Trong vườn hoa thơ Bài 16-Tiếp khách hoa thơ[6]


TIẾP KHÁCH HOA THƠ [6]




13.

Sau khi xa cách Vườn Thơ, Chức Thành có câu:
Nhớ vườn hoa nở ngọt ngào,
Dưới trăng chung bóng ra vào cùng thơ.
Nhưng đã ngót mấy năm nay, nàng không có thơ từ chi cho Vườn Thơ cả. Lão đinh ninh rằng:
Hoa còn đượm mãi vườn xưa,
Lòng thơ năm trước bây giờ đã phai.
Vừa rồi trong khi không chờ đợi, lão nhận được hai nhánh hoa thơ nàng gởi tặng vườn:

DŨ BỤI PHIỀN BA
Thinh thinh áp dũ bụi phiền ba,
Vui với con thơ với mẹ già.
Dâu lúathú quê mùi đạm đạm,
Ráng mây tình bạn bóng xa xa.
Dịu dàng cánh bướm hương đưa mộng,
Mát mẻ vườn thơ gấm trải hoa.
Thương kẻ tình duyên xuân mới nở
Bên thêm hoa lý lắng oanh ca.
   
NƠI THÔN QUÊ
Quên tính trăng thu mấy độ tròn,
Mùi quê quen thú lợt mà ngon.
Chuyện đời theo nước trôi đi hết,
Tình cũ trong thơ mở vẫn còn.
Am ỷ ngọn đèn canh nhớ bạn,
Dịu dàng tao võng khúc ru con.
Mây ai biết được lòng vui tẻ
Mỗi bận xuân về dịch véo von.

Xem tình ý trong thơ, lão tự cười mình hay nghi ngờ lẩm cẩm:
-      Tình thơ xưa cũng như nay, đông cũng như tây, có bao giờ phai lạt. Tuổi già hay nghĩ lếu thật!
Lão còn đương gật gù ngâm:
Chuyện đời theo nước trôi đi hết,
Tình cũ trong thơ mở vẫn còn.
Thì có khách đến: Bác Vân Sơn TRẦN QUANG DỤC và chị MINH LỆ, một người bạn mới của Vườn Thơ.
Đương lúc cao hứng lão giới thiệu ngay với khách hai thi phẩm của Tuyết Nga. Bác VÂN SƠN trầm ngâm giây lâu rồi nói:
-      Lời thơ thanh lão. Vị thơ mới nếm qua đường lợt, nhưng càng chíp chắp càng đượm đà. Câu:
Dịu dàng cánh bướm hương đưa mộng,
Mát mẻ vườn thơ gấm trải hoa.
Thật kịch sự!
MINH LỆ tiếp: - Văn chương đã luyện quá thành ra tự nhiên. Câu:
Am ỷ ngọn đèn canh nhớ bạn
Dịu dàng tao võng khúc ru con.
Rung cảm lòng người một cách nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Cảnh thì là cảnh thông thường mà tình lại là tình riêng biệt.1 tấm điềm đạm nhưng thiết tha.

VÂN SƠN: - Nếu người của tác giả  không sống trong cảnh ấy, lòng của tác giả không sống với cảnh ấy, nghĩa là thơ nhất định phải chơn.
Lão tiếp: - Mà thơ muốn chơn thì trước hết người làm thơ phải có tánh tình. Nếu không tánh tình mà cố gắng làm cho có thơ, thì thơ ấy chỉ là những nhánh không hoa lá. Dù có cách vẫn không có thú.
VÂN SƠN: - Có nhiều người không mừng mà reo, không thương mà khóc… Nhưng họ reo cũng rất dòn, học khóc đến ra nước mắt! Những kẽ ấy tưởng có tài làm thơ đấy chớ?

Lão cười: - Bác làm lão nhớ đến 1 câu chuyện trong Tuỳ Viên Thi thoại.
-      Câu chuyện thế nào?
-      Có một thầy đồ đến xin nương tựa nơi một nhà quyền quí. Để tỏ tài văn chương của mình, thầy đồ dâng lên một tập thơ. Nhà quyền quí lặng lẽ ngồi xem, xem hết trang này đến trang khác, không một lời khen cũng không một tiếng chê. Sau đọc đến bài “Thuận hoài” có câu:
Cha chết nằm Vỵ bắc,
Em đày sang Giang Đông. (1)
Nhà quyền quí buông sách thở dài, và than: “Tình cảnh sao mà thảm quá thế!”. Thầy đồ liền đứng dậy khúm núm bẩm rằng: “Bẩm Đại Nhân, sự thực thật không có như thế. Ngu phu mồ côi cha từ lúc thơ ấu, và trên không anh, dưới cũng không em. Nhân nhớ đến cảnh Vỵ Bắc mà phải dùng cảnh Giang Đông để đối cho chỉnh, và đã có cảnh rồi phải mượn tình lồng vào cho câu thơ có đủ cảnh đủ tình vậy thôi.

