Trong vườn hoa thơ Bài 16-Tiếp khách hoa thơ[5]


TIẾP KHÁCH HOA THƠ [5]



11.

Bóng mặt trời vừa lên khỏi rặng núi phương đông. Gió biển thổi dìu dịu. Một mình ngồi dưới gốc mận già, lão ung dung mở từng bó hoa thơ của bạn phương xa gởi đến để so hương đọ phấn. Chợt ông bạn già LA DUNG và cô bạn trẻ TUYẾT MAI đến kêu mở cửa vườn. Lão vội vàng ra đón khách với niềm hân hoan của tuổi già nở hoa.

LA DUNG hỏi: - Lão Vườn đương làm gì đó?
-      Tuyển hoa khôi.
TUYẾT MAI mỉm cười: - Hẳn là “Nghìn thắm trăm thơm đấu mỹ miều”?
Lão đáp:
Từng quen với lửa cao vàng đá.
Trót gọi rằng hoa tụ phấn hương.
LA DUNG tỏ vẻ nghi ngờ: - Như thế thì tấc cả hoa thơ gởi đến lão vườn chắc đều được nâng niu tán thưởng?
Lão cười:
Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi,
Thơ hay chẳng luận của người của ta.
Khách cả cười và mỗi người trao tặng lão một bó hoa bọc kín. Lão toan mở giấy, LA DUNG ngăn lại: - Khoan. Hãy cho xem hoa trong vườn lão trước đã.

Lão đưa khách đến bên giỏ hoa lão vừa soạn. LA DUNG vói rút một nhánh thuận tay, xem qua rồi nói: - Đây là “Cành hoa anh thảo” của VŨ HUYỀN DƯ ở Huế. Vũ quân gặp trên đường Van Thế cành hoa ấy, thấy có hương có sắc bèn nhặt gởi tặng lão vườn. Cả nhánh trổi nhất là 2 đóa này:
Nhặt chiếc hoa rơi xin kính lão
        Hương lòng hoà nhịp sắc hương hoa.
TUYẾT MAI phê bình: - Kể cũng có tình, song ai lại nhặt hoa rơi mà tặng? Nếu có thương hoa thì Vũ quân nên “Nhặt cánh hoa về ấp ủ hương” Còn muốn gởi tặng lão vườn thì thiếu chi hoa tươi trên cành? Nhặt hoa rơi dưới đất, dù là danh hoa đi nữa cũng là thất lễ, huống hồ anh thảo hoa.
Lão nói: - Đó chỉ do chỗ nghĩ không chín của Vũ Quân, chớ xem tình ý trong thơ thì thấy Vũ Quân có lòng muốn “đắc thọ”.
LA DUNG: - Tình thì quá đáng mến, nhưng lý thì không thể không trách. Khách phong tao cần phải thận trọng khi ngọn bút vào tay.
Lão tiếp: - VƯƠNG KINH CÔNG đời Tống nói rằng: “Chữ THI một bên chữ NGÔN, một bên chữ Tự. Tự là nơi quan cửu khanh ở, lời nói phi lễ phép không được vào”. (Thi giã TỰ NGÔN giã. Tự vị cữu khanh sở cư, phi lễ phép chi ngôn bất nhập). Đó là sợ kẻ làm thi mang lỗi bất kính nên KINH CÔNG mới nói ra lời ấy. Vì phần đông bạn thanh niên ít xem cổ văn nên không biết vậy.
TUYẾT MAI đón cành hoa xem kỹ: - Vũ Quân sắp xếp những cánh hoa đầu cành thành chữ LÀNH MẠNH, kể cũng đã công phu.
LA DUNG: - Đó là cách chơi chữ rất phổ thông trong làng thi Đường luật, và là ngón sở trường của những bạn lấy thơ làm món tiêu khiển như rượu cờ. Muốn trở nên một nhà thơ chân chính (un poète) thì những món tiểu xảo như thế nên nhường lại cho các ông thợ làm thơ (les versificateurs).
Lão nói thêm: - Trong một bài thơ, cũng như trong một khóm hoa, tình ý là gốc, từ cú là nhánh. Ca dao có câu:
Tiếc công vun quến cây tùng.
Săm soi trên ngọn dưới gốc sùng không hay.

