Trong vườn hoa thơ Bài 14-Đôi vần cũ mới của Hàn, Chế, Lan, Khê


ĐÔI VẦN CŨ MỚI của HÀN, CHẾ, LAN, KHÊ

1.

Biết rằng Lão Vườn có bốn người bạn thân mà hai đã ở bên kia thế giới và hai ở bên kia Hiền Lương, nhưng còn để lại cho lão vườn nhiều giống hoa thơm, hai nhà thơ trẻ đất Đồ Bàn tìm đến vườn hoa thơ, xin cho được thưởng thức.
Bốn người bạn thân đó là:
-      Hàn Mặc Tử
-      Bích Khê
-      Chế Lan Viên
-      Yến Lan.
Hai nhà thơ trẻ đó là:
-      Nguyễn Hoài ở Bình Khê
-      Vũ Phan ở Tuy Phước
Đã là bạn cùng mang một nghiệp dĩ, nghiệp thơ, lại là bạn đồng hương Bình Định, lão tiếp đón tận tình, và cho biết:
-      Di cảo của Hàn Mặc Tử và Bích Khê đã bị tiêu huỷ vì binh lửa. Tập Điêu TànSao Vàng của Chế Lan Viên đã xuất bản rồi, hai bạn chắc đã được đọc. Còn Yến Lan trước khi đi tập kết ra Bắc có gởi lại cho lão hai tập thơ “Xa Xanh” “ Kết Giao” và hai vở kịch “Bóng Giai Nhân”, “Gái Trử  La”. Trước khi vào tìm lão, chắc hai ông bạn đã định tìm biết những gì về bốn nhà thơ kia rồi. Vậy xin tuỳ tiện…
Vũ Phan:
-      Bàn Thành Tứ Hữu gồm có Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Lão Vườn. Như vậy Bích Khê đứng ngoài ?
-      Bích Khê là người Cẩm Thành (Quảng Ngãi) cho nên đứng ngoài là lẽ tất nhiên. Nếu nhận Bích Khê vào nhóm thì nếu là bạn võ thì gọi là Ngũ Hổ thật tuyệt! Nhưng trên hình thức thì Khê đứng ngoài, mà trong tâm tình thì chúng tôi là một khối duy nhất và đồng nhất. Và tuy rằng ở trong một nhóm với nhau, một khối với nhau, nhưng mỗi người có mỗi cốt cách riêng, mỗi sắc thái riêng. Có thể gọi là Hoà nhi bất đồng.
Nguyễn Hoài:
-      Nghe nói Hàn Mặc Tử có một tập thơ Đường luật gồm trên dưới trăm thiên. Trong tập chắc có nhiều giai tác?
-      Tập thơ đó tác giả lấy tên là Lệ Thanh Thi Tập. Lão có trong tủ sách gia đình. Theo ý lão thì giá trị tập này không sánh kịp các tập Thơ Mới của Tử. Trong tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử xuất bản thời Tiền Chiến và tái bản thời Hậu Chiến, lão có trích 1 số bài xuất sắc nhất đem vào tập. Chắc các bạn đã đọc rồi. Nhân đây lão muốn cùng các bạn bàn những vấn đề khác về Tử.
Nguyễn Hoài:
-      Hàn Mặc Tử bỏ thơ Đường Luật sang Thơ Mới có phải vì nhận thấy luật thơ Đường quá bó buộc không thể phát triển được tài năng của mình chăng?
-      Ở ngoài đời bất kỳ gì gì, hễ đã quen rồi thì không còn thấy khó khăn, không còn thấy bó buộc. Tuy vậy, khuôn khổ bên ngoài có thích hợp với tánh chất bên trong thì tinh ba mới phát triển đúng mức. Thể thơ Đường luật chỉ thích hợp với những tâm hồn đã được tiết chế, những tâm hồn tịnh. Nếu nằm mãi trong khuôn khổ thơ Đường thì một là khuôn khổ phải rạn nứt, đổ vỡ, hai là tâm hồn bị khô héo dần, mặc dù không thấy khó chịu vì đã quen tay. Hàn Mặc Tử sử dụng thể Đường luật một cách dễ dàng. Đến những cách tiểu xảo của các thi công bày ra để đua tài đấu sức mua vui, Tử cũng xem thường…
Nghe đến đây, hai ông bạn trẻ đều đưa mắt nhìn lão. Lão biết rằng hai ông bạn ngờ rằng lão đề cao Hàn Mặc Tử. Lão thản nhiên tiếp:
-      Có một lần lão viết bài thơ nói về vua Tự Đức, và khen bài thơ Vô Đề của nhà vua đọc được sáu cách là rất mực tài tình. Tử viết thư vào nói: “Ai làm chẳng được mà khen”. Lão bảo Tử làm thử. Tử gởi ngay vào hai bài: Cửa sổ Đêm khuya, và Đi Thuyền.

