũng là đạm vì vị thơ không nồng nàn nhưng có thú. Trong thơ, chất
phác và thanh đạm thường đi đôi. Nhưng trong chất phác thường thường có thanh
đạm, mà trong thanh đạm không có chất phác. Ví như trong các bài thơ về mùa thu
của Tam Nguyên Yên Đỗ:
-
Lưng dậu phất thơ màu khói nhạt
Làn ao lóng
lánh bóng trăng loe
-
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không
viền cũng đỏ hoe.
-
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc
quanh co khách vắng teo
Đó là đạm mà không phác. Cho nên gọi là thanh đạm. Câu
“hồi họp.. Bùi ngùi” thượng dẫn cũng là thanh đạm.
Còn chuyết tức là vụng về thì như câu:
Quán trọ muối
dưa dâng tấc thảo
Vườn quê hoa
quả chạnh ơn dày
Hương Sơn
nghĩa cả còn ghi đó
Nại hải lòng
con tạm náu đây. (4)
Vì chuyết cho nên không rung cảm lòng người đọc, mặc
dù đó là lời than của người tản cư nhân ngày kỵ của song thân. Cảnh tình thật
là buồn thương, nhưng vì lời thơ vụng không đủ sức truyền cảm như câu “ Đèn
khối… Cơm mì…”.
Mà thơ chuyết vì thiếu công trác luyện. Nhưng lắm khi
trác luyện quá mức cũng trở thành chuyết:
Màn vẹt khói
mây tân vận hội
Màu phơi hoa
gấm cựu gian san. (4)
Mới ngó thì đẹp, nhưng ngắm kỹ thì ngấn vết dụng công
thấy rõ ràng quá. Dụng điển đừng để thấy chỗ cắt xén, dụng xảo đừng để bày dấu
chạm trổ thì mới là khéo là diệu.Thi đến được mức giản luyện phải trải không
biết bao công phu học tập hàm dưỡng, chớ không phải tự nhiên mà nên. Có được
một chậu thuỷ tiên lưa thưa năm bảy đoá hoa chiếc lá, đâu phải chỉ mua vài ba
củ tươi tốt đem về để vào bát sứ ngâm nước là xong. Phải có đôi bàn tay khéo
léo của giai nhân gọt tỉa từng chút nâng niu từng chút, chớ để tay phàm phụ
đụng vào thì ô hô! Cho nên đừng thấy giản dị mà tưởng dễ dàng.
Sơ Bạch lão nhân thường dạy kẻ học làm thi rằng:
-
Thơ hậu tại ý chớ
không phải tại lời. Thơ hùng tại khí chớ không phải tại câu. Thơ linh tại không
chớ không phải tại xảo. Thơ đạm tại diệu chớ không phải tại cạn. (Thi chi hậu
tại ý bất tại từ. Thi chi hùng tại khí bất tại cú. Thi chi linh tại không bất
tại xảo. Thi chi đạm tại diệu bất tại thiển).
Tác giả Tuỳ Viên Thi Thoại rất tán thưởng lời nầy.
Anh Hương Sơn hỏi:
-
Những câu nói về
hậu về hùng về đạm, tôi lãnh hội được. Còn LINH là sao? KHÔNG là sao?
-
LINH về hình thức
là linh động, về tinh thần là linh diệu. Thơ linh là thơ có một sức sống dồi
dào, có một sức truyền cảm mạnh mẽ, tức
là thơ có hồn.
-
KHÔNG là hồn
nhiên và tự nhiên như vòm trời xanh không là gì hết nhưng là tất cả.
Trong Hoa Lá Non Hương có câu:
Nghĩa nặng
nặng hơn vàng đá nặng
Tình chung
chung gánh nước non chung.
Đó là xảo. Lời êm câu khéo. Nhưng xét kỹ tình nghĩa
không có gì là thâm hậu, vì quá trừu tượng. Người đọc thấy vui vui chớ không bị
rung cảm. Đọc rồi là rồi chớ không còn thấy chút dư vị. Như thế là không hậu
không linh. Vừa linh vừa hậu thì như câu thơ của cụ Phan Sào Nam:
Thà không
trời đất không chi cả
Còn có non
sông có lẽ nào..
Anh Hương Sơn có ý buồn:
-
Như thế thì thơ
tôi chưa đi tới đâu cả!
-
Vậy chớ trong
làng thơ Việt Nam, nhất là xóm thơ Hàn luật, đã có mấy người đến được diệu xứ?
Trong tập Hoa Trái Non Hương, lại có nhiều thơ xướng họa.
Sợ ông bạn mắc phải bệnh chung của các người làm thơ Hàn luật, lão bèn đem lời
cổ nhân ra mà khuyên.