Và cổ nhân dạy rằng: “Làm thơ trước hết phải lập ý. Ý lập được rồi thì lời tự đạt, vận tự hiệp, bài dễ tự thành. Nếu chẳng lo lập ý mà cứ lo trau dồi từng câu từng chữ, thì dù không rơi  vào chỗ cắt xé, cũng rơi vào chỗ chắp vá”.
Việc chuốt chữ còn phải tránh huống hồ việc chơi chữ. Phải tránh vì không khéo bị lâm vào cảnh “vun quến cây tùng”.
TUYẾT MAI: - Theo lời lão vườn vừa nói thì thơ hay ở ý. Nhưng đã có lần lão bảo rằng “Thơ là giai nhân nên trước hết phải đẹp”. Hai lời nói dường như mâu thuẫn nhau.

-    Không có gì là mâu thuẫn. Thơ là giai nhân, giai nhân là hoa. Cho nên Thơ cũng như giai nhân trước hết phải đẹp. Đó là chân lý của muôn thuở. Nhưng giai nhân mà có là nhờ thịt nhờ xương. Tình ý là xương của thơ, mà từ cứ là thịt. Và giai nhân đẹp là nhờ thịt, nhưng nếu không có xương, hoặc xương bị gãy hay bị cong, thì liệu thịt có thể tự chải chuốt cho giai nhân trở nên đẹp?
LA DUNG: - Người năng thuyết phải tuỳ đối tượng mà thuyết, thì sở thuyết mới có hiệu quả đối với người nghe. Lão Vườn đã theo phép ấy.
TUYẾT MAI gật đầu, rồi lựa chọn một nhành hoa vừa ý đưa ra giới thiệu: - Đây nhánh “Sầu trăng” của CAO HOÀNG NHÂN, một nhánh hoa, theo ý tôi, có thể gọi là hoàn hảo:
Rạo rực hồn yêu là bóng trăng,
Mang mang tình ái vướng gương Hằng.
Triều thơ tửơng vọng chìm hương quế,
Sóng lệ hoài mơ loáng gác Đằng.
Nửa mảnh trời êm sầu vợi vợi..
Một màn sương dịu nhớ giăng giăng.
Người ơi! Hương lạnh trang tình sử,
Hư ảnh người xây mộng kịp chăng?

LA DUNG khen “thanh tao”, rồi hỏi lão: - CAO HOÀNG NHÂN là ai?
-   Là một thanh niên trước đây tòng học ban Trung Học đệ nhị cấp trường Võ Tánh Nha Trang, hiện làm giáo sư một trường tư thục ở Phan Rang. CAO HOÀNG NHÂN có thi tài, nhưng thi học chưa được sâu rộng, nên thi phẩm thường được hoa lệ mà thiếu phần hàm súc, thâm thuý. Tuy vậy không có gì đáng ngại: Tuổi chàng đương trẻ, sức chàng đương hăng, bước tiến của chàng trên đường văn nghệ sẽ đi xa chưa biết đến đâu là cùng nếu chàng chịu khó nghiên cứu thêm văn chương Ầu, Á.
-   Sách Á cũng như sách Âu dạy phép làm văn làm thơ thật là sâu xa, rành mạch. Rất tiếc phần đông thanh niên ta hiện giờ Hán văn đã kém mà Pháp văn cũng kém. Còn bên quốc văn lại chỉ có lơ thơ đôi quyển thi pháp nhập môn quá ư sơ lược. Kẻ cầu tiến bộ thật không biết đâu để đặt chân.
TUYẾT MAI: - Tôi thường nghe nói rằng: Thơ hay là do thiên tài chớ không phải nhờ học vấn. Như Anh Thơ. NGUYỄN BÍNH,…thời tiền chiến, học lực không quá mức tiểu học mà văn chương vẫn nổi tiếng một thời.
Lão đáp: - Không phải rằng đậu bằng nọ bằng kia mới gọi là có học. Cũng không phải đọc được thiên kinh vạn quyển mới gọi rằng có học. Học là thâu thập những tinh ba của người xưa người nay gởi trong sách vở, rồi nhào trộn biến chế thành vật sở hữu riêng biệt của mình, như con ong hút mật, con tằm ăn dâu…
TUYẾT MAI: - Nhưng có lắm người học vấn uyên thâm mà suốt đời không thấy một thi phẩm truyền tụng. Như thế học vấn có lợi gì cho thơ?
Lão cười: - Dường như NGHIÊM VÕ ngày xưa biết trước rằng TUYẾT MAI sẽ thắc mắc điểm ấy nên đã giải thích rành mạch.
-    Giải thích thế nào?
-   Rằng: “Thi có biệt tài chớ không quan hệ ở sách. Thi có biệt thú chớ không quan hệ ở lý. Nhưng không đọc nhiều sách, không hiểu thấu lý, thì thi không đến chỗ cùng tột được”. (Thi hữu biệt tài phi quan thơ giã. Thi hữu biệt thú phi quan lý giã. Nhiên phi đa độc thơ đa cùng lý, tắc bất năng cực kỳ chí giã). Lưu Tri Cơ: “Có tài không có học như người thợ mộc khéo thiếu gỗ, không hay vận búa được. Có học không có tài như người đi buôn ngốc cầm vàng, không hay chứa hàng được” (Hữu tài vô học như xảo tượng vô mộc, bất năng vận cân. Hữu học vô tài như ngu cổ thao kim, bất năng đồn hoá). Lão xin nói thêm cho “rậm đám”: Thiên tài là giống tốt của trời gieo, học vấn là phân nước của người bón tưới. Giống dù tốt đến đâu mà thiếu nước thiếu phân thì lộc có nảy chồi có sanh đi nữa cũng không được thạnh mậu. Nếu NGUYỄN BÍNH, ANH THƠ.. chịu khó học hỏi thêm thì sự nghiệp văn chương nhất định sẽ cao thêm năm mười bậc nữa.
Nhưng thôi, lý luận mãi sanh nhàm. Hãy lo thưởng thức những hoa còn lại ở trước mắt.

