Trong vườn hoa thơ Bài 23-Hoa trong Ngưỡng Cửa Chiều Hôm



HOA TRONG NGƯỠNG CỬA CHIỀU HÔM

Vũ Phan Long ở Qui Nhơn gởi tặng lão vườn một tập thơ vừa hoàn tất.
Tập NGƯỠNG CỬA CHIỀU HÔM.
Đó là tập thơ thứ hai của họ Vũ.
Tập thứ nhất là tập ĐÌU HIU ra đời năm 1968.
Trong tập Đìu Hiu có một câu làm cho lão để ý đến họ Vũ. Đó là câu:
Cánh ong trên lá rập rình
Môi em mật ngọt nụ tình nở hoa.
Câu nầy, theo mắt lem hem của lão, là một cái mầm đầy nhựa sống cho thấy trước rằng tâm hồn của tác giả là một khoảng vườn phì nhiêu có nhiều giống kỳ hoa dị thảo chưa gặp thiện duyên để nảy lộc sanh chồi.
Lão chờ đợi.

Nhận được NGƯỠNG CỬA CHIỀU HÔM, lão nửa ngại nửa mừng. Mừng được sớm thấy những gì mình mong thấy. Ngại rủi những gì mình mong thấy không được thấy, lại thấy toàn những gì mình không mong.
Tuy đương bận cuốc cỏ vườn và chọn hoa để đón tiếp bạn đến thăm vườn đầu tháng theo thường lệ, lão phải tạm gác lại để xem hoa trong Ngưỡng Cửa Chiều Hôm.
Lão nhận thấy:
Từ ĐÌU HIU đến NGƯỠNG CỬA CHIỀU HÔM, Vũ Phan Long đã bước được một bước dài trên con đường thơ muôn dặm.
Và trên con đường thơ muôn dặm, họ Vũ lại ưa lách vào những nẻo đen tối đìu hiu, để tìm những cảm giác thê lương rùng rợn.
Trong vườn hoa thơ của họ Vũ, thương nổi lên những nấm mồ, những nấm mồ đẹp đẽ, nhưng cô quạnh lạnh lùng:
Gió xua bóng nắng về ngàn
Tổ chiều con nhện giăng tràn mối tơ
Run run nhánh gẫy.. mô hồ
Bước chân thiên cổ đáy mồ âm vang
                                         (Nhánh Gầy)
Bóng tràn ngưỡng cửa chiều hôm
Chập chờn nhân thế mồ chôn khắp trời
Mình tôi riêng đứng trên đời
Có ai tương biệt đây lờ viễn ly.
                               (Ngưỡng Cửa Chiều Hôm)
Ô kìa!
Nắng tắt bên sông
Bờ thu gió nổi
Mờ rung cây cành
Rơi rơi bước lá khuynh thành
Dưới sương vun nấm mồ xanh
Má hồng!
                               (Vun nấm mồ xanh)
Nắm xương biếc rụng vàng rơi
Lệ ai mộ lạnh? Ai lời nhắn nhe?
                               (Một mai)
Một mai gốc đổ tay rìu
Tìm nhau sắc cỏ tiêu điều mộ sương.
                               (Cây cố quận)
Vân vân …
Đó là hình ảnh tâm trạng của tác giả, một tâm trạng ảm đạm và luôn luôn dằn vật bồi hồi. Tâm trạng ấy do cảnh bất hạnh trong đại gia đình, cảnh bất hạnh tác giả phải chịu từ thuở bé, và do những cuộc thất bại trên đường đời,  những nỗi phụ phàng bạc bẽo của nhân tình thế thái, gây nên.
Thường thường những ngườip gặp cảnh bất xứng ý, cố tìm cách giải thoát. Nguyễn Phan Long lại đi ngược lại. Chẳng những không tìm cách khai phóng những nỗi u uất trong lòng, mà còn nuôi nấng ấp iu, lắm lúc còn sợ mất là khác. Vì tâm tư khắc khoải mà:
Ma đưa lối quỉ đem đường
Lại tìm những nẻo đoạn trường mà đi.
Đi trên nẻo đoạn trường, nhiều khi họ Vũ cảm thấy ngoài thân không có gì, trong thân cũng không có gì ngoài giọt máu sơ sinh. Hồn không biết nương vào đâu tựa vào đâu, bơ vơ lạc lỏng đành bám víu vào những cái không bám víu được là cái đã mất đã qua, để mà khóc mà cười, khóc cười trong bóng tối, khóc cười với tiếng rùng rợn của đau thương:
Cành run nắng vàng tắt thở
Trần gian gò đống xanh xao
Hư vô giật mình mắt mở
Trong sương gà gáy quê nào

