Trong vườn hoa thơ Bài 13-Đôi cánh hoa rơi của Tản Đà


ĐÔI CÁNH HOA RƠI CỦA TẢN ĐÀ

1.
Trong khắp ba cõi Việt Nam không ai không biết TẢN ĐÀ tiên sinh.
Không ai không thuộc, kẻ nhiều người ít, thi ca của Tiên sinh. Bởi vì danh tiếng của tiên sinh trên nửa thế kỷ nay đã vang dội khắp đây đó, và tác phẩm của tên sinh, nhỏ cũng như lớn, tất cả đã được phổ biến rộng rãi trên sách báo từ lúc tiên sinh chưa qui thần.
Tuy vậy vẫn còn một ít chắc là rất ít chưa được hành thế. Lão lượm lặt được năm ba vần, xin đem chưng bày lên Vườn Hoa Thơ, để quí bạn gần xa cùng thưởng thức:

TRỪ TỊCH
Lữ quán thuỳ tương vấn
Cô đăng bạn thử thân
Nhất niên kim dạ tận
Vạn lý vị qui nhân.
                                        (Trần Danh Án)
Tản Đà dịch:
Ngậm ngùi quán khách vắng tanh
Đèn khuya một ngọn với mình lân la
Giờ đây năm cũ bước qua
Mà người muôn dặm đường xa chưa về!

Bài nầy Tiên sinh đã dịch đêm tất niên năm Mậu Thìn (1928) lúc vào Saigon viết giúp tờ Đông Pháp Thời Báo của Diệp Văn Kỳ. Lão đã tìm được tại ngôi nhà tiên sinh trú ngụ buổi sanh tiền ở Ngả Tư Sở Hà Nội. Lão tìm được năm Nhâm Ngọ (1942), nhân dịp ra Hà Nội ghé thăm gia đình tiên sinh.
Trong dịp nầy, lão còn tìm thấy nơi bìa một quyển sách cũ 1 câu lục bát:
Cõi trần chẳng có Thiên Thai
Bỗng dưng trong lúc canh dài gặp tiên.
Chữ viết tuy đã nhoà, nhưng vẫn còn nhận được là nét chữ của Tiên sinh.
Một người đệ tử thân cận của Tiên sinh là Trần Văn Lai (1) cho biết gốc tích câu lục bát đó rằng:
Năm 1937 Tản Đà tiên sinh ở Hà Nội dọn về Khê Thượng.
Một đêm tiên sinh nằm chiêm bao thấy mình vào núi thưởng xuân. Chợt một đoàn tiên nữ xuất hiện. Một nàng lấy tay áo vẫy bảo tiên sinh đi theo. Tiên sinh theo vào một động đá có suối nước trong có hoa đào nở, phảng phất cảnh Thiên Thai của họ Nguyễn họ Lưu. Đương khoái mắt khoái lòng thì đoàn tiên nữ biến mất và khói mù nổi dậy phủ kín cả cảnh vật bốn bên. Tiên sinh thất kinh. Liền đó giật mình tỉnh giấc. Tiên sinh bèn trở dậy khêu đèn làm thơ chép mộng. Vừa viết được hai câu thì người nhà thức dậy làm tiên sinh bại hứng. Thành ra mộng dở dang mà thơ cũng dở dang!
Thật là hai khóm danh hoa, lại có một sự tích kỳ thú. Nếu không có duyên tao ngộ, bị mai một, thì uổng biết bao nhiêu!
Lão lại được nghe một bài song thất lục bát nhạo một cô gái nông thôn, dung nhan tầm thường, học hành ít ỏi, nhưng sính văn chương và mê thơ Tản Đà, đi đâu cũng tự nhận là thứ thất của Tiên sinh:
Gái họ Đắc có nàng quá lứa
Xuân bốn nhăm vẫn chửa Châu Trần
Kể bề yếu điệu thanh tân
Thì con người ấy mười phân hữu tình
Mắt chớp chới ba vành sơn khéo
Miệng mỉm cười hơi méo tí ti
Nước da xam xám màu chì
Mặt hơi rồ rỗ răng thì khấp kha
Cười rung cửa rung nhà từng chặng
Nói oang oang có bận hơn loa
Hơn đời được nết chua ngoa
Đầu dê mà chưởi mất gà trộm kinh
Chữ mít đặc nhưng tinh nghe lõm
Lý sự cùn lỏm bỏm khoe tài
Văn chương cô chẳng nhường ai
Ngâm thơ học mót từng bài cháo trơn
Cô chỉ thích cảnh tơn cảnh phật
Nhưng lăm le ngồi ngất toà sen
Lấy chồng cô bảo rằng hèn
Mắt xanh cô quyết chẳng thèm liếc ai
Cô chỉ cảm một người họ Nguyễn
Hiệu Tản Đà rõ chuyện vẩn vơ!
Yêu ai cô dốc lòng chờ
Khối tình lăn lóc bao giờ cho thôi!

