- Phạm Đình Quát
Theo
thi sĩ Quách Tấn viết trong Xứ Trầm Hương thì ngọn đồi có ngôi thánh đường
thường gọi là Nhà thờ Núi hay Nhà thờ Đá, vốn xưa là Hòn Một - tên chữ là Hoa
Sơn - được ví như con Rùa Vàng (Kim Quy) trong thế phong thuỷ Tứ thuỷ triều quy, tứ thú tụ của cuộc
đất xứ Nha Trang. Phía nam Hòn Một là rừng mai vàng hoang dã; loài mai biển
hiện chỉ còn rất ít ở vùng Thuỷ Triều, thuộc bán đảo Cam Ranh. Để mở rộng đô
thị, người Pháp đã xẻ núi làm đôi mở đường Phước Hải (nay là đường Nguyễn
Trãi). Nửa phía đông, đến nay dấu tích
núi Một vẫn còn dù người ta đã đục phá, lấy đất xây nhà ở. Nửa phía tây, được coi là phần thân của Rùa Vàng cũng bị
đánh mìn san phẳng mặt bằng để xây dựng nhà thờ.
Vòm mái điện thờ. |
Nội thất. |
Năm
1928, dự án xây dựng nhà thờ Chánh Toà được xúc tiến do linh mục
Louis-Vallet-Mep (1846-1945) chủ trì. Trước đó vị linh mục này đã hoàn thành
việc xây dựng nhà thờ Chánh Toà thành phố Đà Nẵng, trước khi vào Nha Trang
thành lập giáo xứ Chánh Toà Nha Trang. Đầu tiên, Nhà Xứ và các công trình phụ
được hoàn thành vào tháng 3/1930 rồi mới xây dựng phần chính của công trình và
được cử hành lễ khánh thành long trọng vào ngày 14-5-1933. Trước đó - ngày
12-2-1933 - trong một chuyến công du, vua Bảo Đại đã đến thăm khi công trình
đang được hoàn thiện. Lúc ấy, bộ chuông đồng đúc ở Pháp chở sang được treo tạm
trên tháp gỗ riêng (29-7-1934). Mãi đến ngày 01-4-1935, phần tháp chuông như
hiện nay - cao 32m tính từ mặt sân nhà thờ - mới được khởi công và hoàn thành
sau đó 4 tháng.
Mặt
trước nhà thờ quay về hướng Bắc, có hai lối đi lên. Phía trước có 53 bậc cấp đi
bộ từ đường Thái Nguyên lên, qua cổng là đến Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, xây dựng
tháng 4-1940. Lối thứ hai đi từ quảng trường cạnh ngã sáu vòng quanh phía sau
lên sân nhà thờ có độ cao chừng 8m so với mặt đường phố chung quanh. Con đường
này được lát đá chẻ năm 1941. Nhà nguyện dài 39m và rộng 19m4 (tính cả hành
lang dọc hai bên). Phía sau - nối liền với nhà nguyện - là khu nhà sinh hoạt và
làm việc của giáo xứ kéo dài thêm chừng 28m
nữa.
Lối đi lên nhà thờ vòng mé tây. |
Mặt trước |
Có
một điều thú vị là rất nhiều người - kể cả một số giáo hữu Công giáo tại Nha
Trang - vẫn lầm tưởng công trình kiến trúc đồ sộ này được xây dựng hoàn toàn
bằng đá chẻ, một loại vật liệu xây dựng kiên cố, có rất nhiều ở Nha Trang và
khắp tỉnh Khánh Hoà. Vì thế ngoài tên gọi chính thức là Nhà thờ Chánh Toà, còn
có tên Nhà thờ Núi (vì ở trên núi) và... Nhà thờ Đá. Mô hình nhà thờ này khiến
nhiều người - dù không am hiểu về nghệ thuật kiến trúc - liên tưởng đến những
thành quách, lâu đài ở La Mã cổ đại với vách tường xây đá trần trụi; đặc biệt
là những vòm cuốn dọc hành lang hay cửa sổ lắp kính màu hoa văn trang trí rất xa lạ với kiểu thức
kiến trúc phương Đông. Sự thật thì đá chẻ chỉ được dùng lát đường và sân. Toàn
bộ hệ thống trụ chịu lực được đúc bê tông cốt thép, còn những mảng tường được
xây gạch thẻ, tô xi măng rồi kẻ chỉ. Một số người quan sát gần, biết tường nhà
thờ không phải đá chẻ nhưng lại tưởng là xây bằng táp-lô đúc xi măng! Đặc biệt,
chỉ phần mái bằng của hành lang chạy dọc hai bên được đổ bê tông cốt thép, còn
toàn bộ mái vòm bê tông của nhà nguyện đều được dùng cốt tre cật và lưới thép
mắt cáo.