TUYẾT MAI lựa thêm được hai nhánh. Một nhánh của Hoàng Khanh ở Bình Định đối chọi nhánh “Nhắn lão vườn” của nữ độc giả đã được giới thiệu kỳ trước. Một nhánh của VŨ TÒNG ở Kontum “Gởi tặng lão Vườn Thơ”. Nàng cầm xem hồi lâu rồi lấy kéo xắp những lá lảy rườm rà và những đóa hoa bầm héo, chỉ còn để mỗi nhánh hai đoá song sanh.
Đây là hoa của họ Hoàng:
Xuân gầy gõ bướm duyên cành phấn
Thu sụt sùi mưa lệ bến ngâu.
Và đây thơ họ VŨ:
Bút ngưng ý nhạc lời gieo ngọc
Mực thấm tình hoa giấy trải hương.

LA DUNG khen hay. Lão nói:
-   Nếu không nhờ bàn tay khéo léo của TUYẾT MAI thì những đoá hoa kia đã bị khuất  lấp trong mớ lá rậm hoa hư. Giai nhân lắm lúc thật có lợi cho văn chương lắm vậy.
TUYẾT MAI mỉm cười. LA DUNG vội lấy lại bó hoa trao cho lão khi nãy:
-   Phải lắm, những gì không đáng để mà để lại thì rất bất lợi cho những cái đáng để.
Nói đoạn mở vất tất cả những giỏ hoa, chỉ để lại có hai nhánh. Một “tức cảnh”, một “tức sự” và mỗi nhánh chỉ còn vỏn vẹn có hai đoá hoa tịnh để cân phân:
Mây hồng nắng hạ non xung bạc
Trăng gợn song thu nước mạ vàng.

