Đôi nét cương yếu về thi học [3] [4]



3.

-  Trời Đông Chí, nắng trong nhưng gió lạnh. Hoa mận rụng đầy sân, bay đầy ngõ. Mùi hoa trong và ngọt. Sắc hoa trắng và nhẹ. Lão có cảm giác đương ngồi thưởng bạch mai nở trong tuyết lúc mặt trời lên. Cao hứng lão cất tiếng hát:
Gió hương thổi lọt hoàng bào
Kiều mai tuyết điểm động đào mây giăng
                                                                                     (Đào Tấn)
Chợt có tiếng từ ngoài đường vọng vào: - Có gì thích thú mà ngồi hát nghêu vậy?
Tiếng vừa dứt thì hai ông khách ung dung vào vườn. Một ông tóc đen râu bạc, một ông tóc bạc râu đen. Tưởng rằng khách lạ ai ngờ bạn quen: Bác Khánh Vân và bác Hoà Phong.
Khánh Vân: - Hôm nọ đi ngang qua vườn, nghe lão vườn nói chuyện thơ cùng mấy ông khách thanh niên. Dừng lại nghe trộm, nhận thấy có đôi điều chưa vừa ý, nên rủ bác Hoà Phong đến thảo luận cùng lão vườn.
-  Lão xin lĩnh giáo.
-  Tại sao lão vườn chỉ nói cùng các ông khách thanh niên về niêm luật, mà không nói rõ về bát lệnh, ngũ kỵ, tứ bất nhập cách… Như thế họ tưởng rằng Luật Thơ Đường chỉ có bấy nhiêu, lòng kỳ thị đã có sẵn của họ, không khéo vì Lão Vườn mà tăng trưởng đó chớ chẳng chơi.
-  Những khách thanh niên đó đều là người đồng hương với lão. Tất cả đều là người hiếu học cầu tiến. Đáng được dìu dắt nâng đỡ. Nhưng kinh nghiệm cho lão thấy rằng: Người mới học làm thơ thường hay sợ khó, và người muốn thưởng thức thơ, phần đông đều ghét khó. Cho nên đưa những cái khó của luật Đường ra, chẳng những không lợi cho người nghe, mà còn có hại cho người nói bởi những điều không thích nghe làm giảm hứng thú và giảm cảm tình của người nghe.
-  Lý luận như lão vườn, thì cổ nhân đặt ra những thứ đó để làm gì?
-  Cổ nhân không đặt ra những thứ đó, mà chính đã rút ra từ trong những tác phẩm lưu thế và nơi kinh nghiệm bản thân, rồi hệ thống hoá, cụ thể hoá, và đặt cho mỗi thứ  cái tên cho dễ phân biệt dễ nhớ đó thôi. Cũng như những đức tốt vốn đã sẵn có trong tâm hồn loài người, Thánh Hiền chỉ có công khai thác và giảng minh. Cũng như các thứ bệnh vốn đã có sẵn trong mình người đời, các nhà thông thái nhờ khoa học tiến bộ mới phát triển được những vi trùng vi khuẩn một cái tên cho dễ phân biệt dễ nhớ đó thôi. Những lợi những bệnh mà cổ nhân đã rút ra được, tất cả đều được giảng cứu biện minh rồi mới viết thành sách. Viết ra không phải để khoe tài khoe học, mà cốt để giúp cho những người đã biết làm thơ có thể nương vào đó mà đi đến chỗ tinh vi của nghệ thuật.
Bác Hòa Phong ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi gật đầu tỏ ý tán thành. Bác Khánh Vân hỏi vặn:
-  Như vậy đối với hàng hậu sinh cầu học, lão vườn đãi ngộ như thế nào?
Lão chợt nhớ đến câu chuyện của vua tôi người Pháp mà lão đã được đọc trong sách lúc ở trường, nên bụng bảo dạ:
-  Bác Khánh Vân hay nói nên râu bạc trước tóc. Bác Hoà Phong hay nghĩ nên tóc bạc trước râu.
Lão bật cười và đáp:
-  Mỗi khi họ đưa thơ đến Vườn, thì nhân những khuyết điểm trong thơ họ mà cho họ thấy cái bệnh mà cổ nhân đã giảng minh, và đưa những ưu điểm trong thơ của cổ nhân hoặc của thời nhân để cho họ thấy những cái lợi mà sách khuyên nên luyện tập. Phải tuỳ trình độ học vấn, trình độ nhận thức của mỗi người mà thuyết minh.
Khánh Vân cười: - Vậy từ ngày mở cửa Vườn Hoa Thơ,  chắc lão đã kết nạp được nhiều đệ tử?
-  Bác tưởng đâu tất cả những người đưa thơ đến Vườn đều là những người hiếu học cầu tiến? Họ đưa thơ đến mục đích chính là để được khen. Lắm người không được lão khen tỏ ý bất bình. Cho nên lão có câu bá cáo:
Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi
Thơ hay ai nỡ tiếc lời khen hay.
Thêm nữa lão rất sợ làm thầy, nên giúp đỡ những bạn trẻ cầu học thì lão sẵn lòng giúp đỡ, chớ nhận làm môn đệ thì lão rất e dè, bởi nếu không tác thành nổi thì rất khổ với lương tâm. Huỳnh Thạch Công chỉ có một mình Trương Lương là đệ tử. Lão vốn không phải Huỳnh Thạch Công, mà trên đời nầy không thể có Trương Lương. Cho nên trong Vườn Hoa Thơ nầy chỉ có tình bằng hữu chớ không có tình sư đệ.
