Đôi nét cương yếu về thi học [1] [2]




1.

Vương Anh Lạc từ Bình Khê vào Nha Trang tặng lão vườn mấy khóm hoa thơ tự tay vun quén. Lão lựa được một khóm đủ hương đủ sắc đem chưng nơi vườn thơ:
THỀM HOANG
Ngọc anh nở mấy mùa
Người đi đã về chưa
Hương lạnh tình ong bướm
Chim vàng nương bóng trưa
Đoạn cùng Vương ngồi dưới gốc mận đơm hoa trò chuyện. Chợt Nguyễn Kính Sơn và Diệp Hà Giao ở Dalat về Qui Nhơn ghé lại thăm vườn. Lão giới thiệu tác giả Thềm Hoang. Diệp quân thấy bài thơ là thơ ngũ ngôn tứ tuyệt và tác giả là một thanh niên tuổi mới lớn “bách niên bán diệt bán”, tỏ ý xem thường:
-  Mới tập làm thơ nên làm thơ ngăn ngắn như thế, đã khỏi bị túng chữ lại khỏi bị khổ cực vì sự đối ngẫu khó khăn .
Vương Anh Lạc bị chạm tự ái, song vì nghĩ câu “kính lão đắc thọ” nên ngồi lặng thinh. Lão cười:
-  Đó là một mối lầm be bé của những người chưa sống với thơ. Lão xin hỏi ông bạn: Một bát trà Huế và một cốc trà Liên, bên nào có giá trị hơn bên nào? Và nấu trà Huế và chế trà liên, bên nào khó hơn bên nào?
Diệp quân biết rằng lão chiếu bí, cười:
-  Hỏi tức là đáp. Như vậy theo lão vườn thì làm thơ tứ tuyệt khó hơn thơ bát cú?
-  Đối với người khác thì khó dễ thế nào lão không dám biết. Còn đối với lão thì tứ tuyệt khó hơn bát cú nhiều. Đối chọi không phải là việc khó đối với những người đã lành nghề. Lựa chữ chuốt lời cũng không phải là việc khó dưỡng thần. Tuyệt cú chỉ có một nửa thể tích của bát cú, nhưng vẫn phải chứa đựng. Lại còn phải làm sao cho khí thơ mạnh mẽ liền lạc, thần thơ sáng mà không loà. Khiến cho không khí bài thơ được điều hoà, nội dung bài thơ được sung thiệm.
Nguyễn quân biểu đồng ý kiến của lão, và tiếp:
-  Thơ tứ tuyệt lời bình dị mà ý hàm súc. Cổ nhân bảo rằng đó là phần kết tinh của thơ. Chỗ tinh diệu chỉ có thể ý hội chớ không thể ngôn truyền. Và vì khó làm nên trong số thơ truyền tụng, từ đời Trần đến nay, thơ tuyệt cú không có mấy, không có mấy bài được như sao hôm sao mai.
Lão nói:
-  Thể tứ tuyệt chỉ thích hợp với những tâm hồn tế nhị thanh tịnh như các thiền sư Lý Trần, hoặc hoa lệ phong phú nhưng đã từng được tiết chế như các thi nhân Đường Tống. Thơ tuyệt cú của Lý Trần Đường Tống, hầu hết là những viên minh châu, từ xưa đến nay không mấy ai phủ nhận gía trị, nhưng cũng chưa mấy ai nói cho rành mạch những cái hay cái đẹp của thơ. Quả như lời bạn Kính Sơn đã nói, chỗ tinh diệu chỉ có thể nhận hiểu bằng thần ý chớ không thể diễn thuật bằng lời.
Diệp quân hỏi vặn:
-  Chẳng lẽ thơ quốc âm không có bài nào đáng kể sao?
Lão đáp:
-  Có, nhưng có ít chớ sao lại không. Song thơ xưa thì lão chưa có duyên được thưởng thức, còn thơ nay thì ngũ tuyệt lão thích bài TÌNH QUÊ của Kiến Đạo, thất tuyệt lão thích bài MỘT NỬA TRĂNG của Hàn Mặc Tử:
TÌNH QUÊ
Thu về mai nở gấp
Trùng cửu nảy chồi xanh
Tết đến xuân đi trớt
Đồng quê bát ngát tình.

MỘT NỬA TRĂNG
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi.
Mỗi lần đọc đến hai bài này, lão đều phải đọc tiếp câu thơ VỊNH CÚC của Hoà Thượng Thích Viên Thành ở Huế:
Bình sanh ngạo cốt lăng tằng thậm
Mỗi đáo đê đầu chỉ vị khanh.
