Trong vườn hoa thơ Bài 16-Tiếp khách hoa thơ[1]


TIẾP KHÁCH HOA THƠ [1]

(Bài này dài đến 16 trang A4, gồm 15 tiểu mục. Xin chia làm nhiều kỳ vì nếu để nguyên bài thì rất khó đọc)

 1.

Năm Canh Tý này (1960) chắc Vườn Hoa Thơ tươi thắm hơn năm Kỷ Hợi. Vì mới sáng mồng một, trời vừa rạng đông, một cảnh rạng đông đẹp như một cô gái xuân vừa trang điểm xong để đi dự dạ hội, thì mấy bạn nga my thân mến của Vườn đến mừng năm mới.
Cô nào cũng tươi như cảnh trời nguyên đán.
Và mỗi cô tặng cho Vườn một bó hoa xuân.
Lão trân trọng lựa trong mỗi bó một nhánh đẹp nhất đem ra chưng nơi vườn.
Đây là hoa của Ỷ Hương:
Sương bạch mai nở ngọc
Hương kim cúc lay vàng
Tường Vi giấc ngủ mơ màng
Gió xuân phảng phất thơm tràn tứ thơ.

Cũng theo thể thi ca liên hành, Thanh Ngọc tỉa nên mấy vận cũng đủ thanh sắc vị như Ỷ Hương:
Mành liễu xuân chỉ lục
Anh nắng sớm tơ vàng
Thoi oanh gió đẩy nhịp nhàng
Dệt thành bức gấm dịu dàng hương thơ.
Hai tác giả đặt tên cho Hoa là “Tứ Xuân”.
Lão khen:
-Tứ Xuân như thế thật là xuân mà cũng thật tình tứ.
Mộng Liễu vỗ tay reo:
-Hai chị được Lão vườn khen đầu năm, chắc năm nay gặp nhiều may mắn.
Hương và Ngọc đồng thanh:
-Chị Mộng Liễu chưa chi đã phân bì. Lão vườn đã “bế mạc” cuộc khen đâu.
Lão gật đầu biểu đồng rồi cắm nhánh hoa của Mộng Liễu vào bình và nói:
Ba cô có hẹn với nhau hay sao mà cùng dùng một thể thơ?
Tơ sương dệt cỏ
Đài sáp châm hương
Ngập ngừng trăng thẹn dáng gương
Hoa lê điểm giọt nhớ thương canh chầy.
Ỷ Hương nói: - Không hẹn mà gặp. Bài cháu và bài Thanh Ngọc, cách điệu không giống hẳn nhau, mà tình tứ cũng phảng phất. Không bằng bài chị Liễu riêng hiếm một phương phải chăng Lão Vườn?
- Mỗi người một vẻ. Hai cô là hai cành hoa cẩm nhung “bất tri sầu”. Còn Mộng Liễu là nhánh thược dược “Hàm xuân lệ”. Mai Phi và Dương Phi, Tây Thi và Trịnh Đán. Không thể bảo người này hơn hay người kia hơn. Hơn hay kém là do chủ quan của Đường Minh Hoàng và Ngô Phù Sai đó thôi.
Thanh Ngọc:
Lão Vườn thử làm vua Đường, vua Ngô xem sao.
Sắp cỡi hạc theo Hà Tiên Cô rồi, lại không sẵn thành sẵn nước, nên lão không muốn đem Vườn Hoa Thơ đổi lấy ngôi vàng. Vậy để lão lựa thêm đôi vận hương nữa cho vườn thơ thêm xuân sắc:

BỨC HOA THƠ
Thoi oanh tơ liễu dệt thiều quang
Thành bức hoa thơ gởi tặng chàng
Xuân mộng dẫu khi thành cựu mộng
Ngấn hương còn đọng giấc mai trang.

Mộng Liễu hỏi: -  Của ai thế?
Lão ngạc nhiên:
-Các cô chưa trao hoa cho nhau xem sao?
Ỷ Hương đáp:
-Vì lòng quí trọng Lão Vườn, đâu dám để người khác xem trước.
Chủ nhân “Bức Hoa Thơ” mỉm cười biểu đồng cùng Ỷ Hương và thầm ngỏ ý bảo lão đừng nói tên. Lão nói:
-Tác giả đã kín đáo kết biểu tự của mình ở câu khai câu thừa, và gói ghém một cách khéo léo tâm sự mình ở câu chuyển câu hiệp. Chị em chỉ ngâm thơ với tấc lòng tương liên thì biết ngay ai là tác giả.
Thanh Ngọc khẽ khẽ ngâm:
Tình xuân vương  mối xuân sầu
Lòng hoa mong giữ mãi màu thanh xuân.

Thu Hồng từ lúc vào vườn vẫn ít cười ít nói, vì đã có gia thất phải giữ gìn hơn các cô “tay không chân rồi”. Sau khi thấy các bạn được lời “ban khen” của lão vườn cả rồi, mới nói khẽ cùng lão:
-Chị em đều đem hoa xuân đến tặng Vườn, riêng Hồng lại đem hoa “Mùa Thu” đến. Tình thì hợp mà cảnh không hợp. Lòng không khỏi đôi chút ngại ngùng.
Lão cười:
-Cúc là hoa mùa thu, đáng lẽ để đợi thu về sẽ nở. Nhưng cô chẳng thấy sao? Trong chợ Tết hằng năm, cúc vàng cúc tím cúc trắng…, lại có phần nhiều hơn các thứ hoa xuân. Như thế hoa “Mùa Thu” đem vào chưng nơi Vườn Thơ trong lúc xuân về cũng không phải là trái thời tiết.
Thu Hồng vui vẻ mở bó hoa cắm vào bình.
Các bạn xúm lại:
Quả là hiu hắt gió heo may.
Nhưng hãy lắng lòng xem kỹ:
Trăng vàng rạnh ánh trời thu
Phòng thu tưởng nghĩa hà châu chạnh lòng
Vườn quê dấu cũ rêu phong
Hoa đào mấy lượt bên song mơ màng
Cúc sương mấy lượt rơi vàng
Giấc mai mấy lượt bẽ bàng mộng xuân
Xác ve ngày tháng hao dần
Tóc xanh luống những ngại ngần bóng gương
Não nùng chiều gió mai sương
Cánh hồng bay bổng tuyệt đường nước mây
Trăng thu vơi mỏi thời đây
Phòng thu vò võ năm chầy lại năm..
Ruột đâu rối mối tơ tằm
Hồi Văn dệt ánh trăng rằm đợi ai!

