Trong vườn hoa thơ Bài 09-Thơ xuân vườn cũ


THƠ XUÂN VƯỜN CŨ
Tặng Nguyễn Đồng.

Hoa là thơ của Đất. Thơ là hoa của Người. Mà Thơ cũng như Hoa đều thích khí ôn cho nên:
Năm năm, mỗi lần xuân đến thì Thơ cũng như hoa đua nhau nở khắp thành thị, thôn quê. Nhưng hầu hết là thơ mới làm, hoa mới sanh. Ngắm những cái mới quá nhiều, hẳn cũng có bạn muốn tìm thú vị trong cái cũ. Nghĩ vậy nên lão lục ra đây đôi vần hoa thơ nở trong những mùa xuân từ thuở trước, để hiến cho những ai ưng tìm mới trong xưa.
Cổ nhân thường nói rằng:
-      Đường thi, Tấn tự, Hán văn chương, nhân gian tuyệt phẩm.
Nghĩa là: Thơ đời nhà Đường, chữ đời nhà Tấn, văn chương đời nhà Hán, đó là những nghệ phẩm tuyệt diệu trong thế gian.
Cho nên nói đến hoa thơ thì trước hết phải nói đến giai phẩm của Đường nhân vậy.
Đây xin giới thiệu một bài của TÔ ĐĨNH đời Thịnh Đường, nhan đề là XUÂN NHẬT HẠNH VỌNG XUÂN CUNG, nghĩa là Ngày Xuân vua du hành cung Vọng Xuân:
Xuân vọng Vọng Xuân xuân khả liên,
Cánh phùng tình nhật liễu hàm yên.
Cung trung hạ kiến Nam sơn tận.
Thành thượng bình lâm Bắc đẩu huyền.
Tế thảo thiên thừa hồi liễn xứ,
Phi ba cổ lạc võ trường tiền.
Thần du đối thử hoan vô cực,
Điểu rộng ca thanh tạp quản huyền.
Tạm dịch:
Nhìn xuống Vọng Xuân xuân đáng yêu
Ngày xanh quyến liễu khói lồng theo.
Trập trùng cung dưới Nam sơn dựng,
Vòi vọi thành ngang Bắc đẩu treo.
Đoanh dấu xe loan làn cỏ mướt,
Lồng chung rượu thọ cánh hoa gieo.
Ngự chơi cảnh ấy vui khôn xiết,
Chim hoạ đàn ca tiếng dập dìu.

Đó là chút tình xuân trước cảnh thái bình thạnh trị. Văn chương trang nhã đài các. Tuy không có câu nào nói đến cái TA, nhưnh khách xem thơ cũng nhận biết được tác giả là người ở trong cảnh đắc ý.
Con người đắc ý càng tăng. Trái lại, đối với những người gặp cảnh bất như ý, thì cái vẻ tươi thắm ở bên ngoài chỉ đồ thêm nỗi chua chán ở bên trong cho đậm nét. Như  BẠCH CƯ DỊ, lúc bị trích nơi Giang Châu, đối Xuân có bài:

XUÂN GIANG
Viêm lương hôn hiểu khổ suy thiên
Bất giác Trang châu dĩ nhị niên.
Hải các chỉ thinh triêu mộ cổ
Thương lâu không vọng vãng lai thuyền.
Oanh thanh dục dẫn lai ba hạ
Thảo sắc câu lưu toạ thuỷ biên
Duy hữu xuân giang khan bất yểm:
Oanh sa nhiễu thạch lục sàn viên.
Tạm dịch:
Lần thâu nóng lạnh tối rồi mai,
Quên lửng Trung Châu năm đã hai,
Bên gác sớm hôm hồi trống vọng,
Trước lầu qua lại bóng thuyền ai?
Tiếng oanh rủ hứng đường hoa tới,
Sắc cỏ cầm chân bến lục ngồi.
Chỉ có sông Xuân nhìn chẳng chán:
Quẩn quanh sỏi đá cuốn dòng trôi.

Không nói chi đến nỗi buồn của lòng, mà không khí đìu hiu quạnh quẽ tràn ngập cả bài thơ. Nỗi buồn thương phát hiện nơi tiếng trống bóng thuyền, niềm nhớ thương che dấu dưới lời oanh sắc cỏ! Câu kết nghe như an nhàn tự tại, nhưng xét kỹ thì là 1 cách cố gắng làm vui, 1 lời nói để tự an ủi.
Vị buồn trong thơ dịu dàng nhưng thấm thía!
Và đó là lòng buồn của người tha hương.
Sự phải xa quê của họ Bạch là sự bắt buộc, ngoài ý muốn của mình, nên thấy xuân mà buồn, buồn cho thân phận, buồn cho hoàn cảnh. Như thế buồn đã đành. Có nhiều người đi chơi xa, lòng chưa muốn về, mà thấy xuân cũng đâm ra buồn bã. Như THÔI ĐỖ là một.

