Trong vườn hoa thơ Bài 11-Hoa tứ thời


HOA TỨ THỜI

Ông bạn già KÍNH SƠN ở Bình Khê vào thăm Lão Vườn, và tặng Vườn Hoa Thơ một khóm hoa Mùa Hạ:
Cũng thì đất chở cũng trời che.
Nồng nã làm chi lắm hỡi hè
Khắc khoải đã đau lòng cái cuốc
Băn khoăn thêm xót cật con ve
Người ngồi trướng gấm mồ hôi chã
Kẻ hái rau tần nước bọt se
Chẳng thương bồ liễu phận le the.
Ông bạn hỏi có biết tác giả là ai chăng. Lão đáp:
-  Đây là một trong bốn bài Tứ Thời trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Cả bốn bài lão đã được đọc qua song không nhớ, vì thơ kém vị, đọc không thích khẩu khoái tâm.
Kính Sơn nói:
-  Thơ thời Hồng Đức, lời văn có phần nặng, chữ dùng có nhiều chữ cổ. Bài nầy văn chương nhẹ nhàng trôi chảy. Tôi ngờ không phải thơ xưa quá.
-  Thơ thời, Thịnh Lê phần nhiều lời còn nặng thật. Song tất cả gì gì cũng đều có ngoại lệ. Trong mùa đông có ẩn tàng khí xuân, trong mùa hè có ngầm chứa khí thu. Những gì tiềm tàng đó đôi khi thoáng hiện. Mình không suy kỹ nghĩ chín, cho là bất thường là ngoại lệ vậy thôi. Riêng nói về bài thơ này, nếu như lão không được mắt thấy trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập thì cũng không dám tin là thơ xưa.
-  Lão Vườn thường nói thơ cũng như hoa chỉ thích hợp với khí ôn hoà. Cho nên mùa hạ quá nóng, mùa đông quá lạnh, thơ và hoa không có nhiều. Tôi nhận thấy đúng.
-  Chỉ đúng phần nào thôi. Mùa đông hoa ít thật. Hoa mai là linh hồn của mùa Đông. Song cũng phải đợi đến đông chí nhất dương sanh, mới ra chồi nảy nụ. Còn mùa hạ thì ngoài hoa sen dưới nước, còn có hoa ngâu trên gò, hoa lài trong vườn, hoa phượng hoa hoè trong rừng trên đường… Nắng nóng bao nhiêu, tươi thắm bấy nhiêu. Thơ của đất thì như thế. Còn hoa của người thì lão chưa được đọc nhiều bài có thể sánh với các loại hoa kia. Gần đây lão có nghe một bài:
Ai xui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người nóng nóng ghê
Ngõ trước vườn sau um những cỏ
Vàng phai thắm nhạt ngán cho huê
Đầu cành gọi bạn oanh xao xác
Trong tối đua bay đóm lập loè
Chẳng được nồm nam cơn gió thoảng
Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe.
Tuổi già lú lẫn, lão chắc có nhiều chỗ sai… Đem so cùng bài đời Hồng Đức thì không hơn mấy. Nhiều người bảo tác giả là cụ Tam Nguyên Yên Đỗ. Song đã có sách báo cải chính. Tiếc rằng lão không nhớ tên.
Bài nầy và bài trên kia giá trị ngang ngang với hoa lài hoa ngâu.
Vịnh cảnh mùa hè, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ có câu:
Trâu già núp bụi phì hơi nắng
Chó nhỏ bên ao cắn bóng người.
Có ở vùng quê Bắc Việt, mới thấy câu này là những nét phác hoạ thần tình.
Kính Sơn gật đầu và hỏi:
-  Có thể sánh với hoa sen chăng?
