10. HỒ XUÂN HƯƠNG



Trong các nữ sĩ bất tử từ xưa đến nay, người được đại đa số nhân dân Việt Nam biết tiếng và thuộc thơ nhiều nhất, có lẽ là bà Hồ Xuân Hương.
Nhưng cuộc đời của bà cũng như một số thơ của bà chưa được minh xác. Các nhà khảo cổ đưa ra nhiều nghi vấn còn cần tìm bằng chứng đầy đủ mới có thể giải quyết.
Bà sanh dưới thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) và sống cho đến thời Gia Long triều Nguyễn (1802-1820).

Ông thân sinh là Hồ Phi Diễn ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bỏ quê ra dạy học ở vùng Hải Dương và lấy người họ Hà sanh ra Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương biết làm thơ từ lúc nhỏ.
Một hôm trời mưa vừa xửng, Xuân Hương đi ngang qua sân trường cha dạy học, chẳng may đất trơn bị trợt té nằm dài. Học trò vỗ tay cười, nàng chữa thẹn ngâm:
Giơ tay vói thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
Lại một hôm khác đi chợ gặp một thiếu nữ cầm một trăm vàng hoa, nàng thách mấy thư sinh đang bàn chuyện thi phú nơi tửu quán thử vịnh “cô gái cầm trăm vàng hoa”. Mấy người kia xin chịu. Nàng ứng khẩu:
Xuân xanh tuổi độ chừng hai tám
Nén đỏ tay cầm độ chín mươi (1)
Lớn lên nàng kết duyên cùng một danh sĩ ngồi tri phủ Vĩnh Tường. Nhưng chỉ được 27 tháng ăn ở cùng nhau thì quan phủ mất, để lại một đứa con sơ sinh. Quan phủ tuổi chưa đầy 30. Bà khóc:
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi
Chưa chẳn ba mươi cũng một đời (2)
Chôn chặc văn chương ba thước đất
Ném tung hồ thỉ bốn phương trời (3)
Nắm xương dưới vàn chau mày khóc
Hòn máu trên tay mỉm miệng cười (4)
Hăm bảy tháng tròn là mấy chốc (5)
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi.

Ông phủ mất, cha mẹ bà cũng nối tiếp nhau qua đời. Bà phải chịu nhiều nỗi truân chuyên. Bà bị ép buộc làm lẽ một viên chánh tổng có quyền thế, tục gọi là chánh tổng Cóc. Ở ngoài đời chịu nhiều đau khổ, vào nhà người chịu lắm nhục nhằn. Lòng bà sanh uất hận. Bà có bài thơ Kiếp Lấy Chồng Chung:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa nên chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn mướn không công (6)
Thân này sớm biết phần này thế (7)
Thà nỗi cầu hư nước đóng rong (8)
Tổng Cóc chết bà có thơ điếu:
Chàng Tổng Cóc chàng Tổng Cóc ơi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi đà bỏ nước
Ngàn vàng khôn chuộc giống bôi vôi (9)
Lòng uất hận đã phát tiết ra ngoài văn chương.

Thoát khỏi nạn “chồng chung”, bà đến Tây Hồ mở quán bán rượu, lấy tên là Cổ Nguyệt. Khách thanh lẫn tục tới lui đông đúc. Một danh sĩ đương thời là Phạm Đình Hổ tục gọi là Chiêu Hổ thường cùng bà xướng họa. Chiêu Hổ nhân tên Cổ Nguyệt là chiết tự chữ Hồ gồm chữ Cổ và chữ Nguyệt có câu bỡn rằng:
Đã cổ sao còn đeo thói nguyệt
Có xuân sao lại vắng mùi hương.
Tuy là bỡn song ngụ ý chê bà Hồ có tài, có học mà thiếu đức. Bà phản ứng:
Bảng hổ trớ trêu phường mặt trắng
Lưỡi lằn xoi bói bạn quần hồng (10)
Ngụ ý chê ông Hổ học dốt nên thi không đậu, bạch diện thư sinh vẫn hoàn bạch diện thư sinh, thêm vô hạnh dùng lưỡi lằn miệng mối đi châm chọc hàng phụ nữ đã bị xã hội xem khinh .
Lại có người đọc rằng:
Bảng hổ chẳng treo phường bạch diện
Lưỡi lằn khéo chọc mảnh hồng nhan.
Văn chương chải chuốt, ý tứ kín đóa hơn câu kia, song đem quần mà đối mặt, quần đàn bà, mặt đàn ông, đối như vậy mới xứng với thói trọng nam khinh nữ, với hạng đàn ông không biết thương đàn bà thất thế cô đơn.