Họ THÔI có bài XUÂN TỊCH LỮ HOÀI rằng:
Thuỷ lưu ba tạ lưỡng vô tình
Tống tận đông phong quá Sở thành.
Hồ điệp mộng trung gia vạn lý,
Đỗ quyên chi thượng nguyệt tam canh.
Cố viên thơ động kinh niên tuyệt,
Ba phát xuân thôi mãn kính sanh.
Tự thị bất qui tiên đắc,
Ngũ Hồ yên cảnh hữu thuỳ tranh.
Tạm dịch:
Nước trôi hoa rụng thảy vô tình,
Đưa ngọn đông phong khuất Sở thành.
Giấc bướm não nề quê vạn dặm,
Nhành quyên da diết nguyệt ba canh.
Năm mòn mõi mắt tin nhà vắng,
Hoa ngập trùng gương mái tóc sanh.
Lòng chửa muốn về về ắt đặng,
Năm hồ khói sóng có ai tranh.
Nỗi buồn thật đượm đà, cảnh buồn thật đẹp đẽ. Đó là 1 bức tranh sầu đầy âm nhạc, 1 khúc nhạc sầu đầy màu sắc. Người thưởng thức cảm thấy 1 mối buồn đậm nhưng trong, nhẹ nhưng thấm, chậm chậm đi sầu vào đáy hồn.
Một mối buồn thú vị.
Và trong chỗ buồn lại có chỗ tự đắc:
Lòng chửa muốn về về ắc được,
Năm hồ khói sóng có ai tranh.
Một chút tự đắc thanh cao của con người phong lưu tài tử.
Nhưng cũng có lắm lúc kẻ phong lưu tài tử không còn có thể tự đắc được ! Đó là những lúc tấm thân bị cơ hàn làm luỵ.
Thi nhân ấy, vì sanh kế phải lưu lạc quê người, nhân buồn đề vào vách trọ đất Lương Hương 1 luật rằng:
Mãn địa du tiền mạc liệu bần,
Thuỳ dương nan hệ chuyển bồng thân!
Ly hoài vị ẩm thường như tuý;
Khách để vô ba bất toán xuân.
Dục ngữ tánh tình tư cốt nhục,
Ngẫu đàm sơn thuỷ hối phong trần!
Mưu sanh tiêu tận luân đề thiết,
Du giữ thành đô mại bốc nhân.
Tạm dịch:
Tiền xanh khôn chữa được nghèo (1),
Liễu xanh khó buộc thân bèo nổi trôi.
Lòng quê chẳng rượu, say hoài !
Quán không hoa nở xui người quên xuân.
Hồn thơ lịu địu phong trần,
Thương câu cốt nhục ngại vần nước non,
Mưu sinh đôi bánh xe mòn,
Thua anh thầy bói khoanh tròn thành đô.
Xuân đến mà không đoán biết được xuân! Bảo rằng vì tại đất khách không hoa, nhưng sự thật là giả lơ để cho đỡ buồn đỡ tủi! Đau đớn quá! Những ai đã từng sống trong cảnh buồn tủi âm thầm mới thông cảm nỗi lòng đau đớn ấy!

