ĐÔI VẦN HOA XƯA
Ông bạn Vân Đình cùng một
một bạn thanh niên đến Vườn Hoa Thơ trách Lão Giữ Vườn:
-
Dường như Lão Giữ Vườn có ý muốn phục hưng thơ chữ Hán?
- Chữ Hán, chẳng những ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác cõi
Á Châu đồng văn cùng Việt Nam, đã bị coi
là “món đồ cổ” rồi. Tôi làm sao mà phục
hưng nổi.
-
Đã biết vậy, sao
lâu nay trong Vườn Hoa Thơ chỉ thấy chưng bày toàn thơ chữ Hán? Trong Vườn thơ
Việt Nam
không có hoa thơm cỏ lạ hay sao?
-
Sao lại không?
Nhưng “tuần tự nhi tiến”, và “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Thơ Việt Nam ngày nay
được hoa lệ phong phú, phần lớn là nhờ chữ Hán. Cho nên Lão nói thơ chữ Hán
trước khi nói đến thơ chữ Việt, là có ý “ẩm thuỷ tư nguyên”.
Ông bạn thanh niên nói:
-
Đám thanh niên
chúng cháu hiện nay, hầu hết đều dốt chữ Hán. Cho nên không nhiều người thích
thơ chữ Hán.
Bạn Vân Đình tiếp:
-
Chẳng những không
thích thơ chữ Hán, mà cả những thơ chữ Việt làm theo luật thơ Đường cũng đều bị
bạn trẻ được kỳ thị. Muốn cho những hoa thơ chưng bày nơi vườn Lão được giới
thiệu thanh niên chú ý thì Lão Giữ Vườn nên theo thị hiếu của thời đại.
Lão cười:
- Người thời nay, nhất là giới thanh niên, thích thơ
Mới, thơ Tự Do hơn thơ luật. Nhưng không vì hoa oeillet, glaieul, hoa hường Đà
Lạt… bán được đắt giá và dễ dàng mà Lão phụ hoa mai, hoa cúc, hoa lan, hoa
tường vi…. Mọc nơi rừng sâu, dậu vắng, hang thẳm, vườn quê… Chẳng những lão
không phụ mà lão còn yêu quí, nâng niu hơn cả hoa nước ngoài đem trồng nơi Đà Lạt
đắc địa, nơi vườn giàu sang sẵn phân sẵn nước.
Bạn Vân Đình hỏi:
-
Như thế Lão Vườn
chú trọng đến thơ Đường Luật hơn các thể khác mà làng thơ hiện đại ưa dùng?
-
Không đúng lắm.
Trong Vườn Hoa Thơ, lão đón tiếp tất cả các bạn trồng hoa thiếu “đất dụng võ”,
không phân biệt cũ mới. Những nhà thơ cũ như Đông Hồ, Bùi Khánh Đản…, những nhà
thơ mới như Vũ Hoàng Chương, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa..., là những nhà “cự
phú”, vườn ruộng cò bay, tất không bao giờ để chân để mặt đến thẻo vườn cỏn con
và hẻo lánh này. Bởi vậy các bạn “hàn sỹ” trồng hoa đều là khách quí của Vườn
Hoa Thơ lão giữ, và lão sẵn sàng dành chỗ để chưng bày những đoá hoa những khóm
hoa có sắc có hương.
Ông bạn thanh niên đề nghị:
-
Vì chưa rõ chủ
trương của Bác nên khách làm thơ “không đất dụng võ” chắc chưa gởi hoa đến cho
Vườn. Vậy xin đề nghị bác chưng bày cho xem một ít danh hoa của cổ nhân mà lâu
nay sách báo quốc âm ít đề cập đến. Cháu đoán chắc trước khi mở vườn bác đã tích trữ được nhiều. Nhân
tiện xin bác cho biết qua tánh chất của mỗi loại hoa xưa còn được lưu thế.
-
Vườn mới mở còn
nhiều đất hoang, thể lời ông bạn. Lão xin múa gậy thử. Nhưng vì vườn tuy còn
nhiều đất hoang song phạm vi không được rộng và thì giờ của các bạn cũng như
của lão không hơn chi phạm vi của vườn, nên lão chỉ xin nói về hoa Đường Luật
và nói một cách “trói voi bỏ rọ” để mua vui mà thôi:
Thể thơ Đường luật được áp dụng trong làng thơ Quốc âm
mới từ đời Trần (1225 -1400). Người khởi xướng là Hàn Thuyên, nên thơ Quốc âm
làm theo thể Đường Luật thường gọi là Thơ Hàn Luật.