Vốn chủ trương “văn hoành công khí”, lão đáp:
-  Hoa sen gồm đủ ba yếu tố hương, sắc, thiệt mà các danh hoa phần nhiều không có đủ. Phù dung, hải đường… có sắc không hương, mẫu đơn, tường vi…, có sắc có hương lại không có quả. Thơ phần nhiều cũng thế. Thơ mà sánh nổi với hoa sen, thật hiếm lắm. Câu thơ của cụ yên Đỗ có mùi hương của hoa cam hoa bưởi nhưng có hình sắc của hoa phượng, hoa hoè. Nghĩa là thơm, đẹp, nhưng không thanh.
Muốn tìm hoa sen phải dạo qua vườn thơ của Đương, Tống, Thanh. Trong thơ chữ Hán Việt Nam cũng có lắm bài có giá trị của hoa sen. Như thơ trong Lữ Đường Di Cảo Thi tập của Thái Thuận đời Lê Thánh Tông:

HẠ CẢNH
Nam phong đình viện nhật như niên
Diện đối thư song cổ thánh hiền
Bàng xế lựu ba hồng phún hoả
Nhập liêm thảo sắc lục sanh yên
Nguyên hanh lý khế Bào Hy dịch
Khang phụ công qui Đế Thuấn huyền
Thiên cổ đạo tâm hô đắc khởi
Hoè long ảnh lý tịch dương thuyền.
Tạm dịch:
Thánh hiền đối bóng thư trai
Gió Nam thổi lọt ngày dài như năm..
Hồng phun lửa lựu quanh thềm
Xanh đưa sắc cỏ vào rèm khói sanh
Bào Hy vạch lẽ nguyên hanh (1)
Dân khang vật phụ công dành Đế Ngu (2)
Dấy nên lòng đạo nghìn thu
Hoè buông bóng xế dặm cù ve ngâm..

Câu trạng tuyệt diệu!
Trong Bích Câu Kỳ Ngộ có câu:
Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông.
Trong Đoạn Trường Tân Thanh có câu:
Tiếng quyên nay đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập loè đơm bông.
Nếu lão đoán không sai thì đều do nơi câu “Bàng xế lựu ba hồng phún hoả” mà ra cả.
Kính Sơn cười:
- Biết đâu câu của Thái Thuận lại không do Bích Câu và Đoạn Trường mà ra.
Lão nhìn ông bạn mà cười:
-  Có lẽ kiếp trước của Kính Sơn là Võ Tắc Thiên.
-  Võ Tắc Thiên có liên quan gì với ý kiến của tôi?
-  Có chứ . Võ hậu có người yêu là Lục Lang, người đẹp như tranh vẽ. Thiên hạ thường khen rằng mặt Lục Lang đẹp như hoa sen. Vô Hậu bác đi, và nói: “phải khen rằng hoa sen đẹp như mặt Lục Lang”. Tức là Võ Hậu bảo ngầm rằng hoa sen đã bắt chước Lục Lang mà đẹp.
-  Nghĩa là Lão Vườn muốn nói rằng 2 tác giả Bích Câu và Đoạn Trường có thể bắt chước Thái Thuận, chớ Thái Thuận không thể bắt chước Đoạn Trường và Bích Câu?
-  Chính vậy. Vì Thái Thuận ở đời Lê Thánh Tông còn Bích Câu và Đoạn Trường ở vào thời Lê mạt Nguyễn Sơ.
Câu “Bàng xế lựu ba hồng phún hoả” còn cao hơn hai câu quốc âm kia một tầng. Trong Bích Câu thì “Lựu phun lửa”, trong Đoạn Trường thì “ lửa đơm bông”. Rằng hay thì thật là hay. Nhưng chất sanh chất, sao bằng sắc sanh chất, “sắc đỏ phun ra lửa”.
Câu “ Nhập xiêm thảo sắc lục sanh yên” đem sánh với câu “ lam Kiều nhật noãn ngọc sanh yên” trong bài Cẩm Sắc của Lý Thương Ẩn đời Đường, thì câu của Thái Thuận cũng cao hơn. Vì câu của Lý Thương Ẩn đẹp ngang hai câu của Tố Như và tác giả Bích Câu Kỳ Ngộ. (Xem thêm phần góp ý của Quách Tạo nơi Phụ trang 2 mục A)
Về văn chương về tình tứ, về mặt thơ, mặt nghệ thuật, thì cặp trạng là tuyệt diệu từ. Còn về hàm súc thì cặp luận.
