Trong vườn hoa thơ Bài 10-Hương thơ mùa Đông


HƯƠNG THƠ MÙA ĐÔNG


Mùa Đông thường mưa dầm gió bấc, cảnh vật tiêu điều, cho nên ít người thích.
Nhưng mai vẫn nở hoa.
Mà hoa và thơ tuy khác loài nhưng đồng điệu.
Cho nên không lẽ vì ít người thích mà mùa đông không có thơ?
Mùa đông vẫn có thơ. Nhưng cũng như hoa mùa đông, thơ mùa đông rất hiếm. Xưa nhất và được truyền tụng nhất có lẽ là bài sau đây:
Lò sưởi bên mình ngọn lửa hồng,
Giải sầu chén rượu lúc sầu đông.
Tuyết đưa hơi lạnh xông rèm cửa,
Gió đẩy mưa băng trải mặt sông.
Lời thơ vừa êm vừa đẹp!
Các sách quốc văn đều chép tác giả là Kim Hoa nữ học sỹ NGÔ CHI LAN, một tài nữ đời Lê.
Sự thật thì đó là một bài trích dịch bài ĐÔNG TỪ bằng Hán văn của nữ học sỹ. Không biết tác giả tự dịch lấy hay người khác mới dịch sau. Chỉ biết nguyên tác là một bài từ 8 câu có chép trong TRUYỀN KỲ MẠN LỤC của NGUYỄN DỮ, rằng:
Bửu lư bát hoả ngân bình tiểu,
Nhất bôi La Phù phá thanh hiểu
Tuyết tương lãnh ý thấu sơ liêm
Phong đệ khinh băng lạc hàn chiểu.
Mỹ nhân kim trướng yểm lưu tô,
Chỉ hộ vân song phiến phiến hồ.
Am lý vãn hồi xuân thế giới,
Nhất châu phương tín tiểu sơn cô.
Tạm dịch theo nguyên điệu:
Lư vàng lửa nhúm sang lò bạc,
Chén rượu tiêu sầu hương bát ngát.
Hơi lọt rèm sưa tuyết lạnh lùng,
Gió đừa ao quạnh băng xao xác.
Phòng loan người ngọc trướng lưu tô,
Cữa sổ phòng văn giấy phất hồ.
Xuân đã âm thầm xoay vận thắm:
Tin mai non vắng một nhành phô.
Đó là cảnh đông dưới con mắt của một giai nhân tài cao học rộng ở trong nơi đài các phong lưu. Và sau đây là cảnh đông của 1 danh sỹ, khí phách hiên ngang: NGUYỄN CÔNG TRỨ:
Trời đông hơi giá như đồng,
Cái cơ lai phục đã trong hổ hàn (1)
Sang đông tiết hơi may lạnh lẽo,
Hội bế tàng chuyển máy âm dương (2)
Lôi thôi chày nhạn khua sương,
Thấp thoáng bóng ngư câu tuyết.
Lăng hàn bích khắc tùng thiên xích,
Nại lãnh hoàng lưu cúc sổ khoa (3).
Ngoài quan san tuyết đóng sương pha,
Kẻ hào hứng chốn khê kiều đắc thú.
Điểm điểm trông chừng lĩnh sấu,
Phút tin xuân đã hé đầu cành,
Đành hay âm cực dương sanh.
Văn chương hùng tráng!
Không khí bài ca trù của UY VIỄN tướng công cũng như bài từ của KIM HOA nữ học sỹ, rất trong sáng. Trong hai bài đều có sương bay, tuyết phủ…, đều có hơi may heo hắt… Song tuyết sương chẳng những không làm ảm đạm trời Thơ, mà còn điểm xuyết cảnh trời đông nên tươi đẹp, và khí đông lạnh lẽo lại là một thứ gia vị giúp thêm hoà hứng cho người thơ. Hai tác giả cũng không quên nhắc đến cảnh khổ của kẻ học trò nghèo trước cơn gió lạnh, cảnh non núi bị gầy gõ vì trời đông. Nhưng nhắc tới không phải để cho dịu lòng thương xót, mà chính để làm nổi rõ vẻ tươi sáng của tương lai.
Cảnh vật là khung động tác của tâm hồn mà thơ là gương phản chiếu. Xem hai bài thơ trên, chúng ta đoán biết được bà NGÔ và ông NGUYỄN, lúc sáng tạo, đương ở trong cảnh đắc ý và trong lòng đương có một niềm hy vọng chứa chan.
Ca dao có câu:
Người vui mưa gió cũng vui
Người buồn trăng sáng hoa tươi cũng buồn.
Xem đó thì biết rằng lòng vui của con người có ảnh hưởng đến cảnh vật, còn vẻ vui tươi của cảnh vật không đổi được lòng người buồn ra vui.
Người buồn trăng sáng hoa tươi cũng buồn.
Trước cảnh “trăng sáng hoa tươi cũng buồn” thì trong cảnh trời giá đêm đông, lòng buồn sẽ buồn đến đâu nữa? Vì cảnh vui không có ảnh hưởng trực tiếp đến lòng buồn, chớ cảnh buồn đối với lòng buồn thật chẳng khác chi dầu đối với lửa. Ví như lúc chàng Họ Lưu ngồi nơi thuyền xưa nhớ thương người tình cũ, mà “ gió thổi trời đông….”
Hôm nay ngồi rủ canh trường,
Nơi thuyền trọ, rượu quỳnh tương ai mời!