Bài ĐI THUYỀN thua bài CỬA SỔ ĐÊM KHUYA:
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nợ vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hoa đàn sẵn có dế bên tường.
Sáu cách đọc là:
-      Đọc xuôi,
-      Đọc ngược,
-      Bỏ hai chữ sau đọc xuôi,
-      Bỏ hai chữ sau đọc ngược,
-      Bỏ hai chữ trước đọc xuôi,
-      Bỏ hai chữ trước đọc ngược.
Nghe đọc xong sáu cách, hai ông bạn đều tán thán.
-      Về thơ Đường luật, Tử làm đủ lối: Thủ vỹ ngâm, Thuận nghịch độc, Song thanh, Song điệp… lối nào cũng luận. Nhưng tất cả đều là thơ "Mua vui” thơ “phòng khách”, không đủ sức chịu đựng với nắng mưa. (1)

Vũ Phan: - Về Đường luật Bích Khê có sánh nổi Hàn Mặc Tử, trước khi bước sang làng Thơ Mới?
-      Bích Khê đã có hàng trăm bài thơ Đường luật. Hàn Mặc Tử thì được Phan Sào Nam khen ngợi. Bích Khê thì được Huỳnh Minh Viên khen ngợi. Nếu hai ông bạn thấy vậy mà tự cao tự mãn, không bỏ làng để dấn bước giang hồ, thì làm sao có được những sự nghiệp lớn lao rực rỡ. Ra cõi ngoài “thấy làm ăn phát tài", Tử thường rủ lão ly hương. Song lão vốn nhát gan, không dám xông pha sóng gió, nên đành cam phận “Giữ gốc tre làng”. Trái lại Bích Khê dặn lão đừng bày cao hứng bỏ nhà mà đi và cũng đừng lén bán ruộng hương hoả để cho tình nhân Thơ Mới mà bị kiện ở tù mục xương.
Nguyễn Hoài: - Bích Khê phải.
-      Lão cũng không dám cho Tử là trái. Song dù Khê có “trái” như Tử, lão cũng ù lì như các nhà chánh trị xôi thịt. Lão là một con trâu già  "đánh không đi dò không đứng”, ưng tự mình kiềm chế lấy mình. Việc làm thơ cũng như việc ở đời. Chỉ thực hiện những gì mình muốn, mình thích, miễn sao những gì đó, xét kỹ, không thiệt hại đến người. Được khen thì mừng, bị chê không giận.
Vũ Phan: - Đó là khí tiết của nhà Nho.
-      Không biết có phải chăng. Nhưng người đời gọi là ngông, là gàn, là lập dị… Gì gì cũng được hết, miễn mình là mình, và thơ mình cũng là mình, tức là chỉ giống mình chớ không giống người khác. Nhìn con mình giống mình chớ không giống ông hàng xóm, đó là cái thú của người làm cha. Làm thơ cũng thế.
Nguyễn Hoài: - Chắc cũng như Hàn Mặc Tử, thơ Đường luật của Bích Khê không có giá trị bằng Thơ Mới?
-      Đúng vậy. Và cũng như Hàn Mặc Tử, thơ Đường luật của Bích Khê, sau khi Khê đã qua làng Thơ Mới rồi, xuất sắc hơn trước nhiều lắm. Trước kia, thơ Khê chịu ảnh hưởng cụ Phan cụ Huỳnh, nên khô khan. Khô khan hơn thơ Hàn Mặc Tử nhiều. Hình thức cũng như nội dung, thơ Khê gì như ông lão bảy mươi. Vì vậy lão không nhớ được câu nào cả, mặc dầu có nhiều bài đã đọc trên một lần. Đó là nói về số thơ làm khi trước. Chớ sau này, khi đã xa vườn thơ Tiếng Dân của cụ Huỳnh để đi theo tiếng gọi của Nàng Thơ Mới, thì thơ đường luật của Khê có lắm bài mới từ hình thức lẫn nội dung. Như bài sau đây là một: (2)

MỘNG TRONG HƯƠNG
Nửa cánh giang hồ bạc nhớ thương,
Đêm nay buồn lắm! gục bên giường.
Ngoài ly Lý Bạch trời như mộng,
Trong khói phù dung mộng có hương.
Thì mộng: Xuân Hương nường đã đến,
Thưa cô, dáng nguyệt tuyết còn vương.
Tỉnh ra lại thấy mình trong mộng:
Nửa mảnh trăng treo một mặt buồn.

Khi còn ở trong làng Thơ Cũ, thơ Khê có phần cũ hơn thơ Tử. Nhưng khi đã nhập tịch làng Thơ Mới, thơ luật của Khê lại trở mới hơn thơ luật của Tử.
Sau đây là một bài thơ luật Tử làm lúc đã nổi tiếng về Thơ Mới:

BUỒN THU
Ấp úng không ra được nửa lời
Tình thu bi thiết lắm thu ơi
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi
Nằm gắng đã không thành mộng được
Ngâm tràn cho đỡ chút nuồn thôi
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt
Cảnh sắp về đông mắt lệ vơi.