-  Nhưng nếu có người tôn kính Lão Vườn làm thầy thì lão vườn tính sao?
-  Thì hết lòng với người ấy, hết lòng truyền thụ những gì mình biết mà người ấy có thể thu nhận được, và thương yêu họ như con em trong gia đình. Song đối với lương tâm lão không chịu trách nhiệm về kết quả, đắc cũng như thất. Đó cũng như những bậc kiếm hiệp lão thành đưa người có tài có tâm chí về sơn động dạy dỗ tận tình nhưng không chịu nhận lễ bái sư.
Hoà Phong vuốt râu cười:
-  Lão Vườn phòng xa! Thói phản sư xưa nay thường lắm. Cho nên đừng nhận danh vị sư để khỏi mang tiếng bị phản chớ gì?
-  Không phải thế. Không nhận danh vị Thầy chỉ vì tự biết mình không đủ tài đức để lo tròn phận vụ của một ông Thầy theo đúng ý nghĩa của chữ Thầy trong thiên luân. Mà không lo tròn phận vụ của Thầy, thì Thầy đã phản trò trước, chớ đâu đợi trò phản thầy.
-  Không nhận danh vị mà lại tận tâm lo phận vụ. Như thế đối với mình đối với người đều ổn thoả.
Khánh Vân:
-  Mở Vườn Hoa Thơ để nói chuyện văn chương chớ đâu phải để bàn đạo lý. Vậy xin hãy gác chuyện Thầy Trò lại để cho tớ hỏi đôi điều mà lâu nay chưa có dịp hỏi.
-  Những điều ấy có khó lắm chăng?
-  Khó hay không là do ở chỗ biết hay không biết.
-  Xin cho nghe.
-  Ở Âu Châu có những trường thơ, như trường Cổ Điển, trường Lãng Mạn, trường Thi Sơn, trường Tượng Trưng, trường Siêu Thực, v.v... Ở Trung Hoa có những phái thơ, như phái Duy Mỹ đời Lục Triều, phái Phục Cổ, phái Xã Hội, phái Tự Nhiên, phái Nhàn Tản, phái Biên Tái, phái Quái Đản…, đời nhà Đường; phái Tây Côn, phái Bạch Thể, phái Giang Tây tức phái Huỳnh Sơn Cốc…, đời nhà Tống; phái Thần Vận của Vương Sỹ Trinh, phái Tánh Linh của Viên Tử Tài, phái Thanh Điệu của ngày phong trào Thơ Mới nổ dậy (1932) làng Thơ cũng chia ra nhiều phái nhiều trường, như Hoài Thanh đã nói trong Thi Nhân Việt Nam. Mong lão vườn cho biết: Từ đầu thế kỷ XX trở về trước, thơ Hàn luật có chia trường phái chăng?
-  Ông bạn biết quá nhiều rồi, sao còn đi hỏi một lão già không nhìn xa quá bốn góc rào của một vườn hoa thơ bé bỏng trong một địa phương quê mùa? Toan vấn nạn chăng?
-  Không phải thế. Những cái biết kia là những cái rút trong một quyển sách biên khảo đại lược về Văn Học Trung Hoa. Đó là lập lại những điều người ta nói, chớ nào phải tự mình đã đọc thơ Âu thơ Đường thơ Tống thơ Thanh được nhiều rồi rút ra những nhận xét quí báu, hoặc đọc nhiều Văn Học Sử Âu Châu, Trung Quốc thu thập được những nét đại cương… Đó là tớ học cách loè đời của những người ít học mà ưa khoe, để loè Lão Vườn chơi cho vui đó thôi.
-  Ông bạn đã loè lão bằng sự hiểu biết của ông bạn. Để trả thù lão cũng xin loè lại ông bạn bằng sự dốt nát của lão: Lão vốn không sở trường việc khảo cứu, lại không được đọc trọn những tác phẩm của các thi nhân nổi danh của các triều đại Trần, Lê, Nguyễn. Vì vậy lão không thể nói được chắc chắn rằng trong làng thơ Hàn luật từ đời Trần đến đời Nguyễn có chia ra trường phái hay chăng.
-  Xin cho biết một cách đại khái.
Hoà Phong:
-  Việt Nam ta chưa có một quyển văn Học Sử nào đích đáng. Cũng chưa có một thi nhân văn sỹ nào ra công nghiên cứu để viết một quyển thi sử có qui mô. Bởi muốn có một tác phẩm có giá trị về biên khảo, thì trước hết phải lo sưu tầm, sắp xếp, phối kiểm... các áng dị văn, khôi phục lại những nguyên thoại. Những công việc ấy muốn thực hiện được đầy đủ cần phải có khả năng, có phương tiện, cần phải trì chí, phải chuyên tâm.. Tâm chí tài thì Việt Nam ta nhiều người có, song phương tiện thì thiếu hẳn. Không phải thiếu vì loạn lạc, mà chính vì kẻ có quyền thế thiếu thiện chí thiện tâm.
Khánh Vân: - Đã có quyền có thế rồi, còn có thiện tâm thiện chí nữa thì mang sao nổi? Nhưng thôi, đừng cầu toàn. Lão Vườn hãy cho biết đại lược về trường phái trong thơ Hàn Luật.
-  Bị bức bách thế nầy thì dù nói đại lượt đi nữa cũng không tránh khỏi sai lầm. Cho nên chỉ nói thầm với nhau nghe cho vui mà thôi…
-  Nói đi. Đừng đắp bờ con mãi, chán lắm!
