Trong vườn hoa thơ Bài 22-Thơ vườn Vũ Hân


THƠ VƯỜN VŨ HÂN

Thân dù bệnh hoạn, Vũ Hân vẫn băng ngàn tìm đến thăm lão và tặng Vườn Hoa Thơ ba tác phẩm:
-     Diễm Trang (Thơ)
-     Để xây dựng kịch (Lý thuyết văn nghệ)
-     Giảng sách dưới Trăng (Kịch dã sử).
Những văn thơ trong ba tập, lão đã được xem từ khi còn là bản thảo.
Thơ trong Diễm Trang phần nhiều làm tại Liên Khu V thời Kháng Chiến chống Pháp (1945-1954). Thời bấy giờ hầu hết các văn nghệ sỹ đều chạy theo hoặc bị lôi cuốn theo tân trào. Vũ Hân và lão đứng yên một chỗ, cam chịu tiếng lạc hậu và lời đả kích của cán bộ văn nghệ địa phương.
Lão ở Bình Khê xa cơ quan đầu não, ít khi gặp gỡ các vị lãnh đạo văn hoá. Vũ Hân ở Hoài Nhơn là nơi tập trung hầu hết các nhân vật cao cấp Liên Khu V, nên thường bị tay chân các vị nầy làm khổ.
Một hôm lão ra Hoài Nhơn có việc. Vũ Hân đọc cho nghe bài thơ mới sáng tác:

NGHẸN BƯỚC
Nắng rụng gầy sương đường lỡ thì
Thương người khăn gói nghẹn chân đi
Quán nghiêng nửa mái chờ giông tố
Cữa hẹp mây đùn sập nét mi
Qủi dựng đằng sau muôn lớp ải
Lòng nghe nai gặm cỏ biên thuỳ
Xoa tay nhớ lại mùa xuân trước
Phấn bướm còn vương nhịp trúc ti.
Lão tán thưởng:
-     Bỏ luật mà âm tiết vẫn điều hoà. Cặp kết tuyệt diệu! Đã mấy năm trời rồi mới gặp được một bài thơ hay!
Vũ Hân sung sướng:
-     Nghe anh khen, tôi mừng. Vừa rồi cán bộ văn hoá Miền Nam đem mổ xẻ. Họ bảo rằng tôi có tư tưởng phản động nên đả kích tơi bời.
-     Chỉ đả kích chớ không đề nghị đưa đi an trí, kể cũng đã khoan hồng lắm rồi, còn than gì nữa. Từ nay có cao hứng sáng tác thêm được bài nào thì phải dấu kỹ, và phải luôn luôn nhớ lời mụ quản gia của Hoạn Thư dặn Thuý Kiều:
Ở đây tai vách mạch rừng
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

Vũ Hân nghe lời và từ ấy thơ làm ra chỉ dành riêng cho lão đọc. Đọc thầm dưới bóng dừa, dưới bóng giây tiêu, trong miếu hoang, trên bãi vắng.. Đọc với nhau, chê khen với nhau, hễ thoáng thấy bóng người liền nít bặt. Lão nói bỡn cùng Vũ Hân:
-     Trên đời ăn và ngủ là hai cái thú. Nhưng cổ nhân dạy rằng chưa thú bằng ăn vụng và ngủ gật. Từ bé chí lớn chưa từng ăn vụng và ngủ gật, nên tôi chưa biết thú đến mức nào. Nay tôi khám phá được một cái thú mới: Đọc thơ bình thơ là một cái thú, song chưa thú bằng đọc trộm bình thơ lén như hai đứa mình.
Vũ Hân vỗ đùi cái đét, ngửa mặt lên cười:
-     Hay!
Một hôm gặp Vũ Hân ở Phù Cát, Vũ mừng rỡ mời lão:
-     Vào quán, tôi đãi anh.
-  Tiền đâu mà phung phí thế? Bán được thơ cho cơ quan Văn Hoá à? 
-     Bán tập thơ Hàn Mặc Tử cho một thằng bạn yêu sách cũ. Nó theo năn nỉ hoài. Nhân lúc túng tôi đành bán cho nó và tự an ủi rằng “nó giữ cũng như mình giữ”.
Đoạn đọc cho nghe bài thơ cảm tác:

XUÂN TÚNG BÁN THƠ HÀN MẶC TỬ
Ta bán tình ai dưới nắng đào
Tình ơi! đừng khóc chuyện xưa sau
Đổi thương nghĩ cũng tình đen bạc,
Nuốt lệ mà mua chén ngọt ngào.
Thôi đuổi cô sầu về dĩ vãng,
Đành cho độc mộng lại chiêm bao.
Giật mình hoa rụng xao lòng chén
Chẳng biết hồn hương lạc hướng nào!
Lúc ấy nghe đọc thơ đến câu:
Giật mình hoa rụng xao lòng chén
Chẳng biết hồn hương lạc hướng nào!