Trong thu vẫn có hương xuân phảng phất khiến người thưởng thức cảm thấy lòng dìu dịu chớ không não nùng.
Vừa muốn trình bày thêm đôi khóm nữa, thì chợt thấy một em gái tóc gợn sóng, áo màu hường, gương mặt như ban mai song trong đôi mắt lại rươm rướm sương móc. Lão bước ra đón hỏi thì là THU AN, cháu kêu cố thi sỹ Bích Khê bằng cậu ruột.
Thu An tặng Vườn một bó hoa hàm tiếu:

ĐÊM NAY TRĂNG VỀ BA KHÔNG VỀ

Đêm nay trăng về ba không về!
Đêm nay trăng về con tái tê!
Ba ơi giờ ni đang làm gì?
Nước mắt tràn lòng dâng đôi mi..
Trăng về êm êm trên nhung trời
Sao trăng không cười kêu ba ơi ?!
Trăng về đi ngang qua nhà ta
Sao trăng không buồn kêu ba ba.

Ngập ngừng nhìn con trăng không cười,
Trăng trải trên đầu trăng trong ngươi.
Trăng khóc trên đầu con long lanh
Hay là sương lạnh của trời xanh?
Trăng đi êm êm gieo ánh vàng,
Trăng đang nghĩ gì như miên man?

Trăng nhé, đi tìm ba dùm tôi
Cho đời thôi lạnh tái đôi môi.
Trăng đi lang thanh mọi nẻo đường
Xoa dịu cõi lòng đang nhớ thương.
Trăng cười ? Sao trăng rưng rưng buồn
Thoảng tiếng thở dài trong hơi chuông!

Đêm nay trăng về trong tay mềm,
Con đứng nhìn trăng rơi êm êm.
Con ngước lên trời kêu trăng trăng..
Trăng buồn không mở hội hoa đăng!

Me buồn nhìn trăng sau vỉa hè
Con buồn ngồi bên kêu me me!
Me khóc trong lòng con rưng rưng,
Trăng nhìn yên lặng núp sau lưng.
Đêm nay trăng về ba không về!
Trăng lạnh lùng nghiêng rơi bên tê!
Trăng lạnh lùng nghiêng rơi bên tê!

Tình ngây thơ, lời ngây thơ, song đượm đà thành thật, rung cảm lòng người đọc một cách nhè nhẹ mà thấm lần thấm lần vào tận đáy sâu.
Lâu nay lão nhận được hoa thơ của các bạn trẻ bốn phương cũng khá nhiều. Có nhiều bạn cho lão xem cả tập dày đến trăm trang. Nhưng phần nhiều là nỗi lòng yêu đương trên dòng sông Tương bên bờ sông Ngân, chớ ít thấy tả lòng Xuân Thảo, ít thấy ngâm vần Lục Nga.
Lão vốn mồ côi cha mẹ từ lúc nhỏ. Cho nên luôn luôn thấy buồn vì thiếu tình ấp ủ của cao thâm:
Cảnh có núi sông nhiều thú lạ
Đời không cha mẹ ít khi vui.
Lắm lúc lão muốn tả lòng thương nhớ, nhưng bút lão không đủ sức, vì trời cao biển sâu lời đâu mà diễn đạt! Cho nên những khi gặp được một bài thơ đề cập đến ơn cao thâm là lòng lão rung động rồi mượn lời người làm lời mình…
Thằng con trai thứ hai của lão có bài thơ MÀU TRƯA đăng ở Lành Mạnh năm 1959:
Những trưa vàng trước ngõ
Đùa bóng trúc rung rinh
Hoa nắng vờn trong gió
Xao xuyến lá trời xanh.

Dưới trúc mẹ bồng con
Dịu dàng buông tiếng hát
Môi hé nở niềm son
Hương vương tình bát ngát

Tình biển sâu mắt mẹ
Thuyền lòng con ra khơi
Ánh buồm mây khẽ khẽ
Mở biếc rộng chân trời.

Mộng trôi về xứ nhạc
Thơm tho nhuỵ nắng vàng
Thuyền lòng con bát ngát
Không thời gian không gian

Lão đã đọc đi đọc lại không biết mấy lần, và mỗi lần lão đọc thì giọt lệ già không thể ngăn. Năm nay đọc bài “Trăng về ba không về” của cháu Thu An, lệ già lại nhỏ một lần nữa!
Đối với quí bạn, hai bài thơ đó hay dở như sao, lão không dám biết. Riêng đối với lão đó là hai mảnh lòng, hai mảnh “xích tử chi tâm”. Lão rất yêu quí. Chúng làm rơi nước mắt lão, nhưng lại làm êm dịu và làm trẻ lại lòng cằn cõi của con người đã  "biết mệnh trời”.
Mặt trời đã lên cao. Cảnh trời xuân rực rỡ.
Bạn trẻ kéo nhau ra về vừa khuất nẻo, thì xa xa lão thấy một em ngập ngừng nửa muốn lui nửa muốn tới. Lão đến mời vào vườn, thì là HÀN LỆ THU mà lão đã gặp trong bệnh viện Qui Hoà mấy năm về trước. Lão chỉ gặp qua trong giới người đau thương, nên lão bị cảnh đau thương tập thể làm mờ nhạt hình ảnh cá nhân. Do đó sau khi thăm bệnh viện ra về, lão quên dần em bé khôi ngô và có tài đàn hát. Mình phụ người, nhưng người không phụ mình! Nên xuân này, nhớ lão, Hàn Lệ Thu tìm đến thăm và tặng lão rất nhiều hoa thơ cùng rất nhiều tâm sự.
Ap niềm tâm sự vào lòng và trải đôi nhánh hoa thơ ra Vườn để cho Xuân thêm sắc.
Lâm vào hoàn cảnh Hàn Lệ Thu hoàn cảnh bi đát của Hàn Mặc Tử thì thơ của Thu không thể nào vui tươi như thơ các em gặp được nhiều may mắn. Tuy thế không đến nỗi ai oán não nùng:

ĐÊM NGHE CÚ KÊU

Đêm tịch mịch chìm sâu trong bóng tối,
Dãy thông dài tấu khúc nhạc ai bi!
Đôi mắt con ươn ướt lệ tràn mi
Và từng tiếng thở dài theo tiếng cú
Vang thanh âm lên một vì tinh tú
Như cầu mong tia ánh sáng vô ngần
Rưới vào con và thấm cả thế nhân
Cho tiếng cú không còn trong đêm tối…

Maria! Con đang giờ hấp hối,
Thuyền lòng con vùi dập lớn phong ba.
Giọng cầu xin trong nước mắt chan hoà:
- Mẹ ơi! Mẹ! Đem con vào ánh sáng
Cho ngày mai.., một ngày xuân quang đảng
Xoá nhoà muôn hình ảnh của đêm thâu..
Đọt dừa cao nắng nhuộm ướt tươi màu,
Không một chiếc lá vàng rơi tiếng gió.

Theo gương Hàn Mặc Tử, Lệ Thu nương vào Đạo để mà sống trọn cuộc đời thế gian, và lấy thơ làm bạn lòng trong nơi mà Xuân chỉ ghé qua trong khoảng khắc.
Những đoá hoa khác của Lệ Thu, sắc hương cũng tương tự như bài  "Đêm nghe cú kêu”, nghĩa là giản dị và chân thành, buồn thương nhưng không oán trách. Trong nỗi buồn mảnh nhưng tươi.
Hàn Lệ Thu về rồi, lòng lão như:
Đột dừa cao nắng nhuộm ướt tươi màu
Không một chiếc lá vàng rơi tiếng gió.




2.

Mặt trời vừa mọc, Vườn Hoa Thơ vừa mở cửa, thì nhà túc nho NGUYÊN DẬT từ Bình Khê (Bình Định) chống gậy đầu cưu, ôm những giỏ hoa thơ ra để lựa, cụ vừa cười vừa nói:
Ở đời có lắm việc không nên làm mà ai cũng ưng làm. Đó là: Đặt câu đối - Làm mai dong - Lãnh nợ dùm - Thiến dái chó - Và cầm chầu. Năm việc ấy cổ nhân gọi là “Ngũ bất trí”.
Ca dao lại có câu:
Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu

Vốn biết cụ là một nhà nho uyên thân, trong lời nói thường ngụ ý khuyên răn, lão cũng kính chào và đáp:
Đã biết rằng “bất trí” mà nhiều khi phải làm. Ví như việc giữ Vườn Hoa Thơ cho Lành Mạnh.
Cụ cười hả hả: Phải đó. Cổ nhân thường nói “Tự kỷ văn chương, tha nhân thê thiếp” mà Thi Nại Thị diễn nôm rằng:
Lạ gì thế thái nhân tình,
Vợ người thì đẹp văn mình thì hay.
Đụng đến văn hoá của người, mích lòng thật, chẳng khác việc cầm chầu.
Cầm chầu sao lại mích lòng, hỏi cụ?
Xưa kia không có hát trường. Người nào có việc mới rước bạn hát về hát. Tiền công không định trước. Hễ hát hay thì thưởng nhiều hát dở thì thưởng ít. Thưởng nhiều hay ít là do người cầm chầu. Người cầm chầu cần phải thấm nhuần đạo trung dung. Vì thưởng nhiều chủ nhà nóng mặt, còn thưởng ít thì bạn hát sực mũi. Nhưng đạo Trung Dung đâu phải dễ theo. Cho nên trong 10 đám thì hết 8, 9 đám người cầm chầu bị đất loi vào đầu, không phải chủ nhà loi thì bạn hát loi. Phần nhiều, kẻ loi đất là bạn hát. Vì cũng như số đông kẻ làm văn,  bạn hát ít khi biết rằng mình hát dở, lại hay “sực điệu”. Cho nên người khôn thường tránh ngồi phản ngựa giữa, cầu chầu. Tôi có bài thơ cầm chầu rằng:
Ông cha thuở trước tội gì đâu.
Con cháu sanh ra muốn đánh chầu!
Nghỉnh mặt lì lì ngồi phản ngựa,
Hươi tay lịa lịa đập da trâu!
Múa hay nhảy lẹ ùm ba tiếng,
Ngọt giọng ngon hơi ném một xâu,
Bóp lắm vải nhiều sao cũng sực,
Chủ nhà, bạn hát: đất loi đầu.
Bài thơ có giọng hài hước, rất ý vị.
Khách chủ đương vỗ về cười với nhau, thì một thi hữu trong Liên Thành Thi Xã Phan Thiết là ĐỨC HUY bước vào.
Nghe nói chuyện “Cầm chầu”, Đức Huy liền ngâm:
Ai xa bạn cũ mà rầu,
Em xa bạn cũ xây chầu hát chơi.
Lão Vườn cười:
Như thế khỏi vấp phải nọc bất trí. Vì mình cầm chầu cho mình.
ĐỨC HUY cười rồi ngâm tiếp:
Thương mến chi mà phải ỷ ôi
Xa chàng chỉ thấy sướng vui thôi.
Câu thơ biệt cảm đời ngâm mặc,
Tiếng trống ly ca thiếp điểm rồi.
Ngang dọc phỉ tình thuyền cách bến,
Am no thoả dạ gái riêng nồi.
Giây tơ bà nguyệt đà buông mối
Bữa tiệc phân kỳ cũng hết xôi.
Cụ NGUYỄN DẬT vỗ đùi khen:
Bài thơ đã thích được đầu đề khá lắc léo, mà còn dùng năm vận “Ôi thôi rồi nồi xôi” cũng khá gay go! Già xin phục đó.
Lão vườn vừa muốn chen thêm lời phê thì thấy bóng người ngoài ngỏ, vội chạy ra đón thì là người quen: Bà VI TRANG. Vào vườn, nghe xong bài thơ của ĐỨC HUY đọc lại, bà Vi Trang nói:
Đó là một bài thơ trúng tuyển trong cuộc thi thơ do Liên Thành Thi Xã Phan Thiết mở hồi Tiền Chiến. đề ra vận hạn. Có trên 80 bài dự thi, mà bài của Đức Huy được đậu đầu hạng. 
Đức Huy khiêm tốn nói: Trong nước mù thì anh chột mắt là vua.
Lão cười:
Trong nước gì cũng vậy, được làm vua là sướng nhất.
Đức Huy tiếp:
Có nhiều bài không được toàn bích. Như bài của ông bạn Liên Hoa, 4 câu sau thật hay:
Chẳng tiếc làm chi duyên bể bát,
Thà vui mà chịu số riêng nồi.
Bởi vì lắm chuyện gây nên nỗi
Đâu phải mình thêm bánh tránh xôi.