-  Thơ Âu Châu, trường phái này khác với trường phái kia rõ rệt như rồng khác với phụng, phụng khác với lân, lân khác với qui. Còn trường phái của Trung Hoa khác nhau chỉ khác như phụng hoàng khác với đại bàng, đại bàng khác với khổng tước, khổng tước khác với hạc, trĩ , nga , âu… Riêng nói về trường phái Trung Quốc: Từ đời Đường trở về trước các thi hào thi bá như Kiến An Thất Tử đời TÂm Quốc, Trúc Lâm Thất Hiền đời Tấn, Đào Tiềm, Tạ Linh Vân… đời Lục Triều, Lý Thái Bạch, Đỗ Phủ , Bạch Cư Dị, Giả Đảo, Lý Thương Ẩn…….. đời Đường, mỗi nhà đều có một cốt cách một tinh thần riêng biệt. Người sau theo tính cách đặc biệt của mỗi nhà mà chia ra thi phái, chớ chính bản ý của thi nhân không nghĩ đến bỉ thử, ai theo khuynh hướng nào cứ theo, chớ không ra công tranh luận để dành phần phải. Môn hộ bắt đầu chia từ đời Tống trở về sau. Đến đời nhà Minh thì phái này phái nọ luôn luôn đánh đổ chê bai nhau thái thậm. Mỗi phái đưa ra một chủ trương đường lối, người trong phái phải theo đúng, thật chẳng khác các đảng phái Chánh trị Cách Mạng hiện thời…
Còn về Việt Nam nghe truyền có 12 văn phái:
Phái Cổ Âm của Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Phái Liễu Ngạn của Ôn Như Hầu,
Phái Thuỵ Khuê của Phan Huy Ích,
Phái Thanh Nê của Trương Đăng Quĩ,
Phái Lai Thạch của Nguyễn Huy Tự
Phái Phú Thị của Nguyễn Huy Lượng,
Phái Mộ Trạch của Võ Duy Đán
Phái Cổ Độ của Nguyễn Bá Lân,
Phái Cổ Liêu của Nguyễn Công Trứ,
Phái Tiên Điền của Nguyễn Du
Phái Chúa Trịnh
Phái Chúa Nguyễn,
Những văn phái ấy không biết do các vị thủ xướng hoặc môn đệ đặt ra, hay do người nghiên cứu văn học đặt ra. Nếu người trong phái đặt ra thì chủ trương đường hướng của mỗi phái như sao? Nếu do người khảo cứu đặt ra thì những yếu tố nào là những yếu tố căn bản để phân biệt phái nầy với phái kia? Đó là những điểm mà người đọc cần biết để “phán xét” cho được công minh. Chúng ta đây, hai ông bạn cũng như lão, không nắm được một yếu điểm nào trong tay, thì không thể bảo rằng sự phân phái kia có hợp tình hợp lý hay không.
Riêng chỗ nhận xét của lão qua những thi ca của cổ nhân còn lưu thế, thì thơ Hàn luật không có trường phái rõ rệt. Cũng như thi nhân đời Đường, mỗi nhà có một cơ trữ riêng, một xu hứng riêng, nhưng không tự phân lập môn hộ. Đó là vì thơ Quốc âm ngày xưa chưa có một địa vị cao sang trên nền văn học, người chú tâm chỉ nhắm mục đích tiêu khiển. Không mấy ai tầm sư cầu học như bên Hán Văn. Cũng như một đảng phái Chánh trị hay cách mạng, một nhà thơ muốn thành lập môn hộ phải có nhiều người hưởng ứng phụ hoạ, có nhiều người theo tôn chỉ kỷ cương của mình. Các thi hào thi bá trong làng thơ Hàn luật, vị nào có nhiều đệ tử làm hành tinh vệ tinh để tạo thành một thái dương hệ mà mình là mặt trời?
Vì vậy ngày nay, muốn rõ những thi phái của ngày xưa không phải là việc dễ. Năng lực không đủ, nên lão xin đầu hàng trước những khó khăn mà lão thấy trước quá nhiều.
Hoà Phong: - Các nhà thơ Việt Nam, về bên Hàn luật, từ đời Trần đến nay, có nhà nào theo hẳn một thi phái của Trung Hoa chăng?
-  Chưa nghiên cứu kỹ càng, lão không dám phát ngôn cẩu thả. Bác nên tìm những nhà viết văn học sử mà hỏi, may ra mới biết được phần nào.
Khánh Vân: - Thấy lão phụ trách việc giữ Vườn Hoa Thơ, tưởng lão học rộng biết nhiều. Té ra cũng chả hơn gì lũ nầy!
-  Vườn cũng có nhiều thứ Vườn. Vườn của lão giữ đây là một mảnh vườn nhỏ ở trong một địa phương quê mùa, như lão đã thưa khi nãy. Vì học ít biết ít, nên mới giữ vườn nhỏ như thế này. Chớ nếu học nhiều biết nhiều thì đã chạy chọt để được giữ công viên của những đô thị lớn trong nước. Huống nữa giữ vườn thì chỉ biết những gì ở trong phạm vi của vườn. Các bác lại hỏi những điều rộng lớn quá tầm vói của lão, thì bị thất vọng là đáng kiếp, chớ còn than van nỗi gì?
Khách cười lớn mà chia tay.


4.