Bài này hơn những bài trước kia ở tình tứ và âm điệu. Về phép tắc của luật Đường vẫn giữ y nguyên. Đây là một bài thơ hay. Song không có những nét độc đáo. Độc giả có thể lầm với thơ Tản Đà, thơ Đoàn Như Khuê… Chớ bài Mộng Trong Hương của Bích Khê có một vẻ riêng biệt. Trong số thơ  Đường luật được truyền tụng từ xưa đến nay, không có bài nào, cả thơ Hồ Xuân Hương, có thái độ nghênh ngang như thế cả.

Nguyễn Hoài: - Lâu nay nhiều người đã phê bình thơ Bích Khê và Hàn Mặc Tử, nhưng các phê bình gia thường chỉ đề cập đến Thơ Mới chớ ít nói đến thơ Đường luật.
-      Bởi vì một là thơ Đường luật của hai nhà chưa được phổ biến rộng rãi, bài là chân tài và chân tướng của hai nhà biểu lộ rõ rệt nơi Thơ Mới. Thơ Đường luật của Tử cũng như của Khê, sau này chỉ còn có giá trị về Thơ Mới mới là gương phản chiếu trung thành tâm hồn của Tử và Khê . Thơ Đường luật chỉ là những dấu chân trên đường nghệ thuật lúc mới khởi hành.

Vũ Phan: - Chế Lan Viên và Yến Lan có làm thơ Đường luật chăng?
-      Đó là hai nhà Thơ Mới hoàn toàn mới. Cả hai đều rành qui tắc thơ Đường luật, nhưng không giờ làm thử. Bởi làm thơ đối với Viên cũng như đối với Lan, nhất là Viên, không phải là việc mua vui. Chỉ làm thơ lúc nào cần. Đó là chủ trương của nhóm anh em lão.

Nguyễn Hoài: - Như thế không bao giờ dùng văn chương để tiêu khiển?
-      Bởi làm thơ đối với Viên cũng như đối với Lan, nhất là Viên, không phải là việc mua vui. Chỉ làm thơ lúc nào cần. Đó là chủ trương của nhóm anh em lão.
Nguyễn Hoài: - Như thế không bao giờ dùng văn chương để tiêu khiển?
-      Không phải tuyệt đối như thế. Thỉnh thoảng cũng có “ phạm cấm”, song kết quả của những cuộc mua vui kia, chúng tôi không gọi là Thơ. Cho nên nhiều khi không ghi chép lại. Nói thì có hơi tục và sẽ bị các nhà đạo đức mắng rằng đã già còn mang họ của Ngọc Chân, chớ mượn thơ để tiêu khiển, thật chẳng khác đi chơi hoang. Một đôi khi vì sung sức, sanh ra những đứa con thông minh tuấn nhã. Những đứa con như thế, vì không có giấy khai sinh, thường bị kẻ khác nhận làm con thừa tự. Yến Lan đã gặp phải trường hợp ấy.
Hai ông bạn nhìn lão với vẻ ngạc nhiên. Lão tiếp:
-      Thời Pháp Thuộc, lão không nhớ năm nào, Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can vào Huế diễn kịch. Gặp Yến Lan, Bính rủ Lan cùng chung soạn vở kịch Bóng Giai Nhân để diễn. Yến Lan bằng lòng. Nhân lúc cao hứng, Yến Lan dành làm việc một mình. Nguyễn Bính rảnh tay, đi tìm thú vui trong rượu ngon và sắc đẹp. Vở kịch xong, Yến Lan giao cho Nguyễn Bính, rồi trở về Bình Định, với 1 bản phó đánh máy. Từ ấy vở kịch được diễn đi diễn lại nhiều lần ở các thành thị lớn, Huế, Hà Nội, Sài Gòn… Nhưng Yến Lan không được hưởng gì hết, cả vật chất lẫn tinh thần. Vì tiền thu chỉ đủ cho Nguyễn Bính và Trọng Can tiêu, và ai cũng tưởng soạn vở kịch chắc mình Nguyễn Bính. Nghe đâu, lão chỉ nghe chớ chưa thấy, vở kịch Bóng Giai Nhân đã xuất bản với tên tác giả là Nguyễn Bính, và gần đây viết về Nguyễn Bính, nhiều người cũng bảo Nguyễn Bính là tác giả Bóng Giai Nhân.
Vũ Phan: - Lão Vườn biết rõ sự việc, sao lại làm thinh?
-      Ai hỏi mà nói, và nói ra chắc chi người ta đã tin.
Nguyễn Hoài: - Không biết Yến Lan có rõ tình trạng kia chăng?
-      Cũng như  lão, Yến Lan sống thui thủi trong nơi tịnh vắng, làm gì biết được những gì xảy ra trong những nơi đô hội xa xôi. Mà nếu có biết e Lan cũng chả quan tâm. Vì sự nghiệp văn chương của mình đâu phải chỉ có một vở kịch viết để mua vui trong chốc lát. Đứa con hoang làm nên danh phận, nếu biết được ai là cha đẻ mà tìm về càng tốt, không biết cứ nhận cha nuôi là cha đẻ mà cũng không hề gì. Lan vốn là người khoáng đạt. Đó là đối với tác giả. Còn đối với tác phẩm, thì ai biết mà bảo Tần Thuỷ Hoàng là con Lữ Bất Vi cũng được, ai không biết bảo là con Dị Nhân cũng được: Tần Thuỷ Hoàng vẫn ngồi trên ngôi báu của nước Tần.

