Trong vườn hoa thơ Bài 15-Ít cánh thơ xuân


ÍT CÁNH THƠ XUÂN

Để trang điểm cho VƯỜN HOA THƠ trong lúc xuân sang, các thi hữu bốn phương đã gởi cho người giữ vườn nhiều giống hoa tươi thắm. Riêng tiếc hoa thì nhiều mà vườn không được rộng, nên người giữ vườn xin ngắt mỗi thứ một vài cành, đem trình bày để tiêu biểu cho lòng thơm thảo của quí bạn thân yêu.

Quí bạn thân yêu của Vườn Thơ ở khắp các giới : Phụ lão, Phụ nữ, Thanh niên…, mà người trong giới nào lòng thơ cũng đượm nồng hương sắc.
Phải lắm, khi cụ mới 20 tuổi, đầu cụ có bạc mô! Mà hiện thời cụ mới 70 tuổi thôi. Nghĩa là cụ nhỏ thua cụ Trần Tu đến 3 tuổi khi cụ Trần đậu trạng và được nhà vua gả công chúa. Cụ cũng thua cụ Nguyễn Công Trứ 3 tuổi khi cụ Nguyễn bước vào phòng đuốc hoa:
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ,
Ngũ nhập niên tiền nhị thập tam.
Như thế cụ Cù Huân còn trẻ chán. Hoa không nên chê già mà oan cho cụ. Huống hồ:
Hoa trông đầu bạc hoa cười,
Ai hay đầu bạc là người yêu hoa.
Như lời một thi hữu chốn Thần Kinh hoa lệ.
Cụ Khánh Thuận, xuân đến không xem hoa, lại soi gương và cùng gương thủ thỉ:
Tóc bạc, gương ơi, vì máu xấu,
Ba mươi xuân nữa mới đầy trăm.
Cụ Cù Huân thì ngó lui, cụ Khánh Thuận thì ngó tới. Mà lui hay tới, hai cụ đều có duyên như nhau.
Cụ Bình Sơn không chối cái già, cụ còn hãnh diện là khác:
Xuân ơi, chớ chê ông già:
Xưa nay gừng quế ai mà dùng non.
Thật là chí lý. Huống nữa đối với thời gian vô tận, trăm tuổi chỉ là sơ sanh, mà già là một biến thái cỏn con của đời xuân bất diệt, cũng như cây thay lá để đâm chồi non. Để diễn tả ý ấy, cụ Phước Hải trong bài Ngắm Trăng, có câu:
Bảy mươi sao gọi rằng già?
Cô Hằng Nga sống biết đà mấy muôn
Cô già cô trở lại non,
Ta già ta cũng sẽ còn xuân xanh.
Đâu phải là một lời tạc không. Người đời có “nhị độ xuân” (retour d’âge). Mà nhị độ đã có thì nhất định tam tứ độ cũng phải có. Vì vậy tục ngữ có câu: “Một đời ông già ba đời con nít”. Cho nên ai sợ già chớ các cụ già nhất định không sợ già. Phải chăng quí cụ?
Mà sao quí cụ lại vui thế? Thật sung sướng quá!
Quí cụ ông vui, quí cụ bà có vui chăng?
Xem qua những bài thơ xuân của quí bà, người giữ vườn đoán biết quí bà vui chẳng kém lúc quí cụ ông đi bỏ trầu cau.