Trước đây lão vườn có gặp một hưu quan, người Thừa Thiên là cụ THỨC NHƯ. Cụ có đọc cho lão vườn nghe bài của cụ cũng thích câu ca dao ấy và cũng dùng 5 vận “ôi, thôi..", ấy, rằng:
Tình nghĩa chi mà phải “hỡi ôi”
Không thương nhau đặng nữa thì thôi.
Rơi châu mặt họ buồn duyên hẩm,
Đập trống mừng ta rảnh nở rồi.
Đó đã ở ra lành một xó,
Đây thà ăn trước phải xem nồi.
Một mình một chiếu từ nay khoẻ,
Khỏi đấm mà hơn được oản xôi.
Bà Vi Trang hỏi: - Bài của Đức Huy và bài của Thức Như, bài nào hơn?
Cụ Nguyễn Dật ngó Lão Vườn. Lão cười, đáp: -Thưa bà, phê bình thơ cũng như cầm chầu, cổ nhân dạy nên cho thông qua.
Ai nấy đều cười. Rồi mỗi người đọc cho nghe những bài thơ của cổ nhân thích những câu ca dao tục ngữ, và dùng những vận, tục gọi là “vận có sẵn”, “vận đúc”. Như “xô, cô, vô, ô, rô”, “ không chồng trông bông lông”…, rất thích thú. Như thích câu:
Đôi ta chẳng mốt thời mai
Chẳng trong tháng chạp cũng ngoài tháng giêng,

Dùng vận “Xô cô vô ô rô”:
Đây đó trăng già khéo giục xô,
Không chầy thời kíp vội chi cô?
Ngày kia bữa nọ duyên dù lảng,
Đông cuối xuân đầu lễ rước vô.
Có thuở chim cưu nằm ổ thước,
Lo chi sông Hán bắc cầu ô.
Góc thành lẩn thẩn chờ ta vậy,
Cái giống chim thuần giống nhảy rô.

Tác giả bài này là cụ ĐỖ MINH TÂM, người tỉnh Vĩnh Long, đồng thời cùng các cụ Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường.
Thích cho ra đầu đề đã là một việc khó, mà còn phải theo những vần oái ăm như thế, thì phải một tay lão luyện trong trường thơ cử nghiệp, mới có thể hươi bút thành văn.
Để mua vui, nhiều khi cổ nhân dùng một câu tục ngữ hay thành ngữ làm đề, rồi lấy đề làm vận, thách nhau trổ tài. Những câu thường được dùng là “Không chồng trông bông lông”, “ Lò mò lo cho trò”, “ Thằng ăn măng nhăn răng”.,. Trong các đề ấy, đề “Không chồng..” được nhiều bài truyền tụng. Như bài của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ NGUYỄN KHUYẾN:
Bực gì bằng gái chực phòng không
Tơ tưởng ai chung một tấm chồng.
Trên gác rồng mây ngao ngán nỗi,
Ven trời cá nước ngẩn ngơ trông.
Mua vui lắm lúc cười cười gượng,
Bán dại nhiều phen nói nói bông.
Mới biết có chồng như có cánh,
Giang san gánh vác nhẹ dường lông.
Bài của cụ Vân Sơn:
Lẽ thường ắt có cớ sao không?
Trong đục mơ màng…, khổ nỗi chồng!
Gần ước tiện nơi xa cũng ước,
Sớm trông gặp hội muộn càng trông.
Thẹn thùng hiên nguyệt người chào bóng,
Mong mỏi vườn xuân khách bẻ bông.
Ướm hỏi thế tình hay chẳng nhẽ?
Trông bông lông vậy nhớ bông lông.

Thời Tiền Chiến cụ Ngô Văn Nhượng ở Khánh Hoà có đọc cho Lão Vườn nghe một bài mà cụ bảo rằng của nhà chí sỹ Trần Quí Cáp làm lúc ngồi Huấn Đạo ở Khánh Hoà:
Sứ điệp tin ong những vắng không.
Biết ai chưa vợ biết ai chồng!
Quả mai ba bảy ôm lòng đợi,
Bến nước mười hai mỏi mặt trông.
Đối nguyệt luống mong người ấp nguyệt,
Hái bông chợt tưởng khách tìm bông.
Một mai duyên bén trang quân tử,
Gan ruột đem bày hết mảy lông.