Kính Sơn nói:
-  Cặp luận dùng điển mắc mỏ quá. Nếu không đọc sách nhiều thì thật không hiểu tác giả muốn nói gì. Như thế là bí hiểm chớ sao gọi là hàm súc?
Lão đáp:
-  Cổ nhân có ngờ đâu con cháu bỏ chữ Hán để học chữ Pháp chữ Anh. Nếu biết trước thì chắc không dùng điển làm gì cho khổ con cháu. Và những điển kia đối với chúng ta thì mắc mỏ thật, chớ đối với những người thâm Hán học thì đọc qua là hiểu ngay, vì chính là điển. Còn một điểm này nữa mà xưa nay có nhiều người hiểu lầm: Thơ hàm súc là thơ ngậm chứa nhiều ý nhiều nghĩa, chớ không phải thơ dùng nhiều điển cố. Điển cố chỉ mượn để làm cái giàu cho hoa thiên lý hương leo và nảy nở sum thạnh đó thôi. Hoa thiên lý hương là ý nghĩa tác giả gởi gấm nơi điển cố. Cho nên xem thơ phải tìm ý nghĩa ở ngoài điển cố, chớ không nên chú tâm chú mục nơi điển cố mà không thấy được chân tướng của câu thơ.
-  Lão Vườn thử giải thích đại lược câu thơ ấy.
-  Tác giả muốn nói rằng: Vạn vật sinh thành là nhờ bốn đức lớn của trời đất. Bốn đức lớn ấy là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Nhờ vua Phục Hy khởi xướng đạo Dịch mà chúng ta đựơc biết rõ lẽ ấy. Như vậy thì dân được khang (yên vui), vật được phụ (dồi dào) là nhờ lượng bao dung của Trời Đất chớ đâu phải nhờ Vua Thuấn  mà ông Cao Dao lại qui công cho vua Thuấn khi nghe vua Thuấn gảy khúc Nam Phong.
Đó là nghĩa đen.
Còn nghĩa bóng thì tác giả muốn ám chỉ vua Lê Thánh Tông. Triều đại vua Lê Thánh Tông được coi là một triều đại  thịnh nhất từ xưa tới nay. Vua được các nhà danh sỹ đương thời, nhất là nhóm nhị thập bát tứ trong Tao Đàn, làm thơ xưng tụng công đức. Thái Thuận ngầm chỉ trích việc tán dương nhà vua của đám danh sỹ, và phủ nhận công đức nhà vua.
Nhưng cặp luận chưa mỉa mai bằng chuyển, kết. (Xem thêm Phụ trang 2 mục B)
Chuyển và kết ngụ ý chê đạo tâm lúc bấy giờ không còn nữa. Mà đạo tâm không còn nữa thì làm gì nhà vua có thể là người có đức lớn. Những người muốn chấn hưng đạo đức có rát hầu rát họng hô hào thì cũng chẳng khác bầy ve kêu trong bóng cây ven đường cái lúc trời chiều.
Kính Sơn trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
-  Làm thơ đã khó mà xem thơ không phải dễ dàng. Lời giải thích của Lão Vườn tôi công nhận là thâm thuý, song biết có đúng ý của cổ nhân chăng?
Lão cười:
-  Thái Thuận ra đời trước lão trên dưới 500 năm. Làm sao lão biết được chắc chắn là đúng hay không đúng. Lão chỉ dựa trên đôi sự kiện lịch sử, đôi mảnh tâm sự của tác giả giấu díếm trong tập Lữ Đường mà nhận xét đó thôi. Huống nữa Tây Phương có câu “Lire c’est créer”, tức “đọc là sáng tạo” thì dù không đúng ý của cổ nhân mà hợp tình hợp lý là được. Người đọc phải phong phú những gì mình đọc, thì mới có ích lợi cho mình và cho người. Cho nên hễ một bài thơ hay vào tay, thì lão thả lòng người đi ngược đi xuôi rồi đi sâu vào từng hàng từng chữ.