Vũ Phan: - Vở kịch Bóng Giai Nhân có đặc sắc chăng?
-   Vốn không sở trường về kịch nên lão không dám lên quá đôi giày của lão. Lão chỉ nhấn mạnh cho quí bạn biết rằng bản thảo mà lão hiện có trong tủ sách gia đình là bản Yến Lan đã mang từ Huế về, giấy đã vàng, bìa đã rách. Lão muốn giữ nguyên hình để làm kỷ niệm nên không đóng bìa lại. Trước kia lão có đọc qua một lần. Gần đây có lần muốn lấy ra xem lại, nhưng thấy giấy đã bở quá, sợ rủi mạnh tay rách, nên thôi. Đó là nguyên nhân thứ hai khiến lão không phát biểu ý kiến về vở kịch để thoả mãn lời yêu cầu của bạn viễn phương lai.
Nguyễn Hoài: - Thơ của Yến Lan chưa xuất bản thành tập, nên ít người biết. Sao lão vườn không đem chưng bày ra Vườn Hoa Thơ để mọi người được thưởng thức?
-   Mở Vườn Hoa Thơ là để giới thiệu những giai tác của bạn bốn phương gởi đến, chớ đâu phải để phổ biến sản phẩm của nhà. Những tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bích Khê giao cho lão, lão coi như của nhà. Chỉ khi nào túng thiếu quá mới dùng đến mà thôi. Lão phải dè dặt, vì đã mang tiếng rằng hay đề cao bạn bè.
Vũ Phan: - Lão Vườn dè dặt như thế, kể cũng thiệt thòi cho độc giả. Sao không đem những tác phẩm kia ra làm của chung cho toàn thể đồng bào, bằng cách xuất bản cả tập?
-   Lão thì nghèo. Còn tìm đến các nhà xuất bản thì lão không đủ can đảm. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Để khỏi mang tiếng ích kỷ, lão sẵn sàng trình cho khách yêu thơ tìm đến Vườn Hoa Thơ.
Hai ông bạn đồng thanh: - Xin lão vườn cho thưởng thức.
-  Thơ trong tập ĐIÊU TÀN của Chế Lan Viên, không ai còn lạ. Thơ trong BẾN MY LĂNG của Yến Lan tuy chưa xuất bản nhưng một số đã được phổ biến trên các sách báo. Lão xin “đãi” hai ông bạn một ít bài mới soạn trong thời toàn dân vùng dậy chống thực dân dành độc lập cho nước nhà:

                                                  BỪNG NGỌN ĐỎ
Tràn đêm rã rích cơn mưa
Nghìn năm buốt lạnh chưa vừa suối than
Mênh mông trời đất mênh mang
Tiếng kêu nát đá phai vàng, u minh
Ngồi lên ta đốt tâm tình
Hơ đôi tay, sẽ vin nhành xuân sau
Hân hoan hoa gió đón chào
Chói chang mắt ngọc mưa nào khuất che
Lửa dù tắt bóng dù đi
Thiên thu tâm sự còn ghi sắc trời
Lửa to sáng với mưa dài
Hoa vui nở ngọn, tiếng Người vây quanh.

Bài này CHẾ LAN VIÊN chép gởi cho lão tháng 9 năm 1948.
Thời Đệ Nhất Cộng Hoà có một vài tờ tạp chí ở Miền Nam Việt Nam lục đăng bài Bừng Ngọn Đỏ. Một người bạn trích gởi tặng lão. Trong bài ông bạn gởi đến, thấy có một số chữ  khác với bài tự tay tác giả chép:
Câu thứ nhất : Tàn đêm…
Câu thứ 4      : Nghe như đá nát……
Câu thứ 6      : Hơ đôi tay lạnh……
Câu thứ 7      : Tuổi vui hoa gió…..
Câu thứ 11    : Lửa to cháy giữa đêm dài…….
Câu thứ 12    : Hoa vui đỏ ngọn…..
Những chữ dị thù đó đều có nghĩa. Không biết là tác giả đã sửa lại như thế hay là người sao lục có máu Vương Kinh công.

