Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Một thi xã bị bỏ quên của Nha Trang

  • Quách Tấn

Các nhà nghiên cứu văn học ngày trước cũng như ngày nay, không mấy ai biết rằng ở Nha Trang có một thi xã đã góp phần không ít vào việc xây dựng nền văn học Việt Nam.
Đó là Hoàng Mai thi xã.
Hoàng Mai thi xã thành lập năm 1935. Sáng lập viên là ba nhân sĩ có uy danh ở Khánh Hòa: Nhà Nho Trần Khắc Thành ở phường Xương Huân; cụ cử Phan Bá Vỹ ở phường Phước Hải; cụ đề Ngô Văn Nhượng ở thôn Phú Ân nam, huyện Diên Khánh.
Thi xã mệnh danh Hoàng Mai vì Khánh Hòa có nhiều mai vàng: mai biển có, mai núi có, mai vườn có. Lại thêm ở Nha Trang có một rừng mai rộng mấy trăm mẫu, giăng trùm cả vùng Phước Hải và hòn Trại Thủy trước ngày thực dân Pháp chiếm cứ Nha Trang. Hòn Trại Thủy đầy mai cổ thụ nên có danh là Mai Sơn.

Thi xã lấy đặc điểm của địa phương để mệnh danh, chẳng những để tỏ lòng thương yêu kính trọng quê hương mà còn để nêu cao “văn thái phong lưu” của thi xã.
Thi xã ra đời với bài thơ luật:
Nghiệp cũ Hoàng Mai kể Bạch Liên
Phong tao mong giữ nếp chân truyền
Vàng trau cánh mộng đơm ngòi thép
Ngọc ấm tình xuân đúc phẩm tiên
Châu thắm xạ thơm hồn Lạc Việt
Trúc nhuần tơ nhuyễn giọng Hàn Thuyên
Hỡi người đãy gấm sang Nam Hải
Qua gác Đằng Vương hãy ghé thuyền.
Bài thơ hàm súc, vừa thích thực được bốn chữ Hoàng Mai thi xã, vừa nói lên được mục đích và tôn chỉ cùng chủ trương đường lối phải theo.

Thi xã lập ra không có tham vọng đào tạo nhân tài. Ba cụ Phan, Trần, Ngô noi gương người đời Tống lập Bạch Liên thi xã mà lập Hoàng Mai Thi Xã chỉ nhằm mục đích cùng bạn đồng thanh đồng khí xa gần, giữ vững truyền thống đẹp đẽ của cha ông để lại trên nền văn học Việt Nam.
Thi xã chủ trương lấy ôn, nhu, chân, hậu làm cốt, lấy thanh nhã tự nhiên làm cách, lấy chữ Quốc ngữ làm chữ chính, thể Đường luật làm thể chính.
Những người muốn gia nhập thi xã, trước hết phải thông thạo phép làm thơ, sau nữa là phải có tư cách, không thiếu lễ, nghĩa, liêm, sĩ. Người tài cao học rộng mà tác phong kém, đạo đức thiếu vẫn không được thi xã kết nạp. Do đó xã viên không quá hai mươi người và phần nhiều là người từ bốn mươi tuổi trở lên, tân học có, cựu học có. Trụ sở đóng tại nhà cụ cử Phan Bá Vỹ (hiện nay ở số 24 đường Lý Tự Trọng, Nha Trang).
Thi xã mỗi tháng họp một lần vào sáng chủ nhật đầu tháng. Họp để cùng nhau giảng cứu về thi pháp, hoặc phê bình những áng văn chương có danh cổ kim trong nước, ngoài nước hoặc để ra đề thơ cho xã viên sáng tác, hoặc chấm chọn những bài thơ của xã viên trình chính...

Lúc bấy giờ Thơ Mới nổi dậy từ Nam chí Bắc, công kích thơ Đường luật kịch liệt, gây một phong trào rầm rộ. Phong trào khởi đầu từ năm 1932 và chấm dứt năm 1941. Năm 1935, năm Hoàng Mai thi xã ra đời, là năm phong trào Thơ Mới lên cao tột độ. Nhưng anh em trong Hoàng Mai thi xã không chút nao núng. Anh em cũng không tìm cách hoặc tỏ thái độ chống đối phong trào. Dưới sự lãnh đạo của ba vị tiền bối Trần, Phan, Ngô, anh em ung dung sáng tác theo chủ trương đường hướng của thi xã mình.
Đồng thời cùng Hoàng Mai thi xã, ở Huế có Hương Bình thi xã do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị làm “Tao đàn nguyên soái”, ở Phan Thiết có Liên Thành thi xã do cụ Phú Khê Đoàn Tá đóng vai “chủ nhân ông”. Hai thi xã này liên hệ mật thiết cùng thi xã Nha Trang, thường có thơ từ trao đổi ý kiến, quan điểm và xướng họa với nhau.