Mở Vườn Hoa Thơ chỉ để cùng bạn đồng thanh nói chuyện thi ca cho vui, chớ thật tình không có ý phổ biến sở đắc hầu hướng dẫn bất kỳ ai theo chủ trương đường lối của mình. Song ngoài khách “trồng hoa thơ”, thường có nhiều em học sinh cấp Trung Học Phổ Thông đến hỏi lão về những nguyên tắc trong trường Thơ Cũ, tức thơ Đường luật, vì theo các em ở trường có dạy nhưng dạy rất sơ sài, mà tánh tò mò của các em lại thúc giục các em tìm hiểu kỹ kỹ thêm đôi chút.
Nhớ lại lúc lão còn nhỏ:
Học được một ít phép tắc làm thơ và tập tò làm được một vài bài thơ đúng niêm luật, lão quyết tâm học tập để lớn lên có thể xây dựng được sự nghiệp văn chương. Vì thiếu thầy thiếu sách, nên hễ gặp được bài thơ thì lão tìm tới để cầu xin chỉ bản cho những lẽ phải điều hay.
Một hôm lão tìm đến nhà một vị túc nho ở thôn Phú Phong quận Bình Khê tỉnh Bình Định, là chốn “nghìn năm văn vật” đối với địa phương lão sanh trưởng. Thấy lão là một cậu học trò học chữ Tây, vị túc nho có ý khinh thị. Khinh thị là phải. Bởi phần đông học trò chữ Tây lúc bấy giờ tự cho mình là văn minh, thường buông lời bất kính bất tốn đối với các nhà cựu học, coi lối cựu học là lối học hữu lâu đã làm cho nước yếu dân hèn! Chính lão là học trò chữ Tây mà thấy thái độ hống hách mất dạy của một số đông bạn bè, còn khó chịu thay, huống hồ quí cụ. Cho nên bị vị túc nho bạc đãi, lão không chút mủi lòng, và từ cử chỉ đến ngôn ngữ lão luôn luôn giữ đúng lễ phép. Nhận thấy lão không đến nỗi “cẩu bất giáo” (1), vị túc nho lần lần trở lại trạng thái ôn hoà của con nhà Trình Chu… Khi nghe lão thỉnh giáo về thơ, cụ hết sức ngạc nhiên:
-  Chữ Tây mà cũng có thơ à?
Lão thành thật trình bày những điều đã học được ở trường và xin cụ chỉ giáo thêm. Cụ đọc cho nghe bài Ký Nội của Phan Thanh Giản. Nhưng lại đọc cặp luận lên làm cặp trạng và cặp trạng xuống làm cặp luận. Không biết rằng cụ muốn trắc nghiệm sức hiểu biết của lão, lão vội thưa:
-  Về ngoại biểu thì bài thơ thất niêm, về nội dung thì trạng luận điên đảo.
Cụ vuốt râu cười thoải mái:
-  Khá đó. Không ngờ trong đám học trò chữ Tây mà lại có người biết thơ Nôm.
Lòng chân thành của lão làm vị túc nho cảm động. Cụ bèn đem những sở học của cụ truyền cho ít nhiều. Rồi nói:
-  Tôi không sở trường về Quốc âm. Thơ quốc âm cũng không thuộc được nhiều… Có thể giúp cậu học hỏi thêm nên tìm đến những ông nầy…
Đoạn cụ đọc tên và nói rõ địa chỉ.
Nhờ vậy mà mỗi kỳ nghỉ hè, lão học thêm được nhiều điều bổ ích và sưu tập được một số thơ của các danh nhân tỉnh nhà.
Trong lúc “tầm thầy học đạo”, lão gặp nhiều sự khó khăn. Có khi phải “tam cố mao lư” mà rốt cuộc chỉ được nghe giảng những điều mình đã học rồi, những điều mà sách Quốc Văn Trích Diễm của Dương Quảng Hàm nói rành mạch gấp bội. Lão nhận thấy phần nhiều học trò thi ngày xưa học thi pháp chỉ học những nét đại cương đủ để làm bài cho đúng niêm đúng luật. Riêng những người sính thơ mới tìm tòi đọc thêm những sách ngoài quyển thi Pháp Nhập Môn. Các vị này lại hay dấu nghề. Phải khéo léo lắm mới mong được nghe giảng đôi “món gia truyền”, bày cho đôi “phương bí nhiệm”.
Vì nhớ lại tình cảnh lúc nhỏ của mình, lão trải lòng đón tiếp các học sinh hiếu học đến Vườn Hoa Thơ. Nhưng không biết bắt đầu bằng những gì, nên các em hỏi đâu đáp đó, và tuỳ từng trường hợp tuỳ từng đối tượng mà nói gọn hay nói tường.
Những câu hỏi của các em, nhiều khi lão không trả lời nổi. Lắm khi không dùng được, lão trả lời một cách trừu tượng, mơ hồ. Như một hôm một em hỏi:
-  Thơ có từ thời đại nào? Người còn dã man có thơ chăng?
Lão phải dựa theo lời tựa Kinh Thi mà giải đáp:
-  Thơ gốc ở Chí. Tại tâm gọi là Chí, phát ra lời gọi là thơ. Tình động bên trong thì hiện hình ra lời nói; Lời nói không đủ thì phát ra giọng ta phán; Ta phán không đủ thì phải cất tiếng ca hát ngâm nga; Ca hát ngâm nga không đủ bèn dậm chân múa tay theo nhịp theo điệu, để nói lên cho kỳ được cái Chí của mình. Đó là lời của thánh hiền xưa để lại. Theo đó thì thơ có từ lúc con người – giống hữu tình – biết cảm xúc và biết thể hiện mối cảm xúc của mình trên lời nói. Chúng ta thường nghe thâý người Thượng ca hát nhảy múa. Như thế là người còn ở trong trạng thái man dã vẫn có thơ. Những bài ca bài hát của họ là những bài thơ không viết ra giấy.
