Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Chuyện đi đòi tiền công

  • Hoàng Đằng

- Ngày mô eng cũng xéc bay bê đi mần mà không đưa cho tui một xu. Lấy chi đóng tiền học cho các con đây. Lấy chi đi mờng đám cưới con chị Thiểu đây! Chị Gái đứng giữa cửa, nói vói sau lưng anh Quẩn - chồng chị - đang đẩy chiếc xe máy cũ mèm ra khỏi nhà.

Thường ngày, chị tranh thủ dậy sớm, hong một nồi xôi khoảng chục loon nếp, bán xôi với mè cho các cháu học sinh trong xóm ăn sáng. Công việc phụ này không trông lời lãi gì,chỉ mong các con chị qua được bữa điểm tâm.
Sáng nay, chị Gái dậy trưa. Chủ nhật, học sinh nghỉ học, chị nghỉ bán.

Chị ra khỏi giường. Đầu tóc rối bù xù. Bộ quần áo trắng điểm bông xanh lấm lem ghét bẩn, nhàu nát. Con Bòn mới 8 tháng tuổi bú cả đêm, sữa từ nuốm vú trào ra nuốt không hết, chảy loang qua áo, khô tạo thành những vệt cứng kéo xếch vạt áo trông bên cao bên thấp.
Hội Phụ Nữ thôn rồi xã cứ tuyên truyền vận động chị em đẻ hai con là đủ. Từ khi chị đẻ con thứ hai, người ta khuyên chị hoặc đi đặt vòng, hoặc uống thuốc tránh thai, hoặc lãnh bao cao su về cất sẵn trong túi, khi nào chồng đến thì chìa ra một cái.

Chị sợ đặt vòng vì nghe một số chị em từng có kinh nghiệm nói nó gây khó chịu; chị đành nhận thuốc và bao cao su.
Một lần trong năm ngoái, chồng tới, chị rạo rực, háo hức, quên mất cái viên thuốc và cái bao cao su. Đầu năm nay, con Bòn ra đời. Chị bị Ban Cán Sự thôn và Chi Hội Phụ Nữ thôn khiển trách vì thôn mất cái danh hiệu văn hóa, còn hội mất cái danh hiệu tiên tiến. Buổi họp nào, tên chị cũng được đưa ra phê bình. Chị cực lắm, vừa phải vất vả nuôi thêm một đứa con vừa phải nghe tiếng ong, tiếng ve. Cuối cùng, chị tự nhủ: Biết mần răng chừ, thôi cứ nuôi nó. Hy vọng sẽ được nó báo hiếu trong tương lai.

Đêm qua, chị không ngủ được, trằn trọc, nghiêng qua lật về, một phần vì con Bòn đói, cứ dậy đòi bú và một phần vì nghĩ nát óc mà không biết giải quyết những nhu cầu gia đình trong giai đoạn này sao đây.
Tiền mắm, tiền củi, tiền điện, tiền nước, tiền gom rác, tiền các khoản đóng góp do anh Thôn Trưởng và chị phụ trách công tác Mặt Trận đi thu. Lại thêm, đang đúng vào thời điểm đầu năm học, chị có hai con đi học, thằng Bỉu học trung học cơ sở, con Tĩu học tiểu học. Nào sách vở, nào quần áo, nào dép giày...

Thu nhập gia đình có gì! Hai sào ruộng thu về được 3 tạ lúa mà phải chi phí tiền cày, tiền giống, tiền phân, tiền thuốc sâu, thuốc cỏ, tiền gặt, tiền thổi, tiền đem nước, tiền quản lý...Tính kỹ chỉ huề vốn nếu gặp những năm mưa thuận gió hòa, được mùa; còn gặp hạn hán, bão lũ, mất mùa thì lỗ lã, tay làm mà hàm khỏi nhai.
Ruộng ít, anh Quẩn phó mặc việc canh tác cho vợ. Những ngày nông vụ, chị Gái lặn lộn giữa ruộng. Bùn bắn lên cả áo quần, mặt mày, tóc tai.

Để ruộng gieo giống được, nước đầy, chị tát ra; nước khô, chị tát vào. Trưa quên ăn, tối quên về. Còn anh Quẩn đi làm thợ nề. Xây, tô, trát, đúc. Công việc nặng nhọc. Dầm mưa dãi nắng. Mặt đen như cục than. Hai lòng bàn tay sần sùi như vỏ quả mảng cầu xiêm. Nghề này tốn sức quá, không thể làm liên tục được, Cứ 3 ngày phải nghỉ một ngày xả hơi. Mà cũng chẳng có việc làm liên tục! Trung bình một tháng khoảng 10 công; tính ra thu nhập trên dưới hai triệu.
Ngày thì làm, tối tan sở thì nhậu với anh em bạn thợ. Nhiều lúc, chín mười giờ đêm, anh Quẩn mới về nhà. Chân cao đá chân thấp, mặt đỏ gay, môi tím tái, phập phồng, miệng lè nhè.
Thấy vậy, cả nhà im phăng phắc, không khí nặng nề như đang bị ai lấy tảng đá đè.

