Trong vườn hoa thơ Bài 16-Tiếp khách hoa thơ[7]



TIẾP KHÁCH HOA THƠ [7]



14.

Vừa rồi ra Bình Định, lão có hái được một ít hoa, hương không nồng lắm, sắc không thắm lắm, nhưng đượm đà khí vị non sông.
Phần nhiều là những dã hoa mọc nơi cổ tháp Chiêm Thành.
Đây khóm hoa tháp PHỐC LỐC:
Lên thăm hòn Phốc lốc,
Núi cao đường dốc,
Em nghĩ thương dân tộc người Chiêm:
Gặp cơn bể nổi dâu chìm,
Đã không người vá khuyết lại không chim lấp thù!
Tháp đành ôm hận nghìn thu,
Nấu nung vàng đá mịt mù khói mây…
Nhưng em nghĩ rằng:
Trời còn đây đất cũng còn đây,
Lẽ đâu trục đất lại không vần xây cơ trời.

Tháp Phốc Lốc tên chữ là Phú Lộc, Pháp gọi là Tour d’or (Tháp vàng), đứng trên hòn thổ sơn ở giữa cánh đồng mênh mông, một thửa thuộc Phù Cát một nửa thuộc An Nhơn.
Đối diện cùng tháp Phốc Lốc là tháp CÁNH TIÊN. Tháp ở trong phạm vi thành Đồ Bàn. Gần bên tháp có lăng miếu thờ hậu quân Võ Tánh. Vì vậy bên tháp có một khóm hoa mọc đã trên một thế kỷ rồi, cánh đã khô mà hương còn ngát:
Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên,
Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm.

Cách tháp Cánh Tiên chừng mươi cây số, bên cạnh quốc lộ số 1, gần cầu Bà Di, có tháp BÁNH ÍT đứng trên một ngọn núi cao, in bóng xuống dòng sông xanh bên đường cái. Qua đây lão hái, được nhánh hoa nầy:
Tháp Bánh Ít đứng khít cầu Bà Di
Sông xanh núi cũng xanh rì,
Vào Nam ra Bắc ai cũng phải đi con đường này.
Nghìn thu gương cũ còn đây,
Lòng ơi, hãy lo nung son sắt kẻo nữa đầy bể dâu.

Xuống đến địa dầu thành phố Qui Nhơn thì thấy hai chiếc cầu bắt song song bên đường Quốc lộ. Tháp ấy gọi là THÁP ĐÔI, và cầu ấy gọi là CẦU ĐÔI. Những cặp yêu đương ở đó thường hái những đoá hoa này để tặng nhau:
Tháp kia còn đứng đủ đôi,
Cầu nằm đủ cặp, huống chi tôi với nường.
Tháp ngạo nắng sương,
Cầu nương sắt đá.
Dù người thiên hạ
Tiếng ngã lời nghiêng,
Cao thâm đã chứng lòng nguyền,
Còn cầu còn tháp còn duyên đôi đứa mình:
Non sông nặng gánh chung tình.

Nếu chúng ta đi ngược dòng sông Côn đến quận Bình Khê thì chúng ta thấy ở hai bên sông có hai cụm tháp. Cụm phía Bắc ba ngọn đứng trên một nổng gò đất sỏi. Đó là tháp DƯƠNG LONG. Cụm phía Nam, một ngọn đứng trên một dãy gò thấp chung quanh có ruộng nương nhà cữa. Đó là tháp THÚ THIỆN. Hai tháp nầy xưa kia làm móc ranh giới cho ấp Tây Sơn là nơi phát tích nhà Tây Sơn. Gần đây nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ đảng Cần Vương Bình Phú, xây đồn luỹ ở núi Hương Sơn gần bên tháp, để đánh Tây. Do đó mọc lên một khóm hoa mà người Bình Khê luôn luôn gìn mưa giữ nắng:
Vững vàng tháp cổ ai xây?
Bên kia Thú Thiện bên này Dương Long.
Nước sông trong
Dò lòng dâu bể,
Tiếng anh hùng
Tạc để nghìn thu.
Xa xa con én liệng mù,
Tiềm long hỏi chốn vân du đợi ngày.

