Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Lên đỉnh Fansipan ngắm... mây mù


  • Mai Lĩnh

Fansipan (Phan Xi Păng) là ngọn núi cao nhất Việt Nam (3.143 m), cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương - từng được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" - thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Với nhiều người, leo lên "mái nhà Đông Dương" từng là một ước mong khám phá, trải nghiệm tuyệt vời nhưng không dễ thực hiện.

Khám phá và chinh phục

Trước kia, hành trình leo núi từ Sapa lên đỉnh Fansipan và quay trở về thường phải mất 3 ngày đối với người có sức khỏe thật tốt và chuyến đi được sắp đặt lộ trình, thời gian hợp lý, chuẩn bị kỹ với sự giúp đỡ của người dân tộc bản địa. Đoàn xuất phát từ Sapa, đi xe đến trạm Kiểm Lâm trên đỉnh đèo Trạm Tôn ở độ cao 1.940m (tức là đèo Ô Quy Hồ) rồi bắt đầu lộ trình... đi bộ, leo núi chinh phục đoạn đường có độ cao chênh lệch 1.103m khá dài đi xuyên rừng.


Cây đỗ quyên


Hoa đỗ quyên

Đối với những người lần đầu chuẩn bị những chuyến leo núi thế này, sẽ có quá nhiều thứ họ cảm thấy cần mang theo (lều trại, đồ chống lạnh, áo mưa, thực phẩm, thuốc men và vật dụng lặt vặt...) nhưng càng đem nhiều, đôi vai và đôi chân càng khổ nên thường cần thuê người mang vác. Mỗi đoàn phải có ít nhất 2 người dẫn đường dày dạn kinh nghiệm nếu không muốn bị lạc trong đường rừng.

Từ trạm Kiểm Lâm du khách phải leo lên trạm dừng chân thứ hai ở độ cao khoảng 2.800m, hạ trại nghỉ ngơi, nấu ăn và qua đêm. Hôm sau, đoàn tiếp tục leo lên tới đỉnh Fansipan (3.143m) vào buổi trưa. Phải tính thời gian để quay về đến trại trước khi trời tối. Sang ngày thứ ba, xuống Trạm Tôn để về lại Sapa.

Leo lên núi rất mệt, nhưng xuống núi cũng không dễ dàng hơn, chỉ một chút lơ là, chủ quan cũng có thể gặp tai nạn. Nhưng những hành trình gian khổ thế này mới đem lại những trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên hùng vỹ, trở thành những giây phút đáng nhớ trong ký ức tuổi thanh xuân. Cái thú vị của chuyến đi không chỉ là có được cảm giác chinh phục "nóc nhà Đông Đương" mà còn khám phá bao điều mới lạ, hào hứng với những giây phút sống giữa núi rừng Tây Bắc vừa thân quen vừa mới lạ. Du khách được người dân bản địa hướng dẫn hái măng rừng, tìm củi về tự mình nhóm bếp lửa nấu ăn hai bữa tối và được nghe những câu chuyện đường rừng hấp dẫn trong hai đêm trong rừng mưa rả rích, lạnh lẽo.

Thời điểm leo núi thích hợp là từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đường lên Fansipan đẹp nhất là khoảng cuối tháng 2, khi các loài hoa rừng bắt đầu nở rộ.

Ngồi cáp treo... "chinh phục" độ cao

Từ cabin cáp treo nhìn xuống thung lũng Mường Hoa

Đoạn bậc cấp hơn hai chục bậc đi bộ lên đỉnh

Tháp chuông cao vút

Từ đầu năm 2016, việc lên đỉnh Fansipan trở nên quá dễ dàng sau khi tuyến cáp treo hiện đại (*) được khai trương hoạt động. Tuyến cáp treo Fansipan Sapa đã giúp du khách rút ngắn thời gian lên đỉnh và xuống núi chỉ còn... 15 phút cho mỗi lượt lên và xuống, cáp treo Fansipan Sapa đã khiến "ước mơ chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Fansipan" cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi trở nên rất dễ dàng (nếu có tiền mua vé), chỉ khó khăn với những người có bệnh về tim mạch.
Với tuyến cáp treo này, hầu như ai cũng có cơ hội lên đỉnh Fansipan. Nhưng mọi trải nghiệm thú vị mang tính khám phá núi rừng Tây Bắc hoàn toàn không còn, cảm giác chinh phục "nóc nhà Đông Dương" càng không có. Mùa hè, lên đỉnh Fansipan chẳng khác ở Sài Gòn lên Langbian, Nha Trang lên Hòn Bà, Đà Nẵng lên Bà Nà hay đỉnh đèo Hải Vân ngắm mây... Tuyệt nhiên không có chút cảm giác sống hòa mình với thiên nhiên Tây Bắc.

