- Mai Lĩnh
Khoảng 5 năm trước, sau 46 năm bặt tin, lần đầu tiên
tôi biết cô Hảo và cô Ngọc Lan đang định cư ở nước ngoài, về thăm thân nhân và
có cuộc gặp mặt thân tình với các đồng nghiệp và học trò cũ thời hai cô dạy tại
trường Nguyễn Hoàng (Quảng Trị) xa xưa ở Sài Gòn. Hôm ấy,
tôi đang ở Nha Trang, gọi vào hỏi thì biết cô chuẩn bị trở sang Hoa Kỳ. Tiếc quá,
đành nghĩ: Biết tin cô bình an, mạnh khỏe thế là mừng và luôn thầm mong có cơ hội
được gặp lại cô giáo cũ. Hai năm sau đó, tôi đã gặp được cô Bùi Thị Ngọc Lan.
Thế
rồi, sáng ngày 06 tháng 6 vừa qua, tôi có được một buổi hội ngộ tràn ngập hạnh
phúc bất ngờ. Ngoài cô Hảo, tôi còn gặp được cô Thanh Long và thầy Nguyễn Dạ Thảo
cùng các thầy cô khác từng dạy học ở Nguyễn Hoàng.
Từ trái qua: Thầy Thăng, thầy Bảo, thầy Thảo, thầy Quật, thầy Chức, cô Hảo (ôm hoa), cô Táo, cô Thanh, cô Thủy, cô Long, cô Hồng |
Tôi
học cô Thanh Long năm lớp Nhì (nay là lớp Bốn) ở trường Nam tiểu học Quảng Trị,
điểm trường cạnh cửa hữu thành Đinh Công Tráng. Cô Thanh Long là "cô
giáo" duy nhất của tôi trong 5 năm bậc tiểu học. Thời ấy chưa có ai hô khẩu
hiệu "Cô giáo như mẹ hiền"
như thời nay, nhưng lạ lắm, hình ảnh và vị trí của cô giáo trong tâm trí, tình
cảm học sinh tiểu học thuở ấy rất thiêng liêng; dù lúc đó tôi cũng đã biết cô
còn ít tuổi hơn người chị Cả của tôi. Chị tôi, lúc còn ở Hà Nội là nữ sinh trường
Trưng Vương, gia đình di cư vào ở Đông Hà, một mình chị vào Huế ở trọ, theo học
ở trường Đồng Khánh một thời gian rồi phải nghỉ về dạy tiểu học ở trường Đại
Hào, lúc ấy thân phụ cô Long làm hiệu trưởng, do vậy, chị tôi cũng quen biết cô
Kim Quy và cô Thanh Long.
Có
lần tôi theo chị đến thăm nhà thầy hiệu trưởng, ở trong con hẻm nối đường Trần
Cao Vân với đường Quang Trung. Đến nơi, tôi mới biết đó là nhà cô giáo đang dạy
mình. Thế là thằng nhóc "nhũn như con chi chi", tôi vừa có cảm giác
hãnh diện, vui sướng và vừa... sợ. Tôi sợ gặp cô giáo ở bất kỳ đâu ngoài lớp học.
Nhưng may là hình như không ai để ý đến bộ dạng ngây ngô, mất vía của tôi lúc
đó!
Lại
có lần, một thằng trong xóm cười cười rất dễ ghét và nói với tôi trước mặt mấy
đứa khác: "Tau biết tên cô mi rồi nghe!". Một cảm giác ấm ức khó tả,
coi đó là một sự "xúc phạm" ghê gớm nhưng tôi chỉ đỏ mặt, cố che giấu
cảm xúc dù muốn thụi cho nó một đấm nhưng... không dám vì nó to cao, khỏe hơn
tôi nhiều. Cũng may là nó không nói gì thêm. Thời ấy, đối với bọn trẻ con chúng
tôi, tên cha mẹ và thầy cô giáo như "điều kỵ húy", không ai được nhắc
đến với sự thiếu tôn trọng.
Với
thầy Dạ Thảo, tôi có những kỷ niệm khác khi sinh hoạt ở tổ chức Hồng Thập Tự Quảng
Trị. Nhưng nhớ đậm nhất là những lần uống cà phê với thầy Thảo và thầy Phan Phụng
Thạch.
"Cô đã dạy em biết yêu tiếng Việt"
Người
thầy đầu tiên của đời tôi chính là mẹ tôi - một phụ nữ nông thôn không hề biết
đọc, viết chữ nào - đã dạy tôi biết nghe, biết nói tiếng Việt và qua lời hát ru,
những câu chuyện kể hay ca dao, tục ngữ đã dạy cho tôi những bài học đầu tiên về cuộc sống. Về sau tôi còn được học
nhiều hơn từ bà mà có những điều sách vở cũng không có được.
Các thầy cô giáo bậc tiểu học dạy dỗ, rèn luyện cho
tôi chính tả và ngữ pháp để không chỉ biết nói, biết viết chữ mà còn hiểu đúng từ
vựng tiếng Việt, những điều mà suốt đời tôi đã nhờ đó mà làm được nhiều việc hữu
ích.