Các em có thật thoả mãn chăng chẳng biết. Riêng lão, lão chưa thật vừa lòng, song không biết nói cách nào khác!
 Trong số học sinh thường đến thăm Vườn, có một vài thiếu nữ đã làm được đôi bài thơ nghe được. Một cô hỏi: - Thơ quí do nội dung hay do hình thức?
Lão cười: - Người con gái quí nhất ở dung nhan hay tài hạnh?
Một cô khác đáp ngay: - Ở tài hạnh.
-  Nếu một người con gái có tài có hạnh mà thiếu nhan sắc thì có được phái thanh niên để ý chăng? Còn một người dung nhan kiều diễm nhưng hạnh kiểm xấu học thức kém thì có được người đời quí trọng chăng?
-  Chúng cháu hiểu ý lão vườn: nội dung và hình thức phải tương xứng.
-  Chính thế. Thơ là một mỹ thuật, cho nên Đẹp là một yếu tố cần thiết. Đẹp chẳng những đẹp bên ngoài mà còn phải đẹp bên trong. Cái Đẹp bên trong của người con gái là Tài và Đức, và cái Đẹp bên ngoài là Dung và Ngôn. Cái Đẹp bên trong của Thơ là Ý, và cái đẹp bên ngoài là Thanh và Sắc. Ý gồm có bốn phần là TÌNH, LÝ, CẢNH, SỰ. Cho nên có thơ biểu tình, thơ lý thuyết, thơ tả cảnh, thơ tự sự. Lắm khi trong tình có lý hoặc có cảnh hoặc có sự; trong sự có tình, có cảnh, có lý… Vì vậy, ý có lúc đơn thuần, có lúc phức tạp. Thơ nhờ vậy mà phong phú. Để diễn đạt ý thơ thì phải dùng ngôn ngữ. Mà ngôn ngữ muốn có sức truyền cảm tức là dễ lọt vào tai để đi vào lòng người nghe, thì lời phải đẹp giọng phải êm. Lời đẹp tức là sắc, giọng êm tức là thanh.
-  Như vậy có phải lão vườn theo thuyết Duy Mỹ của thi nhân đời Lục Triều chăng?
-  Phải mà không phải. Vì thi nhân đời Lục Triều nhiều khi chỉ chú trọng ở vẻ đẹp hình thức. Còn lão thì lão nặng cả hình thức lẫn nội dung. Nhưng điều nầy xin gác lại để cùng quí cô bàn về Sắc mà phần đông các em học sinh chưa thấu triệt ý nghĩa.
-  Chúng cháu xin nghe.
-  Về vẻ đẹp của thơ, lão đã nói rõ trong 1 bức thư gởi cho Bàng Bá Lân. Họ Bàng đăng thư ấy trong quyển Văn Thi Sỹ Hiện Đại, tập II, và Nguyễn Tấn Long trích đăng ở bộ Thi Nhân Tiền Chiến, tập Trung. Nay lão xin  nói dưới một hình thức khác, nói theo lời dạy của cổ nhân:
Sắc gồm có 4 điểm là Đoàn Luyện, Trang Điểm, Bạch Miêu, Hình Dung. Đó là bốn tiêu chuẩn của sắc.
Đoàn Luyện là rèn dũa, tức là đúc chữ, rèn câu, sửa bài cho được tinh hảo xảo diệu. Như:
Chín tầng sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
                               (Thanh Quan)
Vàng thếp giếng ngô sa lá gió
Bạc xuy dạu cúc nảy chồi sương.
                               (Tương An)
Sầu tuôn mắt mẹ dòng thơ mật
Tình đọng môi con giọt huyết ngà
                               (C.T)
Dòng bích thề cùng thu có nguyệt
Sử xanh chép để bút còn hương
                               (Vương Tường)
Lạnh lẽo lưỡi quyên kêu dưới nguyệt
Thơm tho hồn bướm ngủ trong hoa.
                               (Khuyết danh)
Trang Điểm: Tìm những cái bên ngoài thêm vào cho câu thơ thêm hình ảnh màu sắc, tức là dụng điển cố. Như:
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng,
Trúc vàng thà điểm giọt Ngu cung.
                                         (Phạm Thái)
Biển xanh thấp thoáng hồn Tinh Vệ
Trời biếc mơ màng đá Nữ Oa.
                                         (Khuyết danh)
Biển Bắc chín tầng rồng lẫn sớm
Non Nam một đỉnh hạc về trưa.
                                         (Cựu thần nhà Lê)
Bóng mây thấp thoáng hồn Diên Hạc
Vách đá lờ mờ nét Phạm Trương.
                                         (Nguyễn Đĩnh Giác)
Thuyền mọn năm canh người Bích Hán
Địch dài một tiếng khách Tầm Dương.
                                         (Khuyết danh)
Bạch Miêu: Vẽ trên nền trắng, không dùng màu sắc, tức là vẽ thủy mặc, tức là tả sự thật với những nét đơn sơ mà đặc sắc. Như:
Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe
                                         (Yên Đỗ)
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
                                         (Yên Đỗ)
Thà không trời không đất không chi cả
Còn có non sông có lẽ nào
                                         (Sào Nam)
Đành chẳng công đâu may khỏi tội
Bao nhiêu chữ đó bấy nhiêu tâm
                                         (Sào Nam)
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biếc
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung
                                         (Tôn Thọ Tường)
Thà chịu chết trong hơn sống đục
Chết nào có sợ chết như chơi
                                         (Mai Xuân Thưởng)
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi
                                         (Hàn Mặc Tử)
Hình Dung: Tả rõ trạng thái của những gì mình muốn tả, tức là làm cách nào cho ý thơ nổi bật ở trước con mắt người đọc. Như:
Thảm lấp Phủ Câu sông một giải
Sầu giăng Long Thọ núi liền giây.
