- Hoàng Đằng
Ngày
nào, khoảng 5 giờ chiều, một toán chừng trên chục phụ nữ cũng đến trước cổng
nhà mụ Thỏn lên tiếng gọi.
Họ,
phần nhiều, đã cao tuổi, 50 trở lên. Họ góa chồng vì chồng đã mất, vì chồng
không có. Họ tìm đến với nhau, đi chùa tụng kinh gõ mõ cho quên hoàn cảnh cô
đơn thực tại. Họ cũng nghĩ đến chuyện sau này nằm xuống có nhà chùa lo. Và đặc
biệt họ muốn nương tựa vào nhau, chia xẻ những nỗi buồn niềm vui trong cuộc sống.
Đi
chùa, đối với họ, chỉ như một hình thức sinh hoạt câu lạc bộ. Họ không biết lý
thuyết nhà Phật thế nào; họ chỉ tụng kinh, chưa bao giờ nghe ai thuyết giảng
giáo lý vì chùa không có sư.
Chùa
làng là một trong quần thể tín ngưỡng của làng, bên cạnh đình, đền, miếu, nhà
thờ họ.
Ở
làng này, xưa kia, chỉ nam giới mới đi chùa. Cái quan niệm “trọng nam khinh nữ”
nặng nề lắm. Đàn bà xem như không được sạch sẽ trong cơ thể !!! mà đến những
nơi thờ tự thì “không nên”.
Từ
khi Giáo Hội Phật Giáo được thành lập và củng cố, cộng thêm phong trào đòi “nam
nữ bình quyền” gặt hái được nhiều thành quả, phụ nữ tới chùa, không ai dám có ý
kiến nữa. Và nam giới dành quyền đi chùa lại cho phụ nữ.
Hiện
giờ, ngoài những dịp lễ lạc, nam giới ít người đi chùa; không phải do cái quan
niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” (đàn ông đàn bà không được gần nhau) mà do óc
gia trưởng, óc kỳ thị đã ăn sâu trong não bộ dân làng.
Mụ
Thỏn đi chùa để khuây khỏa những nỗi uẩn khúc trong lòng chất chứa từ mấy chục
năm nay.
Mụ
đã trên 80 tuổi – tuổi gần đất xa trời.
Thời
niên thiếu, mụ có dáng vóc cao lòng ngòng, khác với các gái làng khác. Trai
cùng trang lứa gặp mụ cứ hát trêu:
“Đàn ông cao cẳng thì tài,
Đàn bà cao cẳng l... dài thước
năm.”
Thước
đây là thước thợ mộc, một thước bằng 4 tấc thước tây, thước năm tức là 6 tấc
tây. Cường điệu thế thôi, chứ dài chi cũng không đến mức đó!
Mụ
sinh bất phùng thời. Bây giờ, người như mụ quý lắm, có thể thi hoa hậu, có thể
thi làm người mẫu, có thể xin tuyển vào các đội bóng chuyền nữ. Thế mà thời mụ,
con gái cao lại ế chồng. Ngày xưa ấy, gia đình nào cũng muốn có nhiều con, “rậm
cây sây buồng”. Theo kinh nghiệm: đàn bà cao thì đẻ ít con, ít chuộng.
Hai
mươi tuổi rồi, mụ chưa thấy gia đình nào ngỏ ý hỏi về làm vợ cho con trai họ;
thời ấy, con gái qua tuổi hai mươi đã thuộc vào hạng “hâm” – đồ “hâm” là đồ
dùng không hết, bảo quản để dùng lại, giá trị và chất lượng đã giảm sút.
Cuối
cùng, một anh quê từ xa đến làng ở đầy tớ, giữ bò cho một gia đình trong làng,
ưa mụ.
Anh
này cả ngày đi theo bầy bò, tối về, vừa giã gạo vừa hò hát. Những chuyện hò mà
anh ứng khẩu vừa có ý nghĩa, vừa có vần điệu; giọng hò lại hay, khi bổng cao,
khi trầm thấp, cuốn hút mê mệt người nghe. Thấy anh thông minh, dù không “môn
đăng hộ đối”, bố mẹ đồng ý gả mụ cho anh. Không gả, chả lẽ để mụ ở góa suốt đời!
