Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Những cung đường cưỡi mây lên ... trời

  • Mai Lĩnh
Chút nắng xuyên mây xuống thung lũng phía Lai Châu. Nhìn từ đèo Ô Quy Hồ.
Trước khi đặt chân lên vùng Việt Bắc và Tây Bắc, tôi đã nghe nhiều người ca ngợi cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ trên đoạn đường đèo Mã Pí Lèng, nối liền hai huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc, thuộc tỉnh Hà Giang. Nghe nói vậy thì cũng tò mò, vì đường đèo miền Trung tôi đã có dịp đi khá nhiều, kể cả ngồi ô tô và chạy xe gắn máy nhiều lần trong điều kiện thời tiết rất xấu nhưng chưa bao giờ... ngán!

Dốc Chín Khoanh
Nếu nói theo cách của người miền Trung - dải đất hẹp chạy dọc hướng Bắc Nam, một bên là biển, một bên là núi, có nhiều nơi núi cắt ngang chạy ra sát biển - thì lên khỏi vùng Đồng bằng Bắc bộ (châu thổ sông Hồng), từ các tỉnh trung du đi lên biên giới phía bắc, đường bộ toàn là đường đèo quanh co, hiểm trở. Nhưng đối với người ở vùng cao nguyên Tây Bắc và Đông Bắc, chỉ có bốn đoạn đường xứng danh gọi là đèo: Đèo Ô Quy Hồ, đèo Mã Pí Lèng, đèo Khau Phạ và đèo Pha Đin (dài 32 km nằm trên QL.6 nối Sơn La với Điện Biên).

Hồ chứa nước trên dốc Cốc Mạ, phía nam xã Tráng Kìm,
 người dịa phương gọi là "Hồ treo"
Xa xa là đỉnh Fansipan, nhìn từ bản Tả Van, Sapa.
Mạn bắc dốc Bắc Xum.
Fansipan nhìn từ thị trấn Sapa.
Sapa - Mây len vào vùng núi, đường đi mờ mịt.
Lên đỉnh Fansipan bằng cáp treo đung đưa trong mây gió.

Còn lại là vô số... những đoạn đường chỉ gọi là "dốc" nhưng cũng quanh co, hiểm trở giữa núi rừng mà dân các tỉnh phía Nam ra đây vẫn gọi chúng là "đèo". Những con dốc đó, đi tới đâu tôi đều hỏi tên và ghi sổ tay nhưng về nhà xem lại ảnh chụp thì không thể nhớ nổi chỗ nào là đâu. Khi đi thì không sao nhưng về nhà, giở sổ tay và bản đồ ra xem lại bị... chóng mặt vì nhiều quá, rối tung cả lên!

Trong chuyến đi 8 ngày vượt gần 2.000 cây số vào giữa tháng 6-2017, có thể nói là tôi đã được thỏa thích nhìn ngắm vùng cao nguyên chập chùng núi đá qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu... Vượt qua ba con đèo nổi tiếng là Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ và Khau Phạ.


Vượt Mã Pí Lèng : Coi chừng, "qua đèo gió bay"!



Đoạn đường dài 21 km trên QL.4C nối huyện Đồng Văn và huyện Mù Cang Chải băng qua núi Mã Pí Lèng là cung đường "lâng lâng" bay bổng và hồi hộp nhất đối với lữ khách hôm nay cũng là đoạn đường gian nan, cam khổ nhất của những người làm đường ngày xưa. Đó là đoạn khắc nghiệt nhất trên "Con Đường Hạnh Phúc" được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.

Tên gọi Mã Pí Lèng, có người cho rằng gọi theo tiếng Quan Thoại chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo người H' Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là "sống mũi con mèo".


Không phải lúc nào đi trên đèo Mã Pí Lèng bạn cũng nhìn thấy những mỏm núi nhọn hoắt này dù nó... chẳng đi đâu,
chỉ vì mây trắng xóa hạn chế hết tầm nhìn!

Mây giăng khắp nơi và liên tục di chuyển.
Sông Nho Quế nhìn từ đỉnh đèo chỉ như con mương nhỏ.

Đường đèo hun hút, lưng chừng núi, những xóm nhà lèo tèo vài ba nóc.