VIÊN TỬ TÀI, một thi bá đời Thanh, trông thấy bài thơ, cảm động, hoạ vận chép nơi vách, và chép bài nguyên xướng vào thi cảo của mình. Nhưng vì dưới bài thơ đề bích chỉ ghi hai chữ Hoàng Thôn, là biệt hiệu của tác giả, nên Tử Tài không đoán biết được là ai. Quyết tâm tìm cho được tác giả, Tử Tài đi đến đâu hỏi thăm đến đó.
Ba mươi năm sau Tử Tài gặp quan An sát đất Giang Nam là LAO TÔN PHÁT. Lao công nói rằng:
-      Lúc ta làm quan tể tướng đất Lương Hương, thấy trên vách quán có hai bài thơ rất hay. Chủ quán muốn đập vách để xây lại. Ta tiếc bút tích của kẻ tài ba, mới chép hai bài thơ ấy đem trình quan chế phủ và xin quan ra lệnh cho tên chủ quán đừng phá vách. Quan chế phủ rất tán thương hai bài thơ, nên chuẩn y lời ta. Nhờ vậy mà còn chút di tích văn chương. Nhưng riêng tiếc là chưa được biết tác giả của hai giai phẩm ấy.
Nói đoạn vào mở rương lấy hai bài thơ đem cho Tử Tài xem, thì đó là bài xướng của Hoàng Thôn và bài hoạ của Viên. Chủ khách nhìn nhau cả cười, nhưng cả hai đều than là chưa tìm ra tung tích của Hoàng Thôn.
Cách mấy năm sau, tình cờ Tử Tài gặp Hoàng Thôn tại núi Lương Diêu, mới biết là họ ĐÀO tên NGUYÊN TẢO. Tử Tài kể lại câu chuyện đất Lương Hương, NGUYÊN TẢO mừng rằng mình được ba người tri kỉ (2).
Lòng buồn tả ra thơ mà được người biết đến, thì thật là vạn hạnh. Cuộc đời lưu lạc của Hoàng Thôn như thế, dù có khổ sở đến đâu, cũng đã được bù đáp xứng đáng. Không được bù đáp chút mảy may, như trường hợp Lê Cảnh Tuân, mới thật là tội nghiệp!

LÊ CẢNH TUÂN, người đời nhà Trần. Khi quân Minh sang diệt nhà Hồ rồi chiếm cứ Việt Nam ta, thì Lê Cảnh Tuân lo mưu đánh đuổi quân Minh lùng bắt, Cảnh Tuân phải đi lánh nạn phương xa. Trong khi lữ thứ, nhân lúc xuân về, có bài KHUYÊN NHẬT rằng:
Lữ quán khách nhưng tại
Khứ niên xuân hựu lai
Qui kỳ hà nhật thị ?
Lão tận cố viên mai!
Nghĩa là:
Quê người khách mãi còn đây,
Xuân sang năm ngoái năm này lại sang
Ngày về ? Đâu biết mà toan!
Vườn xưa luống để mai tàn hết xuân!

Thật là não nuột! Thật là chua xót! Câu  “Lão tận cố viên mai” thật chan chứa tình nhớ thương đối với quê hương không người chăm sóc, và thổ lộ tất cả niềm đau đớn cho tấm thân phải chịu mòn mỏi với chí phục thù!
Văn chương tự nhiên, nhưng ý tứ vừa thâm vừa thiết! Đó là tấc lòng gởi vào thiên cổ, người hữu tâm đọc đến, ai mà không động tâm? (3)
Lê Cảnh Tuân, cũng như  Đào Nguyên Tảo, Thôi Đỗ, Bạch Cư Dị…, vì có tâm sự, nên trông xuân mà buồn. Còn Tô Đĩnh là người gặp cảnh thuận, cũng như những  người gặp cảnh thuận khác, thấy xuân vui càng thêm vui. Cho nên đứng trước cảnh xuân, lòng người vui hay buồn đều do cảnh ngộ. Mà người vui xuân cũng như người buồn xuân, thảy đều chỉ thấy xuân trong nột mùa: mùa xuân.
Lúc nào cũng cui xuân, mùa nào cũng thấy có xuân, chỉ có những người đã giác ngộ, như các thiền sư đời Lý đời Trần… chẳng hạn. Các ngài có nhiều bài thơ xuân tuyệt diệu. Như:
Dương liễu thâm điểu ngữ trì,
Hoa đường thiềm ảnh mộ vạn phi..
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Chỉ bạng lan can khán thuý vi.
Đó là bài thơ tức cảnh của một nhà sư phái Trúc Lâm đời Trần, 
Tạm dịch là:
Dương liễu đầy hoa
Dịu dàng chim ca.
Thềm hoa ánh nguyệt
Mây chiều bay qua.
Khách tìm đến chơi
Hỏi chi việc đời
Lan can đứng tựa
Ung dung nhìn trời.
Thật là thanh thoát! Thật là đầy thi vị lẫn đạo vị!
Mà muốn đạo vị trong những bài thơ đầy thi vị của các thiền sư đắc đạo đời Lý , Trần…, thiết tưởng cũng nên biết qua thế nào là Xuân theo tinh thần giác ngộ.
Trong Kinh Pháp Hoa có câu rằng:
Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng.
Nghĩa là “Tất cả các hiện tượng và các loài hữu tình cùng vô hình trong vũ trụ (chư pháp), xưa nay vốn tồn tại trong bản thể tịch diệt”.
Một thiền sư giác ngộ, tập thêm hai câu nữa rằng:
Xuân đáo bách ba khai,
Hoàng oanh đề liễu thượng.
Ý nói: “Xuân kia là hình bóng của bản thể tuỳ duyên mà hiểu hiện ra hoa thắm, liễu biếc, oanh vàng…”

