Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Lên cao nguyên tìm Cổng nhà Trời

  • Mai Lĩnh

Các dân tộc thiểu số sống trên vùng cao thường gọi những đoạn đường lên đỉnh núi, đỉnh đèo quanh năm mây phủ là Cổng Trời, ý nói là nơi có thể lên tận trời xanh! Không biết Tây nguyên có bao nhiêu cổng trời như vậy, nhưng nổi tiếng nhất chỉ có đèo Mang Yang (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nằm trên QL.19, con đường huyết mạch nối tỉnh Bình Định lên Gia Lai.
Tất nhiên, tôi muốn nói đến những thắng cảnh thiên nhiên, các địa danh vốn có trong dân dã từ lâu chứ không tính các điểm đến du lịch được đầu tư vì mục đích thu lợi rồi tự "phịa" ra nhưng mỹ từ êm tai để thu hút khách du lịch (hoặc do các công ty lữ hành "nổ" để dụ khách). Ví dụ như “Cổng trời tiên cảnh Linh Quy Pháp Ấn” với một khoảng sân dựng lưng chừng đồi và 4 cái cổng chào kiểu Nhật Bản ở đồi 45, thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đó chỉ là một khoảng sân cho du khách tập trung chụp ảnh với phong cảnh núi đồi chung quanh.

Nhưng đi ra vùng cao nguyên đông bắc và tây bắc Việt Nam thì đi đâu cũng có Cổng Trời theo đúng cách gọi của người dân bản địa; mặc dù Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam (1) không có từ này.

Trên cái cổng đá ở đỉnh Fansipan ghi toàn chữ Tàu,
làm cứ như nó thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc?!
Trên đèo Ô Quy Hồ có Cổng Trời Sapa. Tỉnh lộ 177 từ QL.2 đi Hoàng Su Phì có Cổng Trời ở Km 16. QL.4C từ Hà Giang đi Đồng Văn có Cổng Trời Quản Bạ và tỉnh Cao Bằng có Cổng Trời ở thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh mấy năm gần đây trở thành điểm đến cầu khấn của người Kinh từ khắp nơi đổ lên nườm nượp (2). Nhưng có lẽ thu hút nhiều du khách tham quan nhất là Cổng Trời Tam Đảo vì tương đối gần Hà Nội, việc đi lại dễ dàng hơn cả.
Riêng trên đỉnh Fansipan, nhà đầu tư khu du lịch này cũng nhắm vào chuyện tâm linh của du khách khi cho xây chùa như những hạng mục đầu tư du lịch ở hai đầu trạm cáp treo và gần lên đỉnh, họ xây một cái cổng lớn bằng đá, không biết có phải ý muốn nói đó là Cổng Trời thời đại mới không? Sở dĩ tôi chỉ đoán chứ không dám nói nó là cái gì vì trên cổng ghi toàn chữ Tàu. Lúc đến đó, đến trước cái cổng này tôi cũng phân vân "Không khéo nó bảo bên kia cổng là lãnh thổ Trung Quốc thì nguy!" nhưng đã mua vé lên đây thì liều bước qua cổng mà lòng không yên vì thứ chữ ấy thì dốt đặc, không đọc được. Kể thêm đoạn này cho vui chứ dù họ có bảo đó là cổng Trời thì theo tôi, nó cũng là "đồ giả" hay "hàng nhái" mà thôi.

Đến Cổng Trời Quản Bạ ... nói chuyện Núi Đôi
Đang chạy trên đèo, đến một khúc cua trái ôm vách núi, bác tài giảm tốc độ rồi rẽ phải, dừng trên một khoảng đất phẳng nhô ra, có lan can bao quanh và bảo "Đây là đỉnh dốc, có lối lên Cổng Trời, dưới kia là thị trấn Tam Sơn, huyện lỵ của Quản Bạ và Núi Đôi nổi tiếng".