Vợ
chồng mụ mới gần nhau được một thời gian ngắn thì ông chồng được cán bộ Việt
Minh giác ngộ đưa ra tập kết ngoài Bắc - nói là đưa đi học. Có lẽ, thấy ông
sáng dạ và căn cứ vào thành phần giai cấp, Việt Minh muốn đào tạo ông thành một
cán bộ, sau này, nếu thống nhất đất nước, đưa trở về tiếp quản chính quyền địa
phương.
Chồng
đi học, nghĩa là có thể trong nước, có thể ở nước ngoài tùy tình hình; thế nên
sợ quấy rầy việc học của ông, mụ không đi theo mà ở lại miền Nam.
Năm
1956, tổng tuyển cử không thực hiện được. Chuyện thống nhất đất nước vô định,
không như hứa hẹn của các bên tham dự hòa đàm là 2 năm sau ngày ký hiệp định
Genève.
Nghĩ
đến tương lai của mình, mụ tính chuyện lấy chồng lại.
Và
mụ đã tái giá với một trai tơ trong làng; ông này vừa nói ngọng vừa đi khập khiễng,
chưa kiếm được vợ vì khuyết tật dù tuổi đã xấp xỉ 30.
Gia
đình chồng mới có đông anh chị em. Chồng mụ là con út; theo tập quán địa
phương, “con út trút gia tài”, mụ về làm dâu, ở với cha mẹ chồng. Gia tài nỏ thấy
chi, chỉ thấy việc ôi là việc! Chỉ nội sau mỗi bữa ăn, các cô em chồng nài rửa
một rổ chén bát, mụ đã đủ ngán rồi! Huống hồ mụ mỗi tối phải xay giã số lượng gạo
vừa đủ cho gia đình ăn vừa dư bán có tiền chi tiêu, mỗi sáng phải dậy sớm nấu
cơm hoặc hầm cháo cho gia đình điểm tâm bằng lửa rơm, khói mù mắt; ấy mới là việc
phụ, chưa kể việc chính là ngày hai buổi – sáng, chiều - trên nương dưới ruộng.
Chiến
tranh mỗi ngày mỗi thêm khốc liệt; chính phủ ban hành lệnh tổng động viên; chồng
mụ, mặc dù có khuyết tật và cũng đã gần 40, phải nhập ngũ.
Lúc
này, ông mụ đã có 3 con: một gái đầu, một gái út và một trai giữa.
Vào
lính, ông không phải ra mặt trận, người ta bố trí ông vào toán giữ kho lương thực.
Cứ vài ngày, ông kiếm được một bao cát gạo, ít loon đồ hộp đem về. Tính cả
lương và phụ cấp một vợ 3 con cùng với khoản gạo, đồ hộp kiếm chác, thu nhập
ông cũng khá; nếu ở nhà, ông không làm gì mà có được chừng ấy.
Tờ
mờ sáng hôm ấy, cả nhà còn ngủ, chỉ có mụ đã dậy nhen lửa dưới bếp, ngoài trời
đang mưa.
Nghe
tiếng gõ cửa, mụ sợ, run lập cập. Chồng đang là lính, có thể “Giải Phóng” tưởng
về ngủ trong nhà, tới rình bắt. Mụ hé cửa, té ra một lính quân bưu trùm kín poncho,
tới đưa giấy báo chồng mụ đã chết hồi hôm. Cả nhà sửng sốt, ồn ào tiếng khóc
than.
Cái
chết không bình thường chút nào. Một vết đạn xâu từ dưới cằm lên trên óc. Ban đầu,
đơn vị nghi ông tự sát, từ chối làm hồ sơ, trước mắt, cấp tiền tử tuất và sau
này, tiền cô nhi quả phụ. Sau đó, đơn vị họp bàn, nghĩ lại rằng ông chẳng có gì
buồn bực, mắc mớ mà tự tử. Đơn vị đi đến kết luận: Ông ngồi gác, đạn đã lên
nòng trong khẩu súng carbine, vô ý kê cằm lên mũi súng, ngủ gà ngủ gật, ngón
tay cử động bất giác chạm mạnh cò súng, đạn nổ và tai nạn đến.
