Trong vườn hoa thơ Bài 16-Tiếp khách hoa thơ[4]


TIẾP KHÁCH HOA THƠ [4]


10.

Hai ông bạn già VÂN SƠN và ĐỨC HUY đến vườn tìm mấy bận đều thấy cửa đóng, bèn thẳng đến thảo lư của lão.
-      Bớ Lão Vườn, lâu nay làm gì mà vắng tăm vắng dạng như thế?
Lão đương lom khom rảy nước cho mấy giỏ hoa vừa nhận được, nghe tiếng người quen liền bước ra đón:
-      Chà! Đến cả cặp. Thú quá!
-      Háo khách như thế mà sao lại đóng cửa vườn?
-      Vì mưa gió…
Bác VÂN SƠN thong thả đọc:
Chẳng tạnh cho mình ngó chút chơi
Gió mưa sao cứ gió mưa hoài !
Hai hàng luỵ ngọc tuôn vì nước,
Một tấm lòng son ngó với trời
Trước mắt thấy mây giăng lớp lớp.
Bên tai nghe sét đánh nơi nơi,
Gió mưa chẳng tiện bề lui tới,
Kẻ ở trong trông kẻ ở ngoài.

Bác ĐỨC HUY vuốt râu cười:
-      Hay thì hay thật, song không hợp cảnh hợp thời!
Bác VÂN SƠN đáp: - Hợp thế nào được, vì thơ làm đã trên năm mươi năm nay, lúc Phan Sào Nam tiên sinh còn ở hải ngoại. Đó là tấc lòng của một nhà ái quốc nóng chờ tin tức của các đồng chí xuất dương. Nay nghe Lão Vườn thốt hai chữ “Gió mưa” chợt nhớ đến ngâm cho vui vậy thôi.
-      Tác giả là ai?
-      Không được rõ.
Lão chen vào:
-    Thơ của các nhà ái quốc tiền bối có nhiều bài rất hay, ngọc lấp hương tan, nhưng vì không có người sưu tập nên bị mai một gần hết. Thật là uổng!
Bác VÂN SƠN liền ngâm:
Vì lòng thương ngọc tiếc hương,
Nhặt hoa đem trải lên vườn hoa thơ…
Phụ phàng dù gió dù mưa,
Nghìn sau thơm thắm vẫn lưa ít nhiều.
Đoạn nói:
-      Xin tặng lão vườn mấy câu lạo thảo. Và Lão Vườn lâu nay chắc thâm lượm được nhiều hoa thơ, hãy đem ra cho nhau thưởng thức với.
Lão trải chiếu nơi hiên mận rồi vào lấy hoa đem ra:
-      Đây “Những cành nhớ nhung” của các thi hữu đất Bình Khê vừa gởi đến. Nhờ hai bác lựa dùm những đoá thơm tươi.
Hai ông bạn trịnh trọng đón hoa… Hồi lâu đưa ra một cành:
Bấy chầy lão phố lánh nơi đâu
Mà để vườn thơ vắng trước sau?!
Hường huệ ngổn ngang sầu cỏ rối;
Liễu dương sùi sụt lệ mưa ngâu..
Chờ mong tin gió đưa chim thước,
Thương nhớ hoa xuân trỗ mái đầu.
Đường trạm biết vui về lũng thủ
Giang Nam cành mộng gởi trao nhau.
Bác Đức Huy cười:
-    Người tặng hoa không để tên, nhưng nghe hơi hám cũng có thể đoán biết là giai nhân.
Bác Vân Sơn tiếp: - Nếu giai nhân thì càng tốt bằng không phải giai nhân cũng không sao. Điều cốt yếu là thử xem có chi xuất sắc chăng vậy.
Lão đáp:
-    Cặp trạng từ điệu đáng yêu. Người làm thơ thường thường ngắt hơi ở chữ thứ tư, chữ thứ ba, chớ ít khi nghỉ ở chữ thứ 5 hay chữ thứ nhất.
Vân Sơn: - Tôi muốn bỏ phức dấu hai chấm, để ai muốn đọc sao thì đọc hiểu sao thì hiểu. Cành hoa nửa ẩn nửa hiện trông mới thật là đẹp, ngắm mới thật là thú. Các bác nghĩ sao?
-      Đồng ý.
Bác ĐỨC HUY phê tiếp: - Cặp lụân, vế dưới hay, vế trên hơi kém.
Bác VÂN SƠN cãi: - Không kém. Hai vế đối nhau đã cân mà ý tứ lại rất liền lạc. Đọc hai câu này tôi liên tưởng đến câu:
Hỏi thăm tin tức bao giờ lại,
Con thước qua song lại ỡm ờ!
Trong Mùa Cổ Điển, câu:
Tương tư  nhuốm nửa mái đầu hoa râm.
Trong Đoạn Trường Tân Thanh, và câu Đường thi:
Cổ Viên thơ động kinh niên tuyệt,
     Ba phát xuân thôi mãn kính sanh.
Mà Trường Xuyên đã dịch là:
Năm mòn mỏi mắt tin nhà vắng,
Hoa trập trùng gương mái tóc sanh.
Khi làm hai câu:
Chờ mong tin gió đưa chim thước,
Thương nhớ hoa xuân trổ mái đầu.
Không biết tác giả có nghĩ đến mấy câu kia chăng?
ĐỨC HUY: - Chưa chắc. Có nhiều khi tình cờ ý người nầy trùng ý người nọ. Cho nên Tây triết có câu: “Những kẻ đại tài thường gặp ý nhau" (Les grands esprits se rencontrent).
Lão bồi thêm:
-      Chính thế. Vô tâm mà giống nhau là chuyện thường trong làng văn thơ. Tuỳ Viên có trích dẫn hai câu thơ của hai thi nhân ở cách xa hàng vạn dặm và chưa hề quen biết nhau, mà tình ý giống nhau như hai anh em ruột. Một câu trong bài “Ngẫu thành” của Đào Hoàng Thôn rằng:
Đa tình chỉ hữu tiêu tiêu trúc,
Thời đới tà dương lục đáo song.
Nghĩa là:
Đa tình riêng khóm trúc hoa,
Ngày ngày đeo ánh dương tà vào song.