Nhân đi tìm hoa nơi tháp Thú Thiện và Dương Long, lão ghé lên Phú Phong ở gần đó, mà người Bình Khê có vịnh rằng:
Nhất huyện Bình Khê đất Phú Phong,
Ruộng nương màu mỡ chợ làng đông.
Chàm pha núi Kính cây sum trái,
Lụa trải sông Côn nước khoả dòng.
Cây Cốc phố phường danh Tấn Sỹ;
Đồng Hưu đồn luỹ hận anh hùng.
Cổ Bàn non nước còn thiêng mãi,
Có thuở Hầm Hô cá hoá rồng.

Muốn biết phong cảnh Hầm Hô như sao mà cá lại hóa rồng được, lão nhờ người địa phương đưa đi xem.
Đó là một dòng suối rộng lớn chảy giữa hai dãy núi sườn đứng sững và đá mọc ngổn ngang. Lòng suối cũng đá là đá. Hòn hòn to như bồ đựng lúa. Nhiều hòn đá bị nước chảy lâu ngày biến thành những hình dạng kỳ quái. Có nơi trông như bầy voi tắm. Có nơi trông như bầy ngựa đua. Vân vân…
Lại có một ngọn thác nước chảy ồ ồ. Mùa gió Nam và mùa nước lụt, cá sông về nguồn đẻ phải nhảy qua thác này. Ông già bà cả bảo rằng đó là cá thi để hoá rồng. Cho nên thác gọi là Long Môn hoặc Vũ Môn, và người Bình Khê dựa vào đó mà có câu “Hầm Hô cá hoá rồng” vậy.
Vào Hầm Hô, lão thấy nơi vách đá có nhiều hoa mọc lắc la lắc lẻo trong im lặng. Sẵn tay lão hái một nhánh gần:
Nguồn ân núi Tượng Nhảy sông Côn,
Qua suối Hầm Hô nước dập dồn.
Dòng cuốn ngựa voi sừng sững đá,
Bờ xây tàhnh quách trập trùng non.
Lấp hờn, giục giã mây xua sóng,
Vá khuyết, chơi vơi cuốc gọi hồn.
Ngòi lạch nhắn nhe bầy cá trẻ:
Nắng mưa rèn luyện chí long môn.

Xem Hầm Hô xong, lão trở về Phú Phong, tình cờ đi ngang qua một dãy gò có dấu nền cũ chứng tỏ rằng nơi đây xưa kia có những toà ngang dọc. Hỏi thăm, người địa phương cho biết rằng gò đó là gò Cây Cốc, trước chiến tranh có hãng dệt của ông L.ĐELIGNON tục gọi là ông Tấn Sỹ. Hãng dệt to lớn, đã nuôi sống hàng ngàn thợ thuyền do đó xứ  Cây Cốc trở nên một nơi thị tứ. Hãng dệt bị Việt Minh phá hoại năm 1947. Hiện nay chỉ còn một dãy gò không thả bò ăn.
Gò nằm bên nam ngạn sông Côn. Bên gò có bến nước gọi là bến Cây Sung. Từ xưa đến nay thuyền câu luôn luôn đậu nơi bến, lúc giặc giã cũng như lúc bình thường. Do đó mọc lên một khóm hoa khép nép trong đám bìm lau, người đời qua lại ít ai để ý:
Xưa dãy gò không, nay đất không…
Thuyền câu chẳng đổi bến Cây Sung.
Buông tơ sớm tỏ lòng dâu bể,
Lặng lẽ nằm nghe sáo mục đồng.
Trên gò thấy lác đác đôi khóm hoa. Nhưng gò có nhiều gai gốc nên lão không vào, chỉ đứng ngoài vói hái vài cành:
Ráng mây thấp thoáng hồn Vương Thạch.
Hoa cỏ xuê xoang giống Lạc Hồng. (1)
Rồi lão theo bờ sông Côn đi lần xuống để tìm thêm một ít ngâu núi sim rừng. Chợt lão nghe tiếng cười khúc khích. Ngước lên nhìn thì lờ mờ thấy một người đàn bà ẵm đứa con. Thấy một ông già lụ khụ dậm sỏi vẹt gai để tìm hoa, người đàn bà chế nhạo:
Thương ông đầu bạc đa tình
Dày sương dậm sỏi băng mình tìm hoa.
Không chịu nổi với lời mai mỉa, lão liền đáp:
Hoa ơi, tóc bạc lòng son,
Hương chưa nhạt gió lão còn yêu hoa.