Mụ
Thỏn lãnh tiền tử tuất của ông được hơn 100.000 đồng, lo chi phí mai táng, lo mời
thầy chiêu hồn nhập mộ, cầu cho vong hồn ông siêu độ gần hết số tiền, còn lại một
ít mụ lo bồi dưỡng hàng ngày cho bố mẹ chồng - lúc này đã già khụm rụm.
Mụ
và 3 con hàng quý lãnh được một khoản trợ cấp cô nhi quả phụ cộng thêm thu nhập
từ mấy sào ruộng, từ chăn nuôi lợn gà, gia đình cũng sống đầy đủ; con đến tuổi
đều được đến trường.
Chiến
tranh chấm dứt, chế độ miền Nam sụp đổ, mụ không còn khoản tiền trợ cấp. Bố mẹ
chồng lần lượt qua đời. Ông cụ bà cụ tuổi quá cao, gặp lúc kinh tế khó khăn, ăn
không đủ no, mặc không đủ ấm, bệnh hoạn không thuốc men.
Các
con vẫn tiếp tục đi học. Công việc của mụ bề bộn hơn. Ban ngày, mụ lao động
theo Đội, Đoàn, Hợp Tác Xã. Ban đêm, mụ gói bánh ú để sáng mai lên chợ giao sỉ
cho người bán lẻ.
Cứ
khuya chừng 11g hay 12g, nồi bánh thứ nhất vừa chín thì mấy ông cán bộ Hợp Tác
Xã hay Ủy Ban xã họp xong, đến nhà mụ ăn bữa khuya. Ngay cả giới cán bộ, lúc ấy
bữa cơm chính cũng không có đủ để no bụng.
Ông
chồng cũ của mụ tập kết trở về, được cấp trên bố trí làm Chủ Tịch Ủy Ban xã,
cũng thường theo đoàn tới lui nhà mụ. Trong giai đoạn đầu, ông đi chung; ở giai
đoạn sau, ông đi một mình, “vợ chồng cũ không rủ cũng tới.”; là cán bộ, đêm
đêm, tự xem như trách nhiệm của mình, ông phải “vi hành” như thế để nắm rõ dân
tình.
Trong
tĩnh lặng của canh khuya, “tình cũ nghĩa xưa” thổ lộ răng đó mà mụ mang bầu.
Mụ
nhịn nín chuyện tình dục lâu ngày, lại tưởng rằng tuổi cao rồi không thể có
con, mụ háo hức tiếp đón mỗi lần ông đến, lợi dụng các con ngon giấc, mụ vui vẻ
hả hê với ông cho quên quãng đời đã qua quá xui xẻo.
Cái
thai lớn dần. Mụ thẹn, mỗi lần có việc đi đâu, mụ cột ràng bụng cho thóp lại.
Nghe phong phanh có cây lá gì uống vào trục được thai ra, mụ đều âm thầm đi kiếm
về dùng. Không có kết quả.
Ông
Chủ Tịch, nghe tin mụ có chửa, không tới nữa. Sợ “Tổ Chức” hay được, kiểm điểm,
phê bình, thậm chí cách chức, ông kín đáo nhắn mụ phải giấu.
Không
biết cấp trên có biết chuyện ông “ăn vụng” không mà, ít lâu sau, thuyên chuyển
ông đi xã khác.
Mụ
không dám kiện cáo gì; không phải vì nghe lời ông nhắn mà vì sợ.
Làm
to chuyện ông xấu đâu thấy mà mụ cũng xấu; không khéo mụ bị tố ngược là vu cáo,
nói xấu cán bộ cách mạng.
Mụ
âm thầm chịu nỗi khổ riêng; cả làng hình như chưa ai biết vụ việc.
Thời
điểm sinh nở đã gần. Một buổi sáng tinh mơ, trong khi các con đang ngủ, mụ xách
túi quần áo đã soạn sẵn mấy ngày hôm trước, ra đi.
Mụ
lên xe vào tỉnh Đắc Lắc tìm người em gái đang cùng chồng con theo chương trình
kinh tế mới trong ấy.
Mụ
tâm tình với em về sự cố xẩy ra. Dù thương chị, người em cũng khó xử. Để chị
sinh trong nhà thì sợ chồng con; mai mốt gia đình có chuyện gì rủi ro cứ trách
là rước “phong long” vào nhà.
Người
em bàn với chồng che cho mụ một cái lều ở riêng ngoài rẫy.