Nguyễn Hoài: - Thanh điệu nghe thật du dương, song tôi không nhận thức được chủ ý của tác giả.
-      Tác giả cho lão biết: “Bài thơ làm riêng cho mình, nói sự buồn nản về vũ trụ đã đi qua, sự tin tưởng ở con Người, ở Lửa Nhân Loại đã trở lại”.
Vũ Phan: - Thơ Chế Lan Viên vừa đẹp vừa sâu. Hiểu cho thấu đáo không phải là việc dễ. Nhiều người liệt thơ Chế Lan Viên vào loại thơ bí hiểm, bí hiểm vì người đọc không đủ trình độ học thức trình độ nhận thức để nhìn thấy những tình ý mầu nhiệm thâm viễn ở trong thơ.
-      Chính thế. Núi quá cao, mình không đủ sức lên đến để thu thập những trầm kỳ ngà ngọc đầy nhẫy hang thẳm rừng sâu trên đỉnh, nên nhiều khi tức mình rủa núi là bí hiểm, làm như núi tự tạo ra bí hiểm để làm khó dễ người đời mà chơi! Người đời thường chỉ thích những cái dễ. Những nhà thơ có tài lại ghét cái dễ. Cho nên những nhà thơ đại tài thường được người đời kính nhi viễn chi.
Nguyễn Hoài: - Nhưng Chế Lan Viên rất nổi tiếng.
-      Nổi tiếng là một việc, còn được người đời ưa thích là một việc. Chế Lan Viên nổi tiếng vì tuổi trẻ mà tài cao, nổi tiếng vì tập ĐIÊU TÀN là một ngọn tháp Chàm đứng chon von trên ngọn đồi vừa cao vừa quạnh quẽ. Chớ đã mấy ai thường lên chơi trên ngọn tháp kia, mấy ai đã thuộc nhiều thơ của Chế ?
Vũ Phan: - Thời Kháng Chiến Chống Pháp, tôi được nghe một bài thơ của Chế Lan Viên mới sáng tác. Tôi còn nhớ được hai câu mà tôi thích nhất: Nghe tiếng gà kêu hoa cỏ mới
/ Chếch con trăng cũ nhớ thương tà. Chắc Lão Vườn có bài ấy?
Mấy lâu nay Lão có chỗ thắc mắc về bài này, muốn nói nhưng không biết nói với ai. Được họ Vũ hỏi đến, thật là gãi nhằm chỗ ngứa. Lão nói: - Bài đó như thế này:

                     MAI
Hôm nay bụi phấn ta còn đây
Mai đã về chơi trong khoảng biếc
Chén xuân có rót hãy dâng đầy
Đó ngọc lòng ra đương gặp tiết

Mai neo thuyền lạ bến sông xa
Nghe tiếng gà kêu hoa thảo mới
Chếch con trăng cũ nhớ thương tà
Ao đỏ lòng ta vừa gặp hội

Trao nhau tên tuổi hẹn ngày mai
Tiếng hát hồi sinh bủa rạng trời
Qua chơi gặp đóa lòng ta nở
Cúi hái lòng ta giữa độ cười.

Bên cạnh bài này còn có 1 bài nữa:
                     LẠI
Nếp áo tiền thân vừa hút mắt
Tiếng gà lai kiếp cách ngàn sao
Ta nằm ở giữa cân trời đất
Khối ngọc chưa nghiêng một hướng nào

Thâm khuê ý thức chong đèn hạnh
Mặt nguyệt tâm tư tròn vẹn gương
Chiếc én thành son chưa đẩy cánh
Nét đau xanh liễu chửa buông tường

Em đến rủ ta vào cuộc sắc
Nghe em ta hái cụm hoa ngời
Nhớ thương từ ấy sông xanh mắt
Đỏ nụ lòng ta chói ánh vui

Đẩy tiếp xe son quá bụi hồng
Con roi hư ảo: dặm đường không
Ta khêu đĩa bấc trần tâm lại
Chim bướm phiền hoa lại nối vòng

Mé rừng quạ khuất nắng hư vàng
Trên bến gà kêu sao rụng ngọc
Om mặt nghìn năm ta lại khóc
Bến xưa rừng cũ thấy thời gian.
Hai bài này lão nhận được một năm với bài Bừng Ngọn Đỏ (1948). Lúc ấy Chế ở Liên Khu IV, lão ở Liên Khu V.