Dường có điều chi nghi ngờ, Kính Sơn lại hỏi:
-  Lão Vườn có thể cho biết vì sao Thái Thuận làm quan cùng vua Lê Thánh Tông mà lại tỏ ý không phục vua Lê?
Không dám trả lời một cách quả quyết, vì lão chưa nghiên cứu kỹ càng về thân thế của Thái Thuận, mà mới đọc qua tiểu sử chép sơ lược trên mươi hàng, lão đáp:
-  Thái Thuận đậu tấn sỹ, nhưng suốt hai mươi năm trời chỉ làm một chức quan nho nhỏ trong Các. Nếu lão không lầm thì vì có tài mà không được trọng dụng nên sanh ra bất mãn. Đó là theo thường tình trong thiên hạ mà nói, chớ biết đâu lại không còn những yếu tố khác, những yếu tố khách quan. (4)
-  Muốn nhận thức thấu đáo ý nghĩa một bài thơ hàm súc, cần phải biết rõ thân thế của tác giả.
-  Trường hợp sáng tác, động cơ thúc đẩy việc sáng tác… cũng là những yếu tố cần thiết.
-  Trong khi chúng ta chưa nắm được những yếu tố cần thiết thì tạm bằng lòng những điều chúng ta đã nhận thức được. Có điểm này tôi cần biết thêm: Hương và sắc là cái hay cái đẹp của bài thơ. Tôi đã thấy rõ trong bài Hạ Cảnh của Thái Thuận. Còn phần Thiệt thì như sau?
-  Thiệt là Trái, là Sự  ích lợi của bài thơ đối với đời. Bài thơ của Thái Thuận ngoài giá trị văn chương, còn giá trị lịch sử: Nhìn vào đó chúng ta biết được đôi cạnh khía xã hội thời Lê Thánh Tông, thời mà sách sử phần nhiều chỉ chép những điều tốt. Những bài thơ có ích cho đời tạm gọi là phục vụ nhân sinh, thường thường nghệ thuật không cao đẹp lắm. Bài của Thái Thuận thật hoàn hảo. Cho nên lão sánh với hoa sen kể không ngoa, có phải chăng hỡi ông bạn già Kính Sơn? (Xem thêm phụ trang 2 mục C)
Kính Sơn vuốt cằm không râu, khẽ khẽ ngâm:
Hè sang tán lửa càng cao
Khúc ca giải uẩn lựa vào năm đây.
Vận ống lữ tiết vừa sang hạ
Bính Đinh về hiệu lệnh Chúc Dung. (a)
Quanh ngọn tường lửa lựu phun hồng
Tràn mặt nước tàn sen nảy lục.
Trì dường tịnh trưởng tôn ông trúc (b)
Ly lạc tề khai tỷ muội hoa. (c)
Buổi thời huân mấy khúc cầm ca
Với trời đất cũng sinh sinh trưởng trưởng.
Hé mành ngọn nam phong thoảng thoảng,
Người Hy Hoàng dáng cũng dường này (d)
Thú màu dễ mấy ai hay (5)

Đi ngang qua Vườn Hoa Thơ, nghe ông bạn Kính Sơn Nguyễn Đồng cùng lão nói chuyện về thơ mùa hè, thầy MAI CAO LƯƠNG, thầy học cũ của lão, và ông bạn NGUYỄN KHẮC TUÂN ghé vào tặng thêm cho vườn một số hoa xưa, và chỉ cho đôi chỗ sai trong cuộc đàm thoại.
