- Quách Giao
Đó
là câu trả lời của những người “Không biết mà làm ra vẻ biết” cũng như bảo Nha
Trang là do chữ “Nhà Trắng” mà ra. Sự thật không phải thế.
Hòn
Thổ sơn nổi danh này, ngoài tên Trại Thủy còn có tên nữa là Hòn Xưởng, Hòn Kho.
Đại Nam Nhất Thống Chí chép là “Khố Sơn” (dịch Hòn Kho ra chữ Hán). Đó là những
tên thông dụng. Núi còn một tên nữa rất ít người biết là Hoàng Mai Sơn gọi tắt
là Mai Sơn, gọi nôm na là Non Mai. Tên này có trước những tên Trại Thủy, Hòn
Xưởng, Hòn Kho... Tên của khách văn chương đặt cho núi, và vốn coi mặt mà đặt
tên.
Hòn
Trại Thủy trước thời thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, là một hòn núi mọc toàn
mai. Những khóm mai cổ thụ, cội cao tàn cả, mọc chen vào những tảng đá hoa
cương to lớn. Mỗi lần xuân đến hoa mai nở vàng cả núi. Hết mùa hoa mai thì lá
mai đậm và láng trùm lên núi một màu xanh lục lìa và anh ánh. Sang đông lá mai
rụng hết núi trở thành một hòn núi trọc màu xám in những nét đen nhạt của những
cành khúc khuỷu, những cội u nần của những khóm mai già rắn rỏi... Cảnh sắc mùa
nào cũng đẹp đẽ nên thơ.
Tên
“Hoàng Mai Sơn” đã đẹp, núi lại còn một tên nữa cũng đẹp không thua “Ngọc Bức”
tức là “con dơi ngọc”. Mệnh danh như thế là vì đứng ở Nam, xa xa nhìn thấy núi
giống hình một con dơi nằm sải cánh, đầu hướng về Nam và trên núi có những tảng
đá hoa cương nhấp nháy ánh sáng.
Để
vịnh Hoàng Mai Sơn người xưa có câu:
Hoàng Mai sơn hạ La Phù mộng,
Ngọc Bức danh trung Hiệp Phố
tình.
Nghĩa
là: Dưới
núi Hoàng Mai chợp được giấc mộng La Phù; trong tiếng Ngọc Bức có ngậm chứa
tình Hiệp Phố.
Núi
ở mặt ngoài thật là thanh nhã, ngờ đâu ở bên trong lại có thế dụng binh.
Nhưng
trước khi nói đến mặt quân sự của núi Hoàng Mai, tôi xin nói qua lịch sử của
đất Khánh Hòa.
-
Xưa kia Khánh Hòa là đất của Chiêm Thành tên gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Cù
Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam khoảng đầu thế kỷ thứ 18, thời chúa Nguyễn,
Cù Huân đổi thành dinh Bình Khang, sau đổi ra Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm
hai phủ là phủ Diên Khánh và phủ Bình Hòa. Coi việc cai trị toàn dinh có quan
Trấn Thủ. Dinh quan Trấn Thủ đóng tại Ninh Hòa gần sông (do đó sông Ninh Hòa
mệnh danh là sông Dinh). Khoảng hậu bán thế kỷ thứ 17, nhà Tây Sơn thắng chúa
Nguyễn, dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu
vào trấn Bình Hòa, nhận thấy Ninh Hòa không thể dụng bình bèn dời dinh Tổng trấn
vào Diên Khánh, xây thành đắp lũy để chống với quân chúa Nguyễn ở mặt Nam, về
đường bộ. Để chống giữ về mặt biển, Trần Quang Diệu lại cách một đạo thủy binh
xuống trấn miền duyên hải. Xét thấy núi Hoàng mai Sơn vị thế hiểm trở, bèn dùng
làm căn cứ quân sự. Trên núi thì cất trại lính, dưới núi về mặt Bắc gần sông
lại đóng xưởng cất thuyền, lại đóng kho chứa lương thực. Vì vậy núi mới có tên
là Trại Thủy hay Hòn Xưởng, Hòn Kho. Cuối thế kỷ 18 Nguyễn Ánh đánh lấy lại
được Dinh Bình Hòa. Quan trấn thủ do Nguyễn Ánh bổ nhiệm là Nguyễn Văn Thành
vẫn giữ những căn cứ quân sự của Trần Quang Diệu để chống lại quân Tây Sơn. Năm
1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, nắm được toàn cõi Việt Nam, mới dẹp bỏ
những căn cứ quân sự không cần thiết. Những trại xưởng, kho ở núi Hoàng Mai Sơn
cũng bị phá hủy. Vật không còn, song danh không mất. Người địa phương vẫn gọi
núi là Trại Thủy hoặc Hòn Xưởng, Hòn Kho.
Đến
năm 1885 kinh đô Huế bị thực dân Pháp đánh chiếm. Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng
Trị xuống chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân Việt Nam đứng dậy chống thực dân
Pháp. Nhân dân các tỉnh từ Huế trở ra và từ Huế trở vào đều ứng nghĩa Cần
Vương.
Nghĩa
binh Khánh Hòa do Trịnh Phong lãnh đạo dùng Hòn Trại Thủy làm căn cứ chiến đấu.
Pháp đổ bộ lên bãi biển Nha Trang bị nghĩa quân Trịnh Phong chặn đánh không thể
tiến bước. Nhờ lòng dũng cảm của nghĩa binh và thế hiểm trở của Trại Thủy,
Trịnh Phong đã chiến thắng quân xâm lăng nhiều trận. Nhưng rồi có người trong
nghĩa quân làm phản, đem những bí mật quân sự cho địch biết, lại bày mưu cho
địch để đánh nghĩa quân. Thực dân Pháp theo lời hướng dẫn của tên Việt gian
phản quốc, dùng hỏa công đánh úp nghĩa binh. Để bảo toàn quân lực, Trịnh Phong
theo đường bí mật rút quân ra khỏi Trại Thủy về giữ thành Diên Khánh. Quân Pháp
dùng thuốc súng đốt rụi tất cả cây cối, lều trại trên hòn Trại Thủy và sau khi
dẹp xong phong trào Cần Vương ở mọi nơi và đặt xong cơ quan cai trị ở Nha
Trang, thực dân Pháp trổ con đường từ Nha Trang lên Diên Khánh, dùng những tảng
đá trên hòn Trại Thủy đập nát ra để lót đường. Từ ấy hòn Trại Thủy trở thành
một hòn núi đất trơ trụi. Chỉ sườn núi phía sau còn vài lớp đá và trên núi còn
vài khóm mai còi làm di tích cho những gì của núi đá có từ nghìn xưa.
Vào
khoảng 1943-1944 Đại sư Giác Phong dời chùa Hải Đức ở dưới đường Hai Chùa Nha
Trang lên cất ở đầu phía tây núi Trại Thủy. Và khoảng 1955-1960 Hội Phật học
Khánh Hòa xây Kim Thân Phật Tổ ở đầu núi phía đông. Sau đó những am, những cốc
lần lượt xây cất và cây cối lần lần trồng ở khắp núi, làm cho hòn Trại Thủy mỗi
ngày mỗi trở nên đẹp đẽ. Hiện nay núi đã trở thành một thắng cảnh nổi danh của
Khánh Hòa.
Đến
viếng cảnh Trại Thủy mà biết được “lý lịch” của núi một cách khá tường tận thì
cái thú tham quan tưởng cũng thêm nhiều hứng vị.
Nha Trang, 9-1990.