Năm 1967, một ông bạn đồng châu họ Trương, nhân về Bình Định lục được một bài thơ chép tay của Chế Lan Viên, liền sao lại gởi tặng lão. Bài ấy nhan đề là “Mưa xưa tiếng khóc, vàng mai trận cười”, gồm có 4 câu đề minh (épigraphe) và bốn đoạn, mỗi đoạn 4 câu.
Bước đi nhân thế, hoa còn mọc
        Lối đỏ, vườn xuân còn ngậm hương
  Đã quá mùa đau phai tiếng khóc
     Ao xuân em hãy xuống thăm vườn.
Còn bốn đoạn thì 2 đoạn đầu giống đoạn 1 và đoạn 3 trong bài LẠI, hai đoạn sau lại giống đoạn 2 và đoạn 3 trong bài MAI.

Trong bài “Mưa xưa tiếng khóc..” có đôi chữ khác:
-      Ta nằm chính giữa cân trời đất
-      Để nụ lòng ta ngụm ánh vui
-      Tìm đến gà kêu sao rụng ngọc
-      Chếch con trăng cũ tháng năm
-      Cúi hái lòng ta giữa tro cười.

Họ Trương cho biết rằng “bài thơ chép đúng theo thủ bút của tác giả: đoạn đầu (épigraphe) chữ nghiêng, các đoạn sau chữ đứng. Toàn bài được phân đoạn bằng 1 dấu tréo (croix). Đoạn 2 – 3 không có dấu tréo. Bài thơ được mang tên THẠCH HÃN”.
Khi ở Liên khu IV, Chế Lan Viên, viết bài đăng báo thường ký tên THẠCH HÃN. Đó là tên 1 con sông của Quảng Trị, chánh quán của Chế Lan Viên.

Mấy năm nay không gặp họ Trương để đưa bài thơ của Chế chép gởi lão, cho xem thử nét chữ có giống nét chữ trong bản chính bài “ Mưa xưa..” chăng. Và vì cách biệt Chế đã trên 20 năm nay rồi, nên không hiểu tại sao lại có cảnh “Đầu Lại đuôi Mai” như thế ấy. Bây giờ, để tìm hưởng cái hay cái đẹp của Thơ, chúng ta dùng bản chép tay của Chế gởi cho lão, làm bản chánh thức.

Nguyễn Hoài: - Thơ cũng như văn thời Kháng Chiến Chống Pháp, hầu hết đều dùng ngôn ngữ của thời đại, đều mang tư tưởng của thời đại, không nhiều thì ít. Làm gì cũng có những là “ăn gan uống máu quân thù”, “ Ơn Bác, ơn Đảng”,  "Kinh tế quyết định”, “Duy vật, duy tâm”… Trong hai bài thơ của Chế Lan Viên không hề tìm thấy mảy may dấu tích của thời đại.
Vũ Phan: - Chẳng những trong thơ Chế Lan Viên mà thôi, trong thơ của Yến Lan, ngấn vết thời đại cũng không có. Tôi xin đưa ra một bài trong số thơ Yến Lan tôi đã sưu tầm được trong mấy năm nay:
KẾT GIAO

Bốn bề cây phủ lá che
Thuyền tâm tư đậu trong khe Tịnh Bình
Dòng mây né gợn phù sinh
Lòng nôi mát dợi tay tình gió ru
Cô đơn chiếc én qua mù
Lênh đênh khói núi, biếc hồ mong manh.
Nghìn năm mộng trái sang cành
Gió đừng nhịp võng nghiêng xanh cây chào
Ghé nhìn quảng trống lao xao
Vươn tay vẹt lá kết giao bên ngoài.
Chưa xuân bỗng ấm đôi hài
Cỏ sương đường bụi cũng dài tâm tư.


GIÓ TRĂNG LỐI CŨ BÂY GIỜ CHIÊM BAO

Trăng biệt hồn hoa, hoa rụng nuối,
Vườn xuân mở lối đón hài tin.
Nhịp cầu tâm sự soi dòng suối
Nhẹ tiếp cành Thơ nhuỵ thắm vin.

Xe hoa hư ảnh khuất bên tường
Chở lại tiền thân nét phấn hương
Men rượu quan hà, sương kỷ nữ
Thôi còn hoen ố nụ văn chương.

Ngập ngừng bánh xe sao lặn mọc
Vệt mây thiên cổ tan niềm khóc
Đất trời cởi mở áo sơ khai
Non nước hết buông lời cô độc.

Cách quảng tường đêm khắc khoải qua
Thiên nhiên biếc đọng góc hương hoà
Chiêm bao lẩn quất ngoài trăng gió
Nhạc sống bồng lên lấp tiếng gà.