Đề 1 tập thơ quốc âm làm theo thể Đường luật , một nhà
thơ cận đại có câu:
Vơ vẩn tơ
vương hồn Đại Việt
Thanh tao
thép luộc giọng Hàn Thuyên.
Thơ quốc âm đời Trần còn truyền tụng không được mấy
Lão được đọc một số thơ mượn tích Chiêu Quân Cống Hồ để chỉ trích việc vua Trần
Nhân Tông gả Huyền Trân Công Chúa cho Chế Mân, và một ít thơ của vua Hậu Trần
Trùng Quang Trần Quí Khoách cùng nghĩa sỹ Nguyễn Biểu. Văn chương phần nhiều có
vẻ chất phác. Đó là những đoá hoa có sắc có hương, song sắc hương không mấy
nồng nàn thắm đượm. Lão có thể ví với hoa vạn thọ, hoa ngâu.
Đó là tánh chất tổng quát, chớ đi vào chi tiết thì
cũng có lắm câu rất điêu luyện. Như câu:
Lãng uyển
Xuân tàn tin én dứt
Hành dương
non thẳm chiếc nhàn khơi
Trong bài nói về Vương Tường, tức Chiêu Quân rời Cung
Hán sang đất Hồ. Chỉ vài nét chấm phá mà gợi không biết bao nhiêu tình bao
nhiêu cảnh, khiến lòng người đọc cùng người trong cuộc sanh trăm mối buồn
thương.
Lại như câu:
Quanh tường
một bức khăn là rủ
Treo nguyệt
ba canh bóng quế cao
Trong bài tả cảnh Vương Tường tự ải. Tả cảnh thắt cổ
đến như thế là tuyệt diệu. Lối văn ảnh tượng sử dụng thật đã đến mức tinh vi.
Cũng thuộc hàng giai tác, câu:
Chiếu phụng
mươi hàng tơ cặn kẽ
Vó câu nghìn
dặm tuyết xông pha.
Trong bài thơ
vua Trùng Quang tặng sứ giả Nguyễn Biểu, và câu của Nguyễn Biểu hoạ vận thơ vua
Trùng Quang:
Đường mây vó
ký lần lần trải
Ai tuyết cờ
mao thức thức pha.
Thơ đời Lê ( 1428 -1788) còn truyền được nhiều hơn thơ
đời Trần.
Thơ đời Trần chịu ảnh hưởng thơ Trung Hoa sâu đậm. Lời
thơ có phần nặng nề và điển tích dùng có hơi lạm. Thơ đời Lê tiến bộ hơn. Văn
chương đã nhẹ nhàng trôi chảy, nhưng vẫn còn giữ vẻ chất phác của tiền triều.
Đời Lê có 3 nhà thơ tiêu biểu.
-
Nguyễn Trãi với
Quốc Âm thi tập,
-
Lê Thánh Tông với
Hồng Đức Quốc Âm thi tập
-
Nguyễn Bỉnh Khiêm
với Bạch Vân Quốc Ngữ thi tập.
Lão sánh thơ Nguyễn Trãi với hoa Dã Cúc (Chrysanthème
sauvage), thơ Lê Thánh Tông với hoa Thục Quì tức hoa Hướng dương (Tournesol),
thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm với hoa Điệp (papilionacé).
Thơ Hàn Luật của Nguyễn Trãi ít được phổ biến. Trong
các sách giáo khoa và các tập thi tuyển, hầu hết chỉ nói đến những bài Gia Huấn
Ca làm theo thể Lục Bát và Song Thất Lục Bát. Lão xin giới thiệu một ít thơ Hàn
Luật mà lão đã thuộc vì có nhiều chất thơ:
- Hương cách gác
vân thu lạnh lạnh,
Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh
- Đêm thanh nguyệt
hiện ngoài hiên trúc
Ngày vắng chim kêu dưới khóm hoa.
- Bến liễu mới dời
thuyền đón nguyệt,
Gác vân còn chứa bút đeo hương.
- Lòng một tấc son
còn nhớ chúa
Tóc hai phần bạc bởi thương thu.
- Một thân lẩn quẩn
đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia.
- Sách cũ ngày tìm
người hữu đạo
Trì thanh đêm quyến nguyệt vô tâm.
Vân vân…
Thơ vua Lê Thánh Tông được truyền tụng là những bài
Vịnh Thằng Bồ Nhìn, vịnh Cây Chổi, vịnh Thằng Mõ, v..v…mà có nhiều người cho là
“có khí tượng đế vương”. Ngoài ra còn nhiều giai tác mà vị thơ không bị khẩu
khí vua chúa làm hư hao.
