Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Hoa lông chông

  • Phương Hà

Đợi ở ngã ba Tâm Bình hơn hai tiếng đồng hồ mà chưa thấy Hoài đến, tôi không còn bụng dạ nào ngồi nghe tiếng suối làm nền cho tiếng lá xạc xào trong gió, tiếng chim trong trẻo không hợp chút nào với bầu trời lâu lâu ì ầm tiếng máy bay B52, tiếng rít của máy bay tiêm kích Mỹ. Ngã ba Tâm Bình là một đỉnh bằng phẳng của quả núi được che phủ bởi cây rừng đại ngàn - nơi gặp nhau của một nhánh đường mòn Hồ Chí Minh và điểm xuất phát của con đường xuyên rừng để về đồng bằng Quảng Trị. Cái tên “Tâm Bình” là do cánh lính Giải phóng chúng tôi đặt vì ai ra Bắc vào Nam hay chuẩn bị ra trận, qua đây đều đặt ba lô, súng ống ngồi nghỉ chốc lát. Lính Giải phóng mà gặp nhau, dù chẳng quen biết, chuyện vẫn không muốn dứt ra…

Hôm kia, sau khi nhận được lệnh xuống vùng giải phóng Quảng Trị để chờ một nhiệm vụ chưa được biết trước, tôi gọi điện báo cho Hoài đang công tác tại Ban Quân báo. Hoài mừng rỡ cho biết mình cũng được lệnh “ém quân” tại ngoại ô thị xã Quảng Trị. Từ Ban Tuyên huấn đến Ban Quân báo phải mất nửa ngày đường rừng, tôi không thể đón Hoài nên hẹn nhau tại ngã ba Tâm Bình.

Một bầy khỉ chuyền cành đến, vạch lá láu táu nhìn tôi. Vô thức, tôi gạt cần khẩu AK báng gấp về nấc bắn phát một, giương súng lên nhưng chợt giật mình nhớ đến hình ảnh một con khỉ mẹ đang cho con bú, bị tôi bắn trọng thương năm ngoái, trước khi thả rơi đứa con, hai hàng nước mắt của nó tuôn trào… Một lần khác, tôi lấy ớt bột hòa vào nước suối đựng trong cái rổ nứa lót ni lông, đưa ra trảng cỏ để dụ một bầy khỉ. Những con khỉ tò mò, chờ tôi rời khỏi trảng cỏ là lao xuống, nghịch ngợm dùng hai tay vục nước ớt bôi lên mặt. Hết con này đến con khác bị ớt cay xé mắt, lăn lộn la hét. Một con khỉ mẹ bị ớt làm mù lòa, vật vã làm rơi đứa con đang bám dưới bụng. Giữa âm thanh chí chóe loạn xạ của đồng loại, khỉ con lại bé, yếu ớt kêu không thành tiếng nên khỉ mẹ bò lết quờ quạng mãi mà vẫn không tìm được con mình. Sau lần đó, tôi thề mãi mãi không bao giờ đụng đến những bầy khỉ nữa, dù rằng tôi cũng như bao đồng đội luôn thiếu thực phẩm.

Hình như bầy khỉ trước mắt tôi biết được con người đang ngồi dưới gốc cây không làm hại chúng, nên mãi mê đùa giỡn, quên cả mặt trời đang mỗi lúc mỗi xuống thấp…

Tôi linh cảm sau mình có người đang đến, dẫu không nghe tiếng bước chân. Rồi một bàn tay bịt lấy mắt tôi - bàn tay mềm mại của Hoài. Nhìn khuôn mặt đỏ bừng, lấm tấm mồ hôi của Hoài, biết Hoài đã đi như chạy đến đây, tôi không thể trách em. Điều tôi lo lắng nhất lúc ấy là sợ không kịp vượt đường số 1 trước khi trời sáng.

Không kịp hỏi Hoài vì sao đến trễ, tôi kéo tay em bước vội. Con đường mà chúng tôi đang đi được gọi là “con đường Đỏ”. Sau khi ra khỏi rừng xanh, con đường Đỏ vắt qua lối mòn của những quả đồi chỉ có sim mua và cây dại rồi băng qua đường xe lửa phải vượt qua những trảng cát không có đường mòn, bề rộng cả mấy ngàn mét để đến quốc lộ 1 - nơi mà hầu như đêm nào địch cũng chốt chặn, có khi đem cả xe tăng nằm phục. Hai năm qua, không biết bao nhiêu máu đã đổ trên con đường này. Chỉ tính cứ một tấn gạo mua hay đồng bào ủng hộ, từ đồng bằng đem được lên mé rừng để nuôi quân đã mất mấy mạng người, cả bộ đội, du kích, dân công.