Nghĩa là:
Bình sanh tánh vốn ngang tàng
Nghiêng đầu xuống thấp vì nàng đó thôi.
Kính Sơn cười hả hả:
-  Hoà Thượng Thích Viên Thành đã đa tình, lão giữ Vườn lại còn đa tình gấp bội. Chữ KHANH của nguyên tác nghĩa rộng. Chữ NÀNG trong dịch văn làm nổi bật tánh yêu hoa của khách ngạo cốt lăng tằng.
Vương Anh Lạc, từ đầu câu chuyện, thủ phận “đồng tử tạo ngung”. Đến khi nghe Nguyễn Kính Sơn bình luận, thì tình dù đượm đến đâu cũng không bền bỉ. Mà tình của thi nhân vừa đa lại vừa chung. Cho nên khi đã chịu “nghiêng đầu xuống thấp” thì lòng yêu, kính đã trộn lẫn thành một chất rượu kinh niên.
Diệp Hà Giao nhìn lão:
-  Lão Vườn đã chịu “đê đầu” trước Tình Quê và Một Nửa Trăng, mà lại tuyển thủ Thềm Hoang cho Vườn Hoa Thơ. Như thế có phải ngụ ý rằng Thềm Hoang không thua Tình Quê và Một Nửa Trăng, hoặc dụng ý rằng kẻ hậu sanh sẽ theo kịp hai bậc tiền bối?
-  Khi lão chọn Thềm Hoang thì hai bài kia nằm sâu trong ký ức và chỉ xuất đầu lộ diện khi hầu chuyện cùng hai lão hữu mà thôi. Như vậy thì không hề có sự so sánh. Đó là điểm thứ nhất. Còn điểm thứ hai thì tất cả mọi người lo tu thân không phải ai cũng có thể trở nên hiền nên thánh. Song những kẻ đã giốc lòng lập đức thì đều phải lấy hiền thánh mà tự kỳ. Như vậy, cầu mong kẻ hậu sinh theo kịp hàng tiền bối chẳng phải chính đáng lắm sao?
Diệp quân cười:
-  Sắm được một lão giữ vườn lão khẩu, thì “viên thể” ít khi bị nhục, và khách đến thăm vườn chẳng những được sướng mắt sướng mũi mà còn được sướng tai. Mình khen cho đó.
Một trận gió nồm thổi râu mận bay phơi phới như mưa tuyết và nhuộm trắng cả mái đầu chủ khách, không còn phân biệt ai trẻ ai già. Ai nấy đều cười thoải mái.
Kính Sơn ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
-  Bài Thềm Hoang đọc đi đọc lại thấy gồm đủ thanh sắc vị. Nhưng kiến trúc chưa được vững. Dường như bị thiếu một yếu tố nào đó, nhưng tôi tìm mãi không ra.
Hà Giao vụt đáp:
-  Câu thứ nhì bị thất luật. Chữ thứ hai câu ấy phải là tiếng trắc vì chữ thứ hai câu trên là tiếng bằng. Thơ không theo đúng luật bằng trắc thì đọc không êm. Đó là lẽ thường chớ có gì lạ đâu mà phải mất công tìm kiếm.
Biết rằng ông bạn là một tay cử nghiệp keo sơn cùng nguyên tắc của trường thi. Để có thể đánh ngã tánh cố chấp kinh niên, lão phải bài binh bố trận chặt chẽ:
-  Tay nhà nghề có khác. Quả như lời các bà lão thường nói: “Con ruồi bay qua, biết ngay là đực là cái”. Song ông bạn quên rằng thơ tuyệt cú, cũng như các loại thơ khác, đã thịnh hành từ các đời Hán, Nguỵ, Lục Triều. Đến đời Đường thanh vận mới hoà hiệp mà đặt ra Luật Thơ. Người đời Đường đặt ra Luật thơ sau bao nhiêu kinh nghiệm rút được nơi người xưa và nơi bản thân. Đặt ra để điều khiển thi hứng tới lui đi đứng được uyển chuyển điều hoà, không thái quá cũng không bất cập. Chẳng khác cương vế điều khiển con tuấn mã tế kiệu cho đều đặn nhịp nhàng, tấn thối cho đúng đường đúng lúc. Tức là đặt ra Luật thơ cốt giúp cho thi nhân những phương tiện ổn định để diễn đạt ý thơ cho được hoàn hảo, giúp cho nghệ thuật đi đến mức linh diệu tinh vi. Nhưng đã gọi là phương tiện thì giá trị chỉ tương đối chớ không phải tuyệt đối, không phải