Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Nha Trang - lấy tên sông đặt cho thành phố hay dùng tên thành phố gọi tên sông?

  • Quách Tấn
Sông Cái (Nha Trang), đoạn qua xã Vĩnh Ngọc. Ảnh: Mai Lĩnh
Có nhiều người cạn nghĩ hễ nghe nói là tin, tin rằng Nha Trang do hai chữ “Nhà Trắng” mà ra. Sự thật không phải thế.
Nha Trang là do tiếng Chàm Ya Tran mà ra. Ya là nước, là sông; Tran nghĩa là cây lau, cây sậy. Ya Tran nghĩa là sông lau. Vì con sông Cái chạy từ Diên Khánh xuống đến biển, mọc đầy lau lách ở hai bên bờ nên người Chàm gọi là Ya Tran. Sau khi đất Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, thì người Việt phiên âm chữ Ya Tran ra Nha Trang để gọi con sông Cái chạy từ Diên Khánh đến biển.
Như thế, Nha Trang là tên sông.
Vì sao tên sông lại trở thành tên thành phố?
Xa xa là núi Cô Tiên, một hình ảnh độc đáo của Nha Trang.
 Ảnh: ML
Xin đáp:
Phần đất Khánh Hòa ngày nay, khi còn thuộc về người Chiêm Thành tức người Chàm thì gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Đất Cù Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt nam khoảng đầu thế kỷ thứ 18, thời Chúa Nguyễn, chúa Nguyễn đổi tên đất Cù Huân làm dinh Bình Khang, sau đổi là Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm 2 phủ là phủ Ninh Hòa và phủ Diên Khánh. Dinh quan Tổng trấn Bình Hòa đóng tại Ninh Hòa trên bờ sông (cho nên con sông Ninh Hòa mang tên là sông Dinh). Hậu bán thế kỷ thứ 18 dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào làm Tổng trấn, nhận thấy Ninh Hòa không có thế dụng binh, bèn dời dinh vào Diên Khánh. Để trấn giữ quân Chúa Nguyễn ở phía Nam, Trần Quang Diệu bèn xây thành đắp lũy kiên cố nơi đóng binh và gọi là Diên Khánh thành.
Cầu đường sắt nối hai bờ sông Cái. Đầu cầu bên trái là hầm
xe lửa cuối cùng trên lộ trình đường sắt Bắc Nam. Ảnh: ML
Vào cuối thế kỷ thứ 18, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy được thành Diên Khánh, và cử tướng Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bình Hòa. Nguyễn Văn Thành cho xây đắp lại thành Diên Khánh và lấy tên Nha Trang của con sông Cái mà đặt tên cho thành gọi là Nha Trang thành.
Đến triều Minh Mạng (1820-1840) dinh Bình Hòa đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Thành Nha Trang được xây lại theo kiểu Vauban và bỏ tên Nha Trang lấy lại tên Diên Khánh: Diên Khánh thành.
Sau khi thực dân Pháp chiếm được toàn cõi Việt Nam nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng, thì đặt cơ quan cai trị ở miền Duyên Hải và lấy hai chữ Nha Trang mà đặt tên cho địa phận đóng cơ quan cai trị tức là thành phố Nha Trang hiện thời. Như thế là thành phố Nha Trang đã lấy tên sông, nhưng không phải lấy trực tiếp mà lấy qua thành Diên Khánh. Có người không đi sâu vào bối cảnh lịch sử, thấy sông Nha Trang chảy qua thành phố Nha Trang thì bảo rằng sông mang tên thành phố.
* * *
Để chứng minh cho những điều trình bày trên đây, tôi xin trích vài ba câu thơ cổ còn lưu truyền.
Đại Lãnh văn viên, cô nguyệt hạ
Nha Trang xạ hổ loạn vân gian.
Nghĩa là:
Lắng vượn trăng mờ đêm Đại Lãnh
Bắn hùm mây loạn núi Nha Trang.
Nha Trang đây là thành Nha Trang ở Diên Khánh chớ không phải là thành phố Nha Trang. Bởi vì thành phố Nha Trang mới bắt đầu xây dựng sau ngày thực dân Pháp đặt nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam dưới triều Đồng Khánh (1885-1888). Còn câu thơ này làm vào khoảng cuối triều Tự Đức (1848-1883). Đó là câu thơ của Nguyễn Tư Giản làm quan ở triều đình Huế tặng Nguyễn Thông làm Án sát tỉnh Khánh Hòa, dưới triều Nguyễn vẫn gọi Khánh Hòa là Nha Trang thành:
Ảnh: Mai Lĩnh
Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải
Tứ biên hoàng diệp tổng vi thu.
Nghĩa là:
Trắng ngập đôi bờ lau xuống biển
Vàng bay bốn mặt lá gieo thu.
Đó là câu thơ của nhà chí sĩ Trần Quý Cáp đã làm năm 1905, lúc cùng hai bạn đồng chí là Huỳnh Thúc Kháng và Phan Chu Trinh đi cổ động cho phong trào Đông du của chí sĩ Phan Bội Châu ghé ngang qua Nha Trang. Trong câu thơ không có chữ Nha Trang nhưng câu “Lưỡng ngạn lô hoa trường đáo hải cho chúng ta biết đó là sông Nha Trang . Bởi “Lưỡng ngạn lô hoa” nghĩa là “hai bên bờ sông hoa lau”, mà “sông lau” tức là sông Nha Trang. Câu đó cũng cho chúng ta thấy rằng mãi đến thời thực dân phong kiến sông Nha Trang vẫn còn đầy lau lách ở hai bên bờ.
Như thế thì hai chữ Nha Trang quả là tên con sông Cái đã có từ xưa. Rồi tên sông lấy đặt tên cho thành, rồi tên thành lấy đặt tên cho thành phố, rồi thành phố và sông đều mang chung một tên.
*  *  *
Con sông Nha Trang đã đi vào lịch sử và đã vào văn chương, chẳng những văn chương chữ Hán mà cả văn chương chữ Việt. Xin đơn cử một bài chữ Việt:
Hòn Bút và Hòn Chữ ở cửa sông Nha Trang. Ảnh: ML
Sông Nha Trang,
Cát vàng sóng lục
Nhởn nhơ con cá đục
Lội dọc lội ngang...
Đã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng,
Sao anh nỡ ham tách cà phê đen, ly sữa bò trắng
Mà phụ phàng nước non?!
Bớ anh ơi,
        Nét bia Hòn Chữ chưa mòn.
Lưỡi gươm rửa hận hãy còn mài trăng.
Q.T.