Đây cũng là một giai thoại văn chương. Chép lại tuy không làm vinh dự chi cho Tiên sinh, nhưng vẫn giúp cho bạn đọc thấy rõ thêm rằng thơ văn Tản Đà đã đi sâu vào đại chúng vậy.




2.

Cuộc đời của Tản Đà tiên sinh đầy thơ và mộng.
Có nhiều sự kiện đã trở thành những giai thoại trong làng văn thơ.
Hầu hết những giai thoại về Tiên sinh đã được nhiều sách báo ghi chép. Nhưng cũng có đôi chuyện chưa được nhiều người biết. Như chuyện chưng tranh sau đây là một.
Vào khoảng 1913 hay 1914, ở Hà Nội có mở hội chợ đấu xảo, trong đó có cuộc triển lãm tranh.
Tản Đà có tranh dự thi.
Tranh của Tiên sinh là một bức thuỷ mặc trên giấy Tàu đại bản, vẽ một con cóc ngồi chổm choẹ trên cành lan, ở dưới có mấy câu thơ:
Con cóc mà đậu cành lan
Cành ngô con phụng thế gian đã thường
Có ai thương cóc thì thương.
Bức tranh đóng khung lồng kính đẹp đẽ, nhưng ngày đêm vắng vẻ mắt xanh.
Tan cuộc đấu xảo, Tiên sinh mang tranh về, bảo:
-    Không ai biết thưởng thức tranh.

Lão Vườn nhận thấy Tản Đà tiên sinh không thủ đoạn bằng Trần Tử Ngang đời Đường.
Trần Tử Ngang tự Bá Ngọc là một nhà đại bút đời Sơ Đường. Năm Vĩnh Thuần thứ nhất, đời Đường Cao Tôn (682), không được người có uy danh giới thiệu. Một hôm ra chợ Tràng An thấy có kẻ bán một chiếc hồ cầm để giá đến một vạn quan tiền. Ai nấy đều ngạc nhiên. Một phú ông giàu nhất kinh đô cũng có mặt nhưng không dám mua. Trước mọi người, Trần bỏ tiền ra mua, không một lời mặc cả. Người chung quanh đều kinh dị đua nhau hỏi duyên do. Trần đáp:
-        Đàn này là một vật trân bảo nhất đời. Nhưng tiếc rằng bận việc không thể giải thích được, xin mời hàng thức giả mai đến xóm Tuyên Dương sẽ rõ.
Sáng hôm sau người ta kéo đến xóm Tuyên Dương đông như chợ. Trần đã bày sẵn mấy bàn rượu thịt để đãi. Khi đã cạn chén, Trần nâng cao cây hồ cầm lên nói:
-        Tôi là Trần Tử Ngang quê ở Tứ Xuyên có hơn một trăm bài thơ đưa đến Kinh Đô mà chẳng ai biết cho. Còn cây đàn nầy là vật nhỏ mọn thì lại xúm nhau mà xem. Chốn văn vật này, ngờ đâu lại không có một người tri thức!
Nói xong, cầm cây hồ cầm đập tan. Đoạn lấy thi văn của mình đem phân phát cho mọi người.
Và chỉ trong một ngày văn chương của Trần đã được phổ biến khắp nơi. Quan Tư Không Vương thích khen văn tài đáng đứng đầu thiên hạ. Nhờ đó mà Trần thi đỗ tấn sỹ trong năm ấy và được trọng dụng ngay.
Nếu Tản Đà tiên sinh cũng biết cách quảng cáo như Trần Tử Ngang thì biết đâu bức tranh cành lan cóc đậu của Tiên sinh lại không gặp được một Vương Thích.

Còn một chuyện nữa mà Tản Đà tiên sinh chỉ là “thuật giả” chớ không phải là “nhân vật” trong truyện như có một số bà con nghe lầm. Đó là câu chuyện về cụ Từ Đạm.
Cụ Từ Đàm hiệu là Cúc Nhân, đậu tấn sỹ. Lúc làm quan đầu tỉnh Ninh Bình, lên chơi núi Dục Thuý tục gọi là núi Non Nước, sai khắc vào vách đá 4 câu thơ:
Người Cúc tính ưa cúc
Bạn bè hồ chọn ai?
Ây cái khe Non Nước
Có phúc được ngồi dai.
Lên chơi lần thứ hai, quan lại sai thợ đục hai bàn chân của mình vào đá, dưới chân vách đề thơ.
Một nhà thơ thấy vậy, liền viết bên cạnh 4 câu:
Nắm ngoái thơ quan đục mấy vần
Năm nay quan lại đục hai chân
Khen cho đá cũng bền gan thật
Chịu đựng cho quan đục mấy lần
Nhân vào Trung Việt chơi, Tản Đà Tiên sinh nghe được chuyện lý thú bèn viết đăng vào An Nam Tạp Chí để mua vui cùng độc giả.
Nay lão “tái thuật” để quí bạn ghé Vườn Hoa Thơ nghe cho vui. Đồ xưa đối với người hiếu cổ, lớn nhỏ chi cũng đều có giá trị.
____________________________________________________
(1) Hiện làm việc tại quận hành chánh Vĩnh Xương (Khánh Hoà)