-      Nhẹ gót non mai choàng gió mát,
Neo thuyền bến lách vọc trăng trong.
Lão khen:
-   Đẹp! Cặp trên dụng công. Cặp dưới tự nhiên, ba chữ “vọc trăng trong” thật liến!
TUYẾT MAI cười: - Rõ là khẩu khí khách phong lưu!
LA DUNG cũng cười: - Văn là người kia mà.
TUYẾT MAI: - Tôi nhận thấy trong số hoa thơ gởi đến cho Lão vườn đa số thuộc giống Đường luật. Có lẽ vì lão vườn thích thơ Cũ hơn thơ Mới xui nên thanh khí ứng cầu? Hay người đời nay trở lại thích sự ràng buộc của người trước?
-   Đối với lão, không có thơ Mới thơ Cũ mà chỉ có thơ dở thơ hay mà thôi. Và đối với Thơ chỉ có chất thơ và vị thơ là đáng chú ý, còn thể thơ là phụ thuộc, người làm thơ tuỳ sở thích mà chọn lựa thế nào phù hợp với tâm hồn. Thể Đường luật, qui tắc chặt chẽ, chỉ thích hợp với những tâm hồn nhã đạm, trầm tĩnh…, những tâm hồn đã được tiết chế kỹ càng. Đối với những tâm hồn phóng túng, những tâm hồn nhiệt động… thì Đường luật bị coi là chướng ngại vật, nên rất ghét và tránh xa. Nhưng đã gọi là Thơ thì dù là Thơ Tự Do đi nữa cũng vẫn có qui tắc, chớ nào có phải tự do múa gậy vườn hoang. Mà đã có qui tắc tức đã có sự buộc ràng. Có lẽ TUYẾT MAI đã có nghe lời của văn hào André GIDE?
-   André GIDE nói thế nào?
-   Nói rằng: “Nghệ thuật sanh do cấu thúc, sống nhờ tranh đấu và chết vì tự do”. (L’ art nâit de contrainte, vit de lutte et meurt de liberté).
LA DUNG:
-   Vấn đề nghệ thuật nói không biết bao giờ cho hết. Hãy gác lại để thưởng hoa của TUYẾT MAI đây .
Vừa nói LA DUNG vừa mở gói giấy: - Đây là nhánh là giây thì đúng hơn hoa antigone hái nơi lưng thành một blokhaus hoang vắng đứng dưới bóng chiều tà.
Lửa nguội lòng chinh chiến
Đỉnh lô cốt chon von..
Lưng tường chiều trải bóng
Tươi thắm màu ty gon.
Lão gật gù:
-   Đó là một bức tranh chấm phá! Lời ít mà ý nhiều! Có phải TUYẾT MAI muốn diễn cái ý “vạn vật vô tình”?
-   Phải. Ngọn lô cốt kia nào phải vì ghét nhân loại mà phun lửa đạn ra giết người, và cũng không phải vì thương hoa nên trải lưng cho hoa nương tựa. Còn hoa kia nở dưới bóng chiều là đến lúc phải nở chớ nào phải để Tuyết Mai thưởng thức rồi hái tặng lão vườn.
LA DUNG:
-    Đây là một bài thơ tượng trưng, có tánh cách gợi cảm hơn là phô diễn.
Lão tiếp:
-   Vì vậy ngoài cái ý vạn vật vô tình, nó còn gợi hình ảnh con người và dục vọng.Ngọn lô cốt kia là thân xác của con người. Những người núp trong lô cốt với súng đạn là dục vọng. Khi dục vọng nổi dậy thì con người trở nên xấu xa và độc ác biết bao nhiêu. Nhưng khi tham sân si đã diệt được hết rồi, thì còn gì đẹp đẽ bằng hình ảnh con người giác ngộ: cao siêu tự tại như ngọn tháp đầu non, và hiền lành như bóng chiều, vui tươi như màu hoa sắc lá.

TUYẾT MAI: - Ý tưởng ấy, xin thú thật rằng tôi không nghĩ thấu. Lão vườn đã phong phú thêm cho bài thơ.
Lão đáp: - Có nhiều khi ý tưởng nằm sâu trong tiềm thức, nhân cơn hứng nổi dậy mà theo ra cùng văn chương. Tác giả vô tình không trông thấy, nhưng độc giả hữu ý nên tìm ra.
LA DUNG: - Nhìn vào mặt nước, khách si tình thấy bóng mình, thường tưởng là bóng tình nhân.
Lão cười: - Tây Thi nhìn thấy bóng mình trong lòng giếng Cô Tô. Narcisse trông thấy bóng mình dưới giòng khe ngưng tuý. Rồi Tây Thi yêu giếng, Narcisse mê khe. Ý hẳn chàng cũng như nàng đã lầm tưởng bóng mình là bóng khe giếng? Nhưng nói chi thì nói, chớ nước mà đã in rõ được bóng người soi thì chất nước nhất định phải trong lắm lắm. Mà còn gì quí hơn chất thơ trong?

Khách thích ý cười to. Nhưng khí nóng của mặt trời quá buổi giục khách phải tạm biệt.





12.

