- Quách Tấn
Cụ cử Phan Bá
Vĩ ở Nha Trang, thời tiền chiến có bài thơ “Nha Trang Xuân Cảm” mà cặp trạng
rằng:
Đầm
én Xương Huân mây phủ tía
Rừng mai Phước Hải nắng đơm vàng
Và ca dao
Khánh Hòa có câu:
Đầm
Xương Huân én tía
Rừng
Phước Hải mai vàng
Lỡ
duyên thiếp phải xa chàng
Xuân về có nhớ Nha Trang thời về.
Khách du lịch
đến Khánh Hòa, sau khi xem hết thắng cảnh ở Nha Trang, mà nghe được hai câu
thất ngôn và bài ca dao trên đây thì không khỏi thắc mắc:
“Đầm én tía Xương Huân”, “Rừng mai vàng Phước Hải” nghe nói trong
văn chương mà sao không thấy ở ngoài thực tế?
Xin thưa:
- Hai cảnh ấy
ở giữa thành phố Nha Trang:
Đầm Xương Huân
nằm ở giữa phường Xương Huân và phường Vạn Thạnh rộng chừng vài ba mẫu tây,
nước xà hai, do sông và biển Nha Trang chảy vào. Chung quanh đầm, đều xây bờ đá
và trồng cây có bóng mát, dưới gốc cây có đặt ghế đá để ngồi chơi. Nước đầm khi
triều dâng thì chứa chan lai láng, những đêm có trăng, mặt đầm long lanh ánh
sáng như một tấm gương vừa rửa xong.
Trên bờ đầm
phía nam có một ngọn đồi toàn đá hoa cương, hình thù phảng phất con voi trắng
đứng uống nước, nên cổ nhân gọi là “Bạch tượng quyện hồ”. Trên đỉnh đồi có một
ngọn miếu ngói thờ công thần của nhà Nguyễn gọi là miếu Sinh Trung. Thời Pháp
thuộc, chân đồi bị đập phá để làm đường, hình bạch tượng không còn nữa. Từ ấy
người địa phương không gọi đồi là đồi Bạch Tượng mà gọi là đồi Sinh Trung. Tuy
cảnh “Bạch tượng quyện hồ” không còn nữa, nhưng đồi Sinh Trung vẫn làm tăng
cảnh thú của đầm Xương Huân nhiều lắm.
Đầm Xương Huân
còn một đặc điểm nữa là có nhiều chim én tụ tập.
Nha Trang có
hai thứ én: một thứ ở biển, một thứ ở trên cạn. Thứ ở biển gọi là én biển, gọi
tắt là yến phần nhiều lông trắng và vàng.
Còn én ở trên
cạn gọi là én đất lông đen nhánh như huyền, tục gọi là én tía.
Cứ mỗi lần
xuân đến, én tía ở từ phương xa bay đến đầm Xương Huân đông vô số. Bay đến từ
lúc mới tinh sương, lớp bay lượn trên không, lớp bay là là sát mặt đầm. Đến khi
mặt trời lên cao thì tản đi nơi khác. Chiều đến thì lại bay về đảo liệng trên
đầm Xương Huân một vài vòng rồi tản ra từng tốp kéo nhau vào những lùm lách,
lùm sậy mọc ở ven sông mà ngủ. Ngày nào cũng thế. Đến mùa thu, khi mưa phùn gió
bấc nổi lên thì lần lượt kéo nhau đi tìm nơi ấm ráo. Suốt cả mùa đông dầm không
có bóng dáng một con én nào.
Năm nào cũng
vậy.
Đến năm 1969,
đầm Xương Huân bị lấp để cất chợ thì én lần lần bỏ đi nơi khác. Nhưng mỗi năm
hễ xuân đến thì kéo nhau về đông đúc, lớp bay liệng trên không, lớp bay xuống
mặt đất luồn qua những đường sá ở chung quanh chợ. Bay lượn từ sáng sớm cho đến
khi mặt trời lên cao thì kéo nhau bay đi mất hết. Mỗi năm én về thăm chốn cũ
mỗi thưa thớt lần.
Khách phương xa
đến vùng chợ Đầm không mấy ai biết rằng nơi đây xưa có đầm sâu và có én tía.
Mai vàng Phước Hải
Xưa kia bao
trùm ngót mấy dặm từ Nha Trang đến Đồng Bò, từ Mả Vòng đến gần bãi biển.
Cứ mỗi năm vào
khoảng cuối tháng 11 đầu tháng chạp thì rừng mai rụng lá và đâm bông đến Tết
thì hoa nở vàng rực cả một vùng rộng lớn.
Bên mé rừng có
một ngọn đồi hình thù phảng phất giống một con rùa nằm trở đầu xuống biển. Trên
đầu rùa có một ngôi tháp của một vị hòa thượng đến tu hành từ khi Nha Trang còn
là một bãi cát mênh mông chỉ lưa thưa một đôi nóc nhà lụp xụp. Vì đồi hình thù
giống rùa, trên đồi là cổ tháp và nằm cạnh rừng mai vàng, nên cổ nhân gọi đồi
là “Kim quy đới tháp”. Thời Pháp thuộc, một con đường mở từ Nha Trang vào hướng
Nam đã cắt đứt “cổ rùa”, thành ra đầu rùa nằm ở phía đông, mình rùa nằm ở phía
tây. Sau đó ngôi nhà thờ của Cơ Đốc giáo lại dựng lên trên mình Rùa. Thành ra
cảnh tượng “Kim quy đới tháp” không còn nữa. Tên đồi đổi ra là núi “Một” hay
núi “Nhà Thờ”.
Cũng như đồi
Bạch Tượng đối đầu với đầm Xương Huân, đồi Kim Quy đã làm tăng phong vị cho
rừng mai Phước Hải rất nhiều: Mỗi độ xuân về chúng ta lên đồi Kim Quy nhìn vào
Nam thì chúng ta có cảm giác một bức gấm màu vàng trải trùm trên mặt đất.
Thời Pháp
thuộc, rừng mai Phước Hải vẫn còn. Nhưng bắt đầu từ thập niên 1930 rừng đã bị
phá dần để làm củi và lấy đất cất nhà. Qua giai đoạn 1955-1975 thì rừng mai bị
phá sạch và vùng Phước Hải trở thành một khu phố có đường rộng và nhà cửa khang
trang. Hiện nay trong vườn hoặc bên rào của một đôi biệt thự vẫn còn sống sót
một đôi gốc mai già.
Rừng “Mai vàng
Phước Hải”, đầm “Én tía Xương Huân” nay tuy không còn trên mặt đất nhưng vẫn
còn trong thi ca.
Người xưa có
câu:
Cổ
lai vô vật bất thành thổ
Chỉ hậu duy thi khả thắng kim.
Nghĩa là:
Xưa
nay không có vật không tan ra thành đất
Chỉ thơ thắng được vàng sau khi mình nhắm mắt.
Những câu thơ,
bài ca nói về rừng Phước Hải, đầm Xương Huân đã trở thành bất hủ trên đất Khánh
Hòa, thì “Rừng mai- đầm én” vẫn còn mãi trong thi ca.
(Trầm
Hương, số 1 - 1990)