Có nhiều câu trác luyện. Như Điếu Lê Khôi:
Tể tướng bếp
tàn mai lạnh vạc
Tương quân
doanh vắng liễu chau mày.
Như
Vịnh làng Tam Chế:
Mênh mang
khóm nước nhuộm màu lam
Chất ngất
đỉnh non lồng bóng quế
Như
đề Chùa Quang Khánh xã Dưỡng Mông:
Dòng thanh rẽ rẽ trần hiêu quạnh
Gác thẳm làu làu ngọc giá đông
Sực mức đưa hương hoa mượn gió
Líu lo chào khách vẹt thay đồng.
Vân
vân…
Thơ của Lê Thánh Tông phần nhiều chép trong Hồng Đức
Quốc Âm thi tập và một số ít chép trong các sách thi tuyển và ghi ở các bia.
Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi tập, ngoài thơ vua Lê Thánh
Tông còn có thơ nhiều người khác không biết tên. Có nhiều bài văn lưu loát
chẳng kém văn đời nay. Như:
VỊNH CANH MỘT
Chập tối trời vừa mọc đẩu tinh
Ban khi trống một mới thâu canh
Đầu nhà khói toả lồng sương bạc
Sườn núi chim gù ẩn lá xanh
Tuần điếm kìa ai khua mõ cá
Dâng hương nọ kẻ nện chày kình
Nhà Nam
nhà Bắc đều no mặt
Lừng lẫy cùng ca khúc thái bình.
VỊNH MỴ Ê
Thờ chúa thờ chồng hết tấc thương
Một mình trọn đạo việc cương thường
Non thiêng dễ hoá hồn Tinh Vệ
Nước biếc khôn nhìn mặt Phạm Vương
Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt
Sử xanh chép để bút còn hương
Rày mừng
thấy tin rồng đến
Phủ mưa đào
khắp bốn phương.
Vân vân…..
Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được nhiều sách chép nên
đã phổ cập khắp làng phong nhã trong nước. Những khách yêu thơ, không mấy ai
không thuộc những câu đã trở thành tục ngữ, như:
-
Còn bạc còn tiền
còn đệ tử
Hết cơm hết áo hết ông tôi
-
Thớt có tanh tao
ruồi đến đỗ
Gang không mật mỡ kiến bò chi.
-
Nhuỵ kết hoa thơm
ong đến đỗ
Mỡ bùi mật ngọt kiến nào đi.
Vân vân….
Không mấy ai không thuộc những câu vịnh cảnh nhàn:
-
Cửa trúc vỗ tay
cười khúc khích
Hiên mai tréo cẳng hát nghêu ngao.
-
Thu ăn măng trúc
đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao.
- Niềm xưa trung ái
thề không phụ
Cảnh cũ điền viên thú đã quen.
Vân vân…
Trong tập Bạch Vân, cũng như trong Hồng Đức và trong
Quốc âm của Ức Trai, thường thấy những bài thơ câu 6 chữ chen lẫn cùng câu 7
chữ. Đó là lối thơ Lục Ngôn thịnh hành ở đời Lê (2). Như:
Đạo thánh
hiền hay mến khó khăn
Quyền môn
chốn ấy biến chen chân
Hứng phong
nguyệt chè ba chén
Thú thanh
nhàn lều một căn.
Quét cữa Nho
chờ khách đến
Trồng cây đức
để con ăn.
Được thua phú
quí dù Thiên mệnh
Chen chúc làm
chi cho nhọc nhằn.
(Bạch
Vân)
Từ NGUYỄN TRÃI đến NGUYỄN BỈNH KHIÊM thơ Hàn Luật đã
bước được nhiều bước khá dài.
-
Chữ dùng đã thành
thục,
-
Âm điệu đã nhịp
nhàng,
-
Câu thơ đã hết vẻ
ngượng ngập, trái trấp mà trong thơ Ức Trai và Hồng Đức thường vấp phải.
Nhưng thơ của ba nhà đều mang tánh cách chung là:
-
Thiên về lý trí và đạo đức,
-
Còn giữ vẻ chất phác hoặc ít hoặc nhiều,
-
Sử dụng cảnh vật
theo quan niệm cổ điển,
-
Dùng nhiều chữ mà
hiện nay không còn phổ biến. (3)
Ngoài ba tập thơ thượng dẫn, nhà Lê còn để lại hai tác
phẩm lớn là Tô Công Phụng Sứ, và Lâm Tuyền Kỳ Ngộ.
