Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

Thất vọng Sapa



  • Mai Lĩnh

Lên đến thị trấn lúc 22g10, trời vẫn mưa, chúng tôi đành tìm một khách sạn nghỉ tạm. Thị trấn nhỏ này thay đổi quá nhiều so với 7 năm trước. Sự thay đổi là điều hiển nhiên, chỉ tiếc là nó trở nên xô bồ dị hợm và có những dấu hiệu cho thấy nó sẽ tự đánh mất những giá trị "trời cho" của một "sản phẩm du lịch" độc đáo vùng Tây Bắc.


Hồ cảnh quan giữa thị trấn Sapa được trang trí đèn màu lòe loẹt, diêm dúa.

Phát triển kiểu "Mì ăn liền"

Vài chục cây số đường đèo từ Lào Cai lên đây, chạy xe ban đêm lại thấy dễ chịu hơn khi vào thị trấn, đường phố đầy ổ gà, công trường xây dựng ngổn ngang. Hình ảnh Sapa về đêm lòe loẹt một cách thảm hại khiến tôi liên tưởng đến những cô gái già phải tô trét thật nhiều son phấn để mong mình "nổi bật" trong đêm mưa cao nguyên. Có thể nói, cách phát triển đô thị ở đây đã đánh mất hình ảnh của một Sapa "quý phái và huyền ảo" từng được khơi gợi từ những kiến trúc mang dáng dấp một khu nghỉ dưỡng sang trọng phần nào được ghi lại trong các tác phẩm của nhà nhiếp ảnh lão thành Võ An Ninh cách đây vài chục năm.

Sapa bây giờ có nhiều nhà cao tầng, nhiều cơ ngơi kinh doanh du lịch chen chúc, xô bồ của người miền xuôi... lên đầu tư, không chỉ đánh thức tiềm năng của cô "sơn nữ Tây Bắc" mà đang biến "nàng" thành "cô gái thị thành" với đủ các ngón nghề để "mở ví tiền" của khách du lịch. Ngôi nhà thờ đá từng được coi là hình ảnh mang tính biểu tượng kiến trúc và điểm nhấn cho phong cảnh Sapa đã chìm hẳn trong cái đô thị lô nhô, chen chúc những khối bê tông nhiều kiểu dáng.

Một thời, các hãng lữ hành còn "bịa" ra "Chợ tình Sapa" vốn không hề có trong sinh hoạt truyền thống của người dân bản địa để đánh lừa du khách. Đó là một món "hàng giả", một kiểu ăn theo, đánh lận hình ảnh "chợ tình Khâu Vai" ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), vốn có từ xa xưa, chỉ diễn ra một lần hàng năm. (*)
Hình ảnh chụp ngày 15-11-2010.

Du khách nước ngoài hào hứng quan sát cảnh sinh hoạt,
học tập của thầy trò trường tiểu học Thị trấn Sapa.

Chúng tôi thật sự thấy hụt hẫng khi nhận ra ngôi trường tiểu học nằm giữa trung tâm thị trấn Sapa đã bị "đánh bật" đi đâu đó, nhường chỗ cho các cơ sở kinh doanh "đẻ" ngay ra tiền. Sao người ta không hiểu rằng chính ngôi trường đó cũng là "một sản phẩm du lịch". Du khách đến Sapa để tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa chứ không phải để hưởng các dịch vụ, các món "ăn chơi" của người Kinh (điều mà họ có thể có ở Hà Nội và nhiều nơi khác).








Khác hẳn 7 năm trước, người Mông, người Dao, người Giáy... còn có được chút ít "mặt bằng" ngoài trời để bày hàng bán. Hàng của họ là những sản phẩm thủ công, trang phục truyền thống hoặc những món lưu niệm mang đậm sắc thái văn hóa bản địa. Nay toàn bộ diện tích kinh doanh trong trung tâm thị trấn nằm trong tay người vùng xuôi. Người dân tộc bản địa chỉ còn cách đeo bám du khách để bán những món hàng nho nhỏ, những chiếc túi vải thổ cẩm bé tí mà họ có thể mang theo trên mình. Đất ở Sapa ngày nay đúng nghĩa "tấc đất tấc vàng" rồi, trường học còn bị đánh bật thì chợ trời của bà con người dân tộc làm sao có chỗ?!

Những phụ nữ dân tộc bản địa và sinh hoạt mua bán của họ mới là điều
du khách nước ngoài quan tâm .

Hình ảnh chụp ngày 15-11-2010
Vừa gia công vừa bán hàng

Đây là một ghi nhận khiến chúng tôi thất vọng về sự thay đổi có thể coi là bộc lộ quan điểm xây dựng tương lai đô thị này của những quan chức địa phương. Sao họ không nghĩ đến một "thị trấn của người Sapa, phát triển theo phong cách của người Sapa và phục vụ du khách để nâng cao mức sống cho người bản địa" sẽ mãi mãi hấp dẫn du khách bốn phương tìm tới. Nếu đi theo hướng đầu tư hiện nay, Sapa sẽ chẳng hơn gì nhiều vùng đất khác. Trước đây, hình ảnh ruộng bậc thang của Sapa đã "hớp hồn" nhiều nhà nhiếp ảnh, nhưng ngày nay, ruộng bậc thang ở nhiều vùng khác hấp dẫn hơn nhiều, nhất là ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái)....

Người dân tộc bản địa đã bị đẩy ra khỏi sự phát triển chung của Sapa.