bất khả xâm phạm như hiến pháp một quốc gia có cương kỷ. Bởi vậy cách áp dụng phải linh động. Nhiều khi, để tránh cái hoạ hình thức làm hại nội dung, thi nhân có quyền nới rộng khuôn khổ lề lối, hoặc vứt bỏ hẳn luật lệ như người bơi qua sông nước chảy mạnh phải vứt bỏ xiêm y. Hy sinh quy tắc để giữ trọn thi hứng, chính người đời Đường là đời đặt ra Luật thơ, vẫn thường thực hiện. Như Lý Thái Bạch, Thôi Hiệu, Tống Chi vấn. Những bài phá luật như Đăng Hoàng Hạc lâu của Thôi, Anh Vũ Châu của Lý, Tâm Dương Cung Thanh, Tôn Huyền thị Yến của Tống, đều là những giai phẩm được lưu truyền. Về thơ Ngũ Tuyệt, vì ít chữ ít câu, đáng lẽ hình thức trang nghiêm của Luật Đường phải được tuân thủ triệt để. Thế mà niêm luật lại được nới rộng hơn thơ Thất Ngôn, nếu không có tên tác giả đi kèm thì người đọc có thể lầm là thơ cổ:

DỊCH THUỶ TỐNG BIỆT (1)
Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sỹ phát xung quan
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thuỷ do hàn
Lạc Tân Vương
Nghĩa là:
Nơi nầy biệt Yên Đan
Tóc tráng sỹ dựng ngược
Người xưa dẫu không còn
Nước vẫn còn lạnh buốt

TĨNH DẠ TỨ
Sàng tiền khán nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương.
Tạm dịch:
Ánh nguyệt rọi bên giường
Lòng ngờ đất toả sương
Ngẩng đầu trông nguyệt rạng
Cúi đầu nhớ cố hương.

DẠ VŨ
Tảo trập đề phục yết
Tàn đăng diệt hựu minh
Cách song tri dạ vũ
Ba tiêu tiên hữu thanh.
                                                                 (Bạch Cư Dị)
Tạm dịch:
Dế dum kêu mỏi lại ngừng
Hoa đèn đã lụn vụt bừng sáng thêm
Ngoài song biết có mưa đêm
Giọt tiêu tích tách qua rèm tiếng đưa
Thơ ngũ tuyệt đời Đường mà lão được đọc, đa số là thơ phá luật. Phá luật song không làm tổn hại đến phép làm thơ. Như những bài thượng dẫn. Để thêm vui, xin lục thêm một bài thất tuyệt phá luật của Đường Nhân:

MANG SƠN
Bắc Mang sơn hạ liệt phần doanh
Vạn cổ thiên thu đối Lạc thành
Thành trung nhật tịch ca chung khởi
Thử sơn duy văn tùng bách thanh
                                                                           (Thẩm Thuyên Kỳ)
Tạm dịch:
Dưới Bắc Mang sơn mả sắp hàng
Lạc thành muôn thuở mặt trông sang
Trong thành hôm sớm chuông ca rộn
Tùng bá trên non tiếng dịu dàng.
Phá luật mà câu thơ không gập ghềnh, mạch thơ vẫn liền lạc, nhạc thơ vẫn điều hoà, không phải là việc dễ. Và xem các bài thơ thượng dẫn, hai ông bạn có cảm thấy hoặc nhận thấy thiếu “một cái gì” làm cho kiến trúc bài thơ không được vững chắc như khi đọc bài Thềm Hoang của Vương Anh Lạc không? Chắc là không. Đó không phải vì bị uy danh của các tác giả làm mờ tâm trí, mà chính vì bút pháp của cổ nhân đã đến mức tinh luyện, tinh luyện tới độ trở thành tự nhiên như nói cười đi đứng, tự nhiên như bốn chân ngựa đã thuần thục, đi đường núi cũng vững như  đi đường bằng.
Hà Giao ngồi làm thinh. Kính Sơn nói:
-  Giải thích rõ ràng. Tôi công nhận bài Thềm Hoang không phải vì không theo đúng niêm luật mà trở nên lỏng lẻo. Nhưng mặc dù cố dựa theo lời giải thích của lão vườn để tìm lấy khuyết điểm mà vẫn không tìm ra.
Lão đưa mắt nhìn Hà Giao. Hà Giao nguýt:
-  Ai lão khẩu thì thuyết trình chớ đây vô phận sự.
