Trong vườn hoa thơ Bài 12-Vần hoa Bến Ngự


VẦN HOA BẾN NGỰ

SÀO NAM PHAN BỘI CHÂU là một nhân vật lịch sử. Quốc dân không một ai không biết thanh danh. Nhưng phần đông đồng bào biết tiên sinh về mặt cách mạng nhiều hơn mặt văn học.
Có người đến Vườn Hoa Thơ hỏi lão:
-  Sào Nam tiên sinh có phải một thi nhân chăng?
Không chút ngại ngần, lão đáp:
-  Tiên sinh là một thi hào.
Thật vậy. Tài của tiên sinh có thể sánh với Tô Đông Pha đời Tống.
Ai đã từng sống gần tiên sinh, ai đã thấy tiên sinh soạn văn tế trong dịp truy điệu chí sỹ Phan Tây Hồ ở cựu Thần Kinh Huế năm Bính Dần (1962) thì phải khâm phục tài lỗi lạc của tiên sinh. Ngoài bài soạn cho toàn thể sáu bảy bài nữa cho học sinh trường Quốc học, nữ sinh trường Đồng Khánh, cho anh em thợ may, thợ cúp, anh em phu xa…, mỗi giới mỗi bài. Tiên sinh chấp tay sau lưng, chân đi đi lại lại, miệng đọc cho "đương sự” chép, như văn đã làm sẵn trong lòng. Chép xong đọc lại cho tiên sinh nghe. Không mấy khi sửa chữa. Song bài nào hợp tình hợp cảnh với giới ấy, không 1 câu trùng, không 1 ý trùng văn chương lâm ly bi tráng.
Đó là do trong lòng tiên sinh chứa đầy những phân phương thơ văn phỉ trắc nên hễ hé môi hươi bút là sanh nhuỵ sanh hương.
Nhưng vì suốt đời tận tuỵ hy sinh Cách Mạng, tiên sinh dùng thơ văn chỉ để phụng sự cách mạng chớ không phải để xây dựng sự nghiệp văn chương, chỉ mượn mùi vị văn chương làm vị mật vị đường làm bớt vị thuốc cách mạng thường chua cay đắng đót, chớ không đem tài thêm hoa dệt gấm để đua tài cùng nhã khách tao ông. Cho nên tác phẩm của tiên sinh không được phần đông khách tao đàn hoan nghênh truyền tụng. Tác phẩm của tiên sinh còn để lại hầu hết là những liều thuốc bổ bào chế với mật thơ, chớ không phải những trái cây thơm ngon có nhiều chất bổ như thơ các vị thiền sư đời Lý đời Trần. Do đó mà văn thơ của tiên sinh phổ biến cũng không được sâu rộng trong đại chúng. Bởi phần đông ai cũng như ai ưa ăn trái cây hơn uống thuốc bổ.
Ít người được biết văn nghiệp của tiên sinh là vì thế.
Riêng nói về thi ca của tiên sinh.
Tài tiên sinh như tài Tô Đông Pha, thơ tiên sinh cũng không khác thơ họ Tô: Nhiều tài ít tình, và lời văn thường trực chớ không khúc. Lắm khi còn dùng những chữ mà các nhà thơ thuần tuý không bao giờ dùng:
Tháng một đứng trên đầu tháng chạp
Ngày ta nằm dưới đít ngày tây.
Đó là một câu trong bài vịnh lịch. Trong bài thích thực câu ca dao "ăn sung nằm gốc cây sung, lấy anh thì lấy nằm chung không nằm” là một bài tiên sinh rất thích thú, cũng có những chữ không mấy nên thơ:
Ừ chơi, cho nó toi đồng bạc
Dễ chăng cho ai nếm má hồng.
Những chữ không được thanh nhã như thế thường gặp trong tác phẩm của tiên sinh. Đó là vì cũng như Tô Đông Pha, tiên sinh chỉ nặng về ý chớ không nặng về lời, chỉ chú trọng phong phú chớ không chú trọng cách điệu.
Thi ca của tiên sinh, lời không tao nhưng khí rất mạnh. Có thể sánh với hoa phượng hoa hoè nở trên cành cao với nắng hạ. Muốn thưởng thức phải nhìn từng chòm từng đám, phải biết yêu sắc vàng của dân tộc, sắc đỏ của tâm huyết, thì mới nhận thấy vẻ cao đẹp của văn chương.
Nói thế không phải bảo tuyệt nhiên thi ca của Sào Nam tiên sinh không có tường vi cẩm nhung. Những bài như HOA THUỶ TIÊN:
… Nhuỵ kìa vàng hoa kìa bạc lá kìa xanh
Trên mặt nước long lanh trời với bóng.
Đố ai biết thần tiên biệt chủng ?
Mái Hương Giang mà tiên động tự nhiên thành.
Vô tình mới thật hữu tình
Ơn người giới thiệu cho mình gặp tiên… (1)
Bài CẢM TÁC:
… Thà không trời đất không chi cả,
     Còn có non sông có lẽ nào !... (2)
Bài ĐIẾU TRƯƠNG GIA MÔ chí sỹ:
… Mây bạc nước non người vắng vẻ
Chim vàng mưa gió bạn lao xao…. (3)
Bài TIẾNG DÂN ĐẦY TUỔI TÔI:
… Đành chẳng công đâu may khỏi tội
Bao nhiêu chữ đó bấy nhiêu tâm (4)