Lòng lão tự  nhiên cảm thấy bơ vơ lạnh lẽo. Rồi mỗi khi ngâm lại câu thơ, không cầm được nỗi thương kẻ còn người khuất, vì kẻ còn cũng như người khuất “chẳng biết hồn hương lạc hướng nào”!

VŨ HÂN là một nhà thơ thuộc lớp mới, nhưng ưa làm thơ thất ngôn bát cú. Nhiều câu có cách điệu Đường Thi, như câu kết hai bài thượng dẫn. Song thường thường Vũ Hân không thạo luật thi một cách chặt chẽ như phái thơ Cũ. Có người tưởng rằng họ Vũ không rành thi pháp. Lão cải chính:
-     Không phải thế. Chính Vũ Hân noi bước Vũ Hoàng chương tháo bỏ bớt những điều ràng buộc của người xưa, nhất là về sự đối trượng.
Trong tập Mây của Vũ Hoàng Chương có bài:

NGHE HÁT
Phách ngọt đàn say nêm khói êm
Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm
Canh khuya đưa khách lời gieo ngọc
Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm
Ai lạ nghìn thu xa tám cõi
Sen vàng như động phía châu liêm
Nao nao khói biếc hài thương nữ
Trở gối hoa lê rụng trắng thềm.
Thật ý vị!
Xem bài nầy và bài Nghẹn Bước của Vũ Hân thì thấy rõ thơ thất ngôn bát cú hà tất phải có đối mới hay.
Cổ nhân bày ra phép tắc luật lệ là cốt để điều khiển nguồn cảm hứng khỏi hỗn loạn vì quá tự do. Phải áp dụng một cách linh động. Nhiều khi phải quá bỏ qui tắc để theo hứng. Không phải đợi phong trào Thơ Mới nổi lên mới có người bỏ đối. Chính ở đời Đường là thời luật thơ phát xuất, thời các thi gia đua nhau tu luật cho thêm chỉnh đốn, mà vẫn có người không theo luật, có người nặng lời công kích. Thôi Hiệu làm bài Đăng Hoàng Hạc lâu, Lý Bạch làm bài Đăng Phượng Hoàng đài.. đều không theo đúng qui tắc ổn định. Và Hàn Sơn mà thơ nổi tiếng là cao nhã đã chê các thi nhân chú trọng niêm luật là bọn thong manh:
Ngã tiếu nị tác thi
Như  manh đồ vịnh nhật
Nghĩa là:
Ta cười ngươi làm thơ
Như đui vịnh mặt trời
Qua đời Tống, các thi gia áp dụng thi luật lại càng nghiêm nhặt hơn nữa. Do đó có ngừơi đã thốt câu “thi luật thương nghiêm tợ quả ân” nghĩa là “luật thi vì quá nghiêm mà làm thương tổn tánh tình như người ít hay thi ân đức”.
Giá trị của thơ vốn ở phong phú chớ không ở cách luật. Mà phong phú do tánh linh mà ra. Cho nên người hiểu rõ đạo làm thơ thì lo uẫn nhưỡng tâm tư, còn những kẻ tài kém mà hay khoe tài thì cứ  lo thôi xao từ điệu.
Lúc ở Liên  Khu V, lão thường đem ý ấy mà bàn cùng Vũ Hân. Cho nên thơ luật của họ Vũ ít câu nệ phép tắc, tình ý lui tới được thong dong. Lắm bài có biệt thú.
Thơ Lục bát của họ Vũ có phần lưu lợi hơn thơ luật. Những câu như:
Em đi bóng ngã lưng đồi
Ta nghe suốt hát bên trời xanh mơ
Thuyền ta ghé đổ ven bờ
Suối rung rinh nắng lững lờ không gian
                                            (Áng tóc chiều)

... Có về đâu đất Liêu Dương
Mà sao mây trắng vấn vương tình người?
Người đi nào, nệ trăng vơi
Đừơng sương trắng trẻo, ngày trời vẫn thanh.
Dặm thu hoa cỏ hiền lành
Nhuốm màu du tử nửa xanh nửa vàng
                                            (Đường thu)

