Đôi nét cương yếu về thi học [5] [6]




5.

Ông bạn già Định Phong gởi tặng vườn Hoa Thơ ba bài ngũ luật:

CÔ NGÂM
Đôi vần hương gói ghém
Ròng rã đợi tri âm
Khói ráng tâm tình trượng
Vườn nương khí vị thâm
Vơi vơi sầu viễn biệt
Lạnh lạnh thú cô ngâm
Gối tỉnh canh đồng vọng
Ngàn khơi tiêu vỹ cầm

CHỨC PHỤ TỪ
Tơ thắm ngọn đèn xanh
Hồi văn dệt chửa thành
Lạnh lùng cây trở bấc
Rộn rã bịp giao canh
Má ngoẹn dòng u hận
Tay phăn mối viễn tình
Mở phong lòng ải quạnh
Đầy đọng bóng trăng thanh.

QUA ĐÒ GẶP NGƯỜI CŨ
Ba năm trời xa xôi
Phong trần cam lắm nỗi
Gặp nhau đành thương nhau
Nhìn nhau không nỡ hỏi
Nước lặng dòng mây trôi
Tre nghiêng bờ gió thổi
Rồi ngàn dâu ngàn dương
Ngập ngừng chuông điểm tối.

Lương Chu Phát, Hoàng Ninh Chữ và Vương Tri Thuỷ đến thăm vườn, khen rằng lưu lệ mà thâm viễn.
Tri Thuỷ: - Trong làng thơ quốc âm xưa nay ít thấy thơ ngũ luật. Tại sao?
-  Tại thơ ngũ ngôn dễ mà khó. Dễ ở chỗ câu ngắn. Khó ở chỗ câu ngắn. Người biết rõ chỗ khó, e ngại mà không dám làm. Người chỉ thấy chỗ dễ, xem khinh mà không thèm làm. Nhân chỗ dễ mà vượt qua chỗ khó, không mấy người dụng công.
Đó là về phần người làm thơ.
Còn người xem thơ thì phần đông vì quen nghe tiếng tơ tiếng trúc của thơ Thất Ngôn nên không thích nghe tiếng săng tiếng đá của Ngũ Ngôn. Mà đời không có tri âm thì tiếng sanh tiếng khánh thỉnh thoảng mới gióng lên trong nơi nước thẳm non sâu mà thôi.
Đã ít người làm lại không người truyền thì bảo thơ Ngũ Ngôn có nhiều trong làng thơ thế nào được.
Lương Chu Phát: - Những gì hiếm cũng đều quí
-  Hoa lan hoa ly hiếm mới quí chớ hoa chàng rành hoa cỏ chân vịt càng hiếm càng khỏi mất công phá huỷ để khỏi vương vúi đến những danh hoa.
Hoàng Ninh Chữ: - Nói là nói về những thứ hoa có hương  có sắc, chớ ai nói đến những giống kia mà làm chi. Nhưng hãy gác lại vấn đề “giá trị”. Mong Lão Vườn cho biết: Thơ Ngũ Luật có trước hay thơ Thất Luật có trước?
-  Bên Việt Nam thì lão không biết rõ, vì tự mình không đủ khả năng nghiên cứu, các sách văn học sử hiện hành lại không thấy sách nào đề cập tới. Còn bên Trung Hoa thì, theo các sách biên khảo mà lão đã được đọc, lịch trình tiến triển của Thơ như thế nầy :
Về các đời trước, thơ phần nhiều đều theo thể Tứ Ngôn. Đến đời nhà Hán (206 tr. Tây lịch 195 sau C.N.) mới có thơ Ngũ Ngôn và Thất Ngôn. Sang đời Nguỵ (196 -220) qua đời Lục Triều (221- 621) thể Ngũ Ngôn thịnh hành, thể Thất Ngôn chỉ dùng trong nhạc phủ. Đến đời Đường (618 -907), thể Thất Ngôn được thông dụng hơn thể Ngũ Ngôn.
Thơ đời Hán đời Nguỵ chỉ có vần chớ không có luật. Qua đời Lục Triều (1), Lục Cơ và Phan Nhạc đời Tấn mở đầu cho lối thơ đối ngẫu. Thầm Ước. Đời Tề xướng ra thuyết Tứ Thanh và Bát Thể tức bát bệnh của âm vận. Sang đời Đường phép đối ngẫu và phép thanh bệnh được nghiên luyện tinh mật. Thẩm Thuyên Kỳ và Tống Chi Vấn, sau khi khảo nghiệm cách điệu được ổn thuận, mới định ra luật ngũ ngôn bát cú. Sau đó luật Thất Ngôn bát cú mới sản xuất.
Thơ làm theo luật gọi là thơ Cận Thể để phân biệt với thơ Cổ thể là thơ không theo luật.
Từ đời Đường trở về sau thi luật mỗi ngày mỗi được thi nhân tinh vi hoá.
Vương Tri Thuỷ: - Đó là về thể thức. Còn tánh cách?
-  Thơ đời Hán đời Nguỵ, phần nhiều từ và ý đều chất phác. Sang Lục Triều, phần đông thi nhân đều theo thuyết duy mỹ, lấy hoa lệ du dương làm hay. Đến đời Đường thì thơ phát đạt đến cực điểm. Thơ gồm đủ tánh chất đủ thể cách. Bao nhiêu tinh ba của các đời trước đều dồn cho đời Đường. Cho nên thơ Đường hay đủ vẻ, từ giản dị đến phức tạp, từ tự nhiên đến điêu trác, từ thanh đạm đến diễm kiều, từ tiêm nùng đến cổ kính, và hùng hồn có, u hận có, cao cổ có, ôn nhu có, hào phóng có, trang nhã có, sơ khoáng có, hàm súc có… Nội dung cũng như hình thức thật giàu mà cũng thật sang. Rõ là trăm hình nghìn sắc và muôn hương của hoa xuân trong vườn Thượng uyển. Người đời thường gọi Đường là Hoàng Kim thời đại của Thơ.