Cũng như thơ Chế Lan Viên, thơ Yến Lan là thơ Tượng Trưng, ý thì sâu sắc, lời thì bóng bẩy. Thời Kháng Chiến Chống Pháp, các nhà thơ hầu hết đều theo phong trào cách mạng, hướng về văn chương bình dân, văn chương đại chúng. Và tác phẩm của thời bấy giờ đều thiên về tuyên truyền, thường ra đời để phục vụ giai đoạn. Những bài như trên rất hiếm. Lão Vườn có biết hai bài Kết Giao và Gió Trăng Lối Cũ sản xuất vào giai đoạn nào ?
Để khỏi sai lầm, lão phải mở tủ tìm bản thảo:
-      Hai bài đó nằm trong tập KẾT GIAO, Yến Lan soạn trong năm 1949. Từ 1949 trở về trước, cán bộ văn hoá của Chánh Quyền mới ra công hướng dẫn các văn thi sỹ theo đường hướng của Chánh Quyền. Chủ Trương còn hoà hoãn. Cho nên những bài như trên còn được phổ biến, còn được hoan nghênh. Từ 1950 trở về sau thì văn hoá bị chỉ huy. Các văn thi sỹ nếu muốn có tác phẩm lưu hành thì phải theo đúng đường lối của cán bộ lãng đạo đã vạch sẵn. Bằng không thì bị coi là phản tuyên truyền, phản cách mạng. Do đó những thơ thuộc phái lãng mạn, tượng trưng, siêu thực.. thời Tiền Chiến, không còn thấy sản xuất.

Để đáp lời ông bạn Nguyễn Hoài, lão nói thêm:
-      Mỗi thời có một hoàn cảnh riêng, người mỗi thời cũng có những ý tưởng những cảm xúc riêng. Cho nên phải có dụng ngữ riêng để phản ánh cho đúng hoàn cảnh, để diễn đạt cho đúng ý tưởng cảm xúc của thời nhân. Lẽ tất nhiên phải thế. Chỉ trách những bọn văn nô thi nô, để mua lòng người trên, đã làm thái quá đó thôi. Còn về ảnh hưởng của thời đại thì không có ai có thể tránh khỏi. Chỉ có mức độ ảnh hưởng, dấu tích ảnh hưởng, nhiều hay ít, rõ hay mờ, sâu hay cạn.. mà thôi. Nhìn kỹ vào những bài thơ của Yến Lan của Chế Lan Viên đó, chúng ta vẫn nhận thấy sự chuyển hướng của hai nhà. Nếu hai bạn đem những tác phẩm sản xuất thời Tiền Chiến ra đọc lại, thì sẽ nhận thấy sự thay đổi một cách rõ ràng. Nhưng chúng ta hãy nhượng công việc ấy cho các nhà khảo cứu, các nhà viết văn học sử. Chúng ta là những con ong dạo Vườn Hoa Thơ, thì nên lo tìm hưởng những hương thơm mật ngọt chứa đựng nơi “nhuỵ chữ, đài câu”.

Vũ Phan: - Phần lớn tác phẩm của bốn nhà thơ Hàn, Chế, Khê, Lan, đều nằm trong tay Lão Vườn. Vậy lão vườn có định viết về bốn nhà đó chăng?
-      Về Hàn Mặc Tử và Bích Khê, lão đã viết rồi. Còn Chế Lan Viên và Yến Lan, lão đương viết. Nhưng lão viết theo lối hồi ký, tuỳ bút.., và thi ca chỉ trích dẫn một số ít mà thôi. Những tác phẩm đầy đủ của các bạn phải chờ thiện duyên. Thơ của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan , Bích Khê là những kho tàng châu báu. Muốn khai thác phải có những kỹ sư văn học đại tài. Chúng ta đây, hai bạn cũng như lão, nên làm ong hút mật cho sướng.



2.

Năm 1948 ở Huế có một nhóm anh em tổ chức cầu cơ. Đêm 8 tháng 5, Hàn Mặc Tử nhập cơ và tặng cho anh em bài:
TIÊU CẦU

Ô! Đêm nay trời trong như gương
Không làn mây vương, không hơi sương.
Tơ trăng buông rèm trên muôn cành,
Tơ trăng vàng run như âm thanh.
Từ đâu tơ sầu reo vi vu,
Buồn như làn mây chiều mùa thu,
Êm như giòng tơ trên vai nường,
Mong manh như là lời yêu đương.
Tiễn đưa tôi bay lên cung trăng!
Tôi phiêu diêu cùng ngàn sao băng.
A ha ! lòng tôi như trăng là trăng!
A ha ! trăng tràn đầy châu thân!
Cung thiềm đây rồi hương ngây ngây.
Ồ! bằng trân châu hay quỳnh dao?
Mà mớm cho tôi bao tình say,
Mà tôi mút bao giòng ngọt ngào.
Nghê thường lên khơi nường Hằng ra,
Hương trầm bâng khuâng quyện mình hoa.
Nhịp nhàng nường đi theo nhịp đàn,
Am thanh lên cao nhạc hường ran.
Tôi lại gần bên, ồ! lạ thường!
Nường Trăng, ồ! chính là Thương Thương!
Người tôi rung động như âm thanh,
Môi không ngừng dưới đôi tay xinh.
Hoảng hốt tôi ôm chầm lấy nường..
Than ôi! Nường đã biến ra sương!
Tôi ôm chầm phải tiếng tiêu sầu
Vi vu reo buồn trong đêm thâu.