Tiền công anh Quẩn vừa đủ tiền nhậu - nghĩa là không phụ giúp gì vào chi tiêu của gia đình. Ngày có việc làm, nhậu đã đành, ngày không có việc làm cũng nhậu. Nhậu đã trở thành một thói quen, một nhu cầu thường hằng của cơ thể. Có người nói: con sâu nhậu đến giờ đòi ăn mà chưa đáp ứng kịp thì nó rúc cắn trong người. Ở thời buổi vật giá leo thang, trong bữa nhậu ít tiền, bạn thợ phải uống rượu không đảm bảo chất lượng, cứ rót đầy ly rồi “dzô”; đồ mồi gồm ba thứ bậy bạ: huyết, móng, da ... đã không bổ dưỡng lại không bảo đảm tươi sạch. Việc ăn uống không chừng mực và mất vệ sinh tạo mầm cho những căn bệnh nguy hiểm. Trong thôn, các lứa trước anh Quẩn đã có nhiều người chết vì xơ gan, ung thư gan, đột quỵ ... Nhiều gia đình đã khánh kiệt và lâm vào cảnh vợ góa con côi.

Đời sống của giới thợ bạn - không phải chủ thầu - cứ lẩn quẩn trong vòng thiếu thốn, bệnh tật. Ít ngày công, ít thu nhập mà lại ham nhậu nhẹt. Oái oăm là lắm lúc chủ nhà hoặc chủ thầu không chịu thanh toán sòng phẳng, làm bây giờ mà hai ba tháng sau mới trả tiền. Có trường hợp cù chầy, đòi chán, thôi bỏ luôn.

Hôm qua, chị Gái đi họp phụ huynh học sinh cho hai đứa con. Cô giáo phụ trách cuộc họp thông báo kế hoạch trong năm của trường - lớp. Trông các khoản nộp mà ngao ngán! Nào khoản nộp cho trường, nào khoản nộp cho Hội Phụ Huynh, nào khoản nộp cho lớp. Tổng số tiền phải nộp gấp ba con số mà ngành giáo dục quy định trên văn bản. Nhiều khoản trùng lặp nhau. Thật tình trong bụng, chị Gái muốn phát biểu, chất vấn cho ra lẽ. Nhưng thôi. Mấy năm trước, đã có người vặn hỏi, cô thầy điều khiển buổi họp ấm ớ ... rồi “mô vào đó”.

Cái thói “gia trưởng” của người Việt Nam đang hoành hành trong xã hội. Việc gì mà người “ăn trên ngồi trước” quyết định rồi thì, dù có sai, cũng khó thay đổi - thậm chí không thay đổi được!
Ban Chấp Hành Hội Cha Mẹ Học Sinh đáng lẽ bàn cùng với Ban Giám Hiệu nhà trường tiết kiệm chi tiêu, giảm bớt mức đóng góp để con em nhà nghèo nhờ, đằng này các vị trong Ban Chấp Hành Hội Cha Mẹ Học Sinh lại đề nghị nhà trường bày ra nhiều khoản thu mà xét ra không có cũng được.
Không ai dám khiếu nại về những khoản đóng góp, vì sợ con em mình bị nhà trường và cô thầy để ý, rồi không quan tâm - nghĩa là bị đối xử thiếu công bằng. Nỗi sợ ấy có thể vu vơ, nhiều khi không thực tế. Mà nếu có khiếu nại thì câu trả lời của giới chức hữu quan như đã được tiền chế từ bao giờ là tất cả đều do phụ huynh kiến nghị với nhà trường, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Tội nghiệp cho các cháu học sinh! Cha mẹ chưa có tiền nộp kịp, cô giáo, thầy giáo chủ nhiệm đòi nằng nặc hàng ngày. Các cháu còn ngây thơ, chưa biết “lì”, luôn mang tâm trạng lo sợ, như thử thường xuyên bị “khủng bố”, tâm trí còn đâu mà để vào việc học. Một số cháu phải bỏ học; một số cháu ngồi trong lớp không thể tập trung vào lời giảng bài của thầy cô; một số cháu bị mặc cảm thua kém ... rụt rè. Không chừng các cháu bị rối loạn tâm thần. Rất nguy hiểm cho đời sống sau này.