Người đàn bà phá lên cười. Lão xích lại gần, nheo mắt nhìn kỹ thì té ra là chỗ quen biết! Đó là TUYẾT NGA, người đã đến viếng vườn hoa thơ Lành Mạnh và thường gởi hoa đến tặng vườn. Lão mừng rỡ hỏi: - Từ đâu đến?
Rằng:
Từ nơi núi mọc bên sông,
Hoa chen luỹ cỏ mây lồng tháp cao.
Hỏi: - Đến làm chi?
Rằng:
-      Thương lòng bền bỉ sương sao
Vườn lòng bẻ nhánh hương trao tặng lòng.
Lão trân trọng nhận lấy hoa, một bó hoa mới hái, cánh hương chưa ráo giọt sương mai:

LÒNG KHUYA VẮNG

Tiếng đồng tan vỡ ngập âm ba
Phòng vắng xanh, xao ngọn nến tà.
Xuân mộng trở trăn thành cựu mộng;
Phồn hoa run rủi luỵ tài hoa.
Sầu tuôn mắt mẹ dòng thơ mật,
Tình đọng môi con giọt huyết ngà.
Trà ướp hương xưa duyên đã nguội,
Còn chăng? Đắng đót ngọt ngào pha….

Từ giã TUYẾT NGA, tấm lòng già cỗi khô khan bỗng sanh bồi hồi áo não! Nhánh “Lòng khuya vắng” của Tuyết Nga xui lão nhớ đến cành “ DẠ CỐ NHÂN” mà lão đã hái được mấy mươi năm về trước:
Đêm mấy lần mưa gió mấy lần!
Hoa tuy còn giữ nét thanh tân,
Am thầm nuốt biết bao nhiêu lệ!
Muôn dặm dừng cương, dạ cố nhân….
Rồi lão lại liên tưởng đến cành hoa của Uông phu nhân đất Dương Châu bên Trung Quốc gởi tặng chồng đi viễn chinh:
Thủ chiết ba chi thuý đại tần!
An cần dục ký viễn chinh nhân.
Minh tri đáo nhật ưng tiều tuỵ,
Tức thử ba chi kiến thiếp thân.
Nhánh hoa nầy lão đem về ương nơi vườn nhà ở Bình Khê , và đã trổ thành một đoá hoa Việt:
Nhành hoa tay bẻ mày nhăn!
Sa trường thăm thẳm ân cần gởi trao.
Tới nơi héo nhuỵ phai đào…
Chàng ơi! Thân thiếp khác nào thân hoa!
Đó là những khóm viên hoa.

Lão nhận thấy những viên hoa của lão hái được toàn là những đoá hoa lòng, nghĩa là thiên về tâm tình, còn những khóm dã hoa đều là giống hoa cảm hứng thiên về lý trí.
Dã hoa là của chung
Viên hoa là của riêng.
Mà chung hay riêng cũng đều nhờ ơn đất nước mà có. Và đây chỉ là những đoá hoa lão hái được ở những nơi gần. Còn nhiều lắm… Còn nhiều nơi lắm hoa… Khắp các tỉnh, trong những nơi thôn dã trong những nơi sơn lâm, hiện có nhiều vườn hoa trồng nhiều giống lạ giống quí, nhưng chủ nhân nhất thiết không đem ra bán phố phường. Lão vái chín tầng trời, mười lớp đất cho lão mạnh tay khoẻ chân để đi khắp nước, lục lạo tìm cho được những kỳ hoa dị thảo ẩn bóng trong đồng rộng núi cao, đem về hiến cho các bạn yêu hoa thân mến.
______________________________________
(1)           Thơ của Hương Sơn Nguyễn Đình Mẫn.