Nói tóm lại: Thơ đời Hán đời Nguỵ,  phần nhiều chất thắng văn; thơ đời Lục Triều, phần nhiều văn thắng chất; riêng thơ đời Đường là văn chất bân bân vậy. Bởi thế cổ nhân có câu “Đường thi, Tấn tự, Hán văn chương, nhân gian tuyệt phẩm” (2). Thơ các đời sau mỗi đời có một sắc thái riêng, có những đặc điểm riêng, nhưng vẫn không hơn nổi thơ Đường. Cả Au lẫn Á, các nhà phê bình văn học đều nhận như thế cả.
Hoàng Ninh Chữ:
-  Xin trở lại cùng thơ Ngũ Ngôn. Lão Vườn đã cho biết Ngũ Ngôn luật thi có trước Thất Ngôn luật thi. Và từ đời Đường trở về sau Thất Ngôn thịnh hành hơn Ngũ Ngôn chăng?
-  Không kém. Để chứng minh, lão xin đọc một ít bài Đường thi lão thuộc:

BIỆT HỮU NHÂN
Thanh san hoành bắc quách
Bạch thuỷ nhiễu đông thành
Thử địa nhất vi biệt
Cô bống vạn lý chinh
Phù vân du tử ý
Lạc nhật cố nhân tình
Huy thử tự tu khứ
Tiêu tiêu ban mã minh.
                               (Lý Bạch)
Dịch phỏng:
TIỄN BẠN
Giăng cõi bắc non xanh từng dãy
Quanh thành đông nước chảy trắng phau.
Nước non nầy một xa nhau
Lênh đênh muôn dặm biết đâu cách bồng
Y du tử mây lồng man mac
Tình cố nhân bát ngát trời hôm
Vẩy tay vó ngựa khôn cầm
Từ đây tiếng lạc âm thầm bên tai…

XUÂN VỌNG
Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời ba hữu lệ
Hận biệt điểu kinh tâm
Phong hoả liên tÂm nguyệt
Gia thư để vạn câm
Bạch đầu tao cánh đoản
Hồn dục bất thăng trầm
                               (Đỗ Phủ)
Dịch phỏng:
TRÔNG XUÂN
Nước dẫu phá non sông còn đó
Rợp thành xuân cây cỏ khoe tươi
Lệ hoa sùi sụt cảnh đời
Biệt ly để hận tơi bời lòng chim
Liền ba trăng ngập chìm khói lửa
 So nghìn vàng nét chữ gia hương
Lụn dần đôi mái tóc sương
Cành trâm cất giữ chán chường điểm tô.

NHẠC DƯƠNG VÃN CẢNH
Vãn cảnh hàn nha tập
Thu phong lữ nhạn qui
Thuỷ quang phù nhật xuất
Hà thái ánh giang phi
Châu bạc lô ba thổ
Viên hồng thị diệp hi
Trường An ti thấp địa
Cử nguyệt vị thành y
                               (Trương Quân)
Dịch phỏng:
CẢNH CHIỀU Ở NHẠC DƯƠNG
Chiều xuống cây đầy quạ
Nhạn về hiu gió may
Nước chao vầng nhật nổi
Ráng cuộn giải sông bay
Vườn thị hồng rơi chậm
Bờ lau trắng phủ dày
Tràng An đất ẩm thấp
Tháng chín áo chưa may.