Nghe tin lão đi Nam Đô vừa về bạn Hồng Sơn đến thăm:
-      Đi Nam Đô về có đem về được nhiều hoa thơ quí giá chăng hỡi?
-      Đi không chẳng lẽ lại về không.
Nhưng hoa thơ lão đem về đây không phải hái cũng không phải mua trong cảnh tưng bừng nhộn nhịp của Đô thành. Ở nơi phồn hoa đầy hoa: Hoa Giai Nhân, hoa Dalat, hoa ni lông, hoa đèn điện… nghìn sắc muôn hình. Nhưng thiếu hoa thơ, vì quá náo nhiệt, nàng Thơ phải lánh mình trong  những nơi đường hẻm, ngõ sâu.
Đi chơi cùng lão có anh chàng họ CAO và anh chàng họ NGUYỄN. Biết lão muốn tìm nàng Thơ, hai chàng bèn rủ vào vườn Thảo Cầm mà xưa kia gọi là Vườn Bách Thảo, là nơi có rào chắn ngựa xe.
Trong vườn nầy có nhiều cây to và nhiều thú, chớ không phải chỉ có những giống cỏ và những giống chim, như  tên đã đặt. Và ở đây cũng có nhiều giống hoa như ở ngoài phố.
HỒNG SƠN:
-      Trong nơi yên tịnh, đã có nhiều hoa thì chắc là nhiều thơ lắm lắm?
Lão cười:
-      Chắc tìm cũng không thấy thơ, nếu không gặp được ông VƯƠNG HỒNG SỂN ở Tàng Cổ Viện trong Thảo Cầm Viên.
Hồng Sơn vỗ vế cười ngất: - Thế thì Vương tiên sinh đã “ cù” nàng Thơ vào Tàng Cổ Viện rồi chớ gì?
-      Không phải nơi Tàng Cổ Viện, mà nơi mấy chén cổ, tô cổ của ông.
Ngoài bộ chén Mai Hạc có in câu thơ lục bát của cụ Nguyễn Du đề lúc đi sứ sang Trung Hoa:
Nghêu ngao vui thú yên hà,
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.
Ông Vương còn có một cái chén và một cái tô cổ vẽ sơn thuỷ và đề thơ Nôm.
Trên chén vẽ một người hành khách đứng bên ngựa, ngước mặt nhìn một cảnh cung điện nguy nga. Bên cạnh đề 4 câu thất ngôn rằng:
Một cảnh lâu đài tốt mỉa tiên
Những con mắt tục ắt ưa nhìn .
No nao tay phiếm giây cầm sắc
Kẻo nhọc thung thăng sứ điệp truyền.
Bài này lão nghi là của PHAN HUY ÍCH đời Tây Sơn, vì tương truyền rằng khi đi sứ sang Trung Hoa cùng Vũ Văn Dũng, họ PHAN có đề tặng một nhà làm đồ sứ một bài thơ, mà văn chương bài nầy thật giống văn họ PHAN. Nhưng đó chỉ là ức đoán chớ không có chi làm bằng.
Còn chiếc tô của ông VƯƠNG là một tô chữ NHẬT vẽ phong cảnh nước non, và đề một bài ngũ ngôn bát cú:
Một thức nước in trời
Đò ai chiếc lá khơi .
Non cao xem vọi vọi,
Giòng biếc thấy vơi vơi.
Mắn khúc Thương Lang khảy,
Ở đây nhiều khách chơi
Mong chờ yên sóng gió,
Qua lại mặc người đời.
Ông VƯƠNG bảo rằng chiếc tô này do vua Tự Đức đặt người Trung Hoa làm, nhưng chưa kịp phân phát ra ngoài dân gian thì vua băng, nên tô nầy ít nơi có.

Cũng như bài tứ tuyệt trên, bài bát cú này do ông Vương đọc cho lão nghe, chớ lão chưa được nhìn nét chữ ẩn hiện dưới nước men Trung Hoa. Và bài ngũ ngôn bát cú nầy lão thấy có sách chép dưới nhan đề là “Đề tranh sơn thuỷ” với đôi chỗ hơi khác:
Một thức nước in trời,
Đò ai chiếc lá khơi,
Non xanh cao vọi vọi,
Giòng biếc chảy vơi vơi,
Mắn khúc Thương Lang gảy
Ua tình lữ khách chơi.
Mong chờ yên sóng gió
Qua lại mặc người đời.
Ông Vương còn cho biết rằng chén Mai Hạc có đến hai thứ, hình vẽ giống nhau, nhưng một thứ đề câu thơ lục tát của cụ NGUYỄN DU, một thứ đề 2 câu ngũ ngôn chữ Hán:
Mai sơn xuân tín tảo,
Tiên hạc tháp vi đầu.
Nghĩa là:
Tin xuân mai mách sớm,
Tuổi thọ hạc bay cao.

