Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

Chụp ảnh phụ nữ H'Mong ở thị trấn Sapa


  • Mai Lĩnh


Khoảng 2012 trở về trước, du khách có thể dễ dàng chụp ảnh những phụ nữ người dân tộc từ các bản chung quanh vào bán hàng rong (chủ yếu là hàng thổ cẩm) trong thị trấn hoặc ở vùng ven Sapa một cách dễ dàng, thân thiện. Chỉ một số ít đòi trả tiền mới cho chụp và một số thì quay đi khi thấy có người đưa máy lên ngắm. Những lúc ấy, cách hay nhất là mua hàng của họ rồi thì tha hồ bấm máy, kể cả gọi họ đứng vào chụp chung làm kỷ niệm.
Ngày nay, vì việc chụp ảnh quang cảnh mua bán, sinh hoạt tự nhiên của họ ngày càng trở nên khó khăn hơn (không phải vì tốn tiền) mà khó thể có những bức nhr đẹp tự nhiên. Mặt khác, số người bán hàng rong ngày càng đông đảo, đường phố thị trấn trở nên chật hẹp hơn. Các khu bán hàng thổ cẩm, hàng lưu niệm của người dân tộc bày ra dọc lề đường hay ở những khoảng đất trống trong thị trấn kiểu như chợ trời hầu như không còn. Thay vào đó là rất nhiều khu phố buôn bán sầm uất của người vùng xuôi lên mở ra ồ ạt khiến những phụ nữ dân tộc chỉ có cách duy nhất là đeo bám du khách khắp hang cùng ngõ hẻm để bán hàng.
Sáng ngày 21/62017, chạy một vòng quanh thị trấn, bầu trời âm u, mưa nhẹ trông phố xá buồn hiu nên tôi chọn quán cà phê, điểm tâm đầu dốc đường Violet để ngồi "mai phục". Thoạt đầu vị trí này có vẻ phù hợp (có tầng gác, nằm trên trục đường du khách đi bộ nhưng không quá đông đảo), nhưng lên gác ngồi nhìn xuống lại vướng... dây điện!

Nhiều cơ sở kinh doanh của người vùng xuôi
lên đây cạnh tranh áp đảo nguồn lợi từ dịch vụ
du lịch đối với người bản địa.

Phía Fansipan mù mịt





















Tôi phải bỏ gần hai tiếng đồng hồ ngồi đó, hết chờ nắng để chụp ra phía thung lũng, bản Cát Cát, hướng về núi Fansipan và quay vào trong theo dõi một người phụ nữ H'Mong trẻ, địu con ngồi bên kia đường chăm chú thêu mảnh hoa văn. Chị ta phát hiện ra người đang "rình" chụp hình nên ngồi khuất sau gốc cây, thỉnh thoảng lại liếc lên nhìn sang phía tôi vẻ cảnh giác.




Khá lâu sau, có mấy người phụ nữ khác tấp vào nghỉ chân ở đó. Họ nói ào ào và không biết có người chụp hình nên cười nói rất tự nhiên, thoải mái khoảng nửa tiếng rồi lại đi bán hàng. Trong thời gian đó, người phụ nữ trẻ địu đứa bé sau lưng dường như quên mất người "rình" chụp hình. Nguồn sáng không đẹp, bối cảnh lại không phù hợp... thực lòng không hứng thú lắm nhưng "Đã đến đây thì cũng phải có ảnh đem về chứ!", nghĩ vậy nên tôi cũng bấm lia lịa ít tấm rồi vào bản Tả Van.







Ở Tả Van, hầu như tôi chỉ chụp lén mấy đứa bé bám đuôi khách du lịch từ xa. Gặp hai người phụ nữ đang đi bán hàng từ xa, tôi đưa máy chụp và bị ra dấu từ chối ngay!


Khi quay về, gặp một bà già ngồi thêu. Thấy hay hay nên bấm đại một tấm. Bà ta quay lại nhìn tôi khoát tay, vẻ không đồng ý. Tôi tiến lại gần, đưa cho bà ấy 10.000đ. Bà già ra giá bằng ngón tay, ý là 10.000đ một kiểu. Thấy bà cười nhe răng sún cũng hay tôi bấm tiếp. Xong bà ta đòi 60.000đ vì nghe tôi bấm máy 6 lần!!!