Lão không tin bài đó của Trần Chí Sỹ, vì chí sỹ không hay làm thơ Quốc âm. Thảng hoặc có làm chăng nữa cũng không làm những bài chỉ để mua vui, vì chí bình sinh dồn cả vào việc nước việc dân, những gì không lợi ích cho Cách Mạng đều không để ý đến.
Nhưng các thi hữu hiện diện không ai biết rõ tác giả là ai, nên đành để vào chỗ “tồn nghi” vậy.
Lão lại đọc cho các bạn nghe bài của cụ Tam Xuyên TÔN THẤT MỸ, đỗ cử nhân lúc 18 tuổi, làm quan đến chức Tá lý Bộ Lễ, về trí sỹ năm Thành Thái nguyên niên (1888):
Chị em có cả một mình không!
Bán mấy nào ai biết giá chồng.
Chín lớp trồi đầu trời cũng muốn.
Bốn mùa mỏi mắt đá còn trông.
Quá rằm trăng dễ tròn hin bóng,
Lỡ lứa cây đà trắng toát bông!
Ong huyện Ba La đầu gặp gỡ,
Tương tư một gánh nhẹ bường lông.
Bà Vi Trang hỏi:
-“Chín lớp trồi đầu trời cũng muốn” là chữ PHU. “Đá còn trông” là mượn tích “Vọng Phu thạch”. Còn “Ông huyện Ba La” là điển gì?
Lão đáp:
-Chớ bà không nghe người ta thường nói “Xã Bông Lông, huyện Ba La” đó sao?
Cụ NGUYỄN DẬT cười:
- Gặp “bá láp” vậy mà cũng nhẹ được tương tư thì lòng muốn chồng thật đã thái thậm.
Bà Vi Trang lại hỏi:
- Lối “dùng thơ thích nghĩa một câu thơ, một câu ca dao hay một câu tục ngữ, thành ngữ…” gọi là lối gì?  Và những bài trên đã có thể gọi là tuyệt bút chưa?
Cụ Nguyễn Dật mỉm cười. Bác Đức Huy đáp:
-Như thế là tuyệt rồi chứ còn gì nữa. Còn lối thơ đó là thơ thích nghĩa.
Lão tiếp:
-Vâng chính đó là thơ thích nghĩa. Cổ nhân gọi là lối “phú đắc”. Đó là một lối thơ chơi. Các cụ ngày xưa thường dùng để thử tài nhau cho vui trong lúc trà dư tửu hậu. Những bài trên, rằng hay thì thật là hay. Song bảo tuyệt thì vẫn chưa tuyệt. Có thể gọi là tuyệt, những câu như câu thích thực câu ca dao “Thân em như cứt trôi sông, Thân anh như chó ngồi trông bên cầu”, sau đây:
Mười hai bến nước lênh bênh gớm,
Tiền rưỡi bên sông chỏ hỏ ngồi.
Trong câu đề có những điểm cần phải lột cho được, là “em, cứt, sông, anh, chó, cầu”, Chỉ dùng 14 chữ mà thích cho được hết ý nghĩa câu ca dao, như câu trên thì thật “quán tuyệt thiên cổ”. “Trong 14 chữ, tác giả khéo gói ghém "em và sông" vào “mười hai bến nước”, “ anh và chó” vào “tiền rưỡi” (Ngồi chỏ hỏ như chó tiền rưỡi). Tuy vậy vẫn có người đánh rằng:
Chưa được vì bị mạ đề và còn thiếu ý. Phép làm thơ tối kỵ dùng chữ trong đề ở câu trạng. Ở đây tác giả phạm đến 3 chữ là “sông, bên” và "ngồi”. Còn thiếu ý là vì “bên sông chỏ hỏ ngồi”, thì cầu ở đâu? Không lẽ sông nào cũng có cầu nên chỉ nói sông là đủ?
Đức Huy cười lớn:
- Lão Vườn tự mâu thuẫn với mình rồi! Đã gọi là Tuyệt là theo ý của Lão. “Văn chương tự cổ vô bằng cứ” kia mà. Huống nữa từ trước đến giờ đã có một câu nào thích câu ca dao  “Trôi sông” mà hay bằng, chớ đừng nói hơn, câu “Mười hai bến nước… Tiền rưỡi bên sông...” kia chăng? Bởi thế lão mới dám cả gan bảo rằng câu ấy “quán tuyệt thiên cổ”. Đó là đứng trên mặt tương đối mà phê.
Đức Huy đứng dậy:
Lão già nguỵ biện. Không khéo sớm rụng hết răng đó.
Các thi hữu đều cười rồ, và cùng đứng dậy cáo biệt.
Đưa khách ra đến ngõ, vừa trở vào Lão chợt thấy mấy ông bạn thanh niên. Té ra mấy ông bạn đến chơi từ lâu, nhưng thấy lão mắc khách, nên rảo bước ra xem hoa. Tuy bước dạo cùng hoa, mà tai vẫn để nơi câu chuyện thơ trong nhà khách. Vì vậy, thấy lão, các bạn đều hỏi:
Thưa Bác, những bài thi chúng cháu được nghe khi nãy đó có phải là THƠ đúng với nghĩa của nó chăng? Hay chỉ là những bài vận văn của những tay thợ khéo?
Nghe hỏi, tự nhiên tay lão đưa lên đầu vuốt mái tóc, và tự nhiên lão liên tưởng đến chiếc đầu trơn tru của anh chàng hai vợ. Lão bật cười. Mấy ông bạn hỏi:
Bác cười gì thế?
-  Cười “sự không tóc” của anh chàng hai vợ.
Chúng cháu không lãnh hội được thâm ý của Bác.
Nguyên xưa kia có một anh chàng tuổi đã sồn sồn, nghĩa là mái tóc vừa điểm hoa mai. Chàng có hai bà vợ. Một bà tuổi đã sồn sồn như anh chàng. Một bà nữa còn đương măng tơ. Mỗi bà ở riêng mỗi nơi. Anh chàng chia đôi duyên nợ, chia một cách công bình, nên được lòng cả hai. Khi anh chàng về cùng bà vợ sồn sồn thì bà này sợ chồng trẻ quá, mới lấy cớ nhổ tóc ngứa cho chồng, măn mo nhổ hết những sợi tóc xanh. Đến khi tới cùng bà vợ măng tơ, thì bà này lại sợ chồng già quá, lấy cớ nhổ tóc sâu, hì hục nhổ bớt những sợi tóc bạc. Bà nầy nhổ, bà kia nhổ. Nay nhổ rồi mai lại nhổ nữa… Nhổ nẹt, anh chàng không còn một sợi tóc để trần thiết cho chiếc đầu đa tình!
Tôi thích cả thơ “Phú đắc”, tôi lại rất yêu thơ thuần tuý. Nên thân với các bậc phụ lão, mà cũng rất thân với các bạn thanh niên. Không khéo tôi sẽ lâm vào cảnh anh chàng hai vợ kia vậy.
- Chúng cháu hiểu ý Bác rồi. Nhưng xin Bác cho biết: Không phải thơ thuần tuý, những bài như các bài “thi mua vui” kia có nên bảo tồn chăng?
- Bổn phận người giữ vườn là phải giữ tất cả các loại hoa vì:
Hoa nào lại không hương sắc,
Một cánh hoa tươi một điểm tình.
Nhưng một thi bá đời Thanh là VIÊN TỬ TÀI nói rằng:
-Làm thơ Phú Đắc là “lấy nước rửa nước”, và khuyên đệ tử không nên tập. Thi bá lại còn khuyên không nên hoạ vận. Vì tình sanh văn, văn sanh vận. Ép mình theo vận là đặt cày trước trâu.
Lão cho lời thi bá Viên Tử Tài là phải, nên lão theo. Tuy thế lão vẫn hoan nghênh những người khéo tay nặn nên những bài “phú đắc” thích nghĩa được đề bài một cách đầy đủ và không lúng túng, như những bài các bạn vừa nghe.
Các bạn thanh niên đều cười:
-  Như thế Bác không có lập trường rõ rệt!
Lão vui vẻ đáp:
-  Có lắm chứ. Lập trường của Lão là không cố chấp. Và Lão chủ trương “Đường mình mình đi, đường người người đi. Nhưng phải biết người và mình. Và đối với mình phải nghiêm, còn đối với người phải khoan”. Cho nên khi thưởng thức thơ văn của người, lão đứng trên lập trường của người mà thưởng thức. Như thế mới thông cảm cùng tác giả được dễ dàng. Từ năm 1932 đến 1941, các nhà “Thơ Mới” và “Thơ Cũ” công kích nhau, lăng mạ nhau, chỉ vì bên nào cũng cứ cho mình là phải mà không chịu nhận những lẽ phải của đối phương.
Các bạn còn muốn thảo luận thêm mới vỡ lẽ. Song thấy mặt trời đã đúng ngọ, bèn cáo từ và hẹn khi khác sẽ tiếp tục vấn đề.
Các bạn vừa trở bước thì cụ NGUYỄN DẬT lại trở vào. Cụ bỏ quên chiếc dù, trở vào lấy. Nhân nghe lão nói chuyện, cụ cười hà hà và kéo tai lão nói nhỏ:
-  Cẩn thận đó. Mái tóc không được dày, trán lại sói đã nhiều quá… Chớ nên “cầm chầu” vì đất vườn nhiều lắm, nhiều lắm.
-  Xin vâng, xin vâng. Nhưng …
-  Nhưng cái gì?
-  Đã biết rằng “kẻ giỏi Kinh Dịch không hay giảng Kinh Dịch”, và “Kẻ giỏi thơ không hay bàn thơ”. Nhưng mình chưa giỏi…
-  Chưa giỏi thì học thì học cho giỏi. Học cho giỏi để…
-  Để làm gì hỡi cụ?
-  Để tôi đi về kẻo nắng.