Đêm nay, tôi và Hoài không kịp bám theo giao liên vũ trang vì đã quá trễ giờ ra khỏi rừng. Biết là đi hai người rất nguy hiểm, nhưng tôi tin mình vì đã qua lại con đường này nhiều lần, lại từng là lính trinh sát nên có thể “đánh hơi” được đối phương. 21 giờ, gần đến đường xe lửa - gọi là đường xe lửa nhưng đã nhiều năm không có tàu qua lại - tôi bảo Hoài ngồi chờ rồi ghìm AK bước tới. Đã là 27 tháng chạp ta. Gió bấc hun hút rải mưa lăn phăn mà người tôi nóng ran. Sau lưng tôi là Hoài đặt ngón tay vào cò súng ngắn K59 đang dõi theo… Ai đã có người yêu, mỗi lần ra trận chắc cũng không nghĩ đến mình như tôi lúc này. Không có “mùi lính”, tôi yên tâm quay lại dẫn Hoài tiếp tục lặn vào đêm tối. Chúng tôi đi chếch về phía trái, giữa những trảng cát tiếp giáp với vùng ngoại ô thị xã Quảng Trị, là nơi mà địch ít phục kích. Ánh điện từ thị xã hắt ra tuy chỉ thấy mù mờ những rặng tre, những hàng dương liễu nhưng đủ để tôi định hướng sao cho không quá gần đồn bót địch.

Sắp đến đường 1, tôi bẻ hai cành cây, một cho mình, một cho Hoài rồi phải bò để “trinh sát”. Hoài cũng bò theo vì không muốn để tôi nguy hiểm một mình. Một đoàn xe chở lính từ Huế ra, pha đèn sáng rực từng vệt. Đắp cành cây lên người, nằm dán xuống vạt cỏ lúp xúp, cảm thấy hơi ấm Hoài bên cạnh, tôi yên tâm đường đã thông. Từ đây ra vùng biển Triệu Lăng chờ nhận nhiệm vụ còn phải mất năm tiếng đồng hồ nữa mà bây giờ đã là một giờ sáng nhưng tôi không còn lo lắng vì chỉ cần đến được làng Phương Lang trên dải chữ Nhất - tức là vệt đồng bằng kéo dài từ cửa Nhật Lệ của Quảng Bình vào tận phá Tam Giang của Thừa Thiên - nơi tôi có sẵn hầm bí mật để trú qua ngày, đêm mai đi tiếp.

Chúng tôi qua đường 1 được vài cây số thì pháo sáng từ các đồn bót địch ven thị xã Quảng Trị bắn tới tấp lên trời, soi rõ những vết chân trần của Hoài trên cát, soi rõ những bông hoa cỏ lông chông lăn tròn trong gió. Hoa cỏ lông chông là một búi với nhiều lá bé xíu vừa thon, vừa nhọn chĩa ra từ một “cái chân” trông chẳng khác gì một bó gai lộn xộn, theo gió mà di chuyển rồi cắm xuống cát mà sống, mà nhân cái thân xù xì để tồn tại vĩnh hằng với cát.

Mùa hè, vùng đồi cát Quảng Trị không khác gì ở sa mạc Sahara bên Châu Phi, vậy mà cây lông chông vẫn sống, vẫn phát triển. Pháo sáng làm bước chân chúng tôi nhanh hơn, chẳng mấy chốc đã đến bên một cái hồ rộng cả chục hec-ta giữa hai làng cát Trà Tri - Văn Vận. Tôi và Hoài ngồi xuống bên một bụi trâm bầu ngay mép hồ (loại trâm bầu này không giống cây trâm bầu ở đồng bằng sông Cửu Long, nó có lá nhỏ, dày và cho quả như quả sim, chín có màu tím sẫm, vừa chát vừa ngọt). Bây giờ mới thấy mệt và khát. Tôi đưa bi đông nước chè rừng cho Hoài. Em khẽ nhấp từng ngụm rồi khoan khoái rồi nằm dài trên cát, thả đôi chân xuống nước làm sáng lên một gốc hồ. Em bảo làm thế cho nó tỉnh người.