Đây cũng là hai tập truyện bằng thơ Đường Luật như tập
Vương Tường đời Trần.
TÔ CÔNG PHỤNG SỨ nói về tích Tô Võ đi sứ Hung Nô bị
bắt đày lên núi tuyết chăn dê.
LÂM TUYỀN KỲ
NGỘ là chuyện Bạch Viên kết duyên cùng Tôn Các. (4) Văn chương hai tập thơ này có phần lưu loát hơn tập Vương Tường, song không có câu xuất sắc như Vương Tường. Tập Tô Công thiêng về
đạo đức. Tập Lâm Tuyền đã mang nhiều tính chất tình cảm, nên mùi vị bớt khô
khan.
Xin giới thiệu đôi vận:
Xin giới thiệu đôi vận:
-
Tuy vui yến nhạc
nơi Hồ điện
Hằng tưởng uy
nghi thuở Hán đình.
-
Mây núi Bắc tan
gương quế rạng
Sương trời
Tây đến tiết tùng cao.
-
Bể Bắc năm chầy
dê chửa đẻ
Trời Nam nẻo diễn
nhạn không thông.
-
Hao chữ cần lao
non Thái nặng
Một niềm ưa
ái bóng thu trong.
(Tô
Công Phụng Sứ)
-
Sen phô đáy nước
lồng gương nguyệt
Cúc nhiễu
chân thềm lẫn vẻ sao.
Hoa đỡ long
lanh rèm bích ngọc
Hương đưa sực
nức gác quỳnh dao.
-
Kết tóc về đâu
duyên gắn bó
Xe tơ nên nỗi
nghĩa riêng tây
Trải từ gặp
gỡ bao thu ấy
Sớm đã nâng
niu những đứa nầy.
-
Rừng thẳm buồn
trông mây lác đác
Non xanh thẹn
thấy nhạn bơ vơ.
-
Nửa gối mơ màng
tim điệp rủ
Năm canh mong
mỏi sứ hồng bay…
(Lâm
Tuyền Kỳ Ngộ)
Đó là những đoá hoa rừng, nhựa sống có thừa, song
hương sắc chưa đủ say lòng người thưởng thức.
Vân Đình:
- Thơ Hàn Luật vì
là giống Trung Hoa đưa sang, phải đợi lâu ngày cho hạp thuỷ thổ mới trở thành
giống hoa Việt Nam
hoàn toàn, mới đơm hoa trỗ sắc nồng đượm. Đó là lẽ tất nhiên. Đến như thơ Lục
Bát Song Thất Lục là giống hoa của đất nước, sản xuất từ những câu tục ngữ ca dao, xin hỏi lão vườn
hai thể “ quốc nội” ấy ở đời Trần đời Lê có được phát đạt lắm chăng ?
Lão cười :;
- Lão đâu phải nhà
viết văn học sử mà hỏi những điều cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mới có thể phát
biểu được chính xá. Nhưng lão cũng xin thưa những gì lão biết, một cách tổng
quát và đơn sơ:
Về ca dao nhiều sách báo đã nói nhiều rồi. Xin miễn
bàn. Lão chỉ xin nói qua về các tác phẩm còn lưu thế.
- Đời Trần thì có
TRINH THỬ TRUYỆN mượn chuyện một con chuột bạch biết giữ trọn trinh tiết với
chồng.
Đây là một bài ngụ ngôn trường thiên làm vào khoảng
niên hiệu Long Khánh ( Trần Duệ Tông – 1374 1377), ngụ ý chỉ trích HỒ Quí Ly.
Văn làm theo thể Lục Bát.
Theo cụ Bùi Kỷ thì tác giả là nhà xử sỹ Hồ Huyền Qui.
Nhưng các nhà khảo cứu văn học chưa tìm ra lai lịch của nhà xử sỹ ấy.
- Đời Lê thì có Gia
Huấn Ca của Nguyễn Trãi. Làm từng bài một, theo thể lục bát có song thất lục
bát có.
Ngoài Nguyễn Trãi còn có Lê Đức Mao. Họ Lê có một
bài làm cho ả đào hát chúc làng vào
những ngày hội xuân. Bài gồm 128 vế, khi thì song thất lục bát, khi thì lục
bát, thỉnh thoảng lại chen đôi câu nói lối, hoặc ngũ ngôn, thất ngôn Đường Luật.
-
Đời Mạc có Hoàng
Sỹ Khải còn để lại bài Tứ Thời Khúc Vịnh gồm 340 vế làm theo thể song thất lục
bát.