Lão nói:
-  Bài thơ ngó lỏng lẻo là vì thiếu chỗ tựa. Lạc Tân Vương lấy THỬ ĐỊA làm chỗ tựa.  Lý Thái bạch lấy SÀNG làm chỗ tựa . Bạch Cư Dị lấy SONG làm chỗ tựa. Thẩm Thuyên Kỳ lấy MANG SƠN làm chỗ tựa. Còn chỗ tựa trong bài Thềm Hoang là đâu để cho hoa cho người cho hương cho chim qui tụ? Thật chẳng khác một giáo hội mà không có trụ sở: Tín đồ dù đông mấy cũng không thể vững mạnh, bỡi thiếu sự sinh hoạt cộng đồng.
Kính Sơn biểu đồng:
-  Vậy nên cất cho tình ý bài Thềm Hoang một trụ sở để có nơi tương ỷ tương y.
-  Đất không còn chỗ trống. Nếu muốn có chỗ tựa thì phải hy sinh một ngôi nhà nào thấy không cần thiết. Trong câu “Hương lạnh tình ong bướm”. Chữ HƯƠNG thật đẹp. Song bỏ đi, ý thơ vẫn không bị sút giảm bởi đã có hoa Ngọc Anh nở mấy mùa. Cho nên lão đề nghị bỏ chữ HƯƠNG để thay chữ THỀM vào làm trụ sở.
Ngọc anh nở mấy mùa
Người đi đã về chưa
Thềm lạnh tình ong bướm
Chim vàng nương bóng trưa.
Hà Giao đứng dậy:
-  Hảo tai! Hảo Tai! Trụ sở cất rồi, chúng ra nên giải tán.


2.

Được lão chỉ dùm chỗ khuyết trong bài Thềm Hoang, Vương Anh Lạc cao hứng về Bịnh Định rủ ba chú trẻ nữa vào thăm lão:
-  Huỳnh Phú Thọ
-  Tạ Hữu Giang
-  Lý Như Hải
Lão hỏi:
-  Có hoa thơ cho vườn chăng?
Vương Anh Lạc:
-  Hôm trước đánh liều… Từ hôm ấy mới biết rằng cháu đã lầm tưởng thơ không cần học.
Lý Như Hải:
-  Chính chúng cháu cũng đều lầm như thế. Đó không phải vì dốt nát mà lầm. Chính do đọc sách mà lầm. Chúng cháu đã đọc sách thấy nói rằng văn sỹ Caldwell của Mỹ, một văn sỹ nổi tiếng khắp thế giới, không hề đọc ai cả. Chúng cháu nghĩ không đọc ai cả tức là không học. Không học mà vẫn giỏi thì muốn trở thành thi sỹ cần chi phải học. Cứ lo làm thơ cho nhiều thì thơ sẽ hay.
Huỳnh Phú Thọ:
-  Lại có đôi nhà văn nói: Đọc sách nhiều, khi viết sẽ bị ảnh hưởng của người xưa, không sáng tạo được gì mới mẻ.
Tạ Hữu Giang:
-  Cũng có người nói: Người viết nhiều thì không đọc, người đọc nhiều thì không viết, bởi đọc nhiều tưởng người trước đã viết hết rồi, mình có viết nữa cũng chỉ lặp lại một cách vô vị những ý kiến những tư tưởng của cổ nhân. Chúng cháu đều là những người ưng viết, nên nghe sách nói, người sanh trước nói, thành ra khinh thường việc học hỏi. Sau khi anh Lạc về nói chuyện lại cuộc thâm kiến lão vườn, chúng cháu tỉnh ngộ. Nên vào kính xin lão vườn chỉ điểm cho những điều thiệt hơn.
Nhận thấy những lời của mấy ông khách trẻ đều là lời chân thành, lão ôn tồn đáp từng điểm một:
-  Ở đời có ba thứ biết: Không học mà biết, cổ nhân gọi là sanh nhi tri; Nhờ học mà biết, cổ nhân gọi là học nhi tri; nhờ gặp những bước khốn cùng mà biết, cổ nhân gọi là khổn nhi tri, tức là nhờ lịch duyệt mà biết. Biết làm thơ cũng thế. Nhà văn Calwell là sanh nhi tri. Những bậc thiên tài như thế đâu có nhiều. Hầu hết những nhà thơ nổi danh xưa nay đều nhờ công học hỏi, rèn luyện mà thành tài.