Và một câu trong bài “ Lương giai” của Diêu Cơ Truyền rằng:
Nhân tích bất như tu trúc ảnh,
          Mỗi tuỳ minh nguyệt đáo trung đình.
Nghĩa là:
Dấu người thua bóng trúc xanh
Đêm đêm theo ánh trăng thanh vào thềm.

VÂN SƠN: - Hay quá!
ĐỨC HUY: - Mà dù có mượn ý của nhau cũng không sao, miễn lời văn đừng giống nhau là được. Các nhà văn nhà thơ khác nhau ở cách diễn tả, mà hơn nhau cũng ở cách diễn tả. Còn ý thì ai cũng thể có những ý hay.
Lão biểu đồng: - Huống nữa, mượn ý nhau, người xưa cũng thường có. Như Lý Thái Bạch mượn thơ Tạ Khương Nhạc, Đỗ Phủ tập thơ Dũ Tử Sơn, Âu Dương Tu phỏng thơ họ Hàn… Có người cho là “du dạo”, Lưu Cống Phủ cười đáp: “Nhưng không thiệt hại đến sự chủ”.
VÂN SƠN: - Nhiều khi những gì mình thâu thập được trong sách vở ăn sâu vào đáy lòng, rồi lúc cao hứng, vụt tuôn ra một cách bất ngờ khiến mình ngỡ rằng chính mình đã nghĩ được.
Lão đáp: - Quả có thế. Và đó là “ tiêu hoá”: Đồ ăn ăn vào đã biến thành khí huyết. Những “ gì ấy” trước kia là của sách vở, mà một khi đã thấm vào lòng rồi tuôn ra bút như thế, thì trở thành của mình chớ không còn là của sách vở nữa. Ví dụ bọn già mình đây dùng cho thật nhiều nhung nhiều lộc giác giao vào rồi sanh thêm út một út hai nữa, thì những út đó là con cái nhà mình, chớ nào phải con hươu con nai.
Bác VÂN SƠN vỗ vế cười ngất: - Lão Vườn ví dụ thú vị quá!
Bác Đức Huy, tai thì để nơi câu chuyện, còn mắt thì để vào giỏ hoa, và tay luôn luôn tỉa lựa. Nghe Lão nói, liền giơ cao một nhánh hoa thơ, cười hả hả: - Lão già phong tình! Hèn chi TIÊU LIÊU TẨU gởi nhắn rằng:
Ông bảo rằng ông tuổi tác già…
Ông già ông vẫn khác người ta:
Nguyệt lồng gối mộng say sưa nguyệt,
Hoa bén vườn thơ ấp ủ hoa.
Đầy vạt thanh sam hương phấn điểm,
Quên đài minh cảnh tuyết sương pha.
Đường đời còn lắm duyên tri ngộ,
Gậy chạm đầu cưu hãy chống ra. (1)

