Trong vườn hoa thơ Bài 21-Thơ Vườn Xuân xa và Hoa Nắng


THƠ VƯỜN XUÂN XA VÀ HOA NẮNG

VƯỜN HOA THƠ mở ra để đón tất cả hương sắc bốn phương đưa đến, không phân mới cũ. Nhưng lâu nay chưng bày trên vườn phần nhiều là những thứ hoa nở trong địa hạt thơ Đường luật. Cho nên lắm bạn ngờ rằng lão giữ vườn nầy chủ trương phục cổ.
Những lời phân trần… không đủ làm cho các bạn ấy tin rằng trong lòng lão không có những con đê ngăn cách những giòng Thơ. Lão muốn mổ bụng ra cho các bạn xem, song tánh lão ưa hoà bình, không thích thấy đổ máu, lại sợ đau, nên đành phải tìm cách khác để chứng minh lòng không thiên vị: Giới thiệu cho nhiều thơ lối mới.
Cách nầy thật là giản tiện, song thật là khó khăn! Bởi vì trong bao nhiêu bó hoa thơ các bạn thân yêu gởi đến, phần nhiều chưa đúng kỳ hái mà đã vội hái, năm ba đoá màu sắc dễ coi song lại thiếu hương vị, một vài đóa có nhiều ít hương vị lại màu sắc không được xinh tươi…
Đương cơn lúng túng thì lão tiếp đặng mấy bó hoa của một ông bạn thơ trẻ tuổi, từ Ba Lê gởi về: Thơ của THI VŨ. Lão xem qua một lượt…, rồi thì một tiếng khoan khoái và vội vàng giới thiệu cùng các bạn thân mến của Vườn Hoa Thơ.
 Thi Vũ, hiện ở Pháp. Thân tuy ở tha phương nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về Tổ Quốc: Ở nơi quê hương, một nơi phồn hoa đô hội mà văn chương phơi bày nghìn sắc muôn hương, ông vẫn chăm rèn luyện quốc âm, và thương gởi tác phẩm về đăng ở các báo chí, nhất là ở Liên Hoa nguyệt san Huế. Ông đã hoàn thành được hai tập thơ Mùa Xuân Xa và Hoa Nắng.
Những hoa thơ ông gởi về cho lão phần nhiều trích ở hai tập kia và một số mới sáng tác. Ông bảo:
Một vài cánh hoa dại đơn sơ và bé nhỏ, hái trên những đường nắng xin đem tặng người mười phương…
Vườn mọi người đã thơm lừng chục giống danh hoa, trăm màu nghìn vẻ.
Đem Hoa Nắng đến phải chăng định tráo trở vàng, đồng? Quyết rằng không! Biết chăng sao bì kịp với gót mây hương, với bao tà lụa sắc kia… chỉ vì thấy vườn hoa nào cũng trải vàng thảm cỏ cho mát bước chân đi và phủ nền đất bụi.
Lòng bỗng thôi e dè: biết đâu trong số người chơi hoa đông đảo kia lại chẳng có vài tâm hồn thích đôi chồi Hoa Nắng dại để rải lên các đệm cỏ kia.
Tâm trí tạm yên để trình dâng chút sắc nõn hoa trời
(Lời thưa trước - Hoa Nắng)
Ông lại bảo tác phẩm của ông “như chiếc thuyền trôi trên sông, chở chút gió, chút nắng, chút hơi mây, hương sông.., chở một mẩu không gian bé tí, hạn định của Đại Thể bao la, không cùng, cứ thế trôi đi, bình lặng trước mọi ồn ào của biến chuyển bởi như đã biết rồi, sẽ đến ngày về biển sáng đầu vòm trời” (Mùa Xuân Xa).
Đó là những lời tâm sự ngỏ cùng những ai là tri âm.
Ai tri âm đó hãy cùng lão vào vườn thơ để thưởng thức những đóa hoa lão đã lựa trong những bó mà lão ưa thích nhất, đây:

ĐỘC MÃ
Trời hương sực tỉnh sương thu rụng
Mai mốt thôi còn ý lá rung…
Nhớ đã se tim đường lữ thứ
Một mình đem vó đọ mông lung!
(X/6I)

