11. BÀ HUYỆN THANH QUAN



Tên là Nguyễn Thị Hinh người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, cạnh Hồ Tây Hà Nội. Sanh và mất ngày nào không rõ. Cũng không sõ thân thế và hành trạng ra sao. Chỉ biết rằng chồng bà là Lưu Nguyên Ôn (1804-1847) từng làm tri huyện huyện Thanh Quan. Có lẽ bà kết duyên cùng ông Lưu trong khoảng thời gian này nên người ta mới quen gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan (1)

Bà nổi tiếng hay chữ.
Lúc trẻ đã có những câu thơ được truyền tụng như “Đối Dán Tết”:
Duyên với văn chương nên dán chữ
Nợ gì trời đất phải trồng nêu

Đề chén cổ vẽ sơn thủy của Trung hoa:
In như thảo mộc trời Nam lại
Đem cả sơn hà đất Bắc sang

Vua Minh Mạng nghe tiếng vời vào Kinh đô làm “Cung Trung giáo thọ (2)
Bà vào Kinh có một mình
Khi đi ngang qua Đèo Ngang, bà có bài tức cảnh:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân ngoãnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta (4)
Lẻ loi nơi lữ thứ, lòng nhớ nhà không dễ mà khuây. Để cho vơi được phần nào, bà đem gởi vào văn tự

ĐƯỜNG CHIỀU
I
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử ại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà ngỏ nỗi hàn ôn (5)

II
Vàng tỏa non tây bóng ác tà
Đầm đầm ngọn cỏ tuyết phun hoa
Ngàn mai lác đác chim về tổ
Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã (6)
Chài ngư tung gió bãi bình sa (7)
Đường đi mỗi bước lòng ngao ngán (8)
Hỡi bạn tình chung có thấu là? (7)

Thơ bà chắc chắn phải nhiều. Nhưng chỉ còn lưu thế không quá mươi bài. Ngoài ba bài dẫn ở trên, còn có:
- Thăng Long Thành Hoài Cổ
- Trấn Bắc Hoài Cổ
- Cảnh Chiều Thu
- Lên Đài Khán Xuân
Chỉ có bây nhiêu di sản, mà khắp Bắc Nam, hễ người nào biết chút đỉnh văn chương là biết tiếng bà Huyện, là thuộc thơ bà ít nhất cũng vài liên.
Bài thơ được phổ biến nhất là bài Qua Đèo Ngang Tức Cảnh.
Bài này khách yêu thơ không ai không thuộc, sách nói về thơ nào cũng trích dẫn. Khen cũng nhiều mà chê cũng nhiều. Khen là một bức tranh thủy mặc chỉ có vài nét chấm phá mà gồm đủ trời non nước, đủ cả cảnh vật người, lại nói lên nỗi lòng nhớ nhà thương nước. Lời khen đã ghi vào sách báo. Còn lời chê thì chì chỉ nằm ở bia miệng thế gian. Chê rằng:
+ Nói về đèo Ngang mà không có một nét nào nói lên điểm đặc sắc của đèo Ngang cả. Đèo nào lại không có cỏ có cây, có hoa, có lá. Đèo nào lại không có bóng người thấp thoáng, lại không có tiếng chim véo von, chỉ đổi hai tiếng đèo Ngang ra hai tiếng khác như đèo Cù Mông, đèo An Khê đèo Mang Yang… thì bài thơ vẫn không có gì thay đổi.
Tức là chê bài thơ không có gì đặc sắc.

+ Ý không đặc sắc mà lời cũng không tinh luyện:
Vài chú tiều, nói đảo lại là “tiều vài chú” nghe xuôi tai
Còn chợ thì có ai gọi là “Nhà chợ” mà đảo làm “chợ mấy nhà”. Có người cãi “Mấy” đây là “Với”, tác giả dùng để đối với Vài. Đó là cưỡng giải. Nếu quả tác giả có ý đó đi nữa thì giá trị câu thơ cũng không tăng vì “chơi chữ” trong thơ, đại gia văn chương cố tránh.
Cũng có thể tin được rằng chữ Mấy đã được dùng với nghĩa Với để đối cho chỉnh. Bởi cách chơi chữ đã thấy rõ trong cặp luận:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Vì có “thương nhà, nhớ nước” ở trên, nên xuống dưới con cuốc trở thành con “quốc quốc”, con đa đa trở thàng cái “gia gia”.
Chữ đã dùng gượng mà ý lại mượn của người xưa.
Tàu có những câu:
Đỗ vũ than đầu minh quốc quốc
Giá cô giang thượng khiếu gia gia

Dạ thính đỗ quyên minh quốc quốc
Nhật văn cô điểu hoán gia gia
Nghĩa là:
Cuốc cuốc đầu ghềnh kêu quốc quốc
Da da bờ nước gọi gia gia.