Nói đến đồ cổ, lão chợt nhớ đến câu chuyện lão được nghe lúc thiếu thời. Rằng:
Một hôm có người Trung Hoa đến tặng bà Huyện Thanh Quan một bộ chén sứ, và xin bà một câu đối. Bà liền hạ bút viết hai câu thơ nôm:
Như in thảo mộc trời Nam lại,
Mang cả sơn hà đất Bắc sang.
Người Trung Hoa không hiểu ý nghĩa câu thơ như sao, mừng rỡ đem về Tàu, và lần sau sang, đem đến tặng bà huyện một bộ chén có in hai câu thơ ấy. Một người xem thấy, nói đùa:
-      Phải chi sự thật được như thơ, thì dân tộc Việt Nam không đến nỗi phải dùng đồ đất!
Kể cũng là một chuyện có lý thú, song nếu mắt được nhìn thấy bộ chén có 2 câu thơ của bà Huyện Thanh Quan, thì thú càng thêm thập bội.
Hồng Sơn cười:
-      Hoa thơ Việt Nam mà mọc trong men Trung Quốc, ngày xưa đã lấy làm quí, đến bây giờ lại càng quí biết bao! Vừa nghèo vừa quê như chúng mình, làm gì có những bảo vật ấy, để mà thưởng thức! Nhờ lão vườn cao hứng đi Nam Đô mà già này biết thêm được đôi cái chưa biết. Đó cũng là DUYÊN. Nhưng đó là hoa trong men sứ. Thủ đô là nơi tụ tập nhân tài, có lẽ lão vườn cũng có hái được ít nhiều hoa của các thi hào thi bá?
Lão liền vào nhà, khuân ra một chồng cao “hương sắc”:
-      Đây là của Vũ Hoàng Chương, đây là của Đinh Hùng, đây là của Đông Hồ, Mộng Tuyết, đây là của Bùi Khánh Đản, đây là của Hà Thượng Nhân, đây là của Bút Trà thi ông..
Hồng Sơn vội ngắt lời:
-      Các danh nhân trước, lão vườn chỉ kể tên, sao đến Bút Trà, lão vườn lại phải thêm 2 chữ thi ông ở cuối?
-      Bởi vì trên 30 năm nay người ta chỉ biết có bà BÚT TRÀ là một vị phu nhân đã dùng ngòi bút và giấy mực, tạo nên sự nghiệp “ vĩ đại” ở Việt Nam. Nay nếu chỉ nói trổng hai tiếng BÚT TRÀ thì sợ e có cảnh “cằm râu lầm lẫn”.
-      Thơ của BÚT TRÀ thi ông có hay chăng?
Lão thành thật đáp:
-      Cũng như các thi nhân lão vừa kể và hầu hết các tao khách trong nước, thơ Bút Trà đã  hành thế.
Hoa thơ đã bán chợ đời,
Vườn lòng đã mở cho người thưởng chung.
Thì xin mời bác “tuỳ thích tuỳ nghi” vậy.
Hồng Sơn ung dung ngồi xem những giai phẩm từ Nam Đô lão mang về:
-      Cỡi ngựa xem hoa, không thể nhận thức được chu đáo. Già xin mượn câu thơ của Lão Vườn, để phát biểu ý kiến, sau khi xem xong các tập còn thơm nét mực đô thành:
Hoa nào hoa lại không hương sắc,
Một cánh hoa tươi một điểm tình.
Lão biểu đồng và tiếp:
-      Riêng về ĐÔNG HỒ và BÙI KHÁNH ĐẢN, ngoài những giai tác đã in thành sách, hoặc đã đăng lên báo chí, hai nhà còn nhiều văn thơ mới lọt qua mắt năm mười bạn tương tri như:
ĐỀ VƯƠNG GIÃ HƯƠNG ĐÌNH
Đâu đây thoang thoảng gió hương ngàn?
Hương gió ngàn chăng? Hương gió lan?
Cho mực đượm vào hương sực nức,
Cho thơ hoà với gió mơn man..
Phương tâm tìm được trong vương giã,
U cốc gần nhau giữa thế gian.
Dầu chẳng đá rêu dầu chẳng  suối,
Lòng tiên cõi tục cũng thanh nhàn.
Bài bày tác giả tự  tay viết viết chữ quốc ngữ bằng ngòi bút lông – thành 1 bức trướng rất đẹp…
Hồng Sơn chận lại: - Khoan. Vương Giả Hương Đình ở nơi nào, xin cho biết trước đã, rồi muốn nói chi thì nói.
Lão cười: - Là Đình thơm của Đông Hồ ở tại Sài Gòn vậy.
Bốn chữ này nếu viết “Vương-Giả Hương Đình” thì có nghĩa là Đình thơm của bậc Vương giả. Còn viết “Vương Giả Hương Đình” thì nghĩa là Đình đầy mùi hương Vương giả, tức là Đình hoa lan. Nghĩa tuy khác nhưng ý vẫn như nhau, cho nên chủ nhân viết không có những ngang nối, để cho rộng nghĩa.
-      Lão Vườn đã đến Vương Giả Hương Đình chưa?
-  Lão có đến thăm Đông Hồ mấy lần. Song nơi chủ nhân tiếp lão, không biết có phải là Vương Giả Hương Đình chăng. Lão không thấy hoa lan, nhưng mùi hương sực nức, vì hai đỉnh trầm luôn luôn cuốn khói xanh.
Đông Hồ có phong thái của người xưa, và thi sỹ sống một cuộc đời phong lưu đài các, có thể nói là một cuộc đời vương giả.
    Hiện giờ tại Thủ Đô cũng có một số nhà văn nhà thơ sống trong cảnh phú quí. Song giàu thì giàu, sang thì sang, vẫn nhượng Đông Hồ, đọc bài thơ trên, Già cũng thấy qua được con người của thi sỹ.