Thật sắc hương gồm đủ, có nhưng nhị những danh thi truyền tụng xưa nay.
Tiên sinh có 1 nữ đồng chí tên Lê Thị Đàn, người xã Thế Lại Thượng, phủ Thừa Thiên. Năm canh tuất triều Duy Tân( 1910) bị thực dân bắt giam ở lao Quảng Trị, và bị tra tấn cực kỳ khủng khiếp, nhưng 1 lời không khai. Sau lấy giây lưng tuẫn nghĩa. Khi về an trí ở Bến Ngự (1925), Tiên sinh lập miếu thờ và truy tặng bà biệt hiệu là Ấu Triệu, khắc bia kỷ niệm và đề nơi miếu câu:
   Tơ nhân sợi nghĩa giây lưng trắng
Dạ sắt lòng son nét máu hồng.
Văn chương tự nhiên nhưng hàm súc, mới xem dường lợt lạt nhưng càng ngẫm nghĩ càng cay đắng xót xa!
Những vần thơ khóc THÁI PHIÊN tuẫn quốc trong cuộc Duy Tân khởi nghĩa (1916) khóc NGUYỄN THÁI HỌC, NGUYỄN THI GIANG hy sinh trong cuộc hưng binh Yên Bái (1930), cũng là những viên bảo ngọc minh châu:
            Trong vòng lồng chậu không chim cá,
Trước mặt non sông có đất trời
                                                                                (Điếu Thái Phiên)
Mây mịt mù xanh trời vẫn hắc
   Giọt chan chứa đỏ bể khôn bằng
                                                                                (Lời cô  khóc cậu)
Ngại ngùng gió yếu mây trơ mực
Tức tối trời say máu úa đào.
                                                                                (Lời chị khóc em)
Trong những bài văn tuyên truyền của tiên sinh cũng thường có nhiều câu nên thơ:
… Trải mấy lớp tiền nhân đựng mở
Bốn nghìn năm dãi gió dầm mưa
Biết bao công của người xưa
Gang sông tấc núi dạ dưa ruột tằm
                                                                                (Ai Quốc ca)
Than ôi lục tỉnh Nam Kỳ
Nghìn năm cơ nghiệp còn gì hay không?
Mịt mù một giả non sông
Ai ơi, ai có đau lòng chăng ai?
Từ phen lở đất nghiêng trời
Biển bơ vơ sóng, non rời rạc mây…
                                        (Ai cáo Nam Kỳ phụ lão thư)

Chính những câu có sức truyền cảm như thế đã đánh mạnh vào tâm của người đọc, khiến họ trải lòng đón lấy những lời tuyên truyền để cho trí có thì giờ phân tách lẽ thiệt hơn.
Ngày tiên sinh đau nặng, sắp mất (1940), các bạn thân đến thăm. Cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt thân bằng đọc bài sanh vãn. Tiên sinh cảm động khẩu chiếm “vài lời ghi nhớ để về sau”.
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ hà nhân bất thức quân.
Bảy mươi tư tuổi trót phong trần,
Nay gặp bạn mới tinh thần hoạt hiện.
Những ước anh em đầy bốn biển,
Ai ngờ trăng gió nhốt ba gian!
Sống xác thừa mà chết cũng xương tan,
Câu tâm sự gởi chim ngàn cá biển.
Mừng được đọc bài văn sinh vãn
Chữ đá vàng in mấy đoạn tâm can
Xét mình nay sức mỏng trí thêm khan,
Lấy gì đáp khúc đàn tri kỷ!
Dương dương hồ chí tại lưu thuỷ
Nga nga hồ chí tại cao sơn,
Đờn Bá Nha mấy kẻ thưởng âm ?!
Bỗng nghe quạ khóc trộm lại đau thầm,
Chung Kỳ chết ném cầm không gảy nữa.
Nay đương lúc tử thần chờ trước cửa,
Có vài lời ghi nhớ để về sau…
Chức phường hậu tử tiến mau ...
Rõ là:
Tằm xuân đến thác tơ còn vướng,
Nến sáp thành tro lệ chửa khô ! (5)

Nói tóm lại: Phan Sào Nam tiên sinh tuy không lấy văn chương làm sự nghiệp, nhưng tác phẩm của tiên sinh để lại nếu ra công thu thập cả thi ca từ phú cũng có đến vài ba trăm bài. Có nhiều người suốt đời tận tuỵ cho thi ca, sự nghiệp cũng không hơn nổi. Và thi ca của tiên sinh tuy phần nhiều có ít tình, song phần lớn đều có biệt thú. Mà giá trị của thi ca chính ở phong phú, như lời của Viên Tử Tài và Dương Thành Trai, 2 danh sỹ đời Thanh. Cho nên tôn xưng tiên sinh là Thi hào không phải vì đại danh của tiên sinh, mà vì thi nghiệp của tiên sinh vậy.

Về thân thế và sự nghiệp văn chương cũng như cách mạng của tiên sinh đã nhiều sách báo nói đến. Nên lão chỉ đưa ra Vườn Hoa Thơ một ít giai tác và một ít thiển kiến để mua vui cùng bạn tri âm và để tạ lòng ông bạn đã có lòng chiếu cố.
 ________________________________________________________
(1)       Xem toan thiên trong bài A “Chuyện hoa trong ngày xuân”
(2) (3) Xem toàn thiên trong bài E “Thôi Xao” ở trước.
(4)       Tờ Tiếng Dân do Huỳnh Thúc Kháng đứng chủ bút, Phan Sào Nam cộng tác.
(5)       Dịch câu thơ của Lý Thương Ẩn:
Xuân tàm đáo tử ty phương tận
Lạp Cự thành khôi lệ vị càn.