Người dâng rượu xa nơi trần giới,
Lạnh lùng thay gió thổi đêm đông!
Tuy người đã khuất núi sông,
Mặt hoa lẽo đẽo như lồng dưới trăng…
Mường tượng thấy thung thăng cười nói,
Tưởng chừng như người mới hôm qua…
Nào hay nghìn cổ cách xa….
Tài tình đến thế mà ra hão huyền! (4)
Thật là một trời đông gió lạnh! Nhưng một trời đông của nội tâm. Chúng ta chỉ nhận thấy ngọn gió ngoài khơi đưa nỗi lòng tác giả qua khung cửa bài thơ, lạnh lùng hiu hắt.
Trong CUNG OÁN NGÂM KHÚC của Ôn Như Hầu có câu:
Lạnh lùng thay giấc cô miên!
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u.
Đọc lên chúng ta không thấy lạnh lùng cô quạnh lắm. Đó là nhờ có mùi hương và ngọn đèn đã vô tình làm ấm bớt khí lạnh của trời Thơ. Với câu “Lạnh lùng thay…” của họ LƯU chúng ta cảm thấy hiu quạnh và lạnh lẽo đến rợn người ! Phải chăng tại vì quanh mình không còn có gì khác hơn là ngọn gió lạnh? Hay tại vì bóng “người đã xa trần giới” chập chờn trong “gió thổi đêm đông”
Cũng đối cảnh trời đông nhớ người, Nữ sỹ TƯƠNG  PHỐ  có mấy câu lục bát:
Thu qua đông lại sang rồi,
Lạnh lùng gió bấc mấy hồi mưa bay.
Bên lòng một mối sầu tây,
Nhớ ai muôn dặm nước mây quê người.
Biệt ly chốc mấy năm trời,
Chén tương tư nhắp hồ vơi lại đầy.
Ngừng kim buồn tựa hiên tây,
Hiên tây nào biết trời Tây phương nào! (5)
Thật là lâm ly, nhưng không não nuột bằng mấy lời thở than lúc bà thân sinh của nữ sỹ tạ thế:
Anh ôi, em mất mẹ rồi!
Một trời đông lạnh mấy hồi thê lương!
Sương sa giọt lệ canh trường,
Quê nhà tang mẹ tha hương tình chồng! (6)
Cảnh tình thật quá thê thảm! Người chịu nổi phải là người có gan. Nữ sỹ TƯƠNG PHỐ đã chịu nổi thì quả là có gan vậy.
Nhưng riêng gì TƯƠNG PHỐ, hầu hết khách làng thơ đều là người giỏi chịu đựng, vì họ có một đời sống bên trong vừa dồi dào vừa mạnh mẽ, vững chắc. Những nỗi phụ phàng của mưa gió trời đông “thật ra chỉ giúp cho tâm hồn thi nhân thêm phong phú" Những vần thơ trên đây là những bằng chứng hùng hồn.
Trời đông trong thơ họ Lưu và nữ sỹ TƯƠNG PHỐ nghiêng hẳn về nội tâm còn UY VIỄN và KIM HOA lại nặng bên ngoại cảnh. Tâm cảnh nhất như thì tạm đem bài sau đây làm tiêu biểu:
Chuông gióng hàn san bẵng tiếng ngân,
Ngàn xa tiếng địch cũng xa dần..
Lá thương nhánh nặng bay hầu  hết,
Trời sợ non côi xích xuống gần.
Ngần ngại gió mưa chim ẩn bóng,
Quân quầy mây khói liễu riêng xuân.
Đêm như dài lắm.. Người Vân Hớn
Trong giấc thăm nhau được mấy lần? (7)
Cảnh không thanh lịch như thơ UY VIỄN, KIM HOA, tình không dạt dào thấm thía như thơ họ LƯU, thơ TƯƠNG PHỐ. Đây là một TRỜI ĐÔNG lợt lạt, hiền hoà của 1 tâm hồn bình đạm.
Đó là 1 đoá hoa thơ ít hương ít sắc ẩn mình trong khoảng vườn hoang vắng tự nghìn xưa.
Và như đã thưa trên kia, thơ mùa đông cũng như hoa mùa đông, rất ít ỏi, nên lão nhặt được cánh nào thì đem ra vườn hoa thơ cánh nấy, để hiến cho ai người đồng điệu lòng khao khát hương thơ trong thời mưa gió lạnh lùng.
______________________________________________
(1) Xem thêm “ Hương Vườn Cũ”
 Lại Phục: Sắp trở lại. Hỗ hàn: Lạnh cực độ.
(2) Bế tàng: Che lấp dấu diếm (Khi mùa đông sắp hết, tất cả mọi sự mọi vật dường như
đều thu xếp để che dấu đi.)
(3) Hai câu thơ nghĩa là: Lướt lạnh, sắc xanh của cây tùng nghìn thước thấm sâu vào thành trông thấy đậm thêm lên. Và chịu rét vài khóm cúc trải màu vàng ra trông như vàng chảy.
(4) Đây là 1 đoạn trong bài GIANG HỒ trích ở tập TIẾNG THU.
(5) Nhan đề là ĐÔNG BUỒN
(6) Nhan đề là MẤT MẸ Trích ở tập MƯA GIÓ SÔNG TƯƠNG
(7) Nhan đề là TRỜI ĐÔNG trích ở tập MÙA CỔ ĐIỂN.