Thầy Mai:
-  Bài thơ Mùa Hè mà ông bạn Nguyễn Đồng đem tặng Vườn đó nhan đề là TRÁCH HÈ. Câu thứ tư, chữ  thứ tư, tôi nghe truyền là TỨC chớ không phải là XÓT (Băn khoăn thêm tức cật con ve). Câu kết, hai chữ chót là LE TE chớ không phải LE THE (Chẳng thương bồ liễu phận le te).
Nguyễn Đồng:
-  Trên nổi lên với hai chữ BĂN KHOĂN mà dưới xuống chữ TỨC, tôi nhận thấy không ổn bằng chữ XÓT. Còn BỒ LIỄU vừa nói về hai giống cây yếu ớt không chịu nỗi khí nóng mùa hè vừa ngụ ý nói về thân phận người đàn bà để bổ túc cho cặp luận. Như vậy chữ LE THE là thưa thớt mà có vẻ mềm yếu lướt thướt, thiết tưởng ăn ý hơn chữ LE TE.
Nguyễn Khắc Tuân:
-  Trong sách Littérature Annamite của G. Cordier, tôi thấy cũng chép là TỨC CẬT và PHẬN LE TE. Chúng ta nên theo sách thì hơn. Mặc dù chữ của chúng ta sửa đó hay hơn.
Nguyễn Đồng:
-  Không phải tôi tự ý sửa thơ cổ nhân. Chính tôi nghe các bậc tiền bối đọc như thế.
Nguyễn Khắc Tuân:
-  Nghe miệng sao bằng thấy sách.
Lão chen vào:
-  Sách dạy: Tận tín thư bất như vô thư. Huống nữa các ông viết sách kia chắc chi đã sao y chính bản do chính tay tác giả chép lấy. Các ông ấy cũng chỉ sao lại những bản sao mà thôi. Mà đã tam sao thì nhất định là thất bổn. Do đó mà cổ nhân dạy không nên tận tín thư.
Nguyễn Khắc Tuân:
-  Không tin nơi sách thì tin nơi đâu bây giờ?
Thầy Mai:
-  Ý Lão vườn muốn mình tin vào lẽ phải chớ gì? Nhưng trên đời có nhiều lẽ phải lắm. Lẽ phải bên này chân núi chưa hẳn là lẽ phải bên kia chân núi, lắm khi còn trái ngược là khác.
Lão cười:
-  Lẽ phải của mình.
Ông bạn Nguyễn Khắc Tuân vỗ đùi cười lớn:
-  Thôi, bắt được quả tang rồi!
Cử toạ chưa ai nhận thức được ẩn ý trong lời kia, thì Nguyễn Quân tiếp:
-  Những thơ xưa do Lão Vườn đưa ra lâu nay, thấy có nhiều chữ nhiều câu khác với những bài trong các sách báo, tôi đã ngờ rằng Lão Vườn tự ý sửa chữa. Nay nghe lý luận của lão thì đủ bằng chứng để quả quyết rằng chính thị lão rồi chớ không còn nghi ngờ gì nữa.
Lão cười:
-  Sửa thơ của cổ nhân không lợi cho bản thân. Bởi nếu sửa lỗi thì bị cổ nhân quở phải giảm thọ. Bằng sửa hay thì cổ nhân thích ý mời xuống cõi âm làm bạn cho vui, như vậy làm sao bò lên địa vị ông Bành Tổ mà lão từng ao ước được. Cho nên lão đâu có dại.
Thầy Mai:
-  Nói vậy hay vậy. Thôi để tôi đọc thêm ba bài Trách Xuân, Trách Thu, Trách Đông nữa hợp với Trách Hè cho đủ tứ quí:

TRÁCH XUÂN
Xuân một năm sang chỉ một lần
Sự xuân tôi chửa thấu lòng Xuân
Cũng màu thắm ấy màu xanh ấy
Sao chốn hơn phân chốn thiệt phân
Dễ khiến má hồng lo áy náy
Thêm hương đầu bạc giận tần ngần
Thôi thôi chớ tiếc xuân qua cõi
Xuân ở cùng ta biết mấy lần.