Những áng văn chương ấy lời vẫn còn nặng và lắm chỗ có
phần quê vụng. Sánh với thể Đường Luật thấy cũng không hơn gì.
Thử trích đôi câu làm mẫu:
Bỗng nghe bên cội bích đào
Tiếng con muông sủa bào hao rậy ràng
Chẳng là chuột bạch bên tường
Cong đuôi mà chạy vội vàng hãi kinh….
(Trinh Thử truyện)
Thấy ai đói rét thì thương
Rét thì cho mặc đói thường cho ăn
Thương người như thể thương thân
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo đem ra
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên…
May ta ở chốn bình yên
Nhà người tàn phá chẳng nên cầm lòng…
(Gia Huấn Ca)
Xuân nhật tảo khai gia cát hội
Hạ đình thông xuống thái bình âm
Tàng câu mở tiệc năm năm
Miếu Chu đối việc chăm chăm tấc thành
Hương dâng ngào ngạt mùi thanh
Loan bay khúc múa hoa quanh tiệc ngồi….
(Lê Đức Mao)
Thiều quang đến, lòng người hớn hở
Thuở ba dương là cỡ lập xuân
Đâu đâu chịu lệnh đông quân
Cữa Giao lừng lẫy đón xuân rước về
Khắp tư bề non sông hoa cỏ
Hết cùng lên cõi Thọ đài Xuân
Nhà nhà tống cựu nghinh tân
Tú mi là thiếp nghi Xuân là bùa……
(Tứ Thời
Khúc Vịnh)
Ông bạn thanh niên:
-
Nghe khô khan quá!
Lão cười :
-
Thì lão đã nói
thơ Lục Bát và Song Thất Lục Bát đời Trần Lê không hơn thơ Đường Luật. Như thế
đâu có phải tại thể thơ. Thể thơ một khi vào tay lão luyện thì “quốc nội” hay “quốc
ngoại” gì cũng đều trở thành những lợi khí sắc bén như đao kiếm vào tay kẻ võ
nghệ cao cường.
Vân Đình ngắt lời lão:
-
Như vậy chẳng là
các thi nhân đời Trần đời Lê, nghệ thuật làm thơ chưa được tinh luyện ?
-
Không thể bảo
nghệ thuật làm thơ chưa tinh luyện. Nghệ thuật của quí ngài rất tinh luyện,
nhưng vì quí ngài quen sử dụng Hán tự nên khi bước sang quốc âm bị ngỡ ngàng
ngượng ngập. Cũng như người Việt Nam được nuôi dưỡng từ thuở bé theo
lối sống Tây Phương, lớn lên ra giao thiệp cùng đồng bào trông lúng túng như
người phương xa mới đến.
-
Thời vua Lê chúa
Trịnh thơ quốc âm có tiến bộ hơn chăng?
-
Những áng văn
chương còn truyền lại, như những tập thơ của chúa Trịnh, lão xem vẫn không hơn
gì đời Trần đời Lê. Chất thơ vẫn chưa đầy đọng, vị thơ chưa được đượm nồng.
Phải đợi đến thời Lê mạt Nguyễn sơ văn chương quốc âm mới phát đạt và đến Thịnh
Nguyễn mới toàn thịnh. Thời này hoa thơ trong vườn quốc âm mới có hải đường,
thược dược, tường vi, mẫu đơn…, mới có cúc đại đóa, cúc Tây Thi, cúc bạch ngọc,
mới có sen hồng sen trắng, mới có hoa hồng vàng hoa hồng điều hoa hồng tím, mới
có hoa anh đào nở nơi nao cao, hoa ngô đồng nở trước lăng miếu….
Ông bạn thanh niên:
-
Xin cho biết một
ít giống mà lão vườn có sẵn trong tay.
-
Những danh hoa Lê
mạt Nguyễn sơ lão có, thiên hạ đều có, vì các cô hàng hoa đã chiết trồng và hái
bán khắp thành thị thôn quê.
Vân Đình:
-
Nhưng chơi hoa đã
dễ mấy người biết hoa. Lão Vườn thử cho nghe tôn ý.
-
Lão cùng nói cùng
bạn quen thân:
Hoa là Thơ của Đất. Thơ là Hoa của Người. Cho nên Thơ
cũng như hoa, có trăm hình nghìn sắc và
muôn hương.
Ca dao có câu:
Chơi hoa cho
biết mùi hoa
Hoa lang tim
tím hoa cà xanh xanh.
Và dưới mắt thi nhân:
Hoa nào hoa
lại không hương sắc
Một cánh hoa
tươi một mảnh tình.