Chiều qua, thiếp mời đám cưới đưa tới. Tối qua, hai con khóc, réo nộp tiền trường.
Bây giờ, chị Gái phải nhắc khéo anh Quẩn. Buổi sáng, còn chưa bị sâu rượu hành hạ, thay vì nạt nộ chị kèm theo những từ chưởi thề thô tục như các lần trước, anh Quẩn yên lặng ra đi. Anh rủ nhóm thợ đến quán kinh doanh hát karaoke của bà Thung.

Quán có mặt tiền khoảng 5 mét, nằm trên trục quốc lộ I Bắc – Nam, nép mình bên một khách sạn 2 sao cao 3 tầng. Bên kia đường là bến đỗ tạm xe khách. Tiếng hét, tiếng la, tiếng chưởi thề ... chí chóe. Nếu không có bảng hiệu treo ngang lòi ra bên trên vỉa hè, người qua kẻ lại nghĩ đây là một nhà ở bình thường.
Phía trước quán, vài thanh niên nói cười ồn ào, cử động quờ quạng, xúm quanh cái bàn có chai rượu đế đã lưng, dĩa mồi chỉ còn mấy cái xương gà và ít rau gì đó xắt nhỏ ... trông nhão nhoẹt. Họ vừa là “cò xe” - nghĩa là bắt khách cho xe để đòi hoa hồng - vừa là dân bốc vác “đành hanh” hàng hóa - nghĩa là chủ hàng không muốn cũng cứ bốc rồi đòi tiền - vừa là lực lượng bảo kê cho quán.

Bà Thung trạc trên 60 tuổi. Mặt tròn. Thịt ở hai má xệ xuống ngang cằm tạo thành cạnh đáy khuôn mặt. Má bên trái điểm nốt ruồi đen to bằng hạt đậu lún phún mấy sợi lông. Hai môi mỏng đã dài lại càng dài thêm khi bà cười, cộng với hai núm đồng tiền hằn sâu trên hai má tạo ra hấp lực cho người đối diện. Hai con mắt mỗi lần nguýt đưa tình làm cho người khác giới đứng đắn khó chịu, nhưng lại là cánh cửa hé mở cho những người lẳng lơ lẻn vào.
Trước đây, bà lấy chồng trong làng. Ông chồng ít nói, gặp ai cũng cười chào. Vào thời ấy, ít người đi học mà anh này đậu đến Tú Tài, đi lính, được phong cấp bậc sĩ quan. Làng xóm đều khen nhờ phước đức cha mẹ, bà Thung lấy được chồng hiền lành, có học thức, có chức tước. Sau năm 1975, chồng bà “thôi quan hoàn dân”, về làng, lao động nông nghiệp theo đoàn đội.
Bà Thung không chịu cực được. Bà đi buôn hàng Lào. Lúc đầu, vài đôi “dép tông” Thái Lan, vài gói mì chín (bột ngọt), bà quá giang xe chở thạch cao của mấy ông tài xế miền Bắc. Hàng buôn của bà mỗi ngày mỗi dồi dào. Cái xách mà bà luôn đeo choàng vai đã nhiều tiền. Tay chân trắng trẻo, mặt mày trang điểm lòe loẹt, bà ngồi trên ca-bin với tài xế, thấy chị em đồng trang lứa ngày ngày gánh phân, bứt bổi, quần xăn áo bo ..., bà hãnh diện lắm, mỗi lần xe chở bà chạy qua, bà thò đầu ra ngoài, ngoái nhìn lại, cười, tự sướng.
Mấy ông tài xế đường dài, xa vợ lâu ngày, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Như “mèo thấy mỡ”, qua những đoạn đường vắng vẻ, vào những lúc tối trời, ông tài xế một tay cầm “vô-lăng”, một tay thò, luồn vào bấm bẹo, bà Thung rúc rích cười ... ngoặt ngoẽo.
Về nhà, bà thấy ông chồng quá quê mùa, da dẻ khô khốc, bốc mùi bùn ruộng, không xứng đôi vừa lứa với bà nữa. Bà lên mặt, ỷ thân ỷ thế, nói năng cư xử với chồng như người giúp việc. Ông chồng vẫn nhẫn nhục, không bao giờ “tiếng to tiếng nhỏ”. Ông tự nhủ: “Một sự nhịn là chín sự lành”. Gia đình thiếu hòa thuận sẽ tạo ấn tượng xấu cho các con.