Cụ bà Giác Thông, khi “cười xuân” có câu:
   Trăm năm má phấn mà xuân mãi,
Nhìn bức tranh xuân có lẽ hơn.
Thật là chân lý của muôn thời nghìn thuở: Giai nhân dù đẹp đến đâu cũng không thể hơn được người trong tranh. Nhưng giai nhân được quí trọng hơn tranh là vì có khi trẻ khi già. Bởi có già mới có trẻ là quí. Chớ nếu trẻ mãi thì quí cụ Cù Huân, Khánh Thuận… mà cả đến bà Giác Thông nữa, nhất định không có những câu thơ thắm “duyên già” như kia.
Bà Ngộ Không lại không bận đến vẻ xuân bên ngoài:
Xuân về bầy trẻ đua hoa pháo,
Riêng đốt lò hương niệm Phật Đà.
Còn bà Thạnh Thới lại lấy vẻ xuân xanh của con cháu mà vui xuân:
Ta già vì bởi xưa ta trẻ,
     Thấy trẻ vui xuân lửng tuổi già.
Đều là những cánh thơ cao quí ngậm chứa đạo vị và thi vị đằm thắm tươi trong.
Quí bà cũng như quí cụ, thấy xuân về thì vui. Thế mà một số bạn trẻ có thơ cho người giữ vườn, lại chứa chan nỗi buồn. Có bạn buồn về cảnh xa quê hương mà chưa biết bao giờ về thăm được. Có bạn buồn vì xuân đến mà bệnh chưa thuyên, tuổi xuân không chắc gì được cùng xuân tươi thắm lại. Bạn lại buồn vì tuổi xuân “đã chín” mà sự nghiệp “cấy mãi mà vẫn không đâm mầm”. Vân vân… Nhưng buồn mà đẹp, thì có hoa thơ của TỐ MUỘI.
Đây là những cánh đẹp nhất:
Mùa xuân là chuyến đò ngang,
Lòng ta là dặm tràng giang không bờ.
Vườn xuân nắng đã giăng tơ.
Nghẹn ngào tang tóc phủ mờ hồn ta.
Vườn xuân hương sắc đượm đà,
Lòng ta rụng hết đài hoa cuối cùng
…………………
Chừ đây xuân nở nụ hồng,
Chừ đây ta khép cánh lồng cô liêu.
Nhưng sao cô lại buồn? Cô buồn vì:
Hồn thơ gọi mãi chưa về.
Còn say lá chín còn mê gió vàng.
Thật là một khóm cúc vàng nở trong sương thu buổi sớm, thơm mà lạnh, buồn nhưng tươi. Ý vị!

Trái lại, Uyên Nhi nhìn xuân trên những thảm cỏ non nơi đồng quê mà vui hưởng cuộc đời thơ trong mộng, một cuộc đời chan hoà ngoại cảnh nội tâm:
Nắng trải tơ vàng thêu cỏ lục,
Thuỷ tinh ngời chiếu giọt sương mai.
Long lanh ngọc đúc hồn ai
Kết nhành thơ để em cài tóc xuân.
Một bức tranh vừa trang vừa lịch.

Cũng như Uyên Nhi, CAO HOÀI NHÂN, nhìn xuân với tấm lòng tươi tươi sáng:
Hoa ướp mi huyền mộng mộng ướp môi,
Bướm gieo phấn lạ ngọt tinh khôi.
Cành mơ xoã tóc hôn vai bé,
Chim nhả lời yêu nắng ngập đồi.
Lòng trẻ thật là vui thắm!
Kỹ Phong dừng “Gót lãng du” nhìn xuân giữa khoảng trời mênh mông, lòng sanh buồn cho thân con người quá nhỏ đối với không gian vô cùng, tuổi xuân con người quá ngắn đối với thời gian vô tận, như Vân Hải Như:
Sương vương trên đồi thông,
Trăng gầy soi khóm hồng.
Ngàn sao rưng rưng sáng,
Gieo vàng vào hư không.
Dừng chân bên sông vắng,
Sầu vương trong mênh mông
Còn Mạc Khánh, mặc cho “tiếng sáo mừng xuân rộn phố phường”, một mình lủi thủi vào rừng sâu để tìm ý xuân trong những cánh sim tím:
Hoa sim cánh tím mịn màng,
Rừng sâu riêng chiếc bướm vàng say hương.
Và nhìn bướm nhìn hoa, chàng ngẩn ngơ chìm theo mộng thắm:
Pha lê trong vắt vọng lời chim,
Nắng dệt rừng sâu thắm nhuỵ sim.
Hương đắm hồn thơ mình cũng bướm,
Lòng xuân phơi phới mộng lim dim.
Những người hết trẻ nhưng chưa chịu già thì trong khi vui xuân, lòng sanh ít nhiều lo lắng. Như anh Hương Sơn lo cảnh nhà:
Mừng thấy nhà huyên thêm tuổi hạc,
Luống mong chồi quế nảy xuân.
Ông Định Phong lo cho thân trai:
Mỗi bận xuân về thêm mỗi tuổi,
Nợ trai theo tuổi cũng chồng thêm.
Ông Tào Bỉnh Đức lo cho văn chương:
Xuân đà trang điểm đời hoa cỏ,
Bút gắng tô dồi mặt nước non.
Còn nữa, còn nữa… Nhưng vườn thơ đã rậm, người giữ vườn xin dừng tay, và xin gởi chút tình thơ đến quí bạn hầu mong:
Nước mây dù cách bến bờ
Mái đời sương tuyết lòng thơ đá vàng.

·       Xuân kỷ Hợi (1959).