13. BÀ BANG NHÃN



Không biết rõ họ tên, chỉ biết bà là vợ ông Phan Quỳ làm Bang tá tục gọi là Bang Nhãn, người tỉnh Quảng Nam. Bà sống vào khoảng Tự Đức, Thành Thái, tức khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Ông Phan Quì là một người hay chữ có tiếng ở Quảng Nam. Khi ông Quì còn sống thì không ai biết đến bà là người giỏi thơ. Nhưng sau khi ông Quì qua đời, tiếng tăm của bà lại nổi khắp tỉnh. Bà từng xướng họa cùng các danh sĩ đương thời. Ai cũng lấy làm lạ và ngờ rằng hồn ông Quì đã nhập vào bà. Có người tỏ ý khinh thị, thích thực câu tục ngữ “Phụng hoàng đua bìm bịp cũng đua, mâm thau nhịp mo nang cũng nhịp”.
Trau tria lông cánh theo ngàn nhẫn
Chung chạ thanh âm đủ bốn nghề.
Lời khinh bạc ý nói rằng bà đua đòi làm thi phú đã dựa vào đó mà chung chạ cùng khách phong tao. Bà liền đáp lai bằng câu trạng câu tục ngữ “Trâu nghé không sợ cọp”
Non nớt mới nhô sừng bắp chuối
Hung hăng nào ngại vện tàu cau.
Bà nổi tiếng vè thơ quốc âm.
Thơ bà làm nhiều nhưng chỉ còn lưu truyền chỉ hai luật:

QUA CỬA HÀN
Rầm rầm ngựa lại lại xe qua
Nhượng địa là đây có phải a?
Liếc mắt nhìn quanh phong cảnh lạ
Chạnh lòng tưởng tới nước non ta
Những trang hồ thỉ đi đâu vắng?
Để cuộc tang thương tủi lắm mà!
Há phải Đường Ngu mà ấp tổn
Nào Thang nào Võ ở mô na?

Cửa Hàn tức là Đà Nẵng. Năm 1886, triều đình Huế làm tờ nhượng Đà Nẵng cùng Hải Phòng, Hà Nội cho thực dân Pháp làm đất Nhượng địa (Concession francaise).
Bà Bang Nhãn, mượn việc vua Đường Nghiêu nhượng ngôi cho cho vua Ngu Thuấn để ám chỉ việc cắt Đà Nẵng nhượng cho Pháp (1). Vua Nghiêu nhượng ngôi cho vua Thuấn là vì vua Thuấn là người hiền. Rồi sau vua Thuấn lại truyền ngôi cho vua Vũ cũng là người hiền. Đó là truyền hiền (ấp tổn). Vua hiền truyền ngôi cho người hiền chứ không truyền cho con cháu. Như thế là hợp thiên mệnh hợp nhân tâm. Còn đây vua Đồng Khánh là vua “bù nhìn” lại nhượng đất cho bọn ngoại bang cướp nước, đâu có hợp ý trời, thuận lòng dân. Cho nên bà  mới mong có người tài đức khởi nghĩa đánh đuổi bọn thực dân đem đất về cho Tổ quốc cho dân tộc như vua Thành Thang đã diệt Kiệt, vua Võ vương đã diệt Trụ, xây dựng thái bình thịnh vượng cho nước cho dân (2)
Bài thơ tự nhiên mà hùng tráng từ trên xuống dưới đi một hơi, khích động lòng người đọc một cách mạnh mẽ sâu sắc.
Câu kết có người đọc là:
Cân quắc lại không tài kiếm mã
Gấm gan nghĩ giận bấy trời già
Câu này cũng hay lắm.
Bọn đàn ông tự xưng là “tang bồng hồ thỉ” (3) trốn đâu hết để cho nước nhà bị cái nhục xâm lăng! Còn mình là phận gái, muốn ra dành lại non sông lại không thể cầm gươm lên ngựa được. Nghĩ giận trời già bày chi cuộc bể dâu, mà lại sanh mình làm phận gái!
Rõ là khẩu khí của bậc “cân quắc anh hùng” (4)
Hay thì thật là hay, song đối câu:
Há phải Đường Ngu mà ấp tổn
Nào Thang nào Võ ở mô na
Thì câu này là bà Trưng chị, câu kia là bà Trưng em.
Câu “cân quắc..” phải nhường câu “Đường Ngu..”vì đây có phần tiêu cực, mà kia tinh thần tích cực ngút ngàn.
Nhưng bài Qua Cửa Hàn không được truyền tụng bằng bài:

NGŨ HÀNH SƠN
Cảnh trí nào hơn cảnh trí này
Bồng Lai âu hẳn cũng là đây
Khói lồng sắc đá non phơi gấm
Chùa nức hơi hương biển kéo mây
Ngư phủ gác cần ngơi mặt nước
Tiều phu chống búa tựa lưng cây
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.