Đến đêm 16, Phi Yến lại ứng vào cơ và cải chính dùm cho Hàn Mặc Tử  mấy chữ sai:
-      Trong câu 19, sửa chữ BƯỚC thay chữ ĐI (nhịp nhàng nường bước theo nhịp đàn).
-      Trong câu 25 và 27, sửa chữ CHOÀNG thay vào chữ CHẦM (Hoảng hốt tôi ôm choàng lấy nường. Tôi ôm choàng phải...)
-      Trong câu 26, sửa chữ TRỜI ƠI thay vào chữ Than ôi (Trời ơi! Nường đã biến ra sương).
Phi Yến còn nói thêm rằng đó là “Khối tình mang xuống thuyền dài chưa tan” của Hàn Mặc Tử.

Nhiều người tin sự linh ứng của việc cầu cơ. Nhưng cũng lắm người không tin.
Lúc các bạn cầu cơ đó thì lão tản cư ở Liên Khu V. Năm 1955, nghe tin lão hồi cư về Nha Trang, một bạn thanh niên viết thư kể cho lão nghe sự việc, chép cho lão xem bài thơ, và hỏi lão đã từng nghe hoặc thấy bài Tiêu Sầu chưa.
Nhưng di cảo của Hàn Mặc Tử đã bị thất lạc lúc lão tản cư. Tất cả thơ Tử lão đã đọc trên một lần. Cho nên mặc dầu không có thi tập ở trước mắt, những bài nào đưa đến lão cũng có thể “nhận diện” được ngay. Đọc bài TIÊU SẦU, lão nghĩ mãi... nghĩ mãi… Khẩu khí thì là khẩu khí Hàn Mặc Tử còn cách điệu lại là cách điệu Bích Khê nhưng văn chương không sánh kịp những bài bình thanh trong Tinh Huyết. Lão không nhớ một bài bình thanh nào của Tử! Lão cũng không tin rằng Tử hiện về làm thơ để gởi gấm tâm sự. Nhưng ai dư công đi làm việc giả mạo vô ích... Cho nên lão không dám quả quyết rằng là thơ Tử hay không phải thơ Tử.

Năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi của lão, nhiều bạn gởi đến giúp lão những thơ của Tử mà quí bạn sưu tầm được. Trong số này có bài TIÊU SẦU do ông bạn Yên Giang ở Phan Rang gởi tặng. Bài này giống y bài thượng dẫn. Ông bạn cho biết rằng đã trích trong một tập thi tuyển chép tay của một người quen. Gần đây nhà thơ Vũ Phan Long ở Qui Nhơn bảo rằng đã thấy bài này rồi song không nhớ là thấy trong sách hay trên báo nào, vì đọc đã lâu.
Như vậy thì bài TIÊU SẦU đã được nhiều người biết, chớ không phải chỉ phổ biến trong nhóm anh em cầu cơ ở cựu Thần Kinh.

Có người ngờ rằng:
-      Bài TIÊU SẦU đã được sáng tác lúc Tử còn tại thế. Một trong những người cầu cơ thuộc được, bèn giả bộ hồn Tử nhập cơ, để mua vui.
-      Nếu lời ức đoán kia đúng thì bài đó phải có trong tập Cẩm Châu Duyên mà nguồn cảm hứng là Thương Thương, bởi trong bài có tên của Nguồn Cảm Hứng.
Tôi lại gần bên, ồ ! lạ thường!
Nường Trăng, ồ! Chính là Thương Thương!
Khi nào tìm lại được tập Cẩm Châu Duyên mới dám quả quyết bài TIÊU SẦU là của Hàn Mặc Tử hay không phải của Tử. Bây giờ tạm gởi vào chỗ tồn nghi. Nói vậy chắc có người mắng:
-      Của mình bị thất lạc, người ta lượm được đem đến cho lại, lại ấm ớ rằng không biết có phải của mình hay không! Thật là phường ngớ ngẩn!
Kể cũng ngớ ngẩn thật. Song đâu phải một trường hợp duy nhất. Bài thơ CON MUỖI tương truyền là của Chí sỹ Phan Tây Hồ, song cụ Lê Ấm rể Phan Chí sỹ vẫn tuyên bố rằng không biết có phải của nhà hay không.
Cổ nhân dạy: Chưa chắc thì đừng (Dans le doute abstiens toi)./.
_____________________________________________________
(1)   Xem ĐÔI NÉT VỀ HÀN MẶC TỬ.
(2)   Xem ĐỜI BÍCH KHÊ.