TẶC BÌNH HẬU TỐNG NHÂN BẮC QUI
Thế loạn đồng nam khứ
Thời thanh độc bắc hoàn
Tha hương sanh bạch phát
Cựu quốc kiến thanh sơn
Hiểu nguyệt quá tàn luỹ
Phồn tinh túc cố quan
Hàn cầm dữ suy thảo
Xứ xứ bạn sần nhan
           (Tư Không Thự)
Dịch phỏng:
GIẶC YÊN TIỄN NGƯỜI VỀ BẮC
Lúc loạn cùng chung bước
Lui chân chỉ một mình
Quê người sanh tóc bạc
Nước cũ ngắm non xanh.
Trăng sớm qua tàn luỹ
Sao hôm nhóm cố thành
Nơi nơi chim lẫn cỏ
Đưa đón dáng buồn tênh!
Lương Chu Phát:
-  Tình cảnh như vẽ! Lời ngó thưa mà ý thật nhặt, câu tuy ngắn nhưng âm và hưởng đều du trường. Chính chỗ khó mà lão vườn nói khi nãy, Đường nhân đã vượt qua dễ dàng.
-  Cổ nhân nói: “Một bài thơ Ngũ luật như một hội 40 hiền nhân, lẫn một kẻ tục tử vào không được”. Ý nói thơ ngũ ngôn luật, tiết ngắn âm dài, nếu một chữ hỏng thì cả bài bị hỏng. Đường nhân nhờ thận trọng nên thành công.
Vương Tri Thuỷ:
-  Xem ba luật thơ của Định Phong, tôi nhận thấy tác giả đã học được âm điệu đời nhà Đường. Nhưng thơ của Đường nhân tuy buồn mà không lạnh, còn thơ của Đinh Phong lại hiu hắt như chiều đông!
-  Đó là do tánh tình một phần, do hoàn cảnh một phần. Theo chỗ lão biết thì mấy bài kia. Định Phong sáng tác thời Kháng chiến chống Pháp, tại Liên Khu V. Lúc bấy giờ tác giả vừa bị cán bộ địa phương cô lập vừa tự cô lập:
Tình bận nước non canh đỗ vũ
Đời riêng thơ mộng gác liêu trai.
Thì làm sao thơ không lạnh lẽo được.
Hoàng Ninh Chữ:
-  Bài QUA ĐÒ GẶP NGƯỜI CŨ vừa bỏ vần trắc vừa không đối nhau ở cặp trạng. Như thế có phải thơ Cổ Phong chăng?
-  Không phải. Đó là thơ Đường luật. Đường nhân thỉnh thoảng cũng có dùng vận trắc. Còn thơ luật mà hạm liên không đối song ý liền nhau, đến Cảnh liên mới đối, đó là PHONG YÊU THỂ. Lại có 1 thể nữa, câu 3 và câu 4 không đối nhau, nhưng câu 1 và câu 2 đối nhau. Đó là DU XUÂN THỂ. Du xuân là “ăn trộm xuân” ví cũng như hoa mai ăn trộm xuân mà nở trước trăm hoa vậy.
-  Chắc còn nhiều thể khác?
-  Còn khá nhiều, như  Đoạn Huyền Thể (3), Cách Cú Thể (4), Hồi Văn Thể, Điệp Tự Thể, Bình Đầu Thể, Ao Thể,  Câu thi thể (5), Toàn trắc , toàn bình thể, vân vân…
Lương Chu Phát:
-  Sao lão Vườn không đem ra giảng minh và phổ biến để giúp ích cho kẻ muốn học làm thơ ?
-  Ai còn học Thơ Cũ nữa ? Huống hồ đó là phận ự các nhà viết sách dạy thơ, các nhà nghiên cứu về thi học. Lão chỉ lãnh nhiệm vũ giữ vườn, không dám bắt chước anh thợ đóng giày phê bình hoạ phẩm.
_____________________________________________________________________________
 (1) Lục Triều: Các Triều Đông Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần đều đóng đô tại Kiến Khang, nên gọi là Lục Triều. Nói thơ Lục Triều là lối thơ duy mỹ là nói bao quát. Chớ cũng có lắm nhà thơ như Đào Tiềm, văn chương thanh đạm cao viên…
(2) Thơ đời Đường , chữ đời Tấn, văn đời Hán, đó là những nghệ phẩm tuyệt diệu trong thế gian.
(3) Lời thơ ngó rời rạc mà ý thơ liền nhau, như giây tơ đứt mà tiếng ngân vẫn không ngừng.
(4) Câu lẻ đối với câu lẻ câu chẵn đối với câu chẵn.
(5) Không theo đúng hẳn luật bằng trắc.





6.