Còn BÙI KHÁNH ĐẢN?
Lão lấy tập Đường thi trích dịch của họ Bùi đưa cho ông bạn:
-  Chỉ làm được bấy nhiêu công việc cũng đã hết sức hết hơi. Thế mà đó mới là phần I, còn phần II nữa dày gần gấp đôi. Chưa hết, Bùi quân sắp cho ra đời một tập thơ gồm 400 bài sáng tác. Sức bút của họ Bùi thật là khoẻ, tứ thơ của họ Bùi thật là giàu.
Và đây lão xin giới thiệu cùng bác một bài tác giả vừa mới làm ngày 01/02/62:

BẠCH CHỈ HOA
(Đề dàn hoa giấy trắng trên cụm hoa giấy hồng tại tư thất Đoàn Thi sỹ)
Bạn hỏi: Mây tan hay tuyết rơi ?
Thưa: Thơ nghìn mảnh nguyệt đương cài.
Lá phô nền biếc đàn thân mật,
Hoa rủ khung hồng kết thắm tươi.
Đài khép thanh sương trời sớm đọng,
Cánh đưa luân vũ gió đông cười.
Dù cho giây phút dù muôn thuở
Cũng đã nên duyên cảnh với người.

Văn thật là già dặn, tứ thật là mới mẻ. Trong làng Thơ Đường luật hiện thời, những bài như Bạch chỉ hoa, Vương Giã Hương Đình... là những ngôi sao trong lúc trời gần sáng!

BÙI KHÁNH ĐẢN và ĐÔNG HỒ thường qua lại với nhau trong bút mực. Tự đề Đường Thi trích dịch, Bùi quân có bài:

GIÓ NHẸ TRĂNG NON
Đây chút tơ tằm trả nợ sâu
Đem lòng người trước gởi người sau.
Mong làm gió nhẹ qua hiên gác,
Luống thẹn trăng non xế mái lầu!
Ai xót Thanh Liên bờ Thái Thạch,
Ta sầu Đỗ Mục đất Dương Châu.
Đêm đêm đọc lại dòng thơ cũ,
Có thấy tâm tình gặp gỡ nhau.

ĐÔNG HỒ hoạ vận, dười đầu đề THỬ TÀI LÝ ĐỖ:

Chớp mắt tàn theo mấy bể dâu
Nghìn xưa còn sống với nghìn sau.
Thời gian mực xoá bờ kim cổ,
Hồn mộng thơ xây nếp thấn lầu.
Đàn sáo dặt dìu ca vũ địa,
Vàng son lộng lẫy đế vương châu.
Đâu là Lý Đỗ đâu Bùi Đỗ.
Khéo trộn vào nhau cho lẫn nhau.