Từ đây ra quê chúng tôi - nơi làng Phương của tôi sát bên làng An của Hoài chỉ mất hơn tiếng đồng hồ, nếu là thời bình. Làng quê chúng tôi cũng gần giống hai làng ven hồ nước tự nhiên này - phía sau làng cũng có những cồn cát xanh rì những cây lá nổ, chúc mào, trâm bầu… mà từ thời lập làng, tổ tiên đã trồng để chắn cát di chuyển; cũng có những búi hoa cỏ lông chông lăn tròn trong gió; cũng có những con chim te hót chỉ “te te hót” khi phát hiện có người đi đêm, y như lúc này, chúng cứ “te te hót” mãi trên đầu chúng tôi. Ít ai thấy được chim te hót vào ban ngày vì ban ngày chúng ẩn mình đâu dưới những hốc cát, bụi cỏ.

Có một lần đi viết về chiến tranh du kích ở vùng biển Thừa Thiên, bị địch càn bất ngờ, tôi không kịp theo du kích, phải chui vào một lùm cây, bắt gặp một con chim chỉ lớn gấp đôi chim sẻ, lông màu nâu, có cánh như chim nhạn, điểm những vệt trắng, nó hốt hoảng bay lên, thả rơi những âm thanh “te te hót” lạc lõng vào bầu trời sáng choang không phải là không gian bóng tối hay ánh trăng quen thuộc của nó. Tôi đã nhiều lần thoát chết nhờ những con te hót “báo động” có địch trên những nẻo đường khuya tìm đến những đơn vị quân giải phóng hay du kích viết bài, chụp ảnh, nên giờ đây chỉ có hai chúng tôi âm thầm giữa đêm đen mịt mù mưa gió, tiếng “te te hót” nghe càng ấm lòng…

Đã đỡ mệt, Hoài bẻ cho tôi nửa nắm cơm, giục ăn. Mùi muối vừng thơm phức át mùi cơm gạo hẩm, càng nhai càng đượm vị ngọt bùi, hay ít ra cũng cảm thấy thế vì nắm cơm do chính tay Hoài nấu, chính tay Hoài trao cho… Tôi ao ước giá như có trăng và không có tiếng ì ầm của máy bay, của pháo địch nổ xa nổ gần thì đêm nay, với chúng tôi sẽ là đêm huyền dịu của tình yêu…

Gần sáng, chúng tôi về tới rìa làng Phương Lang. Không dám vào nghỉ trong những gia đình cơ sở vì không nắm được tình hình bởi nơi đây không xa Ba Bến là vùng địch kiểm soát, lại có liên tỉnh lộ 8 chạy qua, tôi dẫn Hoài bọc ra phía sau làng, nơi có căn hầm bí mật giữa động cát phủ những bụi trâm bầu mà chị xã đội trưởng đã nhường cho tôi trong đợt xuống đồng bằng  mùa hè vừa qua.

Ngọn nến làm sáng bừng khoảng không chỉ hai mét vuông dưới lòng cát. Tôi trải tấm tăng, bảo Hoài nằm nghỉ rồi nhô người lên miệng hầm nghe ngóng. Đã hơn 6 giơ, nền trời vẫn nặng trĩu nước, vừa lay phay không dứt nên cứ ngỡ mới hừng đông. Bên dưới những đồi cát là làng Phương Lang thưa thớt hơn chục căn nhà đã tứ tán để tránh bom đạn, hình như cũng dậy muộn vì rét. Trên liên tỉnh lộ 8, có tiếng xe cam nhông nặng nề. Tiếng súng CKC báo động của du kích bỗng giật cục ba phát một. Vậy là ngày nay địch lại càn quét. Chắc là trong đêm, địch đã phát hiện có trinh sát Việt Cộng đột nhập thị xã Quảng Trị, hèn chi chúng liên tục bắn pháo sáng.