Đồng tiền lên ngôi - mạnh ai nấy sống

Đã vậy, địa phương còn để cho diễn ra những chiêu cạnh tranh của người miền xuôi lên đây kinh doanh lấn át người bản địa (sẽ nói rõ hơn trong bài viết về kinh doanh homestay). Một trong những hành động không đẹp đối với du khách là "chận cửa thu tiền" ở nhiều nơi do Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Sapa thực hiện. Khắp vùng đông và tây bắc chỉ có chuyện này ở Sapa. Đường đi vào các bản rất xấu, nhà cửa của dân do dân làm, ruộng cũng của dân, núi non là cảnh thiên nhiên... Khách vào bản, nếu vào quán ăn uống thì trả tiền cho chủ quán, mua hàng thì trả tiền cho người bán... Phòng Văn Hóa Thông Tin huyện Sapa không đầu tư, không phục vụ gì cho du khách, sao được phép chận đường vào bản, buộc du khách phải mua vé mới được vào bản ngắm cảnh và thăm làng???

Chưa hết, cả tư nhân cũng lập phòng bán vé và các bãi đậu xe, ngăn cản khách du lịch đi qua (chỉ khi gặp khách "cứng cựa", họ mới để cho đi qua). Hỏi thì họ bảo vé đó là vào xem biểu diễn ca múa và hướng dẫn viên thuyết minh. Sao họ được quyền chặn đường bắt khách mua vé khi khách không cần đến dịch vụ của họ?

Trạm bán vé của chính quyền ở cổng vào
 bản Tả Phìn. Ảnh chụp ngày 22-6-2017

Trạm bán vé của tư nhân ở lối rẽ vào bản Cát Cát.
Ảnh chụp ngày 21-6-2017

Trạm bán vé của tư nhân ở đầu đường vào bản Cát cát.
Ảnh chụp ngày 21-6-2017

Nhiều tấm bảng nơi công cộng nhắc nhở du khách "Không cho trẻ em tiền". Tôi hiểu thiện ý của nhà chức trách địa phương muốn "bảo vệ" du khách tránh phiền toái với những đứa trẻ đeo bám bán hàng (cũng có khi xin tiền) nhưng thật sự bất bình với thái độ của người ra lệnh viết và treo những tấm bảng đó. Nó cho thấy họ vô trách nhiệm với trẻ em trong khu vực mình quản lý. Thậm chí, khi hỏi chuyện, có người ở địa phương còn cho rằng chuyện "trẻ xin tiền" là do lỗi của du khách... "làm hư" bọn trẻ!

Bé Lù Thị Chư và mẹ là chị Sùng Thị Ly




Vậy tại sao, chúng tôi đi chụp ảnh nhiều nơi ở Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu... trẻ em những nơi đó không xin tiền, xin kẹo bánh mà chúng rất hồn nhiên, vui vẻ để chúng tôi chụp ảnh? Trẻ em những nơi đó cũng nghèo khổ chứ không phải khá giả gì hơn những đứa trẻ ở Sapa. Đêm thứ hai ở Sapa, chúng tôi vào nghỉ lại tại nhà ông Lù A Chúng, bản Cát Cát, sáng hôm sau thức dậy, cả nhà ngồi bên bếp lửa uống trà trò chuyện, ăn bánh gạo (loại bánh như bích quy đem ăn vặt dọc đường). Tôi phải nhờ chị chủ nhà hai lần nhắc, đứa con gái anh ấy mới cầm bánh ăn với chúng tôi (có vẻ rất thích thú). Ngay ở Sapa, không phải đứa trẻ nào cũng bám theo du khách để bán hàng hay xin tiền. Đối với số trẻ không may phải lao động sớm đó, chính quyền (và các tổ chức hội đoàn) địa phương nên giúp đỡ chúng chứ không nên tạo ra những rào chắn vô cảm như vậy. Xin đừng coi bọn trẻ đó như "đối tượng" gây phiền phức cho xã hội mà lẽ ra xã hội phải có trách nhiệm với trẻ em như các câu khẩu hiệu mà quý vị quan chức ngành văn hóa, đoàn Thanh Niên, hội Phụ Nữ chắc luôn thuộc lòng.

Vào thăm bản Tả Van, một đoạn đường cụt. Muốn quay đầu xe thì thấy ngay tấm bảng giá. Thực tình, chúng tôi có cảm giác như mình đang ở một vùng lãnh thổ xa lạ nào đó do "sơn lâm thảo khấu" cai quản hơn là đang tham quan vùng Tây Bắc nước mình.
















Thay lời kết

Trên đây là vài cảm nhận khi chúng tôi trở lại Sapa vào tháng 6/2017. Bây giờ xin đưa ra một hình ảnh chụp từ trước cửa nhà thờ đá (vị trí khá cao giữa trung tâm thị trấn), cho thấy một cao ốc lớn đang xây dựng.


Hiện nay, ngôi nhà thờ đá đã bị "chìm" giữa "rừng" bê tông; Phải chăng có thể dự báo là không bao lâu nữa, đứng giữa trung tâm Sapa du khách sẽ không nhìn thấy... núi!
Và du khách đến Sapa chỉ thấy "MỘT GÓC HÀ NỘI" hay đô thị nào đó ở Việt Nam với kiến trúc lai tạp, hoàn toàn không mang sắc màu văn hóa Tây Bắc Việt Nam.

Rời Sapa để sang Lai Châu, chúng tôi thấy nhẹ người và thầm nhủ: "Giã biệt Sapa và sẽ không trở lại"!

________________________________________________________________________

(*) Chợ tình Khau Vai (còn gọi là chợ Phong Lưu) có từ gần 100 năm nay (Có người nói là từ năm 1919). Chợ nằm ở xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Chợ tình chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng Ba âm lịch.