Cuốc kêu quốc quốc canh dài
Gia gia ngày những sụt sùi tiếng đa.

Và  Trần Danh Án ở nước ta có bài:
Giá cô tại Giang Nam
Đỗ vũ tại Kinh Bắc
Giá cô minh gia gia
Đỗ vũ minh quốc quốc
Vi cầm thương hữu quốc gia thanh
Đối thử cô thần tình vỏng cực
Nghĩa là:
Đa đa ở Giang Nam
Cuốc cuốc ở Kinh Bắc
Đa đa kêu gia gia
Cuốc cuốc kêu quốc quốc
Chim còn nhớ tiếng quốc gia
Tấm lòng thần tử biết là mấy mươi.
Như thế là cặp luận ý cũng như từ không có gì đáng tán thán.
Bên khen cũng quá mà bên chê cũng quá. Bài thơ không phải là tuyệt tác, nhưng cũng khả ái. Đây là một bài tức cảnh, trước mắt thấy gì nói nấy, nói cho vui vậy thôi chớ không cố ý làm văn. Còn mượn ý của cổ nhân là việc thường miễn ý đó hợp cảnh hợp tình là hay. Lý Bạch thường lấy thơ của Tạ Diếu, Đỗ Phủ thường mượn thơ của Dũ Tín. Có sao đâu.
Các tiền bối nói với nhau rằng:
- Bài Qua Đèo Ngang là một cái gò cao không cây cối. Chúng mình trèo lên chơi không thấy hứng thú chi cả. Nhưng khi đã lên đến đỉnh rồi, đưa mắt nhìn quanh thì trời cao non xanh biển xanh, mênh mông bát ngát, làm cho tâm hồn như mọc cánh mà lên tiên:
Dừng chân ngoảnh lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Thật là tuyệt diệu!Nhưng nếu như không có 6 câu trên thì hai câu này không có chỗ dựa để đưa hứng thú của người đọc vào chổ vô biên. Cũng như câu ca dao:
Trời mưa trời gió
Xách đó đi đơm
Chạy về ăn cơm
Chạy ra mất đó
Từ ngày mất đó đó ơi
Đây không nghe được một lời nước non
Ý vị nằm ở câu lục bát cuối cùng. Nhưng nếu không có mấy câu nhạt nhẽo ở trên thì lấy gì làm gia vị cho câu kết thúc?
Bài Qua Đèo Ngang được biết đến nhiều, được nói đến nhiều nhưng không phải là bài tiêu biểu cho thơ bà Thanh Quan. Bài tiêu biểu là bài:

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá dẫu bền gan cùng tuế nguyệt (8)
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn thu gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Rõ là phong cách của Đường thi, Đường thi thời toàn thịnh.
Các nhà thơ Đường luật đều công nhận rằng về mặt thanh điệu thơ quốc âm từ xưa đến nay chưa có bài nào sánh kịp.

Cũng thuộc về ưu hạng bài Đường Chiều “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn” thượng dẫn và bài Cảnh Chiều Thu sau đây:
Lác đác tàu tiêu mấy hạt mưa
Bút thần khôn vẻ cảnh tiêu sơ (9)
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa trường giang phẳng lặng tờ
Bầu dốc giang san say chấp rượu
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ
Biết bao tao khách đường qua lại
Đối cảnh lòng ai khỏi thẫn thờ (10)

Bài Trấn Bắc Hoài Cổ cũng là một giai tác rất hiếm trong làng thơ Việt Nam.
Trấn Bắc hành cung cảnh dãi dầu (11)
Khách du qua bước chạnh lòng đau
Chín tầng sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ là đâu tá
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.