THƯƠNG HỜ
Mùa thu đổ hoàng hôn lên mái lá
Dấu chân hè mất dạng dưới sương sa
Buồn không biết cùng ai nói
Mắt lặng thương hờ đóm lửa xa.
(X/6I)

Bài Bát ngôn cũng như bài Thất ngôn, âm tiết và khí vị phảng phất Đường Thi.
Bài HỒ ĐIỆP sau đây:
Hồ điệp lượn đầy vòng quyến luyến
Rồi một đêm thôi quyến luyến ngọn đèn
Hạ mình trên mắt gỗ
Trông hoàng lạp múa men.
                               (Mùa xuân xa)
Cả lời lẫn ý đều mới, đọc lên lão có cảm giác đọc một bài thơ Nhật Bản lối Tanka hay Haikai.
Những bài trên đây đều có “tiếng đàn ở ngoài giây tơ”, đừng đọc trong nơi ồn ào, trong lúc chộn rộn, thì mới hưởng trọn ý vị thanh tao.

THI VŨ thiên về lối thơ không vần. Những bài có vần chỉ rải rác trong số thơ lão nhận được.
Lắm người không chấp nhận lối thơ không vần. Họ bảo “Thơ khác văn ở vần, mà không vần không thể gọi là thơ”. Nói thế là lầm to: Vận văn mới khác tản văn ở vần, chớ Thơ khác văn ở chỗ “trong Thơ có thơ, trong văn không có thơ”. Vần chỉ giúp cho người làm thơ dễ tạo âm nhạc mà thôi. Nếu bỏ vần đi mà âm nhạc câu thơ vẫn dồi dào thì mới thật là xuất chúng. Kìa như Kinh Phật, các bạn ai chưa đọc thử đọc xem, có cần chi vần mà thật đầy thơ đầy nhạc.

THI VŨ vốn là một Phật tử, có lẽ ông đã nhận thấy chỗ kỳ diệu của văn chương trong Kinh và muốn nương theo bút pháp của hai ngài TRẦN HUYỀN TRANG và CƯU MA LA THẬP? Có lẽ đúng hơn là ông đã chịu ảnh hưởng phong trào văn học hiện đại của nước Pháp như một số thi nhân bên Việt Nam, các nhà thơ Tự Do.
Theo qui luật của người xưa đặt ra, học lấy bút pháp của những tay cự phách đương thời, hoặc tự tạo ra những nguyên tác để theo, điều đó không quan trọng. Điều tối quan trọng đối với kẻ làm thơ là làm thế nào cho thơ mình nhập diệu.
Vậy chúng ta thử xem thơ không vần của ông THI VŨ còn ở xa hay đã đến gần diệu xứ? Lão xin đưa ra đây một ít bài trong những bài lão đã đọc kỹ:

ĐỢI
Lá úa trở về như đàn bướm
Cuối mùa xuân lảo đảo bay tìm
Ngày đâu hoa phong nhuỵ bừng tươi
Cũng như thu tâm hồn tôi đến tuổi
Màu xanh rụng để cành trơ chịu đựng
Trái chưa mùi nắng hạ đã đi xa
Dáng hanh thu không ráo đủ sương tà
Cũng như lá tâm hồn tôi lưu lạc
Nát trong bùn cầu gặp ít mầm xanh
Như muôn cây đương vươn thẳng ngọn cành
Tôi đứng đợi mặt trời lên chân biển
Để lòng quên đôi cảm giác cô đơn

Bài nầy từ điệu còn theo lối bát ngôn thời Tiền Chiến, và còn chen một ít câu có vần với nhau. Thi Vũ có nhiều bài hoàn toàn không vần và thể cách có phần mới mẻ. Như:
NHƯ Ý
Những chùm nắng
Lìa xa bến trăng
Chở vào không gian thành nho tươi óng
Sáng tằm tơ vàng rực ướp hương lòng
Nỗi buồn đời
Đã có hơi tăm
Giọng cười ngọt ngào xôn xao trao ướm
Tâm hồn đầy vạn dáng mắt tơ ươm
Đường tinh tú
Cửa mây thu
Gót hài cài sao băng từng vĩnh viễn
Chiều triền miên cuối chầu triều thiên
Ta trả ta về ngọn sóng xuân xa