Bàng hoàng sông ngưng tiếng hát
Cô đơn xuôi một dòng sầu
Đôi bờ cỏ thơm lạnh ngát
Về đâu viên xứ trăng thâu

Tôi đứng bên cầu lá rũ
Thân trần giọt máu sơ sinh
Tay vội níu hồn vãng sự
Khóc cười rợn bóng u minh.
                               (Bên cầu)

Thật là lạnh lẽo não nùng, lạnh lẽo não nùng như tiếng than của Hàn Mặc Tử:
-      Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu!
-      Một vũng cô liêu cũ vạn đời!
Bước đi trên nơi chôn nhau cắt rún, đôi khi họ Vũ cảm thấy hiu quạnh lẻ loi như người đày ra miền xa xôi lạnh lẽo:
Tôi về châu quận sương thâu
Nẻo xuôi cố thổ vang màu viễn phương
Theo chân nức nở máu hường
Hắt hiu khói sóng con đường hắt hiu
Tay nào đón đỡ nâng niu
Mắt nào quán lạnh đìu hiu lệ sầu
                               (Ngưỡng Cửa Chiều Hôm)
Đứng giữa mùa xuân, đứng trong ánh nắng tươi sáng, họ Vũ thường nhìn thấy màu âm u cảm thấy khí hiu hắt của mùa thu mùa đông:
Mùa xuân ẩn náu sa mù
Mình tôi giữa cõi ngục tù đăm chiêu
                                                                (Đăm Chiêu)

Long lanh giọt nắng nghiêng soi
Nghiêng đông đông thắm nghiêng đoài đoài xanh
Mắt em rạng ánh đa tình
Hồn tôi lũng tối cam đành tuyết dâng
                                                                (Giọt nắng)
Trong trăm năm là thế, ngoài trăm năm thì sao? Họ Vũ nghĩ “không còn gì hết”:
Ngày đi! hồng rụng vội vàng
Trời cao lớp lớp tro tàn phới sương
Tìm chi dưới cõi vô thường
Nghiêng tai cổ tháp miên trường lắng trông
Về đâu hỡi một giống giòng?
Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng!
                                                                (Phiêu bồng dưới trăng)
Đời cứ trôi, âm thầm trôi, trôi mãi như không bao giờ đứt không bao giờ ngừng, còn con người như viên gạch rụng nơi tháp cổ hay một viên sỏi ném giữa dòng sông:
Đời trôi biền biệt âm thầm
Một viên sỏi ném chìm tăm giữa dòng.
                                                                (Một mai)
Nghĩa là một phen nhắm mắt buông xuôi tay, thì không còn tăm không còn dạng.
Nhưng “không còn tăm dạng” không có nghĩa là mất hẳn, là hết. Cổ nhân gọi CHẾT là KHUẤT BÓNG, tức là “vẫn còn” vẫn còn ở “phía bên kia”. Cũng như viên gạch tuy vỡ mà tiếng vang vẫn còn mãi trong ánh trăng, ánh trăng bất diệt.
Tiếng viên gạch vỡ phiêu bồng dưới trăng
Một con ốc chết trên cồn vắng  
Xác tuyết nghìn thu lạnh bể khơi
Đêm nay trăng lạnh chìm sau núi
Một bóng tre nghiêng mãi cuối trời.