Cũng như thơ Ngũ Ngôn luật thi, thơ Thất Ngôn tuyệt cú và Ngũ Ngôn tuyệt cú còn được truyền tụng rất ít. Và từ ngày Vườn Hoa Thơ được mở đón hương sắc bốn phương, hoa thơ gởi đến hầu hết là Thất Ngôn bát cú.
Nhiều khách làng thơ cũ tỏ ý khinh thường. Người thì cho rằng tuyệt cú không đối và ít câu, ai làm cũng được. Kẻ lại bảo chữ ít quá không đủ để diễn tả trọn nỗi lòng.
Vừa rồi lão cho ra đời tập ĐỌNG BÓNG CHIỀU gồm toàn thơ Thất tuyệt. Các bạn quen biết, phần đông thương hại cho lão lực yếu tài suy không còn làm nổi thơ bát cú. Lại có người tưởng đám thanh niên công kích, tán đảm mà xoay chiều. Ông bạn già Đoàn Thúc Luân đến hỏi lão:
-  Có lẽ chê thơ đối ngẫu không còn hợp thời nữa chăng?
-  Con chim chiền chiện lúc cao hứng bay lên không trung kêu hót líu lo. Hứng tàn hạ cánh xuống chui vào cành xanh cỏ biếc mà nghỉ ngơi… Lão cũng như con chim chiền chiện kia, có chạy theo thời đâu mà bảo rằng hợp rằng lỗi.
-  Chớ tại sao?
-  Lúc còn nhỏ, chắc ông bạn cũng như lão, hễ gặp bạn thân lâu ngày xa cách, thì mừng rỡ vỗ vai vỗ vế, cười nói suốt thời gian gần gũi nhau. Nhưng đến lúc tuổi đã cao, tánh đã thuần, tâm đã định, thì chỉ một cái gật, một nụ cười…, cũng đã đủ để nói lên tất cả những gì chất chứa trong bụng. Làm thơ chũng vậy. Cái quí nhất là ở chỗ không nói mà nói, ở chỗ nói giữa những hàng chữ, nói ngoài lời thơ. Diệu của thơ là ở chỗ nói bằng cách không nói chớ không phải bằng cách nói khéo. Đó là bí quyết thành công của thơ Tứ Tuyệt. Lão ráng tu luyện bấy lâu và tập Đọng Bóng Chiều mới là những bước chập chững.
Lão có hai ông bạn gì thường tới lui với nhau là Đoàn Thúc Luân và Lý Thường Kiến. Thúc Luân thì sính thơ nhưng nhác nghiên cứu thi học. Trái lại Thường Kiến rất ghét xướng hoạ, cao hứng lắm mới ngâm chơi đôi vận mà thôi, song thi pháp rất vững và bút pháp của các danh gia Đường Tống Minh Thanh được ông bạn nhận xét rất tinh tế. Nhưng ông bạn rất dè dặt. Ngồi với người lạ thì không bao giờ đề cặp đến thơ, còn đối với tri âm thì nói chuyện suốt ngày đêm không biết mỏi. Nghe câu lão đáp lời Thúc Luân, ông bạn gật đầu biểu đồng. Và để cho Thúc Luân thấy rõ rằng lão không nguỵ biện, ông bạn trích dẫn đôi bài thơ trong Đọng Bóng Chiều có những câu đối ngẫu:

XUÂN QUẠNH
Thược sược gió bay màu tuý vũ
Hải đường sương tỉnh giấc xuân tiêu.
Con oanh năm ngoái không về nữa
Sắc liễu xanh xao tiếng địch chiều.

ĐỒNG QUÊ
Mây biếc đồng quê xuân tới đó
Cỏ thơm người cũ mộng tìm đâu
Đãi đưa hoa nở vần cô hứng
Lặng lẽ sông khơi mạch viễn sầu
Đoàn Thúc Luân:
-  Thơ Tứ Tuyệt không cần đối. Vì sao Lão Vườn lại còn đối cho mất công?
-  Mất công không phải ở việc đối mà ở chỗ làm cho người ta phải thắc mắc hỏi “vì sao” .
-  Thì hãy cởi mở thắc mắc cho người ta. Đã mất công thì mất công luôn một thể cho tiện.
Lão nhìn Lý Thường Kiến. Thường Kiến cười:
-  Giỏi Dịch không bói, giỏi thi không nói.
Lão bắt bí:
-  Thúc Luân đã hỏi, nếu ông bạn không nói tất nhiên tự cho rằng mình giỏi thi.
Thường Kiến:
-  Nay ngày mấy âm lịch?
Thúc Luân:
-  Mười bốn.
Thường Kiến:
-  Miệng đàn bà con trẻ nói vậy mà thiêng!
Lão hiểu ý ông bạn muốn nói “ngày nguyệt kỵ đi chơi cũng lỗ..” (1), bèn đáp:
-  Chữ NHÂN là vị tha và vô ngã, sao còn nghĩ đến việc lỗ lời? Huống nữa nếu quả mình có lỗ đi nữa mà người khác lời thì cũng huề vốn kia mà .
-  Sao lão vườn không nói?
-  Đã già mà chưa chịu rụng răng thành ra lão khẩu! Còn lão già háp Thúc Luân kia, sách đưa cho không chịu đọc cứ bắt người ta nói cho nghe?
Thúc Luân: - Nếu tôi chịu học nữa thì trời sanh bác ra để làm gì?
Thường Kiến:
- Vậy hãy nghe đây: Thơ Tuyệt Cú cũng gọi là Triệt Cú hay Tiệt Cú. Triệt hay Tiệt là đứt ra chặt ra. Dứt, chặt Luật thơ ra làm hai để lấy một nửa. Trong một tuyệt, nếu câu 1 câu 2 đối nhau, đó là cắt bỏ bốn câu đầu của Luật mà lấy bốn câu sau. Như bài XUÂN QUẠNH thượng dẫn. Nếu toàn bài đối nhau, như bài ĐỒNG QUÊ và bài thơ cổ sau đây:
Gió đưa dương liễu cành cành nguyệt
Cụm toả ngô đồng lá lá sương
Thuyền mọn năm canh người Bích Hán (2)
Địch dài một tiếng khách Tầm Dương   (3)
Đó là cắt lấy 4 câu giữa của Luật. Nếu câu 3 và câu 4 đối nhau như bài DỆT CỬI của Lê Thánh Tông:
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương
Nên phải lên ngôi gỡ mối dường
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt
Gót vàng khẽ đạp máy âm dương.
Đó là cắt lấy 4 câu đầu của Luật. Còn nếu toàn bài không có đối, đó là cắt lấy 2 câu đầu và 2 câu cuối của Luật. Như bài MỜI TRẦU của Hồ Xuân Hương:
Quả câu nho nhỏ miếng trầu ôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Ví phải duyên nhau thời thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi.