Thơ của Hoàng Mai cũng như thơ của Hương Bình, Liên Thành không đăng lên báo chí, không in thành sách, mà chỉ đánh máy hay in ronéo phổ biến trong nội bộ. Tuy vậy những bạn yêu thơ ở ngoài thi xã vẫn được hân hưởng những vần giai tác như:

Ăn dâu phải trả nợ bằng tơ
Vô dụng đành mang tiếng sống thừa
Việc cả muốn làm không đủ sức
Lòng buồn mong tả chẳng nên thơ
Chuyện trò với một bầy con trẻ
Bè bạn còn vài bộ sách xưa
Miễn giữ trọn niềm ngay với thảo
Mặc tình ai ghét mặc ai ưa.
Đó là bài “Thư hoài” [1] của cụ Ngô Văn Nhượng. Lời thơ thanh lão, ý thơ thuần hậu. Tác giả đã theo đúng chủ trương của thi xã. Anh em trong thi xã phần đông dùng làm mẫu để theo.
Thơ của cụ Phan Bá Vĩ cũng theo đúng đường hướng của thi xã. Bài “Nha thành xuân cảm” sau đây cũng rất được bạn trong và ngoài thi xã hoan nghênh:
Bốn mươi xuân lẻ tết Nha Trang
Xuân mới tình xuân vẫn cũ càng
Đầm én Xương Huân mây phủ tía
Rừng mai Phước Hải nắng đơm vàng
Nghề quen bút sắt dù chăm chút
Nghĩa thắm ngòi lông dám phụ phàng
Ngoảnh lại thành sen cây lớp lớp
Hoa lan thầm trổ tóc Phan lang.
Văn chương trang nhã. Muốn thưởng thức trọn cái hay của thơ tưởng cũng nên biết qua thân thế tác giả. Cụ Phan sanh quán ở Phan Thiết, đậu cử nhân nhưng không làm quan với Nam triều mà làm ký lục tòa sứ Pháp. Cụ làm việc ở tòa sứ Nha Trang trên 40 năm, tạo lập cơ nghiệp ở Nha Trang và trờ thành nhân sĩ Khánh Hòa chính thức.
Cặp luận tả rõ thân phận, chuyển kết nói lên lòng không quên cố hương là Liên Thành (thành sen) tức Phan Thiết.
Toàn thể thơ cụ Phan cũng như thơ cụ Ngô đều nghiêm chỉnh. Trái lại thơ của nhà nho Trần Khắc Thành thường là thơ châm phúng. Xin đan cử một luật:
Vịnh gà què
Thôi rồi ai ném hoặc ai quăng
Chẳng lẽ gà sanh cẳng rứa răng?
Năm đức đã đành trời sở phú
Hai chân còn giận đất không bằng
Cối xay đã thạo nghề ăn quẩn
Tiếng gáy đừng đeo thói ghét xằng
Nghĩ kỹ cũng mừng cho đó chút
Ra trường chiến đấu bớt hung hăng.
Ý thông thường nhưng khéo sử dụng tạo thành những tứ mới lạ, làm cho bài thơ có một phong cách đặc biệt chưa từng thấy trong số thơ truyền tụng xưa nay, nhất là cặp trạng và cặp luận. Cặp trạng thích thực “gà què” như thế là độc đáo. Cặp luận dùng phương ngôn tục ngữ để triển khai ý “gà què” như thế là tài tình. Không phải tay lão luyện, học rộng biết nhiều thì khó sáng tạo nên những vần thơ hay như thế.
Trong Hoàng Mai thi xã có ba nhà lãnh đạo có thi tài thi tâm như vậy thì tất nhiên các xã viên học được nhiều cái hay cái đẹp trong việc lập ý, cấu tứ, tu từ và sáng tác được nhiều giai phẩm. Nếu chúng ta ra công sưu tầm, thế nào cũng phát hiện được nhiều giai chương lệ cú.
Nha Trang, mùa hạ năm Kỷ Tỵ (1989)



[1] Thư: chép; hoài: nỗi niềm ôm ấp trong lòng.