Trong vườn hoa thơ Bài 27-Tạm đóng cửa vườn


TẠM ĐÓNG CỬA VƯỜN

Từ mùa thu năm Nhâm Dần (1962) tình hình trong nước không được yên ổn về mọi mặt, kinh tế, văn hoá, quân sự. Thuốc khai quang Mỹ lại vãi tung khắp nơi làm cho ruộng nương vườn tược hư hại quá sức! Vườn Hoa Thơ cũng bị ảnh hưởng lây. Khách đến xem vườn mỗi ngày một thêm vắng. Hoa của nhà không nảy nụ đơm hương. Xuân Quí Mão về, để cho vườn khỏi đìu hiu quạnh quẽ, lão đã phải mượn hoa Nhật Bổn về chưng bày.
Rồi xuân qua rồi hè đến…, Vườn hoa thơ không còn kẻ tới lui. Một mình ngồi ngắm những cánh hoa anh đào thấp thoáng trong mơ, lão chợt nhớ đến một số hoa Nhật Bản được người Pháp đem về trồng nơi công viên Paris, và con trai lão (Quách Giao) bẻ mấy nhánh từ Paris đem về ươm phía sau vườn. Lão bèn mượn đưa ra phía vườn trước, phòng có khách đến tạm mua vui:

SYNCHRONISME
À chaque fleur qui s’ouvre
Aux branches du prunier,
Le printemps un peu plus s’attie’dit

TỊNH PHÁT
Mỗi lần nở một đóa mai
Mùa xuân trở ấm thêm vài chút xuân.

ILLUSION
Fleur tombée
Retournant à la branche ?
Oh! C’était un papillon!

ẢO ẢNH
Hoa rơi,
Hoa trở lại cành?
Ồ ! Con bươm bướm nặng tình với hoa!

LE COUCOU
Coucou!
Coucou!
Il se fait jour

CHIM TU HÚ
Cu cu! Cu gáy trước nhà,
Trước nhà cu gáy,
Trời đà rạng đông.

FRATERNITE BOUDDHIQUE
Viens près de moi
Et jouons ensemble,
Petit moineau orphelin

LÒNG TỪ BI
Lại đây,
Em sẻ mồ côi !
Lại đây, Em sẻ,
Cùng tôi vui vầy .

NE PLEUREZ PAS
Insectes! Ne pleurez pas!
Il y a đes douleurs à partager
Même dans le ciel

ĐỪNG KHÓC
Dế ơi! Đừng khóc dế ơi!
Cao xanh kia vẫn có người đau thương.

NOSTALGIE
Quoi que bien résolu
À ne point retourner sur mes pas,
Ah ! combien m’est chère ma maison!

NHỚ NHÀ
Ra đi quyết một không về,
Nhớ lều tranh cũ não nề lòng đây!

APPRITION
Parmi les oeillets,
Un papillon blanc:
Est-ce une âme?

XUẤT HIỆN
Cẩm nhung rực rỡ màu hoa,
Lẫn con bướm trắng:
Phải là hồn hương?

OUBLI
Chose depuis longtemps oublíée:
Un pot où éclot une fleur..
Jour printanier!

DI VONG
Bấy lâu lòng nỡ quên đành
Đoá hoa nở thắm trong bình
Ngày xuân!