15.

Trần Thúc Lâm và Nguyễn Hoài Văn là hai nhà cựu học, tuổi hơn “nửa thế kỷ” rồi mà chưa chịu đi tìm thọ viên, cứ lẩn quẩn bên thi uyển. Một hôm lão “Quở”. Hai ông bạn cười:
Mình chẳng còn răng mà tưởng trẻ
Người chưa bạc tóc lại chê già.
Lão đáp ngay:
Bạn già chẳng biết lòng ta trẻ.
Không đợi lão ngỏ hiết ý, họ Trần ngắt lời:
Bầy trẻ thường chê tánh bác già.
Lão không nhịn thua:
Tánh già già khác người ta
Hoa thơm cách mấy ngàn xa vẫn tìm.
Họ Nguyễn cười:
-      Hoa thơm thì cách mấy ngàn xa vẫn tìm, còn hoa không thơm mấy, người ta đem đến tặng có nhận chăng?
Lão đáp:
Hoa chẳng hương thời sắc
Hoa nào không sắc hương
Đìu hiu lau trỗ bạc
Dầm bút vị văn chương.
Họ Trần hỏi:
-      Hoa lau trổ văn chương, xuất xứ ở đâu thế?
-      Nam có bắc có. Các bác không nhớ tích bà mẹ nhà đại văn hào Au Dương Tu dùng lau làm bút dạy con học ư? Lý Bạch có bài thơ:
Au mẫu dương niên thiện giáo nhi
Nhất tòng lưu đắc tả thu ti
Giang dầu phong thối sương đinh ốc
Mộng lý ba khai tuyết mãn chi.
Nhạn quá bình sa tương tác tự
Nguyệt minh Hán thuỷ tự lâm trì
Tố hồi tiện dục tài tân sĩnh
Trâm hướng cao quan thị ngọc trì.
Nghĩa là: Vịnh Cây bút bằng lau. Bà mẹ ông Au Dương Tu năm xưa khéo tay dạy con. Một khóm để lại được, chép lòng nhớ thu. Đầu sông, gió lui thì sương đầy từng dãy. Trong mộng hoa nở thì ánh tuyết tràn cả nhánh. Nhạn qua bãi cát phẳng cùng viết thành chữ; trăng soi sáng dòng sông Ngân Hán tự  tìm đến ao. Nghĩ lại việc ngày xưa, bèn muốn trồng giống mới tốt, vì chính nơi thềm ngọc, trâm dắt đầu hướng nhìn mũ cao.
Thế là “bút lau” có sản xuất. Còn “dầm vị văn chương” thì như bài “lô bút”của Lý Bạt. Văn Thiên Tường có câu nói đến lau:
Mãn địa lô ba hoà ngã lão
Cự gia yến tử  vị thuỳ phi.
Nghĩa là: Đầy đất hoa lau cùng già với ta, còn nơi nhà cũng đoàn én vì ai mà bay?

Trong bài Chiêu Hồn của cụ Nguyễn Du có đoạn nói đến hoa lau:
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khơ
Não nùng thay buổi chiều thu
Ngàn lau nhuộm bạc lá ngô rụng vàng….

Trong bài THU của Chế Lan Viên cũng có đoạn nói đến hoa lau:
Cũng mới độ nào trong gió lộng
Nếu lau bừng sáng núi lau xanh
Bướm vàng nhè nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước thành.
Vân vân…
Đó hai bác thấy chưa: Tình hoa lau mà khách văn chương còn chẳng nỡ phụ huống hồ các giống hoa khác, trừ hoa cốc. Nhưng hoa cốc, chưa thấy dáng đã nghe mùi rồi. Các bác cũng như lão, cũng như tất cả những người yêu hoa, đều tránh xa thứ hoa ấy. Vậy lão chắc chắn rằng những hoa hai bác đem đến tặng vườn, thế nào cũng quí giá hơn hoa lau. Vậy xin đưa đây, đừng khách sáo.