Dòng sông len giữa vách núi cao

Chẳng biết họ dùng nguồn nước nào cho sinh hoạt, cũng không thấy đường
mòn lên đèo.

Trên nóc mỏm đá dựng đứng cao ngất vẫn có ruộng bậc thang!!?

Một đoạn sông được chụp bằng zoom 85-200 hết cỡ.

Mây mù vẫn thấy sắc màu vách đá bên kia đèo.



































Đỉnh Mã Pí Lèng thuộc địa phận huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trong cao nguyên đá Đồng Văn, có độ cao khoảng 1.200m so với mặt nước biển. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái sang Điền Bồng, Trung Quốc. Đi trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống vực sâu, sông Nho Quế chỉ bé như một sợi chỉ.

Các tài liệu địa chất thi nhận việc địa hình vùng núi non này được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt do các cơn địa chấn tạo núi gây ra. Người ta đã phát hiện ra trong những hang động có những hiện vật hóa thạch vốn là loài giáp xác từ đại dương; từ đó có người cho rằng vùng núi cao này từng là đáy biển và những đỉnh núi từng giống như các đảo của vịnh Hạ Long ngày nay.

Nghe thì biết vậy, tôi không hiểu biết về ngành khảo cổ địa chất đủ để tin hay không tin những thông tin này. Chỉ biết, trước cảnh quan thiên nhiên vùng cao nguyên đá này, những cảm giác về sự kỳ vỹ, tuyệt vời của thiên nhiên mà thấy con người nhỏ bé biết bao. Khác hẳn với những lần ngang dọc trên những con đèo ở Tây nguyên và dọc duyên hải miền Trung với tâm trạng phơi phới giữa trời mây non nước, tôi nhìn về xa xa phía bắc mà cảm nhận mơ hồ về sự khó khăn, gian khổ và cả những hy sinh lớn lao của những người gìn giữ, bảo vệ biên cương tổ quốc với lòng thương cảm và biết ơn.

Phải nói thật là tôi không có cảm giác hồi hộp với những khúc quanh và độ cao của đường đèo, có lẽ do ngồi trong chiếc ô tô kín bưng nhưng khi bước ra khỏi xe để chụp ảnh mới thấy choáng ngợp vì cảnh quan hùng vỹ của quang cảnh trùng trùng núi đá đỉnh nhọn và cái lạnh nhè nhẹ của gió liên tục đưa những đám mây mù lướt qua.

Cảnh biển và đồng bằng ngắm từ các đỉnh đèo miền Trung thường ít "biến đổi" nhưng ở đây, dù núi non vẫn đứng yên nhưng mây trời di chuyển không ngừng. Mây bay ngang, ta như bị "gói" lại trong hơi nước mù mịt, thoắt lại quang đãng, trong xanh và có thể xuất hiện những mảng nắng chiếu rọi rực rỡ vách, lung linh. Tất cả thoắt ẩn, thoắt hiện như trêu ngươi, thử thách người chụp ảnh. Vì không đem theo chân máy (tripod) nên tôi phải tựa máy (hoặc tựa cả người) vào các lan can đường đèo để chụp. Mọi thao tác rất khó khăn vì gió thổi mạnh, nhất là khi dùng telezoom để chụp cảnh xa.

Lúc ấy, tôi đã nghĩ là sang năm phải quay lại Đồng Văn thuê xe máy vượt Mã Pí Lèng vào thời điểm thời tiết thuận lợi hơn. Cảnh quá đẹp, quá hấp dẫn nhưng không thuận lợi mà trong chiều hôm đó tôi lại phải sang Mèo Vạc rồi quay về Yên Minh theo chương trình đã vạch sẵn.


Ô Quy Hồ : Xuống mãi vẫn chưa hết đèo!


Đèo Ô Quy Hồ


 Đó là cảm giác nôn nóng vào buổi sáng 22/6, tôi rời Sapa đi Lai Châu theo tuyến quốc lộ 4D, sau khi dừng xe chụp ảnh tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ (gần ranh giới giữa hai tỉnh). Đèo này còn có tên khác là "đèo Trạm Tôn", là tên của một trạm Kiểm lâm (một trong những điểm nghỉ chân ở độ cao 1.940m, giữa tuyến leo núi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng trước khi có hệ thống cáp treo đi từ Sapa).