Viên Tử Tài nói:
-
Thi ngôn chí.
Tình sanh văn, văn sanh vận. Đó là lý nhất định. Người đời nay muốn dùng điển
đó là không chí mà muốn làm thi, muốn điệp vận đó là nhơn vận mà sanh văn, muốn
hoạ vận đó là nhơn văn mà sanh tình. Bọn trẻ đua đối (đấu thảo) tuy nhiều cũng
không ích chi.
Cố Linh Nhân
lại nói:
-
Người khéo hoạ
thơ ấy là người trong bụng không có thi mà tự khoe cái vụng ra vậy.
Lúc nhỏ lão rất ưa hoạ vận, vì háo thắng. Nhưng từ khi
biết qua loa được thế nào là thơ, thì đành mang tiếng là dốt là ngạo, chớ nhất
thiết không hoạ thơ và cũng rất ít muốn xem thơ hoạ.
Anh Hương Sơn gật đầu biểu đồng ý và tỏ vẻ hoan hỷ:
-
Khi đi học, học
phép làm thơ để đi thi. Học đủ niêm đủ luật, học cho biết thế nào là khởi thừa,
thế nào là trạng luận, thế nào là chuyển kết. Thế là đủ. Nói cho thật đến quyển
Thi Pháp Nhập Môn là quyển sách vỡ lòng, mà lắm người, trong đó có tôi, còn
chưa đọc hết hoặc đọc kỹ, huống hò những sách cao xa! Như vậy bảo làm thơ cho
giỏi cho tinh thế nào được?
-
Sách Lễ Ký nói
rằng “Học nhiên hậu tri bất túc”. (5)
-
Nhưng lại có sách
nói: “Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc” (6). Hai lời dạy có trái nhau
chăng?
-
Tri túc không
phải tự cho mình như thế là đủ, mà là biết rằng mình mới có chừng đó phải bằng
lòng sử dụng mớ vốn mình có một cách hợp tình hợp cảnh, chớ đừng đòi hỏi quá
nhiều. Biết rõ cái mình có, để tiêu dùng cho vừa mức, để cho cái cầu không quá
cái cung, để cho cung cầu tương xứng, chớ không
phải để nằm ôm những gì mình đã có, mà không chịu học thêm những cái
mình chưa có. Bỡi vậy sau khi nhắc đến câu trong sách Lễ Ký, Viên Tử Tài nói
thêm: “Xem đó là biết rằng những kẻ tự cho mình là đủ đều là những kẻ bất học.
Cho nên con giạ lang (7) tự cho mình là lớn thật không quái vậy”.
-
Cổ nhân nói rằng
càng học càng thấy mình dốt, là vậy đó. Nhưng còn học gì nữa ? Già rồi !
-
Đức Khổng Tử lúc
đã lớn tuổi rồi mà vẫn còn học, huống chi bọn mình.
Anh Hương Sơn cười :
-
Đem tặng Vườn Hoa
Thơ một quyển thơ mà nghe được nhiều lời thú vị và bổ ích.
Xin lĩnh ý về ráng học để có thơ vào tặng nữa..
Trước khi ra về anh lên thăm miếu Sinh Trung ở trên
núi Hà Ra trong thành phố Nha Trang, và để lại mấy vần lục bát:
Vui xuân khách cũng đồng vui
Sinh Trung dìu bạn lên chơi với mình
Non sông vẽ bức tranh tình
Hồn hương tướng sỹ đền linh ngạt ngào
Biển lồng hoa thắm lầu cao
Cách thôn dừa liễu dạt dào sóng xanh
Danh lam ẩn bóng thị thành
Gặp tuần giai tiết thoả tình lãng du (8)
_____________________________________________________________________
(1)
Tháp Dương Long ở phía Bắc thôn An Chánh, quận Bình Khê tỉnh Bình Định của tác
giả Hoa Trái Hương Sơn.
(2) Lấy
ý thơ cổ:
Mạc hiềm lão phố thu dung đạm
Do hữu hoàng hoa vãn tiết hương.
(3) Trường Mai Xuân Thương lập thời Việt
Minh do 1 nhóm người có tinh thần quốc gia điều khiển. Trường ở dưới chân núi
Hương Sơn có một dấu đồn luỹ nghĩa binh Cần Vương, và ở trên bờ sông Côn là một con sông lớn của Bình Định.
(4) Những câu Thượng dẫn đều trích trong Hoa
Trái Non Hương.
(5) Học rồi sau mới biết rằng không đủ
(6) Biết rằng đủ thì là đủ, đợi cho đủ biết
đời nào đủ.
(7) Con ễnh ương.
(8) Bài nầy viết năm 1965 anh Hương Sơn đã
mất năm 1968 thọ 69 tuổi.