12. DIỆU LIÊN CÔNG CHÚA



Diệu Liên là tên Tự
Tên thật là Lại Đức, hiệu là Mai Am.
Con gái vua Minh Mạng (1820-1840), em ruột thi hào Tùng Thiện Vương và Huệ Phổ cùng Nguyệt Đình công chúa.
Tùng Thiên Vương và Tuy Lý Vương là anh em khác mẹ.
Công chúa Diệu Liên cũng như hai công chúa Nguyệt Đình và Huệ Phổ đều được hai nhà thi hào Tùng Tuy rèn luyện từ lúc còn nhỏ. Ba công chúa đều nổi tiếng hay chữ hay thơ. Nhưng công chúa Diệu Liên được văn giới đề cập thường hơn hết, bởi thơ làm nhiều và được phổ biến hơn hai bà chị.

Diệu Liên nổi tiếng từ lúc nhỏ.
Một hôm, vào đêm rằm tháng mười, công chúa cùng anh và các con của Tùng Thiện Vương đi dạo trăng ở vườn hoa Kỳ Thường. Vương bảo làm thơ liên ngâm, vịnh Trăng Rằm, công chúa liền ứng khẩu mở đề:
Mãn đình hành táo thủy không minh
Minh diệp sơ quân dạ khí thanh
Ảnh giới sơn hà khai ngọc kính

Tùng Thiện Vương cùng các con mỗi người tiếp theo mỗi câu:
Hàn kiêm sương lộ trạc kim kình
Sứ quân chính ức Hoàng lâu yến
Võ khách chân lân Xích Bích hành
Hà tất trung thu chiêm bạch thố
Kim tiêu dĩ thị tối tinh oanh

Cháu nội Tùng Thiện Vương là Ưng Trình dịch:
Trúc tùng sân nối bóng như rong (1)
Khẳm lá Minh vua buổi khí trong (2)
Gương ngọc soi chung sông núi rạng
Mâm vàng lạnh thấm móc sương lồng
Hoàng lâu nhớ đến người trong tiệc (3)
Xích Bích thương cho khách giữa dòng (4)
Ánh thỏ trung thu chừng cũng thế
Hôm nay thấy đã rõ mười trùng.

Tài mẫn thiệp của công chúa không mấy lúc mà bay xa.
Lớn lên kết duyên cùng ông Thân Như, một người có học vấn, có tài năng. Vợ chồng lấy văn chương mà đãi nhau, người đời truyền làm giai sự.
Ông Thân Như vì việc nước phải vào Nam. Để gởi lòng thương nhớ công chúa có bài:

ỨC MAI
Lâm đường tạc dạ sóc phong suy
Tiểu các thanh hàn độc tọa trì
Địch lý quan san sầu cựu khúc
Thúy biên ly lạc nhận tiền kỳ
Hương nam tuyết bắc vô phương tấn
Nguyệt địa vân giai hữu mộng ty
Dục bã tân từ viễn tương tặng
Mỹ nhân uyển tại thủy chi my

Tạm dịch:
NHỚ MAI
Rừng ao ngọn bấc thoảng canh trường
Gác nhỏ đìu hiu chiếc bóng nương
Nước gợn nguyền xưa rào để nhớ
Đèo vang khúc cũ địch đưa thương
Nam hương bắc tuyết đường ngăn cách
Sân nguyệt thềm mây mộng vấn vương
Muôn dặm lòng thơ mong gởi tặng
Bên song người đẹp thẫn thờ gương.

Công chúa là một đóa hoa ở nơi cung đình xa cách dân gian, nên cuộc đời như sao, sự nghiệp văn chương như sao, khách làng thơ ít người biết rõ. Chỉ biết đại khái rằng công chúa có để lại tập thơ nhan đề là Diệu Liên thi tập.
Tập thơ này không được phổ biến. Chỉ nghe những lời tán thưởng của một ít thi nhân.