Nhưng vì đức tin quá mong manh không đủ sức đánh bạt nổi màn hắc ám trong tâm hồn để đưa ánh từ quanh vào thay thế.
Lão không bảo thế là phải hay là quấy. Vì đối với Thơ, màu đen huyền và màu đỏ thắm, màu xanh lơ…, không màu nào đẹp hơn màu nào, nếu người sử dụng biết áp dụng cho đúng nơi, đúng lúc và đúng mức. Lão nói qua tâm trạng của họ Vũ - nói vì biết rõ nhờ gần gũi lâu ngày cốt để giúp bạn đọc thân yêu dễ nhận thức những cái ưu cái khuyết trong thơ Ngưỡng Cửa Chiều Hôm mà thôi.
Tâm hồn của Vũ Phan Long đại khái là thế.
Còn tài nghệ?
Những bài những câu trích dẫn trên đây chứng tỏ rằng họ Vũ có thi tài, và nghệ thuật cũng đã luyện.
Ngoài những bài thượng dẫn, trong Ngưỡng Cửa Chiều Hôm còn một số giai tác. Lão thích nhất là những bài về đàn:

ĐÀN TRANH
Cành khô lộng ánh sương mù
Bốn con thú lạ nhìn thu gọi đàn
Chân rú mỏ chạm gió ngàn
Tuyết rơi nắng sớm hương tràn sóng khuya.

VỸ CẦM
Nghiêng hồn vũ trụ lên vai
Một trời đông muộn ngủ dài trong cây
Lằn sương kiếm loáng ngang mày
Xôn xao hoa tuyết bay đầy bướm xuân.

ĐÀN KHUYA
Đàn khuya từng giọt châu sa
Kìa em ! áo tuyết đâu mà ghé thăm
Vế đây, em gối em nằm
Nghe em năm ngón âm thầm máu rây
Từ phen mây nước lìa tây
Bực cung quen thói đắng cay lỡ rồi
Lệ sầu ngăn lại… em ơi
Cho anh phổ trọn mảnh đời lá lay
Nầy đây khúc “một bàn tay”
Này đây nửa bản "xuân thì" dở dang
Điệu buồn “Sa Mạc” “Tao đàn”
Thương ai “Bến Ngự Đêm tàn”... hỡi em!

Lòng đang chín khúc say mềm
Một dây bỗng đứt đường chim sững sờ
Giật mình đâu bóng người thơ
Vườn khuya con nhện thẫn thờ dệt trăng

Bạn THI VŨ thích bài Đàn Tranh
Bạn TRẦN THÚC LÂM, trong số Xuân Canh Tuất Niềm Thương, khen bài Đàn Tranh và bài Đàn Khuya.
Nói về Đàn Khuya, họ Trần có những lời ý vị:
"Tôi liên tưởng đến những khúc đàn của Vương Thuý Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh và bài Nhị Hồ của Xuân Diệu. Liên tưởng để mà thưởng thức chớ không phải để so sánh. Nếu mà có so sánh chăng là so sánh cái cảm giác khi đọc mỗi bài thơ, khi nghe mỗi khúc đàn, chớ không phải so sánh văn chương cao thấp.
Tác giả Đoạn Trường Tân Thanh, tác giả Nhị Hồ là những khách thẩm âm, tức là người nghe đàn. Tác giả đàn khuya lại là người gảy đàn, còn người nghe đàn không phải là con người bằng xương bằng thịt, mà là con người của mộng của thơ. Cho nên đọc Nguyễn Du, Xuân Diệu, chúng ta dù vui dù buồn, dù nhẹ nhàng dù trầm tệ.., lòng chúng ta vẫn thấy yên và ấm. Còn đọc Vũ Phan Long, chúng ta vừa cảm thấy lạnh lẽo lẻ loi, vừa cảm thấy rờn rợn như đối cảnh “Vườn khuya con nhện thẫn thờ dệt trăng”.