3.

Ông giáo NGUYỄN VĂN XUNG là một tay trồng hoa thơ lành nghề. Nhưng ít để cho ai trông thấy sản phẩm của mình nên ít người biết. Hôm vừa rồi tình cờ lão đến nhà thấy được mấy chậu, hương dịu sắc tươi, vun trồng khéo. Lão thích nhất khóm hoa.

DUYÊN XUÂN

Mùa thắm dâng triều, nao ý gió
Tóc thề ươm phấn cánh hoa mai
Nghe trong im vắng duyên mùa nở
Ai hẹn ai mà sợ nhạt phai?

Nhớ nhung xưa đã cạn rồi,
Khuya nay tình chớm, mấy chồi thanh tân.
Tương tư đôi hướng chuyển vần
Lòng trai quạnh quẽ mây Tần dáng xưa.
Duyên lành, hoa cánh đơm thưa,
Đất se ý thắm lòng chưa ngọt ngào.
Mai đây tình, hội hoa đào,
Tin yêu lòng chẳng kịp rào bốn phương.
Sầu đời rót nặng mái sương,
Đắng cay độ chín, mùa hương giao hoà.
Chiều về, màu ấm sinh ca,
Gió chênh cánh nắng, đài hoa dịu cành.
Anh đào chớm nụ đan thanh,
Lá vàng thu ấy, tình xanh xuân nầy.
Nắng về, cành lá say say,
Duyên xuân mới bén, tình cây ngại ngùng.
Du xuân chân bước chập chùng,
Cẩm châu duyên đó, tao phùng hội đây.
Quan hà chén tiễn hương bay,
Giang hồ thói cũ mơ say viễn trình.
Quê hương tình ngọt đất lành,
Mến thương hồ dễ xoay tình viễn du.

Đủ thanh sắc, vị. Thật là một khóm danh hoa.
Trong nhà ông giáo lại có nhiều khóm hoa trỗ thời tiền chiến mà khói lửa đã che khuất sắc hương. Như hoa:

GIAO MÙA của TRẦN HUYỀN TRÂN

Gió đã  khua lau dưới gậm cầu
Người về xóm lạnh bước thôi mau
Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm
Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau.
Đây lúc hồn hoa trở gót về
Thả đàn chim mộng xuống sương khuya.
Tôi nghe xa một làn mây trắng
Rời bóng kinh thành lững thững đi.