Đó là Hoa mà cũng là Thơ, tức là Hoa Thơ hay Thơ Hoa.
Những giai phẩm của Trần, Lê , Mạc, Trịnh như trên đã
nói, là hoa nội hoa rừng, sức sống dồi dào mạnh mẽ, nhưng hương thơm sắc đẹp
chưa quyến rũ lòng khách tài tử yêu hoa.
Khoái mặt khoái tâm là Hoa Thơ cận đại:
- Thơ Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du là những
luống hoa hường nhiều hương nhiều sắc, lóng lánh sương mai dưới một bầu trời
nửa mờ nửa sáng.
- Thơ Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm là vườn hoa đào
nở hồng trong màn mưa phùn trắng nhẹ bay theo chiều gió lành lạnh lúc hừng
đông.
- Thơ Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như hầu là những gốc
mai già cổ kính đầy hoa xuân, đứng soi mình trong dòng suối chảy róc rách, và
đưa mùi hương lành lạnh bay chập chờn dưới bóng trăng lồng bóng hoàng hôn.
- Thơ bà Huyện Thanh Quan là những đóa mẫu đơn cắm
trong bình Khang Hy để nơi phòng khách, vừa nồng diệm vừa trang nghiêm, như một
giai nhân ngồi đốt trầm đọc sách.
- Thơ Tam Nguyên Yên Đỗ là những khóm cúc vàng cúc
trắng nở trong sương nơi dạu vắng, hay trồng trong chậu sứ cổ chốn phòng văn,
nhã đạm và thanh cao, như tao nhân đứng tựa bên rào trúc.
- Thơ Tôn Thọ Tường là những nhánh tường vi ló ra
ngoài tường cạnh đường ít người qua lại, nửa khoe khoang nửa khép nép, thật
duyên dáng mặn mà.
- Thơ Chu Mạnh Trinh là hoa anh đào quyến gió xuân,
thướt tha yểu điệu, như cô tình nhân có giáo dục, âu yếm nhưng không chút lả
lơi.
- Thơ Hồ Xuân Hương là hoa Hoè nở trước sân rồng, sắc
vàng chói ngời ánh nắng hạ, ngạo nghễ mà ung dung, thỉnh thoảng tuôn cánh úng
nhuỵ tàn lên tóc râu những hàng đai vàng mũ bạc.
- Thơ Chiêu Lỳ Phạm Thái là những khóm ngô đồng nở hoa
trước lăng vua Tự Đức, dịu dàng nhưng hiên ngang và cương dõng, như một nữ hiệp
tuyêt sắc đương vút mình tung kiếm giữa không trung.
Vân vân…
Đại khái là thế. Nhưng trong vườn tường vi vẫn có mai
có cúc, trong vườn lan cúc vẫn có mẫu đơn hải đường….
Ví dụ bên cạnh những câu thơ kỳ cổ trong Cung Oán Ngâm
Khúc:
Cầu thệ thuỷ
nằm trơ cổ độ
Quán thu
phong đứng rũ tà huy
Phong trần
đến cả sơn khê
Tang thương
đến cả hoa kia cỏ nầy…
Vẫn có những câu nùng diệm và phong tình đến nỗi những
người luôn có bóng dáng ông thánh ông hiền ở trước mặt cũng phải mường tượng mơ
màng:
Cái đêm hôm
ấy hôm gì
Bóng dương
lồng bóng đêm trập trùng.
Liền thược dược mơ màng thuỵ vũ
Đoá hải đường
thức ngủ xuân tiêu
Cành xuân hoa
chúm chím chào
Gió đông thôi
đã cợt đào ghẹo mai.
Xiêm nghê nọ
tả tơi trước gió
Ao vũ kia lấp
ló trong trăng
Sanh ca mấy
khúc vang lừng
Cái thân Tây
tử lên chừng điện Tô
Đệm hồng thuý
thơm tho mùi xạ
Bóng bội hoàn
lấp ló trăng thanh
Mây mưa mấy
giọt chung tình
Đình Trầm
hương khoá một cành mẫu đơn…
Và câu luận trong bài Khóc Quan Phủ Vĩnh Tường, mà các
nhà soạn những tập thi tuyển thường lấy một câu khác thay vào:
Nắm xương
dưới váng châu mày khóc
Hòn máu trên
tay mỉm miệng cười (1)
Là một đoá
quỳnh hoa nhuỵ vàng cánh tuyết, chờn vờn dưới bóng trăng giữa lúc trời khuya
lành lạnh, nửa như hư nửa như thiệt, hồn Đạm Tiên trong mộng Thuý Kiều.