Một bài thơ cảnh tuyệt diệu, trong làng thơ quốc âm chưa thấy bài nào hơn.Thơ cảnh của bà Thanh Quan, nhờ lòng hoài cổ làm màu sắc nên đẹp. Thơ cảnh mà phần lớn chỉ có tả cảnh mà rung cảm lòng người như bài Ngũ Hành Sơn trên đây thì thật hiếm. Cho nên bài thơ được truyền tụng khắp nơi từ Nam đến Bắc và các sách tuyển thơ, các sách giáo khoa đều có lục.
Nhưng sợ động thời văn, bài thơ bị cấm, nên đã sửa câu kết:
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Khen bấy thợ trời khéo đắp xây
Thật là đem viên đất sét thay viên kim cương:
Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách
Vút mắt Trường Sơn ác xế tây.

Ý nói: Phong cảnh nước nhà đẹp như thế mà nay đã thuộc về bọn Tây thực dân! Cắn răng mà kêu than! Một tiếng kêu trầm thống khí lạnh vút tầng mây.
Chính tiếng kêu não nùng nhưng kín đáo này đã làm cho Ngũ Hành Sơn có sức sống, quang cảnh Ngũ Hành Sơn trở nên linh động. Câu thơ này chính là cái hồn của bài Ngũ Hành Sơn.
Chỉ hai bài thơ còn để lại cũng đủ cho chúng ta thấy rằng bà Bang Nhãn là một khuê các phong lưu có hùng tâm có bút lực. Mong sao tiểu sư của bà, sự nghiệp văn chương của bà được có người ra công sưu tầm để phổ biến.
________________________________________________________________

(1) Vua Nghiêu có con trai, nhưng thấy ông Thuấn là người có tài có đức bèn nhường ngôi cho ông Thuấn chớ không truyền cho con. Ông Thuấn lên ngôi vua lập nhà Ngu. Sau nhân ông Vũ có công trị thủy cứu dân thoát khỏi nạn lụt hàng năm, ông Thuấn bèn nhường ngôi cho ông Vũ để lo việc trị quốc. Ông Vũ lên ngôi lập nhà Hạ. Được mấy đời truyền tử tới đời vua Kiệt hung tàn bạo ngược, nhân dân ta thán, Thành Thang khởi nghĩa diệt nhà Hạ cứu dân và lập nhà Thương. Từ vua Hạ Vũ trở về sau, ngôi vua không truyền hiền mà truyền tử lưu tôn. Vua cuối cùng của nhà Thương là Trụ vương tàn bạo dâm loạn không kém gì vua Kiệt. Vua nước chư hầu là Võ vương kéo binh đánh Trụ, lật đổ nhà Thương lập nhà Châu.
(2) Người xưa gọi việc diệt Kiệt Trụ là cách mạng. Tức là “đổi mệnh trời”, vì theo quan niệm cũ “vua là người thừa mệnh trời đứng ra lãnh nhiệm vụ trị quốc an dân”. Nay đánh đổ vua ác để thay thế đặng sửa sang nước nhà cho được bình trị theo ý trời. Hai tiếng cách mạng nay có nghĩa là “đánh đổ chế độ cũ mà xấu, dựng nên chế độ mới mà tốt.
(3) Tang bồng hồ thỉ: Cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng. Ngày xưa tục nước Tàu hễ đẻ con trai thì dùng cung tên giả bằng dâu bằng cỏ bắn lên trời, xuống đất và bốn phương, ngụ ý rằng con lớn lên sẽ có công nghiệp trong bốn phương trời đất. Bốn chữ ấy dùng để tỏ chí khí của nam nhi.
Tang thương là dâu bể do chữ thương hải tang điền mà ra.
(4) Cân quắc anh hùng: cân quắc là cái khăn bịt đầu của đàn bà. Cân quắc anh hùng là người anh hùng phái nữ.

(5) Khuê các phong lưu: khuê các là nơi con gái sang trọng ở (thật nghĩa là cửa sổ nhỏ ở trong cung). Phong lưu là cái đức tốt như ngọn gió (phong) ở chỗ này bay đến chỗ kia, như dòng nước (lưu) ở nơi nọ chảy đến nơi kia. Phong lưu là phẩm cách thanh cao của con người. Trong làng văn chương thường dùng để chỉ những người có văn tài cao, đức hạnh tốt.