Để cho dễ nhận thấy thú vị trong bài thơ, tưởng cũng nên nói qua về đề tài.
Trấn Bắc Hành Cung vốn là một ngôi chùa nằm trên bờ Hồ Tây ở Hà Nội. Chùa cất từ năm 1615 dưới triều Lê, tên là An Quốc Tự. Chùa bị lụt trôi. Năm Vĩnh Tộ thứ 10 đời Lê Thần Tông (1630) chùa được xây cất lại lấy tên là Trấn Quốc Tự. Đến năm Dương Hòa thứ 5 (1640) Trịnh Tráng cho sửa sang lại, rộng rãi và đẹp đẽ và đổi tên là Trấn Bắc Tự. Từ đấy vua Lê, chúa Trịnh thường đến ngự để thưởng sen. Chùa Trấn Bắc trở thành hành cung. Sau khi chúa Trịnh mất ngôi, nhà Lê bị diệt thì cảnh huy hoàng ngày trước không còn nữa, mà chỉ còn ngôi chùa cổ kính, mùi sen hồ Tây, đám mây lưng trời, với làn sóng khi nổi khi chìm, với tiếng chuông chùa vừa vang đã lặng…
Đề vịnh Trấn Bắc khá nhiều, Hán có, Nôm có. Bài bà Thanh Quan được truyền tụng hơn cả. Chỉ tiếc câu kết, một tiếng “chưởi thề” không hợp với phong thái thanh tao đài các của 6 câu trên.
Bốn câu 3, 4, 5, 6 thì tuyệt diệu. Khí lực có phần lấn bài Thăng Long. Nghệ thuật lại mới mẻ sắc sảo hơn các bài thơ hay của tác giả. Nếu câu kết được trang nhã một chút thì là toàn bích. Vì tiếc một giai nhân dung mạo tuyệt vời mà đôi chân quá thô kệch, thi sĩ Đông Hồ đã mạnh tay cưa đi và thay vào đôi chân bằng “ni lông”
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Nước sắc trời không lẫn một màu.

LÊN KHÁN ĐÀI
Êm ái chiều xuân đến khán đài
Lâng lâng chẳng bận chút trần ai
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn rời
Bể khổ nghìn rùng mong tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi (12)
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây chín rõ mười.

Cặp trạng thật tuyệt!
Đài Khán Xuân ở cạnh vườn Bách Thảo, trên bờ Hồ Tây ở phía Nam chùa Trấn Quốc. Bà Thanh Quan chỉ lấy cái thần của cảnh vật đem vào thơ. Ý thú không kém câu “Chín tầng sen ngát… Năm sắc mây phong...” song khí vị của Khán Đài lạnh, của Trấn Bắc ấm, còn phong cách vẫn là phong cách Đường thi.
Có sách chép bài Lên Khán Đài Xuân là của Hồ Xuân Hương. Không đưa bằng chứng, chỉ dựa vào điểm là bà Hồ đã có lúc cư trú tại phường Khán Xuân là nơi có Khán Đài. Dám quả quyết là thơ của bà Thanh Quan là vì phong cách cặp trạng. Thơ bà Hồ điệu cấp giọng bổng, thơ bà Thanh Quan điệu hưởn giọng trầm. Mà âm vận câu này và cả hai câu nhất nhì, đượm vẻ nhàn nhã trang trọng, không thể lẫn với thơ bà Hồ. Chỉ nói bốn câu nhất, nhì, tam, tứ là vì bốn câu sau không phải của bà Thanh Quan mà là hậu giải của bài Phú Đắc “Tới đây mến cảnh mến thầy. Tuy vui đạo Phật khôn khuây lòng trần” thời Lê Thánh Tông.

Truyền rằng vua Lê Thánh Tông một hôm cùng đình thần ngự qua chùa Bà Đanh, gặp một thiếu nữ ra đề thi “Tới đây mến cảnh mến thầy. Tuy vui  đạo Phật khôn khuây lòng trần.” Nhà vua truyền các quan theo hầu làm thơ. Thân Nhân Trung vịnh:
Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc không tuy bụt vẫn lòng người
Chày kinh một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẫn sự đời.
Bể khổ nghìn rùng mong tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào nào Cực Lạc là đâu tá
Cực Lạc là đây rõ chín mười.