Tôi nhớ làm sao mấy bữa nay.
Khi mùa sum hợp vẳng đâu đây,
Dăm chàng nghệ sỹ như mây ấy
Lòng ghé phương nào rượu có say.

Tôi biết trong sương có những người
Từng quên mùa rét hẹn hoa mai
Để lòng lạc mãi giời tư tưởng,
Sực tỉnh mơ màng tóc đã phai.

Bài thơ quí giá: sắc thanh thanh, hương lạnh lạnh, có cốt cách của hoa cúc và tinh thần của hoa mai.
Người trồng hoa không biết hiện ở phương nào? Có còn như làn mây trắng lững thững đi trong sương “để lòng lạc mãi giời tư tưởng”, hay đã theo hồn hoa trở gót về nơi hư vô “Thả đàn chim mộng xuống sương khuya” rồi?
Thấy hoa chạnh nhớ người! Người lão đã gặp một lần ở Hà Nội năm 1942! Phút đà mười tám năm trời! Lòng già thê nhiên cảm khái! (1)
Lão xin hai khóm hoa đem về.
Vừa đến vườn thì đã thấy hai thiếu phụ đứng đợi: Liên Hương và Tuyết Nga, hai bạn quen thân của Vườn Hoa Thơ.
Hai nàng đến để tặng hoa và xem hoa.
Sau khi xem xong hai khóm của lão đem về, hai nàng  trao cho lão những nhánh hoa tự mình trồng và tự mình cắt lấy.
Đây nhánh hoa đẹp nhất trong bó hoa của Liên Hương:
Áo bông ấm mộng ải ngoài,
Đèn khuya soi sáng dạ người phòng hương.

Và đây nhánh hoa tươi nhất của TUYẾT NGA:
Sóng vàng lấp lánh trăng khuya,
Gió sông đã lạnh ai về mà mong.
Đó là những cánh hoa tâm sự, một nhớ, một mong. Một bên không nói nhớ mà thật nhớ. Một bên bảo không mong nữa mà vẫn cứ mong. Khéo gói ghém vậy.
Còn đương trò chuyện thì ngõ ngoài có bóng khách vô. Khách vừa đi vừa ngâm:
Thi nhân lão khứ oanh oanh tại,
Công tử qui lai yến yến mang
Nghĩa là: Thi nhân đã già rồi mà con chim oanh mãi còn
                Công tử đã đi về mà con chim én vẫn nhớ.

Biết rằng khách thấy có giai nhân trong vườn, nên mượn lời người xưa mà trêu cợt, lão vội ra đón và cười đáp:
Tịch dương vô hạn hảo
Chỉ trích cận hoàng hôn
Nghĩa là: Bóng chiều đẹp vô cùng / Chỉ tiếc đã sắp chạng vạng.

Khách cả cười rồi cùng lão vào vườn. Liên Hương và Tuyết Nga thấy người lạ bèn tránh ra nơi có nhiều hoa lá làm rèm che. Khách trông thấy mỉm cười:
-  Ngày xưa Tây Thi và Trịnh Đán thấy quân nước Việt vào vườn Ngự nước Ngô, vội vàng tránh núp dưới hoa. Đó là hai nàng phi sợ giặc. Nay nữ khách của lão giữ vườn thấy tôi vào cũng lánh mặt dưới hoa, ý hẳn cũng ngờ tôi là giặc?
Lão đáp:
-  Phải chi bác và tôi đều trẻ trung thì cảnh vườn này trở thành bức tranh của TỐ NHƯ tiên sinh đã phác hoạ:
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh nhành dao.
Vương Quan quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.
Ông khách cười hả hả:
-  Thế là mỹ nhân sợ già chớ không phải sợ giặc.
Nhận biết ông khách là người phong nhã, hai nàng bước ra thi lễ. Sau mấy lời giới thiệu cổ điển, lão trải chiếu dưới bóng cây mận mời ba vị khách ngồi uống trà và bàn luận Văn chương. Lão đem những bó hoa mới nhận được ra cho ông khách xem. Khách gật đầu khen đẹp, đoạn nói:
-  Cổ nhân ưa dùng điển tích, kim nhân tự mình xuất tân ý. Cổ nhân thường nói những tình ý phổ thông. Kim nhân ưng tìm những gì độc đáo. Nói đến NGUYỄN DU tôi liên tưởng đến con ông mật, quyển Đoạn trường tân thanh là một tổ mật ong. Bao nhiêu những mật trong các đoá hoa Hán Đường Tống… của Trung Quốc đều bị hút vào đó cả.
Liên Hương nói:
-  Cổ nhân thật cường ký quá sức! Bao nhiêu điển bao nhiêu văn thơ đọc rồi là nhớ tất cả! Chúng cháu thì chịu, cho đến thơ mình làm ra mà lắm lúc cũng quên đầu quên đuôi.
 Ông khách đáp:
-  Đó chẳng qua do tập quán cả. Nhưng biết nhiều điển mà không dùng điển mới là giỏi.
Lão tiếp:
-  Cũng như người có thế mà không ỷ thế. Nhưng nhiều khi không cố ý dùng điển, mà điển tự nhiên đến. Cờ vào tay không phất cũng uổng, nên không nỡ mở ký ức mà xếp trở vào vậy.
TUYẾT NGA hỏi: -  Nghe nói nhiều khi muốn diễn tả một ý mà cổ nhân dùng đến 2 điển một lần. Quả có như vậy chăng?
Ông Khách đáp: -  Thường lắm. Ví dụ trong Kiều:
-  Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Gạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh
-  Dù khi lá thắm chỉ hồng.
Nên chăng thời cũng tại lòng mẹ cha.