Những khách có chữ nghĩa, ngoài Chiêu Hổ còn nhiều người khác tới lui nơi quán bà như Tôn Phồn Thị, Sơn Phủ Chi Hiên... là những người có tư cách. Song những người này không đủ quyền đủ sức che chở bà. Còn hầu hết những người để ý đến bà lại là phường tâm địa không tốt. Không thõa mãn được ý muốn, họ tìm cách khuấy phá làm cho bà không thể sống yên. Vì thế mà lòng uất hận của bà mỗi ngày một tăng. Bà nhân thấy người đàn bà bị bọn đàn ông làm khổ nhục hay quí trọng bỡi “cái này”. Để đối phó, bà “dĩ độc trị độc”, dùng “cái này” làm khí giới giấu trong văn chương mỗi lần ra trận:

VỊNH QUẠT
I
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho anh yêu dấu chẳng rời tay
Mỏng dày mấy cũng chành ba góc
Rộng hẹp nài bao cắm một cây
Càng nóng bao nhiêu càng thấy mát
Yêu đêm chẳng phỉ lại yêu ngày
Hồng hồng má phấn duyên gì cậy
Chúa dấu vua yêu một cái này.

II
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự ngày xưa
Chành ra ba góc da còn thiếu
Xếp lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch đêm ngày đã chán chưa?

ĐÈO BA DỘI (11)
Một đèo một đèo lại một đèo
Thợ trời khéo tạc cảnh cheo leo
Đất đùn hang thỏ tùm lum nóc
Đá trải gan gà lún phún rêu (12)
Lắc lẻo cành thông cơn gió giật
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo.

Đến những bậc ngôi cao quyền cả, đến bậc đức sáng tài hoa còn chuộng còn ham, huống hồ đám dung thường trong xã hội. Đến những bậc anh hùng, bậc quân tử còn đội trên đầu che trước mặt, huống hồ những phường “lòi tói”, những bọn “ngẫn ngơ học làm thơ”, những kẻ “hể thấy để hớ hênh là dòm”.
Tuy dùng “cái này” làm vũ khí chiến đấu, song lời thơ của bà sắc bén chớ không tục tằn:

HANG CẮC CỚ
Trời đất sinh ra đá một chòm
Nức làm hai mảnh hỏm hòm hom
Kẻ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn
Luồn sóng thông xao vỗ phập phòm (13)
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm
Con đường vô ngạn tối om om
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc
Kéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.

ĐÁNH ĐU
Tám cột khen ai khéo khéo trồng
Người thời lên đánh kẻ ngồi trông
Trai co gối hạc khom khom cật
Gái uốn lưng ong nẩy nẩy lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không.

Lắm bài văn chương thanh lệ tao nhã:

VỊNH TRANH TỐ NỮ
Hỏi bao nhiêu tuổi hởi cô mình
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Trăm vẽ như in tờ giấy trắng (14)
Nghìn thu vẫn giữ nét xuân xanh
Biệu mai chẳng bén mùi trăng gió
Bồ liễu đành cam phận mỏng manh
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ
Trách người thợ vẽ khéo vô tình

TỰ TÌNH
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Mùi rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
Xuyên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây núi mấy hòn
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình xan xẻ tí con con.