Bác VÂN SƠN khen:
-      Cha chả! Ông lão nào đây mà văn chương tươi trẻ như thế?
Lão đáp: - Đó cũng là giống phong tình, già một lớp da ba lớp mỡ đó.
Bác ĐỨC HUY khích: - Tiêu Liêu Tẩu khai chiến. Lão Vườn định nghinh chiến hay qui hàng?
VÂN SƠN: - Qui hàng thế nào được. Chúng mình buộc lão phải giao phong kẻo mất danh lão tướng.
Vốn không “tập vợt” đã lâu ngày, không còn đủ khí lực, song bị thôi thúc, lão phải cố gắng hươ tay:
Tôi đã già rồi, bác cũng già,
Phong lưu còn nặng nợ đôi ta.
Xùng xình với nguyệt vì ưa nguyệt,
Ấp ủ dùm hoa kẻo lạnh hoa.
Hương ngấm lòng thơ riêng ấm áp,
Gương vờn mái tuyết lắm phôi pha.
Vườn xưa tạm đóng phòng mưa gió
Mừng đón dương xuân hé mở ra

Bác VÂN SƠN vuốt râu khen:
-      Giỏi! Giỏi lắm! Rõ là:
Ông già, già tóc, già râu,
Những ngón tí tửng ông đâu có già!
Bác ĐỨC HUY cao hứng hoạ ngay bài lão:
Tuổi tác tuy già tâm chẳng già,
Trần gian lắm kẻ há riêng ta.
Đeo gương ngắm nguyệt say tình nguyệt,
Chống gậy tìm hoa bẻ nhuỵ hoa.
Hương sắc trăm năm cho thắm đượm,
Phong trần hai mái mặc phôi pha.
Phải như lão phố người tri kỷ
Thời cữa vườn thơ mở rộng ra.

Bác VÂN SƠN tán thưởng: - Lanh lắm! Lanh lắm! Thật là:
Ông già ông khác người ta,
Cười hoa cợt nguyệt ông ma hơn người.
Bác Đức Huy nhìn bác Vân Sơn:
-  Tới phiên bác.
-     Thôi, vừa rồi. Huống nữa ai nấy đều hát thì còn ai cầm chầu.
-      Ừ, thì gióng chầu lên.
-     Nãy giờ đánh trống thưởng đã nhiều rồi, bây giờ xin gõ tang chút chơi: Hai bài của Tiêu Liêu Tẩu và của Lão Vườn không có gì đáng nọc. Có thể gọi là toàn bích. Riêng bài của Đức Huy, ba chữ “ bẻ nhuỵ hoa” lời thanh nhưng ý không nhã. Đề nghị sửa lại.
Lão đồng ý.
Đức Huy cười: - Thì tìm cho ba chữ khác.
Lão đáp: - Nên sửa là “ Đẹp ý hoa”.
Bác VÂN SƠN vỗ tay khen:
-    Hay! Lời nhã, đối chỉnh, ý kín, lại đổi hẳn khí thế câu thơ. Câu nguyên tác chỉ diễn tả hành vi của người đeo gương chống gậy. Nguyệt và hoa bị thụ động, người ngoài không rõ được phản ứng của chúng như sao. Còn trong câu:
Đeo gương ngắm nguyệt say tình nguyệt,
Chống gậy tìm hoa đẹp ý hoa.
Thì bên năng (người chống gậy đeo gương), bên sở (hoa nguyệt) tương ứng, có vẻ ý hiệp tâm đầu. Trong nguyên tác vì 2 chữ “ bẻ nhuỵ” rõ ràng là nói về người chống gậy, cho nên 2 chữ “say tình” ở trên nhất định phải thuộc về người đeo gương. Trong câu phủ chính, chữ “đẹp” là của hoa, nên chữ “say” trở thành của nguyệt. Trong câu nguyên tác, ý đi xuôi một chiều như dòng nước xuống biển. Trong câu phủ chính có hô có ứng, như tiếng gọi buông ra tiếng vang dội lại. Khí thế của hai câu khác nhau ở chỗ đó.

Bác ĐỨC HUY gật đầu. Lão hỏi: - Trong giỏ hoa còn nhành nào khả thủ chăng?
-      Muốn tìm một nhánh danh hoa mà không thấy.
-      Diêu hoàng Nguỵ Tử làm gì có được nhiều. Trong cơn mưa nắng thất thường mà tìm thấy được một nạm hoa ngâu, một búng hoa lài cũng đã đáng quí rồi vậy.
-      Thì đây, nhánh hoa lài của Vương Kính Sơn:
Vườn thơ vắng lão nhặt hoa thơ,
Con én rường cao đứng thẫn thờ!
Lạnh lẽo thềm mai hương gởi gió,
Bơ phờ mái liễu nhện buông tơ..
Ba xuân du tử buồn qua lại,
Bốn bể tri âm luống đợi chờ.
Ngoài dặm ráng mây tình có thắm,
Phấn hương vườn cũ nỡ thờ ơ?!