MINH LỆ: - Ở đời sao lại có người kỳ cục đến thế?
Lão đáp: - Đó là không bệnh của những người “ cốt lý vô thi” mà lại sính làm thi, chớ có gì là lạ.
VÂN SƠN ngắt lời: - Kết thúc câu chuyện “Vỵ Bắc Giang Đông” thế nào?
-      Không thấy Tuỳ Viên nói. Nhưng chắc nhà quyền quí mời thầy đồ sang Vỵ Bắc hay Giang Đông, vì một người không thành thật trong văn chương, thì ngoài đời nhất định không thể thành thật được, mà người đời ai lại thích gần người không thành thật làm chi?
MINH LỆ cười: - Nếu không do miệng thầy đồ nói sự thật ra thì ai biết được rằng thơ thầy nói dối.
Lão đáp: - Hồ ly là giống dấu đuôi rất khéo mà nhiều khi còn bị lộ, huống hồ loài người không tinh ranh bằng hồ ly. Vì thế nhà thi hào Racine của Pháp quốc nói rằng: “II n’y a point de secret que le temps ne révèle”, nghĩa là không có điều bí mật gì mà thời gian không tiết lộ.

VÂN SƠN: - Nãy giờ mãi ham chuyện người mà quên chuyện mình!
-      Chuyện gì thế!
-      MINH LỆ có một ít hoa thơ muốn tặng lão vườn, nhưng e ngại nên cậy già đến mở “Lời phi lộ”.
-      Lời phi lộ đã mở rồi, vậy hãy cho lão xem thơ.
MINH LỆ rụt rè: - Đem Vạn Thọ, nở ngày… đến nơi vườn đầy tường vi, thược dược… thì thật là…
Lão cười, ngâm:
Thanh bằng cung chuỷ đô tu tuý,
Vị tẫn toan hàm chỉ yếu tiên.
VÂN SƠN: - Thơ của ai thế?
-      Của Viên Mai.
MINH LỆ: - Viên Mai là người đời nào? Và câu ấy nghĩa như sao?
-      Một đại thi hào đời Thanh. Ông ấy luận thi thì dường khoan mà kỳ thật rất nghiêm. Khi soạn bộ Tuỳ Viên thi thoại, ông đặt ra câu kia để làm khẩu hiệu, đại ý nói rằng: “Tiếng thì cung tiếng chuỷ chi cũng được miễn sao cho dòn;  Còn mùi thì chua mặn chi cũng xong, cốt cho tươi là được”.
Người đồng thời của Viên Mai là TỪ SƠN cư sỹ lại có câu:
Thi chơn khởi tại phân Đường Tống
Ngữ diệu hà tằng lộ khắc điêu
Nghĩa là “Thơ hay há phải chia ra Đường Tống; Lời diệu cần chi phải có sự chạm trổ”, tức là thi cốt ở tánh tình, và không cần phải giống thơ Đường hay thơ Tống mới gọi là hay. Mỗi lần bàn luận về thơ lão không quên hai câu thơ ấy. Vậy MINH LỆ không nên ngại lòng.

MINH LỆ trao tập thơ. Lão xem qua một lượt, nhận thấy phần nhiều nói đến thân phận, tả về nỗi lòng.. Có một số bài văn chương đã luyện lắm. Trổi nhất là bài “Chắp mối tơ thưa”.
Tơ đứt cầm loan chắp mối thưa
Ba năm chung gối mộng thờ ơ
Tình xưa nỡ để trôi giòng biếc
Kiếp sống thôi đành ủ giấc mơ.
Gượng nét tàn dung vui với cảnh,
Gói niềm tâm sự gơỉ vào thơ…
Nỗi lòng ai xét ai không xét
Thương cũng nhờ ơn ghét cũng nhờ.