Bảo rằng đọc sách nhiều sẽ bị ảnh hưởng sách, không thể sáng tác được gì mới mẻ, điều đó không phải là không có. Như Âu Dương Tu học thơ của Hàn Dũ thì hay phỏng theo Hàn Dũ. Tô Đông Pha hễ học Lý Bạch thì phỏng theo Lý Bạch, học Đỗ Phủ thì theo Đỗ Phủ… Nhưng đó là lúc còn thanh niên. Chớ đến khi trưởng thành thì tự xuất tân ý tạo thành nhất gia cơ trử, danh sáng không nhượng các bậc bổn sư. Mới học ai lại không bắt chước thầy. Như con gà con thì phải theo mẹ, phải cần có mẹ bươn chải tìm mồi cho ăn, ấp ủ để tránh mưa gió, song đến khi đủ lông đủ cánh thì phải tự lực cánh sinh. Vật kia còn thế huống hồ kẻ học làm thơ… Người học cũng như cây, sách vở thầy học cũng như núi. Một khi đã đâm rễ vào núi, thì chồi nảy sanh…, mỗi ngày một thêm cao lớn, tàn xanh hoa thắm che lắp sắc núi, vượt cao hơn núi. Đứng ngoài mà nhìn nào ai có thấy núi, mà chỉ thấy lá và hoa của cây. Như thế học có hại cho việc sáng tác ở chỗ nào?
Còn nói học nhiều sợ viết nữa sẽ bị lặp lại những ý kiến những tư tưởng của cổ nhân. Theo lão dù có lặp lại cũng không hề gì. Bởi những lời dạy của cổ nhân chắc chi ai nấy cũng đã được nghe, chắc chi những người được nghe ai nấy cũng đều thấu đáo… Chúng ta đây đều là Phật tử, thử xem những lời đức Phật dạy, đã được các nhà thông thái lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, mà đã ai hiểu hết chưa, ai đã nhớ hết chưa, đã ai thấy những lời lặp đi lặp lại đó trở thành vô vị vô bổ chưa? Ví dụ như Na Tiên Tỳ Kheo Kinh là một bộ kinh phản ánh những đường nét chính yếu của Giáo lý nguyên thuỷ. Thế mà trên dưới hai mươi thế kỷ nay đều được tán thán là đặc sắc. Đặc sắc ở điểm ngài Na Tiên đã dùng những tỷ dụ do ngài sáng chế để làm sáng tỏ các chủ điểm giáo lý của Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Mới hay cũ là ở cách nói nhiều hơn là ở lý tưởng. Biết cách nói thì cũ cũng trở thành mới. Không biết cách nói thì mới cũng trở thành cũ. Bởi trong thế gian nầy những cái gọi là mới chỉ là những cái cũ đã bị vùi lấp quên lãng lâu ngày, được tìm thấy lại và chùi rửa sạch bụi thời gian đó thôi.
Đến điểm “Người viết nhiều thì không đọc. Người đọc nhiều thì không viết”, theo lão, có nghĩa như thế này:
-  Người không đọc sách cũng như Hà Bá sông Hoàng Hà chưa xuống biển đông, tưởng sông mình nước nhiều nhất vũ trụ. Tự thấy mình là lớn là hay chữ, ưng làm thầy thiên hạ, nên viết sách để dạy đời. Còn những người đọc nhiều, tự thấy mình không đủ sức để khai triển để phát huy những cái hay cái đẹp của cổ nhân, có viết nữa chẳng qua chỉ nhai lại những cái cũ; sách mình ra đời chỉ là một bản trùng tuyên vô vị vô bổ, không đáng làm hao giấy mực của đời. Một bên thì tự thị tự đắc. Một bên thì tự ty hoặc tự trọng.
Lý Hải Như: - Hai hạng người ấy ở Việt Nam có nhiều chăng?
-  Lão không thể biết, vì chưa ai làm bảng thống kê.
Tạ Hữu Giang: - Xin lão vườn cho chúng cháu được biết để theo: Khi mới học làm thơ và khi đã biết làm thơ rồi, Lão Vườn đã đọc những sách nào?
-  Ban đầu chỉ đọc quyển Quốc Văn Trích Diễm của Giáo sư Dương Quảng Hàm. Đó là quyển sách bằng quốc âm duy nhất dạy cách làm thơ mà lão được đọc, lúc còn ở trường. Sau khi ra trường thì được đọc toàn sách chữ Hán và chữ  Pháp.
Huỳnh Phú Thọ có vẻ ngạc nhiên:
-  Lão Vườn chuyên về thơ Đường Luật mà sao lại học sách dạy thơ bằng chữ Pháp? Không lẽ thơ của Pháp cũng có thơ Đường Luật?
-  Lão học là học thi pháp. Còn niêm luật của thơ Đường Luật thì nội quyển Quốc Văn Trích Diễm cũng đã tạm đủ rồi.
Vương Anh Lạc: - Niêm luật không phải thi pháp sao?
-  Là một điểm trong thi pháp và chỉ luật Thơ Đường mới áp dụng chặt chẽ. Thi Pháp rộng như biển. Còn niêm luật chỉ là một chum nước thôi.