Mụ
sinh được một bé gái. Chi phí hộ sinh, nuôi ăn cả mẹ lẫn con do người em đài thọ.
Xui
xẻo là đứa bé phát triển không bình thường, cái miệng tréo về một bên, luôn chảy
nước miếng, cái tay trái không hề cử động, cẳng chân trái hơi co, không thể duỗi
thẳng hoàn toàn.
Năm
tuổi rồi, bé nói được rất ít từ mà không rõ tiếng. Tám tuổi, bé mới chập chững
đi, dáng cà nhắc nặng.
Mụ
bỏ đi vào Tây Nguyên rồi. Ba đứa con ở quê bơ vơ. Nhiều người ngồi lê đôi mách,
đoán già đoán non cũng gần y như sự việc đã xẩy ra với mụ.
Đứa
gái lớn đã 18 tuổi, có học hành, từ một năm nay, được ông Chủ Tịch đưa vào làm
nhân viên giúp việc ở Ủy Ban xã, đẹp gái, đang được một giáo viên ở trường cấp
I xã tìm hiểu để tính chuyện hôn nhân.
Biết
chuyên mụ, gia đình cậu ấy ngăn cản không cho gần nhau. Quá kỳ vọng vào mối
tình đầu, nửa đường bị ruồng bỏ, con bé thất tình, nhảy từ trên cầu xuống sông,
kết liễu cuộc đời.
Đứa
con trai và đứa con gái còn lại được các bác, các cô cưu mang mỗi người một thời
gian, rồi chẳng ai biết vì sao, anh em không chịu ở nhờ, quyết lên đường đi tìm
mẹ.
Rủi
ro chồng lên rủi ro, hai anh em đi trên chuyến xe gặp nạn dọc đường, xe bị lật ở
đèo Cù Mông – ranh giới giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên. Đứa anh chết không
có thân nhận tới nhận, được dân địa phương chôn cất; còn đứa em, sau tai nạn
kinh hồn, thất lạc; nghe nói nó được một ai đó đem về làm con nuôi; gia đình
này đã đi ra nước ngoài, định cư đâu tận nước Angola bên Phi Châu.
Mụ
Thỏn từ trong Nam dắt đứa con khuyết tật về làng. Mụ chưa về ngay, thuê phòng
trọ ở tạm trên thị xã.
Mụ
sắm mâm cau rượu về chịu tội trước với chú bác họ hàng. Dù buồn lắm, họ hàng
không ai nói gì, người ta sắp xếp cho mụ che một túp lều nhỏ sát bờ ao ở góc vườn
xưa mụ ở.
Hàng
ngày, mụ kiếm sống bằng nghề làm bánh bột lọc.
Đứa
con khuyết tật ở nhà, mụ nách rổ bánh đi bán dạo. Chắc việc làm ăn khấm khá, mụ
có dành dụm được ít nhiều.
Mụ
muốn sửa và mở rộng cái lều; nghe tin, mấy anh em nhà chồng không cho.
Mụ
đổ đất đắp lối vào nhà cao lên kẻo quá ẩm ướt, ông anh chồng đem cây bạch đàn tới
trồng lên lối đất mụ vừa đổ.
Mụ
đắp thêm nền nhà ngoài ba phía phên - sau và hai bên - kẻo lâu ngày mưa tạt lở.
Mụ đắp chỗ nào, mấy cô em chồng tới trồng cây sả vào chỗ ấy.
Mụ
không còn quyền lợi gì trong gia đình nhà chồng, người ta chấp nhận cho mụ ở đó
vì thương tình là may lắm rồi.
Mụ
nghĩ dài nghĩ ngắn. Mụ đang sống với đứa con gái khuyết tật, nó sống nương tựa
vào mụ, lỡ mụ chết đi, đời nó sẽ thế nào.
Và
ngay bản thân, nếu, vì bệnh tật, yếu đi, nằm một chỗ, ai săn sóc. Nếu mụ qua đời,
việc chung sự, việc thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian ai lo đây.
Mụ
tìm đến với chùa, không phải để tu học, mụ già rồi, trí não đâu còn để tiếp thu
giáo lý nhà Phật.
Mụ
đi chùa để mong có nơi nương tựa, mong sự giúp đỡ của đạo hữu khi cần. Thế
thôi!
Đông Hà - 13/12/2014