Trước đây những người chinh phục đỉnh Fansipan
thường dừng chân ở trạm Tôn, chỗ khúc quanh trong ảnh 
Tên đèo Ô Quý Hồ được gọi theo tên một bản (làng người dân tộc) nằm cạnh quốc lộ 4D, ở rìa phía tây thị trấn Sa Pa. Ngoài ra, tên gọi đèo Hoàng Liên, hay đèo Hoàng Liên Sơn (do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn), hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Người địa phương gọi đỉnh đèo này là "Cổng Trời".

Có người cho rằng vì ở vùng núi này, xưa kia có một loài chim thường cất tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình bi thảm của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo ở độ cao gần 2.000m này.

Đường đèo dài ngoằn nghoèo, trong đó 2/3 thuộc địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu), phần còn lại nằm trên đất thuộc Sa Pa (Lào Cai). Đây có lẽ là đường đèo dài nhất vùng núi Tây Bắc Việt Nam (gần 50 km). Mặt đường đèo này có nhiều đoạn đang sửa chữa, cảnh trí thiên nhiên không so được với đèo Mã Pí Lèng nhưng cũng ngoạn mục, hơn hẳn những con đèo từ Quảng Ngãi trở vào phía nam.

Qua "sừng trời" Khau Phạ.

Không dài bằng Ô Quy Hồ, nhưng Khau Phạ là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến QL.32 nối Lai Châu với Yên Bái, có độ dài hơn 30km, nằm giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đèo này đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có...

Do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh núi như nhô lên trên biển mây, trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là "Sừng Trời" (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), hay đôi khi còn được hiểu là Cổng Trời.
Gió từ thung lũng lùa mây về phía sườn đèo và bay lên cao. Một cảnh rất ngoạn mục trên đèo Khau Phạ.
Từ đường đèo nhìn xuống thung lũng, cảnh trí rất nên thơ
 Đường đèo quanh co và dốc đứng vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải, thường xuyên mịt mù mây phủ và có năm trời quá lạnh, băng tuyết phủ kín trên đỉnh đèo (độ cao 1.500m so với mặt nước biển), tương đương với Đà Lạt nhưng khía hậu khác hẳn. Hôm ấy trời nắng tốt, gió xoáy quanh thung lũng đưa những cụm mây vào vách núi bay bổng lên trông rất đẹp.

Điểm bay dù lượn Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.
Ở một khúc cua, người ta đã làm một điểm dừng chân cho lữ khách, cũng là nơi tổ chức môn thể thao "dù lượn" bay xuống thung lũng. Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, khoảng tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng. Người H'Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại kéo nhau tới Khau Phạ để khấn Giàng (Ông Trời).

Ở vùng núi đá lởm chởm, ngày xưa mọi giao thông, liên lạc vô cùng khó khăn, trắc trở, phương tiện di chuyển tốt nhất là ngựa, cách phổ biến là cuốc bộ; giao thương, thăm viếng nhau xem ra gian nan lắm, nhưng người dân cao nguyên phía Bắc lại có vẻ dế dàng lên... thăm "Ông Trời". Mỗi tỉnh có vài cái "Cổng Trời"; cứ lên đỉnh đèo là có Cổng Trời. Chẳng bù ở khắp miền Trung và Tây nguyên chỉ có một Cổng Trời (Mang Yang, theo tiếng Jrai) trên QL.19 nối Bình Định với Gia Lai.

Ngày nay, ngựa không còn "phục vụ" ngành giao thông vùng Việt Bắc, Tây Bắc như xưa. Thay vào đó, xe khách chạy như mắc cửi. Từ Hà Nội, bến xe Mỹ Đình tấp nập ngày đêm những chuyến xe giường năm hiện đại đưa khách lên Đồng Văn (Hà Giang), Sapa (Lào Cai) và các tỉnh lân cận. Xe từ tỉnh lị đi các huyện cũng nhiều. Đường quốc lộ, tỉnh lộ... nhìn chung đều rất tốt. Du khách "Tây ba lô" đi xe khách lên vùng cao rồi thuê xe máy, chạy từng nhóm nườm nượp trên các cung đường hẻo lánh; đi đâu cũng gặp họ.