Đoàn Thúc Luân: - Vì Tuyệt Cú chỉ có nửa Luật Thơ, nên giá trị cũng chỉ phân nửa Bát Cú.
Thấy họ Đoàn không lấy phẩm mà lấy lượng để đánh giá thơ, Thường Kiến giải thích tiếp:
-  Thơ Tuyệt Cú, bên ngoài trông nhỏ bé, song bên trong là một tiểu càn khôn. Bốn câu Tuyệt Cú phải gánh nhiệm vụ của tám câu Luật thi. Và tuy cách tiệt luật có khác, nhưng cách bố trí trong bài Bát Cú. Bài Tứ Tuyệt nào cũng phải bài bố KHAI THỪA CHUYỂN HIỆP cho thoả đáng. Có đối hay không đối,  mạch luôn luôn phải nối, khí luôn luôn phải liền, doanh lộn nhịp nhàng, câu tuyệt mà ý không tuyệt. Giá trị của Tuyệt Cú là ở chỗ lời giản ước mà ý hàm súc, mới ngó qua thì như cạn gần, song càng đọc càng thấy sâu xa cao rộng. Khó làm được hay, nhưng đã hay thì Bát Cú không theo kịp. Bỡi vậy các cụ ngày xưa thường nói: “Thơ hay đến Tứ Tuyệt mới là tuyệt” và giải thích: “Tuyệt cú là Tuyệt diệu từ”.
Thúc Luân: - Vì có thành kiến nên lâu nay hễ thấy thơ Tứ Tuyệt là tránh. Do đó mà ngọn nguồn lạch sông không chút thông thạo! Nay ngày nguyệt kỵ trở thành Các Nhật, thì mong hai ông bạn đừng đợi ngày qui tiên để đem sở học của mình về trả lại cho Văn Xương thần nữ.
Thường Kiến ngó lão, cười ngất: - Bác đọc sách nào mà gọi Văn Xương Đế Quân là Thần Nữ?
Thúc Luân: - Chớ bác đã gặp Văn Xương lần nào chưa mà dám cãi rằng không phải Thần Nữ.
Lão can thiệp: - Thần Phật không có Nam Nữ. Như Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, khi thì giáng thế với hình tướng người đàn ông, khi thì hiện thân là người đàn bà. Đức Văn Xương cũng vậy. Ở Á Đông, Ngài là Đàn Ông, sang Âu Châu thì là Đàn Bà.
Thường Kiến: - Lão bất tử lão thành tặc! Lão tặc muốn xuống địa ngục phải chăng mà dám cả gan xúc phạm thần thánh?
-  Đâu dám. Nghe truyền rằng thần Văn Xương ở Trung Hoa lâu ngày chán các văn nhân thi sỹ dùng bút lông, mới sang chơi Hy Lạp. Đương khoái văn hoá Hy Lạp thì gặp lúc thần Duy-Bi-Tê (Jupiter) ái ân cùng nàng Nễ Liêm Nữ  Polymnie) cùng tám chị em xinh đẹp ngự trị cõi Tinh Thần Âu Châu. Đó là Nàng Thơ. (4)
-  Sách nào chép chuyện hoang đàng ấy?
-  Xin hỏi ông bạn: Sách xem do ai làm? Và sau nghìn năm nữa chúng ta có trở thành cổ nhân chăng? Huống nữa cổ nhân đã dạy nên tin sách “vô thơ” kia mà (5)
Thúc Luân:
-  Thời Tiền Chiến có Phan Khôi tiên sinh ưa lý luận kiểu phan ngang như vậy. Cho nên đương thời có câu “Lý Luận Phan Khôi”. Nay lão vườn kế túc Phan Tiên sinh, nên xin gọi lối lý luận kiểu vô thơ kia là “Lý Luận Lão Vườn” Những ngày xuân ngắn chẳng bằng gang, nên xin bớt dùm ba hoa để tiếp tục giảng cho nghe về thơ Tứ Tuyệt.
Thường Kiến:
-  Trong một bài thơ, Tuyệt Cú cũng như Bát Cú, phải có chủ khách thì ý thơ mới tròn. Và chủ khách phải tương kính tương liên, tương y tương phụ, song chủ khi nào cũng phải giữ vai chính. Một bài thơ dù văn hay đến đâu mà khách lấn chủ, cũng bị kẻ thức giả đánh rớt xuống ông tú Tôn Sơn. (6). Trong Vườn Hoa Thơ cũng vậy. Không muốn cổ nhân trong nơi u huyền cười rằng chưa đọc qua Thi pháp Nhập Môn mà cũng nói chuyện Thơ, nên tôi xin hoàn lại cho lão vườn nhiệm vụ tiếp khách. (7)