                                         (Tương An)
Kim cổ treo chung tranh thuỷ mặc
Tang thương chớp nhoáng bóng hoàng hôn
                                         (Hoàng Cảnh Tuân)
Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
                                         (Thanh Quan)
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
                                         (Thanh Quan)
Quanh tường một bức khăn là rủ
Treo nguyệt ba canh bóng quế cao.
                                         (Vương Tường)
Nắm xương dưới váng  chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười.
                                         (Hồ Xuân Hương)
Gió lọt chòi canh dao cắt ruột
Hoa thêu cữa tướng phấn dồi chân
                                         (Khuyết danh)
Đua chen trước mắt mây mờ mịt
Đày đoạ sau thân núi nặng nề
                                         (Tự Đức)
Những câu thơ lão dẫn chứng là nhớ đâu dẫn đấy. Mà lão thuộc được như thế là nhờ chúng hay, chúng đẹp, muốn quên cũng khó quên.
-  Thưa lão vườn: giữa Đoàn Luyện và Bạch Miêu, sự khác biệt dễ nhận thấy, vì một bên điêu trác, một bên tự nhiên, một bên nồng, một bên đạm. Còn giữa Trang Điểm và Hình Dung, chúng cháu thấy dường như biên giới không được rõ rệt.
-  Trang Điểm là dùng điển xưa tích cũ, mượn chữ trong ca dao tục ngữ hoặc trong thơ văn của người trước, để điểm nhiễm câu thơ của mình cho lời thêm đẹp ý thêm giàu, cũng như người thợ vẽ dùng màu sắc điêm xuyết cảnh vật trong tranh, người con gái dùng phấn son vàng ngọc tô điểm cho nhan sắc. Còn Hình Dung là mượn những vật hữu hình để cụ thể hoá những ý trừu tượng, mượn những vật này thay thế cho vật kia  để cho vật kia vật mình muốn tả được nổi bật. Trang Điểm là tô dồi cho thêm đẹp. Hình Dung là so sánh cho rõ hơn .
Một ông khách ngồi nghe, cao hứng:
-  Các cô em bảo rằng giữa Trang Điểm và Hình Dung ranh giới không mấy rõ rệt, quả đúng vậy. Hai bên cũng đều dụng công chạm trỗ câu văn để cho ý thơ thêm đậm nét. Một bên dùng cách phấn sức, một bên dùng phép tỷ giảo. Phải rành nghề mới dễ nhận thức. Nếu không, nhiều khi bị lầm lẫn lại qua.
Ví dụ câu:
Vũ trích nham hoa Thần nữ lệ
Phong xao đình trúc Bá Nha cầm (2)
Thì thử hỏi, đó là Trang Điểm hay Hình Dung?
Một cô em nhanh nhảu đáp: - Trang Điểm vì có dùng điển.
Ông khách cười: - Sai rồi! Tuy dùng những tiếng Thần Nữ, Bá Nha. Song dùng để tỷ dụ chớ không phải để điểm nhiễm. Mưa nhỏ trong khoảng hoa ngàn, trông đẹp như những giọt lệ của Thần nữ; gió thổi vào nơi sân trúc, nghe êm như tiếng đàn của Bá Nha. Đàn Bá Nha, lệ Thần Nữ chỉ dùng để làm nổi bật giọng thanh tao của tiếng gió thổi trúc, vẻ kiều diễm của giọt mưa rưới hoa.
Lão cười: - Cô em nói là Trang Điểm thì không đúng chớ không sai.
Khách cự: - Đừng chơi chữ chớ “Không đúng” khác với “sai” à?
-  Làm thơ cũng là một cách chơi chữ mà. “Không đúng” và “sai” nghĩa có dị có đồng, song đại đồng mà tiểu dị, cũng như “Hình Dung và Trang Điểm”. Lão xin hỏi ông bạn: Làm nổi bật ý thơ cách nào nếu không phải là Trang Điểm cho câu thơ và Trang Điểm câu thơ làm gì, nếu không phải để làm nổi bật ý thơ? Bởi từ và ý không thể tách rời nhau.
-  Lão vườn muốn chiếu bí mình?
-  Không phải muốn chiếu bí mà muốn làm sáng tỏ vấn đề.
Các thiếu tỏ vẻ vui mừng. Lão tiếp:
-  Hình Dung đôi khi mượn chữ có sẵn, điển thường dùng. Nhưng điển dùng trong Trang Điểm, ý nghĩa tương đồng cùng ý nghĩa tác giả muốn diễn tả. Còn điển dùng trong Hình Dung không cần đến ý nghĩa bên trong mà chỉ cần hình thức bên ngoài. Như Bá Nha không liên quan chi đến Gió, Thần Nữ không liên quan chi đến Mưa. Danh từ Thần Nữ, Bá Nha chỉ là danh từ mượn để hình dung cho sự trong trẻo đẹp đẽ, cho sự êm ái dịu dàng. Chúng đã trở thành những hình dung từ, chớ không còn là điển nữa.
Không ai phản đối. Lão nói thêm:
-  Để cho dễ hiểu, chúng ra nên tóm tắt như thế này:
Đoàn luyện: đẹp chải chuốt, bóng bẩy.
Bạch miêu: đẹp chân thật , tự nhiên.