Đó là ý kiến phát biểu với tấm lòng yêu thơ và lòng
kính trọng người trước. Chắc không khỏi chủ quan. Song nghĩ sao nói vậy, thấy
sao nói vậy, thương được nhờ ơn ghét cũng nhờ.
Vân Đình:
-
Bá nhân bá y, bận
chi ghét cùng thương. Xin hỏi lão các
bậc tiền bối sở trường về Lục Bát Song Thất Lục Bát có sở trường về Đường Luật
và các vị sở trường về Đường Luật có sở trường về hai thể kia chăng?
-
Cụ Nguyễn Du, bà
Đoàn Thị Điểm không thấy có thơ Đường Luật về Quốc âm lưu truyền. Nhưng thơ Hán
Văn thì rất nhiều. Bà Huyện Thanh Quan và Tôn Thọ Tường không thấy có thơ lục
bát và song thất lục bát. Các vị thơ Đường Luật khác thì vẫn có kẻ ít người
nhiều. Như Phạm Thái, Nguyễn Khuyến thì có nhiều, Chu Mạnh Trinh, Hồ Xuân
Hương… có ít.
Riêng về Ôn Như Hầu thì còn lại một tập thơ Đường Luật
nhan đề là Ôn Như Hầu Thi tập. Lão nhớ được một ít câu:
Gió lọt kẽ
mành lưng gió dẹp
Trăng lồng
cửa sổ mặt trăng vuông.
(Tức
cảnh)
Dế gọi người
nằm thiên cổ dậy
Sương trùm
cảnh đứng tứ canh đi.
(Canh
tư)
Câu trên có tánh cách tiểu xảo, câu dưới vế trên hay.
Vế đưới có phần gượng gạo, nhất là chữ “tứ canh”. Không bằng những câu:
Man mác cảnh
đâu ngoài vạn dặm
Bâng khuâng
sự những mấy trăm năm.
(Nghe
dế kêu)
Trú dạ mênh
mang thuyền hạo kiếp
Cổ kim man
mác võng huyền cơ.
(Nhân
thế)
Thật là những đoá hoa sen nở trong ao nghìn mẫu của
một ngôi chùa cổ thâm u.
Bạn thanh niên:
-
Chúng cháu ưa
chuộng mới thật. Nhưng những đoá hoa thơ như những đoá bác đã chưng bày làm cho
cháu thích thú có kém gì hoa oeillet, Glaieul, mimosa… Dalat. Nghiệt nỗi những
thơ Đường Luật mà chúng cháu thường gặp, cổ cũng như kim, hầu hết đều không
tươi bằng hoa nở ngày, hoa vạn thọ, thì bảo chúng cháu không đi tìm giống ngoại
quốc sao đành?
Lão biểu đồng. Vân Đình hỏi:
-
Ngoài quí vị đã
kể trên, thời Thịnh Nguyễn còn nhà thơ nào đã đi đến diệu xứ nữa chăng?
-
Còn nhiều. Lục
bát và song thất thì có cụ Tú Nguyễn Diêu, cụ Đào Tấn… ở Bình Định. Đường Luật
thì có Tương An Quận Vương, con vua Minh Mạng.
Có dịp, lão sẽ xin đưa quí bạn đến xem vườn hoa của
quí vị Tiền Bối này, những vườn hoa đầy hương sắc, nhất là vườn cụ Đào Tấn rộng
hàng trăm mẫu mà trước kia vua Tự Đức đã hết lời ban khen.
Giờ đây chỉ xin giới thiệu một vài đoá lão đã hái cho
Vườn Hoa Thơ của nhà:
Xông lướt
chân trời nhẹ nhẹ
Đoái cung
thiềm điện quế xa xa
Gấm thêu mấy
thức yên hà
Giang san một
bức trời đà vẽ nên
Rước người
hoa chẳng biết tên
Hơi hương đưa
thấu vào rèm gió trăng.
(Nguyễn
Diêu)
Hồ động phăng
phăng lối cũ
Việc nhãn
tiền tán tụ chòm mây
La Phù một giấc hay hay
Bóng trêu thu nguyệt mùi gây xuân sầu
Thuyền đâu trăng nước đâu đâu ?
Màu lam thoát đã về cầu thần tiên…
(Đào
Tấn)
Vàng thếp
giếng ngô sa lá gió
Bạc xuy dạu
cúc nảy chồi sương
(Thu
cảm - Tương An)
Thảm lấp Phủ
Câu sông một giải
Sầu giăng
Long Thọ núi liền giây.