Không cần khách sáo, lão tiếp:
-  Luật thơ đã được diễn chế nghiêm túc. Thơ tuyệt cú cũng như thơ Bát cú, Ngũ Ngôn không thể thêm, Thất Ngôn không thể bớt. Ví dụ như mỹ nhân của Tống Ngọc, bớt một ly thì quá thấp, thêm một ly thì quá cao…, áo xiêm son phấn cũng đều không thể thêm không thể bớt…
Thúc Luân ngắt lời:
-  Để câu chuyện bớt sa đà, xin nói thẳng vào thơ Tứ Tuyệt.
-  Thơ Tứ Tuyệt, lời thưa mà ý nhặt. Câu khai câu thừa miễn được trôi chảy, thong dong. Uyển chuyển, biến hoá, công phu toàn ở câu thứ ba. Câu thứ ba mà chuyển biến được hoàn hảo thì câu thứ tư chẳng khác thuyền thuận dòng xuôi gió. Cho nên câu thứ Ba tức là câu chuyển giữ vai cốt cán trong bài thơ. Nhiệm vụ phải thừa Thượng tiếp Hạ.
Lão ví câu thứ Ba như một cái thác đón nước nguồn cao trút xuống sông cái. Khách Thơ là người đưa bè gỗ xuống thác. Tay sào phải cứng cáp thành thạo thì bè gỗ mới khỏi bị sức nước nhận chìm xuống vực, hoặc xô vào đá bị tan vỡ hay bị mắc kẹt không thể gỡ ra.. Bỡi vậy khách thơ lão luyện thường dùng sức bút vào câu Chuyển để rồi phát xuống câu Hiệp, còn đối với khai thừa thì chỉ cho khéo tay một chút, chú ý một chút để khỏi vấp phải những lỗi lầm trước mắt, như lúc bè gỗ đi trong khoảng thượng lưu phía trên thác, người chống bè lưu tâm đến những mỏm đá những khúc quanh..
Lão đem bài HOÀNG HẠC LẦU TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN của Lý Thái Bạch ra làm chứng:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên ba tam nguyệt hạ Dương châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu
Tạm dịch:
Giã từ Hoàng Hạc lầu tây
Dương Châu bạn xuống xuân đầy khói hoa
Buồm côi bóng lẫn trời xa
Vơi vơi nước chảy xanh hoà sắc xanh.
Thường Kiến:
-  Câu chuyển thừa thượng tiếp hạ thật thần tình! Khởi thừa ngó dường giản dị mà thật hàm súc! Tình cảnh gồm đủ mà lại ngậm chứa cả không gian (địa điểm) lẫn thời gian (thời điểm). Câu chuyển như một khúc phim màu chiếu trên màn bạc, chiếu một con thuyền từ nguồn xuống biển: Ban đầu thấy một cánh buồm rõ rệt chạy côi cút trên dòng sông (Cô Phàm). Bóng buồm mỗi lúc một xa dần (viễn ảnh) rồi khuất hẳn vcào màu trời xanh biếc (Bích không tận), để lại trước mắt một giải sông cuồn cuộn chảy vào nơi thăm thẳm của không trung. Câu Hiệp chỉ nói đến cảnh mà tình tự nhiên cảm thấy dạt dào chẳng kém câu “Tâm tuỳ hồ thuỷ cọng du du” trong bài TỐNG LƯƠNG LỤC của Trương Thuyết.
Thúc Luân:
-  Xin cho nghe trọn bài của Trương Thuyết.
Thường Kiến đọc:
Ba Lăng nhất vọng Động Đình thu
Nhật kiến cô phong thuỷ thượng phù
Văn đạo thần tiên bất khả tiếp
Tâm tuỳ hồ thuỷ cọng du du
Lão dịch:
Ba Lăng thu nhuốm Động Đình
Ngày trông bóng đảo bập bềnh trên không
Gót phàm khôn thấu non Bồng
Nước hồ cuồn cuộn tấm lòng tuôn theo