Trang điểm: đẹp nhờ khéo dùng điển cố.
Hình dung: đẹp nhờ khéo dùng tỷ giảo.
Khách cười:
-  Nghe xuôi tai tạm được.
Các thiếu nữ:
-  Xin cho nghe về THANH.
-  Ngày xưa học về THANH có phần khó khăn hơn ngày nay. Chữ Hán chữ Nôm không có dấu như chữ Quốc Ngữ. Để biết tiếng nào là BẰNG tiếng nào là TRẮC, ông cha chúng ta phải dùng cách “đánh vần”. Ví dụ muốn biết chữ VÂN là bằng hay trắc, thì phải đánh vần: “Vần vân bằng, vẩn vẫn trắc”. Thế là chữ VẦN và chữ VÂN là tiếng bằng, còn chữ VẤN và chữ VẬN là tiếng trắc. Thế thì chữ VẨN và chữ  VẪN bằng hay trắc? Thì cũng phải đánh vần: “Vần vân bằng, vẩn vẫn trắc”. Thật phiền phức. Ngày nay nhờ có dấu, chúng ta nhìn mặt chữ có thể nhận ngay được tiếng bằng trắc: Những chữ không có dấu và có dấu huyền là tiếng bằng, còn những chữ có dấu sắc nặng hỏi ngã, đều thuộc tiếng trắc.
Những tiếng bằng tiếng trắc lại chia làm bốn thanh nữa là Bình, Thượng, Khứ, Nhập.
Để phân biệt 4 thanh này cổ nhân dùng dấu bán nguyệt vòng ở bên bốn góc chữ:
Thượng  Khứ
Bình       Nhập
Người mới nhập môn thật khó phân biệt cách làm dấu. Lại thêm 4 thanh này lại còn chia mỗi thanh ra làm hai: Phù (hay đoản) và trầm (hay trường). Cho nên việc phân biệt thanh này với thanh kia bằng việc làm dấu vòng bán nguyệt, không được minh bạch và không túc số. Ngày nay nhờ các dấu, chúng ta có thể phân biệt một cách rành mạch và dễ dàng:
Thanh BÌNH gồm những chữ không dấu và có dấu huyền
Thanh THƯỢNG gồm những chữ có dấu hỏi và dấu ngã.
Thanh KHỨ gồm những chữ có dấu sắc và dấu nặng.
Thanh NHẬP gồm những những chữ có dấu sắc và dấu nặng và mẫu âm sau cùng là chữ C, T, P.
Còn về Phù, trầm thì:
PHÙ BÌNH gồm những chữ không dấu,
TRẦM BÌNH gồm những chữ có dấu huyền.
PHÙ THƯỢNG gồm những chữ có dấu hỏi.
TRẦM THƯỢNG gồm những chữ có dấu ngã.
PHÙ KHỨ gồm những câu có dấu sắc,
TRẦM KHỨ gồm những câu có dấu nặng.
PHÙ NHẬP gồm những câu có dấu sắc,
TRẦM NHẬP gồm những câu có dấu nặng.
Phù trầm tức là Nhẹ Nặng, Nổi, Chìm.
Nhìn vào các dấu, đọc lên thành tiếng, chúng ta nhận thấy ngay nhẹ, nặng, chớ không cần phải nghĩ ngợi, cân nhắc.

Và chúng ta nhận thấy:
Những chữ thuộc tiếng Bằng đều là thanh Bình.
Những chữ  thuộc tiếng trắc gồm 3 thanh Thượng, Khứ, nhập.
Khách làng thơ lại còn chia Bình Thượng Khứ Nhập ra tiếng Thanh, tiếng trọc, tiếng ức, tiếng dương.
Vương Ngư Dương cho những tiếng Phù là THANH (trong), những tiếng Trầm là TRỌC (Đục).
Trương Tiêu Đình gọi những tiếng Bình tiếng Khứ là DƯƠNG (cao), những tiếng Thượng tiếng Nhập là Ức (thấp).
Tiếng THANH và tiếng DƯƠNG đưa vui.
Tiếng TRỌC và tiếng Ức gợi buồn.
Người làm thơ có biện biệt thanh sắc thì thơ mới đẹp đẽ, êm đềm. Thanh và sắc là hai yếu tố quan trọng để giúp cho lời đạt được ý một cách chu đáo, và cùng ý gây hương vị cho bài thơ.
Muốn tạo cho câu thơ bài thơ đầy đủ thanh sắc, chẳng những cần chọn chữ sửa câu cho ổn đáng, mà còn phải biết cấu tạo hình ảnh, phải biết điều hoà tiết điệu, tức âm nhạc. Một bài thơ, một câu thơ, càng giàu hình ảnh, giàu âm nhạc bao nhiêu, thì càng có sức truyền cảm có sức trì hứng bấy nhiêu.
Cổ nhân ra công thôi xao từ điệu là cốt tạo cho thơ được đầy đủ thanh sắc.
Nhưng chỉ có thanh có sắc mà không có ý thì vị sẽ kém. Cũng như người con gái hát hay vẻ đẹp mà thiếu đức hạnh, khiến người đời chỉ coi là một món đồ chơi dùng để làm vui tai mắt nhất trong  thời chớ không quí trọng.
Cho nên cổ nhân thường dạy: Trước khi thôi xao từ điệu, thì phải lo uẩn nhưỡng tâm tư. Tức là trước khi tập làm thơ thì phải lo sống, sống với ngoại cảnh, sống với nội tâm, tức là phải hàm dưỡng, phải huân tập…, hàm dưỡng những gì mình thu thập, huân tập những gì mình đã súc tích. Khi tâm hồn mình đã thật sung dũ, đã thật phong phú rồi mới lo điêu trác từ chương.