Thiếu nữ chê câu 3, 4 thiếu ý cảnh, chữa lại:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.
Chứng cớ rành rành ra đó thì chúng ta thử hỏi đó là do bà Thanh Quan tự ý mượn thơ của cổ nhân đem vào thơ mình cho đỡ tốn công sáng tác, hay là người sau tìm không thấy bốn câu sau bị thất lạc, bèn lấy thơ cổ điền điền vào? Chưa ai dám quả quyết.
Thôi cứ để đó.
Chúng ta hãy bước sang Đầu Đề.

Trừ bài Qua Đèo Ngang Tức Cảnh, hầu hết các bài thơ còn lưu thế của bà Thanh Quan không có bài nào có một đầu đề nhất định. Như hai bài Đường Chiều, sách thì chép là Cảnh Chiều Hôm, sách thì chép là Chiều Hôm Nhớ Nhà. Bài Trấn Bắc Hoài Cổ có nơi thì chép Chơi Chùa Trấn Quốc hay Chơi Chùa Trấn Bắc v.v..
Tại sao thế? Tại vì có hai loại thơ. Thơ Hữu đề và thơ Vô đề. Thơ Hữu đề là loại thơ có có đề rồi mới làm thơ, thường là thơ cử nghiệp.Thơ Vô đề là thơ tài tử, thơ làm rồi mới đặt tên hoặc theo chủ ý của bài mà đặt, hoặc lựa một vài chữ trong hai câu đầu hay trong câu chót, mà làm đầu đề; hoặc để khỏi mất công chọn lựa, đề ngay hai chữ Vô đề trên đầu; hoặc không để gì hết, người sau sưu tập thành sách mới lựa cho một cái tên để làm mục lục, bá nhân bá ý nên ở sách này bài thơ mang đề này, sách kia cũng bài thơ ấy lại mang đề khác.
Cho nên xem thơ bà Thanh Quan không nên chấp đầu đề, không nên dựa vào đầu đề để tìm chủ ý.
Thơ bà Thanh Quan còn truyền thế đều là thơ cảnh. Nhưng không phải cảnh thuần túy. Bà mượn cảnh để tả tình, mà tình của bà phần lớn là tình hoài cổ và tư gia. Tình thì buồn, có khi buồn ray rứt, nhưng cảnh lại đẹp song đẹp như một chiếc áo gấm nhiều màu mà bên ngoài có khoác một lớp áo choàng mỏng bằng sa trắng, cái đẹp của nghìn xưa còn mơ màng trong nhớ tiếc.
Thơ bà Thanh Quan và bà Hồ Xuân Hương là hai ngọn núi cao đứng song song. Nhưng thơ bà Thanh Quan là ngọn núi đứng trong nơi quạnh vắng cây cối xanh tươi vây quanh những di tích của thành lũy, của đền đài... trước kia lộng lẫy nguy nga mà hiện thời điêu tàn hoang phế. Còn thơ bà Hồ Xuân Hương là một ngọn núi đứng bên đường luôn luôn có bóng người qua lại, có cổ thụ có kỳ thạch và cây cũng như đá đều muốn đâm toạc lưng mây.

Các bậc tiền bối thường nói cùng nhau rằng:
- Trong làng thơ Đường luật, bà Hồ là một kỳ nữ, bà Thanh Quan là một tài nữ. Bọn cầm bút chúng ta chỉ đứng xa mà ngó thôi.
Chị em chúng mình nên tin là không phải lời nói quá đáng vì những người nói ra lời ấy, người nào cũng có hàng trăm bài thơ Đường luật trở lên và đã có danh trong văn giới.
____________________________________________________________________________