Các nhà “đạo đức” chê thơ Hồ Xuân Hương là “dâm”, vì hay đề cập đến “cái này”, những “cái” có ít nhiều liên hệ đến “cái này”. Nhưng xét kỹ thơ bà không một bài nào khêu gợi những dục vọng kín đáo của con người, thơ bà không hề khêu gợi sự ham muốn vật chất của người đọc. Như thế sao gọi là “dâm”?
Thơ Hồ Xuân Hương là loại thơ độc đáo. Trước bà không có, sau bà dù đôi người bắt chước, song chỉ mô phỏng được chút lông cánh của phụng hoàng chứ không giữ được cốt cách của phụng hoàng.
Một vị tấn sĩ thời Hán học thịnh hành đã nói:
- Trong làng thơ quốc âm, Hồ Xuân Hương ngồi chiếu nhất. Chiếu nhì bỏ trống, chiếu ba bỏ trống. Đến chiếu thứ tư mới có Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến.
Tuy là ý kiến riêng của ông cụ, song cũng cho chúng ta thấy và tin giá trị thơ Hồ Xuân Hương.

Nhưng từ trước đến nay trên tao đàn Việt Nam, chỉ nghe nói đến thơ quốc âm của bà Hồ. Có người cho rằng bà ít học, chỉ có tài Nôm mà thôi.
Không đúng. Bởi nếu chỉ giỏi về Nôm thì danh bà làm gì nổi tận Trung hoa và bà cùng bà Phạm Lam Anh đã trở thành điển cố như chúng ta đã thấy:
- Nguyệt Đình Huệ Phố tài danh thạnh
Cánh thuyết thi viên hữu Phạm Hồ.
- Khởi duy tài điệu siêu Hồ Phạm
Ban Tạ ư kim hữu thế nhân. (15)

Về thơ quốc âm của Hồ Xuân Hương thì soạn giả Văn Đàn Bảo Giám đã sưu tập được trên dưới 50 luật. Mỗi người Việt Nam yêu thơ thuộc ít nhất cũng mươi bài.
Gần đây có phát hiện được tập Lưu Hương Ký gồm 24 bài thơ chữ Hán và 26 bài thơ chữ Nôm ghi là của bà Xuân Hương sáng tác nơi Cổ Nguyệt Đường (16) Tập này chưa được phổ biến. Chỉ mới thấy một bài đăng trên tạp chí Văn Nghệ xuất bản ở Hà Nội năm 1971 và ghi là của Hồ Xuân Hương gởi cho Nguyễn Du:
Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đó hỏi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm hẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút công đe đẳng
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng lồng.

Văn bài này đối với những bài “nghịch ngợm” truyền tụng lâu nay thật khác nhau như màu xanh và màu đỏ, mà đối với bài Khóc Chồng hay Tự Tình là những bài “đứng đắn” cũng không có hơi hướng gần nhau. Những bài kia tứ lạ mới, lời già dặn sắc bén, còn bài này cả từ lẫn ý đều ở mức bình thường. Không lẽ một cây mà sanh ra 2 giống trái cả hình dáng lẫn mùi vị đều không mãy may giống nhau.
Cho nên chưa dám tin bài “Gởi Cho Tiên Điền” là của bà Hồ.

Nói tóm lại: Chỉ mấy chục bài thơ được truyền tụng xưa nay cũng đủ cho văn giới quả quyết rằng Hồ Xuân Hương là một tài nữ, một nhà thơ độc đáo, vô tiền khoáng hậu của Việt Nam.
_____________________________________________________________________________