VÂN SƠN: -  Theo già nầy thì bài “NHỚ HUẾ” ở trong tập cũng là một nhành hoa khả thủ.
Chẳng biết bao giờ viếng cố hương
Cho vơi nỗi nhớ cạn niềm thương.
Gió trăng Cù hải tuỳ đằm thắm,
Mây ráng Bình sơn mãi vấn vương.
Bến nước còn sâu tình Vỹ Dạ?
Nhịp cầu đã bắt nghĩa Kim Luông ?
Đêm qua giấc ngủ rủ hồn theo mộng,
Con bướm ngu ngơ dẫn lạc đường!
Lão gật đầu:
-      Văn chương lưu loát lắm. Câu kết thật liến! Lời trong tứ mới. Những câu thơ như thế không phải lúc nào cũng làm được, chứ không phải người nào cũng làm được.
MINH LỆ:
-      Lão Vườn muốn khuyến khích mà khen quá lời chăng?
Lão đáp :
-      Thơ không hay mà khen thì lời khen chẳng những không có lợi cho người được khen mà còn làm hại cho người khen. Lão đâu có dại. Có người trách lão sao hay khen mà ít thấy chê. Lão chỉ đáp: “Bởi vì lão nhận thấy hay thì lão khen, còn lão không trông thấy dở thì bảo lão chê thế nào được”. Nói là nói vậy, chứ thật ra lão không dám chê ai, nhưng khen người cũng không phải đụng đâu khen đó.
VÂN SƠN: - Thơ hay thì mỗi bài hay mỗi vẻ. Xem thơ thì mỗi người thích mỗi cách. Lời khen chê phần nhiều do sở thích mà ra. Ca dao có câu:
Hoa huệ hoa lan hoa lài hoa lý
Anh yêu hoa nào hoa ấy là xinh.
Cho nên người xem thơ thấy thích thì cứ  khen, khen cho sướng miệng; người nghe khen thấy thú thì cứ nghe, nghe cho sướng tai; chớ hơi đâu ngại lời thị phi, phi thị.

Lão cười: - Vậy hãy khen một câu nữa trong tập cho thêm vui.
VÂN SƠN: - Câu nào?
-      Câu kết bài “Nhập đoàn Thanh Nữ tự trào”.
Ghé tai chàng lén thì thầm hỏi:
Thanh nữ sao mà lại lắm con?
-      Thật là dí dỏm! Lão Vườn quả tinh mắt. Chình già này xem tập thơ đã nhiều lần mà không để ý.
-      Đó là vì những câu trên có phần vụng, nếu không chịu khó tìm thì thường bỏ rơi.
MINH LỆ: - Không phải vì MINH LỆ, mà chính vì vườn hoa thơ, chính vì Hoa vì Thơ thì đúng hơn. Bởi:
Hoa thơm ai nỡ bỏ rơi.
Thơ hay ai nỡ tiếc lời khen hay.

VÂN SƠN: - Lão Vườn thường ngâm câu ấy, và nghe ngâm có một ít bạn gởi hoa thơ đến cho vườn. Không hài lòng khi thấy tác phẩm mình không được tán thưởng.
MINH LỆ: - Sao thế?
VÂN SƠN cười: - Vì “tự kỷ văn chương” chứ sao!
Lão phân trần: - Kể ra cũng đáng trách chớ chẳng không. Vì ngoài những nhánh hoa khô héo, có nhiều nhánh đủ sắc đủ hương, có nhiều nhánh đầy nhựa sống, song chỉ danh rieng cho tác giả cùng lão vườn thưởng thức với nhau mà thôi chớ không tiện chưng bày ra giữa nghìn mắt… Như vậy:
Nỗi lòng ai xét ai không xem,
Thương cũng nhờ ơn ghét cũng nhờ.
VÂN SƠN:
-      Câu chuyện văn chương còn dài. Bây giờ chúng tôi xin tạm biệt.
Đưa khách ra cửa, lão ngâm đùa:
-      Không ở không cầm, cầm chẳng ở.
VÂN SƠN đối ngay:
-      Vừa đi vừa tiếc, tiếc nhưng đi.
MINH LỆ ngâm tiếp:
Tái lai còn lắm giai kỳ.
Ra về mượn ít hương thi đem về.
_________________________________________________________
(1)           Hai câu thơ của thầy đồ bằng chữ Hán nhưng vì lão quen nên phải thay 2 câu thơ trên diễn đúng ý tác giả, (hoặc có sai đôi chút nhưng không sai xa)