1. ĐÀO THỊ HÀN NA




Đời nhà Trần, dưới triều Trần Dụ Tông (1341-1369), có một danh kỹ ở phủ Từ Sơn, họ Đào , rất nhan sắc, hát hay lại có tài văn chương, nên thân phận tuy thấp mà thanh giá tuyệt cao. Khách tài tuấn phong lưu đều kính phục. Tiếng bay thấu cung vua. Niên hiệu Thiệu Phong thứ 5 (1346) nàng được tuyển vào cung, ngày ngày chầu bên mình ngự.
Mùa thu năm Bính Tuất, thuyền rồng đang chơi trên sông Nhị Hà, đến bến Đông Bộ Đầu thì trời vừa chiều. Nhà vua cao hứng ngâm:
Vụ ế chung thanh tiểu
Sa bình thọ ảnh trường
Nghĩa là:
Mù che nhỏ tiếng chuồng rền
Bóng cây tha thướt in lên cát bằng.
Các quan theo chầu chưa ai nối kịp. Đào thị tiếp ngay:
Hàn na ngư hấp nguyệt
Cổ lũy nhạn minh sương
Nghĩa là:
Cá nằm bến lạnh đớp trăng
Lũy xưa tiếng nhạn nhọc nhằn kêu sương.
Nhà vua khen tài, lấy hai chữ Hàn Na trong câu thơ ban làm hiệu. Từ ấy mệnh danh là Đào Thị Hàn Na, (1)
Vua Trần Dụ Tông thăng hà, Đào Thi lui về nương náu nơi Đô Hạ. Viên hành khiển là Ngụy Nhược Chơn, mến tài thường lui tới. Người vợ ghen làm nhục. Đào căm hờn thuê người đến thích khách. Chẳng may việc không thành, nàng sợ phải tội, trốn lên chùa Phật Tích Sơn xuống tóc đầu Phật. Nhưng vì văn chương mà bị lụy phải bỏ trốn.
Nghe đồn tỉnh Hải Dương có chùa Lệ Kỳ non cao nước trong, nàng bèn tìm đến xin ở. Hòa thượng trụ trì là Pháp Vân không dung nạp, kêu đệ tử là Vô Di lên dặn:
Người thiếu phụ ấy còn nặng trần duyên, lại có sắc đẹp. Chỉn e lòng thiền chẳng bằng đá, chưa dễ mà không lay. Vả chăng cánh sen đó dù không lấm bùn đen, song một thước sa mù cũng đủ che mặt trăng sáng. Con khá nên từ nó đi.
Vô Di không nghe, Pháp Vân dời lên núi Phụng Hoàng ở.
Vô Di vốn là một tay hay chữ, vì đường khoa danh lận đận nên đến nương náu cửa Không. Cho nên tài tử gặp giai nhân, lửa hương dễ bén. Việc tu hành không còn nghĩ đến, ngày ngày đem nhau lên núi ngắm cảnh ngâm thơ. Thơ được truyền tụng nhiều. Xin trích dẫn đôi luật:
SƠN VÂN
Diêu đế nùng hoàn đạm
Thiên niên thấp vị hy
Hiển tùy sơ vũ khứ
Mộ đới lạc hà quy.
Ải đãi nhân phong quyển
Du dương đáo xứ phi
Tăng dung đồng diệc lãn
Thùy vị yểm nham phi.
Nghĩa là:
Chân trời phơi đậm lợt
Ngắm vợi ướt chưa se
Sớm dựa mưa sưa tếch
Chiều nương ráng sáng về
Diuh dàng lưng uốn gió
Phơi phới cảnh tìm quê
Tăng nhác đồng thêm nhác
Ai đóng cửa bồ đề?

SƠN VÕ
Nhất vũ sơn nham minh
Tiêu tiêu tác ý minh
Châu cơ đôi địa sắc
Tinh đẩu lạc thiên thanh
Lựu đoạt toàn lưu cấp
Lương hồi khách mộng thanh
Sơn phòng vô cá sự
Nhập dạ kỷ tàn canh.

MƯA NÚI
Giọt tuôn ngàn đỉnh tối
Ào ào dục ý sanh
Đất trải màu châu ngọc
Trời gieo tiếng đẩu tinh
Vội vàng khe cướp suối
Mát mẻ mộng lơi tình
Sơn phòng thư thả quá
Theo đêm canh rồi canh.
Còn nào Gió Núi, Trăng Núi, Chùa Núi, Vượn Núi, Chim Núi, Hoa Núi, Đứa bé sanh Trưởng Trong Núi, Lá Trong Núi vân vân… Phàm những cảnh vật trong núi cái gì có thể ngâm vịnh được đều lọt vào mắt, ra nơi bút của hai người.
Đến năm Kỷ Sửu (1349), Đào Thị có thai rồi bị ốm, cả ngày hết buồn lại giận, thuốc thang vẫn như không. Một đêm gió lạnh mưa dầm, nàng nghiến răng đập giường mà kêu khóc:
Thù xưa chưa trả, nhắm mắt sao yên hỡi trời?
Rồi uất lên mà chết!
Vô Di muôn phần thương xót đem di hài quàn nơi mái hiên phía tây chùa, mai chiều vỗ hòm mà khóc:
- Em ngậm oan mà thác, lòng ta rất thương đau. Cõi âm có thiêng hãy sớm đem nhau theo với.
Được vài tháng sau, Vô Di thọ bệnh mà mất.
Khách phong tao thương tình lo việc chôn cất. Sau ngôi chùa Lệ Kỳ hai ngôi mộ nằm song song (2)

(1)    Có sách chép là Hàn Than
(2)    Câu chuyện Đào Thị được Nguyễn Dữ đời Lê viết thành một chuyện quái đản.