TRÁCH THU
Nước biếc non xanh khéo hẹn hò
Thu sao lạnh lẽo mấy là thu
Rắp lòng đổi lá thay hoa chắc
Toan nỗi hờn sương giận tuyết ru
Khiến nguyệt lạnh lùng thâu trướng vóc
Xui may hiu hắt lọt chăn cù
Ví ai cho nhắn tin nhàn tới
Chẳng lẽ đau lòng khách vọng phu.

TRÁCH ĐÔNG
Chẳng thương cỏ áy nhị non cùng
Lạnh lẽo làm chi riết mấy đông !
Chiếu kẻ phòng loan ghê tựa nước
Chăn người cung quế lạnh như đồng
Khách đà thanh thảnh về xe hạc
Mình vẫn nhơn nhơn nấp bóng thông
Đêm đã thêm canh ngày bớt khắc
Làm chi riết mấy hỡi thiên công.
Đọc xong nói thêm:
-  Đó là nghe sao nhớ sao thì đọc vậy. Họ Nguyễn thấy có chữ khác câu khác với sách thì chớ ngờ oan đó nhé.
Nguyễn Khắc Tuân cười:
-  Nhà dột có nơi, chớ đâu phải đụng ai ngờ nấy. Tôi đọc sách của Cordier từ lúc còn đi học, cách đây trên dưới bốn mươi năm rồi, nên không thể nhớ rõ chỗ nào dị thù chăng..
Nguyễn Đồng:
-  Công việc đó hãy nhượng cho các nhà khảo cổ. Vào Vườn Hoa Thơ, chúng ta nên tìm hưởng sắc đẹp hương thơm sẵn có trước mặt. Vậy chúng ta thử  xem ba bài Xuân Thu Đông có những điểm gì đặc sắc chăng?
Thầy Mai:
-  Văn chương thanh lão. Và dường như tác giả là người có tài mà không được trọng dụng hoặc bị thất sủng, nên mượn lời đàn bà trách hoá công để trách đấng quân vương.
Ai nấy đều biểu đồng.
Nguyễn Khắc Tuân:
-  Chữ “Sự Xuân” nghe sao nghệch nghệch không sướng. Tại sao lại không nói là “Việc Xuân”?
Lão đáp:
-  Sự đây không phải là Việc, mà là phụng sự.
Thầy Mai:
-  Lâu nay tôi cũng ngỡ SỰ là VIỆC. Phải, SỰ đây là PHỤNG SỰ. Như vậy nghĩa câu thơ mới rõ và mới xuôi: “Phụng là sự xuân lâu ngày mà chưa hiểu nổi lòng xuân”.
Nguyễn Khắc Tuân:
-  Dù SỰ nghĩa là phụng sự đi nữa, đọc hai chữ “Sự Xuân” nghe cũng không sướng tai
Lão đáp:
-  Mấy bài thơ đó là sản phẩm thời Hồng Đức. Cho nên chữ dùng và cách dùng chữ có phần cổ. Những bài đã có tiến bộ hơn trong Hồng Đức Quốc Âm thi Tập, nên chúng ta chỉ gặp một đôi chút lạ mắt lạ tai. Như  "Sự xuân Thâu trướng vóc, Ghê tựa nước.” Chớ nếu chúng ta đọc hết tập Hồng Đức thì còn thấy nhiều điểm ngượng ngập trục trặc bội phần. Muốn khoái khẩu khoái tâm, thì nên đọc thơ  thời Lê mạt Nguyễn sơ là thời thịnh đạt của thơ Hàn luật.
Nguyễn Khắc Tuân:
-  Khi nãy bạn Nguyễn Đồng có đọc bài ca trù về Cảnh Hạ của Nguyễn Công Trú. Nguyễn Tướng Công còn ba bài Xuân, Thu, Đông nữa. Tôi thuộc không sai một chữ. Lão Vườn đã có trong số hoa tàng trử chưa? Nếu cần tôi xin biếu.
-  Lão ít thích lối ca trù, nên không tích trữ.