(1) Vàng hoa: là giấy mã xếp từng nén, các bà nội trợ mua về để cúng: kẻ khuất mặt”, tương tự như giấy vàng bạc, thường màu vàng hoa đỏ lá xanh
(2) Bài Khóc ông phủ Vĩnh Tường, nhiều  sách chép khác. Câu 2 chép là: “Duyên nợ phù sinh giũ sạch rồi”
(3) Câu bốn chép là: “Tung hê hồ thỉ bốn phương trời”
(4) Cặp luận chép là: “Đòn cân tạo hóa rơi đâu mất
                                    Miệng túi càn không khép lại thôi”
(5) Câu 7 chép là “Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc” và giảng là “để tang 27 tháng”. Đại tang chỉ 3 năm, 24 tháng. Nhưng con trai thường để tang cho cha hoặc cho mẹ mà cha đã qua đời rồi mới thêm ba tháng dư ai mà thôi. Vợ để tang cho chồng không có lệ dư ai. Huống nữa theo các sách thì bà Hồ lại là vợ bé. Mà câu “hăm bảy tháng tròn là mấy chốc” là câu nói về dĩ vãng chớ không phải về tương lai bởi tương lai đã tới đâu mà biết mau hay chậm.
(6) Bằng là bằng cấp, là giấy vi bằng, giấy giao kèo. Ca dao có câu:
Tối tối chị giữ mất buồng
Chị cho manh chiếu nằm suông nhà ngoài
Sáng sáng chị gọi “ớ hai,
Mau mau trở dậy thái khoai đâm bèo”
Đó là làm mướn không công.
(7)(8) Các sách chép:
“Thân này ví biết phần này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong”
Tầm thường quá, không phải bút pháp và khẩu khí bà Hồ. Câu:
“Thân này sớm biết phần này thế
Thà nỗi cầu hư nước đóng rong”
Mượn ý câu ca dao:
“Cầu hư liệu bắt cho xong
Để chi chờ đợi đóng rong cột cầu”.
Vừa mỉa mai vừa chua xót, mà lại kín đáo vững vàng.
Sửa cặp luận bài Khóc Chồng và câu kết bài chồng chung như trong các sách, là “điểm vàng thành thau”. Có người bảo các câu sách chép mới là nguyên tác. Lấy chi làm bằng chứng? Ai đã thấy di cảo của bà Hồ, di cảo tự tay bà Hồ viết?
(9) Bài này câu đầu nhiều sách chép:
“Ối chàng ôi! Ối chàng ôi
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi”
Trong bài không dùng tiếng Cóc mà đọc lên đều hiểu rằng là thơ điếu Tổng Cóc, vì có “bà con dòng họ cóc” ở trong các câu.
(10) Bảng hổ: Bảng ghi danh những người thi đậu, đem yết cho quốc dân biết. Cũng như bảng mai, bảng vàng.
(11) Có sách chép “Cửa son đỏ loét tùm lum nóc
                             Vách đá xanh rì lún phún rêu”
Lại có sách chép “Đất rồ mái giải xanh um cỏ
                             Đá chỏm gan gà mốc thếch rêu”
(12) Hang Cắc Cớ ở Sài Sơn tỉnh Sơn Tây, có chùa Thầy tức là chuà Phật Tích. Bên kia chùa ở lưng chừng núi có hang Cắc Cớ. Cửa hang khá rộng. Mới vào có một cái vực chắn ngay lấy cửa hang. Lách về phía bên trái có một con đường nhỏ dài chừng 500 thước nằm sát vách đá. Hang tối om, người vào ra phải lần từng bước cho khỏi ngã xuống vực. Mỗi lần tránh nhau phải ôm lấy nhau, bất kể già trẻ trai gái. Do đó mới mệnh danh là hang Cắc Cớ. Trong hang có nhiều thạch nhũ nhưng bóng tối che khuất hình dạng chỉ nghe tiếng lõm bõm của nước trong vú nhỏ xuống vực
(13) Có sách chép là; “Đôi lứa như in tờ giấy trắng
                                    Nghìn năm vẫn giữ nét xuân xanh”
(14) Xem bài viết về bà Phạm Lam Anh ở trước và bài về Diệu Liên Công Chúa ở sau

(15) Trong bộ Từ Điển Văn Học của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1983 - Quyển I có nói rõ.