Mặc dầu đã có 4 con, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi, bà Thung cứ nuôi ý định vất bỏ cái gia đình này cho rồi, nhưng chưa tìm ra cớ. Bà con thân thuộc hay biết, tỏ vẻ bực bội.
Một ngày nọ, trong bữa kỵ gia tiên, có đông chú bác. Từng thấy ông anh mình bị chị dâu đối xử tệ bạc, ông chú em nhẹ nhàng góp ý:
- Em chộ ả dạo ni không kính trọng eng, rứa là không đúng với gia phong nhà miềng. Mong ả coi lại.
- Ai cho chú xỉa vô chuyện nhà tui. Chú biết chi mà dạy vẹ tui. Người đời nói rồi: “Mụ o dọn mỏ không chi; ông chú lụt lịt có khi mất chồng”. Thôi ... tui không chịu nổi gia tộc ni nữa rồi!
Bà Thung hoa tay, giậm chân, mặt nhìn chằm vào căn giữa nhà - nơi đặt bàn thờ - kể lể đủ mọi chuyện. Bà con can ngăn mấy cũng không im.

Mấy ngày sau đó, bà Thung xin ly dị.
Pháp luật chưa làm việc mà bà đã bỏ nhà ra đi, sống với ông tài xế thường chở bà trong thời gian qua.
Bà Thung tưởng phần còn lại của đời mình sẽ hạnh phúc bội phần. Nào ngờ mấy năm sau việc vận chuyển trên đường quốc lộ 9 giảm đi.
Ông chồng mới của bà nghỉ việc vì cơ quan giảm biên chế. Ông về Bắc với vợ con. Bà Thung cô đơn. Bà tìm sinh kế mới. Bà rủ rê một số gái tuổi mười tám đôi mươi vào giúp mở cửa hàng buôn bán. Các bé gái nông thôn vùng sâu vùng xa khờ dại, tưởng sẽ được thuê đứng bán hàng ăn công như ở các phố hay các chợ, hy vọng đổi đời khi từ bỏ ruộng nương.

Cách đây hai tháng, nhóm thợ của anh Quẩn xây quán. Nghe bà Thung nói năng dịu ngọt, nhóm thợ nghĩ bà là người đàng hoàng, cật lực làm mà không đề nghị ứng tiền công trước. Nào ngờ xong việc, bà Thung thanh toán được một nửa, còn một nửa bà nợ. Đã nhiều lần, nhóm thợ tới đòi, bà cứ hẹn rày hẹn mai. Lần nầy túng tiêu, anh Quẩn rủ nhóm thợ tới, quyết tâm lấy nợ cho kỳ được.
Bà Thung ngồi chễm chệ trên chiếc ghế bành bằng gỗ đen bóng, má phúng phính, trắng bạch, miệng đỏ toét, ngoái cổ về phía sau, ra lệnh:
- Con Thu, con Hạnh, con Thảo, con Hoa lên đây cô bảo!
Bốn bé gái ốm yếu từ phía sâu trong nhà chậm rãi đi lên. Cũng mặt phấn môi son. Áo hở ngực phô bày chân đôi vú chưa nở nang chi mấy. Bốn bé đứng khép nép bên quầy rượu. Bà Thung nhoẽn miệng cười. Mắt híp lại. Liếc qua nhìn nhóm thợ của anh Quẩn rồi chỉ vào các bé gái, bà nói thủng thẳng ... tỉnh bơ:
- Chị không có tiền. Mấy em xem. Thích con nào thì chị cho phép đem xuống dưới buồng ... “mần” đi mà trừ.
Cả toán thợ ngao ngán, cười ... ứa nước mắt, ra về.
Một anh thợ có dáng đi nghiêng người về một bên, có lẽ bị vẹo cột xương sống do lao động nặng nhọc trong tư thế xấu lâu ngày, buột miệng:
- Tụi miềng mần việc đã đọa rồi mà công không chịu trả bằng tiền ... lại trả bằng thứ nớ. Nhận để mà chết cho mau à!

Bên ngoài, trên đường, chen giữa dòng xe cộ và người qua lại, từng đoàn phụ nữ gánh oằn vai rau cải hay thồ khuỵu xe đạp những bao đầy gạo gập mình tiến về chợ, chân bước thoăn thoắt, miệng nói cười vui vẻ, mắt tỉnh táo nhìn để tránh sự cố giao thông.
Cái loa phóng thanh treo chặt trên cột bê-tông cao vang rõ giọng cô phát thanh viên đọc bản tin cập nhật về thành tích mà phụ nữ đạt được trên các lãnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế ... nhân kỷ niệm Ngày Phụ Nữ Việt Nam.
Đông Hà - 20/10/2009