(1) Xem Từ Điển Văn Học, từ Thanh Quan, trang 350 tập II, do nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1964. Ông huyện Thanh Quan tên là Lưu Nghi, tự là Nguyên Ôn, có chỗ đọc là Nguyên Uẩn, ở làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì , tỉnh Hà Đông.
Huyện Thanh Quan sau đổi là Thái Ninh tỉnh Thái Bình.
(2) Có sách chép là vua Tự Đức vời vào cung.
Không đúng. Phải là vua Minh Mạng hay Thiệu Trị. Vì khi bà vào Kinh thì ông Lưu Nghi còn sống, nên trong thơ mới có những câu “kẻ chốn chương đài người lữ thứ”. “Ơi bạn tình chung có thấu là”. Ông Lưu Nghi mất năm 1847 cuối triều Thiệu Trị. Trong sách Nữ Thi Hào Việt Nam, soạn giả Phạm Xuân Độ có ghi rõ ràng ông Lưu Nghi đậu cử nhân năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và sau khi làm tri huyện Thanh Quan được ít lâu thì được thăng chức vào làm ở bộ Hình Huế. Sách Nữ Thi hào cũng chép là “vua Tự Đức vời vào cung”. Nếu bà được vời vào cung thời Tự Đức (1847-1883)thì bà “lấy ai mà kể nổi hàn ôn”.
(3) Đèo Ngang tên chữ là Hoành Sơn, nằm giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Nhưng nói cho đúng Hoành sơn là dãy núi Ngang. Còn Đèo Ngang là con đèo chạy qua núi Ngang. Cũng như Đại Lãnh là dãy núi nằm giữa Phú Yên và Khánh Hòa mà đèo Cả là con đèo chạy qua Đại Lãnh, cho nên cũng gọi là đèo Đại Lãnh (Đại Lãnh là núi Cả).
(4) Các sách đều chép là “Dừng chân đứng lại”. Dừng chân là đứng lại. Nói “dừng chân đứng lại” có khác gì nói “giờ tý canh ba” “tiếng ngoảnh lại”cho biết rằng lúc ấy tác giả đã xuống đến chân đèo rồi.
(5) Chương Đài là nơi có dinh thự khang trang, chỉ nơi ông huyện Thanh Quan đề lỵ. Lữ thứ là quán khách, chỉ nơi tác giả cư trú.
(6) Khoáng dã là đồng rộng
(7) Bình sa là bãi cát vàng
(8) Nhiều sách chép “Lòng quê mỗi bước dường ngao ngán”. Trên đã nói "Dặm liễu bâng khuâng khách nhớ nhà” rồi mà dưới còn nói “Lòng quê” thì điệp ý. “Đường đi mỗi bước lòng ngao ngán”, Ý nói là ngán con đường đi. Ý này làm cho ý “nhớ nhà” thêm mạnh.
(9) Các sách đều chép “Mấy kẻ tình chung”. Có được một người tình chung đã là khó, làm gì có được đến “mấy kẻ”? Nếu bảo rằng đây là nói chung “những kẻ tình chung trong đời” chớ không phải nói riêng về mình. Sao được. Bụng ai nấy biết. Mà bụng người ta mặc người ta hỏi làm gì?
(8b) Bài Thăng Long: Câu 5 các sách đều chép là “Đá vẫn..
(9b) Bài Cảnh Chiều Thu. Câu 2 các sách đều chép là “Khen ai khéo vẻ cảnh tiêu sơ"
(10) Câu 7,8 các sách đều chép:
Ô hay cảnh cũng ưa người nhỉ?
Ai thấy mà ai chẳng ngẩn ngơ.
Có người vin vào câu này cho là ý lẳng lơ và bảo bài Cảnh Chiều Thu là của Hồ Xuân Hương. Lại có sách chép:
Khách tình mấy lúc thường qua lại
Ai thấy lòng ai khỏi thẫn thờ
Và cũng cho là giọng của Hồ Xuân Hương. Chúng tôi chép theo tập Hương Vườn Cũ của chúng tôi.
(11) Hành cung: nơi vua chúa nghỉ ngơi khi ra khỏi hoàng cung.
(12) Các sách đều chép
Bể ái nghìn trùng không tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi.
“Nguồn ân bể ái” là chữ đi liền để nói về tình nam nữ. Tách ra để đối chọi nhau thì non tay bút quá. Huống nữa là chữ trong hai câu này mượn ở câu:
Ái hà thiên xích lãng
Khổ ải vạn trùng ba
(Sông yêu có nghìn con sóng nhỏ
Bể khổ có đến vạn đợt sóng to)
Câu “Bể khổ nghìn trùng mong tát cạn” ngụ ý muốn đi tu cho thành Phật để cứu chúng sinh khỏi khổ hải.
Câu “Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi” ý nói “Muốn như thế song không dễ gì tát cho vơi lòng ân ái”.
Hai câu này khai triển ý “Tuy vui đạo Phật, khôn khuây lòng trần” đã giải thích nơi cặp trạng “Gió thông..Hồn bướm..”

Mượn 4 câu trong bài phú đắc đời Lê chắp vào bài Khán Đài của bà Thanh Quan, thì bài bà Thanh Quan thành một áo vá mà người tinh mắt thấy rõ đường chắp nối không mấy khéo.