Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Những di tích việc bức hại giáo dân ở Quảng Trị từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX

* Mai Lĩnh
Bức phù điêu tại lăng Tử Đạo Trí Bưu

Một số thông tin về việc cấm đạo ở Việt Nam từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX:
- Ở Đàng Trong, 6 đời Chúa Nguyễn đã ban hành 8 sắc chỉ trong thời gian từ 1625 đến 1725.
- Ở Đàng Ngoài, 7 đời Chúa Trịnh đã ban hành 17 sắc chỉ trong thời gian từ 1629 đến 1773.
- Nhà Tây Sơn có 5 sắc chỉ cấm đạo do vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) ban hành 2 sắc chỉ và Cảnh Thịnh ban hàng 3 sắc chỉ. Đặc biệt, vua Quang Trung không ban hành một Sắc Chỉ nào. Quan Thái Phó Trần Quang Diệu là người chống lại việc cấm đạo. Ông chống đối lại việc bắt bỏ tù và đày đoạ các Giáo Sĩ và giáo dân. Vợ chồng Thái Phó (phu nhân là nữ tướng Bùi Thị Xuân) rất có cảm tình với các Giáo Sĩ Thừa Sai.

Cuộc tàn sát năm 1798 ghê gớm hơn cả, với những màn tra tấn dã man như tẩm dầu vào các đầu ngón tay, hay đổ vào rốn, trước khi châm lửa, hoặc treo ngược đầu "tội nhân" xuống... Các cơ sở Công Giáo tại Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hoá: nhà thờ, nhà xứ, tu viện, trường học, đều bị cướp phá, dân chúng chạy vào rừng trú ẩn lánh nạn.
Bia tưởng niệm Tử đạo tại La Vang.
- Nhà Nguyễn: Vua Minh Mạng ban hành 7 sắc chỉ cấm đạo. Trong tổng số 117 vị hiển Thánh Tử Đạo, thì một nửa (58 vị) đã bị hành quyết trong vòng 20 năm trị vì của vua Minh Mạng. Vua Thiệu Trị ban 2 sắc chỉ. Vua Tự Đức ban 13 sắc chỉ.
- Những cuộc bức hại do nhóm Văn Thân (1885-1886): Lẽ ra, về lý thuyết, những cuộc bách hại đã chấm dứt (theo khoản 9 của hiệp ước Giáp Tuất) giữa Việt Nam và chính phủ Pháp ngày 15-3-1874, vua Tự Đức đã ký nhận "quyền tự do theo đạo và hành đạo của người Công giáo". Tuy nhiên lịch sử còn ghi chép là sau vua Tự Đức, sự bắt bớ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam vẫn tiếp tục, không kém phần dữ dội tàn bạo, và diễn tiến trong hoàn cảnh rối ren khác biệt.
Gốc Đa ở La Vang.

Sau vụ Tôn Thất Thuyết mưu đánh úp Pháp ở thành Mang Cá nhưng thất bại, kinh thành Huế chìm trong biển lửa và chết chóc. Vua Hàm Nghi bỏ kinh thành chạy về Tân Sở, xuống chiếu Cần Vương kháng Pháp. Như một cục than hồng ném vào biển dầu, phong trào Văn Thân Cần Vương bùng lên khắp nơi, tự động tự phát, với khẩu hiệu "Bình Tây Sát Tả" lan rộng trên khắp ba miền Bắc Trung Nam. Chỉ trong mấy năm Văn Thân, số người bị tàn sát vì tín ngưỡng đã lên cao gần bằng tổng số tín hữu đã hy sinh trong hơn hai thế kỷ bách hại, từ đời các Chúa Trịnh Nguyễn cho tới hết đời Tự Đức.

Khi vua Cảnh Thịnh (1798) ra lệnh tàn sát các họ đạo, dân chúng, trên đường thoát nạn, bồng bế con cái chạy và ẩn nấp trong rừng La vang, và nơi đây theo tục truyền, đã được Đức Mẹ hiện ra an ủi và bảo vệ. (*)
(Các thông tin trên đây được lược trích từ trang http://www.nolaviet.com/cttdvn/lichsu/sacchi.html )

Đền thánh Tử Đạo ở Nhan Biều.
Nhà thờ Bố Liêu (xã Triệu Hòa) và bia Tử Đạo.
Tháp lăng Tử Đạo Trí Bưu.