Em tôi hồn mới dậy thì
Thơ tôi vừa mới chợp kỳ lên phương
Chấp tay tôi khấn mười phương
Gửi dùm thương nhớ cho nường phụ tôi.
                                            (Nhớ).
Vân vân …
Đều là những vần thanh lệ, hương vị không nồng nàn nhưng đượm đà, như mùi hoa ngọc anh.
“Áng tóc Chiều” có nhiều hình ảnh đẹp.
Trong “Đường Thu” có những chữ Liêu Dương, Du tử rất cổ. Song khéo sử dụng làm cho câu thơ trở nên mới mẻ cả ý lẫn lời. Đó là phiên trần xuất tân. (Lật lớp bụi cũ lên để bày cái mới ra)
Bài “Nhớ” câu cuối trước kia lão nghe đọc như trên. Nhưng trong Diễm Trang lại chép là “Gửi dùm thương nhớ cho nàng THƠ tôi
Câu cũ hay hơn.
Câu “Cho nàng thơ tôi” là trực tức ngay thẳng.
Câu “Cho nường phụ tôi” là khúc tức quanh co.
Cổ nhân dạy: “Làm người quí trực, làm văn làm thơ quí khúc”. Vì sao vậy? Vì ở đời khúc thì ra giả dối, còn văn thơ trực thì chẳng khác một dòng nước chảy thẳng băng xuống biển, trông không mấy đẹp mắt khoái lòng. Chớ nhìn một dòng nước chảy quanh co, thì thấy nhiều cảnh chồng lên nhau chỗ ẩn chỗ hiện, nhìn hoài thấy mới hoài, nhìn mãi không chán.
Nghe đọc “Gửi dùm thương nhớ cho nàng thơ tôi” thì không có gì phải thắc mắc phải suy nghĩ. Chớ “…cho nường phụ tôi” thì làm gì cũng khiến người đọc người nghe phải đặt ra nhiều câu hỏi:
-     Nường đã phụ mình sao mình còn thương nhớ?
-     Mà thương nhớ thì thương nhơ chớ gửi lòng mình đến mà làm chi vì đã phụ rồi thì cần chi đến lòng người bị phụ?
Vân vân…
Bao nhiêu câu hỏi ấy bấy nhiêu câu trả lời. Đúng ý tác giả càng hay, không đúng ý tác giả vẫn có lý thú.
Cho nên “Nường phụ tôi” quí giá hơn “ nàng Thơ tôi” là vậy đó.

Thưởng thêm một bài nữa:
TẠ TỪ
Gặp nhau đang độ mưa trưa
Lòng không ấm lắm, tình chưa lệ kiều.
Tạnh mưa trời bỗng đìu hiu
Gió đưa khăn gói sợ nhiều nhớ thương.
Nhớ nhau tuy chẳng đoạn trường
E chiều vàng võ bên đường liễu xanh
Thương nhau dệt mộng chưa thành
Thà hoen tay áo nghiêng mình tạ nhau
Thật dễ thương!
Thơ lục bát của Vũ Hân phần nhiều đều như thế cả.
Còn các thể khác không làm cho lão “phải lòng”.
Trong tập kịch GIẢNG SÁCH DƯỚI TRĂNG có hai bài thơ, một theo thể song thất lục bát, một theo thể cổ phong. Bài cổ phong có cốt cách một cây lão mai bên bờ suối, cành khẳng khiu rẵn rụi, trỗ lác đác vài đóa hoa tươi:

CUỒNG CA
Cõi trần điên! Vua Tần điên!
Oán cừu ngập cả núi sông Yên
Bốn trăm sáu chục hồn nho sỹ
Cuồng hận cười rung sóng cửa tuyền
Khói huyền!
Ngọn khói huyền!
Sự nghiệp thôi rồi! Bụi bút nghiên!
Một thuở thư sinh tàn mộng lớn,
Muôn đời Tần chủ nặng oan khiên
Đốt nữa lên! Đốt  nữa lên!
Đây trang thảm sử chép lưu truyền..
A phòng khoá kín nghe chăng nhĩ?
Lửa múa, ta cười,
Nguyệt mãn thiên.
Nguyệt mãn thiên! Khói mãn thiên!
Hàm Dương sừng sững mộ ngang hiên!
Đêm nay có kẻ nhìn pho sách
Nhớ buổi sơ khai, rợ khắp miền!

Thơ Vũ Hân còn nhiều bài chưa xuất bản, và thơ đã xuất bản rồi không được sức ủng hộ của các cơ quan ngôn luận, không được sự chiếu cố các nhà phê bình nên không được phổ biến sâu rộng.
Cầm mấy tác phẩm trên tay, nhìn người bạn “viễn phương lai” lòng tự nhiên sanh cảm khái, lão buột miệng ngâm bài ngũ tuyệt lão đã tặng biệt bạn về Hội An chữa bệnh, lúc còn ở Liên Khu V:
Mẹ già canh lửa đóm
Thân bệnh nẻo mưa thu
Muốn khóc không còn lệ
Lai giang lạnh khói mù