Còn về phần lão thì cả ba bài đàn với những bài lão trích dẫn trên kia đều là những bài lão cho là trổi nhất trong Ngưỡng Cửa Chiều Hôm.
Những câu:
-      Vườn khuya con nhện thẫn thờ dệt trăng
-      Tuyết rơi nắng sớm hương tràn sóng khuya
-      Xôn xao hoa tuyết bay đầy bướm xuân
Theo lão, là những giọt sương mai đọng trên những cánh hoa hường mới nở dưới màu trời rạng đông. Ước có được nhiều để kết chuỗi tặng nàng Thơ, tặng nàng yêu trong mộng. Và đọc câu “xôn xao hoa tuyết bay đầy bướm xuân” lão chợt nhớ đến bài thơ Nhật của FUJITOMI YASUO mà Phạm Công Thiện đã dịch cho lão nghe mấy năm về trước:
Ồ thật!
Từ trong đàn vi ô lông
Từng cánh bướm lao xao
Bay ra và tản mạn
Chao! Đẹp!
Câu thơ của Vũ Phan Long không thanh thoát bằng câu thơ Nhật, nhưng giàu hình ảnh hơn. Hai bên tánh chất lại khác nhau. Thơ Nhật ấm và nhẹ, thơ họ Vũ lạnh và trầm. Một bên là hoa đào, một bên là hoa mận. Cả hai đều có biệt thú.
Có người bảo rằng trong Ngưỡng Cửa Chiều Hôm, lắm bài phảng phất quỉ khí.
Nhận thức như thế chưa đúng hẳn mà cũng không phải sai. Vũ Phan Long có khuynh hướng về quái đản. Đó là do tâm trạng như trên đã nói. Nhưng chưa đạt được ý muốn.
Thơ có quỉ khí, hay tiên phong, hay đạo vị, không phải muốn mà được. Tác giả phải hàm dưỡng tu luyện lâu ngày. Những giống phi phàm kia thâm nhiễm vào cốt tuỷ, biến thành tinh khí, thành huyết hãn. Một khi hứng đến, tự nhiên theo tâm tư  mà len ra bút mực, tác giả không tự biết, độc giả phải tinh lắm mới nhìn ra. Nghĩa là thơ có quỉ khí, có tiên phong, có đạo vị... luôn luôn xuất ư vô tâm.
Riêng nói về thơ có quỉ khí. Ví dụ nói về ngày lễ thanh minh, thơ Tống có câu:
Nhật lạc hồ ly miên trủng thượng
Dạ quỉ thiếu nữ tiếu đăng tiền.
Nghĩa là: Mặt trời lặn, con hồ ly nằm ngủ trên gò mả. Đến tối trông thấy đứa con gái nhỏ ngồi cười ở trước đèn.
Đó chỉ là câu thơ tức cảnh, có ngờ đâu lại làm cho độc giả nhạy cảm phải lạnh mình! Tác giả đã chuyền quỉ khí nơi nghĩa trang vào thơ: Còn gì rùng rợn bằng hình ảnh con hồ ly nằm ôm gò mả ngủ lúc chạng vạng vắng bóng người? Bị ám bởi cảnh tượng hồ ly, ai khỏi lạnh mình khi trông thấy cô gái nhỏ ngồi cười trước ngọn đèn hiu hắt? Người trần thế hay là hồ ly hoá nên?

Chủ ý của tác giả là đem hai cảnh trái ngược nhau ở ngoài đường và ở trong nhà: Ngoài đường lạnh lẽo đìu hiu như kia, còn trong nhà tươi cười ấm áp như thế. Nhưng “Âm khí nặng nề” nơi nghĩa trủng, chẳng ngờ lại theo tác giả về nhà làm cho cảnh nhân thế trở thành nửa âm nửa dương, hắt hiu rờn rợn!
Đọc câu thơ Tống, còn dễ nhận thấy quỉ khí, vì phát hiện ra ngoài. Có nhiều câu thơ quỉ khí len lỏi ở bên trong, không. Có nhà thơ “cao tay ấn” chỉ cho thì khó mà nhận thấy. Lão xin kể một câu chuyện trong Tuỳ Viên:
Vương Xuân Khê dạy học ở Sơn Trung, lấy trong thơ Đào Tiềm 4 chữ “Hạ trử Thanh âm” (mùa hạ chứa bóng trong mát) mà ra đề cho học trò. Kẻ tộc đệ tên Như  Sơn có câu kết rằng:
Dạ thâm vi võ quá
Tích tuý trích thành âm
Nghĩa là: Đêm sâu trận mưa nhỏ quá, đọng chứa sắc xanh rơi thành tiếng.
Họ Vương đem khoe cùng Viên Tử Tài. Viên khen rằng tác ý cao, song hiềm có quỉ khí.
Không đầy một tháng sau tác giả Như Sơn mất. Viên khóc:
Nam vong tích tuý thành âm cú
Thị ngã tầm thiềm phúc thống thì.
Nghĩa là: Khó quên câu “tích tuý thành âm”, đó là lúc ta nương thềm đau xót.

Tại sao bảo rằng câu đó có quỉ khí?
Bởi vì màu xanh mà đọng lại thành giọt đã quái rồi mà giọt xanh ấy lại nhỏ xuống thành tiếng thì lại càng quái thêm.
Ông thầy đồ họ Vương chỉ thấy hay mà không thấy quái. Phải có con mắt tinh tế của Viên Mai, phải có tâm hồn tế nhị thâm thuý của Viên Mai mới nhận thấy, mới cảm thấy nổi.
Cổ nhân rất sợ thơ có quỉ khí.
Năm 1947, viếng mộ bạn Tam Hà ở Thuận Nghĩa (Bình Định) lão có câu:
Bên mồ nắm trấu riêng sùi sụt
Nhen bóng hoàng hôn đóm lửa xanh.
Cụ Chuyết Nhân ở Phú Thọ nhận thấy có quỉ khí, nhưng không dám nói. Mỗi lần cụ nghe có biến cố trong quận, nhất là nghe lão bị bắt an trí, là cụ lo… Nhưng rồi lão vẫn được bình yên. Mãi đến 10 năm sau, cụ mới cho lão biết. Lão cười:
-      Như sơn chết là vì không có ai chết để làm cho câu thơ thêm linh thiêng. Còn tôi không chết là vì ông bạn đã chết, khí thiêng của bạn cũng đủ làm cho câu thơ kia linh rồi.
Nói tóm lại, theo lớp người cổ hủ như lão, thơ đeo quỉ khí không phải là chỗ sở cầu.
Song lão vẫn hoan nghênh những nhà thơ hướng về cõi tối tăm lạnh lẽo của âm phủ để tạo cho thơ mình một sắc thái riêng biệt, một khí vị riêng biệt. Bởi sỹ các hữu chí. Kẻ thích lên non cao tìm ngọc, người ưng xuống biển sâu mà châu. Các bửu kỳ bửu, bất tất phải đồng loại mới tương ái tương thân. Nhưng muốn đạt được mục đích, người làm thơ phải ra công hàm dưỡng tu luyện, như trên đã nói. Nghĩa là không nên chạy theo tư tưởng,  mà phải sống với tư tưởng, để cho tâm linh thấm nhuần tư tưởng, rồi mặc cho nguồn sống tràn ra thi ca lúc nào thì tràn, không cần phải quan tâm lưu ý.
Theo quan niệm của lão, thơ hay không phải tại có quỉ khí hay không quỉ khí, cũng như có tiên phong đạo vị hay không tiên phong đạo vị. Thơ hay ở chỗ diệu. Tức là rung cảm lòng người về mặt tâm lý, hay sinh lý, hay trí tuệ, sức rung cảm càng mạnh, càng thấm thía thì thơ càng hay. Và tức là gây cho người đọc một thú vị hoặc kín đáo mà thấm thía, hoặc bồng bột mà háo hứng, thú vị càng lâu dài càng bền bỉ thì thơ càng hay.
Nói một cách khác, thơ hay là loại thơ làm cho người đọc khi đọc xong, tự thấy mình giàu sang thêm cao quí thêm, như người được của báu, được sách qúi, hoặc tự thấy mình thấp hơn, như hà bá sông Hoàng Hà lạc ra biển đông, như một phú nông Bình Định vào Nam nhìn thấy đồng lúa phì nhiêu của các nhà đại tư bản.
Thơ được như thế là nhờ công uẩn nhưỡng phanh luyện. Tức là sống, sống mãnh liệt với ngoại cảnh cũng như  nội tâm, sống đến mức độ ngoại cảnh và nội tâm nhập một. Chớ nếu sống một cách hời hợi, thì bút pháp dù tinh luyện đến đâu cũng không thể đi đến diệu xứ.
Lại có người chê Vũ Phan Long nặng về phần kỹ thuật, nên thơ không được tự nhiên.
Không đúng. Thơ không được tự nhiên không phải vì nặng về kỷ thuật, mà chính vì kỷ thuật chưa luyện đến mức tinh vi. Chớ bảo kẻ làm thơ không nặng về kỹ thuật thì nặng về gì? Bởi thơ là một môn mỹ nghệ kia mà. Huống nữa những nhà thơ xưa nay hơn kém nhau, đâu phải về nội dung mà chính về hình thức, tức về kỹ thuật. Ví dụ thơ Đường hơn thơ Tống, thơ Đoạn Trường Tân Thanh hơn thơ Hoa Tiên. Biện Hoà bị hai lần chặt chân là vì có ngọc mà không biết mài dũa. “Ngọc bất trác bất thành khí”. Hồn thơ, tứ thơ... là chất ngọc, là ngọc ở trong đá, nếu không có kỷ thuật thì làm sao biến viên ngọc phác thành viên ngọc liên thành? Nhưng cổ nhân thường dạy “dụng xảo vô phủ tạc ngấn”, tức là đừng để ngấn vết dụng công thì mới là khéo. Mà muốn không có ngấn vết dụng công trong thơ thì phải dày công phu rèn luyện kỷ thuật, chớ đâu phải vất bỏ kỷ thuật. Cái khéo của người lên đến cực điểm trở thành cái khéo của hoá công, tức là tự nhiên.
Phạm Công Thiện có câu:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
Trong Ngưỡng Cửa Chiều Hôm cũng có câu:
Đêm nay trăng lạnh chìm sau núi
Một nhánh tre nghiêng mãi cuối trời.
Là những câu thơ tự nhiên. Làm được những câu như thế không phải là việc dễ.
Không nên lẫn lộn tự nhiên với chất phác và thô thiển. Một bên là màu xanh của nước biển của da trời, một bên là màu xanh của nước chàm chưa lọc, của nước hồ lẫn thành phần chưa tan.
Và muốn đến mức tự nhiên thì phải gắng luyện cho đến mức tinh xảo trước, cũng như muốn đi đến mức thanh đạm phải luyện cho đến mức nùng diệm trước. Đó là lời của cổ nhân dạy môn đệ, và chính lão đã vâng theo hầu mong một ngày nào đó dệt thơ mình thành được một tấm áo trời không đường may.
Lão cũng thường đem những lời của cổ nhân ra khuyên Vũ Phan Long. Xem Ngưỡng Cửa Chiều Hôm lão nhận thấy họ Vũ đã thực hiện được nhiều ít.
Lão mừng.
Nhưng lão cũng rất tiếc:
- Trong Ngưỡng Cửa Chiều Hôm, tác giả để bìm lau chen vào nhiều quá. Những đoá hoa đẹp nhiều khi bị che khuất, khiến người yêu hoa phải mất công mới tìm ra.
- Họ Vũ ưa dùng phân hoá học của Tây Phương để bón cho hoa mình, mà không chịu nghiên cứu xem chất đất của vườn hồn mình có thích hợp với chất phân do người ngoài đem vào nước mình để thí nghiệm, không chịu nghiền ngẫm kỹ xem mình có đủ sức dùng mãi mãi như các nhà thơ ngoại quốc, như các nhà thơ Việt Nam đã triêm nhiễm văn hoá Âu Mỹ, hay chăng. Phân phải hợp với đất, và người dùng phân phải cho thật rành tánh chất của đất cũng như của phân thì cây mới sanh nhiều hoa, hoa mới sanh nhiều hương nhiều sắc.
Nhưng viết bài nầy, chủ đích của lão không phải là phê bình Ngưỡng Cửa Chiều Hôm, mà chỉ cốt giới thiệu cùng bạn đọc thân yêu một ít hoa thơ trong tập. Những ý kiến đưa ra chỉ để làm gia vị cho cuộc thưởng lãm. Còn những ưu điểm và khuyết điểm trong tập thơ, thật như sao thì xin nhường cho các phê bình gia khi Ngưỡng Cửa Chiều Hôm xuất bản. Riêng phần lão nhận thấy thì tương lai của họ Vũ còn hứa hẹn nhiều thắm tương. (1970)
_____________________________________________________________________
(1) Tác giả đổi Ngưỡng Cửa Chiều Hôm ra Dưới Bóng Ngậm Ngùi và xuất bản năm 1970.