(Thiên
Mụ cảm tác - Tương An)
Đuốc ngọc
canh khuya trời một góc
Vườn đào thề
cũ ruột trăm chiều
(Quan
Vũ - Tương An)
Tương An Quận Vương chẳng những tài về Đường Luật mà
lục bát và song thất cũng rất tài:
-
Khối sầu ai đắp nên thành
Giao chen đũa
ngọc tằm đoanh khúc vàng
-
Phân tay bốn giọt lệ tình
Lầu cao trăm
thước xem mình như không.
-
Lạ thay màn tuyết trương chiên
Giấc phong
trần để cho duyên lạnh lùng.
-
Bốn giây ứa máu tỳ bà
Ngỡ ngàng
trăng Hán phôi pha gió Hồ.
-
Chốn chiến trường đống xương trắng nhẻ
Người diễn
khơi hồn ghé khuê môn
Chơi vơi sóng
phủ sầu dồn
Mượn câu tinh
vệ chiêu hồn đại phu…
(Hoài Cổ Ngâm)
Đó, theo lão, là những đoá thược dược ngậm xưa xuân,
những đoá hải đường ngủ nơi đình Trầm hương khoá.
Ông bạn thanh niên:
-
Cháu đã học xong
chương trình phổ thông đệ nhị cấp. Cháu cũng đã xem nhiều sách in thơ xưa.
Nhưng cháu không thấy các giáo sư quốc văn đề cập tới các thi nhân tiền bối Nguyễn
Diêu, Đào Tấn, Tương An Quận Vương. Cháu cũng không thấy tập thi tuyển nào in
thơ của quí vị!
-
Không có gì lạ.
Cơ quan đầu não của nền văn hoá Giáo Dục Việt Nam, các nhà thơ viết văn học sử,
các nhà sưu tầm văn thơ cổ…, thời Tiền Chiến Hà Nội, thời Hậu Chiến Sài Gòn,
các quí vị kia cũng như nhiều vị có tác phẩm lưu thế khác ở lại Trung Việt. Nếu
Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn giữ bộ Giáo Dục được vài ba năm thì lão chắc thi ca quốc
âm của Trung Việt cũng được khai thác như Bắc Việt và Nam Việt. Người có tài,
có tâm thường không có quyền thế, không có phương tiện, còn người có quyền thế
có phương tiện thì thường không có tâm hoặc không có tài. Cho nên nền văn học
cổ của nước nhà đành chịu cảnh nghèo nàn thiếu thốn, mặc dù tài liệu rất dồi
dào.
-
Vậy bác gắng đảm
đương việc sưu tập và công bố trên Vườn Hoa Thơ những giai phẩm của Trung Việt.
-
Sức người có hạn,
phạm vi Vườn Hoa cũng có hạn. Thêm nữa vườn ở nơi hẻo lánh, người sống trong
cảnh lẻ loi. Biết làm sao được?
Vân Đình:
-
Ngày xuân còn
dài. Việc đó để đó. Xin hỏi một câu nữa: Những áng văn chương lão vườn đã thuộc
đó có ảnh hưởng chi đến sự nghiệp tinh thần của lão chăng?
-
Bọc hoa lan hoa
huệ trong túi thì làm sao không thấm ít nhiều hương. Chính nhờ thơ Phạm Thái,
Ôn Như Hầu, bà huyện Thanh Quan, Tương An Quận Vương… mà lão rút ra được nhiều
phép tắc để áp dụng cho thơ mình. Về kỷ luật làm thơ, ông cha chúng ta học theo
Trung Hoa mà có lắm điểm không khác các nhà thơ tượng trưng Pháp… Cho nên những
nhà thơ Mới thạo thi pháp của phái Thơ Cũ, như Chế Lan Viên là một, không bao
giờ khinh khi di sản tinh thần của tiên nhân để lại.
Bóng cây mận đã tròn, đường về đã rộn bước chân và
tiếng xe của các công chức tư chức tan sở. Vân Đình cùng ông bạn thanh niên
đứng lên:
Ta về ta ngắm
hoa ta
Trải bao mưa
nắng hoa nhà vẫn tươi.
_______________________________________________
(1) Trong các sách thường chép:
Đòn cân tạo
hoá rơi đâu mất
Miệng túi càn khôn xếp lại rồi.
(2) Xem bài nói về Thơ Lục Ngôn ở tập sau.
(3) (4) Xem tập GIỌNG HÀN THUYÊN nói kỹ về thơ Hàn Luật ở đây chỉ nói đại lược.