Và đây khóm hoa ngâu của Trương Ỷ Hương:
Vườn thơ vắng lão giữ vườn,
Để lan chờ đợi để hường nhớ nhung !
Cầm trăng liễu để tơ chùng,
Thềm mai để mộng lạnh lùng hương khuya.
Gió xuân mấy độ đi về,
Hoa không người hứng quanh hè hoa rơi !
Ráng mây tầm mát chơi vơi..
Ai tri âm đó? Đây lời tri âm.

Bác VÂN SƠN ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
-      Giá không sánh kịp hải đường tường vi, song cao hơn hoa lài hoa ngâu một bậc. Bài của Ỷ Hương có thể sánh với hoa cẩm nhung. Còn bài của Kỉnh Sơn thì chưa tìm ra giống hoa thích đáng..
Bác ĐỨC HUY ngắt lời: - Thì để đó đã. Bây giờ xin cho biết Kính Sơn dùng chim én vào thơ có ý gì chăng?
Lão đáp: - Tác giả họ Vương nên mượn chim én để nói mình, vì Đường Thi có câu:
Cựu thời Vương Tạ đình tiền yến
Phi nhập tầm thường bácb tánh gia.
Nghĩa là:
Én xưa đình Tạ đình Vương
Lạc loài đến chốn tầm thường nhân gia.
VÂN SƠN:
-      Con én trong vườn hoa thơ lại không bay đi nơi khác, mà cứ đậu nơi rường cao mà chờ lão vườn. Có tình thật !
ĐỨC HUY:
-      Hai bài nầy, bài của Ỷ HƯƠNG trội hơn bài của KỈNH SƠN.
Bác Vân Sơn đồng ý. Lão tiếp:
-      Khi nãy bác ĐỨC HUY có nói đến cách diễn tả. Chúng ta có thể mượn hai bài này để chứng minh lời nói ấy. Trong hai bài này có nhiều ý giống nhau, và mối tình nhớ thương cũng không lấy gì làm khác cho lắm. Riêng nói về câu 3 câu 4 của hai bài: Kính Sơn và Ỷ Hương đều dùng liễu dùng mai để tả nổi lòng của mình. Nhưng đọc lên câu của Ỷ Hương rung cảm chúng ta hơn câu của Kính Sơn. Vì sao vậy? Chẳng phải vì câu của Ỷ Hương giàu hình ảnh và giàu âm nhạc hơn câu của Kính Sơn đó ư?
VÂN SƠN: - Nghĩa là kỹ thuật của Ỷ HƯƠNG tinh diệu hơn Kính Sơn?
-      Chính thế. Các nhà văn thơ khác nhau ở kỷ thuật và hơn kém nhau cũng do kỷ thuật. Lời của bác Đức Huy quả thật đúng vậy.
ĐỨC HUY: - Nhưng có kỹ thuật mà không có tâm hồn thì trở thành những anh thợ làm hoa giấy.
Lão tiếp: - Còn có tâm hồn mà không có kỹ thuật thì chẳng khác có giống hoa quí trong tay mà không biết cách trồng trỉa.
VÂN SƠN: - Tức là nội dung và hình thức phải tương xứng thì tác phẩm mới thành giai phẩm, bằng mích một bên thì là hạ phẩm. Hoa dúi dẻ có hương, hoa bìm bìm có sắc, nhưng chỉ có các em bé là bạn tương tri. Còn những nhánh hoa thơ chúng mình lựa nãy giờ, tuy không phải “quốc sắc thiên hương” song sắc hương đều có đủ, thật đáng đem chưng nơi phòng khách, phòng văn.
Lão toan vào lấy thêm một ít hoa nữa ra nhờ lựa dùm, nhưng bác Đức Huy bác:
-      Để hôm khác. Hôm nay chừng nớ tạm đủ dùng để tiếp khách yêu hoa.
Bác VÂN SƠN tiếp: - Bữa nay nhân trời tốt, lại lựa được một ít hoa vừa ý, âu là chúng ta giúp lão vườn dọn dẹp để mở cửa vườn trở lại.
Thế là dưới ánh nắng vàng dịu buổi mai cuối xuân, ba mái tóc bạc bay phất phơ theo ngọn gió nồm, trong mảnh vườn nhỏ mà rêu đã phong nửa đường lối đi. Chốc chốc vang lên tiếng cười tích tác và tiếng ngâm nga:
-      Ra công quến mận vun đào
Nghìn thu hương phấn thấm vào văn chương.

-      Trải lòng dấp hạnh ủ hường,
Ngòi hoa chi ngại gió sương phụ phàng.

-      Chút tình thương huệ tiếc lan.
Từng xâu ngọc đúc từng hàng sao đông.
_____________________________________________________________________
(1) Chim cưu là giống chim ăn không nghẹn. Cây gậy ông già chạm đầu chim, có ý như ăn uống ngon lành.