-  Lão vườn không thích, mà có khách đến dạo vườn thích thì lấy gì mà đãi? Nên dự trữ thì hơn:
CẢNH XUÂN
Xuân sang hoa cỏ thêm tươi
Khoe màu quốc sắc trẻ mùi thiên hương
Đầm ấm thuở tin xuân phút bắn
Khí phát sinh rải rác trên cành
Thử tập bay bướm mới uốn mình
Muốn học nói oanh còn lạ tiếng
Liễu hoàn cựu lục oanh do tĩnh
Đào thi tân hồng điệp vị tri (6)
Mái đông phong mày liễu xanh rì
Đám tàn tuyết đầu non trắng xoá
Buổi hoà hú khí trời êm ả (7)
Hội đạp thanh xa mã dập dìu
Nghìn vàng một khắc xuân tiêu.

CẢNH THU
Trời thu bảng lảng gió chiều
Mây về ngàn Hống buồm treo ráng vàng (8)
Sang thu tiết hơi may hiu hắt
Cụm sen già lã chã phai hương
Sương giày dạu cúc đóa hoa vàng
Son nhuộm non đào cành lá đỏ
Lãnh vũ như ti trùng chức dạ
Tình thiên tác chỉ nhạn thư không (9)
Phút đâu một trận hảo phong
Trên cung Quảng xa đưa hương quế
Trời biên biếc nước xanh xanh một vẻ
Khen hoá công khéo vẽ nên đồ
Một năm được mấy mùa thu.
Lão nói:
-  Bài CẢNH ĐÔNG hôm trước đã chưng bày ra vườn với một số thơ của các nhà danh sỹ khác rồi. Như vậy Vườn Hoa Thơ có đủ tứ thời hoa, khách đến vườn muốn gì có sẵn nấy.
Thầy Mai:
-  Theo ý tôi thì trong vườn nên sắp xếp cho có thứ tự : Hoa đời Trần để theo hoa đời Trần, hoa đời Lê để theo hoa đời Lê…., hoa Xuân để theo hoa Xuân, hoa đông để theo hoa đông.., hoa nồng diệm để theo hoa nồng diệm, hoa thanh đạm để theo hoa thanh đạm… Như thế người xem hoa dễ nhận thức dễ thưởng giám hơn.
Lão thưa:
-  Tổ chức như thế thì khoa học lắm. Nhưng trông có vẻ “học đường"  quá, nhìn vào Vườn Hoa không khỏi có cảm giác nhìn một quyển sách vẽ những hình kỷ hà học chớ không phải nhìn trăng vẽ bằng lời.
Nguyễn Đồng:
-  Nói chuyện thơ cũng như đi chơi rông, gặp chi nói nấy, gặp đâu ghé đó, tuỳ ngộ tuỳ nghi. Như thế mới thú. Chớ sắp đặt trước, sắp xếp cho ngay bờ thẳng lối, thì có khác gì làm việc biên khảo, sẽ không tránh khỏi khô khan.
Nguyễn Khắc Tuân:
-  Điều đó để lão vườn nghiên cứu lại. Bây giờ nên trở lại với hoa thơ. Xin hỏi lão vườn: mấy bài ca trù của Nguyễn Uy Viễn có phải ý vị hơn mấy bài thơ thời Hồng Đức chăng?
-  Hơn hẳn. Trong các bài, ý vị nhất là những câu thơ chữ  Hán. Tứ thật mới! Những câu ấy đều là cổ thi. Trong Ca trù, tác giả thường mượn cổ thi làm khổ giữa, chớ ít khi tự đặt lấy.
Thầy Mai:
-  Nguyễn Công Trứ là một đại gia văn chương. Tác phẩm còn lưu thế chắc nhiều lắm?
Nguyễn Đồng:
-  Nhiều lắm. Đã có nhiều người sưu tập thành sách. Nhưng tôi nhận thấy thơ của Nguyễn Công không hay bằng ca trù. Thơ thiên về lý trí, vị khô, lời cứng, đọc không thích thú bằng ca trù.