Cô giáo Mai Thị Hảo |
Ở trung học đệ nhất cấp, như mọi học sinh khác, tôi bắt
đầu hành trình khám phá nét đẹp, nét vi diệu của ngôn
ngữ Việt. Một trong những nội dung hấp dẫn học sinh lớp đệ Lục (nay là lớp Bảy)
là các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Cô Mai Thị Hảo dạy môn Việt Văn, đồng thời
là giáo sư hướng dẫn (nay gọi là chủ nhiệm) lớp Đệ Lục 3, tôi là lớp trưởng. Cô
đối với học trò như mẹ với con và giảng bài bằng những ví dụ gần gũi, dễ hiểu.
Tôi
còn nhớ một bài giảng văn có tựa là "Một người sung sướng", trích
trong truyện "Cái Ấm Đất" của Khái Hưng. Sau khi phân tích nội dung
trích đoạn nói về một nhân vật lao động nghèo vẫn ung dung, cảm thấy vui với lối
sống giản dị, lạc quan, cô nói: "Các
em có biết ông thợ sửa giày ở lề đường, góc Phan Đình Phùng với Phan Bội Châu, bên hông tiệm Đồng Dụng
không? Đó cũng là một người nghèo nhưng sung sướng như nhân vật trong truyện
này". Ví dụ cụ thể, trực quan của cô đã giúp tôi hiểu ra giá trị văn
chương là ở nội dung chuyển tải và thông điệp của tác giả, những ý nghĩa sâu sắc
được thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị chứ không phải ở những câu chữ hoa mỹ, êm
tai mà rỗng tuếch. Giá lúc đó, cô đem câu "biết đủ là đủ" ra mà
"tán" thì đám học trò đệ Lục sẽ ù tai với triết lý đó rồi trở thành
những "ông cụ non", sau này viết gì cũng cố tìm lời cổ nhân (hoặc
danh nhân) mà trích dẫn cho kêu, cho ra vẻ ta dây đọc nhiều, biết rộng!
Cũng
từ câu chuyện anh Ba bán nước chè của Khái Hưng và ông thợ sửa giày ngoài lề đường
qua bài giảng của cô Hảo, tôi bắt đầu hình thành thói quen "quan sát -
phân tích - tổng hợp" mọi chuyện chung quanh mình, về sau trở thành một kỹ
năng rất cần thiết cho nghề nghiệp và cuộc sống của mình.
Còn
nhiều chuyện lắm nếu nhắc đến những điều tôi học được từ cô Hảo. Lúc ấy, không
biết cô bao nhiêu tuổi, nhưng tôi nhìn cô như một người mẹ (có nghĩa là đã
"già"), nhưng hôm nay gặp lại cô giáo, học trò mới biết cô chỉ "già"
hơn mình 14 tuổi và lại còn thấy cô còn rất ... "trẻ". Ở tuổi 82, cô
có trí nhớ rất tốt. Khi cô Võ Thị Hồng từ Huế ra dạy ở trường Nguyễn Hoàng thì
cô Hảo đã chuyển đi trước đó. Cách đây 5 năm, cô Hảo mới gặp cô Hồng lần đầu
tiên, lần này về cô vẫn nhớ rõ.
Sống
xa quê hương, mỗi lần về thăm quê thì nhiều việc phải lo nhưng lần nào cô cũng
tha thiết mong gặp các đồng nghiệp từng dạy ở trường Nguyễn Hoàng và học trò
cũ, càng đông càng vui; đó chính là biểu hiện tích cực của một người có "sức
khỏe và tinh thần lạc quan". Tôi muốn nói đến sự..."trẻ trung" như
thế!
Ngày
đầu tháng 6 vừa qua, gặp lại cô Hảo sau 51 năm xa cách. Những mảnh ký ức rời rạc
nhưng đầy cảm xúc trào dâng, tôi đã xin phép ban tổ chức buổi gặp gỡ đặc biệt
này để bộc bạch đôi lời với cô giáo cũ và tôi đã có được niềm hạnh phúc nhẹ
nhàng khi đã nói được với cô rằng "Cô đã dạy em biết yêu tiếng Việt".
Thế là mãn nguyện!
Hôm
đó, tôi chỉ chắp nối những suy nghĩ về cô Hảo trong suốt nửa thế kỷ mỗi khi nhớ
đến cô mà không biết cô đang sống ở đâu? Hôm nay, sau một tháng lao vào những
việc khác, tôi ngồi lại viết ra những dòng này với tâm nguyện kính chúc thầy cô
và các em có một cuộc sống nhẹ nhàng, hạnh phúc.
Hôm
đó, tôi đã chuẩn bị món quà tặng cô tập sách ảnh "Quảng Trị đi nhớ về
thương", trao tận tay cô khi cô mới bước vào phòng - không có ai giới thiệu
hay chụp hình lưu niệm - thậm chí có thể lúc ấy cô chưa kịp nhớ ra đứa học trò
cũ nay đã tóc trắng một màu là ai?! Ở nơi xa, mong cô xem ảnh để nhớ về Quảng
Trị, mảnh đất nghèo khổ nhưng chan chứa tình người.
_______________________________________________________
Mời đọc thêm: