Trong vườn hoa thơ Bài 25-Mùi đạo trong thơ


MÙI ĐẠO TRONG THƠ

Có mấy ông bạn thân đem câu “Văn dĩ tải Đạo” của Hàn Dũ đến chất vấn. Lão thưa:
-     Đạo đây là Đạo Nho của Thánh Hiền đời xưa.
-     Sao Lão Vườn dám quả quyết?
-     Trong bộ Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, nhà văn Nguyễn Hiếu Lê đã nói rất rõ ràng (Quyển II - Đời Đường). Quí bạn mở sách xem đoạn nói về Phong Trào Phục Cổ đời Thịnh Đường thì rõ.
-     Có thể dùng câu ấy để nói những Đạo khác được chăng?
-     Cổ nhân sắm lọ sứ để cắm lan theo sở thích của cổ nhân. Nếu mình không thích lan thì dùng lọ sứ ấy cắm hoa ưu đàm, hoa mimosa, oeillet, gleieul…, ai cấm. Nhưng…
-     Sao lại thêm “Cái đuôi của Tôn Hành Giả” vào?
-     Bởi nhiều khi có những cái dư mà không thể bỏ được. Không thể bỏ được nên nhiều khi có hại. Như Tôn Hành Giả khi hoá ngôi cổ miếu để gạt Nhị Lang Hiển Thánh, vì cái đuôi vô dụng không biết dấu vào đâu phải hoá làm trụ cờ ở sau miếu, khiến Nhị Lang nhìn chỗ sơ hở “cột cờ ở sau miếu” mà biết miếu đó là Tề Thiên đại thánh biến hình.
-     Ý Lão vườn muốn nói gì mà cà kê dê ngỗng thế?
-     Ý muốn nói về việc dùng văn tải Đạo, dùng thi tải Đạo. Không khéo sẽ làm trò cười cho kẻ thức giả như Tề Thiên trong truyện Tây Du.
-     Mong nói cho rõ thêm.
-     Đạo vị đem được vào trong văn thơ thì còn gì quí bằng. Song người hữu tâm phải thấm nhuần đạo lý, đạo lý phải thâm nhập vào cốt tuỷ vào khí huyết để biến thành sức nóng thành hơi thở đủ nuôi dưỡng thân tâm, rồi mới dùng văn thơ tải đạo.
Đạo đem vào thơ văn, nhất là thơ, phải như chất bổ trong trái chín.
Người ăn trái chín, cũng như người đọc thơ, cái thú là được hưởng mùi thơm vị ngọt, chớ không phải vì được thêm chất bổ vào người. Nhưng trái không có chất bổ, người tri vị cũng không mấy thích dùng.
Đạo cũng như thuốc chữa bệnh, thuốc bổ rất khó uống, vì hoặc đắng, hoặc lạt. Để giúp cho người có bệnh, người thiếu sức khoẻ nuốt trôi, các dược sư phải mượn đến đường đến mật trong khi bào chế. Mượn văn thơ, nhất là thơ, để chở đạo đó là người thiện tâm theo phương pháp bào chế của các dược sư.
Thuốc dù chế khéo đến đâu, dù ngon ngọt đến đâu, dùng cũng không thích thú bằng ăn trái chín.
Cho nên người muốn dùng văn thơ tải đạo phải làm sao cho tác phẩm mình thành trái cây thơm ngon thì người đọc mới thích đọc.
Thi vị trung hữu đạo vị.
Đó là thơ hay, thơ của các nhà thơ thấm nhuần đạo lý, thơ của các nhà đạo sỹ giác ngộ có tâm hồn thơ.
Họ không cần nói đạo mà có đạo. Họ không cần làm thơ mà có thơ. Còn những nhà thơ chưa thấm đạo mà ưa nói đạo, những nhà đạo sỹ không có hồn thơ mà ưng làm thơ, thì đó là hoa sen đem trồng trên đất, hoa Đà Lạt đem xuống trồng nơi trung châu nhiều nắng ít mưa, nhiều nóng ít lạnh.
-     Nước Việt Nam ta có những nhà thơ mà trong thơ có đạo?
-     Các thiền sư đời lý đời Trần mà lão đã giới thiệu đôi vị trong dịp trình bày “Thơ Xuân Vườn Cũ” (1)
-     Còn hiện thời?
-     THI VŨ với tập Hoa Nắng vừa xuất bản.
Trong Hoa Nắng, Thi Vũ cho lão thấy rằng chàng đã được ánh sáng Hoa Nghiêm chiếu rọi. Dưới mắt chàng trong tâm chàng, sự vật vật đều hiển hiện trong ánh Đạo Vàng:
Gió mai này trĩu nặng những chùm hoa
Mấy lẵng hương lưng trời đưa vất vưởng.
Gió mai mầy khẽ nói lọt tai người: Hoa
Nhiều sao không hái? Người cười thưa với gió:
Lòng là vườn hoa, hái rồi biết cất đâu?
Gió ngừng sau đèo mây thả hoa về trong nắng.
                                                                                              (Hoa nắng)
Hương thơ và vị đạo đã chan hoà, ánh sáng vạn vật và ánh sáng tâm linh nhập một. Muốn hiểu cho rõ thêm thì xin đọc kỹ Hoa nắng. Lão đưa một bài của Thi Vũ ra đây và nói qua đôi lời chỉ để cho câu đáp của lão khỏi mang tiếng là “nói giữa trời” đó thôi.
-     Thời Tiền Chiến có nhà thơ nào mà trong thơ có Đạo như các thiền sư Lý Trần, như Thi Vũ, chăng?
-     Lão không nghiên cứu kỹ các tập thơ đã ra đời thời Tiền Chiến cũng như thời Hậu chiến, nên chỉ biết được hai người là Bích Khê và Hàn Mặc Tử là hai người bạn thân, và chính nhờ tình thân đã giúp lão thấy rõ được tâm hồn của bạn. Nhưng hai bạn đưa đạo vào thơ một cách vô tình chớ không phải cố ý.
Để khỏi phải dài dòng, xin quí bạn đọc lại hai bài lão đã viết đăng ở Đời Sống Đạo và Liên Hoa mấy năm trước đây về hai ông bạn quá cố của lão:
_____________________________________________________________________
(1) Xem ở trước mục “ Thơ Xuân Vườn Cũ”


ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ

Hàn Mặc Tử là người Công Giáo. Tử có bài thơ “Thánh Nữ Đồng Trinh MARIA” rất được truyền tụng. Trong bài có đoạn rằng:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên Triều Thiên ngời chói vạn hào quang!
Bài nầy Tử làm năm 1937. Không biết rõ xuất xứ hai chữ “Phượng Trì”, tôi viết thư hỏi. Tử đáp:
-     Đạo vốn có một. Người đời hiểu sai lạc rồi phân chia ra đạo nầy đạo nọ. Cho nên tôi nghiệm Đức Mẹ chỉ có một, nhưng vì óc chia rẽ kia, nên bên đạo Phật gọi là “Quan thế Âm Bồ Tát”, bên đạo Tiên gọi là “Tây Vương Mẫu”, bên đạo Thiên Chúa gọi là “Thánh Nữ Đồng Trinh MARIA”. Tên tuy khác nhưng theo tôi, chỉ là một Đấng. Mà Tây Vương Mẫu ở “Phượng Trì”, nên tôi dùng chữ “Phượng Trì” để chỉ nơi Thánh nữ Đồng Trinh ngự.
Nơi Tây Vương Mẫu ở là “Giao Trì” chớ không phải “Phượng Trì”. Tử đã lầm.
Sau đó, nhân ra Qui Nhơn thăm Tử, tôi đính chính. Tử cười và sửa lại trong bản thảo, nhưng trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
-     Không được! Chữ “Giao trì” không nói lên được gì cả! Chữ "Phượng Trì” tiếng ngân đã dài lại ấm.
Lời Tử nói rất đúng. Âm hưởng chữ Phượng Trì thật hơn chữ Giao Trì. Tôi lại tự nghĩ:
-     Thế giới của Tây Vương Mẫu cũng như thế giới của Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là cõi Thơ cõi Mộng. Cổ nhân có thể dùng Giao Trì mà đặt tên Vương Cung, thì sao Tử không có quyền dùng Phượng Trì để đặt tên cho Thánh Thất?
Nhưng tôi chưa kịp nói ra thì Tử vội tiếp:
-     Sắc lông chim phượng hoàng vàng ánh. Thật khêu gợi quá!
Hai tiếng “vàng ánh” trong câu nói của Tử có một mãnh lực lạ lùng. Nó gợi ngay trong trí tôi một quang cảnh lộng lẫy. Huy Hoàng: Nơi Thánh Nữ ngự. Và khi Tử đắc ý cất tiếng ngâm cao:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên Triều Thiên ngời chói vạn hào quang!

Thì tôi có cảm giác là thơ Tử và hồn Tử xòe to đôi cánh vàng rực rỡ bay vào nơi sáng lạn mênh mông. Tôi buột miệng khen:
-  Tuyệt diệu!
Từ ấy chữ “Phượng Trì” thành một “Tân điển” trong thơ Hàn Mặc Tử. Và “điển” ấy Tử dùng một lần thứ hai nữa trong bài PHAN THIẾT:
Ta mê man như tới chốn Phượng Trì,
Ở mãi đó không về Thiên cung nữa.

Câu chuyện trên chứng tỏ rằng:
1/ Hàn Mặc Tử rất chú trọng về âm nhạc và màu sắc. Đó là vì tâm hồn Tử có nhiều trạng thái cá biệt, nhiều khi rất bí ẩn u huyền; Để diễn tả, phải dùng màu sắc, hình ảnh và âm nhạc, nhất là âm nhạc, vì chỉ có âm nhạc mới diễn tả nổi những cái sâu xa, thầm kín, những cái tế nhị, u ẩn của tâm hồn. Nhiều khi Tử phải bỏ nghĩa thông thường của chữ, bỏ cả văn phạm của câu, để cho âm thanh tiết tấu phù hợp với những biến chuyển, những rung động, những xao xuyến của tâm hồn, một tâm hồn mênh mông và đối với chúng ta có phần xa lạ, mà văn tự chính xác nhiều khi không diễn tả được thấu đáo, không diễn đạt được đúng như ý muốn của người thơ.
Cho nên xem thơ Hàn Mặc Tử, nhiều khi không nên chấp ở chữ mà hại lời, không nên chấp ở lời mà hại ý. Và muốn nhận thức tình ý trong thơ được đầy đủ thì phải thưởng thức nhạc thơ trước nhất, vì trong thơ Tử nhạc đi trước mà ý theo sau, và có khi ý không ở trong lời mà ở trong nhạc.
2/ Trong tâm hồn Tử, không có những bức thành kiên cố ngăn cách tôn giáo của mình và tôn giáo của người, nhất là đối với Phật Giáo.
Vì lẽ đó, Tử đã đi tìm nguồn cảm hứng trong đạo Bồ Đề. Và mặc dù tự xưng là “Thi sĩ của đạo quân Thánh Giá”, Tử vẫn không ngần ngại đem những từ ngữ, những hình ảnh của Phật Giáo vào dùng trong văn thơ mình, dùng cả vào những bài có tinh thần Thiên Chúa Giáo nhiều nhất. Ví dụ bài “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria” trích dẫn trên kia là một.
Bài nầy là những lời Tử dâng lên đức Maria để ca ngợi “ơn phước cả” mà Thánh nữ đã ban cho Tử trong “cơn lâm luỵ”. Trong bài có những chữ “Từ bi, ba ngàn thế giới” dùng một cách sướng khoái:
Lạy bà là Đấng tinh truyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.
……………………
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ.
Ngọc Như ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh.
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...

Hai chữ “Từ bi”còn thấy dùng trong nhiều bài khác, như trong bài CAO HƯNG:
Thơ tôi thương huyền diệu
Mọc lên đạo từ bi

Trong bài HAY NHẬP HỒN TA:
Bỗng hôm nay trước cửa bóng trăng quỳ
Sấp mặt xuống uốn mình theo dáng liễu
Lời nguyện gẫm xanh như màu huyền diệu.
Não nề lòng viễn khách giữa cơn mơ.
Trời Từ Bi cảm động ứa sương mờ
Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá.
Trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngã.
Anh đoán chừng cơn ấy em ngất đi….

Nhiều từ ngữ khác của Phật giáo, như “Hằng hà sa số” “Cực lạc”. “Mười phương” v.v... cũng thường gặp trong thơ Tử:
Mây vẽ hằng hà sa số lệ
Là nguồn ly biệt giữa cô đơn.
                                         (Cuối Thu)
Giây phút, ôi chao! Nguồn Cực lạc!
Tình tôi ghen hết thú vô biên.
                                         (Ghen)
Có tin thôn xa đến,
Có điều lạ đêm nay:
Đóng cữa mười phương lại,
Dồn ánh sáng vào đây.
                                         (Điềm lạ)
Ta cho một giòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và tinh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn nghìn tinh lạc xuống mười phương
                                                   (Nguồn thơm)
vân vân….
Nhưng đó mới là những dấu tích ở bên ngoài.
Trong thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài chịu ảnh hưởng cả hình thức lẫn tinh thần Phật giáo. Ví dụ bài PHAN THIẾT:
Nhớ khi xưa ta là chim phụng hoàng
Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất..
Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Suất,
Và lùa theo không biết mấy là hương..
Lúc đằng vân gặp ánh sáng chận đường
Chạm tiếng nhạc, va nhằm thơ thiên cổ..
Ta lôi đình thấy trăng sao liền mổ:
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao,
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
Hoá đài điện đã rất nên tráng lệ
Ơ ngôi cao, ngước mắt ra ngoài bể,
Phong lưu ghê, sang trọng chẳng vừa chi
Ta mê man như tới chốn Phượng Trì
Ơ mãi đó không về Thiên cung nữa.
Nhưng phép lạ! Có một vì tiên nữ
Hao hao như nường nguyệt cõi Đào Nguyên.
Ta đắm mê trong ánh sáng trần duyên
Và van lạy xin cô nường kết ngãi.
Mỉa mai thay cho phụng hoàng si dại
Là ta đây đương ở kiếp muôn chim..
Trở lại trời tu luyện với muôn đêm,
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả.
Ta trở nên như ngọc đàng kim mã
Rất hào hoa, rất phong vận: Người thơ…
Ta là trai khí huyết ước ao mơ
Người thục nữ sanh giữa thời vô thượng.
Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng,
Ta lang thang tìm đến chốn Lầu trang;
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang,
Nơi đã khóc, đã yêu đương da diết..
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi...
Ta đến nơi  Nường ấy vắng lâu rồi!
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ!
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng,
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết:
-   Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu!
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư

Ngoài những ngôn ngữ phổ thông của con nhà Phật, như “Thành chánh quả”, “Sông Hằng”.., ngoài những hình ảnh đẹp đẽ của trời “Đao lỵ”, trời “Đâu Suất” những cõi Phật xa xăm đầy nhạc, đầy hương, đầy ánh sáng, chúng ta nhận  thấy trong bài PHAN THIẾT, thuyết nghiệp báo và thuyết luân hồi được thi vị hoá một cách tài tình: Con chim phượng hoàng, vì sân si, mà phải đoạ; và khi tu đã thành chánh quả rồi, mà vì tập khí chưa tiêu trừ trọn vẹn nên phải trở xuống “nơi đã khóc, đã yêu đương da diết” để mà “sầu muộn, ngất ngư”, để mà “chôn hận nghìn thu”
Trong bài PHAN THIẾT, chúng ta còn nhận thấy rằng Hàn Mặc Tử đã nhìn đời bằng con mắt giác ngộ. Những hiện tượng trong cõi đời nầy đều là những tuồng ảo hoá:
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao,
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
Hoá đài điện đã rất nên tráng lệ! …
Và cõi đời này là nơi giả tạm, là nơi khổ luỵ, nên Tử phải đi tìm cõi giải thoát, và đã tìm thấy Cực lạc Quốc độ của Phật A Di Đà. Trong nhiều vần thơ của Tử, chúng ta thấy ẩn hiện những hình ảnh trang nghiêm kiềm diễm của cõi Tây Phương:
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền,
Không u ám như cõi lòng ma quỉ
Vì có Đấng hằng Sông Ngự Trị
Nhạc thiêng liêng đồn trổi khắp hư linh.
                                         (Ngoài Vũ Trụ)
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm thơ, man mác,
Rất phương phi trên hết cả anh hoa.
                                        (Ra đời)
Bút xuân thu mùa nhạc đến vừa khi
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi:
Cây bằng gấm và lòng sông bằng ngọc
Và đầu hôm một vì sao liền mọc
Ở phương Nam mầu nhiệm biết ngần mô!
Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho,
Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo.
                                         (Đêm xuân cầu nguyện)
Những “ánh sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền”, những tiếng “nhạc thiêng liêng”, những “điệu nhạc thơm tho, trọng vọng..”, những “cây bằng gấm và lòng sông bằng ngọc” v.v... ở trong thơ kia là vang là bóng của “vô lượng quang” của “thiên nhạc” của “hoa sen đủ màu sắc đủ hào quang” mọc trong “ao thất bảo”… trên thế giới Cực Lạc. Mà Tử đã nhìn qua kinh A Di Đà.
Tinh thần Phật Giáo còn ảnh hưởng trong nhiều thơ văn của Tử; nhưng nhiều khi hoặc quá tiềm tàng, hoặc bị hình ảnh Thơ lấn át, nên chúng ta không trông thấy nếu chúng ta không chú ý không lưu tâm. Như trong bài tựa tập Xuân Như Ý có đoạn rằng:
Ôi! Trời hạo nhiên đây không phải là công trình châu báu của Người sao?
Lòng vô lượng đây không phải do phép tắc mầu nhiệm của Đấng Vô thỉ Vô chung?
Đưa ra nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm..
Đưa ra nào là gió chia biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiến, mây giang hồ, và nào là trời thanh sắc, lòng nhũ hương, niềm mộc dược…
Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!
Phải mời cho được XUÂN THIÊN ra đời..
Bình an cả và thiên hạ…
Vì chưng muôn xuân là lương thức ngon ngọt, mĩ vì, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho, tinh khiết, khí xuân là mạch trường sanh bất tử, tình xuân là cung nguyệt cầm mê ly, tuổi xuân là NGỌC NHƯ Ý, tên xuân là DẠ LAN HƯƠNG.
Và Xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, châu lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà Sa chen lấn vô tận hồn tạo vật…

Đó chẳng phải là chữ “TÂM” được thi vị hoá bằng những hình ảnh tượng trưng?
Hàn Mặc Tử đã xác nhận tính chất vô thỉ vô chung của TÂM lòng vô lượng mà biểu hiệu nhiệm mầu là Mùa Xuân thơm tho trong đẹp, tràn lan khắp không gia trời muôn trời, “chen lấn vô tận hồn tạo vật” và tồn tại cùng thời gian. (năm muôn năm).
Nhưng vì là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, Tử đã biến cái TÂM bất sanh bất diệt thành Đấng Vô Thỉ Vô Chung, và coi những hiện tượng do “lòng vô lượng” đã “đưa ra” kia là “công trình châu báu” của đức Chúa Trời, nên “cao rao danh Cha cả sáng”.
-     Như thế, Hàn Mặc Tử có phải là một nhà thơ của đạo Thiên Chúa? Nghĩa là có phải một tín đồ dùng thơ cốt để phụng sự tôn giáo mình?
-     Không. Hàn Mặc Tử là một nhà thơ thuần tuý. Tử tìm vào Đạo – Đạo Thiên Chúa cũng như  Đạo Phật chỉ để tìm nguồn cảm hứng, để tìm nguồn an ủi khi bị tình đời phụ rẫy hoặc thể xác dày vò. Lý tưởng chính của Tử  là THƠ. Tôn giáo chỉ là những yếu tố phụ vào để làm cho THƠ thêm giàu sang và trọng vọng. Do đó nhiều khi bị hứng thơ lôi cuốn Tử đã thốt ra những lời có thể gọi là “phạm thượng” đối với những đấng thiêng liêng Tử  phụng thờ. Ví dụ đương quì trước Thánh Nữ Maria để ca ngợi ơn cứu nạn, mà Tử dám nói:
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ:
Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn Thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp biết bao nhiêu khí vị.
Và miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một nạm hào quang ….
Thật chẳng khác nào đứng nói cùng một người ngang hàng ngang lứa! Thậm chí trong “Đêm Xuân Cầu Nguyện” mà chàng vẫn nói một cách ngang tàng rằng:
Ta chấp tay lạy quì hoan hảo,
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian,
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế.
Nghĩ đến những gì “Giàu sang hơn Thượng Đế”, Tử biết là một tội lỗi lớn, nên tiếp đó chàng van lơn, thầm nguyện:
Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giê Su
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối.
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sỹ kẻ lên trăng
Trong bao đêm xao xuyến vũng Sông Hằng.
Lời xưng tội vẫn không thật nghiêm trang thành kính! Trong khi viết những lời tạ lỗi, Tử đã nghĩ đến Thơ nhiều hơn nghĩ đến Chúa, mặc dù Tử vẫn thờ Chúa trên Thơ.

Còn đối với đạo Phật?
Hàn Mặc Tử đi vào Đạo Từ  Bi không phải để tu mà cũng không phải để tìm hiểu những gì cao siêu huyền diệu. Tử đi vào Đạo Từ Bi, cũng như một lãng nhân vào một Vườn hoa nghìn hương muôn sắc. Vào không phải với mục đích của nhà vạn vật học hay nhà làm vườn, mà với tấm lòng con nhà nghệ sỹ khoáng đạt phong lưu. Vào để thưởng thức những cái đẹp khác thường vừa giàu sang vừa thanh thoát. Hoa có bao nhiêu giống, không cần biết. Cách trồng hoa như  thế nào cho hoa nở thạnh, không cần biết. Vườn hoa có tự bao giờ và rộng đến đâu, cũng không cần biết nốt. Mà chỉ biết rằng có nhiều sắc lạ nhiều hương lạ, và chỉ biết trải lòng hứng lấy những gì có thể hứng được trong cõi thơm thắm mênh mông. Rồi những gì đã thấm vào tâm kham thỉnh thoảng tràn ra ngọn bút những lúc Thơ về, khi thì đượm đà, khi thì phảng phất, khi thì hiển hiện, khi thì ẩn tàng…, và tràn ra một cách tự nhiên, lắm lúc nhà thơ tưởng rằng đó là do mình sáng tạo ra chớ không ngờ rằng mình đã chịu ảnh hưởng.
Và tất cả những gì đã thâu thập được trong Tôn giáo trong Phật giáo cũng như trong Thiên Chúa Giáo, một khi đã vào Thơ Tử thì không còn giữ nguyên chất, vì đã bị tâm hồn Tử biến chế, pha trộn theo quan niệm và sở thích của mình.
Bởi vậy, khi đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta nên mở cõi lòng cho rộng rãi, đừng chấp về mặt tư tưởng cũng như về mặt ngôn từ, thì mới dễ cảm thông cùng con người thơ phức tạp, mới tận hưởng được tất cả những gì sâu kín ẩn khuất dười những hàng mây ráng lung linh./.
                                            Nha trang, mùa Xuân năm Tân Sửu (1961)