Thúc Luân ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi thở dài:
-  Theo nghề thơ từ lúc mày xanh, mãi đến lúc tóc bạc mới đếm được ý vị của Tuyệt Cú! Thật chẳng khác bấy lâu chuyên uống Trà Biển Hồ, trà Bàu Cạn, trà Cầu Đất…, nay mới được nhắp chén trà Võ Di Sơn. Biết rằng hương vị quả thơm ngon hơn các giống trà uống bằng chén tách kia, song còn phải lâu ngày mới nhận thấy rõ được chân hương chân vị.
Thường Kiến:
-  Cần phải thể nghiệm thể chứng. Lời nói chúng tôi nãy giờ chỉ là ngón tay trỏ mặt trăng…
Thúc Luân nằm dài trên thảm cỏ dưới bóng mận buông xanh, đôi mắt lim dim. Hồi lâu ngồi dậy nói:
-  Trong hai bài chữ Hán và bài Xuân Quạnh, tôi nhận thấy rõ vai trò của câu Chuyển. Trong bài của Hồ Xuân Hương cũng thế. Còn bài ĐỒNG QUÊ thì chỉ có khai thừa liên hệ mật thiết với nhau, chớ chuyển và hiệp trông chẳng khác đường Quốc lộ số 1 và đường xe lửa xuyên Việt, chỉ đi song song với nhau chớ không có chỗ tiếp nối.
Thường Kiến: - Ông bạn thật đáng thờ đức Khổng Tử là Thánh Tổ bởi theo đúng lời Ngài dạy, nên đã thận tự rồi đem ra thẩm vấn. Tôi cũng xin theo lời Ngài mà minh biện để ông bạn về lo đốc hành:
Thơ Tuyệt Cú có thực tiếp và hư tiếp. Nghĩa là thừa tiếp có lúc thật lúc hư. Thực dễ thấy, hư khó thấy. Bài ĐỒNG QUÊ thuộc về Hư. Hư tức là không thấy nói mà vẫn có nói, nói trong ý thơ nói sau nghĩa chữ. Để ông bạn khỏi ngờ rằng cưỡng giải, tôi xin diễn bài thơ ra văn xuôi. Những lời tôi thêm vào là những lời chỉ “hé môi” chớ không “lên tiếng”:
Nơi Đồng quê mây biếc đã đến cùng xuân rồi đó, mà người cùng mình du phương ngày trước không biết ở nơi đâu để mộng đưa lòng tìm gặp. Để cho cảnh cô đơn bớt phần lạnh lẽo trong lúc xuân về, hoa giúp hứng thơ cho mình sáng tác. Nhưng đó chỉ là thái độ đãi đưa của giống Đẹp, chớ đâu phải do thanh khí lẽ hằng. Cho nên sầu xuân cũng như sông xuân âm thầm khơi mạch và lặng lẽ chảy mãi về tận nơi biền biệt xa xăm.
Ý “Để cho cảnh cô đơn bớt phần lạnh lẽo trong lúc xuân về” nằm trong chữ  CÔ HỨNG. Ý “Chớ đâu phải do thanh khí lẽ hằng” nằm trong chữ  ĐÃI ĐƯA. Ý nằm sẵn đó để trong bóng tối thừa ý câu 2 chuyển xuống câu 4 bằng mấy chữ vô hình CHO NÊN.
Nhận thấy Thúc Luân chăm chú nghe với niềm hân hoan thích thú, lão cao hứng tiếp lời Thường Kiến:
-  Khai, thừa, chuyển, hiệp, khi thì nhất khí quán hạ, như bìa của Hồ Xuân Hương và hai bài Đường Thi. Khi thì hư thực tương y, như bài Đồng Quâ. Khi thì thuận nghịch tương ứng, như bài xuân quạnh..
Thúc Luân:
-  Nhất khí quán hạ, dễ nhận thấy. Hư thiệt tương y, lãnh hội được rồi. Còn thuận nghịch tương ứng, chưa nhận thức thấu đáo.
Thường Kiến:
-  Ông bạn không thấy trong bài Xuân Quạnh, của câu Hiệp sao? Đối với Xuân, vui đẹp là Thuận, mà buồn úa là nghịch. Nếu không có câu chuyển kéo trên níu dưới thì tránh sao khỏi cảnh Nguyễn Trịnh lập Nam, Bắc Triều, chớ dễ gì mà nương tựa nhau giúp đỡ nhau để cho trong ngoài đều nổi bật giữa cõi trời thanh sắc.
Lão nói thêm:
-  Bằng vào phương pháp diễn ý khác nhau, cổ nhân chia thơ ra làm nhiều cách: Bài thơ của Hồ Xuân Hương và Lý Thái Bạch, ý tứ trong các câu liền lạc nhau từ trên xuống dưới, thuộc về LIÊN CHÂU CÁCH. Bài của Trương Thuyết tuy cũng nhất khí quán hạ như hai bài của họ Lý họ Hồ, song ý tứ của nửa dưới phân riêng ra để đáp ứng ý tứ  nửa trên, nên thuộc PHÂN ỨNG CÁCH. Bài Xuân Quạnh, ý tứ tuy nhất quán,  nhưng không liên thuộc, nên thuộc TRIỆT YÊU CÁCH. Bài Đồng Quê, nửa trên nửa dưới dường như  không liên tiếp nhau mà thật ra lại lưu thông với nhau, nên thuộc TỤC YÊU CÁCH…
Thúc Luân:
-  Sau khi được hai ông bạn khai thị, tôi nhận thấy bài Dệt Cưỉ của Lê Thánh Tông và bài Cảm Tác của vị sứ giả Việt Nam tiền bối, chưa xứng là Tuyệt Cú, vì có thể thêm và cần phải thêm bốn câu nữa mới trọn tình trọn ý.
Thường Kiến:
-  Bài Cảm Tác không thêm nữa cũng được. Chớ bài của Lê Thánh Tông, vua Tự Đức đã thêm bốn câu sau:
Chín trùng xiêm áo dầu phê phủ
Trăm họ câu đai mặc sửa sang
Trọn bức sau rồi thâu mối một
Công phu cầm bẵng giá ngàn vàng. (8)
Không hay bằng 4 câu của Tôn Thọ Tường thêm. Trong khi thêm 4 câu sau, họ Tôn có sửa đôi chữ ở 4 câu trước:
Thấy dân rét mướt chạnh lòng thương
Phải bước lên không sửa mối dường
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt
Gót son dằn đạp máy âm dương
Xuân riêng hoa liễu tơ dồn kết
Duyên hiệp rồng mây chỉ vấn vương
Dâng gấm sân chầu mong có thuở
Sánh dường Tô Huệ bức văn chương. (9)
Lão tiếp:
-  Bài Dệt Cửi của Lê Thánh Tông tuy ý tứ chưa được tròn, song không phải thất cách. Thơ Tuyệt Cú lấy hai ý làm kết, gọi là SONG VỸ CÁCH, cũng gọi là Song Hiệp Cách. Còn bài Cảm tác 2 câu trên tả cảnh 2 câu dưới tả tình, gọi là TIỀN THỰC HẬU HƯ  CÁCH, (10), cũng gọi là Song Khai Song Hiệp cách, Bài thơ Xuân Quạnh, mặc dù khai thừa liên quan với nhau, đứng trên phương diện hình thức cũng có thể gọi là SONG KHAI cách.
Thúc Luân: - Chắc còn nhiều cách khác nữa?
Thường Kiến: - Còn nhiều. Nhưng ăn có tiêu mới bổ ích. Và học thơ cũng như học kiếm, chỉ vài ba phép mà luyện cho tinh cũng đủ dùng khi hữu sự.
__________________________________________________________________
(1)   Ca dao: Mồng năm mười bốn hăm ba / Đi chơi cũng lỗ lựa là đi buôn.
(2) Bích Hán tức là sông Ngân Hán. Lấy tích một sứ giả đi lạc lên sông Ngân Hán. Bài này là lời một sứ giả. Các sách thường chép là của cụ Phan Thanh Giản làm lúc sang Pháp. Lão không tin , nên không ghi tên.
(3) Tầm Dương là bến sông Bạch Cư Dị gặp một lão kỹ rồi soạn ra Tỳ Bà Hành.
(4) Phỏng theo Thần Thoại Hy Lạp. Nàng Thơ: La Muse.
(5) Cổ nhân thường khuyên: Tập tín thơ bất như vô thơ. Ý nói đụng sách nào cũng tin thì tốt hơn là đừng đọc sách. Đây chỉ nói để mua vui.
(6) Tôn Sơn là 1 ông tú tài chót. Dưới ông tú chót tức là hỏng. Thay tiếng thi hỏng cổ nhân thường nói “ Lạc Tôn Sơn chi ngoại” hay “ Danh lạc Tôn Sơn”.
(7) Người học làm thơ Đường Luật biết rõ điều đó.
(8) Chỉ nghe truyền chớ không thấy sách
(9) Sách Văn Đàn Bảo Giám có chép, song có đôi chữ khác
(10) Những gì hiện ở trước mắt là Thực, những gì không hiển hiện trước mắt mà biết rằng có cảm thấy có là hữu tình cũng như cảnh đều có hư có thực. Song thường thường các học giả cho tình là hư, cảnh là thực.