Bia lăng Tử Đạo Trí Bưu
Quảng Trị là nơi có nhiều sự kiện tang thương, giáo dân phải hứng chịu nhiều hành động đàn áp, bức hại khủng khiếp. Ngày nay, cả thế giới đã biết đến thánh địa La Vang (nay thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng), nơi tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra vào năm 1798. Nhưng ở Quảng Trị, hiện vẫn còn nhiều di tích khác ở Triệu Phong, mà nổi bật nhất là nhà thánh ở giáo họ Dương Lộc.
Các bạn có thể đọc lại những câu chuyện ghê rợn ở giáo xứ Trí Bưu vào ngày 07-9-1885 (nay thuộc thị xã Quảng Trị) và tại nhà thờ Dương Lộc vào ngày 08-9-1885 (nay thuộc xã Triệu Thuận):
***

Từ thị xã Quảng Trị đi thẳng đường Trần Hưng Đạo về phía bắc là tỉnh lộ 64, qua chợ Sãi, xuống đến làng Đại Hào (xã Triệu Đại), rẽ trái là đến địa phận xã Triệu Thuận. Từ đây, bất kỳ người dân nào cũng có thể chỉ đường cho lữ khách tìm đến di tích nhà thờ Dương Lộc, nằm bên đường đi về xã Triệu Độ, nơi có thể vượt qua sông Thạch Hãn bằng chiếc cầu phao dẫn sang thành phố Đông Hà.
Đến nơi, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy dấu vết ngôi nhà nguyện chỉ là một khung bê tông cốt thép vỡ gãy, trống trơ, dây leo mọc bám và cây cỏ phủ dày bên dưới. Cạnh đường là mấy đống gạch nằm ngổn ngang. 
Khung bê tông bảo tồn di tích nay trống trơ, gãy vỡ.

Cây dại che phủ di tích

Nhà thờ Dương Lộc nay chỉ còn lại mấy khối gạch bên đường cái.
Thắc mắc về việc nhà thờ Dương Lộc xây dựng vào những năm giữa thế kỷ XIX sao lại có bộ khung bê tông “hiện đại” như vậy, chúng tôi hỏi chủ nhân ngôi nhà kế bên nhưng không có được lời giải thích! Đi thêm 50 mét thì gặp nhà thánh tử đạo Dương Lộc được tu bổ mới mẻ, khang trang (vẫn giữ nét kiến trúc cũ). Ở đây, những thắc mắc được giải đáp sáng tỏ: Ngôi nhà thờ của giáo họ Dương Lộc thời xa xưa nay chỉ còn mấy khối gạch nằm chỏng trơ, công trình thời ấy gần như chỉ dùng gạch và vữa vôi; trước năm 1972, người ta đã đúc một bộ khung bê tông bao trùm toàn bộ nhà thờ để bảo tồn ngôi nhà thờ cổ, nơi đã xảy ra vụ đốt phá, thảm sát hơn 2500 người trong một ngày 08-9-1885! Nhưng sau năm 1972 thì bộ khung bê tông có mái che cho di tích cũng bị bom đạn tàn phá, tan hoang và “báu vật” là nhà nguyện cổ thì chỉ còn lại mấy khối gạch ngổn ngang nằm bên cạnh đường.

Số người bị tàn sát ngày 08-9-1885 (30-7- Ất Dâu) đã được chôn chung một nơi (cách hiện trường vụ thảm sát) khoảng 50 mét, sau đó đã được dựng lên ngôi nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo Dương Lộc (năm 1912); người địa phương gọi là “Lăng Tử Đạo Dương Lộc”. Nhà nguyện này cũng bị hư hại nhiều do chiến tranh và đã được tu sửa lần gần đây nhất, hoàn thành vào năm 2007.

Lăng Tử Đạo Dương Lộc
Nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo Dương Lộc
Bên trong nhà nguyện
Đây là nơi an nghỉ của 4 Linh mục, 65 Nữ tu và hơn 250 giáo dân.

Bia tưởng niệm các Thánh Tử Đạo Dương Lộc





























(*) Trên trang 71 của tập ký sự ảnh "Quảng Trị đi nhớ về thương" có phần ghi chú về sự kiện này không chính xác về thời điểm. Xin quý bạn đọc lại theo thông tin bài này. Tác giả xin cáo lỗi và cám ơn.