Nhân và xem qua mấy bó hoa thơ của hai ông bạn, lão rất mừng. Chẳng những mừng vườn thơ có hoa chưng bày, mà còn mừng bước tiến vượt mức của hai bạn.
Nguyễn Hoài Văn và Trần Thúc Lâm mấy mươi năm bị triêm nhiễm lối thơ cử nghiệp. Làm thơ lo giữ gìn cách luật cho nghiêm túc, thành tứ thơ tình thơ bị gò bó, khô khan. Lấy tình cố giao, lão thường đem lời người xưa ra khuyến cáo. Lão thường nhắc câu của Tuỳ Viên:
Thi hữu cán vô ba thị khô mộc giã (1)
Thi hữu cách vô thú vị thổ ngưu giã (2)
Họ Nguyễn hỏi:
-      Thế nào gọi là hoa có cọng không hoa, thế nào gọi là thơ có cách không thú?
-      Giảng rườm lời mà khó nhận thức, nên xin đưa ví dụ ra cho tiện. Và xin lấy một bài của một quan trạng đời Lê mà lão quên tên, bài thơ rất được truyền tụng và các nhà dạy thơ trước đây thường đem làm mẫu. Đó là bài:

CÁI CẮNG ĐÁNH NHAU
Vừa mưa vừa nắng bởi vì đâu ?
Cái cắng làm sao lại đánh nhau?
Vác gậy bà chằn phang dưới gối
Vơ dùi ông hểnh choảng trên đầu.
Cha căng mất vía bon lên trước,
Chú kiết kinh hồn lẩn lại sau.
Cái cắng từ rày còn thế nữa
Thì ra đi rủ cái bồ câu.
Nguyên tục ngữ có câu: “Vừa mưa vừa nắng, cái cắng đánh nhau, bồ câu ra chữa, tí nữa thời tạnh”. Bài này các ông dạy thơ Đường luật khen là hay về phép tắc (3). Bởi đúng phép làm thơ: Đề trạng luận kết không có chỗ bắt bẻ được. Tám bệnh không mắc bệnh nào. Cũng không phạm ngũ kỵ, không phạm tứ bất nhập cách (4). Cho nên khen là phải. Nhưng chúng ta ngâm đi ngâm lại xem có thú vị chi chăng? Chúng ta ngắm đi ngắm lại xem có đẹp đẽ chi chăng? Chắc hai bác cũng như tôi, không ai thấy đẹp mắt khoái lòng. Không thích mắt thoả lòng, đó là hữu cán vô ba, hữu cách vô thú.
Nói cho rõ thêm: Thơ hữu cán vô ba là thơ không có sắc, trông như một cây khô. Không bông không lá.
Thơ hữu cách vô thú là thơ không vị, chẳng khác một con trâu đất không hồn.
Họ Trần tiếp: - Tức là thơ không hồn.
Rồi lại hỏi: - Anh thường bảo thơ phải gồm đủ THANH, SẮC, VỊ, mới là thơ hay. Nhưng đó chỉ mới nói đến sắc và vị. Vậy nếu thơ thiếu THANH thì gọi như thế nào?
-      Lão chỉ đưa hai khuyết điểm mà quí bác thường mắc phải đó thôi. Chớ thật ra còn nhiều như “hữu nhân vô ngã”, “ hữu trực vô khúc”, “hữu thanh vô tận” v.v… Điểm bác hỏi đó là “hữu thanh vô vận”.
Hữu thanh vô vận thị ngoã phẩu giã (5).
Bài thơ “Cái cắng đánh nhau” đọc nghe chẳng êm tai tí nào cả. Đó là tiếng của một chiếc phẩu đất vậy.
Đem một bài thơ thiếu cả thanh sắc vị để làm mẫu cho kẻ học làm thơ thì bảo thơ hay thế nào được? Nhưng thơ làm đúng cách thức như thế, vào trường dễ đậu, xướng hoạ để đua tài lẫn nhau, không ai bắt bẻ được, nên những sỹ tử  ít tài, những thi công háo thắng, rất ưa làm. Chúng ta làm thơ là để ký thác tâm sự, để giải phóng tâm hồn, thì không nên theo lối thơ cử nghiệp.
Một ông khách bành thính nói:
-      Làm thơ thất ngôn bát cú đã bị niêm luật ràng buộc, lại còn bị bệnh nầy bệnh kia nữa. Chi bằng làm thơ lục bát khỏi niêm khỏi luật, khỏi bệnh khỏi hoạn chi cả, chẳng khoẻ hơn sao?
Lão đáp:
-      Đã thích thì dù khó đến đâu cũng cố gắng. Còn nếu không thích thì dù dễ đến đâu cũng không dùng. Nhưng bảo thể lục bát không niêm không luật thì không đúng. Trong các sách dạy thơ như sách của Lam Giang, của Dương Quảng Hàm, v.v… đã nói rõ. Còn đã gọi rằng bệnh, thì thơ nào tránh khỏi nếu kẻ làm thơ kém kỹ thuật kém tài năng. (6)
Quí bạn thử đọc những câu này xem sao:
Trèo lên cây bưởi hái bòng
Hái chẳng được bòng khóc ròng nãy giờ
Biết ai mà phỉnh mà phờ
Đút tay vô lờ mới lỡ một lần
Ơ sao phải phải phân phân
Củ chóc củ nần không bằng củ từ
Những câu ấy nghe đâu có êm tai bằng những câu:
-      Một mai ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim

-      Chim chuyền bụi ớt líu lo
Lòng thương quân tử ốm o gầy mòn.

-      Nhà em có bụi mái mưng
Có con chó dữ anh đừng vô ra

Vì sao vậy? Chỉ vì một bên không theo đúng qui củ của thể lục bát còn một bên thì tuân thủ triệt để.
Ở trên đời này có thứ ngôn ngữ nào không có nguyên tắc? Có thể thơ nào không có nguyên tắc? Đâu phải chỉ có thơ Đường luật mới có nguyên tắc. Thơ Mới, thơ Tự Do… vẫn có nguyên tắc của Thơ Mới thơ Tự Do… Cũng như nước nào có luật lệ của nước ấy. Chỉ khác nhau ở điểm rộng hay hẹp, tồn cổ hay duy tân.. đó thôi.
Luật thơ Đường mới ban đầu cũng rộng rãi lắm. Nhưng càng ngày càng thêm chi tiết mới trở thành khó khăn cho người mới học làm thơ. Thể nầy chỉ thích hợp với những tâm hồn đã được tiết chế, những tâm hồn bình tĩnh, những tâm hồn vô ngại… chớ không thích hợp với tâm hồn người đời nay. Vì vậy nên không cần mạt sát đả đảo, thể Đường luật cũng phải chết theo những nhà thơ cữ, không kíp thì chầy.
Lão công nhận rằng thể Lục bát ít bó buộc hơn thể Đường luật nhiều. Nhưng lão nhận thấy: thơ Đường Luật khó làm nhưng dễ hay, thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Do đó từ xưa đến nay chỉ có một quyển Đoạn Trường Tân Thanh.

Trần Thúc Lâm và Nguyễn Hoài Văn nghe lão nói nhìn nhau. Lão hiểu ý, khuyên:
-      Hai ông bạn thử đổi thể thơ.
-      Xin lĩnh ý.
Trà ấy gắng công Lão mừng: Thơ Lục Bát của hai ông bạn khác hẳn  thơ Đường luật mà lão được xem bấy lâu. Không còn khô khan gò gẫm như  trước. Trong thơ có chất thơ ngoài thơ có tiếng nhạc. Đây thơ của họ Trần:
TẤC LÒNG QUÁN TRỌ
Bao phen là nhuộm vàng thu
Lênh đênh thương gót lãng du chưa về
Bồi hồi ngoảnh lại trời quê
Núi sông ngăn cách tư bề nước mây.
Non Nam cách nhạn lạc bầy
Cỏ hoa đất Bắc độ nầy tuyết sương
Riêng phần sông vệ núi Dương
Gió mưa xoáy cuộc tang thương đã nhiều
Còn chăng trẻ trĩu nhánh điều
Ruông mai vàng lúa bãi chiều xanh dâu
Và người năm ấy giờ đâu
Trên sông hoài vọng đứt cầu âm hao
Lạnh lùng bóng nguyệt mài dao
Quốc cừu biết có lúc nào trả xong
Ngập ngừng chiếc én sang song
Ngóng xuân luống những phập phồng tin xuân.