Cây có hoa cũng như cây ăn trái vốn sanh trưởng ở nơi nầy mà đem trồng sang nơi khác, thì dù thuỷ thổ có hạp đi nữa, thế nào cũng phải biến chất hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng chỉ biến chất mà thôi chớ không đến nỗi mãng cầu hoá thành đu đủ.
Thơ cũng thế!
Mấy bài thơ Nhật dịch ra thơ Việt qua tiếng Pháp thượng dẫn, tuy đã bị Việt Nam hoá hoàn toàn, song nếm vẫn có đôi chút khí vị của hoa anh đào núi Phú Sỹ.
Một mình ngồi ngắm mấy khóm “hoa lài”, lão liên tưởng đến ông Đào Tiềm đời Tấn, ông Lâm Bô đời Tống. Một ông thì thui thủi cùng hoa cúc, một ông quấn quýt theo hoa mai, mùi thế lạc nồng không cần để tâm đến. Lão lại chạnh nhớ đến vườn hoa ở Phú Ân của lão.
Phú Ân là một sơn thôn thuộc quận Bình Khê, tỉnh Bình Định. Khoảng 1947 - 1948, lão tản cư đến đó. Nhà lão ở trọ vốn là một từ đường bỏ không, lại có sân có vườn rộng rãi. Vợ con lo đi chạy gạo, một mình lão ở nhà coi nhà. Để mua vui lão tìm hoa vạn thọ, hoa vạn niên, là hai thứ hoa không cần phân, chỉ cần nước, đem về trồng mấy luống. Nhờ sự chăm sóc hằng ngày của lão, hoa trắng hoa vàng nở đầy.
Những đêm trăng tỏ, một mình với một ấm trà lá vối ngồi thưởng hoa, lão hưởng được một khí vị thanh thú, buồn buồn lạnh lạnh. Sắc trắng của vạn niên, sắc vàng của vạn thọ gợi trong tâm hồn lão bóng dáng khóm mận ba nhành, hai chậu mai và thềm giếng cúc trong vườn Nha Trang của lão. Nỗi thương tiếc niềm nhớ nhung, hoà lẫn cùng hương vạn niên vạn thọ và vị trà lá vối, tạo thành một chất sầu dìu dịu lắng dần vào thịt xương… Ngày một ngày hai, tự nhiên thấy ghiền. Hễ đêm có trăng sáng thế nào cũng phải ra nơi thềm với ấm trà lá vối, ngồi cùng hoa. Lúc bấy giờ mà có được một người đồng điệu đến chơi thì không còn gì thú bằng.
Để ghi lại chút lòng, lão có một luật:
Vạn niên trắng vạn thọ vàng
Quán trọ vườn thu chút điểm trang
Mùi thế nỡ cam phần lạnh lạt
Đời hoa đâu phải lúc xuê xoang
Chung tình mai mận hương đôi nhánh
Chia ánh sương sao ngọc mấy hàng
Lặng lẽ song khuya dừng chén nguyệt
Sân rêu mường tượng bước Vương lang (1)
Cảnh Vườn Thơ Lành Mạnh trong mấy lúc nay thật không khác cảnh Vườn Hoa Phú Ân:
Khép áo dừng bên trúc
Lòng se bóng cố nhân
Thương sương thu còn đọng
Anh hoàng hôn mùa xuân (2)
Một ông bạn láng giềng thấy vườn không khách thưởng hoa, liền sang:
-     Sao không tạm đóng ngõ lại, rồi “cao ngọa thả gia xan”. Khi nào có khách đến gọi sẽ ra. Tội gì ngày ngày tựa ngõ đứng nhìn mây nhìn nước như thể đá vọng phu:
Nước mây quạnh vắng tròng khô lệ
Mưa nắng phôi pha má lợt hồng. (3)
Nghe lời nói phải, lão gật đầu.. Và đưa ông bạn ra về nhớ lại bài thơ cũ, lão ngâm:
Tiệc bãi lầu ca lạnh ánh sương
Bâng khuâng tay ngọc xếp nghê thường
Ra về chớ tiếc đêm xuân lụn
Vườn cũ nghìn hoa đợi bóng dương. (4)

Ông bạn mỉm cười, ngâm tiếp:
Sương gieo ngàn cổ thụ
Mây nước vọng buồn thương
Hẻo lánh vườn hương muộn
Lòng thu, xuân náu nương. (5)

Nha Trang, Thu Quí Mão (1963)
______________________________________________________________________________
(1)  Vương Hoằng đời Tấn  bạn Đào Tiềm. Một hôm ông Đào thèm rượu toan bứt hoa cúc nhai cho đỡ thèm thì họ Vương đưa rượu đến biếu. Vương tử Kỉnh đời Đường đi ngang qua vườn hoa của một phú ông, thấy đương mở tiệc thưởng hoa, Vương ghé vào xem qua vườn, rồi vào khen chủ nhân ít lời, đoạn từ giã, cầm mấy cũng không ở. (Trong bài dùng điển họ Vương nào cũng được cả).
(2) Bóng Xuân Xưa, trong Mộng Ngân Sơn.
(3) Cặp trạng bài Đá Vọng Phu trong Mùa Cổ Điển.
(4) Tiệc Bãi trong Đọng Bóng Chiều.
(5) Náu Nương trong Mộng Ngân Sơn.