KINH A DI ĐÀ đối với nhà thơ BÍCH KHÊ

BÍCH KHÊ, tác giả tập Tinh Huyết (xuất bản năm 1939) và tập Tinh Hoa (sắp xuất bản), là một thi nhân thời Tiền Chiến, đồng trường thơ cùng Hàn Mặc Tử và danh gần ngang với Hàn.
Tên thật là Lê Quang Lương,
Quán Thu Xà, tỉnh Quảng Nghĩa,
Sanh năm 1916
Mất năm 1946
Gia đình Bích Khê là một gia đình Nho giáo, nhưng Khê rất thích xem sách Phật, nhất là Kinh A DI ĐÀ. Chàng lại hay giao du cùng các nhà sư, ưa lui tới những cảnh chùa chiền. Năm 1936, buồn vì thói đời vôi than, chàng đến ở nơi chùa Tà Cú tỉnh Bình Thuận ngót mấy tháng. Và vào cuối năm 1937 đầu năm 1938 lại đến ở dưỡng bệnh tại Chùa Thu Xà, gần một con trăng ăn chay trường, niệm Phật.
Tuy vậy chàng vẫn không qui y.
Và có một dạo chàng hướng về đạo Thiên chúa, và ảnh hưởng của đạo nầy thấy phảng phất trong đôi bài thơ của chàng, như trong bài:

XUÂN TƯỢNG TRƯNG
……………
Rồng uốn vóc tùng cong;
Ao bạch mai khoát khoát;
Môi đào chờ khoái lạc..
Hồn tôi như  đỉnh hương
Bốc lên mình thánh giá
Y xuân mát đến xương
Ngậm tuyết phun lã chã!

Và trong bài NGŨ HÀNH SƠN (bài tiền):
……………
Hai ta là mảnh vỡ
Của ngôi báu Thiên Đường.
Hai ta là chất bổ
Gắn ở trái Đau Thương.
………………

Nhưng rồi chàng lại trở về với Đạo Phật. Và trong bài hậu NGŨ HÀNH SƠN, hình ảnh đức Chí Tôn thoạt hiện:
……
Sực nức lò hương xông,
Trập trùng màu xiêm áo,
Lớt đớt trỗ mưa bông,
Phật Như Lai thoạt hiện
Trên bảy sắc cầu vồng.
Quý thay hòn Non Nước,
Nghe giảng đủ mười tông.
Muôn năm lòng đá rắn
Nhuần thấm giọt từ bi
Biển xanh thay chất mặn,
Rừng thẳm lọc hơi sầu.
Có ai biết trên cao
Da trời màu thịt sứa,
Da trời se chất sữa,
Thuyền cảm hứng mênh mông?
Gió thơm vùng nổi dậy:
Cảnh sắc biến thành không!
………

