Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Đâu rồi những đồi sim?!

* Mai Lĩnh

Sim bên triền đập Trấm, tháng 6/2014
Với ý nghĩ tìm lại những nét đặc trưng về thiên nhiên, con người ở Quảng Trị đã ghi sâu vào ký ức tuổi thơ, hai đề tài toi dành nhiều thời gian suy nghĩ và tìm kiếm nhất là hình ảnh những đồi sim, nắng và gió Lào ở Quảng Trị.

Những “đồi sim” chứ không chỉ là hoa và trái sim. Và với thằng nhóc 6 tuổi như tôi hồi đó, chưa hề biết gì đến bài thơ của cụ Hữu Loan, chỉ thấy thích khi biết loại trái ngon, ngọt đầy ắp rổ của mấy bà ngồi bán dọc đường Phan Bội Châu vô chợ Đông Hà, lại có thể hái ăn thoải mái, không phải mua vì cây sim mọc hoang đầy trên đồi. Hồi đó, nhà tôi ở cái xóm nhỏ thuộc thôn đệ Nhị, cạnh đồng lúa làng Tây Trì. Nếu tính theo đường QL9 thì qua khỏi nhà thờ là “ngoại ô” rồi, con đường lên dốc và quẹo tay trái về hướng tây; bên trái là đồi đất chập chùng mọc đầy sim, bên phải là vùng đất thấp kéo dài ra bờ sông Hiếu. Đi lên, qua khỏi đường sắt là đã thấp thoáng những xóm người Thượng (cách gọi người dân tộc thiểu số hồi ấy).


Khó khăn lắm mới tìm được vài bông hoa lẻ loi sót lại.

Hoa sim cũng phai màu dưới cái nắng hè ở Quảng Trị.











Nhà tôi có sân trước khá rộng, trồng nhiều hoa nhưng không có vườn sau, cũng không có nhà vệ sinh (cả xóm nhà nào cũng vậy nhưng hình như chẳng ai thấy bất tiện); tôi và bọn trẻ trong xóm thường chạy lên “đôộng”, tức là những đồi hoang mọc đầy sim và mua để giải quyết chuyện... "đi đồng" (hồi đó, không nghe ai nói là "đi vệ sinh").
Chuyện trẻ con hồi đó nhiều cái khó kể lại; đại khái là rất hồn nhiên, vô tư và nghịch ngợm, chuyện con nít đi “đôộng” cũng có nhiều cái thích; giờ mỗi lần nghĩ tới, nhiều khi bất chợt mỉm cười và tiếc nuối vu vơ. Thế rồi, những lúc tình cờ nhìn mặt trời chiều rọi những tia nắng vàng nhạt lên cánh hoa tím rung rinh trong gió cũng khiến bọn nhóc ngắm nhìn theo cái cách riêng, không lãng mạn, sầu muộn như người lớn.

Nói về hoa dại, tôi thích những thứ khác hơn hoa sim; nhưng hình ảnh những đồi sim kéo dài tận phía tây, nơi có những rặng núi cao sẫm màu như bức thành phía tây đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi từ bé. Sau này, tôi biết, cả tỉnh Quảng Trị, chỗ nào cũng có sim dù chẳng ai trồng. Vùng ven biển, sim mọc chen với nhiều loại cây khác ngoài cây mua (nhìn rất giống sim và chỗ nào có sim cũng có cây mua), khắp các “đôộng” cát trắng bao la, kéo dài từ Cửa Việt vào tận Hải Lăng. Vùng đất đồi La Vang cho tới vùng cát Nhan Biều, Ái Tử, những gò đất rải rác giữa những đồng lúa Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh... đâu đâu cũng có sim. Còn Cam Lộ và vùng đồi núi phía tây thì không chỗ nào không có.
Lá và trái mua, nhìn gần giống sim

Cây mua, mọc xen lẫn với sim như anh em sinh đôi.
Mấy năm gần đây, trở về Quảng Trị, tôi đi tìm khắp nơi (Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Đông Hà, Cam Lộ, lên Cùa, Dăk Rông... chỉ còn thấy một triền dốc (ta luy) ở đập Trấm có sim mọc khá dày. Mong muốn tìm hình ảnh một đồi sim trong ký ức của tôi đành thất bại, dù ở Quảng Trị cây sim vẫn còn ở nhiều nơi nhưng thưa thớt và bị che phủ bởi những rừng tràm bông vàng được trồng để lấy gỗ bán cho các nhà máy làm giấy. Trẻ em ngày nay không còn “làm bạn” cây sim. Trái sim cũng không còn xuất hiện ở chợ làng quê như thuở xưa nữa rồi. Cây sim ở Quảng Trị không có cơ hội trở thành nguyên liệu cho sản phẩm mật sim, rượu sim như ở Phú Quốc. Ở vùng đảo Phú Quốc, ngoài hột tiêu vốn đã “thành danh” trên thương trường xuất khẩu; người dân đảo đã làm nên thương hiệu rượu sim được du khách ưa chuộng. Công ty Sim Sơn, sau khi thành công với hai sản phẩm mật sim và rượu sim đã nghiên cứu, sản xuất thành công rượu vang làm từ trái giác, một loại cây mọc hoang trên đảo thường được gọi là “nho rừng”.

Đồi sim ở đập Trấm, cuối tháng 6/2014.

Sim trồng để làm rượu ở Phú Quốc 












Chỉ vì không “đẻ” ra tiền, cây sim đành chịu phận “ghẻ lạnh”. Dù không ai đào, phá những đồi sim nhưng cây tràm cao hơn (cao về giá trị kinh tế và chiều cao thân cây) đã phủ bóng che khuất những đồi sim - chỉ được mỗi chuyện... nhuộm tím chiều hoang sâu lắng trong lòng người tìm về thăm Quảng Trị.