Thoạt tiên, tôi ngạc nhiên vì xưa nay nghe nói Núi Đôi ở Sóc Sơn (Hà Nội) cơ mà?! Nhưng đúng lúc ấy mấy cụm mây vén ra và trời hửng chút nắng nhẹ cuối ngày lộ ra hình ảnh quen quen thường thấy trên mạng. Tôi nghĩ thầm: "Đẹp thật! Ủa sao có ba trái núi liền kề nhau lận chứ đâu chỉ một cặp mà ai cũng gọi Núi Đôi?". Kệ, cứ biết thế, chụp ảnh đã. Giá mà nắng mạnh và trời trong hơn thì ảnh sẽ đẹp hơn khi hình khối mấy quả núi tròn kia càng tăng sức gợi cảm.
Ngắm, chụp một tí thì mây lại kéo đến phủ kín đem theo hơi lạnh và tôi chợt nhớ tới địa danh "Cổng Trời Quản Bạ" từng đọc trong một tiểu thuyết của Vũ Thư Hiên. Quay lại hướng nam hơn chục mét, bên kia đường cũng có bãi đậu xe với mấy túp lều bán hàng cho khách qua đường. Cạnh đó là bậc tam cấp xây đá phủ đầy rêu xanh trơn trượt nên tôi không dám bước lên cao hơn. Ở lưng chừng mỏm núi có gắn tấm bảng lớn giới thiệu về Cổng Trời này.
Cổng trời Quản Bạ nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 46km trên QL.4C về phía bắc, là cửa ngõ đầu tiên vào công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn. Một thời trước đây, sau cánh cổng đó từng là “vùng tự trị của người Mèo” gồm 4 huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh. Năm 1939, người Pháp dựng một cánh cửa khổng lồ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay cổng trời, ngày nay cánh cửa đó không biết đã vào ... biệt phủ của ai ?!
Trên những quảng cáo tour của các công ty lữ hành thường nói: Đứng tại Cổng trời Quản Bạ, có thể quan sát được cánh đồng của Quản Bạ, Quyết Tiến, Thái An, Đông Hà, Cán Tỷ và Bát Đại Sơn... những điểm du lịch nổi tiếng trong các tour du lịch Hà Giang; tuy nhiên, điều này hiếm xảy ra vì ở độ cao 1500m so với mặt biển và chung quanh chập chùng núi đá, mây mù thường xuyên vây phủ. Có khi lên đến Cổng Trời, tầm nhìn chỉ vài mét, thậm chí thị trấn Tam Sơn và danh thắng Núi Đôi ngay dưới chân dốc còn không nhìn thấy!

Xin nói ngay là địa danh Núi Đôi trong bài thơ nổi tiếng cùng tên của Vũ Cao là nơi khác, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (3). Núi Đôi Quản Bạ (cách TP. Hà Giang 49km) gắn với truyền thuyết núi Cô Tiên (4). Lâu nay, hình ảnh Núi Đôi Quản Bạ được chụp và phổ biến trên nhiều phương tiện nhưng ít người xem nhận ra sự khác biệt này; nhìn ảnh Núi Đôi Quản Bạ mà nhớ tới... bài thơ của Vũ Cao. Thậm chí từng có ấn phẩm dùng ảnh Núi Đôi Quản Bạ để minh họa khi nói về bài thơ Núi Đôi nổi tiếng của Vũ Cao!
  
 

Phải chăng vì núi Đôi Quản Bạ tròn trịa, "gợi cảm" và nằm trong bối cảnh hữu tình với ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại, lại có góc nhìn từ trên cao dễ chụp ảnh đẹp hơn là núi Đôi Sóc Sơn. Nhưng truyền thuyết về núi Cô Tiên ở Quản Bạ lại không nổi tiếng bằng câu chuyện tình bi tráng được Vũ Cao viết thành thơ. Vì thế mới có chuyện nhầm lẫn như thế.

Nhưng cũng cần nói thêm: Do các nhà nhiếp ảnh cố tình cắt tách ra hai ngọn núi tròn thành một "cặp đôi" để gọi đó là Núi Đôi; thật ra, có ba ngọn núi tròn tròn dính liền nhau, "bộ ba" lận chứ không phải "cặp đôi" như hình ảnh được phổ biến nhiều trên mạng hiện nay.
______________________________________________________
(1) Hoàng Phê chủ biên, NVBKHXH Hà Nội phát hành năm 1988.