“Lá thắm” là tích Vu Hựu vớt được chiếc lá hồng có bài thơ do người trong cung thả trên dòng Ngự Câu. “Chim Xanh” là tích Tây Vương Mẫu sai chim xanh báo tin cho vua Hán Vũ Đế . “Chỉ Hồng” là tích Vi Cố gặp ông lão cầm chỉ hồng ở dưới trăng.
Lão thêm:
-  Đó là những điển tích phổ biến, ai nấy cũng đều biết. Nhiều khi Tố Như tiên sinh ghép ý hai câu thơ cổ của hai tác giả lại làm thành một câu. Như:
Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.
Cụ Trần Trọng Kim chỉ lấy câu:
Nhất phiến tình chân tân đáo ngạn
Bình trầm ba chiết dĩ đa thời.
Nghĩa là: Hôm nay thuyền tình mới đến bến / Bình chìm hoa rụng đã từ lâu.
Mà giải thích cho cả câu lục và câu bát, nên bảo rằng chép “trâm gãy” là sai, phải để là “hoa gãy” mới đúng.

Theo ý lão thì để “ trâm gãy” là đúng. Vì câu lục thoát ý câu cổ thi trên đó, còn câu bát thì xuất tự mấy câu nầy:
Thạch thượng ma ngọc trâm,
Ngọc trâm vị thành trung ương chiết
Tỉnh thượng vãn ngân bình,
Ngân bình vị thượng ty thằng tuyệt (2)
Bốn câu cổ phong này nghĩa là:
Mài trâm ngọc trên đá,
Trâm ngọc chưa thành nửa chừng gãy.
Kéo bình bạc trên giếng,
Bình bạc chửa lên giây tơ đứt.

Liên Hương nói:
-  Làm thơ mắc mỏ như thế chỉ để cho các bậc hay chữ xem, chớ như chị em chúng tôi thì chịu đứt.
TUYẾT NGA cười :
-  Cổ nhân có ngờ đâu con cháu lại dốt như bọn mình.
Lão nói:
-  Cổ nhân không cố ý làm thơ mắc mỏ như phái bí hiểm của thế kỷ nầy. Đó chỉ là sự hào phóng của kẻ sẵn tiền đó thôi. Nhưng có người dùng điển mà không tự biết rằng mình dùng điển thì hai chị nghĩ sao?
TUYẾT NGA cười:
-  Thì chúng tôi nghĩ rằng là chuyện vô lý. Bởi vì có biết điển mới dùng được điển. Mà đã dùng điển thì lẽ gì lại không biết điển của mình dùng.
Lão đáp:
-  Trên đời có những chuyện vô lý như thế. Và những chuyện vô lý như thế, nếu các chị đọc những sách thi thoại của cổ nhân sẽ thấy rất nhiều. Nhưng tôi không nói ở đâu cho mất công chứng minh, tôi nói ngay việc ở trước mắt. Chẳng hạn như hai chị.
LIÊN HƯƠNG cười ngất:
-  Chúng tôi dùng điển?
Lão thản nhiên:
-  Vâng, dùng điển mà không biết. Tôi biết thế vì tôi đã nhận thấy tâm sự của hai chị trong hai nhánh hoa thơ của hai chị vừa tặng cho vườn.
TUYẾT NGA cướp lời:
-  Đó là xúc cảnh mà làm. Cảnh ấy là cảnh trước mắt chớ đâu phải cảnh vay mượn mà Lão Vườn bảo rằng dùng điển.
Liên Hương tiếp:
-  Chính thế. Chuyện áo bông gởi ra chiến khu cho người vị hôn phu của tôi thời chiến tranh vừa qua là chuyện có thật.
Lão cười:
-  Nãy giờ lão có nói rằng các chị bịa ở mô. Lão chỉ nói rằng các chị dùng điển mà không biết đó thôi. Người đời nay khen người làm thơ là khen những tình hay ý mới trong thơ, chớ không khen sự học rộng, sự dùng điển thoát. Chớ nếu còn lấy sự dụng điển khéo làm mức cho tài bộ của tác giả như ngày xưa, thì có người sẽ khen các chị học rộng và chú rằng:
-  Câu:
Áo bông ấm mộng ải ngoài
Đèn khuya soi sáng dạ người phòng hương,
Là thoát ý câu: “Miên đáp nhứ ngoại biên, u thất đăng thanh, bất thị vân sơn kỷ vạn lý” nghĩa là: “ngoài biên thuỳ sợi nào có phải cách mấy tầng núi mây”. (Truyện Tây Sương)
-  Còn câu:
Sóng vàng lấp lánh trăng khuya.
Gió sông đã lạnh ai về mà mong.
Chịu ảnh hưởng câu “nguyệt mục mục dĩ kim ba” ý nói mặt trăng chiếu xuống nước thành sóng vàng. (Hán thư)
Hai nàng ngắt lời:
-  Giải thích thơ kiểu Lão Vườn thì thật nguy cho tác giả!
Ông khách nãy giờ ngồi lặng thinh, chân nhịp nhịp tay măn mo hàm râu, vừa nghe nữ sỹ trách lão vườn, bèn nói:
-  Lỗi ấy tại tôi. Vì khi nãy tôi nói rằng “cổ nhân thích dụng điển tích. Kim nhân tự xuất tân ý” nên lão vườn muốn nhắc khéo lão rằng: "Cái mình cho là mới chưa chắc đã là mới. Mình gọi là mới vì mới thấy lần đầu, chớ biết đâu chỗ mình ngồi đây, trước mình đã có người ngồi rồi vậy”.
Lão cười, không đáp và rót bốn chung trà nóng, mời khách nhắp lại thi vị của mấy bó hoa thơ.
_______________________________________________________
(1) Viết bài nầy năm 1960
(2) Bài nầy Tương Phố nữ sỹ dịch trọn bài (và đã đăng trên Lành Mạnh số 44), tác giả là Cố Huống nhưng nữ sỹ đã để lầm là của Bạch Cư Dị.