Như thế, XUÂN theo tinh thần giác ngộ, là cái ĐẸP bất diệt, cái ĐẸP thường trú của Bản thể, tức là của Pháp Thân, tức là của Chân Tâm, tức là của Chân Như vậy.
Cái ĐẸP ấy, lời nói không thể diễn tả, chỉ tự mình thể hội lấy mà thôi:
Chỉ bạng lan can khán thuý vi.
Muốn thể hội được cái ĐẸP thường trú, cái ĐẸP bất hiến kia, thì phải nhìn sâu vào hiện tượng trước mắt để đạt đến Bản Thể nhiệm mầu. Khi đã đạt đến rồi, thì cái ĐẸP hiện ra ở mọi hình thức trong vũ trụ: Lúc nào ta cũng thấy Xuân, nơi nào ta cũng gặp Xuân.
Ngài Giác Hoàng Điều Ngự đời Trần, có bài thơ rằng:
Niên thiếu hà tằng hiểu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách ba trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.
Tạm dịch:
Tuổi trẻ mô hồ lẽ sắc không,
Vui xuân lòng gởi khoảng trăm bông.
Chúa Đông rày đã tầng quen mặt,
Thong thả ngồi xem nhánh rụng hồng.
Lúc chưa rõ bản lai diện mục của Xuân, thì chỉ thấy xuân trong thời hoa nở, nghĩa là chỉ nhận thấy cái Đẹp trong mùa xuân. Đến khi đã chứng ngộ Bản thể rồi, thì trông thấy xuân cả trong thời hoa rụng, nghĩa là nhìn thấy cái Đẹp ở cả ngoài mùa xuân, bỡi vì cái Đẹp của Pháp Thân tồn tại qua thời gian và tràn khắp mọi không gian.

VIÊN CHIẾU thiền sư đời Lý, nhìn thấy Xuân trong còi luồn qua khóm trúc, trông thấy cái Đẹp ở trong bóng núi đeo trăng vượt khỏi bức tường:
Giốc hưởng tùng phong xuyên trúc đáo,
Sơn nham đái nguyệt quá tương lai.
Thiền sư còn trông thấy xuân, trông thấy Đẹp ở trong trong những giọt mưa rơi rụng khoảng hoa ngàn, ở trong tiếng gió thoảng đưa nơi sân trúc:
Vũ trích nham hoa: Thần nữ lệ,
Phong xao đình trúc: Bá Nha cầm.
Và Ngộ An thiền sư (cũng đời Lý) nhận thấy xuân cả trong nơi than hừng lửa cháy. Thiền sư có câu:
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
Liên phát lô trung thấp vị càn.
Nghĩa là:
   Ngọc cháy đầu non không đổi chất,
Sen sanh trong lửa vẫn tươi màu.
Ngọc cháy đầu non, sen sanh trong lửa” là Xuân là Đẹp, là hình bóng của Bản Thể thanh tịnh, là chân tướng của Pháp Thân bất diệt, nằm dưới những hiện tượng xấu xa do ác nghiệp cấu tạo. Nhưng một khi đã “khám phá Đông Hoàng diện” rồi, thì chất trong của ngọc, màu tươi của sen, cái Đẹp của Pháp Thân, cái Xuân của Bản Thể vẫn hiển hiện ra trước mắt trong mọi lúc ở mọi nơi.
Cho nên một nhà thơ đã hiểu được lẽ sắc không, thì ở trong hoàn cảnh nào cũng trong thấy cái Đẹp, ở trong cảnh ngộ nào cũng thấy an nhàn tự tại mà vui hưởng cái Xuân, cái ĐẸP bất diệt bất biến của Pháp Thân, cái xuân thường tồ thường trú của Bản Thể. Khi ấy những bài thơ viết ra đều đượm sắc xuân, và thơ Xuân không phải đợi mùa xuân của thế gian về mới nảy nở./.
__________________________________________
(1)   Du tiền: 1 thứ cúc bông tròn như đồng tiền điếu.
(2)   Chuyện nầy lấy ở Tuỳ Viên Thi Thoại.
(3) Đã nói ở bài “ Dưới mai là thơ” ở đây nhân hợp cảnh hợp tình nên nhắc lại.