Hôm 22/6, thung lũng Mường Hoa và thị trấn Sapa trời nắng đẹp, ngồi trên cabin cáp treo nhìn xuống cảnh rất đẹp nhưng chụp ảnh qua kính cabin không rõ, lại vướng dây cáp; càng lên cao gió càng mạnh, người yếu bóng vía cũng thấy hồi hộp. Từ trạm trên bước ra để tới ga tàu kéo, mây mù và hơi nước ẩm và lạnh, nhiều người phải mặc áo mưa.

Ở hai trạm đầu và cuối cáp treo, không hiểu vì sao đều có chùa (thờ Phật)
 và đền (thờ thần thánh). 


Hiện nay, sau khi đi cáp treo lên đến trạm trên núi, du khách muốn "chinh phục" đoạn còn lại chừng vài trăm bậc cấp xây đá thì đi bộ, người yếu chân có thể đi tàu kéo lên tiếp lên ga trên, nơi chỉ còn phải leo hơn hai chục bậc tam cấp là đến... đỉnh núi. Tha hồ chụp ảnh và tự huyễn hoặc mình với cảm giác đang đứng trên "nóc nhà Đông Dương" dù nhìn quanh chẳng thấy gì, chỉ trắng xóa một màu mây!
Khacha chờ tàu kéo len đỉnh núi

Tàu kéo chỉ có 1 toa xe


Giá vé đi cáp cho một người lớn (600.000đ.), vé đi tàu kéo (100.000đ.); trẻ em được giảm giá. Giá cả dịch vụ ăn uống khá cao nhưng không đắt so với mặt bằng giá dưới đất. Trong khu bán hàng lưu niệm và nhà hàng, mạng Wi-Fi miễn phí phủ sóng rất mạnh và có một điều có thể làm du khách khó tính mấy cũng hài lòng là thái độ giao tiếp, phục vụ của nhân viên từ trạm mặt đất ở Sapa lên đỉnh núi rất thân thiện, hòa nhã và nhiệt tình.

Hai câu hỏi cho "người quản lý" đỉnh Fansipan

Tam quan bằng đá và bê tông được chạm chữ Tàu rất lớn bên trên và mấy câu đối dọc cây cột chữ Việt viết theo lối chữ thảo của Tàu.

Cột cờ hoành tráng đứng uy nghi trên đỉnh
núi cao nhưng không có cờ.


Trên đỉnh Fansipan hiện nay có một cái cổng mới xây dựng (có lẽ ý muốn tượng trưng "Cổng Trời"), quanh năm mây phủ, ở ba vị trí chính trên cổng có chạm chữ Hán (phần lớn dân Việt hiện nay không dùng thứ chữ đó). Liệu có thể ai đó "phiên dịch" cho du khách nước ngoài rằng "đỉnh Fansipan thuộc lãnh thổ Trung Quốc" thì sao? Ở Nha Trang, đã có chuyện hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc đã nói với du khách của họ là "Tháp Bà Por Na Gar" (Thiên Y A Na) vốn xưa kia là thuộc Trung Quốc.

Cũng trên đỉnh núi, có cột cờ khá cao mới xây gần đây, trưa ngày 22/6/2017 chúng tôi thấy đỉnh cột không có cờ. Hỏi một nhân viên ở ga tàu kéo, anh ta giải thích: "Do thời tiết hôm nay treo cờ lên sẽ bị ướt và rũ xuống chứ không bay phất phới được nên không kéo cờ". Với khí hậu tự nhiên trên đỉnh Fansipan, nói như vậy thì mỗi năm có bao nhiêu ngày lá cờ VN phất phới trên đỉnh núi Fansipan?

Hỏi vậy thôi, thực tình tôi cũng không biết đỉnh núi Fansipan hiện nay do ai nắm quyền quản lý hành chính, lãnh thổ nữa. Có lẽ cái sự hoang mang, "không biết" của tôi là do lỗi của tôi không đọc được chữ Tàu chăng???
________________________________________________________________________________

(*) Ngày 02-02-2016, UBND tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Sun Group đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây, và được đại diện tổ chức Guinness World Record trao bằng chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sapa: Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.325m) và có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410m). Công suất vận chuyển 2.000 lượt khách mỗi giờ.