Nhận thấy mấy chú trẻ không tin lời nói của lão, song không dám nói ra, lão cười:
-  Những người chưa thạo thơ Đường luật hoặc mới học làm thơ Đường luật đều cho niêm luật là khó là bó buộc. Nhưng người đã lành nghề thì cho là trò chơi, không chút bận tâm. Đó cũng do các sách dạy thơ giảng không có khoa học nên khó nhớ. Khi lão mới học, lão phải học thuộc lòng:
Bằng bằng trắc trắc trắc bằng vần.
Trắc trắc bằng bằng bằng trăc trăc vần
Trăc trăc bằng bằng bằng trăc trăc
Bằng bằng trăc trăc bằng bằng vần …
Bằng bằng trăc trăc bằng bằng trăc
Trắc trắc bằng bằng trắc trắc vần
Trắc trắc bằng bằng bằng trắc trắc
Bằng bằng trắc trắc trắc bằng vần.
Đó là thể bằng. Còn thể trắc thì câu đầu phải khởi sự bằng hai tiếng trắc… Cứ vậy mà học thuộc.. khi quen tay quen miệng rồi thì “bằng trắc tùng tâm sở dục”. Hễ sai một chữ là biết ngay. Chừng đó lão mới tìm thấy một phương pháp làm cho kẻ mới học thơ dễ nhớ hơn phương pháp học thuộc lòng “bản hiến chương” kia.
Mấy chú trẻ đồng reo:
-  Lão Vườn vui lòng truyền cho chúng cháu.
-  Theo bản bằng trắc “tiền chế” đó, thì câu một bằng trắc giống câu 8, câu 2 giống câu 3, câu 4 giống câu 5, câu 6 giống câu 7. Ngoại trừ chữ cuối ở mỗi câu. Bởi chữ cuối của câu 1 và 4  câu chẵn để dành cho vần của bài thơ. Hễ vần ở câu chẵn là tiếng bằng thì chữ thứ bảy của câu lẻ phải tiếng trắc, và trái lại. Đó là niêm.
Niêm tức là dính lại với nhau, ăn khớp với nhau. Niêm thuộc về câu. Còn luật thuộc về chữ trong mỗi câu. Trong mỗi câu thì chữ thứ nhất, chữ thứ ba và chữ thứ năm, không cần theo đúng bằng trắc. Chỉ có chữ thứ hai chữ thứ bốn và chữ thứ sáu, bằng trắc không được sai với bản “ bản phong thần” mà thôi.
Cổ nhân gọi là “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Thế  là mỗi câu chỉ còn có ba chữ phải theo đúng luật bằng trắc. Ba chữ đó gọi là ba “phần tử tiết điệu”. Chúng theo thế quân bình tam phân: hai phần tử ở hai đầu, tức là chữ thứ hai và chữ thứ 6, đối lập cùng chữ ở chính giữa, tức là chữ thứ 4. Nếu chữ thứ 4 là tiếng trắc thì chữ thứ hai và chữ thứ 6 phải là tiếng bằng. Nếu chữ thứ 4 là tiếng bằng thì chữ thứ 2 và chữ thứ 6 phải là tiếng trắc. Nói một cách nôm na: chữ thứ 2 và thứ 6 kẹp cỗ chữ thứ 4. Hoặc 2 bằng kẹp cổ trắc, hoặc 2 trắc kẹp cổ bằng.
Bây giờ nói đến Niêm: Cổ nhân bày ra niêm là cốt để cho không khí bài thơ được điều hoà, để cho câu trên câu dưới khỏi “cãi cọ” nhau. Ví như bốn cặp vợ chồng nằm chung trên một chiếc giường, phải làm sao để tránh sự  nghi kỵ, sự phân bì…., để khỏi mích lòng nhau mà sanh ra bất hoà bất thuận.
Nếu sắp đàn ông tức là câu trống, một phía, đàn bà tức là câu mái, một phía, thì chính giữa trống mái, phải có một vách ngăn, hoặc một chiếc gối to và dài làm ranh giới, hầu tránh sự lộn xộn lúc tắt lửa tối đèn. Giường vừa đủ 8 người nằm, nếu thêm vách thêm gối vào nữa thì thiếu chỗ. Huống nữa làm như thế sẽ mang tiếng chia rẽ bắc nam. Mà Niêm bày ra là để cho sự đoàn kết giữa câu này và câu kia được mười phần chặt chẽ…
Vương Anh Lạc:
-  Thì cứ sắp cặp vợ chồng nào nằm theo cặp vợ chồng nấy.