Trong một bức thư gởi cho lão, tác giả cho biết rằng thể thơ này là thể thơ mà tác giả “nhận thấy rất thoải mái để ghi đúng tâm tư cùng ý tứ của mình”
Các bạn thấy hai bài ấy như sao?
Theo lão thì cả hai, tứ mới, có nhiều câu hay. Song đọc nghe chưa thật khoái tâm khoái khẩu.
-      Vì sao vậy?
-      Trong nghệ thuật làm thơ, kỹ thuật hoà hài quan trọng thứ nhất. Âm hưởng phải quán thông, phải du trường, tiết tấu phải luôn biến đổi, nhưng trên dưới phải hoà hợp, trước sau phải liên tục, thì lời thơ mới đạt cảm và truyền cảm sâu xa.
Hai bài thơ trên, lão nhận thấy nhạc thơ điều hoà chưa được khéo. Đọc từng câu từng đoạn thì êm ái nhịp nhàng. Song đọc toàn bài, nhất là đọc một hơi, còn gặp nhiều cho gập ghềnh ngượng ngập, không nhất khí quán hạ, nên không đủ sức lôi cuốn lòng người đọc và gây nhiều hứng thú cho người nghe, nhất là những người cũ kỹ như lão.
Lối thơ không vần, thơ Tự Do, hiện đương ở trong thời kỳ xây dựng. Phải đợi một thời gian kinh nghiệm để rút những ưu khuyết điểm, đặt thành nguyên tắc chung, thì người làm thơ mới thấy rõ con đường đi đến chỗ tuyệt đỉnh, và người phê bình mới có chỗ đứng vững chân.
Nhưng đối với THI VŨ, một nhà thơ trẻ tuổi “luôn luôn tìm tòi một thể thức diễn đạt mới mẻ để làm giàu cho văn học...”, một nhà thơ biết tự trọng nhưng không tự ái, luôn luôn vui vẻ đón tiếp những lời khen chê vì, như ông đã nói “Quả nào muốn trở chín lại không qua mùa xanh? Lại không cần bàn tay của thiên nhiên hay người làm vườn vun vén”, lão không ngần ngại phát biểu ý kiến, mặc dù lão chưa nghiên cứu kỹ về lối Thơ không vần. Huống nữa phát biểu ý kiến như thế may ra có đúng thì sẽ giúp ích cho ông bạn vong niên THI VŨ phần nào, bằng rủi mà sai thì sẽ được các bậc cao minh chỉ giáo. Nói đúng thì có lợi cho người, nói sai thì có lợi cho mình. Như thế lão sợ gì mà không nói chứ.
Thơ Thi Vũ gởi cho lão khá nhiều. Những bài lão đã trình bày đó là những bài lão thích, và lão còn thích nhiều bài khác, nhưng không tiện trình bày hết ra đây, vì còn để thì giờ giới thiệu cùng quí bạn, một loại thơ khác của Thi Vũ: Loại Thơ Tản Văn.
Về loại nầy, có thể mạnh dạng nói rằng tác giả đã thành công trong nhiều bài. Ví dụ:
LÒNG THẲM GIẾNG
Giếng ngọt , tình thơm… Ngại chi mưa chiều nước lũ! Mắt chúng ta là những vì sao sáng thắp bởi ngọn đèn hồn. Những vì sao của những vì sao trên trời, của trời sao đêm găm đầy mái tóc giếng.
Nghiêng mình em nhìn xem lòng thẳm giếng, em sẽ thấy cõi vô cùng bàng bạc ở thẳm sâu.
Hoa rụng tròn dư ba. Mặt nước gương sẽ lại vẹn toàn phản chiếu.
Tội chi ủ dột lòng nước sóng. Tiếng chân đêm gánh sao về lóng lánh. Giọng hồ ngày rực rỡ mở đời ra. Một vài thoáng heo may làm sao giá buốt được cõi đời?
Nghiêng mình em nhìn xem lòng thẳm giếng!
Đó là cái nhìn tận trong thăm thẳm của tâm tư. Cái nhìn của con người có đời sống bên trong dồi dào và sâu sắc, đã nhận thức được cái Đẹp vô biên và bất biến của Chơn Tâm”.
Lời dịu, ý thâm, vị thơ thanh đạm nhưng thấm thía.
Tập HOA NẮNG của THI VŨ gồm hầu hết thơ Tản Văn, và thơ Tản Văn trong Hoa Nắng phần nhiều đều đáng yêu và dễ yêu như Lòng Thẳm Giếng.
Để quí bạn thưởng thức thêm thi tài của tác giả Hoa Nắng lão xin đưa ra một bài nữa:
TRĂNG
Trăng đêm nay sáng, nền trời thẩm đen xanh ánh ngọc thạch.
Chỉ một tí chút vòng cung, song án ngự tất cả vòm cao. Vẻ sáng không chói loá mà trong vắt, mát dịu và hiền.
Trăng không cần lớn như vòm trời
Trăng không thích bé như những vì sao.
Trăng vừa vặn trong toàn vẹn hồn nhiên thanh thoát.
Chốc chốc thoáng qua chút mây che, nhưng rồi mây tan biến như hơi nước, để ta thấy rõ hơn màu ngọc trai ánh nước, điềm đạm hiện giữa vòm cao.
Những vì sao quần tụ và tản mát nói lao xao cho nhau nghe về người chị yêu dấu đang vỗ về bóng tối…