Trần nhà mái vòm |
Kính màu trang trí mặt trước |
Kính màu cửa bên phải |
Năm
1998, khi linh mục Phê-Rô Nguyễn Quang Sách xây dựng nối thêm ba phòng sinh
hoạt ở phía sau đã giữ nguyên các chi tiết kiến trúc của nhà thờ. Chỉ khác là
tường được xây bằng táp-lô đúc xi măng và mái bê tông cốt thép.
Chúng
tôi rất tiếc là không tìm được tài liệu chính thức về tên vị kiến trúc sư người
Pháp đã thiết kế công trình này và những ghi chép về những biện pháp thi công
mà chỉ ghi nhận theo lời kể của một số nhân chứng đã cao tuổi nói rằng chỉ có
mười người thợ làm việc dưới sự điều khiển trực tiếp của linh mục Louis Vallet
(?!). Khi nhà thờ này được thiết kế và xây dựng, chưa có ga Hoả Xa Nha Trang
với đường sắt chạy vòng sát dưới chân ngọn đồi của nhà thờ rầm rập ngày đêm và
rất dễ hình dung rằng những người thợ đã làm việc trong điều kiện rất thô sơ so
với công nghiệp xây dựng hiện đại bây giờ. Tính từ ngày khánh thành đến nay,
nhà thờ Chánh Toà Nha Trang đã tròn 70 năm tuổi. Công trình xây dựng này vẫn
vững chãi và xứng đáng là một kiến trúc hoành tráng, một thắng cảnh độc đáo của
thành phố biển Nha Trang.
Phần mới xây năm 1998 |
Phần mộ LM Louis Vallet |
Kiến
trúc ngôi Nhà Thờ Nha Trang không giống phần đông nhà thờ khác trong toàn quốc.
Kiểu thức vừa cổ kính vừa tân kỳ. Tất cả vách, mái, nền, cột đều toàn xi măng.
Và đứng chắc trên một đầu non, với "bộ áo xám tro", hình tướng trông
nửa như khiêm nhường, nửa như ngạo nghễ. Lại gần nhìn kỹ lại có vẻ nghiêm khắc
cô cao. Nhờ những khóm trúc đào hoa nở quanh năm ở trước sân, nhất là khóm đa
xanh mát đứng che Tiểu Vương Cung của đức Bà Maria ở đầu bậc cấp bước lên, làm
cho "nét mặt" Nhà Thờ bớt phần khô khan lạnh lạt.
Lầu
chuông cao ngất!
Lên đứng
nơi gác chuông nhìn ra bốn mặt, thì vọng cảnh trùm cả toàn diện thành phố Nha
Trang. Trông tới ngó lui, nước non, nhà cửa, nơi gần nơi xa, nơi ẩn nơi hiện,
khoái con mắt, hả tấm lòng, nhiều khi tưởng mình đương đứng nơi trung tâm điểm
của vũ trụ.
Cho nên
Nhà Thờ Chánh Toà Nha Trang cũng là một danh thắng của địa phương vậy.
·
Trích "Xứ Trầm Hương" -
QUÁCH TẤN - Lá Bối xuất bản 1969 (trang 169) - Hội Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hoà
tái bản 2002 (trang 157).