Trong vườn hoa thơ Bài 06-Móc điểm hương, mưa rửa phấn


MÓC ĐIỂM HƯƠNG, MƯA RỬA PHẤN

Đọc câu thơ của Ôn Như hầu:
Gió lọt kẽ mành lưng gió dẹp
Trăng lồng cửa sổ mặt trăng vuông.
Một ông bạn khen là kỳ tứ. Lão đáp:
-      Đó là Xảo chớ không phải kỳ, và Khéo nầy lại thuộc hàng tiểu xảo. Cũng thuộc hàng tiểu xảo nhưng có phần tự nhiên hơn là câu:
Ngọn nước chảy xuôi trời lật ngửa
Mảnh gương úp sấp đất nằm nghiêng.
Cả hai câu ấy đều phải nhượng câu nầy:
Sông e biển cạn bù thêm nước
Non sợ trời nghiêng đỡ lấy mây.
Bởi trong Xảo có hùng, trong sắc có vị.
Hai câu trên thuộc thể phú, tức trực trần, như nước chảy qua sân, hết mưa hết nước. Câu dưới theo thể tỷ, mượn cảnh tả tình, trong ý gói ý, nên người đọc mãi thấy dư thú khi đọc xong.
-      Hai câu đó của ai?
-      Nghe truyền là của Tuy Lý Vương và Tùng Thiện Vương. Không biết câu nào của vị nào. Hỏi người trong Hoàng tộc thì họ cũng như bọn tánh chúng ta.
Lại có người bảo rằng câu thơ của Ôn Như Hầu, nguyên tác là:
Gió lách kẽ mành lưng gió dẹp
Trăng dòm cửa sổ mặt trăng vuông.
Không ai dám quả quyết câu nào là nguyên tác. Vì mới ba lần sao đã mất gốc  rồi (tam sao thất bổn), huống hồ từ đời Ôn Như Hầu đến nay, kẻ sao đi người sao lại biết mấy trăm mấy ngàn lần. Nhưng lão công nhận chữ LÁCH chữ DÒM hơn hẳn chữ LỌT chữ LỒNG, vì hai chữ  ấy giúp cho gió và trăng được nhân cách hoá và làm cho hai chữ LƯNG và MẶT có cái thế đứng được vững vàng.
Nhưng lại có người bảo rằng câu ấy vế trên là:
Gió dựa tường ngang lưng gió đẹp.
Chữ TƯỜNG NGANG đối với chữ  CỬA SỔ.
Đối thì khéo đó, song lý không vững. Bởi gió không tựa được, vì gió đi luôn luôn chớ không đứng không ngồi. Đã biết rằng “thi vô lý ngôn”, song những gì vô lý người làm thơ nên tránh, bởi thơ quí chơn.

Nhân tiện lão xin nói về “Một chữ trong thơ”.
Trong 1 câu thơ, nhiều khi sửa một chữ làm tăng giá trị câu thơ đến thập bội, lắm khi sửa một chữ làm cho câu thơ đương hay trở thành hết hay hoặc kém hay. Trên gọi là điểm thiết thành vàng, dưới gọi là điểm vàng thành thiết.
Điểm thiết thành vàng như LỒNG LỌT mà sửa là LÁCH DÒM. Và như:
-      Lạnh lẽo lưỡi quyên khi dưới nguyệt
Thơm tho hồn điệp khoảng trong hoa
-      Mưa giỏ sườn non câu kệ vẳng
Gió hiu mặt nước bóng trăng lồng
Mà sửa là:
-      Lạnh lẽo lưỡi quyên kêu dưới nguyệt
Thơm tho hồn bướm ngủ trăng hoa.
-      Mưa giỏ sườn non câu kệ lẫn
Gió hiu mặt nước bóng trăng chồng (vô danh)

Những chữ KHI chữ KHOẢNG là những tử tự, tức chữ chết, Pháp gọi là Poids mort. Chữ KÊU gọi là NGỦ, thay vào làm cho câu thơ trở nên linh động. Những chữ VẲNG chữ LỒNG tả không đúng cảnh tượng lúc gió lúc mưa bằng CHỒNG và LẪN.
Gặp được người sửa cho những chữ như thế, cổ nhân gọi là “nhất tự sư” nghĩa là thầy một chữ. Và những chữ  tinh diệu như thế, cổ nhân gọi là “Hồng lô điểm tuyết” nghĩa là giọt tuyết trong lò lửa hồng.
Còn điểm vàng thành thiết, thì có thể dùng câu “Gió dựa tường ngang…” làm ví dụ. Chỉ vì chữ  SỔ mà dùng chữ  NGANG để đối cho thích chớ không nghĩ rằng há chỉ dựa tường ngang lưng gió mới đẹp hay sao? Đọc cả cặp:
Gió tựa tường ngang lưng gió đẹp
Trăng dòm cửa sổ trăng vuông.
Lão liên tưởng đến câu:
Nguyệt ảnh phân minh tam Lý Bạch
Thuỷ quang đản dạng bách Đông Pha
Của 1 thi sỹ đời Thanh, và nghĩa là bóng nguyệt rõ ràng ba Lý Bạch, sáng nước chói dợn trăm Đông Pha. Tuỳ Viên Phê là “Lộng xảo nhi phản chuyết” tức là làm cho khéo quá hoá ra vụng. Có thể mượn câu của Tuỳ Viên để phê bình câu của Ôn Như Hầu.
Điểm thiết thành vàng, trên đời rất hiếm. Nhưng điểm vàng thành thiết là cái bệnh thông thường trên làng thơ xưa nay. Điển hình là vua Tự Đức với quyển Đoạn Trường Tân Thanh của Tố Như.