-  Đúng. Nhưng phải sắp cách nào cho ổn? Nếu cứ sắp chồng đâu vợ đó, như thế này:
Chồng                        *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Chồng                        *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Chồng                        *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Chồng                        *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Thì trừ hai người nằm ở hai đầu được tự do day trở, còn những người nằm giữa thì chỉ được nằm ngửa hoặc day mặt vào người bạn trăm năm của mình mà thôi. Bởi nếu làm khác đi thì hoặc ít hoặc nhiều, không sao tránh khỏi sự ngờ vực… bởi thế, vẫn giữ nguyên tắc “chồng đâu vợ đó” cổ nhân xếp đặt một cách hợp tình hợp lý hơn:
Chồng                        *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Chồng                        *------------------*--------------------*
Chồng                        *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Vợ                              *------------------*--------------------*
Chồng                        *------------------*--------------------*
Như thế ai nấy đều được tự do day trở. Trở nghiêng bên này thì gặp bạn trăm năm, tạo nên cảnh loan phụng hoà bình. Day sang bên kia thì gặp bạn đồng giới, tránh hẳn lẽ âm dương tương khắc. Ai nấy đều ngủ yên. Bài thơ khỏi bị “lủng củng nội bộ” (2)

Mấy chú trẻ khoái ý vỗ tay reo:
-  Chúng cháu nhận thức đầy đủ rồi. Chúng cháu sẽ tập làm thơ Đường Luật.
-  Ý đừng! Ý đừng! Nói ra cốt để cho các chú em thấy rằng thơ Đường luật khó, mà không khó. Không khó ở niêm luật, đối, bệnh…, tức là hình thức, mà khó cũng như các thể thơ khác, ở cách diễn đạt tình, lý cảnh, sự cho được trung thực, cho được linh động, cho được tự nhiên…, tức là khó ở chỗ làm như thế nào để cho nghệ thuật được vận dụng, tận dụng, diệu dụng, hầu phục vụ nội dung được hữu hiệu, được đến mức hoàn toàn.
Lý Như Hải: - Tại sao lại không nên học thơ Đường luật, nếu quả hình thức không làm hại nội dung?
-  Làm hại nội dung là do tài bất cập. Với hình thức nào mà tài bất cập đều không diễn đạt được những gì mình muốn diễn đạt, chớ không riêng gì với thể thơ Đường.
Huỳnh Phú Thọ: - Như vậy chỉ cần luyện tài chớ không cần chọn thể?
-  Cũng cần lắm. Vì nội dung và hình thức phải ăn nhịp với nhau thì thơ mới hoàn hảo. Như người Mỹ, người Phi… mà mặc áo đen dài bịt khăn đóng, thì coi không được. Những trang y của các giai nhân ngày xưa mà chúng ta thấy ở trong phim chiếu bóng Trung Quốc, thật đẹp đẽ biết bao. Thế mà Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch có còn dùng cho giới phụ nữ Trung Hoa nữa chăng? Kiểu nhà chữ Môn, đâu phải là không mỹ thuật, nhưng trừ những chùa chiền miếu mạo, có nhà giàu sang nào dùng để xây cất biệt thự trong những nơi đô hội phồn hoa? Thể thơ Đường luật cũng thế. Phải để cho “đương sự” nằm yên trong dĩ vãng. Những ông già bà cả phải chết đi, thì người đời mới thương tiếc, chớ cứ sống mãi thì chỉ làm cho người thân yêu giảm lần hết cảm tình.
Tạ Hữu Giang: - Thế sao lão vườn vẫn giữ  thể thơ Đường luật?
-  Đó là do “tập dữ tánh thành”. Răng đã nhuộm đen rồi, mỗi ngày xỉa thuốc cho đen thêm, hoặc cho khỏi tróc khỏi lợt, chớ không nên theo thời thượng lấy nước cường toan đánh cho trắng. Bởi đã không thể nào trắng được, mà còn xam xám rai rái trông hết sức khó coi. Các chú em đương trắng răng, sao lại muốn ra chợ Đông Ba mua thuốc xỉa?
Vương Anh Lạc: - Không nên tập, nhưng phải biết. Biết để dễ thưởng thức những bài thơ Đường luật của cổ nhân còn lưu thế. Xin Lão Vườn cho biết thêm về niêm luật của Ngũ ngôn.