Các thiếu nữ ra về, ông khách trách:
-  Lão vườn nói chuyện thơ mà không nhắm đối tượng! Các nữ học sinh kia, trình độ nhận thức đã được bao lăm mà lão vườn giảng nhiều điều chỉ có bọn nhà thơ chúng ta lãnh hội được.
-  Ông bạn chớ khinh thường đám trẻ. Các cô ấy đều là tú tài bán, tú tài toàn cả đấy. Những học sinh đến thăm vườn, nam cũng như nữ, đều là các em từ đệ tứ niên trở lên. Một đôi khi có cả sinh viên nữa. Ở trường các em đã học nhiều về thơ. Những điều lão nói phần nhiều chỉ để làm sáng tỏ thêm hoặc bổ túc đôi chút những gì các em đã học được. Còn đối với những người đã rành nghề thơ như ông bạn, thì lão đâu dám múa rìu…
-  Đừng nguỵ tốn mà bị đòn chừ. Hãy cho mình biết thêm điều này mà lâu nay chưa tự minh biện được, song không biết hỏi ai. Nay nhân Lão Vườn giảng về thanh sắc nghe khá xuôi tai, thì chắc có thể cởi mở dùm những thắc mắc ấy được, nếu không nhiều thì ít, chớ không đền nỗi toàn vô.
-  Mong được “cho xem”.
-  Vương Ngư Dương chủ trương “Thần vận”, Viên Tử Tài chủ trương “Tính linh”. Triệu Chấp Tín chủ trương “Thanh điệu”, Trầm Đức Tiềm chủ trương “Cách điệu”.
Giữa Thần Vận và Tính Linh, ranh giới dễ nhận, vì một bên chú trọng từ điệu, một bên chú trọng tánh tình.
Còn giữa Cách điệu và Thanh điệu thì lấy gì để phân biệt cho rành mạch rõ ràng?
-  Họ Triệu nặng về Thanh. Họ Trầm nặng về sắc. Họ Triệu bảo thơ hay nhờ âm nhạc điều hoà. Họ Trầm cho thơ hay nhờ phép tắc nghiêm chỉnh. Họ Trầm thường nói: “Thơ quí ở tính tình, nhưng cần phải có phép tắc, nếu bối rối lộn xộn không tằng không thứ, không phải là thơ”. Như thế Trầm tuy không chủ trương Cách điệu nhưng vẫn trọng tánh linh. Cũng như họ Viên tuy chủ trương Tánh linh, nhưng vẫn không xem khinh thanh vận cách luật. Viên chê người đương thời mắc phải ba bệnh mà không tự biết:
-  Dùng điển quá nhiều, thành ra thơ đầy tử khí,
-  Thiếu uẩn súc, thành ra thơ không có chiều sâu,
-  Quá chú trọng đến thanh điệu, lấy bằng trắc mà định giá trị của thơ.
Đó là Viên chỉ trích:
-  Trang điểm thái quá.
-  Bạch miêu thái quá,
-  Đoàn luyện thái quá.
Nói một cách khác là một bài thơ hoàn toàn phải gồm đủ ba yếu tố: Tình, Hình, Thanh.
Các đại gia Văn Chương, kẻ nặng mặt nầy, kẻ nặng mặt khác, chớ thơ của họ thường thường đều gồm đủ 3 yếu tố kia.
Tánh linh thuộc về tình,
Cách luật tức phép tắc thuộc về hình.
Âm điệu thuộc về thanh.
Thử tìm sách đọc kỹ thơ của Vương Ngư Dương, Viên Tử Tài, Triệu Chấp Tín, Trầm Đức Tiềm, tuy chủ trương khác nhau, mà những bài thật hay, của các nhà ấy có bài nào thiếu yếu tố nào trên 3 yếu tố kia chăng?
Đời Thanh, sau các thi nhân Vương, Viên, Triệu, Trầm, còn một nhà nữa cũng đáng cho người học thơ noi gương là HOÀNG CẢNH NHÂN.
Họ Hoàng vừa theo thuyết tánh linh của Viên Mai vừa theo thuyết thần vận của Vương Sỹ Trinh.
Chúng ta nên bắt chước họ Hoàng để cho thơ làm ra, nội dung cũng như ngoại diện, cách luật cũng như thanh điệu, được tương y tương xứng.
Khách: - Như thế là phải. Hoa có sắc không hương, có hương không sắc, sao bằng gồm đủ sắc hương, người đủ dung, công, hạnh, mà tiếng nói ngọng nghịu khó nghe, sao bằng gồm đủ cả tứ đức.
Đưa khách ra về, lão thêm:
-  Thi học như Sông Cửu Long, chúng ta như con chuột nhắt bò bên bờ uống nước mỗi ngày…
-  Vâng chỉ uống cho đỡ khát đó thôi, chớ uống thế nào cạn được hết con sông từ Trung Hoa chảy sang Việt Nam yêu kính.
_________________________________________________________________________________
(1) Chữ các nhà nho Bình Định thường dùng để ám chỉ đám tân học thiếu lễ độ.
(2) Nghĩa là: Mưa rơi trong khoảng sườn non hoa nở trông trong trẻo đẹp đẽ như nước mắt của Thần Nữ; Gió thổi nơi sân trúc nghe êm ái thanh thoát như tiếng đàn của Bá Nha. (Xem thêm chương H: Thơ Xuân Vườn Cũ).