Và đây là thơ của họ Nguyễn:
MỘT NHOÁNG SE MÀU 
Cuộc đời thay biển đổi dâu
Thương vườn xưa cũng hoan màu phong sương
Cỏ gai rấp nghẽn lối đường
Bìm leo nách dạu bốn tường trơ vơ
Hoa buồn bướm lại thờ ơ
Liễu gầy oanh luống ngẩn ngơ giọng chiều
Một mình đứng giữa cô liêu
Hồn nghe vang vọng sóng triều cõi sâu
Xuân xanh một nhoáng se màu
Gió về run rẩy mấy tàu chuối khô

Chưa phải là khúc Dương A dới lộ, nhưng không đến nỗi bị liệt vào hàng khối lỗi lậu chi (7). Và những câu như:
-      Riêng phần sông Vệ núi Dương
Gió mưa xoáy cuộc tang thương đã nhiều

Khối lỗi là con nộm nang Lậu chi là chén thủng. Chữ mượn trong câu: Hữu nhơn vô ngã thị khối lỗi giã; hữu trực vô khúc thị lậu chi giã.
Và câu:
Một mình đứng giữa cô liêu
Hồn nghe vang vọng sóng triều cõi sâu
Xuân xanh một nhoáng se màu
Gió về run rẩy mấy tàu chuối khô.
Thì có thể khen hay mà không chút ngượng ngại. Câu của họ Trần tuy dùng chữ TANG THƯƠNG là chữ cũ mà nhờ có chữ XOÁY thành ra câu văn trở nên mới mẻ. Cổ nhân gọi là “Xuất tân ý, khử trần ngôn”. (8) Còn mấy câu của họ Nguyễn thì tứ mới lời mới, thoát hẳn ảnh hưởng của thơ cử tử ngày xưa.
NGUYỄN ĐÔN PHỤC có câu:
Đất đã đắp đắp cho nên núi, chín chày phải gắng công lao;
Đường dù đi đi dốc đến nơi, nghìn dặm chi mài khó nhọc.
Lão xin mượn để tặng hai ông bạn họ Nguyễn họ Trần.
Bỏ là bỏ cách dùng. Chữ không có mới cũ. Mới cũ là do cách dùng. Cho nên mới nói là “trần ngôn”. Tức là bỏ cách nói đã mục nát thành bụi.
________________________________________________________________
(1)           Có cọng mà không có hoa đó là cây khô.
(2)           Có cách không có thú đó là con trâu đất.
(3)           Trong báo Hữu Thanh số 10 năm thứ tư nơi mục “cái bàn cách làm thơ” ông Đào Nguyên Thiện cũng đưa bài “Cái cắng đánh nhau” ra làm mẫu.
(4)           Trong quyển Thi Pháp Nhập Môn có nói rõ, người làm thơ Đường Luật ai cũng biết, nên miễn bàn thêm.
(5)           Có tiếng mà không có âm vận thì là phẩu đất. Chữ THANH đây là tiếng. Còn chữ THANH của bạn Thú Lâm hỏi đó là thanh điệu, là âm vận. Câu “Hữu thanh vô tận” nghĩa là có lời mà không có nhạc, đọc nghe không êm tai.
(6)           Qui tắc về thể lục bát các sách đã nói nhiều rồi nên không cần phải nói thêm.(7)           Dương A Dới Lộ (ánh mặt trời chiếu vào giọt sương móc) là một khúc ca nổi danh, giá trị kém hơn Dương Xuân Bạch Tuyết một bậc.
(8)           Xuất ý mới, bỏ lời trần hủ.