Cuối cùng vì không có nhân duyên tìm được thầy, BÍCH KHÊ đành chỉ qui y Phật, qui y Pháp. Và trong mấy tháng trước khi chết, ngày ngày chàng trì tụng kinh A DI ĐÀ.
Cuộc đời của BÍCH KHÊ là một cuộc đời đau thương. Vừa mới bước chân ra đời, chàng liền bị bạn phản. Rồi tiếp bị thất bại trong công việc xây dựng sự nghiệp với đời và trong đường tình ái. Kể lại mang phải chứng nan y bệnh lao phổi trở thành người “vô dụng”.
Vì thế lòng chàng ít khi yên vui. Nhất là từ khi thấy bệnh mình mỗi ngày mỗi thêm nặng thì bức màn u ám luôn luôn vây bọc chàng, và cái buồn “nghe đất lạnh” thấm tận đáy lòng chàng! Chàng thường sụt sùi khóc một mình, và ước mong “sống thêm đôi năm nữa để hoàn thành tập thơ đương dở dang”.
Nhưng từ khi trì tụng kinh A DI ĐÀ, chàng trở nên vui vẻ và mong được sớm về cõi Tây Phương. Đó là vào khoảng mùa đông năm Ất Dậu (1945). Chàng thường nói cùng người chị thân yêu nhất của chàng là bà Ngọc Sương, rằng:
-     Em sắp về quê, nơi quê hương cực lạc, hoa muôn thơm nghìn sáng, và chim biết thuyết pháp tụng kinh.
Chàng nói một cách vui vẻ và tin tưởng.
Rồi khí dương sanh, hoa mai nở. Chàng mời bà thân sinh đến bên giường, âu yếm thưa:
-     Thưa mẹ con sẽ chết trong tháng chạp nầy, song chưa biết ngày nào. Chết không phải là mất. Xin mẹ và các anh các chị chớ buồn.
Đoạn bảo người lấy giấy bút chép lời di chúc, trong có khoản dặn “khi chết không ai được khóc, và ngày kỵ không cúng cơm cá, mà chỉ cúng một nén hương hay một lư trầm cùng một bình hoa”.
Cách mươi hôm sau, một tối cơm nước xong, chàng mời mẹ vào, kéo ngồi bên cạnh, cầm tay thưa:
-     Con chỉ còn ở với mẹ trong ba ngày nữa. Đúng ngày rằm tháng chạp thì con chết. Con có quen một nhà sư ở chùa Phú Thọ, mẹ cho người xuống rước lên tụng cho con ba ngày kinh.
Nhà sư đến. Bàn thờ Phật đặt giữa nhà chính, bên cạnh phòng Khê nằm. Chàng chấp tay lên ngực, nằm lặng lẽ nghe kinh. Qua ngày rằm, chàng bảo nấu nước lá thơm tắm gội. Tối đến thưa cùng mẹ:
-     Con còn ở với mẹ nửa đêm nữa. Ngày trăm tuổi già của mẹ, con sẽ về rước mẹ đi.
Bà cụ ôm mặt khóc. Chàng khẽ bảo:
-     Mẹ đã quên lời của con rồi sao? Mẹ đừng buồn để cho con về nơi An Lạc.
-     Bà cụ lau nước mắt ra nhà ngoài. Khê nằm lim dim nghe kinh, với một nụ cười hiền lành và tin tưởng. Đến 11 giờ khuya, một cơn ho xé ruột người thân yêu! Cơn ho ngớt, chàng mở mắt nhìn đồng hồ. Hồi lâu tỏ vẻ ngạc nhiên, buột miệng thốt mấy tiếng “Ủa! ủa!”.
Chàng ngạc nhiên có lẽ vì nghĩ rằng:
-     Sao đến giờ này mà chưa thấy kim đài lai tiếp? Hay là dự cảm của mình không phải là linh cảm chăng?
Nhưng rồi chàng bình tỉnh ngay trở lại. Lúc bấy giờ nhà sư vừa tụng xong kinh A DI ĐÀ, đương tán bài “Nguyện sanh Tây Phương”. Khê chấp tay niệm theo…
Bốn bề không một tiếng động. Mùi hương phảng phất đó đây. Chợt người nuôi Khê ở trong buồng chạy ra, sợ hãi:
-     Ôi chao! Kinh quá! Một làn ánh sáng xanh dờn từ nơi giường cậu bay lên nóc nhà, làm tôi lạnh mình rợn ốc!
Bà cụ vội vàng chạy vào buồng Khê, nhưng không thấy gì lạ cả. Khê nằm thẳng người, tay chấp lên ngực, đôi mắt lim dim. Dưới bóng đèn khuya, vẻ mặt chàng trông có phần nhợt nhạt. Bà cụ ghé bên tai hỏi khẽ:
-     Con có mệt lắm chăng?
Khê từ từ mở mắt và nở một nụ cười âu yếm:
-     Trong người con lúc này nhẹ nhàng và khoẻ khoắn hơn lúc nào hết. Con muốn ngủ một tí. Mẹ hãy đi nghỉ đi.
Thấy thái độ bình tĩnh của con, nghe lời nói trong và dịu của con, bà cụ yên lòng đi nghỉ. Nhưng vừa đặt lưng xuống chiếu thì người nuôi liền gọi cho hay rằng Khê “đã đi”.
Đồng hồ từ từ đổ 12 tiếng… Đúng nửa đêm! Nửa đêm ngày rằm tháng chạp năm Ất Dậu, tức 17 tháng 01 năm 1946. (1)
Để cho hương hồn Khê được siêu thăng, những tiếng nức nở của người thân yêu đều phải dồn ép vào bên trong, và thay thế bằng tiếng tụng kinh, niệm Phật.
Và từ ấy mỗi năm cứ đến đêm rằm tháng Chạp, người thân yêu của Khê cúng Khê một nén hương thơm, một bình hoa thắm, và thành kính trang nghiêm niệm phật A DI ĐÀ.
                                  Viết Tại Nha Trang, mùa xuân năm Tân Sửu (1961).
_____________________________________________________________________
(1) Lúc này theo đồng hồ Nhật.