-  Niêm của Ngũ Ngôn không khác Thất Ngôn, còn luật thì giản tiện hơn, bởi số chữ  ít. Cũng như thơ Thất Ngôn, Ngũ Ngôn luật thi luôn luôn dùng cước vận và cách vận. Và vận nằm ở câu thứ nhất cùng ở các câu chẵn. (Câu thứ nhất của thơ Ngũ Ngôn nhiều khi không cần bỏ vận). Như thế câu thơ chỉ còn có 4 chữ, mà chữ thứ nhất và chữ thứ ba bằng trắc không cần theo đúng luật. Chỉ có chữ thứ 2 và chữ thứ 4, bằng trắc phải phân minh thôi. Chữ thứ 2 và chữ thứ 4 là 2 phần tiết diệu. Hai phần tử ấy đối lập với nhau: Hễ chữ thứ 2 là tiếng bằng thì chữ thứ 4 phải là tiếng trắc. Còn chữ thứ 2 tiếng trắc thì chữ thứ 4 phải là tiếng bằng. Đó là thế quân bình song lập.
Như bài Thềm Hoang của chú em, câu thứ nhì luật sai niêm cũng sai. Để cho đúng niêm luật thì phải đổi:
Người đã đi về chưa
Nhưng đúng niêm luật để làm gì nếu ý thơ bị phản? Còn sai niêm luật mà ý thơ không bị phản, nhạc thơ không bị lệch, không khí bài thơ không bị “ nóng lạnh cách biệt thái quá”, thì chẳng những không bị phạt mà còn được thưởng. Bởi không theo con đường đã vạch sẵn, mà đi đúng phương hướng, đi không bị vấp ngã. Như thế chẳng đáng khen lắm sao?
Vương Anh Lạc:
-  Đó là ngẫu nhiên mà được, chứ không phải do nghệ thuật cao. Cho nên sai không biết, được cũng không biết. Lão Vườn nhìn vào thấy ngay ưu khuyết. Được vậy là nhờ có học, nhờ học nhiều… Cho nên chúng cháu xin nguyện ráng học…
-  Học rồi phải suy tư để cho những gì học được có thể tiêu hoá, và phải tập để cho tri đi đôi với hành. Khách làm thơ cũng như người cán bộ chính trị, phải dùng lý thuyết để thực hiện công tác cho đúng chủ trương đường lối, và lấy công tác thực tiễn mà bổ khuyết mà phong phú cho lý thuyết. Thi pháp không phải do người làm thơ bày đặt ra, mà chính là những nguyên tắc đã rút được nơi các tác phẩm thành tựu. Học cho nhiều mà không hành cũng không ích gì cho bản thân, còn làm việc mà được mất do sự may rủi, chớ không do tài hay dở, học nhiều ít, thì kết quả kia cũng không đáng kể. Chẳng những thế theo đúng nguyên tắc đã nắm được mà đi đến chỗ thành công, nhưng không nhờ sự thành công kia mà rút thêm được những gì mới lạ để phong phú nguyên tắc, cải tiến nguyên tắc, thì cũng chưa đúng với ý nghĩa của sự học tập. Phải “nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” mới được… Nói thì dễ mà làm rất khó… Lão luôn luôn cố gắng, nhưng vẫn chưa gặt hái được chút đỉnh gì! Lão đặt niềm hy vọng ở đoàn hậu tiên…
Tạ Hữu Giang: - Chúng cháu lâu nay cố công đọc sách. Song sách về thơ bằng Quốc âm rất hiếm. Còn chữ Hán và chữ Pháp, chúng cháu lại không thông thạo. Cho nên muốn thực hiện những lời chỉ dạy của Lão Vườn, chúng cháu không biết làm sao đây?
Lão chợt nhớ đến cách học của lão ngày xưa, học lúc chưa gặp được thầy được sách:
-  Đọc thơ cho thật nhiều. Khi gặp được một bài thơ hay, thì phải xem kỹ “tại sao mà hay”. Câu đặt như thế này, chữ dùng như thế này, điệu gióng như thế nầy, mạch chuyển như thế nầy…, nên thơ hay. Nếu đổi khác hết, hoặc sửa đi đôi chút…, tình tứ trong thơ, tinh thần bài thơ..., có đổi khác đi chăng, có kém sút đi chăng? Rồi rút ra một nguyên tắc để áp dụng. Đó là kinh nghiệm bản thân. Và lão thu được ít nhiều kết quả. Những kết quả ấy sau này lão đem đối chiếu với lời sách dạy, không sai khác bao nhiêu. Các chú em thử tạm dùng thử..
___________________________________________________________________
 (1)    Kinh Kha đời Chiến Quốc, vâng lệnh Thái Tử Đan của nước sang giết vua Tần. Thái Tử đưa đến sông Dịch Thuỷ, Kinh Kha cảm khái hát: “Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thuỷ hàn. Tráng sỹ nhất khứ hề, bất phục hoàn”. Hát rồi nộ khí xông lên đến nỗi tóc dựng đứng.
(2)    Sáng kiến của Khương Hữu Dụng.