HỒNG SƠN: - Thật xứng đào xứng kép. Nhưng trong câu chuyển bài của Đông Hồ, có chữ BÙI ĐỖ, Bùi là Bùi Khánh Đản còn Đỗ là của ai?
Lão lật quyển Đường Thi trích dịch:
-  Đỗ bằng Đoàn, người cộng tác cùng Bùi quân trong việc dịch Đường Thi. Bùi quân lo việc dịch vần, Đỗ quân lo dịch nghĩa và chú thích.
Hồng Sơn: - Thơ Đông Hồ có vẻ đài các. Thơ Bùi Khánh Đản đượm buồn.
Lão đáp “Thơ là Người” rồi đọc tiếp bài thơ của Bùi quân đã “Trả lời” cho những bạn đọc quen biết:
Đừng hỏi thơ sao vẫn đượm buồn.
Đời tôi: lá úa đọng hoàng hôn.
Tình theo sương nhạt tan đầu núi
Ý gởi trăng mờ lạc cuối thôn.
Bốn ngả anh em đều góp hận,
Hai phương sông núi đã chia hồn.
Vườn hoang còn một bông hồng nhỏ,
Mưa gió e rồi cũng rụng luôn!
Hồng Sơn cảm động. Một thoáng mây buồn lướt qua gương mặt lúc nào cũng thấy vui. Ông bạn khe khẽ ngâm:
Vườn hoang còn một bông hồng nhỏ,
Mưa gió e rồi cũng rụng luôn!
Và nói:
-      Sao bi quan đến thế? Trong bài, 2 câu này và câu thứ 2 thật hay. Cổ nhân thường nói “Đời sông của Bùi quân đối với Đông Hồ chắc cũng bên chú bên bác?
Tự nhiên lão cảm thấy buồn, nhưng với giọng thản nhiên lão đáp:
-      Vì sanh kế BÙI KHÁNH ĐẢN thi nhân đã trở thành một công chức làm việc một ngày hai buổi tại nhà Văn Hoá saigon.
HỒNG SƠN cười: - Như thế BÙI quân vừa là bạn đồng điệu vừa là bạn đồng nghiệp với Lão Vườn.
-      Đồng nhưng bất đồng. Riêng nói về nghiệp: Bùi quân là 1 công chức văn hoá. Lão là một công chức hành chánh…
Tuy thế vẫn là công chức.
Mang lấy nghiệp công chức, lắm lúc thật buồn cho sự nghiệp văn chương. Tuy văn chương là lẽ sống ở đời, nhưng hết 7 phần trăm thì giờ phải bỏ ra để lo tròn nhiệm vụ người công chức . Lại còn một sự thật rất đau xót: Hồn thơ Đường không phù hợp với cuộc đời hành chánh, nên tình đời khi ghét khi thương…
Nửa trái đào tặng bạn đương khi bạn vui, thì bảo đó là tình chân thành tha thiết. Cũng nửa đào ấy mà khi ghét, thì người tặng đào bị mang tiếng khinh ngạo khi thường.
Đã bao lâu hồn Thơ lạc loài nơi các công sở, văn nghiệp bị thương tổn khá nhiều, mà nạn nhân là lão, vì gánh nặng gia đình, phải cam lòng chịu vậy.
Nghĩ phận lão, lão chạnh thương Bùi quân.
Nhưng lão lại mừng cho Bùi quân, vì bùi quân được làm việc trong một công sở lo về việc văn hoá, lại gặp được ông phó giám đốc là một nhà văn có bụng lẫn tài. Bùi quân khỏi bị sống bơ vơ giữa những người suốt đời xa lạ tuy sớm thấy mặt nhau, chiều thấy mặt nhau.
Hồng Sơn đứng dậy cáo từ, vừa đi vừa ngâm lớn:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đành trách lẫn trời gần trời xa.
Lão ngâm tiếp:
Trăm năm trong cõi người ta,
Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều.
Văn chương mang luỵ dẫu nhiều,
Vườn hoa thơ miễn mai chiều phấn hương.
                                                                                                              (1962)