Cụ Hà Đình một vị cự khanh triều Tự Đức đề tập Diệu Liên có câu:
Ngâm đáo Ức Mai thanh vận tuyệt
Bất phòng biệt hiệu tác Mai Am
Nghĩa là:
Ức Mai âm điệu tuyệt vời
Hiệu Mai Am khiến tiếng đời thêm thơm.

Đọc tập Diệu Liên, một danh sĩ ở Trung quốc gởi sang tặng tác giả một tuyệt rằng:
Nguyệt Đình Huệ Phổ tài danh thạnh
Cánh thuyết thi viên hữu Phạm Hồ
Viễn khách vị năng khuy chỉ trảo
Thử tâm trường nguyện bái Ma Cô
Tạm dịch:
Nguyệt Đình Huệ Phổ đã tài
Vườn thơ còn khách ngang vai Phạm Hồ
Chưa tường móng ngón dường mô (5)
Cúi đầu dâng trước Ma Cô tấc thành.

Một thi sĩ đất Tần Môn bên Trung quốc, sang Việt Nam được Tùng Tuy mời vào phủ xướng họa. Thi sĩ tên là Hoàng Diên Khuê. Họ Hoàng chẳng những phục tài hai Vương gia, mà cũng rất phục tài Diệu Liên công chúa. Họ Hoàng có tặng công chúa một tuyệt trong có câu:
Khởi duy tài điệu siêu Hồ Phạm
Ban Tạ ư kim hữu thế nhân
Nghĩa là:
Phải đâu chỉ vượt Phạm Hồ
Nàng Ban ả Tạ bây giờ lại sanh.
Ý nói: công chúa tài cao chẳng những hơn Hồ Xuân Hương, Phạm Lam Anh ở Việt Nam mà thôi như lời Hoàng Diên Khuê đã ca tụng, công chúa thật ngang hàng với Ban Chiêu, Tạ Uẩn của Trung quốc là hai tài tử danh nổi cổ kim (6).
Tài về thơ chữ Hán là như thế. Không biết về quốc âm công chúa có sở trường hay chăng? Chắc là chê  “nôm na” không lưu ý, nên không nghe truyền câu nào làm duyên.
_____________________________________________________________________

(1) Tô Đông Pha nói: “Đêm rằm bóng trúc bóng tùng nổi lên giữa sân như rong trong nước”
(2) Cây Minh, một loại như ngô đồng nhưng có tính chất đặc biệt là lá thay đổi từng tháng. Cứ mỗi ngày sanh một lá, sanh đủ 1 lá thì bắt đầu rụng, rụng hết 15 lá thì lại bắt đầu sanh lá non. Người xưa gọi là “lịch trời”.
“Khẳm là Minh” là “đày nửa tháng trước” tức là rằm. Câu 1 nói trăng, câu 2 nói rằm.
(3) Hoàng lâu: chưa rõ điển. Có lẽ là địa điểm dùng đãi yến để đưa người đi sứ một đêm rằm nào đó.
(4) Xích Bích: Sông Xích Bích nơi Chu Du dùng hỏa công đánh Tào Tháo. Tô Đông Pha nhân đi chơi trên dòng Xích Bích đêm rằm tháng tám, sáng tác bài Xích Bích phú trong đó có nhắc đèn trận hỏa công xưa.
(5) Ma Cô: là một nữ thần trẻ đẹp, ngón và móng tay rất dài và rất đẹp.
(6) Ban Tạ: là Ban Chiêu đời Hán, Tạ Đạo Uẩn đời Tấn. Trong thơ văn Trung quốc và Việt Nam thường dùng để khen những phụ nữ có tài văn chương. Có sách chép là Ban Tả là Ban Chiêu và Tả Phan. Tả Phan cũng là một tài nữ nổi danh. Nên dùng Ban Tạ hay Ban Tả đều không có chi khác.

Nguyệt Đình và Huệ Phổ chỉ nghe danh chớ chưa được đọc thơ, nên không có bài giới thiệu.