Trong Đoạn Trường Tân Thanh, nhiều đoạn nhiều câu bị vua Tự Đức sửa in như dung mạo của Chiêu Quân bị Diên Thọ sửa trong bức hoạ đồ dâng lên Hán Vương.
Ví dụ:
Một mình lặng ngắm bóng nga
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
Nhà Vua sửa là:
Dăm dăm lặng ngắm bóng nga
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
                                                                           (1) Không biết tên tác giả.
Đã “dăm dăm” còn “lặng” dùng chữ đã vụng mà còn làm cho âm điệu câu thơ đương du dương trở thành á trệ. Rõ là biến tiếng kim chung thành ra tiếng ngoã phẩu!
Cớ sao trằn trọc canh khuya
Màu hoa lê đã dầm dề giọt mưa.
Sửa là:
Cớ sao sầu não ủ ê
Canh khuya dong bóng thức chi đến giờ
Câu nguyên tác đương thanh đổi thành trược mất! Cũng chưa tức cười bằng chữa lời của Tú Bà dạy Kiều:
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời.
Sửa là:
Chơi cho liễu chán hoa chê
Xem tranh bốn mắt ra về ba chân.

Nhưng rồi thấy tục quá mới đổi lại:
Đủ điều lịch sự mới mê được người.
Trước thì tục sau lại thật thà không ra giọng bà Tú.

Những đoạn lại sửa một vài câu như thế rất nhiều. Có lắm chỗ sửa cả đoạn. Như đoạn Thúc Sinh được tin chú mất:
Đem tin thúc phụ từ đường
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề
Liêu dương cách trở sơn khê
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.
Chữa là:
Mở xem thủ bút nghiêm đường
Nhắn rằng thúc phụ xa đường mệnh chung
Hãy còn ký táng Liêu Đông
Cố hương khơi diễn nghìn trùng sơn khê
Rày đưa linh thấn về quê
Thế nào con cũng phải về hộ tang.

Chữa như thế rõ ràng, dễ hiểu, song lời lẽ thật thà, đối với văn chương truyện Kiều thì là áo hàng vá vải, trông không được đẹp mắt thích lòng.
Không phải ở nước Việt Nam mới có người cậy mình hay chữ và có quyền, cả gan sửa văn người như thế. Bên Trung Hoa cũng có người giống y vua Dực Tông. Đó là Vương An Thạch đời Tống. Họ Vương đậu trạng nguyên làm quan đến tể tướng. Tô Đông Pha khen là đọc hết sách trong thiên hạ. Thi của các danh gia kim thường bị họ Vương sửa chữa.
Tận độc thiên hạ thư
Tận thức thiên hạ sự.
Lưu Oai đời Đường có câu:
Diêu tri dương liễu thị môn xứ
Tợ cách phù dung vô lộ thông
Nghĩa là: Đứng xa biết cây dương liễu ấy là nơi cửa ngõ, nhưng vì cách khóm phù dung mà dường như không có nẻo thông.
Vương Kinh Công sửa:
Mạn mạn phù dung nan mích lộ
Tiêu tiêu dương liễu độc tri môn.
Nghĩa là: Mờ mờ cây phù dung khó tìm thấy đường, thẳm thẳm khóm dương liễu riêng biết là có ngõ.

Lưu Cống Phủ đời Tống có câu:
Minh nhật biến châu thương hải khứ
Khước tùng vân lý vọng Bồng Lai.
Nghĩa là: Sáng ngày dong chiếc thuyền nhỏ đi trên biển xanh, lại theo khoảng mây giăng mà trông núi Bồng Lai.
Kinh Công cải chữ “vân lý” làm “vân khí”.

Tô Tử Khanh cũng người đời Tống Vịnh Mai:
Chỉ ưng ba thị tuyết
Bất ngộ hữu hương lai
Nghĩa là: Riêng tưởng hoa ấy là tuyết, không ngờ có mùi hương bay lại.
Kinh Công sửa lại:
Diêu tri bất thị tuyết
Vị hữu ám hương lai.
Nghĩa là: Đứng xa biết rằng không phải tuyết, vì có ám hương bay đến.
Tác giả Tuỳ Viên Thi Thoại phê:
-      Sửa thi như thế là đương sống làm cho chết, đương linh làm cho ngốc.
(Hoạt giả tử hỹ, linh giả ngốc hỹ (Trích Tuỳ Viên Thi Thoại)

Lối “Điểm thiết thành vàng, điểm vàng thành thiết” đó, nói theo ngôn ngữ kẽ giữ vườn là “Móc điểm hương, mưa rửa phấn”. Cũng như móc, mưa vốn có ý tốt cùng hoa, ngờ đâu lại làm cho phấn lạt!
Cho nên nhận được hoa thơ của bốn phương gởi đến, đôi khi thấy đôi chữ chưa ổn, muốn sửa dùm cho tác giả, song ngần ngại không biết mình là móc hay là mưa./.