Trăng - trăng vừa vặn trong toàn vẹn và hồn nhiên thánh thoát kia có phải bóng dáng của Bản Thể thanh tịnh và nhiệm mầu?
Thật là đẹp và nên thơ!
Nếu Hàn Mặc Tử còn sống, sẽ tìm đến vỗ vào đùi lão mà bảo:
-      Uống vào thật ngọt lịm cả hàm răng!
Thơ Tản Văn không phải mới. Trước Thi Vũ đã có Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Hai tập Phấn Thông Vàng và Vàng Sao cùng Cai Lửa là những tập Thơ Tản văn rất có giá trị. Nhưng ngót vào mươi năm nay chưa có tập nào kế túc. Tập Hoa Nắng của Thi Vũ ra đời chẳng những bổ túc cho chỗ khuyết kia, mà còn đưa vào làng Thơ một khí vị thanh thoát và mới mẻ.
Thi Vũ còn đợi gì mà không cho Hoa Nắng ra mắt bạn mười phương? (1)
Lão chưa được gặp Thi Vũ. Song qua những bức thư và những thi phẩm gởi cho lão, lão nhận thấy bạn là một nhà thơ có tâm hồn phong phú, có văn thái phong lưu, và rất dày công học hỏi tu luyện. Những tác phẩm đã hoàn thành kia mới là bước đầu trên đường văn nghệ. Thế mà đã có nhiều đặc điểm như thế, thì với tuổi trẻ, với tài năng, với công phu học tập, Thi Vũ sẽ xây dựng nên một sự nghiệp văn chương cao lớn và vững vàng (2)
Giới thiệu THI VŨ, lão có hai điều vui sướng:
-      Được đưa ra vườn thơ yêu quí của chúng ta, một khóm hoa lạ mới trổ hương và đầy nhựa sống, chưa từng lọt vào mắt của những khách tìm hoa.
-      Được quí bạn thân yêu tin rằng lão tuy lù khù lọm khọm, nhưng bụng dạ không đến nỗi chỉ chứa toàn những gạch bể đá nát của nghìn xưa, như lòng các ngọn tháp Chàm rêu đóng.
Nghĩ vậy, lão đắc ý vuốt râu ngâm to rằng:
Mạc hiềm lão phố thu dung đạm
Do hưu hoàng hoa vãn tiết hương.
_____________________________________________________________________
(1) Lúc viết bài này (1960) Hoa Nắng chưa xuất bản. Hoa Nắng vừa xuất bản đầu năm 1970.
(2) Bài này viết năm 1960. Trong mấy năm nay thi đàn của THI VŨ lên cao và thơ Thi Vũ sáng tác được nhiều tác phẩm giá trị. Có dịp sẽ nói cặn kẽ. Bài này trước viết sao nay giữ y vậy để làm kỷ niệm.