Lão biểu đồng và nói thêm:
-  Về ca trù thì trước kia có Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát, sau này có Tản Đà. Theo chủ quan của lão thì ca trù của ba nhà này không ai sánh kịp. Câu không có chữ dư mà du dương uyển chuyển. Văn lại có nhiều hình ảnh nhưng vẫn giữ vẻ tự nhiên. Đó là những đặc điểm chung của ba nhà, nhưng mỗi nhà có mỗi cốt cách riêng biệt. Chu Thần thì hào, Uy Viên thì tráng, Tản Đà thì tao.
Nguyễn Khắc Tuân cười hả hả:
-  Lão Vườn chưa già mấy mà đã lẫn, nói đuôi quên đầu. Khi nãy lão nói không thích ca trù, mà bây giờ lại vẽ rồng vẽ rắn cả mớ!
-  Ông bạn lớn hơn lão có mấy tuổi mà đã nặng tai! Lão có nói không thích đâu? Lão nói ít thích chứ. Tức là có thích song không thích bằng thơ đó thôi.
Thầy Mai đứng dậy vỗ vai họ Nguyễn:
Tơ lòng rút mãi khôn cùng
Chiêng vàng đã xế dặm hồng còn xa.
___________________________________________________________________
(1)  Bào Hy : Vua Phục Hy, 1 thánh quân thời Tiền Sử, sống gần bốn nghìn rưỡi năm trước Kỷ Nguyên Thiên Chúa. Thuỷ tổ Kinh Dịch.
Vua Phục Hy khởi xướng đạo Dịch. Vua Hạ Vũ bổ khuyết. Vua Văn Vương và Châu Công Đán nhà Châu diễn giải. Khổng Tử khai triển và phát huy, làm thành bộ Kinh Dịch là bộ sách triết học của nho giáo bàn về vũ trụ và nhân sinh.
Nguyên Hanh:  chữ trong Kinh Dịch.
Nguyên, hanh, lợi, trinh là bốn đức lớn của trời đất, vạn vật nhờ đó mà sinh thành.
(2) Khang phụ: Tốt lành, dồi dào, đầy dẫy.
(3) Chữ mượn trong bài ca Nam Phong của vua Thuấn và bài ca của Cao Dao khen ngợi  vua Thuấn:
- Nam Phong chi huân hề
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề.
Nam phong chi thời hề,
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề.
                                          (Đế Thuấn)
Nghĩa là:
Gió Nam ấm áp vô ngần
Dân ta trăm mối giận buồn đều nguôi
Gió nam thổi đến phỉa thời
Dân ta của cải gấp mười lần thêm.

- Nguyên thủ minh tai
Cổ quăng khương tai
Thứ sự cương tai.
                                        (Cao Dao)
Nghĩa là:
Đầu não sáng suốt
Tay chân tốt lành
Ngàn việc muôn việc
Nối nhau hoàn thành.
(4)      Xem thêm: Lữ  Đường Thi Trích dịch và Những Bức Thư Thơ.
(5)     Tác phẩm của Nguyễn Công Trứ.
(a)            Chúc Dung là thuần hoả
(b)           Nơi bờ ao trưa ông Chúc lớn lên một cách lặng lẽ.
(c)            Ven hàng rào hoa chị hoa em cùng nhau nở một lượt
(d)           Huy hoàng: Phục Hy Hoàng Đế.
          Ống lữ: Đồ dùng để thẩm xét thanh âm.
(6)      Liễu đã lấy lại màu xanh cũ, chim oanh còn nín.
          Đào mới thử màu hồng tươi, còn bướm chửa hay.
(7)      Hoa hú: Khí hậu ấm áp.
(8)      Ngàn Hống: dãy Hồng Lĩnh tục gọi là Ngàn Hống.
(9)      Mưa lạnh như tơ, trùng dệt đêm.
          Trời tạnh làm giấy, nhạn viết chữ  trên không.