Biết không thể thảnh thơi nằm giữa lùm trâm bầu lâu lâu hái một quả chín mọng nhấm nháp mà canh cho Hoài ngủ, tôi đậy nắp hầm cẩn thận rồi tắt nến để tiết kiệm dưỡng khí. Khi mắt đã quen với ánh sáng lờ mờ từ hai lỗ thông hơi, tôi ngồi ngắm Hoài. Khuôn mặt em đã hồng hào trở lại trong giấc ngủ say. Hình như Hoài đang mơ điều gì đó, làng môi chúm chím như cười. Đã hai năm yêu nhau, đây là lần đầu chúng tôi được gần gũi đến thế… Tình yêu trong chiến tranh, chỉ không thấy mặt nhau đã thấp thỏm lo âu. Chỉ một tiếng pháo nổ, một tiếng bom gầm nơi hướng Hoài đang công tác là tim tôi quặn thắt. Tình yêu trong chiến tranh cũng có những giờ phút thần tiên như giờ đây hai lòng bàn tay chúng tôi quấn quýt lấy nhau… Hoài mở bừng mắt âu yếm ra hiệu cho tôi nằm xuống. Dưới lòng cát, dù trời có rét buốt xương, căn hầm vẫn ấm áp và càng ấm áp hơn khi Hoài và tôi chỉ giữ giới hạn cuối cùng của tình yêu đôi lứa dành cho ngày cười…

Có tiếng nói lao xao, tiếng giày dậm trên mặt đất. Vậy là địch đang càn qua đây. Đã quá quen với những tình huống nguy hiểm, tôi bảo Hoài cứ nằm nghỉ rồi mở chốt an toàn khẩu AK, lấy hai quả lựu đạn M26 ra khỏi thắt lưng. Có tiếng ra lệnh xăm hầm. Một khi địch đã xăm hầm bí mật thì hoặc là bọn chiêu hồi hoặc là gián điệp chỉ điểm. Tôi nghĩ ngay đến sự sơ hở khi đưa Hoài vào trú trong căn hầm bí mật mà đã mấy tháng qua mình không biết nó đã được ai sử dụng.
Hoài bật dậy kéo lấy khẩu K59 về vị trí nhả đạn, nhìn tôi như động viên hãy bình tĩnh. Tôi cắm ngược khẩu AK xuống để nếu địch xăm trúng hầm thì chống lại mũi thuốn. Tiếng thuốn rít vào cát nghe lạo xạo. Rồi một mũi thuốn thọc xuống gần vị trí miệng hầm. Tôi dịch khẩu AK theo, nghiến răng chịu lại lực của mũi thuốn mỗi lúc một mạnh. Nhưng rồi có đến mấy mũi thuốn nữa thọc xuống, đành bất lực.
Tiếng địch la hét đã phát hiện được hầm bí mật. Không thể để địch bắt sống, tôi trao đổi với Hoài mà như ra lệnh, rằng mình sẽ tung lựu đạn lên rồi vọt khỏi hầm, dùng AK quét ngang, khi địch thu hút vào tôi thì Hoài sẽ chạy theo một hướng khác, chỉ cần lọt được vào làng. Trong tình trế khẩn cấp này Hoài chỉ biết ôm chặt lấy tôi, nước mắt ràn rụa rồi đẩy tôi về phía cửa hầm.

Hai quả lựu đạn vừa chớp lòa cách miệng hầm không xa, bọn địch hốt hoảng không kịp phản ứng, tôi đã lia từng loạt đạn rồi vừa lăn, vừa chạy qua những bụi cây, đồi cát. Hàng chục cây súng địch vãi đạn theo, vậy mà tôi vẫn sống, quả là một sự may mắn hy hữu trong chiến tranh. Nghĩ đến Hoài đang trong vòng nguy hiểm, tôi nắp sau một động cát, thay băng đạn mới, quyết thu hút hỏa lực địch về phía mình, vậy mà Hoài của tôi không thể thoát được!

Tối hôm ấy tôi cùng dân làng Phương Lang bỏ Hoài vào tấm tăng từng ủ hơi ấm của hai chúng tôi rồi chôn Hoài ngay bên bụi trâm bầu có cái hầm bí mật đã tan hoang. Bó nhang cháy bùng lên giữa đêm rét mướt, hình ảnh Hoài nồng nàn như vừa mới ban sáng tay trong tay! Một chùm hoa lông chông từ đâu lăn đến, cắm vào bên mộ Hoài. Rồi những bụi cỏ lông chông sẽ phủ kín nấm mồ, giữ cho gió khỏi lùa cát đi để mãi mãi tôi lại về đây, bên Hoài của tôi.

Sáng 30 Tết Mậu Thân, tôi được lệnh nhập vào một cánh quân để đúng giao thừa đánh vào thị xã Quảng Trị. Cũng chiều 30 Tết tôi mới biết Hoài cũng được lệnh về đồng bằng sớm là để phiên dịch tiếng Anh cho Bộ Tư lệnh Tiền phương.

Xuân Canh Thìn (2000)